1
11:40 +07 Thứ năm, 02/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 323

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 310


Hôm nayHôm nay : 31253

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 81646

Tổng cộngTổng cộng : 28200894

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 23 Thường niên C

Thứ năm - 05/09/2013 10:58-Đã xem: 1718
Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. "Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 23 Thường niên C

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 23 Thường niên C

BÀI ĐỌC I: Kn 9, 13-18 
"Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn".

Trích sách Khôn Ngoan. 
Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề. Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa. Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia. 
Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". 
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. 
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

BÀI ĐỌC II: Plm 9b-10. 12-17 
"Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.
Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích. Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27 
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. "Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'. "Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Đó là lời Chúa.


Làm môn đệ của Chúa 

Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó

Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.

Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất, không yêu mến thày. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Làm môn đệ là gì?
2. Chúa Giêsu đã nêu gương từ bỏ thế nào?
3. Tại sao ta phải từ bỏ tất cả?



Từ bỏ để tồn tại và tăng trưởng


Mùa thu về, cây trụi lá, mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi.
Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên... Nói chung, từ bỏ là điều kiện tối cần thiết để cho muôn vật muôn loài được sống còn và tăng trưởng.

Là một sinh vật như bao nhiêu loài vật khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.

Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết đau thương!

Đời người cũng là một tiến trình từ bỏ liên tục: người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho gia đình và bản thân. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì may ra mới chen chân vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng tạo...
Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.

Từ bỏ để đổi lấy những giá trị cao hơn
Của cải đời nầy cũng thật đáng quý, nhưng khi cần, người ta sẵn sàng từ bỏ của cải để dành lấy những giá trị cao hơn. Khi bị cướp hăm doạ tính mạng và đòi lấy của cải bạc tiền, người ta sẵn sàng bỏ của lấy người. Khi bị một chứng bệnh nan y đe doạ cướp đi mạng sống, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ bạc để kéo dài đời sống, dù chỉ sống thêm được một năm.

Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.
"Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ", chấp nhận mang lấy thân phận con người mỏng giòn yếu đuối, trở thành Người tôi tớ của Thiên Chúa Cha. Ngài đã từ bỏ tự do và ý riêng của mình để vâng phục Cha như người tôi tớ thấp hèn, "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự"... Thế nên Ngài được Chúa Cha hết lòng yêu mến, được Cha tôn vinh và đặt làm Chúa Tể mọi loài. (xem Phi-lip 2, 6- 11).

Con đường bỏ mình, từ bỏ mọi sự, con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi thì Ngài cũng mời gọi các môn đệ cùng đi: "Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được."

Hôm nay, nếu chúng ta muốn học dưới mái trường của Thầy Giêsu, muốn làm môn đệ Chúa Giêsu thì chúng ta cũng phải đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi, thực hiện điều mà Thầy chí thánh đã thực hiện, đó là chấp nhận từ bỏ, chấp nhận thập giá.

Nhưng hãy nhớ rằng: từ bỏ không phải là mất mát, dâng hiến không phải là tiêu vong, nhưng trái lại, "chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc nhận được bản thân" (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Átxidi)

Thế là sự từ bỏ theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, lại trở thành một cuộc đổi chác có lợi: đổi của tạm thời để lấy của đời đời; đổi cái phù du để thu về vĩnh cửu.

 

Niềm tín thác vào Chúa

Ở đời người ta cần có niềm tin để sống với nhau. Nhờ tin vào nhau con người sẽ gần gũi nhau hơn, sẽ dễ dàng cảm thông với nhau hơn. Nhờ tin vào nhau con người sẽ vượt qua những rào cản của nghi kỵ, hiểu lầm để sống thân ái với nhau hơn. Ngoài tương quan giữa người với người còn có một tương quan khác chính là giữa Thiên Chúa và con người. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người cần có đức tin. Đức tin để con người bước đi với Đấng mà mình chưa một lần gặp gỡ diện diện đối diện. Đức tin để con người có thể nhìn xem trời đất biển rộng bao la mà khám phá ra sự hiện diện đầy tình yêu quan phòng của Chúa mà phó thác, mà tin tưởng, cậy trông. Đức tin sẽ giúp con người dấn thân một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa, cho dù có phải đi trong mênh mông đêm tối của biển đời, cho dù phải trải qua những thử thách gian truân, con người vẫn luôn xác tín một điều: Thiên Chúa không bỏ rơi con ngừơi. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa luôn là thuẫn đỡ chở che cho cuộc đời chúng ta

Có người đã kể lại giấc mơ của mình như sau:
- Tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng có luồng ánh sáng xuất hiện, trong đó có Chúa Giêsu đang ngự trên một tấm thảm. Người mỉm cười bảo tôi:
- Con hãy ngồi trên tấm thảm này với Ta.
Lòng tràn ngập vui sướng, tôi đến gần Chúa và ngồi trên tấm thảm bên cạnh Người và tấm thảm từ từ bay bổng lên. Nhưng rồi tôi cảm thấy như Chúa không còn bận tâm đến tôi nữa, Người chăm chú rút từng sợi chỉ từ chiếc thảm chỗ Người và tôi. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại một nửa, và giữa chỗ Chúa và tôi đang ngồi lại có một lỗ trống to lớn. Tay chân tôi bắt đầu run lên vì sợ rơi xuống đất chết. Nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ, đến nỗi tôi khiếp sợ kêu lên:
- Lạy Chúa, Chúa làm gì vậy? Chúa không thấy tấm thảm của chúng ta đã tan tành sao?
Chúa cười rồi cầm lấy tay tôi nói:
- Sao con nghi ngờ, kém lòng tin? Con hãy bám chặt vào Ta. Con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dầu con phải bị tước đoạt hết cả đến sợi chỉ cuối cùng.
Người vừa dứt lời thì quả thực, sợi chỉ cuối cùng đã bị rút đi. Tôi sợ hãi quá, giật mình thức dậy...

Nếu sự kiện đó xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta có dám bỏ tất cả để chỉ bám vào một mình Thiên Chúa không? Chúng ta có dám thả trôi những sợi chỉ của tiền tài, danh vọng để chỉ còn lại một mình ta với Chúa hay không?

Một cách nào đó, đời sống của mỗi người chúng ta cũng bị trói buộc bằng những sợi chỉ tuy nhỏ bé mong manh, nhưng là những chướng ngại vật cản trở đà bay của chúng ta. Biết bao lần chúng ta tưởng mình đang đi tìm hạnh phúc thật, nhưng thật sự nó chỉ đem lại cho chúng ta thứ hạnh phúc mau qua chóng tàn, khác nào như những sợi chỉ mỏng manh kia. Biết bao lần chúng ta bám víu vào những tình cảm của con người, nhưng rồi cũng gặp phải biết bao ê chề của sự vô ơn, bội tín, bất trung. Biết bao lần chúng ta tưởng như ngồi mãi trên tấm thảm danh vọng cao sang nhưng rồi địa vị, chỗ ngồi như "của đồng lần" cũng bỏ ta để sang tay kẻ khác. Biết bao lần, thay vì bám chặt vào Chúa, đặt hết niềm tin cậy nơi Chúa, chúng ta lại chạy theo những người, những vật mỏng dòn chóng qua.

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và hay thương xót. Người biết rõ chúng ta dễ gắn bó với tạo vật mà bỏ quên Người. Thế nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đặt chúa trên hết mọi quyến luyến trần gian. Hãy biết cậy dựa vào ơn Chúa để thắng vượt những ràng buộc, trở ngại trong cuộc đời.

Đã có thời người Do Thái tưởng rằng đã đến lúc Chúa Giêsu khôi phục lại vương quyền nhà Israel. Họ tưởng rằng Chúa sẽ đánh đông dẹp tây để xây dựng một nước Israel hùng cường và thịnh vượng. Họ theo Chúa xem ra chỉ nhằm mục đích để được hưởng những vinh hoa phú qúy trần gian. Tiền tài và bổng lộc trần gian là những thứ mà họ cần Chúa đáp ứng cho họ. Chúa Giêsu muốn đánh tan quan niệm, ý nghĩ sai lầm của nhiều người đang đi theo Chúa. Chúa đưa ra lời mời gọi những người muốn đi theo Ngài hãy suy nghĩ, đắn đo, tính toán xem họ có đủ can đảm, đủ nghị lực để theo Chúa đến cùng hay không? Và để theo Chúa, con người phải dành cho Ngài chỗ ưu tiên, chỗ nhất trong đời sống của mình và làm mọi việc để phụng sự Chúa, để tôn vinh Ngài. Theo Chúa là chấp nhận một cuộc mạo hiểm như Abraham đã rời quê cha đất tổ để đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Theo Chúa là buông mình theo thánh ý Chúa như Đức Trinh Nữ Maria đã mạnh dạn thưa lên cùng Chúa:"này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền". Theo Chúa là chấp nhận trải qua những gian nan thử thách của giông ba bão tố, của bách hại và tù đầy như thánh Phaolô tông đồ đã từng trải qua. Như vậy, theo Chúa là uốn mình theo thánh ý Chúa và bằng lòng với phận mình mà Thiên Chúa đã an bài. Vui với phận mình là cách mà chúng ta đang để cho ý Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa thanh tẩy trí lòng chúng ta khỏi những toan tính lợi lộc trần thế khi theo Chúa. Xin thêm ơn trợ giúp để luôn trung thành sống cho Chúa. Cho dẫu có phải hy sinh những vinh hoa phú qúy trần gian. Cho dẫu có phải hy sinh những tình cảm chính đáng và cao thượng. Cho dẫu có phải bước đi trong đêm tối của đức tin với bao hiểm nguy và chông gai, nhưng luôn có Chúa là gia nghiệp và chiếm hữu hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.

 

 Một sự nghịch lý 

Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý. Một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa.
Chúa đưa ra ví dụ người xây tháp, ông vua ra trận. Làm gì thì cũng phải tính xem mình có đủ sức hoàn thành không đã. Nhưng kết luận làm ta chưng hửng và há miệng suy nghĩ: “Cũng giống như thế, ai trong các ngươi không từ bỏ hết mọi của cải thì không thể làm môn đệ ta”. Trước đó, Chúa đã nói đến phải từ bỏ những người ruột thịt và chính mạng sống mình.

Cái nghịch lý ở đó. Muốn xây tháp phải có tiền. Muốn thắng trận phải có lính. Muốn theo Chúa, không cần có gì hết, nhưng phải từ bỏ mọi người ruột thịt và mọi của cải mình có. Vấn đề không còn là có nhiều có ít mà là từ bỏ tất cả.

Thế nghĩa là gì? Từ bỏ tất cả để theo Chúa nghĩa là coi Chúa hơn tất cả và tin vào một mình Chúa. Muốn xây tháp phải có tiền, muốn thắng trận phải có lính, còn muốn theo Chúa phải coi Chúa hơn hết mọi người và mọi sự và tin tưởng vào Chúa hơn hết mọi sự, mọi người: tin vào Chúa mà thôi. Bởi vì muốn theo Chúa thì phải sống bằng lòng tin, cậy, mến.

Nếu không coi Chúa hơn hết mọi người, mọi sự thiết thân với ta, và ta cảm được sự gần gũi bằng giác quan, ta sẽ dựa vào những người và những vật ta thấy được, nên bóng tối đến, khi ta không cảm thấy Chúa đâu nữa, mà chỉ cảm thấy sức nặng của cuộc sống, của vất vả và đau khổ, ta sẽ dễ dàng bỏ Chúa để quay về với những người và những vật ta cảm thấy được.

Cuộc chiến đấu của Chúa Kitô là cuộc chiến đấu chống lại Satan chứ không phải với kẻ thù bằng xương bằng thịt, nên ta không thể dựa vào người nào hoặc sức mạnh nào của vật chất mà chiến thắng được, song phải dựa vào Chúa mà thôi. Đây vẫn là cuộc chiến đấu Đavít – Goliath: “Ngươi cầm gươm giáo ra đánh ta, còn ta, ta ra đánh ngươi nhân danh Chúa mà ngươi thách đố” (1Sam 17,44). Thế đấy, tuy Đavít đã có thể vỗ ngực trước mặt Saulê rằng mình đã từng tay không đánh nhau với sư tử và gấu để bảo vệ đoàn chiên của cha, nhưng khi nghênh chiến tên khổng lồ Goliath thì Đavít chỉ dựa vào Chúa thôi, và Đavít đã thắng, hay đúng hơn Chúa đã dùng tay Đavít mà tiêu diệt Goliath giải thoát cho dân Chúa.

Đây là vấn đề vinh danh Chúa. Chúa thi thố quyền năng để làm vinh danh Chúa, nên Chúa chỉ ra tay khi người ta không mưu toan chiếm đoạt vinh quang Chúa bằng cách gán cho thế lực, của cải hay tài sức mình. Trong chuyện Ghiđêon, Chúa đã bảo ông đuổi bớt người tình nguyện về, chỉ lấy 300 thôi, kẻo dân chúng lại tưởng nhờ sức họ mà họ chiến thắng.

Trong lịch sử, Chúa vẫn hành động như thế, Chúa hạ kẻ kiêu căng, tự phụ và nâng kẻ nghèo hèn, khiêm tốn lên. Có những vị thánh thông thái, tài ba… nhưng các vị ấy đều khiêm nhượng, nhìn nhận quyền năng của Chúa và sự yếu đuối của mình; có những vị thánh yếu đuối, dốt nát như thánh nữ Catarina de Sienna, thánh Gioan Maria Vienney để làm nổi bật quyền năng của Chúa.

Cái có vẻ nghịch lý lại là một hợp lý khi người ta biết nhìn ra ý nghĩa đích thật của việc đi theo Chúa, với mục đích là vinh danh Chúa và sức mạnh là sức của Chúa. Phải đặt Chúa lên trên hết vì Chúa là lẽ sống duy nhất của mình, vì đường lối của Chúa là duy nhất cho mình, và sức mạnh của Chúa là nguồn sức mạnh duy nhất để hoàn thành được cuộc hành trình theo sau Chúa, đi với Chúa.

 
 Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn