1
11:39 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 316

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 315


Hôm nayHôm nay : 40417

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 430504

Tổng cộngTổng cộng : 27984788

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật XI TN

Thứ năm - 13/06/2013 17:14-Đã xem: 1625
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật XI TN

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật XI TN

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU THEO THÁNH LUCA
(Lc 7, 36 - 50)

 "Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

{Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.} 

Đó là Lời Chúa.

 

CHÚ GIẢI CỦA NOEL QUESSON

Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn.

Ba lần, Luca ghi lại những người Pharisêu đã mời Đức Giêsu dùng bữa (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Trái lại Máccô và Mátthêu đã mô tả một cách có hệ thống những người Pharisêu đại thể là những đối thủ của Đức Giêsu. Sự nhận định tinh tế của Luca có lẽ gần với sự thật lịch sử hơn. Đức Giêsu đã không bị loại trừ một cách tiên hiền. Nếu Người đã thường xuyên đụng chạm với một số người thì không phải vì Người khinh bỉ họ. Chính họ đã không chấp nhận thái độ hết sức cởi mở của Người đối với những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, theo gương Chúa, xin Chúa cho chúng con đừng trở thành tù nhân của bất cứ phe phái nào, xu hướng nào để luôn cởi mở với những người thường chống đối chúng con và không suy nghĩ giống như chúng con. Thật vật Đức Giêsu có thể đã làm cho người ta "khó chịu” một cách chính đáng: hoàn toàn không giống với điều người ta chờ đợi? Chính Gioan Tẩy Giả trong đoạn văn liền trước đó (Lc 7,18-35) phải đặt câu hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?". Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ của Thiên Chúa sống trong sa mạc lánh xa các thành phố, không ăn gì, không uống gì: ông là một nhà khổ tu (Lc 7,33). Còn Đức Giêsu sống trong thế gian, chấp nhận những bữa ăn mà người ta mời Người, đến nỗi làm người ta phải gọi Người là “tay ăn nhậu” (Lc 7,34). Gioan Tẩy giả loan báo sự phán xét của Thiên. Chúa chống lại kẻ tội lỗi. Còn Đức Giêsu là “bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi" (Lc 7,34). Con nhìn ngắm Đức Giêsu ngồi vào bàn, trong một bữa tiệc, ăn và uống!

Thiên Chúa không chống lại đời sống con người. Chính Người đã ban đời sống ấy cho chúng ta. Môn đệ của Đức Giêsu không phải là một con người rầu rĩ ủ dột. Đức Giêsu chấp nhận những lời mời Từ ngữ Hy lạp được dùng ở đây (Katéklithè): thực ra có nghĩa là; "Người nằm ở bàn ăn". Vậy thì đây là một bữa tiệc mừng mà người ta nằm dài trên các đi văng để dùng bữa, trong một khung cảnh tiện nghi. Xét về bản thân, Đức Giêsu là một người nghèo. Nhưng Người đã sống tiếp xúc với những Người giàu có, và không khinh bỉ một ai.


Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Ở Phương Đông, người ta có thể tự do vào nhà có tiệc. Cũng thế, khí hậu nóng bức ở Phương Đông giải thích việc sử dụng nhiều nước hoa. Dâng tặng nước hoa làm cho tươi tỉnh là một dấu chỉ lòng hiếu khách bình thường.
Người ta đã biết người phụ nữ ấy. Trong thành phố, mọi người xem ra đều biết trường hợp của chị: Đó là một “phụ nữ tội lỗi", và có lẽ là một gái điếm. Chị ta phạm nhiều tội lỗi. Nhưng chị đã hối hận về những tội lỗi ấy. Chị khóc lóc trước đám đông! Chị chán ngán chính mình. "Sự dễ dãi, trong đời sống đạo đức không làm cho người ta hạnh phúc”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói như thế với giới trẻ để trả lời mỗi câu hỏi về tình dục.

Thế là người phụ nữ tội lỗi đã quỳ sấp trên mặt đất dưới chân của Đức Giêsu. Những tiếng nức nở vang lên làm toàn thân chị run rẩy. Chị hôn lên chân Đức Giêsu nhiều lần và làm cho phòng tiệc sực nức mùi thơm. Các thánh sử đã có thể kể lại những cảnh hàm hồ như thế ra sao? Về việc này, chính Đức Giêsu đã nói ra nhột sứ điệp chủ yếu.

Tôi nghĩ đến những tội lỗi của tôi, và con thủy triều dơ bẩn màu đen của mọi tội lỗi thế gian. Lạy Chúa, Chúa phải quen thấy con người phạm tội từ khi Chúa đã tạo ra con người có tự do, từ khi có con người trên mặt đất.


Thấy vậy ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: "Một người tội lỗi!”

Ông Pharisêu ấy khinh bỉ đàn bà. Quả thật, theo Luật pháp của Israel, người ta trở thành "ô uế" khi chạm vào một Người đàn bà tội lỗi, cũng như vào một xác chết hay một con heo. Vì thế có dư luận giữa người Pharisêu: Đức Giêsu không phải là một người của Thiên Chúa, không phải là một ngôn sứ.

Vậy bạn thử nghĩ xem, Người đã để cho một phụ nữ xõa tóc mình mà lau chân Người, một hành động đáng xấu hổ và sỗ sàng ngay cả ngày hôm nay cúng thế trong thế giới Do Thái và Hồi giáo truyền thống nơi Người phụ nữ phải dùng khăn trùm mà che giấu tóc họ.


Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!". Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói". Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Ông Simon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn". Đức Giêsu bảo: "ông xét đúng lắm".

Thông thường những chủ nợ loài nói thì không như thế! Nhưng Thiên Chúa thì như thế. Đức Giêsu quả là ngôn sứ, Người đã làm cho tình yêu thương của Thiên Chúa Cha trở nên hữu hình…

Sau cùng khi nào chúng ta mới hiểu rằng Thiên Chúa không phải là "Đấng xét xử" nhưng là "Đấng tha nợ", Đấng tha thứ những người tội lỗi? Và ai yêu cầu chúng ta có thái độ giống như thế: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".


Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: "ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng hôn chân tôi Dàu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi còn chị ấy lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.

Đức Giêsu đã ngợi khen chị ấy. Người đề cao chị ấy.
Người nhấn mạnh tất cả những việc tốt chị đã làm, từng chi tiết một. Trước đó, chị đã đau khổ biết bao. Lạy Chúa, xin giúp cho con nhìn những kẻ tội lỗi và cả chính con với ánh mắt của Chúa, đầy lòng nhân từ và thương xót. Xin Chúa ban cho các Kitô hữu quyền năng phục hồi những kẻ có tội dưới mắt họ. Lạy Chúa ước gì mọi lời nói và thái độ của Giáo Hội Chúa nói lên rằng Chúa nhân hậu dường bao! Lạy Chúa, ước gì mọi linh mục của Chúa đều đầy lòng nhân từ. Lạy Chúa Giêsu, xin cho họ giống Chúa, xin cho họ là những thánh chức đem sự hòa giải lại cho mọi kẻ tội lỗi.


Vì thế tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít".

Dụ ngôn nói trên về hai người mắc nợ có ý nghĩa rõ ràng: Bởi vì người đã tha thứ cho chị nhiều nên chị đã yêu mến nhiều. Trong khi mà bản dịch của sách Kinh Thánh dường như rút ra kết luận ngược lại: vì chị đã yêu mến nhiều nên người ta đã tha thứ cho chị nhiều. Thật vậy, truyền thống to lớn của Kinh Thánh đã lặp lại không mệt mỏi với chúng ta rằng không phải kẻ tội lỗi xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ nhưng Thiên Chúa đã tha thứ không đòi hỏi bởi một sáng kiến tự do của tình yêu phổ quát của Người.
Nhưng, dù sao chân lý có thể có trong cả hai lập luận: Tình yêu là nguyên nhân của sự tha thứ: "Tội của chị được tha vì chị đã yêu mến nhiều”.

- Tình yêu là hậu quả của sự tha thứ: "Người ta càng được tha thứ, người ta càng hướng về lòng yêu mến".
Tình yêu khiến cho tha thứ! Vâng đúng vậy.
Tha thứ khiến cho mến yêu! Còn đúng hơn nữa.

Như thế bản văn này của Luca, vị thánh sử của lòng thương xót, là một viên ngọc quý của Tin Mừng. Đức Giêsu đã trả lời cho người Pharisêu ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ tội lỗi chạm vào Đức Giêsu và có vẻ nghi ngờ quyền năng ngôn sứ phải biết được bí mật các tâm hồn của Người: "Tôi biết rất rõ chị ấy là ai và chính vì tôi biết mà tôi đã để cho chị ấy chạm vào tôi: Bởi vì tôi đến vì những kẻ tội lỗi chứ không phải vì nhũng người công chính" (Lc 5,31-32).

Con cám ơn Chúa về sự mạc khải này. Có lẽ vì điều đó Chúa cho phép chúng con lạm dụng sự tự do mà phạm tội để một ngày kia tội lỗi của chúng con biến đổi thành tình yêu to lớn hơn, bởi vì chúng con sẽ hiểu và đón nhận sự tha thứ của Chúa. Ôi mầu nhiệm biết bao khi mỗi tội lỗi của con có thể trở thành một cơ hội yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: Giây phút tuyệt vời khi con ý thức được lòng thương xót; khi con đoán biết Thiên Chúa yêu thương con đến mức độ nào; Chính sự tha thứ là tình yêu cao cả nhất. Chẳng đáng bỏ công cử hành sự tha thứ ấy trong một bí tích hay sao? Giáo Hội hiện nay thật có lý muốn gọi bí tích này là bí tích "hòa giải", thay vì là bí tích "sám hối"? Tôi có thích thực hành bí tích ấy không? Thánh âu-tinh đã viết: "Sự xưng thú tội lỗi chỉ có ý nghĩa Kitô giáo nếu nó được thực hiện trong sự tuyên xưng lời khen ngợi". Xưng thú tội lỗi của chúng ta, chính là tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.


Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi". Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an!".

Một cách hoàn toàn tự nhiên, Đức Giêsu cư xử như một người có quyền bính của Thiên Chúa, Đấng tha thứ mọi tội lỗi. Chính vì những thái độ và lời nói, như thế đã khiến cho các môn đệ thắc mắc về căn tính sâu xa của Người: "Vậy thì người “này là ai?" Ngày trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Người ta đã dám trả lời rằng: "Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa!”.

Sau đó, Đức Gìêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ…

Theo thói quen, Luca nhấn mạnh đến các "phụ nữ", như thế là phản ứng lại xã hội và các tôn giáo trong thời của ngài Các giáo trưởng Do Thái đã loại các phụ nữ ra khỏi tập thể các môn đệ của họ. Quả là một cuộc cách mạng thật sự đã bắt đầu với Đức Giêsu. Dù chưa hoàn tất.
 

Tình yêu cứu độ – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bữa tiệc hôm nay diễn ra trong một khung cảnh đầy mâu thuẫn. Một bên là căn nhà sang trọng của thủ lĩnh biệt phái, một bên là Chúa Giêsu ăn mặc đơn sơ trong bộ quần áo của dân nghèo. Một bên là ông Simon người được coi là đạo cao đức trọng, một bên là người phụ nữ bị coi là đại tội nhân. Một bên là mâm cao cỗ đầy, mọi người vui tươi ănuống, một bên là người phụ nữ quì mọp sát đất, không dám ngẩng mặt lên, gục đầu khóc lóc. Chính trong khung cảnh đầy mâu thuẫn, trái ngược ấy, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương bao la của Người.

Đó là tình yêu bao dung chấp nhận mọi người. Chúa chấp nhận ông Simon dù Chúa không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, vì họ tự tôn cho rằng mình đạo đức mà khinh miệt những người khác. Hơn nữa, lối sống đạo của họ chỉ là hình thức giả dối bề ngoài. Thế nhưng Chúa vẫn chấp nhận ông, chấp nhận lời mời của ông, đến dự tiệc với ông, ngồi đồng bàn với ông, chia sẻ món ăn và câu chuyện với ông. Không chỉ chấp nhận ông Simon, Chúa còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai. Chị vào nhà trong ánh mắt khinh thị của mọi người. Nhưng Chúa vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình. Chúa đã để chị hôn chân mình. Chúa đã để chị lấy tóc lau chân mình. Chúa đã để chị xức dầu tràn đầy trên chân mình. Còn hơn thế nữa, Chúa lên tiếng công khai bênh vực chị. Nếu Chúa công khai bày tỏ thịnh tình với ông Simon khi đến nhà ông dự tiệc thì Chúa cũng công khai bày tỏ thịnh tình với người phụ nữ khi lên tiếng bênh vực chị. Chúa chấp nhận tất cả mọi người.

Đó là tình yêu bao dung tha thứ mọi tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ tội lỗi là thái độ bao dung tha thứ. Chúa để cho chị vào nhà. Hơn thế nữa, Chúa để cho chị gục đầu vào chân Chúa, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị làm điều ấy ở nơi kín đáo còn đỡ gây chống đối, đằng này chị làm điều ấy công khai trước mắt mọi người, mà lại là những người ghen ghét, chống đối và kết án chị. Aùnh mắt và thái độ của những người chung quanh, đặc biệt là của ông Simon không lọt ngoài tầm mắt Chúa. Nhưng Chúa vẫn để chị làm những gì biểu lộ lòng thống hối, lòng yêu mến của Chị. Sau đó Chúa còn công khai lên tiếng ca ngợi tình yêu và niềm tin của Chị và công khai tha thứ cho chị.

Đó là tình yêu bao dung hoán cải. Chúa không ưa thói hợm hĩnh, giả hình của người biệt phái. Nhưng Chúa vẫn tìm cách hoán cải họ. Vì thế hôm nay Chúa nhận lời đến nhà ông Simon dự tiệc. Thấy thái độ của ông đối với người phụ nữ và những ý nghĩ thầm kín của ông phê phán Chúa, Chúa không để ông trong lầm lạc, nhưng đã lên tiếng giải thích cho ông hiểu những điều then chốt trong đời sống đạo và những gì có giá trị thực sự trước mặt Chúa. Chúa phải tốn công giải thích cặn kẽ vì Chúa yêu thương ông, muốn ông hiểu và hoán cải tâm hồn.

Đó là tình yêu ban ơn cứu độ. Tất cả những gì Chúa làm là mong đem ơn cứu độ cho loài người, cho tất cả mọi người không loại trừ một ai. Chúa muốn cứu độ cả ông Simon là người tưởng lầm mình đạo đức nhưng chỉ là đạo đức bên ngoài. Chúa muốn cứu độ cả người phụ nữ bị mang tiếng tội lỗi, bị mọi người khinh miệt, loại trừ. Tình yêu của Chúa không phải là thứ cảm tính nhất thời, đem đến an ủi nhất thời. Đó là tình yêu đem đến ơn cứu độ, đem đến hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu cho con người.
Lạy Chúa, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Lạy Chúa, xin cứu độ con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1-  Bạn có thường xét đoán và khinh miệt, loại trừ người khác như ông Simon biệt phái không?
2- Bạn có thái độ khiêm nhường thống hối, tha thiết yêu mến như người phụ nữ tội lỗi không?
3- Chúa Giêsu nêu gương gì cho bạn trong cách đối xử với mọi người, người tội lỗi cũng như người tự xưng mình công chính?
4- Khi yêu thương người khác, bạn có dẫn người khác đến ơn cứu độ không?
 

Đức tin chị cứu chị, hãy đi bình an.

Với người phụ nữ tội lỗi không mời, chị bất ngờ xuất hiện đi vào phòng ăn đứng phía sau, sát chân ĐGS, khi Người vừa mới ngồi vào bàn ăn. Sự xuất hiện bất  ngờ của chị làm cho ông chủ tiệc bao bỡ ngỡ và cho những người đồng môn mà ông  mời cũng có cùng tâm trạng. Điều này hiện rõ trên khuôn mặt họ nỗi cảm xúc tần ngần. Mọi cặp mắt tập trung lại, chăm chú nhìn CGS. Phần CGS, Người yên ắng, vẫn thái độ cố hữu điềm nhiên, mặc cho mọi hành vi cử chỉ người đàn bà tội lỗi biểu lộ trong tư cách trơ trẽn ấy dành cho Người. Đôi mắt khóc nhè làm thấm ướt cả chân Người, chị cúi xuống lấy tóc mình lau, rồi hôn lên, còn để thỏa lòng mến trọng, mở sắc lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Người, cả căn phòng ướp hương thơm ngào ngạt.
           
Bấu khí bữa ăn có thay đổi chăng? Trọng tâm bữa ăn thay đổi? Mọi bữa ăn đời thường dù ở cấp độ nào cũng xoay quanh những câu chuyện buồn vui, rộn rã tiếng cười đời thường giữa những thực khách. Còn đây, bữa ăn đổi thực chất ra như cuộc hội ngộ ‘hội đường’ hơn là đang nơi nhà người biệt phái. Vì với nhiều yếu tố, khách quan mà nói, cho bất luận ai cũng có thể suy đoán như thế.
          
Thật vậy, có thể đem so sánh để nhận ra được ý nghĩa xuyên qua nghi thức cử hành thánh lễ ngày nay của GH. Mỗi thánh lễ có lời nguyện thứ hai sau kinh Lạy Cha, chuẩn bị kết hiệp qua đón nhận của ăn là Mình Máu Chúa, có đủ những yếu tố na ná bữa ăn mà CGS tham dự đây. Những điểm chình yếu của lời nguyện ấy gồm: khẩn xin để được lời hứa ‘bình an’ của Thầy; xin chớ ‘chấp tội’, nghĩa là được tha tội nhờ trông cậy vào ‘đức tin’ bù đắp của GH,  xin ‘hiệp nhất’ giữa mọi người cùng dự phần bữa ăn như ý Chúa muốn. Thuật ngữ ‘hiệp nhất’ ở đây nhận nghĩa rộng bao hàm hết mọi lãnh vực, nghĩa là cá nhân hay tập thể ở mọi tình huống cỏi đời.
           
Quay lại bữa ăn tại nhà người biệt phái có tên là Simon mời ĐGS, không chỉ có bạn đồng môn của ông, mà còn có cả 12 tông đồ vừa tạo nên nhóm gần đây. Vậy có bốn thành phần hiện diện: nhóm đồng môn biệt phái tự cho mình là những người xa lánh tội lỗi, xa lánh cả kẻ tội lỗi đáng khinh ghét như người phụ nữ đầy tội lỗi đây, nhóm tông đồ ngư phủ chất phác vừa được gọi theo Thầy để được đánh bóng, và cuối cùng là Thầy GS. Tất cả từ khi người phụ nữ bước vào phòng ăn, bầu khí bỗng trở nên yên ắng, tất cả chỉ ngồi tần ngần nhìn để rồi chỉ còn nghe những gì mà Người gọi đích danh ông Simon, chủ gia và nói với ông. Có lẽ cũng có ý nói cho hết mọi người cùng nghe. Chất liệu Người nói xoay quanh tội lỗi, lòng thống hối và sự tha thứ. Thống hối để được tha thứ. Tha thứ để được hòa giải, giao hòa và kết hiệp giữa mọi người. Thế là tất cả những người chung hiện diện trong bữa ăn nhà biệt phái, vậy có chưa sự hòa giải giao hòa, kết hiệp? vì bữa ăn nào, điều trên hết là hài hòa giữa nhau và thông chia bổ dưỡng cho nhau. Người đàn bà tội lỗi, tuy ở chị là cả một khối tội lỗi, điều này cả thành ai cũng biết, tuy nhiên ở nơi chị, không thể phủ nhận, còn có hai cơ năng -khối óc con tim- chưa đến độ trơ trẽn sơ cứng không còn có thể đủ sức vực dậy mình khả thi làm lại một cuộc sống tương lai đổi mới?  
           
Do vậy, điều đã trở nên là bằng chứng hệ tại ở ngay trong thái độ và lời tiễn chân của CGS dành cho người phụ nữ là: đức tin, tha thứ, bình an, hòa hợp. Cũng là bài học dành cho hết mọi người có mặt hôm nay ở đây. Là người, ai cũng đòi hỏi phải sống như thế. Vậy với thuật ngữ ‘bình an’ liên kết mật thiết vời ‘đức tin’ mà CGS dùng để tiễn chân người phụ nữ lúc này không là hai từ giản dị mà người đời thường hay nói cho nhau. Vì bình an luôn gắn kết mật thiết với đức tin. Thứ bình an mà CGS đã nói sau này trước khi về trời được GH trích đưa vào để nên lời cầu xin ở mỗi cử hành Thánh Lễ, sau kinh Lạy Cha, chuẫn bị lòng để ăn, để kết hợp với Chúa Thánh Thể, và với mọi anh em.
           
Điều đáng nói thêm, ở đây bây giờ, tư tưởng của Luca là gì? Luca có ý chăng liên kết tư tưởng giữa hai câu chuyện TM được trích đọc liền hai CN X và XI thành một ý tưởng thống nhất? Thực sự xem ra là vậy, vì nếu đem hai câu chuyện TM trong hai CN này liên kết lại sẽ cho một tư tưởng thống nhất hài hòa. Luca có ý đưa ra một bài học tổng diện về đức tin vào CGS.  CGS là chủ tác của mọi hình thái sự sống: vừa là chủ tác cho tất cả sự sống phần xác (CN X) mà còn vừa là chủ tác sự sống linh hồn (XI), sự sống linh hồn là hoa trái của quyền tha tội và sứ mệnh cứu độ của Người. Vì quyền tha tội mà Người xác định với người phụ nữ tội lỗi, đã làm ngỡ ngàn hơn nữa những khách dự bữa ăn, càng minh chứng rõ điều Luca muốn quả quyết và truyền đạt. Khẳng định này xem ra càng phù hợp hơn vì đó là những gì cần để trả lời cho Gioan Baotixita từ việc, trước đây một chút, ông đã gởi các đồ đệ đến tra vấn về sứ mệnh của Người, bao gồm cả về thân thế, nguồn gốc của Đấng mà một thời ông đã từng rao giảng: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”( Lc.3,6).
           

Lạy CGS nguồn tha thứ và chủ ban sự sống. Chúa đã tha tội cho người phụ nữ đáng thương can đảm đi gặp Chúa để thống hối hầu chỗi dậy làm lại cuộc sống tươi đẹp, còn dạy cho những người biệt phái bài học quý giá đó. Xin cũng hãy dạy con cũng biết học với Người để biết thống hối và yêu thương mọi người như Chúa yêu thương và tha thứ.

Lm Uyen Nguyen

Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ. Người luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của những kẻ có tội thật lòng sám hối ăn năn. Luôn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng khiêm tốn cầu xin:

1. Dung mạo của Hội thánh là dung mạo hiền lành của Chúa Giêsu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / tìm được nơi Hội thánh lòng khoan dung vô bờ.

2. Trên thế giới ngày nay / tệ nạn xã hội tràn lan khắp mọi nơi / ảnh hưởng không tốt đến đời sống hôn nhân và gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc ngăn chặn tệ nạn xã hội của các quốc gia / đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

3. Đời sống khó khăn / tình trạng thất nghiệp / nhiều khi làm gia tăng tội ác trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đều tìm được việc làm ổn định lâu dài.

4. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ trong giáo xứ chúng ta / biết quan tâm đến việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái bằng lời nói / nhưng đặc biệt là bằng chính gương sáng của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con biết triệt để sống Lời Chúa dạy trong Tin mừng. Nhờ đó, chúng con có thể mạnh dạn nói như thánh Phaolô tông đồ: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

 
BTTGXTN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn