1
20:04 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 407

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 405


Hôm nayHôm nay : 74702

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 464789

Tổng cộngTổng cộng : 28019073

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Chúa Ba Ngôi năm C

Thứ bảy - 25/05/2013 10:34-Đã xem: 1579
Đọan văn nầy nằm trong diễn từ Chúa Giê su ban cho các môn đệ sau bữa Tiệc li. Sau khi loan báo Ngài sẽ ra đi, Chúa Giê su hứa gửi Thánh Thần đến với các Môn đệ như Đấng Bào chữa (16,5-7). Người sẽ tố cáo sự lầm lạc của thế gian (16, 8-11). Và chính Người cũng sẽ dẫn các môn đệ đi vào một giai đoạn mới, trong đó họ sẽ hiểu rõ hơn mầu nhiệm về Chúa Giê su (16,12-15).
Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Chúa Ba Ngôi năm C

Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Chúa Ba Ngôi năm C

Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31

"Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành".

Trích sách Châm Ngôn.

Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".

Ðó là lời Chúa.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Phúc Âm: Ga 16, 12-15

"Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Ðó là lời Chúa.

 

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Thiên Chúa là Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, là Ðấng giàu lòng thương xót. Chúng ta thành tâm tin mến Chúa và khẩn khoản cầu xin.

1. Hội Thánh có sứ mạng đem tình thương cứu rỗi của Chúa Ba Ngôi đến cho loài người. Xin cho mọi người sẵn sàng chấp nhận và tin kính Chúa.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

2. Chúa Cha là Ðấng giàu lòng thương xót. Xin cho mọi người nhận biết Người là Cha nhân từ, hằng thương yêu cứu giúp những kẻ tin cậy Người.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

3. Chúa Con là Ðấng cứu độ duy nhất của loài người. Xin cho mọi người hết lòng tin kính, để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

4. Chúa Thánh Thần là Ðấng Thánh Hóa. Xin Chúa Thánh Thần thương giúp mọi người trrong cộng đoàn chúng ta nên thánh, nhờ chu toàn bổn phận Chúa phú giao.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Chủ tế: Lạy Chúa Ba Ngôi giàu lòng thương xót, xin cho chúng con ngày càng tin mến Chúa và thương yêu mọi người, để xứng đáng làm con cái Chúa.



LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI
Sau lễ Hiện xuống, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và cử hành Mầu nhiệm Ba Ngôi. Thiên Chúa không phải là một đấng trừu tượng, nhưng là Sự Sống, Nhân ái, Khôn Ngoan, và Hiện Diện. Hôm nay trong sự hiệp thông tuyệt vời của Ba Ngôi Thiên Chúa là CHA, CON, THÁNH THẦN, chúng ta cử hành Lịch sử Cứu độ mà Người hoàn tất với chúng ta, cho chúng ta và trong chúng ta.

Sách Châm Ngôn 8,22-31
Trong suốt hành trình Thánh Kinh, trước tiên Thiên Chúa tự mặc khải như là Đấng Siêu việt uy quyền ban truyền Lời cho con người. Sách Châm Ngôn diễn tả sự Khôn ngoan ẩn kín trong Lời được thiết lập trong Người.

Thánh Vịnh 8
Trước nhan Thiên Chúa quyền năng, con người bé nhỏ có thể cảm thấy bị nghiền nát. Thế thì làm sao Người có thể cho họ trở nên ngang hàng với Người được? Trước câu hỏi đó của Tác giả Thánh vịnh, người ki tô hữu trả lời bằng cách qui chiếu đến Chúa Giê su, vừa là người vừa là Thiên Chúa Con ngang hàng với Thiên Chúa Cha.

Thư Rôma 5,1-5
Bản văn nầy diễn tả một trong những ý tưởng nồng cốt của thánh Phao lô liên quan đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Sau khi cảnh báo về sự cám dỗ của con người muốn mặc cả với Thiên Chúa, thánh Phao lô giúp chúng ta khám phá Thiên Chúa như một người Cha yêu thương vô điều kiện và thúc đẩy chúng ta lấy Đức tin tiếp nhận Người. Đó là năng động biến đổi ưu tư thành niềm Hi vọng và mở ra cho Thánh Thần, nguồn suối Tình yêu đích thật.

Tin mừng Ga 16,12-15

NGỮ CẢNH
Đọan văn nầy nằm trong diễn từ Chúa Giê su ban cho các môn đệ sau bữa Tiệc li. Sau khi loan báo Ngài sẽ ra đi, Chúa Giê su hứa gửi Thánh Thần đến với các Môn đệ như Đấng Bào chữa (16,5-7). Người sẽ tố cáo sự lầm lạc của thế gian (16, 8-11). Và chính Người cũng sẽ dẫn các môn đệ đi vào một giai đoạn mới, trong đó họ sẽ hiểu rõ hơn mầu nhiệm về Chúa Giê su (16,12-15).

TÌM HIỂU
Anh em không có sức chịu nỗi: trước khi Chúa Giê su được tôn vinh, các môn đệ không thể nào hiểu được mầu nhiệm về Ngài (x. 16,4).
Sự thật toàn vẹn: nghĩa là mạc khải toàn vẹn về Thiên Chúa được diễn tả trong mầu nhiệm Phục sinh. Chúa Thánh Thần phục vụ Thiên Chúa và Con (16,15) sẽ hướng dẫn suy tư của Hội Thánh qua nhiều thế kỉ suy niệm đào sâu về những biến cố ấy. Người sẽ đưa Hội Thánh càng ngày càng vào trong sự hiểu biết chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Con.

Những điều sẽ xảy đến: Chúa Thánh Thần sẽ giúp các môn đệ đi sâu vào mầu nhiệm Phục sinh. Càng lúc Thánh Thần càng giúp cho các môn đệ có khả năng đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin. Nhờ Người, mọi ki tô hữu là “tiên tri” (x. Cv 2,17-18 trích dẫn Ge 3,1-5).

Người sẽ tôn vinh Thầy: Thông thường, Gioan nói rằng Cha tôn vinh Con. Ở đây, ngược lại tác giả nói về Thánh Thần rằng Người sẽ hoàn tất sứ mạng phục hồi cho Ngài khi kết thúc cuộc âm mưu chống lại Chúa Giê su. Ba lần, tác giả lặp lại rằng Thánh Thần “sẽ loan báo cho các con”, có nghĩa là “sẽ giúp cho các con biết”. Thánh Phao lô diễn tả cùng một ý tưởng đó một cách khác: “Không ai có thể nói: Chúa Giê su là Chúa nếu không có Thánh Thần gợi hứng” (1 Cr 12,3). Niềm tin vào Chúa Giê su sống động là một ơn của Thánh Thần.

Người sẽ lấy những gì là của Thầy: đây là đọan văn duy nhất trong Tân Ước nói rằng Thánh Thần được diễn tả là ở trong sự lệ thuộc vào Con (x. 14,26). Người sẽ không nói gì thêm về điều mà Chúa Giê su đã công bố, như thế Con không làm gì khác hơn là diễn tả Cha (x. 14,10).
Cha: tất cả những gì mà Thánh Thần lấy từ Con cũng từ Cha mà ra cả.

SỨ ĐIỆP
Trong ngày lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mừng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Thiên Chúa là Tình yêu. Có người nghĩ đến những gì mà ngày xưa họ đã học biết trong các lớp giáo lí. Có người nhớ lại những câu trả lời mà họ thuộc lòng. Người ta đã cố gắng diễn tả mầu nhiệm nầy dưới hình thức ba vòng tròn giao nhau. Nhưng thực tại của Thiên Chúa luôn luôn vượt qua tất cả những gì mà chúng ta có thể nói về Người cũng như những hình ảnh nghèo nàn mà chúng ta có thể vẽ ra. Chính từ ngữ “Ba Ngôi” không có trong Kinh Thánh. Chúng ta dùng từ đó vì không có từ nào đúng hơn để chỉ mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa.

Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa là ai, trước tiên cần phải gặp Người và lắng nghe lời Người phán dạy. Tòan bộ Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa đến gần chúng ta. Người không chỉ phán dạy chúng ta biết Người là ai. Người còn đến gặp chúng ta qua Chúa Giê su là Con của Người. Ngài đã mang lấy thân phận con người ngọai trừ tội lỗi. Toàn bộ sách Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su đã được thu hút bởi Đấng mà Ngài gọi là Cha Ngài. Ngài thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện lâu giờ. Ngài cầu nguyện ở vườn Cây dầu như sau: “Lạy Cha, đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha!”. Một ngày nọ, Ngài nói: “Lương thực của Thầy là làm theo thánh ý của Cha Thầy”. Cuộc sống của Đức Ki tô tràn đầy tình yêu đối với Cha và trong tình yêu đó Ngài được hạnh phúc.

Rồi chúng ta có chứng từ của các Tông đồ. Họ sẽ thấy Ngài có những hành vi của một vì Thiên Chúa, có những thái độ của Thiên Chúa. Chắc chắn, họ sẽ là chứng nhân cho sự thánh thiện của Ngài và tri thức về Thánh Kinh của Ngài. Nhưng điều làm họ ngạc nhiên hơn cả, đó là thấy Ngài tha tội, điều khiển gió bão và biển. Chứng kiến những sự việc ấy, các tông đồ đã phải thốt lên: “Ngài là Thiên Chúa. Ngài là đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở giữa chúng ta”. Sau phục sinh. Đức tin của họ lại càng rõ rệt hơn. Họ nhận ra Thầy Giê su mà họ đã đi theo là Chính Con Thiên Chúa.

Ngày Thăng Thiên, Ngài tỏ mình ra cho họ lần cuối cùng, rồi Ngài biến mất trước cặp mắt đăm đăm nhìn Ngài. Vài ngày trước đó, Ngài đã hứa với họ rằng Ngài sẽ không để họ mồ côi: “Ta sẽ sai Thánh Thần hướng dẫn anh em vào chân lý vẹn tòan”. Đó là ơn ban Thánh Thần mà chúng ta đã mừng vào ngày Hiện Xuống. Ngài đã hướng dẫn các tông đồ đến với chân lí ấy, nhắc cho họ nhớ và giúp cho họ hiểu tất cả những gì mà Chúa Giê su đã nói và đã dạy. Ngài là sức mạnh cho những người được rửa tội và các chứng nhân tử đạo. Bấy giờ họ hiểu rằng Thánh Thần là một ngôi, một Đấng sống động, giống y như Cha và Con.
Cũng như Chúa Giê su, chúng ta đựoc mời gọi làm cuộc vượt qua từ cõi chết để đi vào vinh quang phục sinh của Ngài. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài trên đường mà Ngài đã chỉ cho chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta được mời gọi thông phần hạnh phúc với Ngài. Đức Ki tô phục sinh tiếp tục trở thành người lân cận của mỗi người chúng ta. Ngài đến để hướng dẫn chúng ta trên con đường về với Cha. Ngài đã hứa ở với tất cả chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một lời đáp trả xứng đáng với tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta.

Chính nhờ vậy mà dần dần chúng ta khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa độc nhất trong Ba ngôi. Lời nói bập bẹ vụng về của chúng ta không đủ sức để nói lên mầu nhiệm ấy. Đối với người Ki tô hữu, tin vào Đức Ki tô, chính là khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa, ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự. Đó là Thánh Thần, ngang bằng với Cha và Con trong mọi sự. Con đã tỏ cho chúng ta biết Thanh Thần ngang qua hành động của Người trong chúng ta và trong Giáo Hội. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một đấng xa xôi. Người là Đấng đến gặp gỡ chúng ta để nói với chúng ta tình yêu điên dại của Người.

Ngày hôm nay, tất cả chúng ta được sai đi làm chứng cho những kì công của Thiên Chúa. Sứ mạng của chúng ta, đó là tiếp tục những gì mà Chúa Giê su đã làm, và để được vậy, Người đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để Người hướng dẫn chúng ta đến Chân lí vẹn toàn. Để loan báo tin mừng, điều quan trọng không phải là có những khả năng trí thức; mà là được đầy tràn tình yêu của Thiên Chúa và muốn thông truyền cho người khác. Tất cả khởi đầu ngay lúc mà chúng ta đến tái kín múc tận nguồn ơn thánh, trong kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa và nhất là Thánh Thể. Chính bằng cách ấy chúng ta mới có thể trở thành một Giáo hội hiện xuống.

Lạy Chúa, xin Thánh Thần Chúa ở với chúng con để giúp đỡ chúng con lãnh nhận tình yêu đến từ Chúa; xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh và can đảm để chúng con là nhân chứng trong suốt cuộc đời chúng con!

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc một nói về sự gì?
THƯA: Bài đọc một nói về sự Khôn ngoan của Thiên Chúa hiện diện ngay từ đầu như một nhân vật mầu nhiệm: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người” (8,22).

2. HỎI: Giữa Thiên Chúa và Khôn ngoan có một tương quan nào không?
THƯA: Giữa Thiên Chúa và Khôn Ngoan có một tương quan rất mật thiết. Do thái giáo tin vào một Thiên Chúa độc nhất nên không bao giờ nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng dường như ở đây đức tin cảm nhận rằng ngay trong lòng Thiên Chúa là Một, có một mầu nhiệm đối thoại và hiệp thông.

3. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì nơi sự Khôn Ngoan?
THƯA: Trong đoạn sách Khôn ngoan nầy, từ “Trước khi” được lặp đi lặp lại nhiều lần, cho thấy tác giả muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên của Khôn Ngoan đối với toàn thể tạo thành: “ Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất” (8,22).

4. HỎI: Khôn ngoan có vai trò nào trong tạo thành không?
THƯA: Có. Khôn ngoan có một vai trò trong việc tạo thành: “Đã có Ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời.. Ta hiện diện bên Người như tay Thợ cả” (8,25,30).

5. HỎI: Bài sách Khôn Ngoan nầy dạy ta điều gì?
THƯA: Bài sách Khôn Ngoan dạy ta ba điều: một là, từ khi bắt đầu hiện diện, nhân loại và vũ trụ được gìn giữ trong sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Hai là, vũ trụ được tạo thành không hỗn độn vì sự Khôn Ngoan là Người Thợ cả. Ba là nếu Thiên Chúa không ngừng tiếp tục đề nghị Giao Ước tình yêu của Người, chính là vì “Người tìm được niềm vui với con cái loài người” (8,31).

6. HỎI: Tại sao đoạn sách Khôn ngoan nầy được đề nghị đọc trong lễ Ba Ngôi Thiên Chúa?
THƯA: Dù không có một từ nào nói về Ba Ngôi nhưng được chọn đọc trong lễ Mừng Ba Ngôi Thiên Chúa, là vì đoạn sách Khôn ngoan ấy đã cho các Tác giả Tân Ước thấy hình ảnh của Ngôi Hai ngang qua Sự Khôn Ngoan hiện diện trước khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ. Nhờ đó mà sau nầy Thánh Gioan đã viết: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

7. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở trong bầu khí bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê su và các môn đệ: Ngài nói lời từ biệt và chuẩn bị các ông đón nhận các biến cố sắp xảy ra. Ngài mạc khải tất cả về mầu nhiệm của Ngài, nhưng có nhiều điều mà các ông vẫn chưa hiểu được, vì lúc bấy giờ họ chưa có sức mang nỗi.

8. HỎI: Chân lí là gì?
THƯA: Chân lí là mục tiêu phải đạt tới chứ không phải là điều đã sở đắc được. Vì thế không ai trong chúng ta có thể tự hào mình sở hữu toàn bộ chân lí. Đàng khác, chân lí không thuộc bình diện tri thức, nó không phải là một kiến thức, mà thuộc bình diện kinh nghiệm cuộc sống, vì chính Chúa Giê su nói: “Ta là Sự thật”.

9. HỎI: Tại sao ở câu Ga 15, 15 Chúa Giê su nói: “Tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”, còn ở đây, Ngài lại nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”?
THƯA: Chắc chắn Chúa Giê su đã nói hết mọi sự cho các môn đệ, vì Ngài là Lời của Cha (Ga 1,1.14), là mạc khải hoàn hảo của Cha, và không gì mới để Chúa Thánh Thần mạc khải thêm. Nhưng để họ có thể hiểu được, thì Ngài phải nhờ Thánh Thần nói lại, cắt nghĩa thêm, giúp họ dần dần hiểu rõ tất cả những gì Ngài đã nói.

10. HỎI: Tại sao Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Chân lí?
THƯA: Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ khám phá toàn bộ chân lí. Đó là chân lí cứu độ, là con đường sống, là qui tắc hướng dẫn cuộc đời của họ, giúp họ xứng đáng nhận lãnh ơn Cứu độ Thiên Chúa ban. Chúa Thánh Thần không dạy điều gì mới, nhưng chỉ lặp lại và giải thích giáo huấn mà Chúa Giê su đã truyền dạy.

11. HỎI: Chúa Thánh Thần còn có vai trò gì nữa không?
THƯA: Ngoài việc nhắc lại và giải thích giáo huấn của Chúa Giê su, Chúa Thánh Thần còn soi sáng những biến cố tương lai, bằng cách giúp các môn đệ áp dụng giáo huấn đã biết vào những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

12. HỎI: Chúng ta tìm thấy học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi ở đâu?
THƯA: Trong Kinh Thánh và đã được diễn tả trong Kinh Tin Kính từ những thế kỷ Kitô hữu tiên khởi.

13. HỎI: Có thể trích dẫn một số Kinh Tin Kính của đức tin Kitô giáo không?
THƯA: Vâng, Kinh Tin kính Athanasiô dạy rằng: “Chúng ta tin và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi ... Tuy nhiên, không phải là ba Thiên Chúa”. Đức Giám Mục Athanasiô được kể vào số các giáo phụ của Giáo Hội. Ngài sinh ra ở Alexandria năm 295, nhờ được hấp thụ nền văn chương cổ điễn và thần học Ngài đã trở thành một người bảo vệ không mệt mỏi cho đức tin Kitô giáo đích thực. Vì nhiệt thành chống lại các dân ngoại và lạc giáo nên cuối cùng Ngài đã bị lưu dày hai mươi năm.

14. HỎI: Nhưng "Đức Chúa Trời Ba ngôi" là một từ không có trong Kinh Thánh?
THƯA: Đúng. Dù vậy, Kinh Thánh có các yếu tố cấu thành đức tin Thiên Chúa Ba Ngôi được tất cả các Kitô hữu chân thật tuyên xưng và bị các bè rối Kitô giáo từ chối.

15. HỎI: Đâu là các yếu tố tạo thành ấy?
THƯA: Đó là một Thiên Chúa độc nhất đã tỏ mình ra cho chúng ta nhận biết trong Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

16. HỎI: Chúng tôi có thể tìm thấy giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi ở đâu trong Kinh Thánh?
THƯA: Trong khoảng 40 văn bản. Một trong số ấy là đoạn kết thúc Tin Mừng Thánh Mát thêu: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). Khi nói: “... rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”  Chúa Giêsu gán các hiệu quả của Bí tích Rửa tội cho Ba Ngôi Thiên Chúa.

17. HỎI: Thánh Phaolô dạy giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi trong các thư của ngài?
THƯA: Đúng, trong khoảng ba mươi văn bản. Trong thư 1 Cr 12,4-5 Ngài viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”. Trong đoạn văn này, ngài dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa độc nhất. Thật vậy, công việc cứu chuộc chúng ta được gán cho Cha như nguồn phát sinh, nhưng được thực hiện qua các ơn ban của Chúa Thánh Thần và quyền thống trị của Con, đấng điều khiển mọi sự.

18. HỎI: Kế hoạch cứu rỗi là công việc của mỗi Ngôi?
THƯA: Toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa là công việc chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, Ba Ngôi vì có một  bản tính duy nhất và như nhau, do đó cũng có một công việc duy nhất và như nhau. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên tắc sáng tạo, nhưng một nguyên tắc duy nhất. Tuy nhiên, mỗi ngôi Thiên Chúa hoàn thành công việc chung theo đặc tính riêng của mình. Việc Chúa Con Nhập thể và Chúa Thánh Thần ơn ban là những nhiệm vụ thần linh đặc biệt cho thấy các thuộc tính của các ngôi Thiên Chúa. Mục tiêu tối hậu của toàn bộ Nhiệm cục Thiên Chúa là làm sao tất cả các tạo vật được vào trong sự  độc nhất hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi.



 
 GIỐNG HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI
 
A- ''Triết học nhập môn'' định nghĩa con người

Giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi5/24/2013 10:34:40 PMTrong bài này, trước khi dựa vào Kinh Thánh viết về Thiên Chúa Ba Ngôi, về ''con người là Hình Ảnh của Ngài'', tôi xin trích phần ''Triết học Nhập môn'' cho hay con người ''do đâu'' mà ra.A- ''Triết học nhập môn'' định nghĩa con người

Trước đây, ở lớp cuối Trung học và ở Đại học Văn Khoa (năm thứ nhất của các Ban: Việt-Hán, Triết, Sử-Địa, Pháp Văn và Anh Văn), học sinh và sinh viên ''được'' thụ giáo ''Triết học Nhập môn'' định nghĩa con người như sau: ''Con người là TINH THẦN nhập thể và nhập thế, sống trong vũ trụ và bên cạnh tha nhân.''

 
Giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi5/24/2013 10:34:40 PMTrong bài này, trước khi dựa vào Kinh Thánh viết về Thiên Chúa Ba Ngôi, về ''con người là Hình Ảnh của Ngài'', tôi xin trích phần ''Triết học Nhập môn'' cho hay con người ''do đâu'' mà ra.A- ''Triết học nhập môn'' định nghĩa con người

Trước đây, ở lớp cuối Trung học và ở Đại học Văn Khoa (năm thứ nhất của các Ban: Việt-Hán, Triết, Sử-Địa, Pháp Văn và Anh Văn), học sinh và sinh viên ''được'' thụ giáo ''Triết học Nhập môn'' định nghĩa con người như sau: ''Con người là TINH THẦN nhập thể và nhập thế, sống trong vũ trụ và bên cạnh tha nhân.''

 
B- Sách Sáng Thế nói về Thiên Chúa Ba Ngôi

Ban đầu, Thiên Chúa SÁNG TẠO trời và đất... và THẦN KHÍ Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước... Thiên Chúa phán: CHÚNG TA hãy LÀM RA con người theo HÌNH ẢNH CỦA CHÚNG TA, GIỐNG NHƯ CHÚNG TA để con người bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa SÁNG TẠO con người có nam, có nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự mà Ngài đã LÀM RA quả là rất TỐT ĐẸP!'' (Tóm lược sách Sáng Thế, Chương 1,1-31)

Dựa vào Tân và Cựu Ước, Kinh ''Tin Kính'' xác tín có một Thiên-Chúa-Ba-Ngôi nên tôi xin ghi tóm tắt về ''Tam Vị'' như sau: ''Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Ngài đã từ trời xuống thế bởi phép Chúa Thánh Thần và đã làm người. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.''

 
C- Giống Hình Ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi

Dựa vào Cựu và Tân Ước, bài khác sẽ nói về ''Thiên Chúa vô hình'' mà lại ''hữu hình'' để con người được ngắm Thánh Nhan của Ngài. Hôm nay, xin mạo muội trình bày về xác tín ''giống Hình Ảnh Thiên Chúa'' là thế nào.

1- ''Giống theo như'' Thánh Ý Chúa

Sách Toát yếu Giáo lý Công giáo khẳng định: ''Thiên Chúa tạo dựng con người, GHI TẠC vào TÂM HỒN họ sự khao khát nhìn thấy Ngài. Ngay cả khi họ chẳng nhận ra sự khao khát ấy, Ngài vẫn không ngừng LÔI KÉO họ đến với Ngài để họ SỐNG và tìm ra NƠI NGÀI đầy đủ chân lý và hạnh phúc mà họ TÌM KIẾM luôn mãi.''

2- ''Giống'' Đức Chúa Trời Ba Ngôi là ''giống'' thế nào?

Bản Kinh Thánh (Sáng Thế 1,26) bằng tiếng Anh, Pháp ghi rõ: ''Let us make man in our image, after our likeness.'' (Faisons l’homme à notre image, comme notre ressemblance.) Chữ ''likeness'' (ressemblance) có ý nghĩa ''sống động'' (dynamic) hơn chữ ''image''.

Nhưng khác với Thiên Chúa là Đấng Vô Hạn, con người chỉ là thọ tạo hữu hạn. Vả lại, sau khi Adam-Eva nghe theo lời phỉnh gạt của Satan, con người không còn ''vô tội'' như Thiên Chúa đã dựng nên. Vì thế, muốn ''giống Thiên Chúa'', con người phải ƯỚC AO điều lành như Chúa Giêsu đã dạy: ''Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành.'' (Mt 5,48) và như Ngài nói về chính Ngài: ''Ta là Mục Tử nhân lành.'' (Ga 10,14) Nổ lực làm theo Lời Chúa thì con người mới xứng đáng là ''ánh sáng chói lọi trước mặt người ta ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm mà tôn vinh Cha các con trên trời.'' (Mt 4,14)

3- Giống Ba Ngôi bởi vì

a- Con người là kiệt tác bằng Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi

Tình-Yêu-giữa-Cha-và-Con LÀ ''Thánh Thần'' (Ngôi Ba) như lời Kinh Nghĩa dạy: ''Bởi Cha-Con yêu mến nhau mà ra.'', như trong kinh Tin Kính: ''Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con: Qui ex Patre Filióque procédit.'' (Bài khác sẽ chứng minh Tín Điều ấy bằng Lời Chúa Giêsu.)

Tình Yêu của Ba Ngôi là ''Thiên Thượng Bửu Bối'' mà ''thiên hạ'' được ban cho để xứng đáng với nhân phẩm. Do đó, trong Thánh Lễ, chủ tế ''phải'' đọc: ''Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần Ở CÙNG tất cả anh chị em.'' (2 Cr 13,13) Cho nên, cộng đoàn cũng phải thưa: ''Và ở cùng Cha.''

b- Con người có Lương Tri

Sau khi Adam-Eva phạm tội, Thiên Chúa vẫn thương, vẫn để cho con người có TIỀM NĂNG của thọ tạo (potentialité de la nature humaine) giúp họ càng trở nên ''giống Ngài'' bằng cách sử dụng Lương Tri (mà Ngài đã ban) để biết CHỌN điều lành và LÁNH sự dữ.

c- Con người là thọ tạo phản chiếu Vinh Quang của Thiên Chúa

Thông điệp ''Veritatis Splendor'' (Sự Sáng ngời của Chân lý) dạy: ''Sự Sáng ngời của Chân lý được phản chiếu trong mọi thọ tạo của Đấng Tạo Hoá và đặc biệt trong con người được dựng nên theo Hình Ảnh và nét giống như Thiên Chúa. Chân lý soi sáng trí khôn và tạo hình dạng cho tự do của con người và, nhờ đó, họ nhận biết và yêu mến Chúa. Chính trong ý nghĩa như thế, tác giả Thánh vịnh cầu nguyện: ''Xin toả trên chúng con ánh sáng của tôn nhan Ngài.'' (TV 4,7)

 
D- Nếu không có Ba Ngôi thì…

1- Thiên Chúa ''chẳng là'' Tình Yêu vì Tình Yêu ''phải'' có đối tượng!

2- Lời ''tỏ Tình'' của Chúa Giêsu: ''Như Cha yêu mến Ta, Ta cũng yêu mến các con.'' thành vô nghĩa!

3- ''chẳng có'' Kitô (Ngôi Hai) là ''Chúa, người Thầy, người Bạn'' của chúng ta và chúng ta ''không là'' Kitô hữu và vẫn còn mang ''ách của Satan'' là nguyên tội và các tội khác.

4- chẳng có ''Thiên Chúa Cứu Chuộc'' là ý nghĩa của Thánh Danh ''Giêsu'' và Thiên Chúa chẳng ''ở giữa chúng ta'' (Emmanuel) và chúng ta ''cũng chẳng'' ngắm được Vinh Quang của Con Một ở trong Cung Lòng Cha! (Ga 1,14; 1,18)

5- không có ''Thánh Thần'' là Đấng Bảo Trợ ''khác'' mà Cha sẽ ban theo Lời của Chúa Giêsu đã hứa. (Ga 14,16)

6- không có Tin Mừng, Sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Thư, Khải Huyền.

7- không có Kitô giáo!!!

8- không có Công Nguyên: Kỷ Nguyên của chúng ta! (our era; notre ère; unsere Zeitrechnung)

9- không có ''Chúa / Chủ Nhật!'': Ngày của Chúa: Dimanche: ''dies dominica; dies dominicus''. (Chữ ''dies'' có hai giống tuỳ trường hợp; giống ''đực'' thì thông dụng hơn, nhất là với học giả về Latin.)

10- không có Nền Văn hoá, Văn minh Kitô giáo đã đóng góp vào mọi lĩnh vực của nhân loại!!!

Lời kết

Con người vốn mang Hình Ảnh ''giống Thiên Chúa'', lại xử sự với nhau bằng ''hình ảnh của Satan'' là tội kiêu ngạo, dối trá, chà đạp nhân phẩm..., mà quên đi hoặc không biết rằng mình được dựng nên để tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hoá. Muốn được xứng đáng với nhân phẩm mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho, con người phải làm rạng rỡ Vinh Quang của Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Luật Chúa, nhất là sống Đạo Bác Ái như Lời Chúa Giêsu dạy: ''Đây là dấu chỉ để mọi người nhận biết rằng các con là môn đệ của Ta: Các con hãy thương yêu nhau.'' Bằng không, con người vẫn thua thọ tạo khác vì Sách Isaia 6,3 viết thế này: ''Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!'' (Trước câu vừa nêu, có 3 lần chữ ''Thánh'' do Thiên thần Sêraphim hô và đáp để tôn vinh Ba Ngôi.)

Bác Ái là ''Hình Ảnh'' sống động của Thiên Chúa Cứu Thế như trong Ca khúc ''Trên đường Emmau'':Ấy những lúc mắt ta không trông, không thấy được Ngài: Trong những kẻ nghèo đói!!!

 
Đức Quốc, 23.5.2013
 Đaminh Phan Văn Phước
 

Chú giải của Noel Quesson

Kinh Thánh không công bố lần nào từ trừu tượng, “Chúa Ba Ngôi” cả. Kinh Thánh cũng không bao giờ định nghĩa như ngôn ngữ duy lý Hi Lạp sẽ làm, là có “Ba Ngôi vị trong Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm cố yếu nhất trong Thiên Chúa không được mạc khải bằng những công thức nhưng nhờ các sự kiện Cựu ước chỉ nói về Thiên Chúa Người Cha” (Đnl 32,6 – Tv 67, 6 – Is 63, 16 Gr 2, 4.1). Và các “con cái” của Thiên Chúa là dân tộc Israel (Xh 4,22 -Hs 11,1), hay hiện thân là ông Vua (2 Sm 7,14 – Tv 110,3) hơn những người công chính (Kn 2, 18 – 5,5 – 18, 13). Sau cùng, ta nhận thấy Thần Khí của Thiên Chúa xâm nhập một số người (St 41, 38 – Ti 6, 34 -Is 11,2 – Ed 39, 29 – Ge 3, 1).

Đúng vậy Cựu ước đã không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi trong Thiên Chúa. Nhưng ngay các tác giả Tân ước cũng lập lại thứ ngôn ngữ Kinh Thánh trên, để diễn tả tính hoàn toàn mới lạ của “hiện tượng Giêsu”: Ngài trực diện với Chúa Cha, và loan báo việc thông ban Thần Khí. Khi cắt nghĩa những sự kiện đó, Kitô giáo còn phải dò dẫm suy tư rất lâu, trước khi xác định một kiểu diễn tả đức tin đầu tiên nhớ những quan niệm triết học HiLạp, từ Công đồng Ni-xê năm 325 đến Công đồng Kan-xê-Đoan năm 451.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, Đức Giêau nói về Thánh Thần.

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.

Đó là một kinh nghiệm mà con người chúng ta thường gặp thấy Ngay cả với những người thân yêu, chúng ta cũng khó mà “thông truyền” hết những gì mà chúng ta mang trên mình và muốn chia sẻ cho họ. Như vậy, trước khi chịu chết Đức Giêsu đã không nói hết mọi điều. Nhưng đây không chỉ là khó khăn ta quen gặp trong vấn đề diễn tả. Đây chính là mầu nhiệm đức tin mà ta chỉ dần dần bước vào. Ngay cả những bạn hữu thân thiết nhất, đã sống kề cạnh lâu ngày với Đức Giêsu, cũng không nhận thức được điều gì đã xảy ra, Người là “Ai”. Họ mang quá nhiều ý kiến có sẵn về Thiên Chúa và Đấng Mê-xi-a đã được hứa ban. Họ cần phải tự lột bỏ, thay đổi ý kiến, và lớn lên trong đức tin. Chỉ có thập giá và sự Phục sinh của Người, như một thứ va chạm điện mãnh liệt, mới phá được những xác tín của họ và bó buộc họ phải tiến triển.

Phải, đức tin là một sự “tiến triển”. Đó là một sức sống cần phải phát triển. Trong Thiên Chúa, luôn có những điều mới lạ cần phải khám phá, cũng như trong sự phát triển của một tương quan yêu thương với một người nào đó: hôn phu, người chồng, bạn hữu, đồng nghiệp… Biến cố bi đát của tông đồ, là những người hầu như không: hiểu biết gì về Đức Giêsu trước lúc Người ra đi, cảnh giác chúng ta không nên biến đức tin thành một Đức tin tĩnh, chỉ đắc thủ một lần là xong… “Tôi có đức tin rồi…” “Tôi không thể mất đức tin…”

Cũng như các tông đồ tôi mới chỉ ở bước đầu của một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Lạy Chúa, đối với con, cũng có nhiều điều con chưa chịu nổi, Thần Khí của Chúa sẽ mạc khải cho con sau này, nếu con biết chăm chú lắng nghe. Xin giữ gìn thần trí con luôn thức tỉnh để đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa! Chớ gì đừng bao giờ con tự mãn, coi mình là hiểu biết tất cả, vênh vang trước những mảnh vụn Đức tin tầm thường mà con đang sống.

Dĩ nhiên, con cũng nghĩ đến những người con đang chung sống. Họ cũng gặp một tình trạng như thế: Họ đang bước đi trên cùng “con đường đức tin” đó. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói, có những chân lý, những thái độ họ chưa khám phá ra cách sống động… Giờ đây họ chưa có thể “chịu nổi”? Lạy Chúa, xin ban cho con sự kiên nhẫn của Chúa. Chớ gì con biết tiến bước nhịp nhàng với Chúa, với những mạc khải yêu thương của Chúa… cùng đồng hành với anh em con trong bước tiến riêng của họ.

Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

Tôi ghi nhận từ đẹp trên đây: “dẫn tới” Tôi hình dung ra một người dẫn đường lên núi cao. Đó là người biết rõ mọi lối đường là người yêu thích và thưởng ngoạn ngọn núi đó mà anh muốn làm cho người khác càng thích thú… Là người đi trước và giúp ta tiến lên. Nhưng như bạn biết, người dẫn đường không thay thế bạn được: chính bạn phải bước theo. Nếu vì quá mệt lả, bạn từ chối bước cao hơn… Anh ta không thể cưỡng chế tự do của bạn. Anh ta hiện diện ở đó, là để “hướng dẫn” bạn. Lạy Thần Linh Thiên Chúa, ánh sáng dịu dàng. Xin hướng dẫn con, để con không từ chối việc lên núi… một bước…. rồi thêm một bước nữa! để trên bước đường con đi tới, con gặp được những người dẫn đường tình nghĩa huynh đệ mà Thần Khí Chúa đang tác động.

Bởi vì, đúng vậy, đúng là một cuộc “chạy đua lên núi cao”: Đức tin là cuộc tìm kiếm mầu nhiệm Thiên Chúa! Đó là chóp đỉnh không ai có thể một mình đạt tới: cần phải có một “người nào đó” dẫn lên. Cần phải có một ông thầy, một người dẫn đường biết rõ bí mật.

Trong suốt nhiều thế kỷ, các Công đồng cố gắng tìm hiểu những lời trên đây của Gioan…và kết thúc bằng cách quả quyết rằng, thực sự’ Thần Khí là một “Đấng nào đó “…là một Ngôi vị… là Đấng hiểu biết mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa từ bên trong, để hướng dẫn con người đạt tới đó Trong bức ảnh diễn tả Chúa Ba Ngôi của Roublev, Thánh Thần là ngôi thứ ba, với khuôn mặt tuyệt đối giống hai ngôi kia, Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng trong tư thế đầu Ngài hoàn toàn nghiêng về hai Ngôi kia cách âu yếm để hoàn thành chuyển động của “vòng tròn hoàn hảo” , thì mắt Ngài thực tế lại nhìn về phía trái đất, hướng đến con người đang cầu nguyện trước ảnh tượng, để “mở ra” và “thông truyền” cho con người chính sự chuyển động của Thiên Chúa: đó là Tình Yêu!
Thần Khí sự thật! Sự thật toàn vẹn!

Nhưng coi chừng! khi bàn về Thiên Chúa, sự thật không phải là thái độ tri thức… cũng như’ sự hiểu biết về một con người mà ta muốn yêu thương. Trước hết, không phải là học biết, quan sát, đo nghiệm, đặt dưới ống kính hiển vi… nghiên cứu cách khoa học, như thể ta nghiên cứu một “sự vật” ở đây, thuộc về một lãnh vực khác. Hiểu biết một “Người nào đó” là bước vào mối tương quan với họ.

Nói rằng mình là “tín hữu không thục hành”… thì đó là một lời thú nhận quan trọng, nếu người đó ý thức và thực sự đã suy nghĩ kỹ. Một tình yêu nếu không được “thực hành” thì sẽ là gì? Một tương quan với một người nào đó, nếu không thể sống động và thể hiện, thì sẽ ra sao? Lạy Thần Khí sự thật, xin hướng dẫn con tới sự thật “toàn vẹn”!

Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.

Đó là hình ảnh của tiếng phản dội vào thần trí ta. Giữa Chúa Cha, Đức Giêsu và Thánh Thần, luôn có sự liên tục hoàn hảo. Đó là cùng một tiếng nói lập lại nhiều lần, với cách thức khác nhau. Thánh Thần không nói gì khác về Đức Giêsu cả! Sự thật duy nhất và xác thực về Thiên Chúa, là Đức Giêsu. Mọi sự người ta đã nói trước, và mọi điều Người ta đã nói sau… về Thiên Chúa, mà không phù hợp với những gì Đức Giêsu của Thiên Chúa tỏ lộ cho ta, thì đều sai lầm! Đó là một Thiên Chúa giả! và với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải điều chỉnh nhiều ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa. “Nếu Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, thì ân sủng và sự thật nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17) “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sáng (Ga 14,6)

Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Như chúng ta đây biết, Đức Giêsu là Người con hoàn hảo, hoàn toàn hướng về Chúa Cha. Đức Giêsu “không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu Người Con và cho Người Con thấy mọi điều mình làm” (Ga 5,19-20). Đó là mầu nhiệm thâm sâu của Chúa Ba Ngôi: Mỗi Ngôi là sự thấu suốt trọn vẹn của Ngôi khác. Ở đây, Đức Giêsu mạc khải cho thấy, Thánh Thần bước vào hoạt động thẩm chiếu trọn vẹn đó. Những tương quan yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không có gì là giấu ẩn, là che đậy đóng kín: Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi không giữ cái gì làm của riêng mình”. Mọi sự đều được chia sẻ, thông ban, hiến tặng… và mọi sự đều được tiếp đón, nhận lãnh! Những lời nói trần gian của chúng ta đều trở yếu kém, để diễn tả tính chất phi thường của mối liên quan liên kết Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Thần. Mọi tương quan nhân loại của ta đều bắt nguồn từ mối tương quan đó! Đỉnh cao không thể vượt qua được về Thiên Chúa, đó là: mạc khải về Chúa Ba Ngôi.

Nhưng trước hết, Chúa Ba Ngôi không phải là một thứ ẩn ngữ, một thứ siêu phương trình toán học dành cho những nhà trí thức ưu hạng… Đó chỉ là một thực tại hoàn toàn giản đơn bị che giấu đối với các bậc khôn ngoan thông thái nhưng lại được mạc khải cho những người ‘bé mọn” (Mt 11,25). Bởi vì, nói về Thiên Chúa cũng là nói về con người, “được tạo dựng theo hình ảnh và hòa ảnh của Thiên Chúa”. Bé thơ, trẻ mới sinh không biết rằng nó có một gia đình. Nhưng ngay từ những tuần lễ đầu tiên, mơ hồ nó thấy mình được che chở trong một tình yêu thương… Nó cảm thấy quanh mình một tình âu yếm, luôn đáp lại mọi cơn đói khát, mọi tiếng kêu la của nó. Trước hết nó cảm nghiệm tình yêu đó như “một” cái gì lờ mờ, nhưng hoàn toàn mạnh mẽ và thích thú. Bé chỉ cần bật tiếng khóc, là “nó” có mặt ở đó…

Với thời gian, cuối cùng thì bé cảm nhận được rằng, sự hiện diện đó có nhiều dạng không hẳn chỉ là “một” tiếng cao và giọng trầm, khuôn mặt mịn như nhung và khuôn mặt lởm chớm những rầu, bàn tay mềm mại và bàn tay sắt thép… Nhiều người đang phải sống cùng một tình thương đó quanh bé, vì bé…” (Rey-mermet). Bằng cách đó, những người đơn sơ cũng khám phá ra mầu nhiệm của Gia đình Thiên Chúa: nhờ “thực tập” ngày này qua ngày khác…cho tới lúc ở trong Gia đình.

Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy , vì thế Thầy đã nói: “Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Một lời phát biểu gây ngạc nhiên. Trước hết chúng ta hãy để cho lời đó gây bối rối nơi ta.

Một anh thợ mộc làng Nadarét tầm thường, một con người cũng mang xương thịt thấp hèn, thế mà trước ngày bị kết án tử hình bởi những nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo của đất nước anh, đã dám cả quyết rằng “mọi sự Thiên Chúa có đều là của anh”.’ Và không chỉ một lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã gợi lên sự hiệp nhất lạ lùng như thế giữa Người và Thiên Chúa: Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa hữu hình (ta có thể nói được như thế! bởi vì quả thực Thần Khí của Đức Giêsu, biểu lộ cách vô biên ngoài tầm mắt của ta). Và Thần Khí, chính là Đức Giêsu – tiếp tục và được lập lại mãi mãi trong tâm hồn con người. Thần Khí phản chiếu Đức Giêsu. Và Đức Giêsu phản chiếu Đức Chúa Cha vô hình. Tôi chiêm ngưỡng sự duy nhất và tính khác biệt này… Đó là sự hiệp thông các ngôi vị “nhiều mà chỉ là một”: nguyên mẫu của con người! chương trình hành động cho mọi xí nghiệp, mọi gia đình, mọi xã hội. Đó là một “chóp đỉnh” thực sự mà một phần không thể đạt thấu. Chúng ta có để cho Người “hướng dẫn” ta tới đó không? Lạy Thánh Thần xin hãy đến!

 
Sưu tầm
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn