1
14:32 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 243

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 219


Hôm nayHôm nay : 16858

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 320980

Tổng cộngTổng cộng : 27875264

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 17 Thường niên

Thứ năm - 25/07/2013 22:49-Đã xem: 1459
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'". Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 17 Thường niên

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 17 Thường niên

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA TUẦN 17 TN C

BÀI ĐỌC I: St 18, 20-32
"Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận".

Trích sách Sáng Thế. 
Trong những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ". Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu". Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành". Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: "Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: "Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt". Abraham nói: "Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa: "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8 
Đáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. 2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. 3) Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ. 4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

BÀI ĐỌC II: Cl 2, 12-14 
"Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê. 
Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại. Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38 

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-13 "Các ngươi hãy xin thì sẽ được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'". Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. "Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Đó là lời Chúa.
 

 

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ LÀ THẦY DẬY CẦU NGUYỆN

 

[St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13]

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, điều nổi bật nhất là con người không ngừng lỗi phạm đến Thiên Chúa và Thiên Chúa không ngừng thứ tha cho con người. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta có thể nói: cũng nhờ sự lỗi phạm ấy mà con người biết rõ hơn về Thiên Chúa và về chính bản thân mình: mình thì hết sức mỏng giòn và Thiên Chúa thì thật gần gũi, rộng lượng và luôn thứ tha. Ước gì kinh nghiệm tâm linh này giúp mỗi người sống khiêm nhường, tin cậy phó thác hơn vào Thiên Chúa và và kiên trì hơn trong cầu nguyện. Trong lãnh vực quan trọng này, chúng ta có một vị tôn sư tuyệt vời là chính Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Hãy học với Người để biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho bản thân mình.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 18,20-32): Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp. 20Khi ấy Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.”

22Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” 26Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

  27Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? ” Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

 30Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” 31 Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: “Giả như tìm được hai mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” 32Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 2,12-14): Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.  12Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 13Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

14Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.”

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 11,1-13): Anh em cứ xin thì sẽ được. 1Một hôm Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến,3xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

3.1.1 Bài đọc 1 (St 18,20-32) là tường thuật về một cuộc “điều đình” rất sống động của tổ phụ Áp-ra-ham với Thiên Chúa để cứu thành Xô-đô-ma tội lỗi. Tác giả Thánh Kinh Híp-ri trình bày cuộc điều đình giống một cuộc “mặc cả” giữa hai đối tác làm ăn. Thật ra đó là một cuộc đối thoại thân mật giữa Áp-ra-ham và Gia-vê Thiên Chúa.

Qua đoạn Sách St 18,1-10a chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng rất dễ thương và gần gũi đến nỗi Thiên Chúa chấp nhận cho Áp-ra-ham “mặc cả” với Người khi kiên trì tìm hết mọi cách để cứu vớt những con người và thành phố tội lỗi. Thiên Chúa cư xử như vậy vì thật lòng Thiên Chúa chẳng muốn một tội nhân nào phải hư mất!

 3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 2,12-14) là những lời của Thánh Phao-lô giúp chúng ta nắm bắt lý do tại sao chúng ta có thể tin tưởng một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa: đó là những ân ban mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta: ơn được cùng chết và cùng sống lại với Chúa Ki-tô, ơn được thứ tha mọi tội lội và thiếu sót.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Cl 2,12-14 chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là  Đấng ban ơn và thứ tha. Ơn được cùng sống và cùng chết với Chúa Ki-tô, ơn được thứ tha mọi lỗi lầm, sa ngã.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 11,1-13) là tường thuật của thánh Lu-ca về việc Đức Giê-su dậy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và về sự tin tưởng, kiên trì và nhẫn nại trong cầu nguyện.

Về kinh Lạy Cha, Tin Mừng Lu-ca nêu lên hai điều cầu xin liên quan tới Thiên Chúa và ba điều khác liên quan tới con người. Hai điều cầu xin liên quan tới Thiên Chúa là: “Danh Thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” Ba điều cầu xin liên quan tới con người là: “ngày nào có lương thực ngày ấy, được tha tội và không sa chước cám dỗ”.

Về sự tin tưởng và kiên trì trong cầu nguyện thì Đức Giê-su vừa giảng giải vừa đưa ra thí dụ cụ thể để thuyết phục người nghe xác tín hơn vào Lời Chúa, tin tưởng hơn vào lòng quảng đại của Thiên Chúa.

Qua Bài Phúc Âm Lc 11,1-13 chúng ta khám phá ra Đức Giê-su là Thày Dạy về Cầu Nguyện. Theo giáo huấn và gương sáng của Người thì chúng ta phải quan tâm trước hết đến những gì có liên quan tới Thiên Chúa, rồi sau mới quan tâm tới những nhu cầu (phần hồn/phần xác) của chúng ta. Thế mới là cách sống của người con thảo hiếu đối với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Chúng ta tin tưởng, phó thác và kiên trì trong cầu nguyện, vì Đức Giê-su đã khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong lời này: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã sai Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để Người dậy dỗ chúng ta biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Lời Chúa hôm nay mời tôi nhìn lại đời sống cầu nguyện của tôi:

- Tôi có biết cầu xin cho “Danh Thánh Cha vinh hiển, Triều Đại cha mau đến” và tôi có biết xin Chúa ơn tha tội, ơn không sa chước cám dỗ hay tôi chỉ biết xin những điều cần thiềt cho đời sống vật chất của mình mà thôi không?

- Tôi có tin tưởng, phó thác và kiên trì trong cầu nguyện không?

 V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho thế giới ngày hôm nay là nơi đầy dẫy những tội lỗi tầy trời xúc phạm cả đến Thiên Chúa lẫn con người, để Thiên Chúa kiên trì chờ đợi con người ăn năn trở lại và rộng lượng thứ tha.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.2 «Ông Áp-ra-ham nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?» Chúa đáp: «Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-ci-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết sống đẹp lòng Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng cho nhân loai tội lội ăn năn trở lại!

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.3 «Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân nam nữ, già trẻ biết tin tưởng vào Lời Chúa mà kiên trì, nhẫn nại trong cầu nguyện.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 5.4 «Danh Thánh Cha vinh hiển! Triều Đại Cha mau đến!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28 sẽ kết thúc vào ngày hôm nay (23-28/07/2013) tại thành phố Rio-de-Janeiro (Braxin) để Danh Thánh Cha được giới trẻ cả thế giới tung hô và Triều Đại Cha rộng mở đón nhận mọi tâm hồn.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 
 

SUY NIỆM LỜI NGÀI

“Tôi chấp thuận, trăm lần trong thổn thức,”

“Tôi bàng hoàng, hốt hoảng những đêm đêm.”

(dẫn từ thơ Bùi Giáng)

 

Lc 11: 1-13

            Bàng hoàng, hốt hoảng hay thổn thức phải chăng đó cũng là động-thái của những người gặp cảnh ngộ “sa chước cám dỗ”, vẫn cầu xin. Cầu và xin, như lời cuối kinh Lạy Cha, ta từng đọc?

            Trình thuật, thánh Luca ghi về sự thể đồ đệ Chúa từng nghe Thày Chí Thánh dạy cách nguyện cầu qua lời kinh “Lạy Cha”. Ý/lời “sa chước cám dỗ” ở cuối kinh, diễn tả một nhận thức rất rõ về cuộc đời của Chúa có nối kết với “chước cám dỗ” công khai cả một đời. “Chước cám dỗ” Chúa gặp, kể về sự việc xảy đến ở đầu đời, khi Thần Khí dẫn Ngài vào “sa mạc” thanh vắng và Ngài ở đó 40 ngày để “sa chước cám dỗ”, có giáp mặt “quỷ ma”, và có cả thiên sứ đến hầu hạ Ngài.

Sa chước cám dỗ, không chỉ xảy đến vào buổi đầu đời Ngài, mà cả vào ngày Ngài nhận thanh tẩy cho đến thời khắc diễn ra ở vườn Géthsêmani, là yếu tố lịch sử được diễn tả không theo nghĩa hiện tượng, nhưng như sự thể xảy đến suốt một đời. Sự việc này, thánh sử Máccô diễn tả đặc biệt hơn thánh Mátthêu và Luca, chỉ sơ qua ở kinh Lạy Cha mà thôi.

            Cụm từ “sa mạc” thánh Máccô tả, không có nghĩa chốn miền nóng cháy đầy những cát ở Giuđêa hay đâu đó, mà là sự việc Chúa đi vào cuộc sống công khai với mọi người. Bởi, với Chúa, tính công khai của cuộc sống mang ý nghĩa mở ra ngoài, hoặc tính chính trị cũng như tính công-khai-hoá như “sa mạc đời người”. Và, Ngài ở đó cho đến ngày trút hơi cuối cùng cuộc đời Ngài, mới thôi. Cuộc sống công khai của Chúa được đề cập ở đầu Tin Mừng, là việc Chúa dấn thân phục vụ người nghèo khó, sống vì người khó nghèo. Bởi Ngài ít được người hỗ trợ, nên cứ bị kình chống/đối lập không ngớt. Và, trong đời người, hễ ta công khai có lập trường sống giống như Ngài, rồi cũng bị xa cách/tách biệt khỏi “sa mạc cuộc đời” người; và khi đó, bạn bè ta là người nghèo khó sẽ chẳng giúp ích gì cho ta hết.

            Truyện kể Chúa chịu “sa chước cám dỗ”, đề cập việc Ngài giáp mặt/đụng trận với đám “quỷ ma”, tức các lãnh tụ tôn giáo người Do thái thời đó cứ kình chống/khích bác những gì Ngài công khai phục vụ người nghèo. Và cuối cùng, “thiên sứ đến với Ngài”, chính là đồ đệ đến giúp Ngài thực hiện mọi sự cho người nghèo, cách công khai.

            Cụm từ “sa chước cám dỗ”, tiếng Hy Lạp là “Peirasmos” nghĩa là khai thác/thử nghiệm giá trị sự việc để xem mình kình chống được bao lăm và xem có khả năng đi xa hơn thế không. Ở Tin Mừng thánh Luca đoạn 22 câu 28, cụm từ này mô tả không chỉ tình huống khó khăn Chúa gặp phải, khi Ngài công khai lo cho người nghèo thôi; mà còn diễn bày những khó khăn của Hội thánh thời tiên khởi quyết  theo Chúa đi vào quãng đời công khai sống thực hiện những điều Chúa dạy.

            Như thế thì Chúa nhìn vào những gì, khai thác những gì và “sa chước cám dỗ” đến thế nào?

            Tin Mừng thánh Luca cho thấy, khả năng trở thành Đấng Mêsia cứu vớt người nghèo theo cách thống trị hoặc thụ động hoặc sinh hoạt đầy tính chất rất kịch.

            Thứ nhất, theo cách thống trị. Có người hỏi: nếu Đức Giêsu là Chúa, thì sao Ngài không hạ gục phe đối lập để thống trị? Nếu Ngài làm thế cũng để đem lại lợi ích cho người nghèo, cũng đâu khó. Ở đây, thánh Luca gọi đó là cách làm của ma quỷ. Ở các đoạn sau đó, thánh Luca lại đã coi quyền lực và vinh dự ở đời thuộc dạng quỷ ma, đầy cám dỗ.

Thứ hai, là tính thụ động. Theo thánh sử, thụ động đây, không có nghĩa lười biếng mà là: bắt Chúa làm mọi việc, còn mình thì chẳng làm chút gì hết, cứ rút lui vào bóng tối, thế là xong. Làm như thế, tức: phủ nhận điều lạ kỳ về sự quan phòng của Chúa. Thánh Luca gọi đó là những gì mang tính chất rất “người”, nghĩa là: cứ “mặc xác”, biếng nhác, ù lì, chẳng chịu làm gì, lại coi đó như cách phục vụ Chúa rất hữu hiệu, đây là kiểu cách rất xấu của những người ù lì, bị động.

            Thứ ba, sinh hoạt đầy chất kịch. Có thể, đây là tấn thảm kịch bi đát, sẽ còn diễn tiến nhiều lần về sau. Tác giả Luca từng cho thấy người Hy Lạp chẳng cần xem đấng bậc anh hùng hảo hán đi vào hoàn cảnh ra sao, nhưng thần linh của họ cuối cùng cũng ra tay cứu vớt, và người người lại ra về vui vẻ. Cái khó ở đây, không là sống đời thực tế, mà là cung cách biến thái/bay nhảy, không trưởng thành theo cách cuộc sống thực tế vẫn tạo ra. Quả là, sự việc này  xem ra thật trẻ con, không làm gì cả nhưng vẫn muốn được cứu vớt.

            Lời đáp của Chúa khi “sa chước cám dỗ”, quả thật dứt khoát. Ngài đã nói tiếng “không” với các đề nghị do “quỷ ma” đưa ra. Ngài ra lệnh cho quỷ ma đi cho khuất mắt Ngài. Ngài nguyện cầu Cha Ngài giải thoát Ngài khỏi ác thần/sự dữ. Sự dữ đây, chính là giới cầm-quyền chuyên khuynh-loát những người đưa ra nhiều chính sách cho dân con mọi người. Và, Ngài nguyện cầu Cha, nếu được, “xin Cha cất bỏ chén đắng này khỏi nơi Con.”

            Chúa cho thấy bản chất lười biếng của con người đã bớt dần tính “linh đạo”, gây đổ vỡ, lại muốn làm thứ gì đó, khác hẳn. Ngài không ngồi ì một chỗ như ai đó, rồi giao hết việc cho Cha làm. Nhưng, Ngài thừa nhận một số khuôn mẫu về chức năng của Đấng Mêsia có thể viết thành kịch-bản cho sân khấu. Tất cả là bài học để đời về trách nhiệm, ngõ hầu đồ đệ học lấy mà thực thi.

            Vùng Cận Đông cũng như Israel khi xưa, con dân trong Đạo vẫn đặt ra một số mẫu kinh để ta nguyện cầu, van xin. Mẫu kinh, gồm ba phần: phần đầu, gồm toàn những chuyện đẹp của đấng bậc được người cầu kinh dâng lời nguyện, như thể tung nâng các đấng trước khi dâng lời khốn khó với các ngài. Thứ hai, lời cầu đơn giản, rõ ràng và ngắn gọn chỉ diễn tả những gì người cầu mong muốn. Thứ ba, xin lỗi đấng bậc mình dâng lời kinh để đưa ra điều thỉnh nguyện (và hứa sẽ không lặp lại điều ấy một lần nữa). Và, rõ ràng, đây là cấu trúc của “Kinh Lạy Cha”.

            Phần đầu kinh, là lời thưa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Phần hai, là câu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Phần ba, lại thêm câu: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, và xin chớ để chúng con “sa chước cám dỗ”, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.”

            Phần chính của Kinh Lạy Cha là yêu cầu có lương thực hằng ngày, cho người đói nghèo, ngày hôm nay. Kế đó, là việc khởi động rồi xin thứ tha vì đã cầu xin và hy vọng cảnh tình này sẽ không diễn ra nữa. Amen.

            Lương thực hằng ngày phải chăng là cơm bánh? Không hẳn thế. Đây chỉ là biểu trưng. Là, biểu tượng đặc trưng cho việc chúng ta và mọi người có nhu cầu sống còn trong cuộc chiến phấn đấu mỗi ngày, cuộc sống thực. Đại ý muốn nói cùng Chúa Cha: “Xin cho chúng con có đủ sức mạnh và khả năng tự tại để đến được đó, hôm nay đây.

            “Lương thực hằng ngày” cho người nghèo đói: Ta vẫn “sa chước cám dỗ” như thế, rất nhiều ngày, là: làm điều gì khác thay vì đem “cơm bánh” ban phát cho người nghèo. Thế nên, hãy cầu xin làm sao để ta đừng “chào thua” về những “sa chước cám dỗ” như thế, và sau đó có thể ban phát cơm bánh cho người nghèo đói.

Và tiếp đó, kinh “Lạy Cha” đề cập đến việc thứ tha, và sự dữ. Tại sao thế? Có lẽ Chúa biết rõ Ngài từng có những kẻ đối lập với Ngài trong cuộc sống, và Ngài đã thứ tha cho những người đứng đằng sau đó. Và có lẽ, Ngài cũng biết Ngài từng phạm một vài sai sót về chính trị trong cuộc sống, như: lời Ngài nói có thể là mạnh đối với người này, nhưng lại quá yếu với người khác. Nên, trong kinh Lạy Cha, Chúa yêu cầu những người bị đau lòng vì những sự việc như thế hãy thứ tha Ngài, như Ngài đã tha thứ họ. Ngài công nhận: không phải mọi người lúc nào cũng làm đúng, chí ít là những chuyện công khai, với chúng dân.

Thánh Luca viết Tin Mừng cho Hội thánh thời tiên khởi, vào nhiều thập niên sau khi Chúa mất, tức: viết cho một Giáo hội tin vào lời lẽ vẫn công nhận rằng: Đức Giêsu là Chúa, nên câu cuối ở kinh Lạy Cha, có ý căn dặn rằng: nếu ta không thận trọng lại để mình “sa chước cám dỗ”, sẽ bị quyền lực và vinh quang lôi cuốn gài bẫy. Ta càng lún sâu vào bẫy đó nếu cứ thử. Và khi đó, chớ trách móc.

Và, tiếp tục kinh Lạy Cha, thánh sử Luca lại kể tiếp truyện dụ ngôn về cuộc sống đời thường ở thôn làng bé nhỏ, như thể cất lên lời kinh gọi mọi người trong nhân loại như lời gọi “Lạy Cha”, tức van nài bạn bè tấm bánh lúc nửa đêm tắt lửa tối đèn, vẫn cần đến tình thương yêu, của mọi người. Chí ít, là bạn bè người thân gần xa, lại cứ quấy rầy mình vào những lúc khó thực hiện lòng thương mến/bác ái.

Nói tóm lại, điều mà thánh Luca muốn nói đến ở lời kinh thần thánh rất “Lạy Cha” hôm nay, sẽ không đem gì nhiều đến với ta, nếu ta không thực thi đối xử với bạn bè gần xa, thân quen hay xa lạ, là nhân loại qua lời kinh “Lạy Cha chúng tôi”.

Trong tinh thần hiểu biết như thế, ta sẽ cất lên câu thơ như lời kinh đêm của thi sĩ họ Bùi như:

“Tôi chấp thuận, trăm lần trong thổn thức,

Tôi bàng hoàng, hốt hoảng những đêm đêm.

Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt,

Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em.”

(Bùi Giáng – Phụng Hiến)

            “Thỏa dạ yêu Em”, đúng như lời thánh-nhân từng dặn dò trong lời kinh “Lạy Cha”, rất hôm nay.
 

CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 17 TN C

“Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền.
Loài hoa không hương sắc màu,

nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ.”

(Trần Thiện Thanh – Hoa Trinh Nữ)

(Ph 2: 1-4)

            Câu hát trên, tuy nghe nhiều lần nhưng chắc hẳn có vị cũng lấy làm lạ như bần đạo, nên vẫn hỏi: mộng và ước của người viết, có là ước và mộng do gặp được “Hoa Trinh Nữ” ở đời chăng? Bần đạo đây, cũng có nhiều mộng ước thật bình thường, thế mà đôi lúc vẫn không thấy nó thành hiện thực.

            Nói đúng hơn, mộng và ước của bần đạo thật rất nhỏ, có đó rồi lại không. Về “mộng ước thật bình thường” như người viết nhạc ở trên tâm sự, bần đạo đây cũng thường quan niệm tất cả là ân huệ, nên vẫn tạ ơn Trên cả vào khi trải qua đôi ba kinh nghiệm tương tự như khi ‘luận phiếm đường dài’ không phải lúc nào cũng ‘ron rả’ được tiếp nhận dài dài, mãi đâu. Đã chấp nhận viết lách, là chấp nhận một ‘phi phỏng’, tức: có đó rồi lại mất đó, như trong đời.

            Chuyện chỉ là: cách nay không lâu, đấng bậc rất có “thớ” trong nhóm chủ trương báo điện tử nọ có gửi cho bần đạo một tin tức…mình, đại để bảo rằng:

 “Chuyện Phiếm Đạo Đời, ban Biên tập xin tôi ngưng vì có nhiều độc giả “complaint”… Tôi, thi thoảng thấy bài viết của anh có tư tưởng, lồng trọng văn chương dí dỏm…Nhưng, bá nhân bá tính, nên Ban Biên Tập quyết định xin ngưng đưa lên… Xin lỗi anh về chuyện này.” (trích điện thư của một bạn hiền linh mục gửi bần đạo hôm 05/7/13)

             Bạn đạo trong Ban Biên Tập của ‘báo điện’ nổi cộm, lại không nói rõ có giòng chảy nào khiến bạn đọc những than và phiền, nên bần đạo chả biết “ất giáp mô tê” gì ráo trọi, chỉ dám tiếp tục nghe và ngóng cho kỹ, để xem bạn bè ở một số nơi còn góp ý, lại nhận được đoạn viết như sau:

 “Có tư tưởng lồng trong văn chương dí dỏm, mà lại xuất hiện trong làng báo khô khan, thì làm sao sống dai hoặc sống dài dài được. Thôi thì bạn ạ! “Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở”… Nơi nào không tiện để mình xuất hiện, cứ coi đó là “ân huệ”, rồi “rũ áo ra đi” tìm chỗ nào vui hơn!”

             Nghe thế, bần đạo lại sẽ quyết tìm chỗ “vui hơn” mà đến chơi/trò chuyện hoặc ‘cà kê dê ngỗng’ với câu hát Karaôkê, như sau:

 “Qua một rừng hoang gió núi theo sang, giũ bụi đường trên vai,
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường, gọi là hoa Trinh Nữ.
Hoa Trinh Nữ, không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa.
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi.
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn,
Nhưng Hoa Trinh Nữ đẹp, tựa chuyện tình hai chúng ta…”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

 “Tình hai chúng ta”, có thể là tình người nhà Đạo chỉ muốn viết và lách cho nhiều, để người đọc còn hiểu tâm trạng của nhà Đạo thời hiện tại; chứ không chỉ nói năng chuyện tư riêng, nhỏ mọn, Thế nhưng, viết lách sao cho khỏi bị “than phiền” là “nghề của chàng”. Chàng trai hiên ngang chỉ nói năng bằng ngòi bút, thôi. Nói năng, tuy không lăng nhăng, lằng nhằng nhưng vẫn có các vị đặt bút viết, gửi về toà báo tuần rất Đạo, chỉ đưa ra câu hỏi về chuyện nói năng “tung tăng”, như sau:

 “Mới đây, tôi được mời đến tham dự buổi tụ tập nguyện cầu rất “đặc sủng” trong đó có khá nhiều người “nói tiếng lạ”. Riêng tôi, vẫn thấy khá lạ, nên tự hỏi: làm sao như thế. Nay xin hỏi: Hội thánh ta, có chuẩn nhận những điều như thế không?” (Lại thêm một câu hỏi của đấng bậc/người đọc có mặt mà không có tên, để ký hỏi cho riêng mình.)

Riêng một mình hay thật nhiều mình, vẫn cứ là câu hỏi từ nhiều năm của người nhà Đạo rất chuyên chăm nhưng ít thấy sự lạ kỳ nào như thế. Nghe hỏi những điều như thế, đức thày nhà Đạo mình ở Sydney lại lấy giấy bút ra mà trả lời/trả vốn bằng một giải đáp khá quen, như sau:

 “Trước nhất, ta hãy cùng nhau về với thánh kinh để xem Sách thánh có nói gì về chuyện này không. Ngay Đức Giêsu cũng từng nói tiên tri rằng: những ai tin vào Ngài, sẽ có khả năng nói tiếng lạ, như Tin Mừng thánh Mác-cô có chép: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.” Mc 16: 17)

 Mặc khải rõ ràng hơn, là vào Lễ Ngũ Tuần, khi ấy Thánh Thần Chúa ngự xuống với các thánh Tông-đồ, được kể lại trong sách Công cụ, như sau: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2: 4-6)   

 Về sau, khi thánh Phêrô đến nhà của viên bách quản người La Mã tên là Cornêliô ở Xêdarê và khi đó, cũng có quà tặng của Thánh Thần Chúa đổ xuống trên mình những người ngoài Đạo, là vì: “bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. (Cv 10: 6). Và rồi, lại có sự kiện tương tự ở Êphêsôkhi có một nhóm người cũng đã “nói tiếng lạ” sau khi được thánh Phaolô đặt tay lên đầu và nhận đón Thánh Thần Chúa, hệt như thế. (Xem Cv 19: 6)

 Riêng thánh Phaolô cũng từng viết rất nhiều thư cho giáo đoàn Côrinthô về món quà “nói tiếng lạ”, kể cả quà tặng do Thánh Thần Chúa ban, như: “Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1 Cor 12: 10)

 Rồi cứ thế, thánh-nhân còn phân biệt ơn “nói tiếng lạ” và “ơn tiên tri”, mỗi ơn có mục đích khác nhau, như:“Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu.3 Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi.4 Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh.5 Tôi muốn cho tất cả anh em nói các tiếng lạ, và nhất là tôi muốn cho anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri thì cao trọng hơn người nói các tiếng lạ, trừ phi người này giải thích để xây dựng Hội Thánh.”(x. 1Cor 14: 2-5)

 Thánh Phaolô cũng công nhận mình từng nói nhiều tiếng lạ, trong thư gửi giáo đoàn này, như: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi nói các tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em,19 nhưng trong cộng đoàn, thà tôi nói năm ba tiếng có thể hiểu được để dạy dỗ kẻ khác, còn hơn là nói hàng vạn lời bằng tiếng lạ.” (1Cor 14: 18-19)

 Về sau, thánh-nhân đã tóm tắt mối tương-quan giữa ơn nói tiếng lạ và ơn tiên tri, bằng lời lẽ rất chắc nịch, rằng: “Cho nên, thưa anh em, anh em hãy khao khát ơn nói tiên tri và đừng ngăn cấm nói các tiếng lạ. Nhưng hãy làm mọi sự cách trang nghiêm và có trật tự.” (x. 1Cor 14: 39)

 Ngang qua các đoạn thư trích dẫn ở trên, ta nhận ra được lời giải đáp cho câu hỏi mà anh/chị đặt. Thứ nhất, chẳng có gì xấu khi nói tiếng lạ, bởi đó là quà tặng từ Chúa Thánh Thần. Nếu các thánh Tông đồ có được quà tặng này vào Lễ Ngũ Tuần và thánh Phaolô cũng được ân huệ như thế, thì chuyện ấy đâu có gì là xấu xa đâu.

 Thứ hai là, “nói tiếng lạ” trước nhất là hướng về Chúa mà cầu nguyện, chứ không phải nói cho những người đang hiện diện, và cũng chẳng để cho những người này hiểu. Nhiều vị có ơn đặc sủng cũng nhận ra rằng đây chính là ân huệ đặc biệt xảy ra trong buổi hội họp của họ, thôi. Nếu có ai cầu nguyện bằng “tiếng lạ” và những người trong buổi ấy nhận ra rằng Chúa Thánh Thần thực sự có mặt hôm ấy và đã thúc đẩy mọi người cùng nguyện cầu theo cách ấy. Ngài cũng lấp đầy mọi người bằng niềm tin và ơn huệ qua việc Chúa Thánh Thành hiển hiện, như thế.

 Thứ ba là, quà tặng “nói tiếng lạ” là điều quan trọng, cần thiết hơn cả ơn nói tiên tri, ơn chuyển tải đến người khác Lời của Chúa, ngõ hầu để Chúa dẫn dắt họ sống. Cuối cùng thì, đây là sự việc từng xảy đến vào Lễ Ngũ Tuần khi đó các thánh tông-đồ đã sử dụng ơn “nói tiếng lạ” để cất nhắc những người hiện diện trong buổi đó ngõ hầu hiểu được thông điệp Chúa gửi đến cho mình.

 Cuối cùng ra, theo nghĩa rất thực của sự việc Hội thánh hôm nay có được ơn “nói tiếng lạ” qua sự thể người nói đã sử dụng ngôn ngữ của mỗi nước và mọi nước. Thế kỷ thứ 6, có vị giảng thuyết ngưòi châu Phi từng giải thích sự thật này rằng: “Vì thế nên, giả như có ai nói điều gì cho mỗi người chúng ta, rằng: Anh chị em đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần rồi, sao anh chị em lại không nói tiếng lạ?, thì câu trả lời phải là: ‘Tôi cần nói thứ tiếng của hết mọi người, bởi lẽ tôi thuộc về Thân Mình Đức Kitô, tức là Hội Thánh Chúa và Hội thánh của Ngài đang nói đủ mọi thứ tiếng, ngày hôm nay.(Xem. Sách Bài Giảng số 8, đoạn 1-3)(Giải đáp thắc mắc của Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 9/6/2013, tr. 10)

 Nói năng bằng nhiều thứ tiếng, không chỉ mỗi “tiếng lạ” của nước nào đó cũng chưa quen, cũng là chuyện lạ, ở đời  Thế nhưng, nói năng bằng tiếng nước mình, của người mình, dù là “nói có tư tưởng, lồng trong văn chương dí dỏm” thì âu cũng là ân huệ, để cảm kích.

Còn nhớ, vị “thánh cả của mọi thời” cũng thấy những điều như thế, khi ngài sống gần cận dân đen đời thường ở xứ miền Galát. Qua thư Galát, thánh Phaolô từng hướng-dẫn dân con nhà Đạo nhớ về ý nghĩa thực của thập giá Đức Kitô gửi đến mọi người. Thập giá đây, không hẳn chỉ là những o ép/bức bách khiến đôi bên, cả người trao tặng lẫn người nhận quà tặng, đều cảm kích.

Đúng ra, thập giá đây, là sự rất thật trên thực tế. Thực tế cuộc đời những cứng cỏi, sống sượng hoặc khó nuốt nhưng vẫn là khổ giá hình chữ thập, lại vẫn mang tính-chất rất tích-cực. Là con dân Đức Chúa, là những con người rất thật biết chấp-nhận mọi thách đố ở đời. Thách đố ấy, chính Chúa cũng gặp phải. Thách đố này, cũng là như thực-tại của thập giá cuộc đời, rất thập tự.

Còn nhớ, có lần bậc thày giảng dạy đã dẫn giải tư tưởng của thánh Phaolô xưa từng minh định về thập giá có ý nghĩa của cái-gọi-là “thứ đáng nguyền rủa” ở đời, như sau:

 “Đức Giêsu từng bị treo lên cây gỗ có hình chữ thập. Lề luật Do thái ở kinh Torah, trong sách Đệ Nhị Luật cũng nói: những người bị treo lên cây gỗ, đều bị nguyền rủa/chúc dữ. Nguyền rủa vì nhiều sự. Chúc dữ vì Sách Luật. Nguyền rủa và chúc dữ do bởi Thiên Chúa của Sách và của Luật. Sự thật thì, có bị nguyền rủa/chúc dữ vì dư luận quần chúng, vì “lý lẽ rất chung của người bình thường thật đấy, nhưng được tôn kính.

 Thế nhưng, hỏi rằng nguyền rủa/chúc dữ có nghĩa gì? Thì câu trả lời, sẽ là: họ sẽ đặt kẻ nhạo báng trên ta. Và có nghĩa là: chúng dân cứ kích bác, đẩy lùi ta ra khỏi hiện trường của sự sống rất hạnh phúc. Và, điều đó còn có nghĩa: khi ấy, ta sẽ bị tẩy chay, loại trừ hoặc trở thành cặn bã của cộng đoàn mà ta chung sống.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Phaolô, vị thánh của mọi thời, 2008, tr.83)

 Nói cho cùng, thập giá cũng rất chung, hay những cực hình mình vẫn chịu ở đời thường, lại là những bất ưng, tranh chấp, hoặc lạy lục. Lạy và lục để có được nhiều chuyện, hệt như câu chuyện cảm nghiệm của người viết, lại những lời thêu thùa trong bài hát, như sau:    

Xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn
Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao

Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa
Ngồi buồn ghi lại cảm nghiệm trong đời thường về những bất ưng, có bạn đạo nọi lại đã đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta quay về với thơ/văn của thánh hiền nhà Đạo, rày vẫn bảo:

 “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô

đem lại cho chúng ta một niềm an ủi,

nếu tình bác ái khích lệ chúng ta,

nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí,

nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,

 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn,

 là hãy có cùng một cảm nghĩ,

cùng một lòng mến,

cùng một tâm hồn,

cùng một ý hướng như nhau.

Đừng làm, chi vì ganh tị hay vì hư danh,

nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.

Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình,

nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”

(Phil 2: 1-4)

 Nghe thế rồi, thì hỡi bạn và hỡi tôi, ta lại sẽ cùng người nghệ sĩ, hát lên lời cuối của nhạc bản “Hoa Trinh Nữ” để thấy được, rằng: đời mình và đời người, còn có những đoá hoa lòng rất trinh trong vẫn cứ nở. Hoa trinh trong ấy, được nâng nhẹ, xếp trong tay, thật mê say, rằng:

Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say
Ngỡ đôi mi dầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái
Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương
Và mong ước mai sau khi tan giặc nước vua về
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành Trinh Nữ thôi.”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

 Nghe hát rồi, nay thử mời bạn mời tôi, ta nghe thêm truyện kể nhè nhẹ cũng về chuyện “nói năng” hoặc “viết lách” từng làm nhiều người bức bách hoặc “than phiền”, như sau:

 “Tại cửa hàng sách, có bạn hàng đến hỏi cô bán sách ngồi ở quầy thu tiền rằng:

- Côi ơi! Cho tôi hỏi sách “Gia đình hạnh phúc” nằm ở dãy nào vậy?

- Đây là sách thể loại hoang tưởng, nằm ở dãy số 1.

- Thế sách “Giữ trọn Đạo vợ chồng” thì sao?

- Dạ, ở dãy số 2, thể loại tiểu thuyết đấu đá.

- Vậy, sách “Cách quản lý tài chính để có thể mua nhà”, thuộc loại gì thế?

- Để là sự tổng hợp chứng vọng tưởng, nằm trong thể loại sách tâm thần, dãy số 8.

- Thể còn “Làm thế nào để thăng chức”?

- Loại sách tội phạm hình sự này nằm dãy số 3.

- Cho tôi hỏi cô thêm câu nữa: các sách viết về chuyện phiếm đạo cô để ở đâu thế?

- Xin lỗi, tiệm sách chúng tôi không kinh doanh truyện cổ, xin ông đừng tìm vô ích!”…

(trích truyện kể gửi đăng trên mạng, năm 2012)

 Thế đó, là lời giải về những chuyện lạ trong đời. Chí ít, là đời người đi Đạo vẫn có rất nhiều lạo xạo, nghe như truyện cổ: cổ điển lẫn cổ tích, trích dịch cho mọi người.

 Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng muốn đạo đạt

đôi điều tuy khó nói,

nhưng không khó kể.

Gửi nhiều người.

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn