1
12:38 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 315

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 314


Hôm nayHôm nay : 43977

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 434064

Tổng cộngTổng cộng : 27988348

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Mình Máu Thánh Chúa

Thứ năm - 30/05/2013 14:16-Đã xem: 1872
Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta
Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Mình Máu Thánh Chúa

Lời Chúa và Các bài suy niệm về lễ Mình Máu Thánh Chúa

PHÚC ÂM: Lc 9, 11b-17
"Tất cả đều ăn no nê".
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Đó là lời Chúa.
 

HOÁ BÁNH RA NHIỀU HAY BẺ BÁNH
 

Phép lạ về bánh rất ăn khớp với mạch văn. Ngoài việc nó được đưa vào một cách hợp lý –ngày đã bắt đầu tàn, phải nghĩ đến chuyện ăn uống- trình thuật sắp gián tiếp trả lời cho câu hỏi mà Hêrôđê tự đặt ra cho ông; nếu không có một tước hiệu nào được gán cho Chúa Giêsu ở đây, thì dấu chỉ lạ lùng Ngài đã thực hiện cũng đưa nhóm Mười Hai (và độc giả) vào đúng hướng. Duy nhất chỉ có phép lạ này trong suốt sứ vụ ở Galilê, được tường thuật trong ba bản Nhất Lãm mà cũng thấy có cả ở Gioan nữa. Hơn thế, Mc 8,1-10, được Matthêu lấy lại, có một bản dịch với bảy bánh, bảy thúng và bốn ngàn người. Như vậy, được thuật lại sáu lần trong các Tin Mừng, “phép lạ làm quà” này theo một sơ đồ mà cách Các Vua đã sử dụng tới ba lần khi nói về Êlia và Êlisê: dù người ta không đòi hỏi, vị ngôn sứ đã do sáng kiến của riêng mình mà trao tặng những của cải vật chất (bột mì, dầu, bánh) một cách kỳ diệu. Người ta cũng nhấn mạnh đến sự dư dật của quà tặng. Trong trình thuật mà bản văn chúng ta cảm hứng theo, chính Êlisê tuyên bố: Chúa phán như thế này: Người ta sẽ ăn no mà còn dư thừa (2V 4,43 xem cả ở 1V 17,14). Trái với đoạn văn song song của Ga 6, Luca không đọc ở phép lạ hoá bánh theo ánh sáng của các trình thuật thời xuất hành nói về manna và ông cũng không trình bày Chúa Giêsu như Môsê mới trao ban bánh của thời kỳ cuối cùng.

Ngày đã bắt đầu tàn. Về mặt thời gian, ghi chú này cũng là một thoáng nhìn đầu tiên hướng về bữa ăn ở Emmas (24,29) sẽ được nói rõ hơn trong phần tiếp theo của bản văn. Tính cách cho không của dấu chỉ mà Chúa Giêsu sắp làm đến từ sự kiện là nếu địa điểm là nơi hoang vắng, cũng có các làng mạc và nông trại quanh đây; nhóm Mười Hai có thể đi mua thực phẩm dù đó là một chi phí khá lớn (c.13). Trong khi giải quyết vấn đề thực phẩm, phép lạ sắp xảy ra không giải quyết vấn đề chỗ ở, như cũng đã được nhắc đến… Lời đối đáp của Chúa Giêsu giống như lời của Êlisê (2V4 – Lc 9,13-17). Tính cách lớn lao của quà tặng được ban phát đến từ sự khác biệt giữa những con số; Chúa Giêsu là một Ngôn Sứ vĩ đại đến độ ta không thể so sánh Êlisê với Ngài được.

Lệnh được ban các môn đệ bảo mọi người ngồi xuống làm cho các ông đóng vai trò trung gian. Các ông đã trình bày với Thầy về nhu cầu của đám đông (c.12); trong chốc lát; họ sẽ đưa bánh và cá từ bàn tay Chúa Giêsu đến cho dân chúng. Trình thuật không chứa đựng lời tiên tri để nói lên ý nghĩa của những gì đang xảy ra (khác với 1V 17,14; 2V 4,13); ý nghĩa được cung cấp cho độc giả bằng bốn trong năm đương thời mô tả những cử chỉ của Chúa Giêsu. Cầm lấy, tạ ơn (ở đây là dâng lời chúc tụng), bẻ ra, trao cho là những từ ngữ dùng cho bữa tiệc cuối cùng ở 22,19. Màu sắc của phép lạ còn rõ nét hơn khi Luca dùng những từ ngữ “bẻ ra / bẻ bánh” để chỉ những buổi tiệc Thánh Thể của Giáo Hội (24,30.35; Cv 2,42-46). Hơn nữa, không có từ “tăng lên nhiều”; chỉ có chuyện bẻ ra và phân phát bánh thôi. Được nhắc đến hai lần, nhưng các con cá lại ở vào thế phụ thuộc, vì lý do các động từ liên quan đến bữa tiệc Thánh Thể được dùng ở đây. Cuối cùng nơi mà năm trình thuật khác trong Tin Mừng nhắc đến “chúc tụng Chúa” hoặc “tạ ơn Chúa”, chỉ có Luca nói chúc lành cho thực phẩm. “Bằng lời chúc lành”, Chúa Giêsu chuyển trao sức mạnh của ngài sang bánh và cá như khi chữa bệnh, một quyền năng xuất phát từ Ngài và làm cho phép lạ xảy ra (F. Bovon). Trái với các trình thuật chữa bệnh, ở đây không có thể phát biểu ý kiến về biến cố dựa trên một trình thuật như thế.

2V 4,44 ghi chú: “Tên đầy tớ phân phát trước mặt mọi người: họ đã ăn và còn dư lại theo lời Thiên Chúa”. Ở đây cũng vậy, thêm vào việc mọi người ai nấy được no nê là còn thừa những miếng bánh đã bẻ ra (dịch sát: những miếng vụn, cũng là một từ của bữa tiệc Thánh Thể); tất cả là mười hai thúng. Cuối cùng thì mỗi người trong nhóm Mười Hai (xc.12) mang một thúng đầy. Như vậy là một cách đọc có tính tượng trưng đã rộng mở…

Không hề có một phản ứng nào về phía đám đông, dường như họ không biết đến những gì vừa xảy ra. Trái lại, phản ứng của nhóm Mười Hai sẽ xảy ra ngay tức khắc; phép lạ hoá bánh ra nhiều chuẩn bị cho lời tuyên xưng của Phêrô liền ngay sau đó.

 

Chạnh lòng thương 
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Mỗi người chúng ta đã từng nghe, từng nói những câu mời gọi sống tình liên đới và chia sẻ bác ái với nhau trong tình làng nghĩa xóm như: "Lá lành đùm lá rách", hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng". Sự liên đới đồng cảm với nhau trong tình thần "Tứ hải giai huynh đệ" để có thể "thương người như thể thương thân". Đó là những lời răn dạy của tổ tiên, là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của người dân Việt chúng ta. Một dân tộc đặt chữ tình lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người để có thể "tối lửa tắt đèn có nhau". Thế nhưng, có mấy ai đã thực sự sống điều đó? Có mấy ai đã thực sự sống đùm bọc lẫn nhau? Tại sao một nền văn hóa tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam mà lại có sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn như ngày hôm nay? Ở giữa những phồn hoa của nền kinh tế thị trường hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời đói rách bần cùng, kiếm ăn từng bữa, đôi khi cũng chỉ được bữa cơm, bữa cháo! Ngày nay khi xã hội thay đổi, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thì ở đâu đó rất gần chúng ta vẫn còn có những mảnh đời lạnh giá cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ là những người vô gia cư bị xã hội đẩy ra bên lề xã hội. Họ là những em bé bị bỏ rơi, bị lợi dụng đang ăn xin, bán vé số, lượm ve chai. Họ là những người tật nguyền không có tiền để đến bệnh viện đành chấp nhận sống lây lất qua ngày ... Họ là những con người nghèo đang chờ từng hạt cơm rơi hay từng nghĩa cử bác ái của chúng ta.

Song le, cái đói, cái nghèo không chỉ đến với một vài cá nhân nhưng đôi khi cũng bám vào cả một làng, một xã. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, có một ngôi làng mà cư dân phải đối mặt với nạn đói quanh năm. Đó là làng Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, một ngôi làng không ruộng, không vườn, ăn không đủ no, trẻ con không được đến trường. Báo Nông Nghiệp ghi nhận về tình cảnh khốn khổ của dân làng này qua đoạn ký sự như sau.

Làng Trung Chánh nằm sát đầm Cầu Hai, phá Tam Giang. Cuộc sống ở đây chỉ theo đuổi con tôm, con cá ở đầm. Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, cả thôn từ già đến trẻ lại kéo nhau "gieo mình" xuống đầm, xuống biển mưu sinh. Cứ như vậy, người và lưới rong ruổi khắp các con đầm, kênh, lạch và ra tận biển từ đêm đến sáng hôm sau. Trong làng chỉ còn lại những người già yếu và trẻ con 3-4 tuổi trong những căn nhà lụp xụp, xiêu xẹo, dột nát.

Làng Trung Chánh 6 giờ sáng, khi những "chuyến đò đêm" trở vào bờ. Cả thôn náo nhiệt tiếng í ới gọi nhau, đàn ông xả lưới, đàn bà quảy hàng đi chợ, trẻ con hò nhau phụ giúp bố mẹ nhặt từng con tôm, con tép còn sót lại. Đã từ lâu dân Trung Chánh hình thành nên thói quen bất đắc dĩ là mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm: "Cả thôn này không có bữa cơm trưa, bữa tối, thường thì chỉ ăn "bữa cơm chính" vào lúc 8-9 giờ sáng, rồi sau đó cả làng cùng đi ngủ, đến tối lại đi làm" một người dân tên Hạnh tâm sự như thế. Và cái tên "làng đói" cũng ra đời từ đó. Buổi trưa, cả thôn không có lấy một nhà nổi lửa. Không gian đìu hiu, chỉ có bóng dáng những đứa trẻ con đầu tóc vàng hoe vì nắng, vì gió tụ tập quanh những bóng tre. Chúng vẫn chưa đến tuổi làm nghề nên vẫn còn được chơi đùa thoả thích. Còn cha, mẹ, anh chị của chúng đã tranh thủ ngủ lấy lại sức sau một đêm dài thức trằng trên đầm, trên phá.

Cũng theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, khi kể về chuyện nợ của người dân trong thôn, cư dân Mai Thị Gái chua xót nói với phóng viên "Chú không tin cứ đi hỏi mười người trong thôn này thì có đến... mười một người mắc nợ. Khổ lắm chú ơi. Hồi trước còn có cơm mà ăn, nhưng mấy tháng nay, nhiều gia đình đã chuyển sang...ăn cháo".

Xem ra làng Trung Chánh đang thiếu một tấm bánh được chia sẻ, được trao ban cho họ. Đất nước chúng ta đang ngày một giầu có vật chất nhưng lại nghèo tấm lòng. Nghèo đến mức chỉ tìm kiếm của cải cho mình mà vẫn chưa bao giờ thỏa mãn. Nghèo đến mức chẳng nghĩ rằng mình có khả năng cho đi. Nghèo đến mức chỉ nghĩ vun quén cho bản thân mà quên rằng mình còn có bổn phận chia sẻ cho anh em trong tình liên đới anh em một nhà. Cái đói, cái nghèo lận vào cuộc đời người dân làng Trung Chánh vì không được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Nếu "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" thì cả một làng đói khổ sao cả một dân tộc không chạnh lòng với những đói khổ của anh em mình?

Hôm nay lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta nhìn lên tình yêu của Chúa. Chúa đã trao ban chính sự sống của mình cho thế gian được sống. Chúa còn trao ban cả Máu Thịt Ngài để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Có người cho rằng bánh và rượu làm sao trở nên Thịt và Máu của Chúa Giê-su được. Thực ra, chúng ta ăn bánh và rượu vẫn biến đổi thành thịt và máu của chúng ta thì Chúa Giê-su cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Máu Thịt Ngài. Điều quan yếu không dừng lại ở việc bánh và rượu trở nên Máu Thịt Ngài mà hệ tại ở việc Ngài trao ban chính sự sống đó cho chúng ta. Để "ai ăn bánh này sẽ không chết muôn đời". Như vậy, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thì dễ, điều quan yếu là chúng ta có dám trao ban chính sự sống đó cho tha nhân hay không?

Nguyện xin Mình và Máu Thánh Chúa cũng biến đổi chúng ta trở nên giống Chúa. Giống Chúa ở trái tim biết chạnh lòng thương xót trước những khổ đau của anh em. Giống Chúa ở tấm lòng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vơi đi nỗi khổ của anh em trong tình liên đới chân thành. Giống Chúa ở việc cũng trở thành tấm bánh được sẻ chia cho tha nhân được sống hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện cao dẹp của chúng ta để mỗi cuộc đời chúng ta thực sự là tấm bánh đem lại cho nhân thế sự no thỏa và niềm vui, hạnh phúc. Amen.

 
 
 
KHI NGƯỜI TA BIẾT CHIA BÁNH CHO NHAU
THÌ THẾ GIỚI SẼ KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI

 
Phép lạ bánh là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại, và có tác giả thuật đến hai lần như Matthêu (Mt 14, 13-21 và15, 32-38.) và Mác cô (6,35-44 và 8, 1-10) Luca ( 9, 12-17) và Gioan (6, 1-13). Như vậy, chắn chắn sự kiện nầy chứa đựng một nội dung hết sức quan trọng.
Nội dung đó là: khi người ta biết chia bánh cho nhau, thì thế giới sẽ không còn nạn đói.

Tài nguyên trái đất gồm hoa màu ruộng đất, các loài gia súc cầm thú, chim trời cá biển... được Thiên Chúa dựng nên dư thừa để nuôi những cư dân trên mặt đất.

Thế thì tại sao có nhiều người đói?
Sở dĩ có nhiều người đói vì có một số người thu gom cho mình thật nhiều, tích trữ cho mình dư dật nên mới xảy ra tình trạng "người thì ăn không hết, người thì làm không ra".

Một chủ tiệc hào phóng dọn ra một ngàn phần ăn đủ cho một ngàn người ăn uống no say. Nhưng có một số khách mời khoẻ hơn, nhanh tay hơn, chạy vào phòng tiệc vơ vét nhiều thực phẩm cho mình, lại còn tọng đầy những túi mang theo để dành cho ngày mai, cho con cháu... thế là những khách mời đến sau phải đói.

Thế giới hôm nay cũng là một phòng tiệc vĩ đại mà Thiên Chúa dọn sẵn cho mọi người. Lương thực trên đất, dưới biển có dư cho mọi người hưởng dùng. Nếu cùng nhường nhau mà ăn, thì không ai phải thiếu đói.

Nhưng tiếc thay, có những người nắm trong tay những nhà máy lớn, nắm bắt công nghệ tiên tiến nên đã thu vén cho mình dư đầy của cải, khiến cho những người không có phương tiện sản xuất, không thủ đắc những công nghệ mới đành phải chịu cảnh thiếu đói.
Qua phép lạ bánh hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định với mọi người rằng: nếu ai cũng biết chia sẻ số bánh ít ỏi đang có cho nhau, thì tất cả mọi người đều no đủ, không những no đủ mà còn dư.

Hôm ấy, dân chúng theo Chúa Giê-su, say mê nghe lời Ngài giảng dạy quên cả giờ về. Khi ngày tàn, nhóm Mười Hai đề nghị Chúa Giê-su giải tán đám đông để họ kịp trở về các làng mạc chung quanh kiếm thức ăn, vì hiện nay mọi người đang ở nơi hoang vắng.
Chúa Giê-su bảo các môn đệ: "Chính anh em hãy cho họ ăn". Các môn đệ đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, lấy gì nuôi đủ cả năm ngàn người ăn?"

Thế rồi "Chúa Giê-su truyền cho dân chúng ngồi xuống, Ngài lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông."

Các môn đệ trố mắt nhìn Chúa Giê-su kinh ngạc! Chừng nầy cá và bánh thì ai ăn ai nhịn? Thôi thì cứ theo lệnh Chúa mà làm. Các vị phân phát phần bánh và cá ít ỏi cho dân. Noi gương các môn đệ, trong đám đông cũng có một số người mang theo chút lương thực dự phòng, cũng mang phần ăn ít ỏi của mình ra mà trao cho người bên cạnh. Thế là người nầy trao qua, người kia chia lại, mọi người tỏ lòng hào phóng với nhau. Và đang khi họ chấp nhận trao phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả năm ngàn người ăn không hết còn dư lại cả mười hai thúng đầy!

Phép lạ nầy cũng như hũ bột của bà goá Sa-rép-ta. Dù đang giữa cơn hạn hán trầm trọng, dù nạn đói hoành hành khắp nơi, dù chỉ còn chút bột ít ỏi trong hũ và chút dầu còm cõi trong bình, bà goá thành Sa-rép-ta vẫn vâng theo lời tiên tri Ê-li-a truyền dạy, đem phần ăn ít ỏi của mình cống hiến cho người khác. Thế là hũ bột không vơi, bình dầu không cạn cho đến khi Chúa cho mưa xuống làm hoa trái tốt tươi. (I Vua 17, 7-16).

Nếu hôm nay, nhân loại biết nghe theo lời Chúa Giê-su: "Các con hãy cho họ ăn" để rồi mọi người biết chia bánh cho người người chung quanh mình, thì chắc chắn nạn đói sẽ không còn tồn tại trên mặt đất nầy.

Xin mượn lời kể của Mẹ Têrêxa thành Cacutta để thay cho phần kết: Ngày nọ, có một thiếu phụ và tám đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".

Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.

 
Sưu tầm
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn