1
21:44 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 193

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 191


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 385494

Tổng cộngTổng cộng : 27939778

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Suy niệm Lời Chúa Tuần VI Phục sinh

Thứ sáu - 03/05/2013 08:36-Đã xem: 1364
Đoạn Phúc Âm của thánh Gioan đặt chúng ta vào vị trí vượt khỏi tất cả những quan niệm loài người về Thiên Chúa. Lý trí con người chỉ có thể quan niệm về Thiên Chúa theo hai cách. Hoặc Thiên Chúa là vị thần vô định biểu lộ thần uy trong những sức mạnh vật chất như bão táp, mặt trời, v.v… và con người bày đặt ra nhiều cách thờ phụng.
Suy niệm Lời Chúa Tuần VI Phục sinh

Suy niệm Lời Chúa Tuần VI Phục sinh

 

CÁC BÀI ĐỌC KINH THÁNH CHÚA NHẬT VI PHUC SINH

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-2. 22-29
"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này. Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau: "Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".  

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 66, 2-3. 5-6 và 8
Đáp:Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài.

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1)Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

2)Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. 

3)Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

BÀI ĐỌC II: Kh 21, 10-14. 22-23
"Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.  

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 14, 23-29
"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".

Đó là lời Chúa.

--------------------------------------------------------------------------


Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

SỰ HIỆN DIỆN LIÊN TỤC CỦA CHÚA GIÊSU

1. Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đừng bối rối trước viễn ảnh ra đi của Ngài (c.1): Chúa Cha sắp gởi đến cho họ một đấng phù trợ khác trong ngôi vị Thánh Thần (c.16-17); còn Ngài, Ngài sắp trở lại với họ dưới một hình thức mà thế gian không thấy, nhưng những ai tin vào Ngài mới thấy (c.18-21).

Việc Thiên Chúa đến ở đây khác xa với ý nghĩ của những người Do thái cũng như của các môn đệ. Được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện Cựu Ước, các thị kiến tiên tri, các quang cảnh có tính cách Khải huyền, họ mơ đến một cuộc thần hiện dị thường, chói lòa vinh quang Thiên Chúa (Is 60), một cuộc phán xét toàn diện chấm dứt dòng lịch sử để thiết lập vương quyền Thiên Chúa và các thánh (Đn 7). Giuda bày tỏ sự ngạc nhiên của tất cả các môn đệ: “Thưa Ngài tại sao có thế này: là Ngài chỉ tỏ mình ra cho chúng tôi, chứ không cho thế gian?” (c.22). Ông ta mơ đến một cuộc hiển hiện khả giác. Ông không hiểu rằng việc Chúa Giêsu và thánh linh chỉ được nhận biết trong đức tin.

Thoạt nhìn, câu trả lời của Chúa Giêsu (c.23) như bất biết câu hỏi và sự ngạc nhiên của Giuda. Thực ra Ngài trực tiếp trả lời câu hỏi đó, khi loan báo sự mạc khải mầu nhiệm của Ngài và nói lên nguyên nhân khiến thế gian không hiểu được mạc khải ấy. Ngài bỏ qua mọi viễn tượng cánh chung, để chỉ nói việc Thiên Chúa đến trong Giáo hội và trong thời gian. Đó là một quan điểm hoàn toàn mới mẻ được đưa vào nhân câu hỏi của Giuda.

Để tiếp đón Thiên Chúa, phải tin nhận lời Ngài và đáp trả bằng tình yêu. Tất cả truyền thống Thánh kinh đã tuyên bố như vậy. Biết Thiên Chúa là có tương quan với Ngài trong nội tâm và tình yêu. Tám thế kỷ trước Chúa Giêsu, Ôse đã loan báo sự cứu độ Israel như là cuộc đính hôn và biểu thị đặc tính của nó bằng sự “nhận biết” Thiên Chúa: “Ta sẽ đính hôn với ngươi muôn thuở, cưới ngươi trong công bình, chính trực, dịu hiền và yêu mến; Ta sẽ đính ước với ngươi trong chung thủy, và ngươi sẽ biết Giavê” (Os 2,20-22). Theo kiểu nói phúc âm, các môn đệ biết rằng yêu Chúa Giêsu đầu tiên cốt tại “giữ lời Ngài” (c. 15 và 21), nghĩa là nhận ra trong sứ điệp của Ngài những đòi hỏi và những ân huệ của tình yêu Thiên Chúa và đáp trả bằng sự dấn thân cả đời sống cách đích thực và quảng đại.

Đối với những ai yêu Ngài như thế, Chúa Giêsu hứa hẹn rất tuyệt diệu Ngài không nói đến tình yêu mà NGÀI đương nhiên dành cho họ, nhưng Ngài loan báo cho họ tình yêu và hồng ân kỳ diệu của Chúa Cha: đó là cùng với Chúa Con (c.18-21), chính Chúa Cha sẽ đến ở với các tín hữu. Các Ngài sẽ đến cư ngụ trong họ như trong đền thờ của mình (x.4,21-24).

Cựu Ước đã biết việc Thiên Chúa đến, ví dụ việc Ngài đến thăm Abraham dưới cây sồi Membré (St 18,1-15), nhưng đó chỉ là một sự gặp gỡ tạm thời dưới hình dáng bên ngoài. Các tiên tri đã loan báo một cuộc thần hiện vinh quang vào thời cánh chung (Is 60), nhưng sự thể hiện kỳ diệu này không để chỗ cho sự thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và tín hữu Ngài, với lại không có vấn đề cho cuộc sống này. Còn Chúa Giêsu hứa ban cho các người của Ngài, ngay từ đời này, được kết hợp thân mật cá vị với Thiên Chúa trong chốn sâu thẳm của đời sống Ba Ngôi. Ngài không dùng chữ “tỏ mình” nữa (c.21) vì trong câu hỏi của Giuda, chữ đó dễ gây hiểu lầm (c.22). Việc Thiên Chúa đến mà Ngài loan báo vượt lên trên tất cả những mơ tưởng của Do thái giáo và những kỳ vọng của các tiên tri: đó là sự hiện diện trực tiếp của chính Thiên Chúa trong nội tâm và tình yêu; lời hứa tuyệt vời của phúc âm là vậy.

Những ai chối từ tình yêu Thiên Chúa (c.24) thì không thể thấu triệt việc Thiên Chúa Ba Ngôi đến cách vô hình mà Chúa Giêsu vừa loan báo cho những ai yêu mến Ngài. Họ không “biết” Chúa Giêsu vì đã khước từ sứ điệp của Ngài. Họ không thể “biết” Chúa Cha, nguồn sứ điệp này (3,31-34; 5,37-38; 7,16-17; 8,47; 12,48-50). Ở đây, Giuda tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi của ông: chỉ biết được Chúa Giêsu nhờ đức tin (1,9-12), Ngài chỉ tỏ mình ra cho những kẻ tin (14,19).

Đã có một thời gian Chúa Giêsu hiện diện cách hữu hình với môn đệ; họ có thể nghe lời Ngài qua giác quan (c.25). Nhưng bây giờ thời gian này không còn nữa, và phục sinh sắp mở đầu một thời gian mới trong đó tương quan giữa thày và trò thay đổi cách thức (Lc 24,44). Sự lưu truyền lời chúa phán trong cuộc đời tại thế vẫn còn. Và chính sự lưu truyền này phát sinh ra phúc âm. Tuy nhiên nó sẽ được đổi mới hoàn toàn.

2. Thật vậy, sự lưu truyền lời Chúa Giêsu trong Giáo hội không phải là một sự tồn kho bất động, một việc sưu tập những lời cổ kính, bởi lẽ chính Thánh Thần làm nên sự lưu truyền này (c.26). Theo các lời từ biệt khác của Chúa Giêsu, Thánh thần là đấng bàu chữa công lý bênh vực Chúa Giêsu và môn đệ của Ngài trước tòa án của thế gian này (15,16; 16,7-11; Mt 10,20; Mc 13,11; Lc 12,12). Ở đây cũng như trong các tiên tri, Ngài (Chúa Thánh Thần) là đấng linh ứng lời Thiên Chúa. Trong sứ mệnh tại thế, Chúa Giêsu đã nói được “những lời của Thiên Chúa, Đấng ban dư đầy THÁNH THẦN cho Ngài” (Ga 3,34) những lời này là “thần trí và là sự sống” (Ga 6,63). Và nếu Thánh Thần được ban cho môn đệ trong ngày phục sinh (Ga 20,22; 7,37-39), đó là để đặc biệt nhắc nhở họ nhớ lại sứ điệp. Không phải một việc ghi vào ký ức cách vật chất; thánh Gioan hai lần ghi chú trong phúc âm là các môn đệ chỉ thấu triệt ý nghĩa lời Chúa Giêsu cũng như các hành động của Ngài khi “nhớ lại” chúng dưới ánh sáng phục sinh (Ga 2,22; 12,16), nghĩa là dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh thần, Đấng giúp họ quán triệt ý nghĩa thâm sâu. (Vai trò soi chiếu của Thánh Thần đã được phác họa trong Ga 16,12-14).

Chúa Giêsu đã loan báo trong diễn từ (14,16) là sẽ xin Cha sai Thánh Thần bàu chữa đến với họ. Ở đây Ngài cũng thêm là Cha sẽ sai đến nhân danh Ngài. Cả hai cách nói tương đương và tạo nên một trong những công thức chính xác rõ ràng nhất về thần học Thiên Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước. Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tín hữu, có cùng một mục đích là làm cho họ nhận biết sứ điệp Thiên Chúa và cho họ thông hiệp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài.

3. Khi đã bảo đảm cho họ về một ánh sáng sống động sắp đến, Chúa Giêsu mới có thể từ giã họ. Ngài từ giã theo phong tục người Do thái, với lời chào: Shalôm: bình an. Tuy nhiên đây không phải là một lời từ giã thông thường: “Ta ban bình an của Ta cho các con”. Thế gian chỉ có thể chúc bình an, còn Ngài ban bình an, bình an riêng của Ngài. Theo não trạng người Hy Bá, chữ “bình an” diễn tả một cái gì còn hơn sự an tĩnh của tâm hồn. Nó bao gồm tất cả những thiện hảo mà người ta có thể cầu chúc; đó chính là sự an lạc. Nhưng sự bình an của Chúa Phục sinh (20,19.21.26) còn hơn sự an lạc vật chất hay hạnh phúc nhân bản. Bình an hệ tại việc chiếm hữu chân lý (theo nghĩa đã giải thích ở trên) với sự hiện diện viên mãn của Thiên Chúa. Sự chiếm hữu này làm cho các môn đệ thoát khỏi những thăng trầm của cuộc sống này, bằng cách bảo đảm cho họ rằng họ sẽ vượt qua tất cả các chướng ngại vật thế gian gây ra cho các việc chứng nhân của họ: “Hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian” (16,33). Lời từ biệt này có thể làm cho họ bối rối (14,1), nhưng họ chẳng có gì phải sợ, vì sự ra đi này không phải là một sự chia cách.

4. “Cha lớn hơn Ta”. Các giáo phụ và các thần học gia, nhất là những vị đã từng tranh luận về Thiên Chúa Ba Ngôi, đã bối rối vì mấy chữ đó, và đã dựa vào chúng để bàn cãi sôi nổi về mối liên hệ giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, cũng như việc phân biệt hai bản tính trong Đức Kitô và về nguồn gốc của Chúa Con. Nhưng những cuộc bút chiến này, nếu không đi sai đường, thì cũng đi vào ngõ cụt. Tình yêu của môn đệ chỉ nhằm đến vẻ bề ngoài của con người Chúa Giêsu. Họ còn yêu Ngài trong mức độ họ còn có thể đụng chạm Ngài dưới hình thức nhân loại của Ngài và tùy theo địa vị mà họ ao ước nắm giữ trong vương quốc thiên sai. Họ đã phán đoán và yêu Ngài từ bên ngoài. Nhưng con người của Ngài bám chặt cách thâm sâu vào Chúa Cha, Cha trở nên hữu hình trong Ngài (x.14,9). Cái quan trọng không phải là cái mà họ đã nắm chắc được nơi Ngài cho tới bây giờ, nhưng là Chúa Cha qua Ngài. Chính trong nghĩa này mà Gioan đã có thể viết mà không sợ đụng chạm đến đức tin tí nào: “Cha trọng hơn Ta”, có nghĩa là trọng hơn cái mà các con đã thấy nơi ta. Chúa Giêsu kém cao trọng xét như là người mạc khải Cha. Sự phân biệt đó không nhằm đối chiếu bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa (như truyền thống đã cắt nghĩa) nhưng nhằm đối chiếu cái môn đệ hình dung, trình bày về Ngài (sa “prêsentation humaine”) (trong tư thế một vị thiên sai) với ý nghĩa thiện linh trọn vẹn của Ngài (sa pleine signification divine) là mạc khải Chúa Cha. Đây là vấn đề nhận biết Chúa Cha trong Chúa Giêsu. Khi các môn đệ nhận biết điều đó rồi, thì không còn vấn đề hơn thua, vì Cha và Ngài chỉ là một.

KẾT LUẬN
Nhờ suy tư sau khi gần hoàn tất phúc âm, thánh Gioan ngày càng thấu triệt khiếm diện và hiện diện của Chúa Giêsu trong các môn đệ. Từ lúc Chúa chết trên thập giá, ông đã sống trong sự khiếm diện siêu việt của Chúa. Ông có thể kết luận cuốn phúc âm của mình: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Vì ông kinh nghiệm rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu đối với các môn đệ không cốt tại các thị kiến phi thường, cũng không phải trong các lần hiện ra ngắn ngủi và dành riêng cho một vài nhân chứng sau khi sống lại, nhưng sự hiện diện luôn có đối với những ai tìm kiếm Ngài với niềm tin. Được nâng lên trong vinh quang Thiên Chúa, hiệp nhất cách mầu nhiệm với Cha và Thánh Thần, Đấng Phục sinh đã từ bỏ đời sống trần thế, là đời sống đã làm cho Ngài có thể nhận biết một cách khả giác. Nhưng khuất mắt ta để từ đây luôn luôn hiện diện với chúng ta theo cách thế của Thiên Chúa (Mt 28,20)



 
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Trái ngược với việc tuân giữ cách máy móc và mệt nhọc những giới luật tỉ mỉ, không sống động, thích hợp chút nào với tâm hồn tín hữu, Chúa Giêsu thiết lập các tương quan giữa Ngài với các môn đệ trên mối liên lạc tình yêu. Để thấy Chúa Giêsu, để sống nhờ Ngài, với Ngài, thì phải “giữ lời Ngài” (c.24). Sự sống này, như Chúa Giêsu xác định, là chính sự sống của Ngài nhận từ Cha, sự sống mà Ngài có với Cha, nghĩa là mối dây tình yêu.

2. Lúc sắp lìa xa các môn đệ, lúc sắp được nâng lên, Đức Kitô loan báo cho họ biết Ngài hằng hiện diện luyôn mãi qua lời Ngài. Bài giã từ trong chương 14 của Gioan không mang một mục đích nào khác ngoài việc tỏ cho biết sự hiện diện mới mẻ này.
Đối với người Semit, lời nói là cái gì cụ thể; cũng như tên gọi, lời nói là biểu thức của một hữu thể, một ngôi vị; hơn tất cả các phương tiện khác, nó bảo đảm được mối giây liên lạc sống động mà mỗi người cố nối kết với tha nhân; đó là cơn mưa đưa sự sống đến cho trái đất, làm nẩy mầm những hạt lúa sẽ trở thành cơm bánh (Is 55,8-11)

Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc đời các tông đồ khi đi sâu vào trong những xác tín của họ. Lúc Chúa Giêsu rời bỏ họ, họ nhớ lại kinh nghiệm đặc biệt mà họ vừa có mà Chúa Giêsu tóm lại trong một chữ: Lời ta. Bằng ấy nói lên tất cả con người của Ngài đối với họ (x.1Ga 2,23; 4,15; 2Ga 9).
Sự hiện diện này sẽ sinh hiệu quả trong họ như sự hiện diện của Thiên Chúa đã sinh hiệu quả suốt lịch sử Israel. Sự hiện diện đó là Shékinah đã theo dân trong sa mạc, đã bao phủ đền thờ trong ngày Salomon cung hiến, đã nâng đỡ những người bị lưu đày, đã hoàn lại sự sống cho “nhóm còn lại”, đã ngập tràn tâm hồn mỗi người trong niềm mong chờ sự hiện diện sung mãn.

Khi theo Chúa Giêsu, các tông đồ đã sống lại lịch sử dân Do thái và thấy mình được kêu gọi sống thông hiệp thân mật với Đấng đã nói với Môisen “như bạn nói với bạn” (Xac 33,11).

Việc khám phá ra sự hiện diện cao quí vô giá sẽ Giáo hội được thực hiện hàng ngày, qua kinh nghiệm của cuộc sống thường nhật, dưới sự phù trợ của Thánh Thần, Đấng làm sống lại tạo vật mới đang thoát dần khỏi bóng tối của sự bách hại, sự chia rẽ và sự chết. Không gì có thể lay chuyển được sự hiện diện đó do Thánh Thần ban.

3. Sự ra đi của Đức Kitô, tức cuộc tử nạn, Phục sinh của Ngài, là cần thiết để các tông đồ khám phá một cách rõ ràng Chúa Giêsu là ai: là nhân chứng đặc biệt của Cha và của tình yêu Ngài. Họ phải khám phá thấy tình yêu đó còn lớn hơn tất cả những gì họ đã khám phá ra nơi Đức Kitô. Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi họ khám phá ra điều họ đã tiên cảm. Làm sao họ lại không vui cho được.

4. Sự hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu không phải là tất cả. Sự hiện diện vô hình trong tâm hồn cao quí hơn nhiều. Cũng như thánh Phaolô, chúng ta không nuối tiếc vì đã không sống vào thời phúc âm. Thật là mối nguy hiểm nếu chỉ nhận biết Chúa Giêsu qua ngoại diện (theo xác thịt) mà không sống kết hiệp nội tâm với Ngài theo Thánh thần (2Co 5,16).

5. Tuần tới, chúng ta sẽ cử hành lễ Chúa Thăng thiên, một cuộc ra đi cần thiết để ban Chúa Thánh Thần xuống cho ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tin tưởng mong đợi Chúa Thánh Thần. Để được như vậy, chỉ cần biết chấp nhận bình an của Đức Kitô và tuân giữ lời Ngài, nghĩa là tin và để lời đó phát sinh trong ta hoa trái đã được Chúa loan báo trước. Chúng ta sắp thông phần với hy tế của Ngài, sắp lãnh nhận Ngài làm của ăn; ước gì sự hiện diện sống động của Ngài là sức mạnh và kiên nhẫn cho chúng ta. Chớ gì bình an vượt quá mọi sự của Ngài tràn ngập chúng ta.


Chú giải của Noel Quesson

Chúng ta tiếp tục suy niệm “diễn từ giã biệt” của Đức Giêsu vào chiều Thứ Năm Thánh. Đoạn văn mà chúng ta sắp đọc được Gioan giới thiệu như câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi của Giuđa: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Toàn thể văn chương Do Thái thời Đức Kitô đều minh chứng cho ta thấy, những người động thời với Người luôn ngóng đợi một Đấng Mêsia mạnh về chính trị, có thể chiến thắng cách hiển nhiên mọi quân thù và cưỡng bức các đối thủ phải phục lụy. Đó cũng là nỗi mong chờ của các tông đồ. Và chúng ta cũng không lường ước mong như thế nào?

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.
Đó là cách biểu lộ duy nhất mà Thiên Chúa đã quyết định thể hiện: người đến cư ngụ giữa những kẻ tiếp đón Người và tin tưởng nơi Người. Nói cách khác, Người chỉ được người ta nhận ra Người “hiện diện”, nhờ những kẻ yêu mến Người. Tình yêu không cưỡng chế ai, không thúc ép ai.
Cảm nghiệm về một sự hiện diện thân mật nào đó của một người, tuy “vắng mặt” về thể lý, chúng ta cũng có thể nhận ra trong khung tình yêu nhân loại, nếu chúng là chân thực: bất giác chúng ta sẽ nhận thấy đang khi nói, trong một cuộc đối thoại nội tâm, với người yêu, với bạn hữu, con cái, hôn phu, người chồng.
Đó là sự hiện diện của kẻ vắng mặt! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có kẻ yêu thương mới nhận ra.

Chúng ta vẫn thường phàn nàn về sự vắng mặt của Thiên Chúa, về thái độ im lặng của Người. Người tín hữu luôn đụng chạm với lời thách đố của kẻ vô thần: “Thiên Chúa của bạn ở đâu?” (Tv 42,4). Nhưng ngày nay, câu chất vấn đó có chiều hướng đi tới một chối từ Giáo hội, phủ nhận nếp sống cộng đoàn của Giáo hội: người ta cảm phục Đức Giêsu như một mô hình của nhân loại; người ta không chống đối Người điều gì; nhưng người ta gạt Người sang một bên, như thể không có Người, bằng cách khỏa lấp qua một lời tuyên bố quá dễ dãi: “Tôi tin nhưng không hành đạo”. Do đó, rõ ràng là có một ranh giới thực sự giữa “người môn đệ đích thực của Đức Giêsu với mọi người khác, dù họ rất có cảm tình với nhân vật Giêsu Nadarét. Đức Giêsu mạnh dạn quả quyết rằng, Người không chỉ là một kẻ chết, dù là tuyệt vời, của lịch sử xa xưa, cũng không chỉ là mẫu người đẹp mà sứ điệp có thể làm người ta phải suy nghĩ. Nhưng Người là một con người đang sống đang hoạt động, hôm nay vẫn còn hiển nhiên. Nhờ sự Phục sinh, Đức Giêsu Nadarét, con người lịch sử, đã bước vào thế giới xác định của Thiên Chúa: điều đó minh chúng. Người cũng trở nên kẻ đồng thời với mọi người.
“Đức Kitô của bạn ở đâu?”.
Chính Đức Giêsu trả lời: Đức Giêsu của bạn, chưa khi nào chúng tôi đã gặp thấy.

Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.
Đức Giêsu quả quyết, từ giờ trở đi Người đang hiện diện nhờ những kẻ yêu mến Người, nhờ các tín hữu đích thực mà Người đang cư ngụ trong họ.
Khi Đức Giêsu tuyên bố những lời đó, quả thực chỉ còn ít giờ nữa là Người sẽ phải chết. Người là Đền thờ mới, được dựng lại nội trong ba ngày (Ga 2,19-22), Đền thờ mà ở đó người Do Thái thường cảm thấy một sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Đức Giêsu còn đi xa hơn. Người dám quả quyết rằng, kể từ lúc Người ra đi, thì sự hiện diện không diễn tả thành lời này, chắc chắn bị che giấu, nhưng sẽ được bảo chứng nhờ các Kitô hữu.

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy... Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
Giữa những người yêu thương nhau, cần có sự lắng nghe, đối thoại, nói năng, trao đổi. Trong tình yêu của chúng ta, không cố gì tệ hại hơn là “không biết lắng nghe”, không chịu nói năng.

Ở đây Đức Giêsu mạc khải cho ta một trong những chìa khóa mở tới đời sống Kitô hữu đích thực: Suy niệm Lời Chúa, như một dấu chỉ của sự Hiện Diện. Đó là một sự kiện. Chúng ta không có sự hiện diện thể lý hữu hình của Đức Giêsu, nhưng đối với kẻ yêu mến Người, thì thật là kỳ diệu, họ đã nhận được tư tưởng, lời nói của Người. Chúng ta cần ghi nhận, Đức Giêsu không chỉ nói đến một lời được đón nhận trong tâm trí, mà là một lời ta phải tuân giữ một lời phải đưa ra thực hành, một lời nhờ luôn “sống động” sẽ giúp kẻ ban lời cũng thực sự hiện diện. Sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, sống động... có thể được “nhận biết” cách cụ thể (điều đó hẳn là thế được!) trong đời sống của các môn đệ đích thực.
Cũng như Đức Giêsu Nadarét là nơi thể hiện sự hiện diện và lời của Chúa Cha (“Lời anh em nghe thấy không phải là của Thầy”), cũng vậy từ giờ trở đi, các Kitô hữu, Giáo hội chính là nơi đó. Thật là trách nhiệm lớn lao.

Các điều đó Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Đúng vậy, Lời của Đức Giêsu không phải là một “sự vật” nhưng là một “con người nào đó”. Dù Đức Giêsu đã ra đi, nhưng vẫn có một “Đấng khác” đến để tiếp tục Lời của Chúa Cha, một thầy phụ đạo thần linh, một thầy nội tâm, được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu.

Thánh Thần không thêm gì cho Đức Giêsu, cũng như Đức Giêsu không thêm gì cho Chúa Cha. Đó là ba, nhưng chỉ một! Không có “ba Thiên Chúa”. Thiên Chúa là một. Người Israel vẫn nói như thế. Và Hồi giáo sẽ lặp lại như vậy. Dù có những khác biệt không tránh khỏi trong ngôn ngữ diễn tả, nhưng Kitô hữu không thể nói ngược lại đức tin cốt yếu trên đây. Chúa Cha, chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình của Người. Đức Giêsu, cũng chính là Thiên Chúa, đã hiện diện, nói năng và hành động để cứu chuộc con người. Thánh Thần, cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Đức Giêsu và Chúa Cha.

Thánh Thần... Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.
Chúng ta chiêm ngắm trong tâm hồn họa phẩm Chúa Ba Ngôi do Rublev vẽ một cách tuyệt đẹp, hiện được lưu giữ trong bảo tàng viện Trétiakov tại Mát-cơ-va và người ta từ thắp nới trên thế giới thường đến tham quan. Ba Ngôi vị đều có cánh, thông hiệp với nhau rất mật thiết, chung quanh một cái bàn kỳ diệu, làm nên một trong vòng tròn duy nhất và hoàn hảo, do ba đường chu vi của chúng tạo nên Chúa Cha, “vượt trên tất cả”, hiện diện sau chiếc bàn, đang ngắm nhìn đắm đuối Người Con dấu của mình, ngồi ở bên hữu và thông ban tất cả. Chúa Con, mặc áo màu da người hồng đỏ, đang để cho màu xanh của thiên tính Chúa Cha xuyên qua lấp lánh cũng nhìn đắm đuối Thánh Thần và thông ban tất cả. Nhưng mầu nhiệm của mối hiệp thông yêu thương giữa Ba Ngôi không dừng lại ở đó. Ôi, kỳ diệu thay! Trong Thánh Thần, vòng tròn tự mở ra, vì chính Thánh Thần đang ngắm nhìn và chỉ ngón tay về phía trái đất để thông ban cho trái đất tất cả. Chúa Ba Ngôi, đó là mỗi tình yêu thương mật thiết vĩnh cửu giữa ba mà chỉ là một: Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha, trong cùng một Thánh Thần. Do đó, Đức Giêsu đã đến dẫn đưa các môn đệ của Người vào trong “gia đình” đó nhờ Thánh Thần.

Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều. Và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Theo Đức Giêsu, Thánh Thần là Đấng sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của 'Thiên Chúa cho nhân loại, khi giúp cho con người dần dần hiểu Lời Thiên Chúa, Lời đó là chính Đức Giêsu, Ngôi lời của Chúa Cha. Thánh Thần sẽ dạy dỗ và làm cho nhớ lại... Chính các Tông đồ tuy đã sống nhiều tháng năm với Đức Giêsu, cũng chưa có một đức tin đích thực nơi Người, vào lúc Người ra đi. Gioan thú nhận rằng, sau này ông mới nắm bắt được những gì Đức Giêsu đã nói (Ga 2, 17-22; 13, 6-19). Khi Đức Giêsu ra đi, trong một ý nghĩa nào đó, thì chưa có gì là hoàn tất, là cố định. Chính Thánh Thần sẽ giúp Giáo hội dần dần hiểu biết “điều đã được mạc khải”. Một số người nghiêm khắc đã vội ngạc nhiên vì Giáo hội “thay đổi”. như họ phản đối. Nhưng rõ ràng đối với Đức Giêsu,. Giáo hội còn phải thay đổi nhiều hơn do ảnh hưởng của Thánh Thấn. “Thánh Thần sẽ dạy anh em và sẽ làm cho anh em nhớ lại..”. Phần lớn những Lời của Đức Giêsu chỉ được bày tỏ khi được suy gẫm và cầu nguyện trong ký ức của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ. Mọi tín điều kinh Tin kính đã có một quá trình lịch sử và chỉ được định tín sau một thời gian dài để cho chín muồi. Và tình trạng đó vẫn còn tiếp tục. Chúng ta có thực sự tin Thánh Thần hiện diện trong Giáo hội không? Tại sao Thánh Thần lời có thể ngừng hoạt động ở thế kỷ thứ III hay thế kỷ XV? tại Công đồng Ni-xê hay tại Công đồng Trentô? Ngày nay, hiển nhiên Thánh Thần vẫn đang làm việc. Đức Giêsu đã nói: “Thầy ở với anh em cho đến tận thế”. Giáo hội vẫn còn nhiều điều phải hiểu biết, phải khám phá, phải sống động. Và điều, đúng thực sự với Giáo hội, cách tổng quát, với lịch sử của mình trong thời gian vẫn còn đúng thực, cách riêng biệt, với mỗi người chúng ta: Thánh Thần còn phải giúp tôi khám phá ra nhiều điều! Trong tôi vẫn có một khả năng lãng quên không thể tưởng. Như thế, khi lời Tin Mừng được chiếu sáng cho tôi, được Thánh Thần tác động vật soi sáng, tôi đừng chần chờ thực hành và tuân giữ lời đó để sớm hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa và con người.

Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng, Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”.
Bình an! Shalom! Đó là lời chào chúc quen dùng tại Israel. Nhưng ở đây, đó là lời chào chúc Phục sinh của Đức Giêsu sống lại: bình an phát xuất từ sự hiện diện của Đấng được coi là Vắng Mặt, nhưng Đấng đó không ngừng trở lại đối với những kẻ yêu mến Người... Một thứ bình an mà thế gian không thể nào nhận ra được, vì thế gian không nhận ra sự hiện diện đầy an ủi đó.

Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra.
Trong khi thi hành sứ vụ tại trần gian, Đức Giêsu chỉ có thể hiện diện với tất cả những giới hạn của không gian và thời gian: đó là những giới hạn của “thân phận con người”. Đức Giêsu nhận biết điều đó: “Vì là con người, nên Thầy thấp kém hơn Chúa Cha!”. Một kiểu nói cần phải hiểu cho đúng, vì nó không phủ nhận những kiểu nói khác nhằm quả quyết Đức Giêsu ngang hàng với Chúa Cha. Chính các tông đồ cũng không hiểu biết gì vào chiều hôm đó.
Lạy Thánh Thần, xin hãy đến!


Phúc cho ai biết xây dựng hoà bình

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Jos Tạ Duy Tuyền)
Con người từ tạo thiên lập địa luôn mang hoài bão xây dựng một thế giới an bình và thịnh vượng. Một thế giới không còn khổ đau, không còn đói nghèo. Người người biết lấy tình yêu để xoá bỏ những nghi kỵ, hiểu lầm, và biết nắm lấy tay nhau để dìu nhau đi tới. Đó là ước mơ thật chính đáng. Thế mà, đã bao nghìn năm vẫn mãi mong chờ trong vô vọng. Ngược dòng lịch sử, người ta chỉ thấy những dấu ấn thời gian đã qua là những đau thương, mất mát. Đói khổ và hận thù đã làm cho quá khứ đượm mầu tang chế, chia ly. Thế giới có mấy khi bình yên? Con người có mấy khi hạnh phúc? Kiếp người chỉ đong đầy những lo sợ và bất an!

Với sự tiến bộ của văn minh nhân loại, người ta tưởng rằng: khi con người thoát ra khỏi lối sống hoang dã lạc hậu, sẽ làm cho thế giới an bình và lành mạnh hơn. Thế nhưng, nói theo kiểu Nguyễn Du "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Chiến tranh Trung Đông vẫn kéo dài. Chiến tranh vì quyền lực vẫn sôi bỏng hằng ngày, hằng giờ. Khủng bố, bạo loạn vẫn lan tràn khiến hàng ngàn người phải chết oan uổng, đã đẩy hàng triệu người sống trong cảnh đói khổ bần cùng. Xem ra sự văn minh đã làm cho con người vong thân đôi khi đánh mất tính người. Mới đây, cả nước đều xôn xao vì tài xế xe container đã cán đi cán lại trên một thân xác cô bé 17 tuổi đến 3 lần. Một cô giáo mần non tại Hà Nội, chỉ vì bị giáng chức đã bỏ thuốc diệt chuột vào đồ ăn để đầu độc học sinh khiến cho hơn 20 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Mỗi ngày khi khám xét các nơi nhạy cảm như vũ trường, quán Karaoke, các tiệm hớt tóc . . .; người ta đã bắt được biết bao cậu ấm, cô chiêu đã bỏ trường bỏ lớp để tìm niềm vui điên loạn trong ma tuý và mại dâm. Cuộc sống vẫn nhan nhản những lừa đảo, tham ô. Vì đồng tiền bát gạo người ta vẫn chà đạp lên nhau và làm hại lẫn nhau.

Nhìn vào những gì đang diễn ra cho chúng ta thấy, dường như thế giới chỉ có hai loại người. Một loại chỉ lo đối phó với chiến tranh, với đói nghèo. Một loại chỉ lo ăn chơi, thác loạn. Kẻ không có tiền thì lo có tiền bằng muôn nghìn cách, kể cả bằng thủ đoạn gian dối, lừa bịp, bằng chiến tranh, bạo động. Kẻ có tiền lại tìm thoả mãn cho nhu cầu hưởng thụ bằng ăn chơi sa đoạ mà người ta gọi là thư giản giải trí. Có mấy ai đang toàn tâm toàn lực để xây dựng thế giới an bình và thịnh vượng? Có lẽ có, những một vài cánh én chưa đủ mang lại mùa xuân nên thế giới vẫn đầy bất an và sầu khổ!

Hôm nay Chúa Giêsu đề nghị một phương án xây dựng an bình và thịnh vượng. Phương án này khởi đi từ chính bản thân từng người. Từng người phải biết sống trong sự hoà hợp với Thiên Chúa. "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy" để biết sống theo gương Thầy luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Từng người phải biết nói không với sự xấu. Từng người phải biết nghe theo tiếng nói sự thật. Sống theo sự thật sẽ giúp cho con người có một tâm hồn an bình. Nói không với sự xấu sẽ giúp cho con người sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Và sống trong sự kết hợp với Thiên Chúa, con người sẽ sống hoà hợp với nhau, vì tất cả đều là anh em cùng một cha trên trời.

Thực vậy, nhiều người dám làm những chuyện đồi bại, hãm hãi lẫn nhau, sống gian dối lừa đảo, vì họ không còn tin có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ không tin có Thiên Chúa nên họ không tin có sự thưởng phạt đời sau. Họ không tin có Thiên Chúa nên không còn nghe được tiếng nói của sự thật, tiếng nói của lương tâm ngay lành. Điều đó đã dẫn tới một đời sống tham lam, lừa đảo. Một đời sống tha hoá đến vô nhân đạo. Họ sẵn sàng chà đạp đồng loại để tìm vinh quang cho bản thân. Họ sẵn sàng lợi dụng đồng loại để kiếm tiến bằng những chuyện phi nhân, thất đức. Thế nhưng, cuộc đời họ cũng không có an bình và hạnh phúc. Họ đi tìm an bình và hạnh phúc trong những của cải thế gian, nhưng thế gian và ma qủy không bao giờ làm cho họ thoả mãn. Họ sẽ không có một đời sống an bình nếu không đi theo chân lý và sự thật.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đường, là sự thật và là sự sống dẫn dắt chúng ta đi trong đường ngay nẻo chính. Xin dẵn dắt chúng ta sống theo sự thật và đi đến sự sống trường sinh. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ luôn gìn giữ hồn xác chúng ta khỏi mọi sự dữ và luôn nhắc nhở chúng ta sống theo chân lý và sự thật. Amen.
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn