1
19:31 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 378


Hôm nayHôm nay : 72080

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 462167

Tổng cộngTổng cộng : 28016451

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 16 Thường niên

Thứ năm - 18/07/2013 15:50-Đã xem: 1230
Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 16 Thường niên

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 16 Thường niên

CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C

BÀI ĐỌC I: St 18:1-10a 

"Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai".

Trích Sách Sáng thế
Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con". Các Đấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm". Ăn xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: "Sara bạn ông đâu?" Ông trả lời: "Kìa, bạn con ở trong lều". Một Đấng nói tiếp: "Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: TV 14:2-3ab. 3cd-4ab.5 

Xướng:
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong long suy nghĩ đều hay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?

BÀI ĐỌC II: CL 1:24-28

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-sê. 
Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô. Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
Ðó là lời Chúa.

 

Người khách muốn gì? 

“Phần duy nhất cần thiết” của đời môn đệ Đức Giêsu là: lắng nghe giáo huấn của Người, và là để cho Người tiếp tục hướng dẫn.

1.- NGỮ CẢNH
Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem. Vì có lý để nghĩ rằng hai chị em Mácta và Maria chính là những nhân vật của Ga 11,1tt, tức ở Bêtania, gần Giêrusalem, chúng ta phải tự hỏi tại sao tác giả Luca lại đặt truyện này ở đây, vì đến lúc này truyện vẫn gần với Galilê hơn Giêrusalem. Hơn nữa, ngài lại bỏ tên Bêtania đi, mà chẳng lẽ ngài lại không biết? Như thế, hẳn ngài có ý gì đó khi đặt truyện này ở đây chứ không phải ở chỗ khác (chẳng hạn ở ch. 19 hoặc 20). Chúng ta xem truyện này liên hệ với các bản văn trước thế nào. Maria được mô tả như người “lắng nghe lời” Đức Giêsu. Đức Giêsu công bố rằng chính việc “lắng nghe lời” này sẽ không bị lấy mất. Trước đó, Đức Giêsu mới nói đến quan hệ sâu sắc, duy nhất, Người có với Chúa Cha (10,22). Quan hệ này được nói đến vì nó liên hệ đến các môn đệ Đức Giêsu: họ được chúc phúc bởi vì họ được Người mạc khải Chúa Cha cho; họ được nghe và thấy những điều Người biết về Chúa Cha. Như thế, các môn đệ có một đặc quyền lớn lao là được thấy và nghe những điều mà thậm chí các ngôn sứ và các vua chúa ước ao hết sức mà không được. Ở đây, tác giả Lc nhắc lại đặc quyền đó. Ngài mô tả Maria trong tư thế tốt đẹp nhất: lắng nghe lời dạy của Đức Giêsu. Khi lắng nghe Người, Maria nghe Người mạc khải về Chúa Cha. Chính vì thế, tác giả đã nhắc lại động từ “lắng nghe” (cc. 24.39) như để nối kết các ý tưởng của hai đoạn văn.

Sau đó, Lc trình bày cuộc đối thoại về “điều răn lớn” (10,25-37), với câu kết: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Mục đích của ngài khi bố trí truyện Mácta-Maria ở đây là để nêu bật tầm quan trọng tối hậu của giáo huấn của Đức Giêsu trong Lc 10,25-37: giáo huấn này là một mạc khải mà “các vua chúa và ngôn sứ” không được đón nhận.

Truyện Mácta-Maria cũng có thể được đặt ở đây để điều chỉnh một sự hiểu lầm có thể có đối với dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Ông này đã “chạnh lòng thương” (esplanchnisthê): vậy, hành vi luân lý của chúng ta rất có thể được hướng dẫn bởi các tình cảm của con người! Lc muốn sửa lại: chính giáo huấn của Đức Giêsu mới điều hành hành vi luân lý.

2.- BỐ CỤC
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Khung cảnh và các nhân vật (10,38-40a);
2) Đối thoại giữa Mácta và Đức Giêsu (10,40b-42).

3.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- một làng kia (38): Trong TM III, làng này không có tên (x. 9,56). Cứ theo bản văn, “làng” này còn gần Galilê hơn là Giêrusalem. Theo Ga 11,1; 12,1-3, ta biết rằng Mácta và Maria, hai chi của Ladarô, ở tại Bêtania, một làng gần Giêrusalem.
- Maria (39): Cô này cũng được xác định là em gái của Mácta trong Ga 11,1. Không được đồng hóa cô này với Maria Mácđala ở 8,2.
- ngồi bên chân Chúa (39): Đây là tư thế của người môn đệ đang lắng nghe (x. 8,35).
- Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi (42): dịch sát: “Chỉ cần một điều mà thôi”. Lời Đức Giêsu đáp lại yêu cầu của Mácta dường như lúc đầu nhằm trấn an cô, bằng cách bảo cô rằng cô chỉ cần dọn một món thôi. Nhưng khi nghe trọn câu nói của Đức Giêsu, ta mới hiểu ra rằng “một điều” không chỉ là “một món” mà còn có ý nghĩa khác. “Một điều” đây chính là “phần tốt nhất” (= lắng nghe lời Chúa). Và Đấng là thành phần của “phần tốt nhất” ấy bảo đảm là Maria sẽ không bị lấy mất.

4.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
* Khung cảnh và các nhân vật (38-40a)
Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem. Đức Giêsu đã dừng lại tại một làng kia (hẳn là Bêtania?), để thăm gia đình những người bạn thân. Cô chủ Mácta đón Người vào và tất bật phục vụ. Còn cô em Maria thì cứ bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe Người giảng dạy. Theo truyền thống của các kinh sư, chỉ phái nam mới được ban cho những lời giảng dạy và những huấn thị; các phụ nữ bị loại ra bên ngoài. Nhưng Đức Giêsu nhìn nhận các phụ nữ có cùng một phẩm giá như phái nam, nên Người ngỏ lời cả với phụ nữ. Ở đây tác giả đã không ngần ngại mô tả một người nữ như là môn đệ ngồi bên chân Đức Giêsu. Thái độ của Đức Giêsu khiến chúng ta nhớ đến Cn 31,26.

* Đối thoại giữa Mácta và Đức Giêsu (40b-42)
Bấy giờ Mácta mới lên tiếng nhận định về Maria và về bản thân mình. Lời trách của cô có lý, vì hoàn cảnh quá rõ: một người khách quí vừa đến nhà. Phải làm mọi sự để đón tiếp người ấy cho chu đáo; thật ra còn cả đoàn môn đệ của Đức Giêsu nữa! Nhà chỉ có hai chị em; thế mà Maria cứ để cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu em giúp mình.

Mácta có lý, nếu vấn đề là phải tiếp đãi người khách cho tươm tất. Nhưng nhận định của Đức Giêsu khiến chúng ta phải tự hỏi: vấn đề phải chăng là như thế? Người khách phải chăng chỉ muốn được tiếp đãi ân cần chu đáo? Đối với Người, điều gì quan trọng nhất? Những câu hỏi này, Mácta không hề đặt ra cho mình. Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen, cô tưởng là mình biết tình thế cần cái gì. Không hề tự hỏi là người khách thật sự muốn gì, cô áp đặt cho người khách ấy điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có hảo ý. Nhưng cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý hướng của người khách. Đức Giêsu giúp cô hiểu rằng trước tiên Người không muốn được đón tiếp, nhưng muốn một điều quan trọng hơn nhiều.

Maria lắng nghe Ngài. Đây là điều duy nhất cần thiết và là điều luôn luôn đúng: lắng nghe Chúa. Đức Giêsu đến nhà Mácta và Maria trước hết không phải để được đón tiếp, nhưng là để được lắng nghe. Với tất cả thiện chí, Mácta đã sao nhãng ý muốn này của Đức Giêsu. Chỉ có Maria là đã gắn bó với điều Đức Giêsu muốn. Trước hết, Người muốn cống hiến, chứ không muốn đón nhận. Trước hết, Người không muốn có một sinh hoạt chuyên chăm cần cù, qua đó người ta chứng tỏ người ta luôn biết điều gì là đúng và điều gì phải làm; nhưng Người muốn người ta suy nghĩ và ở yên để lắng nghe, suy tư và để cho Đấng khác nói với mình điều thật sự quan trọng và điều thật sự mình phải làm.

+ Kết luận
Khi viết 10,38-42, tác giả Lc không hề muốn phân biệt giữa đời sống tu trì chiêm niệm và đời sống tu trì hoạt động, cũng không hề coi thường việc phục vụ người khác. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến “phần duy nhất cần thiết” là: làm môn đệ Đức Giêsu, là lắng nghe giáo huấn của Người, để Người tiếp tục hướng dẫn.
Nhìn lại ngữ cảnh rộng, chúng ta có thể cho rằng Lc đặt bản văn 10,38-42 ở đây nhắm nêu bật giáo huấn của Đức Giêsu ở 10,25-37 (Điều răn lớn) như là đáng để mọi người lưu ý, như là thuộc về “điều duy nhất cần thiết”, và như mạc khải về Chúa Cha, Đấng mà không ai biết như Đức Giêsu, đồng thời để dạy rằng động lực của mọi hành vi luân lý Kitô hữu phải tuyệt đối là giáo huấn của Đức Giêsu.

5.- GỢI Ý SUY NIỆM
1. Đối với Mácta, tiếp khách là chuyện quan trọng nhất. Thường thường chúng ta gặp nguy cơ bị thu hút bởi mối bận tâm đối với các nhu cầu vật chất, đối với đồ ăn thức uống, chuyện ăn mặc, nhà cửa trú ngụ, những tiện nghi, và chúng ta dùng hết năng lực và thì giờ cho những chuyện ấy. Dĩ nhiên, cần phải quan tâm đến những điều ấy. Nhưng cũng phải thấy rằng chỉ lo chừng ấy chuyện thì chưa đủ. Phải có một bậc thang các giá trị để đi theo.

2. Các Kitô hữu cần thường xuyên xét lại hệ thống các xác tín và các thói quen của mình để sẵn sàng điều chỉnh. Người tín hữu cần được thanh thoát, không bị ràng buộc bởi những thói quen cá nhân, khuynh hướng hưởng thụ, mức sống. Không phải chỉ đơn giản chấp nhận những gì môi trường chung quanh coi là thông thường, cần thiết và đúng đắn, là đã đủ. Người Kitô hữu còn cần phải suy nghĩ về những gì là thật sự cần thiết và đúng đắn. Đức Giêsu đặt việc lắng nghe lời Người vào chỗ nhất. Như thế, Kitô hữu chúng ta cần có một thời gian yên tĩnh và suy tư để cầu nguyện. Chúng ta cần phải thường xuyên lắng nghe Đức Giêsu và để Người chỉ đường. Khi đó, chúng ta không được tránh né cố gắng và thậm chí đau khổ để có thể tái định hướng và thay đổi.

3. Trong đời sống chung (cộng đoàn tu trì, gia đình, giáo xứ…), cần biết thường xuyên đặt câu hỏi: “Những người khác đang muốn gì? Họ đang cần gì, ngoài những của cải vật chất?”. Khi đó, hẳn là ta sẽ thấy rằng những người ấy đang đặc biệt cần được chúng ta quan tâm và cần có thì giờ của chúng ta. Các em bé không chỉ cần được ăn cái gì mà thôi. Các cha mẹ phải có giờ cho chúng, để chơi với chúng, để trả lời những câu hỏi của chúng, để giúp chúng kể những kinh nghiệm của chúng. Những người già cũng muốn xin chúng ta có thì giờ cho họ, muốn chúng ta lắng nghe họ, chúng ta hiệp thông vào các suy tư, các mối bận tâm, và cả những kỷ niệm của họ. Những người thợ trong một hãng xưởng không chỉ cần một đồng lương hậu hĩ; họ cũng cần được quan tâm và nhìn nhận, cần một lời khen và một lời nói nhân ái. Giúp đỡ về vật chất mà thôi thì chưa thỏa mãn được nhu cầu số một là có giờ cho nhau, lắng nghe nhau trong kiên nhẫn và yêu thương và sống cho nhau.


Để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời

Hôm ấy, các đệ tử của Thầy hăng say thảo luận về nguyên nhân đau khổ của nhân loại. Người thì nói là do lòng tham vô đáy của con người thúc đẩy, kẻ thì cho là do tính ích kỷ thâm căn cố đế hoặc tính kiêu căng và óc thống trị xui khiến, một số khác cho là do sự chia rẽ chủng tộc hay tôn giáo phát sinh…

Sau cùng, các đệ tử quay sang hỏi ý kiến Thầy, Thầy nói: “Mọi đau khổ đến từ việc con người thiếu khả năng ngồi yên lặng một mình để lắng nghe…” (Phỏng theo Cha Anthony de Mello)

Yên lặng để lắng nghe! Để nghe Chúa nói, để nghe lời khôn ngoan… Đó cũng là điều mà Cô Maria thể hiện qua đoạn Tin Mừng hôm nay.
Hôm ấy, Chúa Giêsu đến thăm gia đình Mácta. Mácta tất bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ rất hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo và tận tình như thế.

Vậy mà Chúa Giêsu lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Mácta: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 41-42) 
Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa là điều tối cần thiết và quan trọng nhất.


Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của cuộc đời. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Thánh vịnh 119,105). Nhờ ngọn đèn nầy, người lầm lạc thấy được chân lý, người tội lỗi được hoán cải để sống đời thánh thiện, người thất vọng được tìm thấy niềm tin và hy vọng tràn trề… Thiếu Lời Chúa, nhân loại như đang chìm trong tối tăm.

Một chiếc xe vượt qua nhiều đoạn đường đèo quanh co, cheo leo hiểm trở trong đêm tối mà xe lại chạy không đèn thì chắc chắn sẽ lao xuống vực. Đời người với bao nhiêu thăng trầm thách thức của cuộc sống khác gì chiếc xe vượt đèo kia, nếu không được ánh sáng của Lời Chúa soi dẫn, thì sẽ không thoát khỏi tai ương. 
Đối với những ai biết đón nhận Lời Chúa và nhận lấy ánh sáng Lời Chúa soi dẫn cho hành động, người ấy sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trong đời mình. Lời Chúa thật sự đã mang lại giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề của cuộc sống.

Trong thời kỳ đất nước Việt Nam của chúng ta bị đặt dưới ách đô hộ của người Pháp thì tại nam Á, một quốc gia khác to lớn hơn nhiều cũng bị đặt dưới ách thống trị của người Anh. Đó là quốc gia Ấn-độ. Đế quốc Anh cũng hùng cường không thua kém gì đế quốc Pháp. Cả nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Ấn đều đứng lên để lật đổ chế độ thực dân và giành độc lập cho xứ sở mình.

Trong cuộc đấu tranh nầy, nhân dân Việt Nam phải dùng đến bạo lực, đến khí giới và đã trả giá cho nền độc lập bằng vô vàn sinh mạng và máu xương! Trong khi đó, tại Ấn-độ, dưới tài lãnh đạo của thánh Gandhi, vị anh hùng của nhân dân Ấn và là người được dân Ấn gọi là thánh, người dân Ấn đấu tranh bằng đường lối ôn hoà bất bạo động mà thánh Gandhi học được từ Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi… Ai vả má bên nầy thì hãy chìa má bên kia ra…”

Bằng đường lối bất bạo động học từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, Gandhi và nhân dân Ấn-độ đã lật đổ được đế quốc Anh, bẻ gảy ách thống trị của người Anh, giành lại độc lập cho quê hương xứ sở mà không cần đến khí giới.

Vài chục năm, tại đất nước Hoa-kỳ, Mục sư Martin Luther King cũng đã dùng Lời Chúa soi sáng cho cuộc đấu tranh bất bạo động của mình, và ông đã đạt được thắng lợi vẻ vang, buộc người da trắng nhìn nhận, tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của người da đen mà không cần đến khí giới. Như thế, Lời Chúa quả đã đem lại những giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề và thách thức trong cuộc sống.

Hôm nay, Chúa Giêsu lại đem Tin Mừng của Ngài trao tặng miễn phí cho chúng ta để làm đèn soi cho chúng ta trong cuộc sống nhiều mây mù u tối nầy. Cuộc đời chúng ta như những chuyến xe phải vượt những chặng đường đèo cheo leo hiểm trở giữa màn đêm. Lời Chúa vẫn mãi mãi là đèn soi dẫn. Ước gì chúng ta đón nhận Lời Chúa để soi sáng cho hành trình còn lại trong cuộc đời chúng ta.

 

Phục vụ trong trật tự 

Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?

Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.

Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình. Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe. Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).

Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi. Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.

Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Hiện nay bạn cầu nguyện thế nào? Có sốt sắng không? Có nhiều thời gian cầu nguyện không?
2- Bạn đọc kinh nhiều, nhưng bạn có cầm trí không, hay chỉ đọc như máy?
3- Khi phục vụ, bạn có thực sự quên mình, hay phục vụ để được tiếng là người đạo đức, để hơn người?
4- Muốn việc phục vụ thực sự tốt đẹp, ta cần có thái độ nào?

 

Chúa viếng thăm 

Người Việt Nam thường có câu: “lời chào cao hơn mân cỗ”. Vì cái tình quý hơn là cái ăn cái mặc. Người ta bị bỏ đói một bữa chẳng sao nhưng sẽ cay đắng cả đời khi bị người đời bỏ rơi, hay bị đối xử ngược đãi xem thường. Thực vậy, cái qúy giá ở đời là được anh em yêu thương, tôn trọng và nhất là luôn được anh em chia sẻ, cảm thông. Dù cuộc đời có đau khổ. Dù cuộc đời có gặp bất hạnh hay đói khổ nhưng được anh em đùm bọc, cảm thông, an ủi thì vẫn cảm thấy lạc quan và bình an.

Người ta kể rằng thời Ông Abraham Lincoln làm Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông vẫn thường có thói quen đến thăm các nhà thương để có dịp chuyện vãn với các anh em thương binh trong thời nội chiến.

Một hôm, bác sĩ dẫn Tổng Thống tới phòng các thương binh đang được điều trị và đến bên một bệnh nhân rất nặng. Với giọng nhẹ nhàng, ôn tồn ông hỏi:
- Tôi có thể làm chút việc gì giúp anh được không?

Có lẽ không nhận ra người khách đến thăm mình là ai, nên bệnh nhân gắng gượng nói:
- Xin ông làm ơn viết lá thư cho mẹ tôi.

Người ta trao bút giấy cho Tổng Thống, và ông bắt đầu viết xuống những gì bệnh nhân có thể nói lên được.
“Mẹ rất yêu dấu của con! Con bị thương nặng trong khi thi hành nghĩa vụ quốc gia. Có lẽ con sẽ không bao giờ bình phục được nữa. Xin mẹ đừng khóc nhiều vì con. Xin mẹ hôn hai em Mary và John dùm con. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mẹ, cho ba và hai em.”

Nói tới đây, người thương binh ngừng vì không còn sức để nói tiếp nữa, nên ông Lincoln ký thay cho anh ta và thêm: “Viết thay cho con trai của bà. Ký tên: Abraham Lincoln.”

Bệnh nhân xin cho xem lại những gì người khách đã viết thay cho mình, anh ta sửng sốt khi nhận ra người đã tới thăm mình. Anh hổn hển hỏi với giọng ngạc nhiên:
- Ông thật là Tổng Thống của Hoa Kỳ ư?
Abraham Lincoln trả lời cách âu yếm.
- Phải chính tôi đây.

Tổng Thống hỏi thêm xem mình còn có thể giúp anh thương binh được việc gì nữa chăng. Gương mặt anh bỗng chốc bừng lên, anh sung sướng nói:
- Xin Tổng Thống cầm tay tôi, và giúp tôi đi đến cùng.

Trong căn phòng bé nhỏ, ông Tổng Thống với tâm hồn của người cha, âu yếm cầm lấy tay chàng thương binh trẻ trong tay mình và tiếp tục nói với anh những lời khích lệ thân mật cho tới khi anh ta trút hơi thở cuối cùng.

Lời Chúa hôm nay cũng gợi lại một cuộc viếng thăm đầy tình người mà Chúa Giêsu đã dành cho gia đình ở Betania. Ngài đã đến với gia đình Matta và Maria. Cả hai cô đều vui mừng vì có Chúa viếng thăm. Kẻ thì bận rộn rót nước, nấu ăn. Người thì ríu rít chuyện trò bên Chúa. Thật là hạnh phúc cho gia đình côi cút nay lại được ấm áp vui tươi vì có Chúa hiện diện. Thế nhưng, Matta lại quá chú trọng đến việc thiết đãi tiệc tùng. Cô muốn làm một bữa ăn thật thịnh soạn cho Chúa. Cô còn muốn cả em cô hãy ngưng tâm sự với Chúa để cùng giúp cô chuẩn bị bữa ăn. Cô đã mạnh dạn đề nghị với Chúa: xin Thầy hãy nói với Maria giúp con một tay. Lời đề nghị xem ra không được chấp nhận. Vì Chúa đến đây không vì miếng ăn. Vì Chúa không đến để được phục vụ. Con đường Chúa đến với tha nhân là để yêu thương và phục vụ. Chúa không muốn trở thành gánh nặng cho tha nhân. Sự hiện diện của Chúa nơi ngôi nhà này là để nói lên sự quan tâm, tình liên đới và cảm thông. Thế nên, Chúa đã nói với Matta: “Matta, con lo lắng nhiều chuyện, điều quan yếu không phải là việc phục vụ Chúa, mà hệ tại ở việc lắng nghe lời Chúa dạy bảo”.

Cuộc sống hôm nay cũng thật tất bật. Người ta ít có thời giờ để tâm sự với nhau. Người ta càng ít có thời giờ để viếng thăm nhau. Không có tâm sự sẽ không có sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Không có những cuộc viếng thăm tình người sẽ phôi phai theo thời gian. Ðôi khi những người trong gia đình cũng chẳng có thới giờ viếng thăm nhau, hay chuyện trò với nhau. Thiếu sự viếng thăm tình người như xa dần. Thiếu sự đối thoại sẽ đánh mất sự cảm thông. Vì tình yêu đích thực không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi. Tình yêu không dừng lại ở việc chạnh lòng thương xót mà phải dấn thân để xoa dịu những nỗi đau của đồng loại, để băng bó những thương tích của anh em. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự gần gũi, sự cảm thông và nâng đỡ. Chính nhờ sự gần gũi người ta mới hiểu nhau, thông cảm với nhau và nâng đỡ cho nhau.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dành thời giờ cho nhau qua những việc viếng thăm, qua những việc giúp đỡ, qua sự săn sóc đầy tình người, Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết quên đi cái tôi của mình để lo cái lo của anh em, để biết sống mình vì mọi người, để cùng nhau xây dựng một thế giới đầy ắp tình yêu thương. Amen.

 
BBT. GXTN Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn