1
21:29 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 75

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 69


Hôm nayHôm nay : 18898

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 301935

Tổng cộngTổng cộng : 27856219

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Lời Chúa và Các bài suy niệm LỄ T. PHÊRÔ & T. PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Thứ tư - 26/06/2013 21:03-Đã xem: 1312
Hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng cử hành lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô, lễ này cũng là dịp giúp chúng ta chiêm ngắm gương sống đức tin của các Ngài. Các Ngài là hai con người khác nhau, nhưng đón nhận cùng một đức tin từ Thiên Chúa, nhưng các Ngài đã vượt qua và ra đi rao giảng đức tin của mình.
Lời Chúa và Các bài suy niệm LỄ T. PHÊRÔ & T. PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Lời Chúa và Các bài suy niệm LỄ T. PHÊRÔ & T. PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

 

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU THEO THÁNH MAT-THÊU
"Con là Đá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Đó là lời Chúa.


LỜI CẦU NGUYỆN 

Kêu mời: Anh chị em thân mến, 
Thánh Phêrô và Phaolô, là những vị Tông đồ được Chúa chọn làm nền tảng xây dựng Hội Thánh Chúa. Chúng ta cảm tạ Chúa, vui mừng cùng với Hội Thánh, khi kính nhớ các ngài. Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

1. Chúa Giêsu phán với Phêrô: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho hàng giáo phẩm trong Hội Thánh, có cùng một đức tin và một lòng mến như Phêrô, để tận tình phục vụ Dân Thánh của Chúa.

2. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu có được lòng yêu mến Chúa như thánh Phêrô, để trung thành giữ đạo, và hăng say hoạt động Tông đồ giáo dân.

3. Chúa hỏi Phaolô: “Sao ngươi đi bắt bớ Ta?”. Chúng ta cầu nguyện cho những người chưa tin Chúa Kitô, và cả những người chống đối Chúa Kitô, được ánh sáng Chúa chiếu soi, và được ơn trở lại mà phục vụ Hội Thánh Chúa.

4. Thánh Phaolô dạy: “Vợ chồng hãy yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Kitô-hữu, trong họ đạo chúng ta, biết hết lòng yêu thương nhau, theo như Thánh Phaolô Tông đồ khuyên bảo.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của các Tông đồ. Xin cho chúng con khi đón nhận giáo huấn của các Tông đồ, cũng làm sống dậy đức tin của mình, và cộng tác với hàng giáo phẩm mà mở rộng Nước Trời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

* LỊCH SỬ

Lễ hôm nay không phải là ngày tử đạo của hai vị thánh Tông Đồ, nhưng có lẽ là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo trên đường Vua Appia, gần nhà thờ San Sebastianô ngày hôm nay. Người ta gặp thánh lễ này lần đầu tiên trong lịch của thành phố Rô-ma vào năm 354.

Simon, anh (hay em ?) của Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Ga-li-lê, làm nghề đánh cá, có gia đình. Tất cả đều bình thường cho đến ngày Đức Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người. Đức Giêsu đã ban cho ông tên mới là Kê-phát, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang Ngữ là Petrus : Phê-rô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (so Mt 16.13-20). Phê-rô luôn đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phê-rô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Ông đón nhận những người ngoại giáo đầu tiên gia nhập vào Hội Thánh (Cv 10,11). Lịch sử minh chứng ngài đã dừng chân tại Rô-ma và tử đạo dưới thời hoàng đế Nê-rô (khoảng năm 64-67).

Thánh Phao-lô tử đạo vào năm 67. Xưa hội thánh lấy ngày 30.6, sau ngày kính trọng thể Phêrô-Phaolô, để kính nhớ đặc biệt thánh Phaolô, nhưng lịch mới 1970 không còn nữa, ngược lại Hội Thánh nâng lễ “Thánh Phaolô trở lại” tháng Giêng lên bực cao hơn. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
 
A. Hạt giống...
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu :

1. Mức độ của dân chúng : nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.

2. Mức độ của Phêrô : được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác tức là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa (x. Các câu phía sau : cc 21-23)

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ : hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm với sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
 
B.... nẩy mầm.
1. Chúng ta thử xem xem chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào :
- Nếu chỉ coi Ngài là một ngôn sứ thì mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài sẽ rất thấp. Có chăng là chỉ để xin ơn ?
- Còn nếu đã coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời mình, thì mối giây liên hệ đã cao hơn nhưng chưa hẳn là đã hoàn hảo nhất là khi ta còn sợ khó, ngại khổ vì Ngài?

Có rất nhiều cách để khước từ thập giá : khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi nhìn các biến cố chỉ với cặp mắt của con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. ("Mỗi ngày một tin vui")

- Còn nếu ta sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài thì chắc chắn chúng ta sẽ thành thánh! Thánh Phêrô và Phaolô cũng không làm gì khác hơn như thế.

2.. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.
3. Nhìn lại cuộc đời theo Chúa của Phêrô chúng ta thấy ông đã sẵn sàng để cho Chúa uốn nắn, mài dũa ông như thế nào. Rất nhiều lần Chúa đã trách mắng ông, thậm chí có lần Chúa đã gọi ông là “Đồ Satan”, thế nhưng Phêrô vẫn luôn một lòng một dạ trung thành để rồi sau này ông có thể viết cho đoàn chiên Chúa trao cho Ông như thế này: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,15) - Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2,9)   


Đối với Phaolô thì chúng ta khỏi cần phải nói: Sau khi được Chúa kêu gọi trên con đường ông đi Damas, ông đã vào ẩn mình trong hoang địa. Ở đó Chúa đã tôi luyện ông để ông trở nên giống Chúa đến nỗi Ngài có thể tự hào: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Và Ngài khuyên những ai tin Chúa: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người”
Chúng ta hãy để cho Chúa uấn nắn, gọt dũa cuộc đời  của chúng ta...sao cho được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài!

4. Mừng lễ hai thánh tông đồ Phêrô Và Phaolô hôm nay, chúng ta cũng còn phải nhớ lại lời Chúa đã nói với Phêrô “Anh là Tảng Đá”.
Vào quãng đầu thế kỷ 19, Na-pô-lê-ông đệ nhất của nước Pháp đã chinh phục hầu hết các nước Châu âu. Năm 1804 ông lên ngôi hoàng đế.
Để được các nước Âu châu thần phục mình, ông đã mời Đức Giáo Hoàng Piô VII đến tấn phong hoàng đế cho ông. Ông cũng cố gắng thuyết phục vị Giáo Hoàng dời tòa thánh về Pa-ris. Nghe những lời vừa đe dọa vừa vuốt ve của Na-pô-lê-ông, Đức Piô VII chỉ mỉm cười và nói:
- Hài kịch của ông thật là xuất sắc.
Bị chạm tự ái, Na-pô-lê-ông cầm lấy sơ đồ vương cung thánh đường thánh Phê-rô vừa xé vừa nói:
- Đây là điều mà ta sẽ làm cho Giáo Hội. Ta sẽ dẫm nát Giáo Hội ra từng mảnh.
Nghe thế vị Giáo Hoàng vẫn bình tĩnh nói:
- Bây giờ lại đến lượt bi kịch.

Đúng vậy, Na-pô-lê-ông đã bắt đầu bi kịch bằng cách tống giam vị Giáo Hoàng rồi chiếm lấy những lãnh thổ thuộc về Giáo Hội. Nhưng thảm kịch lại xảy ra cho chính ông. Đúng bốn ngày sau Na-pô-lê-ông thất trận lần đầu tiên, từ trong tù, vị Giáo Hoàng cũng thể hiện quyền lãnh đạo của ngài. Ngài đã dứt phép thông công Na-pô-lê-ông, nghĩa không cho ông tham dự vào đời sống của Giáo Hội nữa.
Na-pô-lê-ông gầm thét lên cách giận dữ, ông nói với Đức Giáo Hoàng:

- Đức Giáo Hoàng nghĩ rằng với việc rút phép thông công ấy, binh sĩ của ta sẽ buông súng ư ?
Chỉ vài năm sau, từ những cánh đồng băng giá bên nước Nga, một bản báo cáo được đánh đi:”Các binh sĩ của chúng ta đang buông súng”.
Năm 1812, Na-pô-lê-ông dẫn quân ra khỏi nước Nga, và năm sau đó ông hoàn toàn bị quân đồng minh đánh bại. Tại chính biệt thự Phông-ten-bơ- rô nơi ông đang giam giữ Đức Giáo Hoàng Piô VII, hoàng đế của nước Pháp đã ký tên từ chức. Và Đức Piô VII trở lại Rô-ma giữa tiếng reo hò mừng vui của thế giới công giáo.
Hãy tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài để luôn được sống trong bình an mặc cho những sóng gió phũ phàng nhiều lúc làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng con thuyền Giáo Hội như có vẻ sắp chìm. Hãy nhớ Chúa Giêsu luôn ở với Giáo Hội của Người. Amen.
 

TRANH CÃI THẾ NÀO

 

Có một cặp vợ chồng sống trong một căn hộ, họ thường tranh cãi nhau to tiếng và lâu dài hầu như mỗi đêm. Qua những bức tường không cách âm, một cặp vợ chồng khác ở căn hộ kế cận có thể nghe tiếng họ la hét. Vậy phải làm gì để ngừng sự quấy rầy này, để giúp cho cặp vợ chồng kia nói nhỏ nhẹ hơn? Cặp vợ chồng bên cạnh quyết định một cuộc tranh cãi để cặp vợ chồng kia có một vài ý tưởng về sự ồn ào đáng sợ thế nào. Họ đứng sát tường rồi bắt đầu la hét nhau. Và hầu như tức thời cặp vợ chồng kia ngừng cãi nhau. Và không bao giờ họ la rầy nhau nữa.

Tất cả chúng ta có tranh cãi nhau, vì không có hai người trong chúng ta hoàn toàn giống nhau, không có hai người trong chúng ta nhìn cùng sự vật theo cùng một cách thức. Chúng ta có những khác biệt, và chúng ta bày tỏ những khác biệt này. Có nhiều cách tranh cãi lành mạnh, nếu chúng ta thực sự trao dổi tư tưởng, quan điểm và lý luận, chúng ta có thể học được nhiều nhờ trao đổi tư tưởng với người khác.

Hôm nay chúng ta tôn vinh hai vị thủ lãnh của Giáo hội, thánh Phêrô và thánh Phaolô. Các Ngài là những vị thánh, tuy nhiên các Ngài cũng đã có một cuộc tranh cãi. Thánh Phêrô nghĩ rằng: người nào muốn nhập cộng đoàn những người tin theo Chúa Kitô, thì trứơc hết phải trở nên người Do thái, họ phải chịu cắt bì và tuân theo nhiều qui tắc của lề luật Do thái. Thánh Phaolô thì nghĩ khác. Các Ngài đã tranh cãi công khai. Tại cộng đồng Giêrualem, các Ngài quyết định sự  tranh cãi bằng cách nhắc đi nhắc lại những điều Chúa Kitô đã dạy các Ngài, nghĩa là Chúa Kitô đã thiết lập Giáo hội của Ngài không chỉ cho người Do thái mà cho cả người ngoài Do thái, dân ngoại.


Nếu bạn phải tranh cãi, thì hãy theo khuôn vàng thứơc ngọc là: hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho bạn. Hãy tranh cãi với người khác như bạn muốn họ tranh cãi với bạn. Hãy lắng nghe, thực sự lắng nghe. Hãy mở rộng cho những ý tưởng khác với ý tưởng của bạn. Hãy chấp nhận là người khác có thông tin và kinh nghiệm vượt hơn bạn. Bạn đừng chửi bới, hay nguyền rủa, thiên vị, bất công hay lăng mạ. Bạn hãy giữ lời nói ôn hòa, đừng hăm dọa chút nào. Bạn hãy lắng nghe chính mình và người khác. Hãy nghe cuộc tranh cãi dữ dội như cặp vợ chồng thứ nhất trong câu chuyện đã làm.

Trước hết, bạn hãy cầu xin cho được hiểu biết và bình an. Hãy xin Chúa thực sự. Hãy cầu nguyện với ý nghĩa đăc biệt của lời kinh nguyện Thánh Thể II: “Xin cho chúng con khi thông Mình và Máu Chúa Kitô được hợp nhất cùng nhau nhờ Chúa Thánh Thần”.

Trong công đồng Vat. II, đã có những sự tranh cãi giữa 2500 giám mục. Một số trong những trao đổi này rất là nặng nề. Nhưng các Ngài đã giải quyết những khác biệt của mình theo đường lối giống Chúa Kitô.

Ngày nay, cũng có những tranh cãi trong gia đình của Thiên Chúa, nếu thánh Phêrô và Phaolô có những khác biệt, thì chúng ta cũng có thể thâý được những tranh cãi trong tổ chức phức tạp và mở rộng toàn cầu, đó là Giáo hội, chúng ta cũng có thể thấy những khác biệt trong chính giáo xứ chúng ta. Bạn hãy giải quyết chung trong tinh thần của Chúa Kitô, trong tinh thần khuôn vàng thước ngọc của Ngài.

Lạy Chúa, xin gìn giữ  con khỏi tranh cãi, nhưng nếu con phải tranh cãi, thỉ xin giúp con hành động theo tinh thần của Chúa.
Xin Chúa chúc lành  cho các bạn.
 

 

GIÁO HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO HÈN TỘI LỖI
LẠY THẦY, THẦY BIẾT RÕ, CON YÊU MẾN THẦY

 
Cũng như hai môn đệ Phê-rô và Phao-lô, toàn thể Hội Thánh và từng người môn đệ của Thầy Giê-su đều chỉ có chung một trái tim. Trái tim này không phải bằng đá, cũng không phải bằng thịt, nhưng là trái tim bằng Lửa, Lửa Thánh Linh, Lửa Mạc Khải từ Cha. Đó là Ngọn Lửa khiến Hội Thánh và người môn đệ luôn dám yêu, dám tin, dám tuyên xưng, dám loan báo rằng Thầy mình là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Sở dĩ người môn đệ thực sự trở nên môn đệ của Thầy Giê-su, Hội Thánh thực sự là Hội Thánh của Thầy Giê-su, ấy là do niềm xác tín thần linh, do tình yêu thiết tha và huyền nhiệm, do lời loan báo bền bỉ chân thành trong Thánh Linh, rằng Đức Giê-su là Cứu Chúa của Hội Thánh, là lẽ sống của Hội Thánh, là tình yêu của Hội Thánh, là tất cả Niềm Vui Ơn Cứu Độ của Hội Thánh. Niềm tin đó, Tình yêu đó, lời Tuyên xưng và Loan báo đó, làm nên bản chất của Hội Thánh, là “lý do hiện hữu” cho Hội Thánh, là Đá Tảng để đặt nền toàn bộ “cuộc đời” của Hội Thánh.

Hội Thánh và người môn đệ không chỉ tin vào Thiên Chúa cao cả cách “chung chung”. Anh em Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo… và biết bao nhiêu con người cao qúi khác vẫn tin vào một Thiên Chúa, và tin một cách rất sâu xa, rất tha thiết, rất quyết liệt. Hội Thánh của Thầy Giê-su thì khác. Hội Thánh đến với Thiên Chúa qua một “anh” con người. Hội Thánh giao tiếp với Thiên Chúa qua sự giao tiếp đầy thân tình bằng hữu với một “anh” con người. Hội Thánh tin và yêu một “anh” con người, bằng một tình yêu và một niềm tin, trước hết, cũng rất theo thể cách con người, qua tất cả dáng vẻ tầm thường “phàm phu” của anh ta và của Hội Thánh. Hội Thánh mở lòng ra, chìm lặn vào trong nội tâm “anh” con người ấy, nên một với “anh” con người ấy, và qua đó, Hội Thánh dám gọi “anh” con người ấy, bác thợ mộc làng Na-da-rét ấy, tên tử tội khốn khổ ấy, là Đường Đi, là Sự Thật, là Sự Sống của mình. Và cũng từ “anh” con người ấy, Hội Thánh gặp được Thiên Chúa và dám gọi Thiên Chúa bằng “Cha”.
 

HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ TỘI
Phải, “anh” con người ấy đã mang tất cả sự tầm thường gần gụi như mọi con người nghèo hèn trần trụi. Anh ta không mang dáng vẻ tiên phong đạo cốt của nhà đạo sĩ. Anh cũng chẳng có vẻ bát ngát thênh thang và uy dũng ngất trời của bậc thiền sư. Anh càng không ung dung thư thái và nết na nề nếp của nhà hiền triết chính nhân quân tử. Anh cô đơn, anh đau đớn, anh lúi húi lom thom đi trong cuộc đời. Hội Thánh cảm thấy anh ấy gần mình lắm, vì Hội Thánh cũng tầm thường và nhỏ bé nghèo hèn như vậy. Môn đệ Phê-rô chỉ là bác “hai lúa”, “bác hai vạn chài”, chân chất và nông nổi. Môn đệ Phao-lô tuy là ông trí thức, là nhà đạo đức, nhưng lại có tất cả tính hiếu thắng đến gần như điên cuồng. Vâng, Hội Thánh là hội của những người có tội, nghèo hèn, khốn khổ, lơ láo, xơ xác. Đó là Hội của đám dân đen, Hội của những tên buôn thúng bán mẹt, Hội của những phường trộm cướp đĩ điếm, Hội của những con người trôi sông dạt chợ. Nhưng, Hội của những người có tội ấy, vẫn mãi mãi là Hội Thánh, phổ quát, thánh thiện, duy nhất, tông truyền, vì Hội Thánh luôn dám tuyên xưng, không phải chỉ ba lần, nhưng xin được thưa mãi mãi cùng Thầy rằng: “Bỏ Thầy, con biết theo ai, vì Thầy có Lời Ban Sự Sống”, và “Lạy Thầy, Thầy biết rõ, con yêu mến Thầy”.

Ngay lời tuyên xưng ấy cũng chẳng phải là lời “tự nhiên” phát ra từ trái tim “tự nhiên” của người môn đệ. Người môn đệ, đã từng bắt bớ Thầy, đã từng ngơ ngác nghi ngờ Thầy, đã từng sợ hãi chối bỏ Thầy, đã từng nuôi những tham vọng và ảo tưởng khi đi theo Thầy. Họ cũng tranh cãi và bất hòa với nhau nữa. Nhưng có sao đâu ! Người môn đệ vẫn lê lết thân phận nghèo hèn khốn khổ của mình như vậy, cho đến khi, Thầy chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Và trong lòng huyệt mộ hoá ra không của đời Thầy, trong Anh Tịnh Quang bất diệt của Quyền Năng Tình Yêu Phục Sinh của Thầy, họ mới biết thực sự Thầy là ai. Và cũng chỉ khi ấy, hơi thở Thần Linh Bình An của Thầy mới khiến họ thấm thía thấu hiểu và xác tín hơn gấp triệu lần nữa về lời tuyên xưng rằng: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Chúa Trời hằng sống”. Đó là lời tuyên xưng không do máu huyết xác thịt phàm nhân, nhưng do Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
 

ĐỨC KI-TÔ NGHÈO, HỘI THÁNH NGHÈO, CHO ĐÁM DÂN NGHÈO.
Như Thầy Giê-su, Hội Thánh vẫn bước đi trong cuộc đời, lom thom, nghèo hèn, yếu đuối. Hội Thánh, mang trong trái tim mình Sự Sống Thần Linh của Đấng mình yêu thương, vẫn tiếp tục đi vào lịch sử, vì Thiên Chúa và Người yêu của Hội Thánh luôn là Thiên Chúa đồng hành trong lịch sử. Và trong giòng lịch sử ấy, có hằng triệu, hàng tỉ những con người nghèo hèn, kém cỏi, tầm thường, yếu đưối, lom thom. Vì thế mà Hội Thánh càng xác tín vào Tình Yêu, vào Niềm Tin, vào Niềm Hy Vọng của mình. Hội Thánh biết, mình đã được trao cho “chìa khóa Nước Trời”. Hội Thánh cầm chìa khóa Nước Trời bởi vì Hội Thánh sẽ không bao giờ có quyền hành, không bao giờ có vinh vang, không bao giờ trở nên bề thế giàu sang chức tước, kể cả những quyền hành vinh vang về sự đạo đức và thánh thiện theo nghĩa tự sức gò lưng nỗ lực vươn lên. Hội Thánh, cũng như xiết bao kẻ trôi sông dạt chợ kia, biết rõ “thân phận” của mình, dù xiết bao nỗ lực, nhưng tự sức của mình, thì vẫn thất bại, vẫn chẳng bao giờ trở nên công chính, chẳng bao giờ trở nên vẹn toàn, chẳng bao giờ “tu thân tích đức” cho đàng hoàng được. Hội Thánh chỉ biết trông cậy hết mình vào Đấng do Thiên Chúa sai đến, Đức Giê-su, Người Thầy, Người Yêu, Người Bạn và Đấng Cứu Độ của Hội Thánh.

Và như vậy, niềm tin ấy, tình yêu ấy, lời loan báo ấy, chính là chìa khóa Nước Trời cho những kẻ nghèo hèn bé mọn. Cầm chìa khóa Nước Trời, không phải là Hội Thánh muốn làm gì thì làm, muốn cho ai điều gì thì cho, muốn cầm buộc ai theo “ý riêng” mình thì cầm buộc. Đó là chìa khóa Yêu Thương, chìa khóa Tôn Trọng và Nâng Niu con người cho đến tối đa, đồng hành và đồng phận với con người cho đến tối đa, hiến mạng sống mình cho nhân loại đến tối đa. Như Thầy Giê-su và từ Thầy Giê-su, Hội Thánh “cầm chìa khóa Nước Trời” bằng cách Hội Thánh đặt vào trong Trái Tim Thập Giá của mình tất cả những đau thương của kiếp người, tất cả những buồn khổ, tội lỗi, nỗi cô đơn, sự chia phôi, nỗi sinh ly tử biệt của kiếp người. Trung tín với Thầy Giê-su, Hội Thánh mãi loan báo Tình Yêu Tràn Đầy Trời Đất đó, thể hiện Tình Yêu vô điều kiện đó, vì Hội Thánh quá biết, và quá kinh nghiệm rằng: Thân phận con người, tự nó, là nghèo hèn, là thất bại. Con người nghèo hèn và thất bại ngay cả trong sự nỗ lực vươn lên tới Thiên Chúa Đích Bình an và Hạnh phúc của cuộc đời.
“Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà Đức Ki-tô đang sống trong tôi”. Lời tuyên xưhg ấy của môn đệ Phao-lô cũng luôn là ý thức và lời tuyên xưng của toàn thể Hội Thánh, để Hội Thánh cũng chỉ có một hành trang duy nhất ấy, một Trái Tim duy nhất ấy, như người nữ tỳ Ma-ri-a, để đem lại niềm Vui Mừng và Hy Vọng cho cuộc đời tang thương này.
 
 SƯU TẦM
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn