1
20:41 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 404

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 403


Hôm nayHôm nay : 77587

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 467674

Tổng cộngTổng cộng : 28021958

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Tuần 5 Phục sinh: Hãy yêu thương nhau

Thứ sáu - 26/04/2013 16:41-Đã xem: 1177
Để yêu tha nhân đúng như con người, và nhận biết họ trong chính sự "khác biệt" của họ, chúng ta cần từ bỏ quan niệm coi mình là trung tâm mọi giá trị. Đối với Thiên Chúa, tình yêu tha nhân đã dẫn Đức Giêsu chấp nhận thập giá Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi yêu thương họ, trong cả khả năng thụ tạo nhầm lẫn của họ. Khả năng đó, "kẻ khác" đã chiếm hữu trong tự do của họ, để phủ nhận tôi, trở nên một địch thù với tôi, và kết án tử hình tôi
Tuần 5 Phục sinh: Hãy yêu thương nhau

Tuần 5 Phục sinh: Hãy yêu thương nhau

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". 

Ðó là lời Chúạ

Chú giải của Noel Quesson

Từ đây cho đến hết Mùa Phục sinh, chúng ta sẽ đọc một số trích đoạn “cuộc nói chuyện cuối cùng của Đức Giêsu” vào chiều Thứ Năm Thánh, hôm trước ngày Người "ra đi": đó là di chúc tinh thần của Ngài.
Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói
Ta có cảm tưởng rằng, Đức Giêsu được tự do, Người có thể bắt đầu bày tỏ một số tâm sự... như thể sự hiện diện của kẻ phản nộp đã bít cứng cổ họng Người, khiến không có dịp thốt nên lời.

Khi chúng ta nghĩ đến những nỗi cô đơn thương đau, những khó khăn trong mối quan hệ, những tình trạng chặn nghẽn tâm lý, đôi khi ngăn cản chúng ta không thể nói hết những gì' cần phải diễn tả... lúc đó ta hãy nghĩ đến Đức Giêsu, vì trong thân phận con người, Người đã thấu cảm những tình huống đau thương như thế.

Khi chúng ta chịu đựng những xung đột giữa người đời, trong các nhóm, những chống đối và hiểu lầm... chúng ta hãy nghĩ đến Đức Giêsu, vì Người cũng đã chịu đựng những điều như thế. Chiều hôm đó, bầu khí trong nhóm đang tụ tập chung quanh bàn ăn với Người, trở nên bi thiết: một người trong họ vừa bước ra ngoài... để phản bội nhóm. Đó là thái độ quá quắt của kẻ "không có, tình yêu”: tố cáo bạn hữu, ruồng bỏ một người mà mình đã trải qua nhiều năm tháng kết tình kết nghĩa.

Đức Giêsu không phải là không có khả năng thông cảm mọi khó khăn của ta. Người đã sống những khốn khó đó.
Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

Đức Giêsu luôn hoàn toàn thanh thản. Trong tình trạng nguy kịch phải đường đau, Người vẫn giữ được một sự bình an siêu phàm. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an đó.

Sự bình an của Đức Giêsu được diễn tả trong một câu nằm giữa hai phó từ: giờ đây... sắp sửa. Những động từ ở đầu câu thuộc thời hiện tại (nhằm diễn tả một tình trạng bất định theo tiếng Hy Lạp, nghĩa là thời gian của "các vật chưa hoàn tất"), và những động từ ở cuối câu thuộc thời tương lai. Toàn thể một thái độ tinh than tiềm ẩn đằng sau cấu trúc ngôn ngữ trên. Trong giây phút hiện tại, giây phút đầu tiên của cuộc Thụ Khổ mà Giua đã mở ra… Đức Giêsu đã nghĩ đến kết quả của tiến trình sắp được thể hiện qua biến cố Phục sinh. Như thế, niềm hy vọng đã giúp ta cảm thấy trước những gì vẫn còn ở trong tương lai! "Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta" (Rm 8,18). Cũng như Đức Giêsu, ngay từ bây giờ, giữa đau khổ hiện tại, tôi có thể đã nếm cảm được thứ hạnh phúc vô biên đó, sẽ được thể hiện cách trọn vẹn, mãi mãi nhưng muộn hơn, sau này.

Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.
Chúng ta trở lại mạc khải đáng ngạc nhiên trên đây, khiến ta có dịp bước sâu vào "nội tâm của Đức Giêsu. Tiến trình cuộc Thương khó vừa mới được mở ra, do thái độ bước ra ngoài của "kẻ trao nộp Đức Giêsu”. Do đó, ngay tức khắc, đối với Đức Giêsu, vinh quang của Người đã hiện ra rồi! Đó là sự thực. Thật là khó khăn chúng ta mới tin được rằng, thập giá đã là vinh quang của Đức Giêsu. Chúng ta có khuynh hướng dễ khóc thương trong Ngày Thứ Năm, Thứ Sáu Thánh dù rằng ngay sau đó phải vội bỏ qua để sống niềm vui rộn rã của Chúa nhật Phục sinh. Thế nhưng, chính "Đấng chịu đóng đinh" đã được tôn vinh và làm vinh quang Thiên Chúa? Đến khi nào ta mới hết coi thập giá như một vật ghê tởm, cần phải tìm hết cách thủ tiêu? Thực sự, nhìn theo quan điểm của Đức Giêsu, thập giá của Người, chính là vinh quang của Người? "Không có tình yêu nào lớn hơn" (Ga 15,13). Tuy nhiên, kẻ yêu thương, theo kinh nghiệm, luôn biết rằng, tình yêu thương dẫn đến hy sinh bản thân cho người mình yêu mến. Còn kẻ chỉ biết yêu bản thân mình, sẽ không thể hiểu được.

Bạn có muốn biết mình thương yêu người nào không?
Bạn hãy tự hỏi xem bạn có thể hiến thân mình cho họ vì yêu thương không. Nhưng coi chừng, một giọng nói lừa đảo của thế giới hiện đại sẽ trấn an bên tai bạn rằng, hiến thân như thế là lầm to, bạn sẽ thành nạn nhân, sẽ mất nhân vị, bạn phải nghĩ đến mình một chút; để cho đời thêm tươi.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi

Đó là những lời đầy âu yếm, những lời nói của người mẹ. Trong tất cả các Tin Mừng, đây là lần duy nhất Đức Giêsu dùng kiểu xưng hô: “Hỡi các con bé nhỏ của Thầy…”

Đức Giêsu phải ra đi. Người biết rõ điều đó. Người đã phát biểu thành lời. Nhưng thật đáng tiếc, Sách Bài đọc đã cắt bỏ một câu như sau: ‘Anh em sẽ tìm kiếm Thầy, nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được’, bây giờ Thầy cũng nói với anh em như vậy”. Thế giới ngày nay đang đặt nặng vấn đề sự vắng mặt hiển nhiên của Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rằng, buổi chiều mà Người đang sống với các bạn hữu của mình là buổi chiều cuối cùng. Người sắp để họ ở lại một mình, không có sự hiện diện của Người cách hữu hình, nhân loại, cụ thể... nhưng rất hữu ích? Sẽ có thời gian vắng mặt. Nhưng rõ ràng, Đức Giêsu muốn nói lên điều gì về vấn đề này. Chúng ta hãy lắng nghe tiếp.

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau
Đức Giêsu phải ra đi. Nhưng Ngài loan báo cách hiện diện mới mẻ của Ngài. "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14,23). Và thánh Gioan quảng diễn như sau: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta" (1 Ga 4,12).

Vâng, tình yêu đích thực là một "sự hiện diện thực sự” của Thiên Chúa. "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ". Đức Giêsu hiện diện giữa những người cùng nhau cầu nguyện (Mt 18-20). Những gì các người đã làm (cho ăn, cho mặc, viếng thăm, săn sóc) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là “các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". Đức Giêsu luôn hiện diện trong mọi người đang cần đến tôi và tôi đang phục vụ (Mt 25,31-46).

Nếu thực là thế! Nếu thực là "Thiên Chúa đã chết", thì sự vắng mặt của Thiên Chúa trong thế giới hiện tại chỉ là hiện tượng tình yêu đã chết". Nhưng hãy để ý, vì tiếng nói lừa dối của thế giới hiện đại không ngừng thay đổi giọng điệu với ta, qua những làn phát sóng, trong mọi thứ quảng cáo. Người ta chỉ bàn luận, chỉ ca ngợi "tình yêu”. Nhưng là thứ tình yêu nào chứ? Éros hay Agapè, "tình yêu bản thân" hay "tình yêu kẻ khác"? tình yêu là từ hàm hồ nhất, giả dối nhất. Khi bạn nói: "Tôi thích kẹo cao su!”… bạn có thích nó thực sự hay bạn tiêu huỷ nó nhằm lợi ích cho bạn? Khi bạn yêu một người nào đó, bạn có yêu họ theo cách đó... nghĩa là chỉ vì bạn hay vì họ? Ngôn ngữ Hy Lạp ít hàm hồ hơn, vì có hai từ khác biệt nhau để diễn tả hai thực tại yêu thương đối nghịch nhau:

-Éros: Yêu mình... đó là tình yêu lợi dụng kẻ khác đến huỷ hoại họ.
-Agapé: Yêu tha nhân... đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác.

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Chỉ một từ “như” đơn giản... nhưng đã vạch trần mọi hình thức tình yêu giả tạo của chúng ta dễ dàng lặp đi lặp lại.
Yêu như Đức Giêsu! Đó là quỳ gối xuống rửa chân cho anh em mình, một cử chỉ phục vụ thấp hèn nhất (Ga 13,14). Đó là việc Đức Giêsu vừa làm. Yêu như Đức Giêsu! Đó là "hiến mạng sống cho kẻ mình yêu thương" (Ga 10,11-15,13). Đó là điều Người sáp thực hiện, vào ngày mai, trên thập giá.

Đức Giêsu nói với thánh nữ Angèle de Foligno: "Việc cha yêu con, đâu phải trò đùa". Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã dẫn Người đến thái độ hoàn toàn từ bỏ bản thân mình.

Để yêu tha nhân đúng như con người, và nhận biết họ trong chính sự "khác biệt" của họ, chúng ta cần từ bỏ quan niệm coi mình là trung tâm mọi giá trị. Đối với Thiên Chúa, tình yêu tha nhân đã dẫn Đức Giêsu chấp nhận thập giá Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi yêu thương họ, trong cả khả năng thụ tạo nhầm lẫn của họ. Khả năng đó, "kẻ khác" đã chiếm hữu trong tự do của họ, để phủ nhận tôi, trở nên một địch thù với tôi, và kết án tử hình tôi!

Đối với Đức Gỉêsu, tình yêu không phải là cái gì cứ lặp đi lặp lại cách dễ dàng và nhàm chán đến độ vô nghĩa. Mọi người xem ra đều nói đến yêu thương. Thế mà, Đức Giêsu quả quyết, giới răn của Người thì mới mẻ. Phải, yêu như Đức Giêsu hẳn là phải rất độc đáo, rất mới lạ. Đó là một thứ luân lý mới. Người ta không khi nào biết được nơi mà tình yêu đó dẫn bạn tới.

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau
Chỉ có ba dòng Tin Mừng, mà Đức Giêsu đã ba lần lặp lại điệp khúc: Yêu thương nhau. Sự lặp lại rất có ý nghĩa. Nhờ đó, Người đã gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau, khiến chúng ta phải yêu thương.

1. Đó là lệnh truyền của Đức Giêsu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới".
2. Đó là gương mẫu của Đức Giêsu: "Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
3. Sau cùng, đó là dấu chỉ Đức Giêsu: "Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu...".

Như thế, Đức Giêsu thực sự mời gọi các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Người, lúc Người rời bỏ thế gian. Tình yêu huynh hệ là "thể thức" thực sự, giúp Đức Kitô tiếp tục hiện diện suốt dòng "Thời gian cuối cùng", mở đầu bằng cài chết của Người. Gioan đã không thuật lại việc lập phép Thánh Thể, như ta mong đợi. Nhưng bù lại, ông đã tường thuật việc rửa chân " và trao ban "giới răn mới quan trọng" như thể dưới mắt ông, Tình yêu là một tái diễn sự Hiện Diện đích thực của- Đức Kitô, cũng thực sự và hữu hiệu, như dấu chỉ hữu hình., của Bí tích Thánh Thể. Nhằm bổ sung những gì mà các thánh sử khác không nói đến, có thể nói thánh Gioan đã giảm thiểu tính thiêng thánh của nghi thức, để đề cao nội dung hơn". Theo thánh Mát-thêu, Máccô và Luca, Đức Giêsu nói: "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp, và Máu Thầy sẽ đổ ra". Còn theo Gioan, Đức Giêsu đã nói: "Thầy rửa chân cho anh em, Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Nhưng, đó cũng chính là “sự hiện diện" có tình nghi thức và thực sự. Có một điều gì đó chất vấn mạnh mẽ các Kitô hữu khi tham dự thánh lễ. Dấu chỉ mà người ta nhận ra môn đệ

Đức Giêsu không chỉ là Thánh lễ. "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau".
Nhờ những điều kiện nào, để người ngoài Kitô giáo có thể đọc được dấu chỉ này? Làm sao dấu chỉ này chỉ dành riêng cho những giây phút các Kitô hữu quy tụ giữa bốn bức tường của Giáo hội? Chắc chắn Đức Giêsu đã nói đến một dấu chỉ được trao gởi trong đời thường: đó là dấu chỉ duy nhất mà "mọi người" có thể nhìn thấy. Trong những điều kiện đó, chúng tá của Kitô hữu chỉ có thể được nhận biết nếu chúng ta quan tâm đến những trách nhiệm lớn lao của thế giới hiện nay: công lý, hoà bình, đói khổ, phẩm giá con người. Bí tích Thánh Thể sẽ "dẫn" chúng ta tới phố xá, các văn phòng làm việc, những nẻo đường đời, tới trường lớp và đại học ta đang theo đuổi tới mọi nơi ta đang phục vụ".

 

 
Giới răn yêu thương – R. Veritas.
Ngày nay, nếu có ai ghé thăm Tientina Alba, một làng nằm ở phía bắc Rumani, đều trông thấy bên ngoài làng có một gò đất lớn, bên trên cắm một cây Thánh Giá thật to. Đó là nấm mồ tập thể của 5,000 tín hữu Công giáo thuộc Giáo hội Đông phương nước Rumani đã bị quân xâm lược sát hại vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh ngày 1/04/1941.

Tientina Alba trong tiếng Rumani có nghĩa là "Suối trắng". Nhưng vào một buổi sáng cách đây hơn nửa thế kỷ nó đã trở thành một con suối máu của 5,000 người Công giáo chết vì Chúa Kitô. Quân xâm lược đã triệt để thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo. Người dân Rumani sống tại vùng này đều thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương, nên đó là một chướng ngại lớn đối với đường lối xâm lăng diệt chủng này.

Anh chị em thân mến!
Biến cố thương đau trên đây trong lịch sử Giáo hội Rumani giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp của Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay. Đó là điều giúp chúng ta có thể bước vào cuộc sống Phục Sinh vinh quang trên thành thánh Giêrusalem thiên quốc. Người Kitô hữu cũng phải đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô bước đi trên con đường tăm tối của bắt bớ, khổ đau và cái chết.

Thành thánh Giêrusalem thiên quốc như đã diễn tả trong chương 21 của sách Khải Huyền là một kinh thành kỳ lạ, nó là điểm thành toàn của lịch sử cứu độ cứu độ sau khi vượt thắng tất cả mọi lực lượng lịch sử xã hội tiêu cực và chiến thắng kinh thành thế tục gian ác tội lỗi của trần gian này. Sau khi chiến thắng kinh thành Babylon hiện thân của mọi quyền lực chính trị, ý thức hệ và kinh tế trần gian bắt bớ chống đối Giáo hội, sau khi đánh tan mọi lực lượng sự dữ do ma quỉ chỉ huy, cộng đoàn Kitô hữu hân hoan khải hoàn bước vào kinh thành thiên quốc. Họ bước vào trời mới đất mới, nơi không còn khóc than, khổ đau, chết chóc, buồn thương và mệt nhọc nữa.

Bởi vì, thế giới cũ đã qua rồi và mọi sự đã được đổi mới. Giờ đây, họ được sự hiện diện rạng ngời của Thiên Chúa, Đấng ở cùng chúng tôi. Nhưng trước đó, con đường của Giáo Hội lữ hành là con đường khổ nạn của Chúa Giêsu.

Trong khung cảnh thân tình của bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ lời tâm huyết. Sau khi Giuđa, kẻ phản bội Ngài rời khỏi nhà Tiệc Ly để đi vào đêm tối mịt mù. Đêm tối của tâm hồn và cuộc đời Giuđa và đêm tối của thế giới.

Qua đó, Chúa Giêsu mới thổ lộ cho các tông đồ biết rõ hơn con đường dẫn Ngài tới chỗ vinh quang, đó là con đường của Thập Giá. Chính khi bị treo khổ nhục trên Thập Giá, cũng là chính lúc Chúa Giêsu được tôn vinh và thành toàn chương trình cứu độ trần gian của Ngài.

Như vậy, những khổ hình Thập Giá thay vì dấu chỉ của hình phạt, thì nó lại trở thành dấu tích yêu thương cao vời nhất mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã dành cho con người. Do đó, chỉ những ai sống yêu thương mới hiểu được cái logic ngược đời ấy của Thập Giá. Đồng thời đây cũng là kiểu cách hành động của Thiên Chúa.

Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu trăn trối lại cho các tông đồ và cho cộng đoàn Giáo hội thật mới mẻ, vì nó diễn tả thái độ dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã ký kết với loài người bằng chính máu của Ngài. Tình yêu thương ấy là tình yêu thương hai chiều bình đẳng giữa các tín hữu. Bởi vì trong cộng đoàn ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Nhưng từ nay không còn chuyện yêu người như yêu mình nữa, mà yêu người như chính Thầy đã yêu chúng con, nghĩa là Kitô hữu phải yêu thương nhau với cùng cường độ trong cùng tâm tình và kiểu cách của Chúa Giêsu là tận hiến vô biên và trọn vẹn. Tình yêu thương của Chúa Giêsu là suối nguồn, mẫu mực và linh hồn tình yêu thương của Kitô hữu. Và sau cùng, tình yêu ấy là căn cước, là chứng tích sống động giúp nhận ra ai là thành viên thực sự thuộc cộng đoàn Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô.

Trong chương 14 sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô cũng chỉ cho chúng ta con đường chắc chắn giúp tiến về kinh thành Giêrusalem. Đó là noi gương Chúa Giêsu can đảm tiến bước trên con đường Thập Giá của lòng tin.

Phần thứ hai của sách Tông đồ Công vụ, các chương 13-28 nêu bật sự truyền giáo của thánh Phaolô. Các trình thuật cho chúng ta thấy ba nhân tố thần học song song quan trọng sau đây:

1. Gương mặt của Saolô lòng đầy hận thù, hăng hái tìm cách bắt hại và bỏ tù tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu và gương mặt của một Phaolô không ngừng thôi thúc Kitô hữu vững vàng trong lòng tin và kiên trì chịu đựng mọi bắt bớ gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Kitô.
Kinh nghiệm cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh đã khiến cho Phaolô xác tín rằng con đường duy nhất giúp hiện thực ơn gọi làm người toàn vẹn là bước theo Chúa Giêsu Kitô và sống Tin Mừng của Ngài, cho dù có phải trả giá đắt đỏ bằng chính sự sống của mình đi nữa.

2. Nhân tố thần học song song thứ hai là kinh nghiệm đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu vì Thập Giá Chúa Kitô và kinh nghiệm bách hại mà cộng đoàn Kitô phải sống. Phaolô đã lâm cảnh lao đao lận đận, ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng của Ngài. Và Kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi thời đó cũng như trong các thế hệ sau này khắp nơi trên thế giới đều phải sống kinh nghiệm Thập Giá như thầy mình là Chúa Giêsu Kitô.
Chỉ khi biết phám phá ra cái logic lạ lùng ngược đời ấy, con người và thế giới mới tìm được thế quân bình hạnh phúc trọn vẹn thời khai nguyên vũ trụ và mới thực hiện được chương trình sống mà Thiên Chúa muốn.

Nói cách khác, con đường dẫn đến cuộc sống giờ đây là con đường dẫn tới Thập Giá và khổ đau mà Kitô hữu cần phải chấp nhận mỗi ngày trong tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, để sinh vào cuộc sống và thế giới này, để mở mắt nhìn thấy cha mẹ, người thân, mặt trời, trăng sao, thú vật và hoa cỏ xinh tươi. Đứa bé nào cũng phải xé lòng mẹ và khóc tiếng chào đời. Nó chào đời và đời chào đón nó bằng tiếng khóc pha trộn nỗi vui mừng và niềm hy vọng.

3. Mấu điểm thần học song song thứ ba được nêu bật trong phần 2 của sách Tông Đồ Công Vụ là cái song song giữa kiểu cách mà Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của thánh Phaolô với kiểu cáchThiên Chúa hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu, Giáo hội và thân mình mầu nhiệm của Ngài.
Trên con đường cuộc sống lòng tin, chúng ta tất cả đều cần đến người hướng đạo có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo, khuyên nhủ và khuyến khích. Thánh Phaolô đã được Annania chỉ bảo, giảng giải và hướng dẫn trên con đường cuộc sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh chỉ vẽ cho ông. Giờ đây thánh nhân chọn lựa các linh mục, các vị hữu trách có nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu. Đó là những vị bô lão. Bô lão ở đây không ám chỉ sự già dặn của tuổi tác cho bằng sự già dặn kinh nghiệm trong cuộc sống lòng tin, lòng tin cậy trông và lòng mến.

Vị linh mục, người lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn già dặn về tuổi tác là một phần thứ yếu, nhưng phải già dặn về kinh nghiệm sống thân tình với Thiên Chúa và thông hiểu giáo huấn Tin Mừng của Chúa cũng như giáo huấn của Giáo hội, đó là điều thiết yếu mà linh mục cần phải có. Chúng ta hiểu tại sao trước khi trao cho Phêrô trọng trách hướng dẫn Giáo Hội, Chúa Giêsu đã ba lần hỏi xem ông có yêu mến Ngài hơn những người này không? Chính tình yêu là linh hồn của công tác rao giảng nước Chúa và là hộ chiếu giúp tín hữu được bước vào kinh thành hạnh phúc. Nó là một tình yêu trọn vẹn trong mọi chiều kích thần học cũng như xã hội ở đời này cũng như trong cuộc đời mai sau. Amen.

 

Ai yêu thương đều là Kitô hữu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa thành Calcutta tiến lại gần một người, người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Đó là một bà lão. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêsa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương nầy đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén xúp nóng và tràn đầy tình thương yêu.

Người đàn bàn đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêsa bằng một giọng thều thào: “Tại sao bà lại làm như thế?”
Mẹ Têrêsa trả lời:
- “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”.
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất tận đáy lòng đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- Ôi, bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!
- Tôi rất yêu mến bà, Mẹ Têrêsa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà!
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêsa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời nầy…

Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêsa đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta – “Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta” – Và đó cũng là điều răn mới của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, trong nỗi bồi hồi xúc động của giây phút chia ly, đã dốc hết lòng mình với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Lời di chúc của người sắp ra đi thật là trang trọng và thâm sâu! Trước đó, Thầy đã khẳng định đây là mệnh lệnh, là giới răn của Thầy!

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau.

Nhưng, thưa anh chị em, yêu thương nhau, đâu phải chỉ có kitô giáo mới giảng dạy. Văn hoá Á Đông đã từng nêu châm ngôi: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn biển là anh em. Đạo lý cha ông ta cũng đã răn dạy: thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng thương yêu rộng mở của người đối với người trong một xã hội.
Vậy thì giới răn yêu thương của Kitô giáo có đem đến cái gì mới mẻ hơn chăng?
Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và đặc thù của tình yêu Kitô giáo. Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.

Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em máu mủ”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa. Mẫu mực, thước đo của tình yêu Kitô giáo là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến. Chúa Giêsu khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Ngài đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).

Đó là bản đúc kết, là bản tóm tắt nội dung cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật. Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu thương mọi người đến tột cùng, đến hết khả năng yêu thương của Thiên Chúa.

Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và ngược lại. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của một tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.

Thưa anh chị em,
Trong cuộc sống hằng ngày, không phải chúng ta không biết đến đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng là yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương họ. Chúng ta cũng vẫn được giảng dạy: Tình yêu là dấu chứng thuộc về Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, luôn luôn vẫn có một khoảng cách: chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho tha nhân. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình yêu tha nhân trong một mức độ nào đó để khỏi phải quá thiệt thòi cho mình. Chúng ta vẫn muốn dựa vào tấm áo hay một danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để chỉ khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng ý nghĩa và hành động yêu thương chân thật. Vì thế mà ngay đối với người bên cạnh, có thể là linh mục chánh hay phó xứ, có thể là một anh chị em trong cộng đoàn, có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái lý luận trần tục: người ta đối xử với tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế ấy! Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang nặng tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Và cách sống thấp hèn như vậy chẳng nói được với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Tình Yêu cả! Trái lại, cách sống ấy là một phản chứng về Thiên Chúa, không làm cho ai tin được Thiên Chúa của chúng ta. Bởi vì “người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Vậy, ai không yêu thương nhau, người ấy không phải là Kitô hữu, hay đúng hơn, đó là kẻ chối đạo. Thiên Chúa là tình yêu. Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Không yêu thương nhau là không biết Thiên Chúa, là chối đạo.

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục làm chứng bằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Hãy để cho lòng mình lắng đọng để ân sủng Chúa giúp chúng ta thấy hết tầm mức của giới răn mới và những khoảng cách xa vời trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta quyết tâm sống giới răn yêu thương của Chúa như chính Chúa đã sống và truyền dạy chúng ta.
Sưu tầm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn