1
14:43 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 241

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 217


Hôm nayHôm nay : 17401

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 321523

Tổng cộngTổng cộng : 27875807

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » BẢN TIN TỔNG HỢP

Hồi ức Giáo xứ Quy Hậu, Tân Kỳ: Niềm vui ngày đại lễ khánh thành nhà thờ giáo xứ, 22/ 5/ 2008

Thứ sáu - 10/11/2023 15:40-Đã xem: 229
Những kỷ niệm tuôn trào: Niềm vui ngày đại lễ khánh thành nhà thờ giáo xứ Quy Hậu. Cha quản xứ Phao-lô Nguyễn Đức Vĩnh (12.1999 - 8. 2010) là người đứng ra thiết kế, chỉ đạo xây dựng và vận dụng gây nguồn kinh phí qua nhiều cách. Công trình trọn vẹn trong ba năm (2005 - 2008) miệt mài của cha con. Hoàn thành không nợ ai một đồng nào, còn đóng thừa 24 bộ bàn quỳ để giao cho họ Cừa đặt nhà thờ mới, dự tính ngày 10/12/ 2008 khởi công xây dựng. Vâng, nơi giáo xứ giàu tình Chúa tình người này sẽ là chốn “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.
Hồi ức Giáo xứ Quy Hậu, Tân Kỳ: Niềm vui ngày đại lễ khánh thành nhà thờ giáo xứ, 22/ 5/ 2008

Hồi ức Giáo xứ Quy Hậu, Tân Kỳ: Niềm vui ngày đại lễ khánh thành nhà thờ giáo xứ, 22/ 5/ 2008


 
GIÁO XỨ QUY HẬU
Niềm vui bùng phát trên miền sơn cước

Quy Hậu, một giáo xứ thuộc miền cực Tây Bắc của giáo phận Vinh. Với miền cao nguyên xứ Nghệ, trong những năm gần đây, vào thời điểm này, cảnh vật thật tĩnh lặng, bởi không còn tiếng reo la của đoàn người rượt đuổi những con thú rừng để săn bắn, không còn cảnh máy kéo máy cưa những cây đại thụ, cũng không còn cảnh nhấp nhô những bóng người ngoài đồng ruộng vì mùa vụ đang giai đoạn lúa làm đòng trổ bông. Những ngày này, nếu không ai vào Nam ra Bắc hay xuống miền xuôi để làm ăn, buôn bán thì còn lại chỉ quanh quẩn trong nhà. Chính vì thế đời sống như chìm trong tiếng gió ngàn vi vu...

Thế nhưng, năm nay, đặc biệt trong những ngày cuối tuần này, nhịp sống đó bỗng thay đổi đột ngột. Khuôn viên giáo xứ Quy Hậu được trang hoàng rực rỡ với cảnh cờ xí, băng rôn biểu ngữ, cây cảnh hoa nến, đường sá bằng phẳng, sạch sẽ, tiếng loa đài reo vang suốt ngày, tiếng xe cộ đủ loại ào ào đi lại, bóng người trong các loại trang phục lộng lẫy từ miền Nam ra, miền Bắc vào, miền xuôi lên và những thôn bản trên vùng hẻo lánh núi cao cũng tìm xuống, thậm chí có cả những người từ nước ngoài cũng về đây. Sở dĩ có điều đó là vì giáo xứ vùng núi xa xôi nhất của hạt Bảo Nham này đang có những những sự kiện to lớn đáng ghi nhớ và vui mừng.

Giáo xứ Quy Hậu nằm trong địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, được thành lập năm 1920. Không chỉ vào thời giáo xứ được thành lập, mà ngay cả vào những năm của thập niên 60, 70 vừa qua, nơi đây vẫn còn là vùng nguy hiểm bởi thú rừng hung dữ, khí hậu độc hại, đường sá đi lại nhỏ bé, quanh co theo các triền đồi khe suối…Và vì vậy, không ít những người dân nơi đây đã di cư vào miền Nam hay chuyển sang vùng khác.

Tuy nhiên, sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền đã có chương trình di dời dân cư đến những vùng đồng rộng người thưa. Vì thế, nhiều người dân vùng đồng bằng Nghệ An được khuyến khích đi vùng kinh tế nơi miệt Tân Kỳ. Nhờ đó xứ đạo Quy Hậu cũng đã có thêm những công dân, tín hữu.

Những người miền xuôi lên định cư nơi đây, nhờ kinh nghiệm về cải biến môi trường của mình, cũng như nhờ sự hướng dẫn của những vị hữu trách đạo đời, họ đã làm cho vùng đất hung dữ, độc hại trở nên hiền hòa, tốt lành. Trước hết, thuở còn hoang dã đó, họ đã đoàn kết làm thành những phường săn để vừa tìm kiếm thực phẩm, vừa để xua đuổi thú dữ đi xa. Tiếp đến, trong sự cho phép của thời bấy giờ, họ đã khai thác gỗ để vừa làm nhà cửa, đồ dùng, bán đổi kiếm sống, vừa để có đất trồng trọt hoa màu; đào mương dẫn thủy làm cho đồng ruộng không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên và cũng là để tẩy rửa những chất độc hại tồn đọng nơi nương rẫy; mở rộng đường sá giao thông, góp sức xây dựng trường học, trạm phòng y tế…. Từ đó, trong những năm tiếp theo, số người di cư đến đây đông hơn, làm cho cuộc sống trở nên nhộn nhịp và đi vào tổ chức chặt chẽ hơn.

Nhưng những năm gần đây, cảnh sống nhộn nhịp đó có xu hướng giảm xuống, vì ruộng đồng đã trở nên thâm canh; người dân đã ý thức, dưới sự hướng dẫn của chính quyền, lo bảo vệ tái tạo rừng; giữ gìn sự cân bằng sinh thái trong việc bảo vệ các loài động vật; những đợt di cư đến đây cũng đã được khoan giản, và những người đi lại buôn bán, trao đổi những sản phẩm được khai thác từ núi rừng cũng không còn nhiều như trước.

Đời sống đi vào ổn định, người dân nơi đây chỉ còn chăm lo sao cho mùa màng đúng thời vụ. Những ngày tháng náo động là những tuần gieo mạ, cày cấy, sau đó vài ba tuần là thời gian làm cỏ, bón đạm, xịt sâu, rồi vào thời điểm thu hoạch mùa và những ngày lễ tết; còn lại là những ngày tháng nhàn rỗi. Và như đã nói, nếu ai không đi làm ăn phương xa, thì còn lại là lo việc vặt vạnh quanh quẩn trong nhà, nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị cho những mùa vụ tới. Vì thế, cuộc sống rất bình yên, lặng lẽ.

Nhưng năm nay xứ đạo Quy Hậu không còn như thế. Từ vài tháng nay người ta đã thấy có những sự nhộn nhịp. Đâu đó từng nhóm người lo san sửa đường sá; góc này nhà kia có từng nhóm tập múa hát, học kịch; ở nhà xứ và nơi những nhà thầy cô giáo lý viên, học trò tập trung học hành đông đủ, chăm chỉ hơn; cha xứ và ban ngành họp bàn, phân công cho người này người kia … Những công việc này càng trở nên rộn ràng hơn trong vài ngày trở lại đây. Tất cả như một sự cố gắng sau cùng trong công tác chuẩn bị cho những đại sự sắp diễn ra.

Vào buổi chiều ngày 21.05.2008, từ 14 giờ, dưới bầu trời quang đãng, gió mát; dưới tiếng loa đài vọng lên những bài hát về tình Chúa, tình người, về quê hương cảnh sắc, từng đoàn người nhắm ngọn cờ Giáo Hội tung bay phất phới trên tháp chuông cao chót vót tiến về giáo xứ. Họ về đây để chuẩn bị chào đón Đức cha Phaolô Maria, vị mục tử kính yêu của giáo phận và là vị cha xứ cũ cách đây hơn 40 năm của họ. Ngài đến đây để cùng giáo xứ bước vào một giai đoạn mới của đời sống đức tin và chuyển mình của đời sống xã hội.

Trước hết, vào lúc 16 giờ cùng ngày, Đức cha đã long trọng cử hành Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho hơn 200 con em của giáo xứ miệt cao nguyên này. Chuyện Thêm Sức có lẽ là quá bình thường đối với những giáo xứ vùng đồng bằng. Nhưng với các thiếu nhi vùng sơn cước này, việc học hành để lãnh nhận bí tích nói chung và bí tích kết thúc giai đoạn khai tâm Kitô giáo nói riêng cả là một vấn đề. Dù những con đường chính đã được khơi nới, mở rộng và có cả rải nhựa trải dầu, nhưng phần nhiều những con đường còn lại vẫn lồi lõm, lầy lội, đồi dốc, quanh co. Vì vậy, chuyện các em đi học vào các buổi tối hay những ngày tập trung để ôn tập giáo lý là một thách đố. Gian nan hơn nữa là vào những ngày chuẩn bị cuối cùng cho việc lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, có những giáo họ cách xa hơn 40 km đường rừng phải đưa các em về nhà xứ để cha xứ bổ túc giáo lý và tập dợt nghi thức. Chính vì thế, khi giáo xứ có thêm những thành viên được lãnh nhận bảy ơn cả của Chúa Ngôi Ba là cả gia đình, cộng đoàn vui mừng. Kinh nghiệm mục vụ xứ hơn 10 năm nơi vùng rừng thiêng nước độc này, Đức cha đã bày tỏ sự ưu ái và ngợi khen sự vượt khó của các em thiếu nhi, các thầy cô giáo lý viên và của cha xứ đương nhiệm - Phaolô Nguyễn Văn Vĩnh. Đây là đợt Thêm Sức sau ba năm vừa rồi mới có.

Sau Thánh lễ, các thụ nhân Thêm Sức và các tín hữu trong 7 giáo họ ngoài cộng đoàn trị sở, nhất là những giáo họ cách xa 30, 40 km phải lo vội về, khiến chúng tôi tưởng chừng bầu không khí lễ hội chỉ có thoáng qua như thế. Nhưng không, sau khi ánh trăng của những ngày gần rằm mọc lên, từng đoàn người, nhất là các bạn trẻ lại ồ ạt kéo về khu vực trước tiền sảnh thánh đường. Thấy âm thanh, ánh sáng, loa đài, đàn nhạc chuẩn bị cẩn thận, với những lời thông báo rất trang trọng, khiến Đức cha tuổi đã 82, sau khi vượt chặng đường gần 90 km từ tòa giám mục Xã Đoài lên đây và mới cử hành lễ Thêm Sức trước đó vài giờ, vẫn hiện diện trước khán đài của đêm diễn nguyện có chủ đề: Tấu Lên Khúc Nhạc Tạ Ơn.

Khi thấy Đức cha và các linh mục khác về đây để chung vui những ngày đại lễ với giáo xứ Quy Hậu tiến ra hàng ghế danh dự trước khán đài, tôi nghĩ các ngài chỉ ra để an ủi, động viên các bạn trẻ vùng núi rừng xa xôi này. Nhưng thật bất ngờ, với sự điều dẫn chương trình của một nữ sinh viên trường Văn Hóa Nghệ Thuật là tín hữu trong xứ đạo, các tiết mục lần lượt được mở ra và từ từ chinh phục khán giả. Từ những điệu múa, lời ca, từ những câu chuyện hài và có tính thời sự, các bạn trẻ của giáo xứ đã nhận được những lời bình phẩm của những vị khách từ miền Nam ra và nước ngoài về: “rất chuyên nghiệp!” Tôi cũng là một trong những người, mạo muội tự nhận là khó tính về văn nghệ, nhưng cũng thực sự ngưỡng phục. Đức cha, quý cha và quý khách ngồi yên hơn 2 giờ đồng hồ để theo dõi và đã lần lượt khen tặng khá nhiều cho các nhóm diễn xuất là đủ biết sự hấp dẫn!

Điều tôi tâm đắc nhất là các tiết mục của đêm diễn nguyện đều chuyển tải nội dung giáo dục nhân bản và niềm tin. Thiết nghĩ, trước các bạn trẻ, và đặc biệt trước nhiều người lương dân, thì việc rao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa và Tin Mừng phải được thực hiện bằng một chương trình có tính nghệ thuật cao như thế này mới có sự hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Thấy một đêm diễn nguyện đặc sắc như thế, tôi mới hỏi thăm các diễn viên, thì được biết chính cha xứ là người đã tạo sự cuốn hút các bạn trẻ vào trong nghệ thuật và chăm chỉ tập luyện. Cha Phaolô Vĩnh đã giải thích cho các bạn trẻ hiểu giá trị của nghệ thuật - giá trị của cái đẹp; vai trò truyền giảng Tin Mừng của mọi tín hữu; hiệu quả của việc chuyển tải nội dung đạo lý và niềm tin bằng nghệ thuật; và hơn hết, chính cha cũng đã miệt mài soạn kịch bản, bỏ thời gian đạo diễn, cũng như không quên có những món quà khích lệ các em sau mỗi buổi tập.

Cũng xin nói thêm là ngay khi về nhận nhiệm vụ quản xứ, cha đã mua nhạc cụ về cho các em thiếu nhi học tập, cũng như tập cho các em trình bày, diễn đạt vấn đề trước đám đông. Vì vậy nhiều bạn trẻ nơi đây, sau gần mười năm sống dưới sự hướng dẫn của cha, giờ đã đảm nhận được những công việc văn nghệ tại thôn xóm, làng xã, cũng như cộng tác đắc lực vào trong công việc phụng vụ, diễn nguyện của giáo xứ.

Sáng hôm sau, tôi vẫn còn đang trong sự hưng phấn của những lời ca, điệu vũ của tối hôm trước, thì một niềm vui khác lớn hơn lại được mở ra.

Từ tinh mơ, những dòng người trên các phương tiện giao thông: xe máy, xe hơi loại nhỏ, loại to, xe dân thường, xe cán bộ, người bên giáo, kẻ bên lương… tiếp nối nhau tiến về khuôn viên giáo xứ Quy Hậu trên một ngọn đồi. Những đoàn người về đây là để chúc mừng cho giáo xứ cực Tây Bắc của giáo phận đã hoàn thành một ngôi thánh đường nguy nga, lộng lẫy với chiều dài 50 mét, rộng 17 mét và ngọn tháp hơn 40 mét.

Điều đáng nói về ngôi thánh đường này là khâu kỹ thuật và nhân công hoàn toàn do giáo họ trị sở với hơn 800 nhân danh thi công trong thời gian hơn 3 năm. Nó đặc biệt thêm nữa là rất nhiều ân nhân gần xa, trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước, bên đạo bên lương, thậm chí là cả huyện và xã đã giúp đỡ tiền bạc. Chính vì có sự giúp đỡ của nhiều người như thế, chính vì yêu thương một giáo xứ trên rẻo non cao, cho nên, trong ngày hoàn tất - có lẽ các ân nhân cũng muốn được nhìn thấy thành quả sự chia sẻ của mình - đã có hơn 2.000 khách mời, tín hữu và nhiều tu sĩ nam nữ, chủng sinh tham dự nghi thức cắt băng khánh thành và thánh lễ cung hiến thánh đường do Đức cha Phaolô Maria chủ sự cùng hơn 40 linh mục đồng tế.

Bày tỏ tâm tình trong lời tri ân cuối Thánh lễ, cha quản xứ PHAO-LÔ NGUYỄN ĐỨC VĨNH nói rằng: “Đây là một sự kiện lịch sử. Chỉ có hồng ân của Chúa, chỉ có tình thương của Đức cha, quý cha và quý ân nhân, giáo xứ chúng con mới có thành quả và niềm vui trọng đại như ngày hôm nay. Chúng con vui sướng, chúng con hạnh phúc! Chúng con chưa bao giờ dám mơ chốn cao sơn núi thẳm này lại có một ngày được nhiều thành phần trong Giáo Hội và xã hội về thăm viếng như thế này; và cũng không biết thuở nào mới có lại được như vậy”.

Thánh lễ cung hiến kết thúc trong bữa tiệc liên hoan, nhưng niềm vui thì vẫn tiếp tục được thêm vào. Từ chiều thứ Năm đến hết ngày Chúa nhật tuần này, giáo xứ có ngôi thánh đường vừa được cung hiến này sẽ làm Tuần Chầu Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho giáo phận.

Chắc chắn, những cuộc gặp gỡ tiếp theo với những người bà con, bằng hữu xa gần về đây tham dự Tuần Chầu, nhất là những lần gặp gỡ Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể, nơi bí tích Hòa Giải và trong lời Kinh Thánh do các linh mục trong giáo hạt trình bày, sẽ làm cho tâm hồn của hơn 2.200 tín hữu trong giáo xứ Quy Hậu ngập tràn niềm vui.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, ân tình đền đáp ân tình. Hy vọng rằng, giáo xứ Quy Hậu một khi đã nhận được niềm vui rồi thì sẽ tiếp tục mở rộng, đan dệt thêm nhiều niềm vui, bằng việc nỗ lực hơn nữa trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa qua những nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật, qua việc sống thân thiện, nhân ái với hết mọi người. Và chỉ khi mọi người nơi đây cố gắng hết sức để thực hiện những điều đó thì thái độ biết ơn của họ đối với các ân nhân mới thực sự được bày tỏ trọn vẹn và niềm vui của họ mới được tròn đầy và kéo dài luôn mãi; cũng như chính khi đó, nơi giáo xứ giàu tình Chúa tình người này sẽ là chốn “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.

 
Trung Hoa và Đức Vĩnh
Khánh thánh nhà thờ xứ: 22/ 5/ 2008
Bài viết : 24/ 5/ 2008

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn