1
07:11 +07 Chủ nhật, 05/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 86

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 85


Hôm nayHôm nay : 8159

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 176666

Tổng cộngTổng cộng : 28295914

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa Nhật 15 Thường niên

Thứ tư - 10/07/2013 22:16-Đã xem: 1287
Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa Nhật 15 Thường niên

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa Nhật 15 Thường niên

LỜI CHÚA TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C

BÀI ĐỌC I: Đnl 30, 10-14
"Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi".

Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi". Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37
Đáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con.
2) Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. 

3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

4) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.


BÀI ĐỌC II: Cl 1, 15-20
"Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất. Đó là lời Chúa.
 

ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
 


PHÚC ÂM: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy". 
Đó là lời Chúa.

Nhớ mang theo trái tim 

Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.

Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.

Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:

Đó phải là một trái tim nhạy bén.

Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.

Đó phải là một trái tim quan tâm.

Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.

Đó phải là một trái tim chung thuỷ.

Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.

Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?
2- Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?
3- Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?
4- Mang theo trái tim nghĩa là gì?

 

Ai là anh em của tôi? 

Sáng nay, khi đọc đoạn Phúc âm mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau trong thánh lễ này, tôi đã nghĩ đến ngay bài tập viết đầu tiên mà tôi đã phải cố gắng vẽ ngoằn ngoèo trên trang tập đầu tiên mới mua về. Đó là ngày tôi được thầy cho lên lớp bắt đầu tập viết những chữ a, b, c… Trưa về nhà khoe với mẹ, đúng ngay lúc cha tôi đang ngồi tiếp chuyện với một ông cụ nhà nho quen biết trong làng.

Nghe tôi khoe, cha tôi cầm lấy cuốn tập, mấy trang đầu đã đề những chữ a, b, c, rồi nói với ông cụ ngồi đối diện: Xin cụ viết giùm vào trong trang thứ hai này bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”. Cụ nhà nho viết xong, cha tôi đưa sang cho tôi đang đứng bên cạnh và nói: “Đây, con đến ngồi trên ghế cạnh kia rồi đồ lại những chữ này”. Thật là khốn khổ cho tôi lúc đó mới học viết được ba chữ a, b, c, mà bây giờ cha tôi lại bắt viết trọn cả bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh những chữ mà tôi cố gắng vẽ theo mà không hiểu gì cả, chỉ biết rằng đây là bốn chữ nói “Kính Chúa Yêu Người”. Biết được bằng lỗ tai, nghe qua miệng cha tôi nói, chứ lúc đó làm gì mà tôi đã đọc được bốn chữ “Kính chúa Yêu Người”. Và biến cố đã in sâu vào tâm trí tôi, đến nỗi mỗi lần nhớ đến cha tôi là mỗi lần tôi nhớ đến bài học đầu tiên này và cũng là bài học mà giờ đây tôi hiểu là cần phải học mãi suốt đời cũng chưa xong: “Kính Chúa Yêu Người”. Nhìn vào những chữ ngoằn ngoèo mà tôi đã phải viết ra hay nói đúng hơn phải đồ lại cho đầy trang giấy rồi mới được đi chơi, và có thể đây là hình phạt cho tật hay khoe của tôi lúc đó. Cha tôi mỉm cười bảo: “Con phải làm sao để sống được bốn chữ này cho đến chết mới thôi”.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và nhà thông luật hôm nay phần nào cũng có thể được ta hiểu theo viễn tượng của kinh nghiệm nhỏ của tuổi thơ tôi ngày xưa. Người luật sĩ đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho thắc mắc quan trọng nhất của cuộc đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Và đây cũng là thắc mắc của mọi người, không ai có thể dập tắt được câu hỏi này trong tâm hồn họ. Tạm thời, họ có thể dẹp qua một bên câu hỏi này, vì những lo toan cho cuộc sống hoặc vì những mê lợi của lợi danh, của quyền lực… Nhưng rồi vào lúc nào đó con người và mỗi người chúng ta cũng sẽ phải đặt ra cho mình câu hỏi này: “Tôi sống đây để làm gì? Và tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.

Bản tính con người là như vậy, không thể nào chối bỏ được khát vọng hướng về trời cao, đó là khát vọng căn bản sâu xa nhất của con người, của mọi người chúng ta. Chúa Giêsu đã gợi ý cho nhà thông thái trả lời đúng như Kinh Thánh dạy, mà nội dung theo tôi nghĩ không khác xa gì bốn chữ tôi đã học được từ cha tôi ngay từ khi mới bắt đầu đi học: “Kính Chúa Yêu Người”.

Đây không phải là vấn đề về hiểu biết, một người nông dân bình thường không biết chữ như cha tôi cũng biết tóm gọn luật Chúa trong bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người” để truyền lại cho tôi. Vấn đề là nơi thực hành là phải biến đổi tâm hồn của chính mình để nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình.

Chúa Giêsu đã phải dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để soi sáng cho nhà thông thái, để rồi rốt cuộc như thể chính ông cũng khám phá ra được chân lý. Chúa Giêsu không đặt vấn đề như nhà thông thái: “Ai là người thân cận của tôi”, mà Ngài đã đặt lại vấn đề: “Ai đã trở nên người thân cận của người anh em bị nạn kia”, và nhà thông thái đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ đã tỏ ra lòng thương đối với người đó”.

Tâm hồn cần có tình thương, nhất là cần được đầy tràn tình thương của Chúa thì mới dễ dàng trở thành tâm hồn thân cận của mọi người, trở thành người anh chị em của mọi người, bất luận người đó là ai. Không phải dễ thực hiện sáu chữ của Chúa Giêsu cho nhà thông thái: “Hãy đi và làm như vậy”.

Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay, chúng con, những đồ đệ của Ta. Chúng con phải có tâm hồn đã biến đổi bởi tình yêu Chúa, để rồi có thể trở thành người anh chị em của mọi người mà thực hiện trọn vẹn giới răn: “Kính Chúa Yêu Người”.

Cử hành Bí tích Thánh Thể, nhất là được thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa, được chia sẻ chính sự sống của Chúa, người Kitô có được sức mạnh mới để thực hiện tình thương trong cuộc sống của mình, trong bất cứ môi trường sinh sống nào.

Chúng ta đây, chúng ta có biết quí trọng việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong đời sống chúng ta không? Chúng ta có năng đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể để múc lấy sức mạnh sống tình thương đối với anh chị em hay không? Không đến với Chúa, chúng ta cũng khó đến với anh chị em xung quanh. Xin Chúa thương nhắc nhở chúng ta, củng cố lòng mến nơi chúng ta và nhất là củng cố đức tin nơi mỗi người chúng ta, đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.

 

Ông hoàng hạnh phúc

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:

- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!

- Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?

- Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.

- Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

- Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?

- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

- Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

- Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.

- Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người. Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.

Thực vậy, ở trong cuộc đời này vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng. Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của tha nhân. Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi đã bỏ lại đằng sau tiếng kêu cứu của đồng lại diễn tả một thế giới mà con người luôn hối hả bận rộn với giòng chảy cuộc đời. Họ bị giòng đời cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc sống đích thực là cuộc sống còn có khả năng chia sẻ với tha nhân. Một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời biết dùng thời giờ để sống với tha nhân trong yêu thương và phục vụ. Và một cuộc đời đã mất khi không còn khả năng để giúp đỡ anh em. Ông Hoàng hạnh phúc đã không còn hạnh phúc khi ông nhận ra mình không còn khả năng để giúp đỡ đồng loại. Ông cảm thấy bất hạnh khi mình không còn khả năng để xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Ngược lại, người Samaria nhân hậu, ông đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại. Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương. Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích. Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau. Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.

Ước gì trong năm thánh với chủ đề Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ sẽ là lời nhắc nhở chúng ta về Giáo hội của Chúa, do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi ky-tô hữu cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời kytô hữu bằng sự dấn thân để phục vụ tha nhân trong yêu thương chân thành. Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn