1
01:24 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 194

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 172


Hôm nayHôm nay : 3046

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 393133

Tổng cộngTổng cộng : 27947417

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và Các bài suy niệm Chúa nhật 12 Thường niên C

Thứ năm - 20/06/2013 22:10-Đã xem: 1420
Kitô giáo không phải là một câu chuyện lưu truyền. Đối với mỗi người, Chúa Giêsu không đến với câu hỏi rằng: “Ngươi có thể nói cho ta những điều kẻ khác đã nói và biết về Ta chăng?”. Nhưng Ngài hỏi: “Ngươi nói Ta là ai?” Phaolô đã không nói: “Tôi biết điều tôi đã tin”, nhưng ông nói: “Tôi biết Đấng tôi tin”. Kitô giáo không có nghĩa là đọc một bản tín điều nhưng là biết một Đấng nào.
Lời Chúa và Các bài suy niệm Chúa nhật 12 Thường niên C

Lời Chúa và Các bài suy niệm Chúa nhật 12 Thường niên C

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN C

BÀI ĐỌC I: Dcr 12, 10-11 
"Họ sẽ nhìn thấy Đấng họ đã đâm thâu qua". 

Trích sách Tiên tri Dacaria. 
Đây Chúa phán: "Ta sẽ gieo rắc tinh thần ân phúc và cầu nguyện trên nhà Đavít và trên dân cư Giêrusalem. Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua: họ sẽ khóc than người, như khóc than con một, họ sẽ thương tiếc người như quen thương tiếc đứa con đầu lòng đã chết. Trong ngày đó, tại Giêrusalem sẽ có tiếng khóc than to lớn, như khóc than Ađadremmon trong cánh đồng Magêđđô".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9 
Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!

2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. 
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. 
4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con


BÀI ĐỌC II: Gl 3, 26-29
"Anh em đã chịu phép rửa tội, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata. 
Anh em thân mến, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Vì chưng tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.  Đó là lời Chúa.


ALLELUIA: Ga 14, 23 
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH LU-CA
 Lc 9,18-24 
           
Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Đó là lời Chúa.
 

Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN VÀ LOAN BÁO LẦN THỨ NHẤT VỀ CUỘC THỤ NẠN (9,18-22)
Như toàn bộ chương này, Luca tiếp tục xen kẽ những cảnh công cộng với những đàm đạo riêng tư. Những cuộc đàm đạo này –như câu chuyện ở đây- sẽ làm sáng tỏ nhân cách Chúa Giêsu và ý nghĩa sâu xa các hành vi của Ngài trước đám đông. Như vậy, việc hoá bánh ra nhiều được tiếp liền bằng việc tuyên xưng đức tin của Phêrô. Luca tách rời khá xa nguồn tài liệu của ông khi bỏ bảy mươi lăm câu của Mc (6,45-8,26). Tuy không có thể hiểu một cách chắc chắn tại sao Luca bỏ phần này của Maccô, người ta có thể – và đó là điều chính yếu- thấy được hiệu quả của bố cục mới này. Một phần, Chúa Giêsu không tự mình khai mạc bàn tiệc cho lương dân, tuy rằng Ngài đã loan báo (13,28-30); điều ấy dành cho Giáo Hội sau này. Phần khác, việc Phêrô nhận ra tính Mêsia của Chúa Giêsu được gắn liền mật thiết với cảnh trước, trong đó ông thấy Thầy của ông trao ban bánh và tự tỏ mình như vị ngôn sứ của thời đại cuối cùng. Những dư luận bình dân mà các môn đệ kể với Ngài không khác những gì Hêrôđê mới nghe được trước đó, và tước hiệu mà Phêrô sắp tuyên xưng một cách rõ ràng là một giải đáp cho câu hỏi căn bản mà cả Chúa Giêsu (c.18) và tiểu vương xứ Galilê đã nêu ra (9,9).

Tuy nhiên, như thường thấy ở Luca, vào những lúc quan trọng của sứ mệnh, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là để chuẩn bị cho mặc khải mà Ngài sắp ban cho các môn đệ (c.22), hơn là để chuẩn bị cho câu hỏi ở câu 18. Nếu các môn đệ báo cáo dư luận chung phát sinh từ hấp lực của nhân vật tiên tri có phép thần thông, thì chính Phêrô lại là phát ngôn nhân cho toàn nhóm và ông làm điều đó bằng cách “chuyển hệ”: ông đi xa hơn khi đề cập tới một sự đợi chờ khác của dân (x.3,15): chờ đợi một phó vương của Thiên Chúa, thuộc chi tộc Đavit, có sứ mệnh cứu Israel. Ngay từ đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, chỉ có quỷ dữ, được phú bẩm một tri thức siêu nhiên, nên đã biết được tính Mêsia của vị sứ ngôn miền Galilê (4,14). Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa và, vì lệnh phải giữ im lặng sau đó, chỉ trong diễn từ vào lễ Ngũ tuần mà người phát ngôn của nhóm Mười Hai mới lại công bố tước hiệu này (Cv 2,31.36.38).

Không từ chối tước hiệu này, một tước hiệu chính xác, Chúa Giêsu cấm các ông nói ra (c.21) và thêm một bổ túc cần thiết (c.22). người bác bỏ những cách hiểu rộng về một Đấng Mêsia thuộc hoàng tộc Đavit, đặc biệt tính cách cục bộ và đế quốc chủ nghĩa theo tinh thần quốc gia quá khích. Một bản văn của người Pharisêu được viết khoảng tám mươi năm trước đó; Thánh Vịnh Salomon 17, mô tả Đấng Mêsia xua đuổi người di dân và ngoại kiều ra khỏi đất thánh để tẩy trừ mọi ô uế, và cai trị mọi quốc gia trên địa cầu khởi từ Giêrusalem… Mọi nét trên đều không có trong lời rao giảng Tin Mừng về Vương Quốc! Như vậy, Chúa Giêsu mang đến một sự điều chỉnh rất lớn khi loan báo cuộc thụ nạn và Phục Sinh của Ngài, đồng thời tự xưng mình là Con Người, và đây là lần thứ năm Ngài tự xưng như thế. Sứ mệnh Mêsia của Ngài phải được thực hiện bằng đau khổ, bằng sự loại trừ bởi các nhà cầm quyền Do Thái (ba nhóm người lập thành Thượng hội đồng), bằng việc bị giết… Nhưng Thiên Chúa đã minh oan cho Ngài bằng cách cho Ngài sống lại ngày thứ ba. Bốn động từ nói về lộ trình vượt qua của Chúa Giêsu được bắt đầu bằng từ “phải”, điều Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ, đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà đảm nhận hoàn toàn.

Ngược với những gì xảy ra ở Mc 8,32-33, ở đây không có phản ứng nào của các môn đệ; Phêrô không hề khuyên can Chúa Giêsu –đó là cung cách của Luca, ông không muốn nêu lên những yếu đuối của nhóm Mười Hai. Việc im lặng này cho phép ta rút ra tức khắc những hậu quả của một Kitô hữu như thế đối với đời sống thực tế của những ai muốn làm môn đệ.

THEO CHÚA GIÊSU (9,23-24)
Sau việc loan báo cuộc thụ nạn cho riêng các môn đệ mà thôi, là lời kêu gọi gửi đến tất cả mọi người. Đám đông đã đi theo Chúa Giêsu trong tư thế của người môn đệ (8,10) và đã hưởng nhờ việc bẻ bánh nay xuất hiện lại trong hoạt cảnh; đó là tất cả những ai, qua các thế kỷ, một ngày nào đó sẽ đón nhận Tin Mừng. Họ phải biết con đường bước theo Chúa Kitô thiết yếu gồm những gì! Các câu 23-27 không chỉ nói cho riêng nhóm nhỏ Mười Hai hay các môn đệ xác tín nhất. Phần khác những câu đó cũng là lời giải đáp mới cho câu hỏi của Hêrôđê bởi vì chúng trình bày cách minh bạch đòi hỏi của Chúa Giêsu. Chính Ngài vừa loan báo cái chết của chính mình vì bị người ta giết, đặt điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ mình phải đi theo cũng chính con đường đó và khi hoàn cảnh đòi hỏi phải dám chết để làm chứng nữa.

Nhưng, còn hơn cả điều ngoại thường, đó là chính sự trung tín hằng ngày của một Kitô hữu, một sự trung tín được tìm kiếm trước hết và mọi sự nơi ba mệnh lệnh (c. 23). Nói không triệt để với chính mình không có nghĩa là ghét mình, bởi vì ngược lại phải yêu người lân cận như chính mình tôi (10,27); đó là tôi không được tập trung về mình. Cũng phải hiện tại hoá việc vác thập giá. Đó là thập giá của riêng tôi mà tôi phải mang lấy, thập giá mà cuộc đời áp đặt cho tôi; chẳng cần phải mơ tới một thập giá khác. Không có chút gì là tự hành hạ mình ở đây, nhưng xác tín rằng tôi không thể yêu có thể và người khác nếu không tự hy sinh một cách nào đó và không trải qua đau khổ. Bắt chước Chúa Kitô, tôi sẽ là môn đệ đích thực của Ngài.

Kẻ nào tìm an toàn trong cuộc sống hằng ngày (x. người giàu khờ dại ở 12,16-21) sẽ không thừa hưởng được cuộc sống trong thế giới mới đang đến (c.24); ai phó thác cho Chúa (x.12,22-32) và trao ban mạng sống cho kẻ khác vì Chúa Kitô sẽ lãnh nhận được chính sự sống của Thiên Chúa. Rõ ràng lời này, giữa lời dặn bảo ở câu 23 và lời cảnh cáo ở câu 20, khuyến khích các môn đệ trung thành cho đến chết vì tử đạo, nếu cần.



Dấu chứng tình yêu

Cô Ann Thomas kể lại câu chuyện sau đây: Hôm đó, cô và Betty ghé vào một sạp bán đồ cũ. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi: – Có đồ gì đáng giá không? Ann trả lời: – Không, toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thập giá cũ han gỉ và nói: – Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann đem về nhà lau chùi và đánh bóng cây thập giá. Đây quả là một vật quý.

Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thập giá lên ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé òa lên khóc. Betty liền hỏi: – Con sao vậy? Bobby nói: – Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.

Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quý, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Đức Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Tin Mừng hôm nay kể, Đức Giêsu bất thần hỏi các môn đệ: “Đám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa:“Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Nhưng Chúa lại muốn biết suy nghĩ của chính họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Và chỉ một mình Phêrô mau mắn, đầy xác tín thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,18-20)

Phêrô trả lời quá chính xác, các môn đệ khác thở phào nhẹ nhõm vì các ông còn mơ hồ không biết Thầy là ai. Và Đức Giêsu mừng thầm vì công phu dạy dỗ mấy năm trời cũng không đến nỗi đổ sông đổ biển.

Nhưng Đức Giêsu phải xác định ngay rằng Đấng Kitô đây không phải là vị vua chiến thắng muôn nước, bá chủ muôn dân, khôi phục nước Israel, giải phóng nô lệ Rôma, như họ vẫn nghĩ. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” sẽ là vị vua chiến thắng tử thần, chinh phục các tâm hồn, khôi phục quyền làm con Chúa, và giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, quỷ ma.

Tuy nhiên, con đường đi đến chiến thắng lại là con đường đau khổ, con đường thập giá: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9,22). Tất cả những ai muốn làm môn đệ Người, không thể đi con đường nào khác: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)

Thập giá tuy là một khí cụ độc ác và ô nhục mà con người đã nghĩ ra để hành hạ kẻ khác, nhưng Đức Giêsu lại biến nó thành dấu chứng của tình yêu: Tình yêu vâng phục thánh ý Cha và tình yêu dâng hiến cho nhân loại. Khi nhìn lên thập giá, chúng ta không ngừng nghe vang vọng lời yêu thương ấy. Chính tình yêu đã biến thập giá trở nên nhẹ nhàng, và khổ đau thành nỗi hân hoan.

Chúa đã chết thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta không xứng đáng ơn cao cả ấy, tại sao chúng ta lại không dám chết cho chính mình, từ bỏ tội lỗi để bước theo chân Người?

Chúa đã sẵn lòng chịu mọi đau khổ cực hình thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta ngàn lần bất xứng, tại sao chúng ta lại từ chối hy sinh cho anh em, đang cần sự nâng đỡ ủi an?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, xin ban cho chúng con ơn can đảm, để chúng con luôn sẵn lòng bỏ mình cho tình yêu.

Xin cho chúng con tìm được niềm vui khi đón nhận mọi gian lao thử thách Chúa gởi đến trên đường đời. Amen.

 

SỐNG LỜI CHÚA

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ xác định niềm tin của các ông vào Chúa nên Người đã hỏi các ông hai câu: “Dân chúng nói Thầy là ai?”,  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Chúng ta có thể thắc mắc: chính Chúa Giêsu đã công nhận ông Phê-rô có câu trả lời rất chính xác: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” nhưng tại sao Người vẫn nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai? Phải chăng vì Chúa biết dân chúng và chính các ông thực sự không hiểu đúng về vai trò Mêsia của Chúa. Vì thế, Chúa đã tiếp tục tỏ mình cho các ông biết một cách rõ ràng Chúa là Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, bị từ chối và phải chết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”Đồng thời Chúa cũng tuyên bố điều kiện để trở nên người môn đệ của Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Qua bài Tin Mừng, Giáo Hội mời gọi chúng ta xác định niềm tin của chúng ta vào Chúa: Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Và hằng ngày tôi đang trở nên một Kitô hữu như thế nào?

Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?

Hôm nay Chúa Giêsu cũng đang hỏi chúng ta cùng một câu hỏi như xưa Người đã hỏi các môn đệ: ‘Các con bảo Thầy là ai?’ Chúng ta có thể như thánh Phê-rô, mau mắn thưa lại ngay với Chúa rằng: Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống, là Chiên Thiên Chúa – Đấng gánh tội trần gian, là ánh sáng của trần gian. Rồi với lời tuyên xưng đó, cũng như các môn đệ và dân Do Thái, trong đời sống thường ngày, chúng ta chờ đợi Chúa lấy quyền năng ban cho chúng ta vinh quang và hạnh phúc ở đời này; thậm chí niềm tin của chúng ta có thể bị lung lay nếu chúng ta không được ban những ơn như chúng ta xin. Nói đúng hơn, bản tính tự nhiên của chúng ta không muốn chấp nhận và không muốn nên giống Đức Kitô hiền lành và khiêm tốn, phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết.

Thực ra, chịu đau khổ không phải là điều Kitô hữu tìm kiếm. Chúa Giêsu cũng không tìm kiếm đau khổ nhưng đau khổ hiển nhiên là một phần của đời sống Kitô hữu như nó đã hiện hữu trong đời sống Chúa Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, là Thiên Chúa làm người, gánh lấy tội lụy toàn thể nhân loại để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ cho tội lỗi, chúng ta mới ý thức tham dự vào sứ mạng của Chúa; và chúng ta mới an bình đi vào mầu nhiệm thập giá với Chúa, sẵn sàng cảm thông, tha thứ, hy sinh phục vụ những thành viên đang có vấn đề trong gia đình chúng ta, gia đình Giáo Hội và gia đình nhân loại, để loan báo cho họ Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương người có tội.

Trên tất cả, Mầu Nhiệm Phục Sinh chính là trung tâm niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Người là tình yêu, sự sống, niềm vui, hy vọng và bình an của chúng ta. Cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và nơi những người nghèo hèn, yếu đuối, chúng ta sẽ có một sinh lực mới, một tâm trạng mới và một thái độ sống có sức thu hút anh em chúng ta tin vào Đấng Phục Sinh đang hoạt động trong chúng ta. 

Trở nên một Kitô hữu

Theo thánh Phêrô, trong thư thứ nhất của ngài thì Kitô hữu “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.”(1Pr 2,9). Điều này soi sáng chúng ta hiểu lời Chúa Giêsu khi Người nói chúng ta phải “từ bỏ chính mình” với cái tôi ích kỷ để “trở nên chính mình” theo thánh ý Chúa.

Sống giữa xã hội đang tôn thờ vật chất, nô lệ cho nhu cầu hưởng thụ, lợi nhuận và quyền lực, chúng ta luôn bị cám dỗ từ bỏ đi căn tính Kitô của mình, chúng ta không dám sống thực với lương tâm mình. Như Philatô chúng ta  chỉ vì sợ mất địa vị với những vinh dự và đặc ân của nó; chúng ta có thể tham dự vào những vụ việc bất công vì muốn tích lũy nhiều tiền bạc, chúng ta giả điếc làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân để tôn thờ bản năng của mình. Vậy, để có thể trở nên một Kitô hữu đích thực, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn thái độ sống khiêm tốn, hiền lành để làm chứng cho chân lý. Chúng ta có thể không được nhìn nhận như một người quan trọng hay thành công trong xã hội, không có phần thưởng về tài chánh và vinh dự cá nhân, nhưng trên tất cả, chúng ta xây dựng được mối tương quan yêu thương trong gia đình và xã hội. Khi đó, chúng ta ở trong Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với thân, chúng ta trở nên môn đệ của Chúa và sinh nhiều hoa trái.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc lữ hành đức tin, mỗi người chúng con đã, đang và sẽ đối diện với những thách đố và khó khăn, nhiều hoàn cảnh có thể đe dọa niềm tin và lòng phó thác của chúng con vào Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng, Chúa có thể dùng mỗi tình huống trong cuộc sống chúng con để tỏ cho chúng con thấy vinh quang phục sinh của Chúa và cho chúng con được sống thân mật hơn trong tình yêu của Chúa.

 

  Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn