1
15:04 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 197

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 196


Hôm nayHôm nay : 18249

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 322371

Tổng cộngTổng cộng : 27876655

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 18 Thường niên C

Thứ sáu - 02/08/2013 14:15-Đã xem: 1386
Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 18 Thường niên C

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 18 Thường niên C

CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
VÀ NHỮNG BÀI GỢI Ý SUY NIỆM

BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2; 2, 21-23 

"Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm".

Trích sách Giảng Viên.
Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?
Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9 

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng.

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. 

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".


BÀI ĐỌC II: Cl 3, 1-5, 9-11 
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Đức Kitô.
Đó là lời Chúa.


ALLELUIA: Mt 4, 4b 

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21 
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu". Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Đó là lời Chúa. 


 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG


Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?

Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.

1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.

Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.

2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.

Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.

Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.

Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?

Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.

3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên

Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.

Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.

Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?
2- Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?
3- Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?
4- Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?

 

Tích trữ kho tàng trên trời

Có một vị lãnh chúa rất giàu có, gia sản ruộng vườn bao la. Gần nơi ông đang ở có một người nông dân nghèo nhưng lòng đầy tham lam. Ngày nọ, vị lãnh chúa nói với người nông dân: "Tôi sẽ cho anh tất cả những phần đất nào mà anh có thể chạy bao quanh, tính từ khi mặt trời bắt đầu mọc cho đến khi mặt trời lặn. Nếu anh trở về đến điểm xuất phát trước khi mặt trời chìm khuất sau đồi, thì anh sẽ làm chủ tất cả những vùng đất anh đã chạy bao quanh. Nếu không, anh chẳng được gì."

Người nông dân nghe lời hứa đó mà tưởng như mơ! Đúng là một cơ hội ngàn vàng. Thế là đến sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, anh bắt đầu cắm đầu cắm cổ chạy trối chết. Trước hết, anh chạy bao quanh một khu rừng già đầy gỗ quý. Thế là chỉ trong buổi sáng, anh đã trở thành một chủ nhân của hàng trăm mẫu rừng.

Mặt trời lên cao, nắng như đổ lửa, mồ hôi đầm đìa, nhưng anh vẫn tiếp tục chạy phăng phăng bao quanh đồng lúa phì nhiêu bao la bát ngát. Thế là đến trưa, anh đã là người điền chủ giàu có nhất vùng.

Mặt trời sắp lặn, chỉ cách ngọn đồi chỉ chừng một con sào, anh lại thấy một con suối lớn nước chảy lênh láng tràn bờ. Anh tự nhủ lòng: Nếu ta không làm chủ được con suối nầy thì toàn bộ cánh đồng mà ta vừa thu tóm được phải đành bỏ khô. Thế là anh dồn hết hơi tàn lực kiệt, quyết chạy bao quanh con suối.

Cuối cùng, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, anh thở hồng hộc như con bò bị thọc tiết... Mặt trời bắt đầu lặn, chỉ còn là một vầng bán nguyệt đỏ ối sắp chìm xuống đỉnh đồi. Anh phải cố chạy nhanh cho tới nơi xuất phát, nếu không kịp thì chỉ còn là hư không.
Và rồi khi chỉ còn mươi bước nữa là tới đích, anh ngã gục xuống. Vỡ tim!
Thế là cuối cùng, anh chỉ còn được hưởng vài thước đất để chôn vùi thân xác!
(Phỏng theo câu chuyện nhan đề: "Chỉ cần ba tấc đất" của Văn Hào Leon Tolstoi)
* * *
Người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay cũng học theo sách đó.

Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông "mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?' Rồi Chúa Giêsu kết luận: "Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Xét cho cùng, trong thế giới hôm nay, những hạng người ngốc nghếch như vậy không hề thiếu.
Trong tôi vẫn có lòng tham của người nông dân ngu dại trên đây, hằng thúc đẩy tôi thu tóm, ky cóp cho thật nhiều, không bao giờ thấy đủ.

Trong tôi cũng có một gã phú hộ dại khờ, tìm cách cơi nới thêm kho lẫm để chất cho đầy của cải chóng qua.
Nếu chỉ biết thu gom, ki cóp của cải vật chất đời nầy, chỉ biết lo cho nhu cầu vật chất mà lãng quên linh hồn thì chúng ta cũng đang đi vào vết xe của người phú hộ đáng thương kia.

Tất nhiên là mỗi người cũng cần phải tạo thêm nhiều của cải để bảo đảm cho đời sống phần xác, cho mình và cho xã hội, nhưng nếu chưa tạo được kho báu thiêng liêng thì khác gì "dã tràng xe cát biển đông"!

Trái lại, nếu hôm nay chúng ta tích trữ thật nhiều của cải thiêng liêng, trở nên người giàu có trước mặt Thiên Chúa, thì chúng ta có thể an tâm tự nhủ lòng mình: Hồn ta ơi, hãy hoan lạc và mừng vui, vì ngươi đã có một kho báu trên trời. Mai đây tha hồ vui hưởng!

 

 Cuộc đời là phù vân

Cuộc đời là phù vân. Đó là một chân lý mà mỗi người chúng ta đều nhìn nhận. Không có gì trong cuộc đời là bền vững, là vĩnh cửu. Tất cả đều tàn phai theo thời gian. Tiền tài, danh vọng và sắc đẹp rồi cũng sẽ có một ngày vuột ra khỏi tầm tay của chúng ta. Thế nhưng, mỗi người lại sống cuộc đời gọi là phù vân này rất khác nhau. Có người nghĩ cuộc đời quá ngắn nên tranh thủ hưởng thụ bằng cuộc sống ăn chơi sa đoạ. Có người lại "tối mày tối mặt" để tích lũy cho mình thật giầu có. Có người tìm công danh. Có người trau truốt cho sắc đẹp. Có người đi tìm tình bạn. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách sống khác nhau.

Vua Salomon đã hiểu ý nghĩa cuộc đời là phù vân, nên ông đã thốt lên rằng: "Phù vân rất mực phù vân, khó nhọc vất vả thế rồi phải trao lại cho kẻ không vất vả hưởng".

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu cho hai hạng người: tham quyền và tham tiền. Kẻ tham quyền thì dùng quyền bính để ăn chận tài sản người khác. Kẻ tham tiền thì lo vun quén cho đầy kho. Mẫu số chung của cả hai loại người này là ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và không màng tới tha nhân, cho dù đó là người thân của mình. Người anh đã dùng quyền bính để khước từ việc chia gia sản cho người em. Người phú hộ vì tham tiền nên chỉ lo nghĩ đến việc tích góp của cải đến nỗi không còn thời giờ dành cho tha nhân. Xem ra cuộc đời của họ không có hạnh phúc vì họ không có tình bạn. Họ coi tha nhân là kẻ thù, là kẻ đang tranh giành địa vị và tiền tài với mình. Họ không cần tình bạn, họ chỉ cần tiền. Họ không cần người thân, họ chỉ cần lợi dụng người khác cho tham vọng của mình. Sống không có tình bạn như cây xanh thiếu lá, chỉ trơ trụi và khô cần. Cuộc đời của họ sẽ không có niềm vui và hạnh phúc. Cuộc đời của họ càng không có hậu. Vì họ không có gia sản để dành cho đời sau là những việc lành phúc đức trong cuộc đời hôm nay.

Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay vẫn còn đó những con người như thế. Tiền và quyền luôn làm xa lìa tình người. Tiền và quyền luôn làm cho con người biến chất đến tha hoá không còn tính người. Xã hội vẫn đầy dẫy những bất công và bất nhân. Bất công vì kẻ đổ mồ hôi lao nhọc mà vẫn đói nghèo xác xơ trong khi đó lại có kẻ "ngồi nhà mát ăn bát vàng". Các quan tham từ nông thôn đến thành thị đều rủng rỉnh bạc vàng còn dân lành lại lầm than cơ cực. Bất nhân vì thiếu tôn trọng lẫn nhau, đến nỗi coi mạng người như phương tiện để khai thác trục lợi. Xã hội hôm nay cho rằng sống là để tranh đấu. Tranh đấu nên có kẻ được người thua. Tranh đấu nên phải giành giựt lẫn nhau, nhanh thì được chậm thì mất. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Kẻ thắng thì cười. Người thua thì khóc. Tất cả như những con thiêu thân đang lao vào cuộc chơi mà không hề biết nguy hiểm đang chờ trước mắt, cái chết gần kề mà lời Chúa hôm nay nhắc nhở: "Hỡi kẻ dại khờ, nội trong đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẽ thuộc về ai?".

Có ai đó đã ví von về cách tìm kiếm và sử dụng của cải đời này như sau:
"Người công nhân thì đổ mồ hôi để có được nó
Kẻ hoang phí thì đốt nó
Chủ ngân hàng đem nó đi vay
Đàn bà xài nó
Kẻ lưu manh làm giả nó
Nhân viên thuế vụ lấy nó
Người hấp hối lìa bỏ nó
Kẻ thừa kế tiếp thu nó
Người tiết kiệm thèm khát nó
Kẻ ăn trộm chộp lấy nó
Người giầu gia tăng nó
Người cờ bạc bị mất nó
Phần tôi thì dùng nó".

Về phần tôi thì dùng nó, có lẽ đó là sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: "Hãy làm giầu trước mặt Chúa". Hãy sử dụng tiền bạc và quyền bính để mang lại lợi ích cho xã hội và cho con người. Đừng dùng nó cho bản thân của mình. Cũng đừng xem nó như cứu cánh đời mình. Của cải và danh vọng không thể sánh với con người nên đừng vì nó mà bán rẻ lương tri, đừng vì nó mà đánh mất tình người, đừng vì nó mà lãng quên tình Chúa. Tất cả chỉ là phù vân. Sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Và sự sống vĩnh hằng không thể mua bằng tiền bạc, càng không thể tìm kiếm bằng vũ lực mà bằng lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa đối với đồng loại bao hàm tinh thần yêu thương và phục vụ. Yêu thương nên sẵn lòng dấn thân và phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Yêu thương nên sẵn lòng nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Yêu thương nên sẵn lòng hy sinh bản thân mình để tìm niềm vui trong phục vụ tha nhân.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dùng gia sản là tài năng và khả năng của mình để mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Amen.

 


TÍCH TRỮ


Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc xảy ra bất kỳ lúc nào, không ai biết trước, dù chuyện to hay chuyện nhỏ. Vì thế người ta luôn phải cố gắng “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Về vật chất mà biết tiết kiệm, chứ không hà tiện, biết dè sẻn để tránh nợ nần. Biết “dự trù” vật chất như vậy là tốt – theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” chứ không nên “ăn xổi, ở thì” hoặc “vung tay quá trán”, nhưng có điều còn quan trọng hơn đó là phải biết tích trữ về tinh thần, tích trữ kho tàng nhân đức, như người ta thường nói là “sống để đức cho con cháu”.

Nhưng Chúa Giêsu lại khuyên: “Đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:31-34). Mâu thuẫn chăng? Chắc chắn Ngài không xúi dại chúng ta đâu!

Mở đầu sách Giảng viên đã có lời nhận định của ông Cô-he-lét (Qohéleth): “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2). Càng lớn khôn thì người ta càng nhận biết đó là sự thật, và dù đó là sự thật buồn thì chúng ta cũng vẫn phải chân nhận. Thật vậy, ngay cả những gì chúng ta có cũng không thể mãi mãi là của mình.

Sách Giảng viên nói rõ: “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ” (Gv 2:21). Ngạc nhiên chưa? Không chỉ là phù vân mà còn là “đại họa”. Khủng khiếp quá! Vậy chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả chúng ta phải chịu dưới ánh mặt trời? Luống công vô ích ư? Sách Giảng viên xác nhận: “Đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:23).

Sự thật buồn ấy vẫn mãi mãi đúng là sự thật. Chính con người của chúng ta cũng chỉ là “đồ vay mượn”, thế nên chúng ta chẳng có gì để mà kiêu ngạo. Chúng ta được Thiên Chúa tạo nên từ cát bụi, rồi chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng có lúc phải trở về cát bụi theo lệnh Chúa: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3). Có sống thọ cũng chỉ được trăm năm, mà cũng chỉ như cơn gió thoảng, tựa bóng câu qua cửa sổ, chẳng là gì cả! Trong khi đó: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:4). Vì thế, tác giả Thánh vịnh cho biết: “Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn” (Tv 90:5-6).

Thân phận bụi tro, sống nay chết mai, chúng ta rất cần Chúa, thế nên phải luôn kiên tâm cầu nguyện như tác giả Thánh vịnh: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca” (Tv 90:12-14).

Đồng thời chúng ta còn phải biết cầu xin được ơn nhận biết Chúa, nhận biết Đại Dương Tình Yêu, nhận biết Lòng Thương Xót bao la của Ngài: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90:17). Sau những tháng ngày hoang đàng chi địa, Thánh Augustinô đã phải thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Và thánh nhân đã khôn ngoan cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Khó lắm, chẳng dễ chút nào. Thật vậy, bay lên bao giờ cũng khó hơn lao xuống, lên dốc bao giờ cũng mệt hơn xuống dốc, vì thế mà phải cố gắng không ngừng.

Thánh Phaolô giải thích chi tiết: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:3-5). Rất rõ ràng, rất mạch lạc, rất chính xác. Điều xấu không cần học cũng biết, điều tốt cứ học mãi mà vẫn chẳng thông. Bạn tốt tìm đỏ mắt mà không gặp, bạn xấu thì nhan nhản, khỏi cần tìm đâu xa. Chất bổ dưỡng khó hấp thụ, chất độc lại dễ nhiễm dù cố gắng tránh.

Cũng vậy, biết rằng tập thể dục tốt cho sức khỏe, khả dĩ ngăn ngừa bệnh tật và trường thọ, thế mà có mấy ai kiên trì luyện tập, ba bữa nửa tháng là chán ngay. Lười vận động, nằm ì ra xem ti-vi, miệng nhâm nhi quà vặt, thoải mái thế nên đâu cần cố gắng, ấy vậy mà lên cân một chút lại la toáng lên, tìm thuốc trị. Muốn giữ sắc đẹp mà chiều xác thịt thì làm sao đẹp được? Đó là dạng ngẫu tượng hiện đại: Tôn thờ chính mình. Thiên Chúa luôn công minh và chính trực, đâu ra đó, không thiên vị ai. Luật tự nhiên là Luật Chúa!

Quả thật, chúng ta tham lam nhiều thứ lắm. Mà Thánh Phaolô bảo “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng”. Chết thật! Thánh Phaolô còn nhắc nhở về dạng ngẫu tượng tinh thần và khuyên nhủ: “Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để được ơn thông hiểu” (Cl 3:9-10). Ai đổi mới trong Đức Kitô thì không còn phân biệt hoặc kỳ thị bất kỳ thứ gì: “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người (Cl 3:11). Vâng, tất cả mọi người đều bình đẳng, đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Nói đến điều này là có liên quan vấn đề NHÂN VỊ, NHÂN PHẨM và NHÂN QUYỀN.

Thánh sử Luca kể rằng: Một hôm, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Người không trả lời trực tiếp mà hỏi lại: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12:14). Ai cũng gãi đầu và im như thóc thối. Rồi Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Một câu nói thấm thía quá, buốt thấu tận tủy xương. Như có lần Chúa Giêsu đã ví von thực tế: “Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24:28; Lc 17:27).

Sau đó, Người nói dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Chúng ta cũng thường tự nhủ như vậy. Giàu và nghèo đều có hai dạng: Vật chất hoặc tinh thần. Giàu vật chất thì dễ hiểu, nhưng mấy ai nghĩ mình giàu tinh thần? Giàu tinh thần ở đây không có nghĩa là giàu nhân đức, vì giàu nhân đức thì quá tốt, vấn đề làgiàu các thói hư và tật xấu, đó mới là điều đáng sợ! Người giàu kiểu nào cũng tự mãn, tự nhủ và tự sắm đủ thứ để “hưởng thụ”.

Nhưng Thiên Chúa bảo: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20). Ky cóp cho cọp nó xơi. Tay trắng lại hoàn trắng tay. Thế mà người ta vẫn kèn cựa nhau, chà đạp lên nhau, thậm chí sát hại nhau, chỉ cốt sao mình có lợi! Có lần Chúa Giêsu xác định: “Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó” (Mt 6:21). Người Việt cũng thường nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Một khi “chạm” tới tiền bạc hoặc vật chất thì sinh muôn giống tội, ngay cả tình máu mủ cũng chỉ là “số không”. Thánh Phaolô phân tích: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng HAM MUỐN TIỀN BẠC, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).

Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:21). Thế thì tiêu! Và thật chí lý với câu tục ngữ Hán Việt: “Thiên thai lạc lối, thiên thu lạc đường”.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết tránh vướng bận vật chất, địa vị, chức quyền, danh vọng,… để có thể quyết tâm tích trữ kho tàng nhân đức. Chúng con làm vậy cũng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng thực sự ích lợi cho chúng con, cả hôm nay và ngày mai. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 
Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn