1
03:24 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 151


Hôm nayHôm nay : 6932

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 349961

Tổng cộngTổng cộng : 27904245

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 27 Thường niên - Mẹ Mân Côi

Thứ bảy - 05/10/2013 08:49-Đã xem: 1384
.

.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quãng trường Thánh Phêrô khi đọc Kinh Truyền Tin rằng: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlizabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy. Người ta có thể nói rằng: Kinh Mân Côi là kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II, chương bàn đến sự hiện diện tuyệt vời của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Chúa Kitô diễn ra trước mắt chúng ta. Những biến cố ấy bao gồm toàn bộ các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng và chúng ta hiệp thông sống động với Chúa kitô nhờ Mẹ Maria..."

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

PHÚC ÂM: Lc 17, 5-10

" Nếu các con có lòng tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con. "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".
Đó là lời Chúa.

1. Đầy tớ vô dụng

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe nói lên mối liên hệ giữa ông chủ và người đầy tớ, hay nói đúng hơn kẻ nô lệ của ông ta.

Thực vậy, nơi dân Do Thái vào thời Chúa Giêsu vẫn còn tồn tại chế độ nô lệ. Kẻ nô lệ bị coi như là một tài sản của ông chủ, khác với người làm công. Người làm công chỉ phục vụ cho ông chủ trong một số công việc và trong một số giờ giấc nào đó, ngoài ra anh ta là người tự do. Kẻ nô lệ sau những giờ giấc cực nhọc ở ngoài đồng ruộng, khi trở về nhà, không được phép nghĩ đến việc ăn uống nghỉ ngơi. Ông chủ cũng không nghĩ đến việc mời anh ta ăn cơm hay hầu hạ để cám ơn. Kẻ nô lệ phải lập tức làm những công việc khác để phục vụ cho ông chủ, đến khi chủ không còn sai khiến điều gì nữa, thì kẻ nô lệ mới được nghỉ ngơi. Và không bao giờ ông chủ nghĩ đến việc cám ơn hay trả lương cho nô lệ của mình vì nô lệ là tài sản của chủ. Kẻ nô lệ được phép ăn uống, nhưng bị coi là phương tiện bảo vệ mạng sống và sức lực mà ông chủ cần đến.

Vậy đâu là ý nghĩa Chúa Giêsu muốn nhắn gởi qua câu chuyện kể trên? Chúng ta không được phép vội vã kết án là Chúa Giêsu ủng hộ cho chế độ nô lệ, nhưng Ngài chỉ muốn dùng những hình ảnh sống động và cụ thể để dạy cho chúng ta thái độ phải có đối với Thiên Chúa. Đúng thế mục đích Ngài nhắm tới, đó là chống lại với giáo lý về công nghiệp của bọn biệt phái. Những người này chủ trương, tất cả những việc lành, việc thiện đều là công nghiệp trước mặt Thiên Chúa, để rồi Thiên Chúa phải tính công và trả ơn cho họ theo lẽ công bằng.

Hẳn chúng ta còn nhớ lời cầu nguyện của một người biệt phái trong đền thờ: Lạy Chúa, tôi đội ơn Ngài, vì tôi không phải như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình hay là như tên thu thuế kia. Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần. Tôi nộp thuế thập phân về mọi thứ hoa lợi. Chính sự tính toán này, người Pharisêu đã biến Thiên Chúa thành một con nợ của mình.

Thế nhưng qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thái độ khiêm tốn trước mặt Thiên Chúabởi vì tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân của Ngài hay như lời Ngài đã nói: Không có Thầy các con không thể làm gì được. Như thế thì làm sao chúng ta có thể kể công trước mặt Thiên Chúa. Mọi cố gắng luân lý của chúng ta không có giá trị gì trước mặt Ngài. Mọi việc đạo đức chúng ta làm chỉ là bổn phận chúng ta phải chu toàn. Mọi hành động bác ái của chúng ta cũng không đủ để cảm tạ những ơn huệ của Ngài và của anh em đồng loại. Suốt cuộc đời chúng ta cũng chẳng đủ để cám ơn Ngài, thì làm gì gọi được là công lao. Cho dù chúng ta có trung thành với Ngài đến hơi thở cuối cùng thì chúng ta cũng vẫn phả kêu lên: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con chỉ làm việc bổn phận của con mà thôi.

Lẽ tất nhiên, Thiên Chúa không phải là một ông chủ hà khắc, nhưng Ngài là một người cha yêu thương, luôn chăm sóc và mong muốn cho chúng ta được mọi sự tốt đẹp, và chắc chắn Ngài sẽ không bao giờ chịu thua trước tình yêu của chúng ta.
 

 

2. Đức tin

Nếu các con có được một đức tin bằng hạt cải.
Giả sử như chúng ta có được một cỗ máy thời gian đi ngược dòng lịch sử trở về trước một thế kỷ. Khi gặp gỡ những người của năm 1895 và đưa cho họ tờ nhật báo hôm nay, chắc hẳn tờ nhật báo ấy là một cái gì xa lạ và họ chẳng hiểu được bao nhiêu. Chỉ cần nêu ra một số từ ngữ, chẳng hạn như phi thuyền, siêu thị, chứng khoán, vi tính...

Nếu như họ hỏi: Truyền hình là gì? Hẳn chúng ta sẽ không ngần ngại trả lời đó là một chiếc máy giúp chúng ta nhìn thấy sự việc xảy ra ở bên Pháp, bên Mỹ, bên Tàu đúng lúc nó đang thực sự xảy ra ở những nơi ấy. Giả sử họ hỏi: Hoả tiễn hạch tâm tầm xa là gì? Hẳn chúng ta sẽ sẵn sàng trả lời đó là một trái đạn khổng lồ được bắn đi có thể tiêu diệt bất kỳ thành phố nào cách xa hàng ngàn cây số. Giả sử họ hỏi: đổ bộ mặt trăng là gì? Chúng ta sẽ mau mắn cắt nghĩa đó là việc con người dùng phi thuyền bay lên và đáp xuống mặt trăng.

Trước những câu trả lời này, dân chúng của thế kỷ trước sẽ nghĩ gì về chúng ta? Chắc hẳn họ sẽ cho chúng ta là những kẻ điên khùng, bởi vì một người tỉnh táo thời bấy giờ sẽ cho rằng chúng ta không thể ngồi ở Việt Nam mà lại biết được những việc đang xảy ra ở bên Pháp, bên Mỹ và bên Tàu. Và họ cũng cho rằng chúng ta không thể nào bay được như một con chim để lên tới mặt trăng. Câu chuyện khoa học giả tưởng trên cho chúng ta thấy: điều mà dân thế kỷ này cho là vô nghĩa và bất khả, thì đối với dân thế kỷ khác lại là chuyện đương nhiên và bình thường. Điều mà dân thế kỳ này không bao giờ dám mơ ước thì đối với dân thế kỷ khác lại là chuyện bình thường.

Và bây giờ cùng với cỗ máy thời gian ấy, chúng ta đi vào tương lai, tới năm 3000. Trên những tờ báo lúc bấy giờ không còn đăng tải những tin tức về bạo lực, nghèo đói và chiến tranh, mà chỉ có tình yêu, sự thịnh vượng, hoà bình và thân hữu. Chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ thầm rằng một thế giới như vậy chỉ là chuyện mơ tưởng, không thực, bởi vì ở đâu có loài người thì ở đó có bạo lực, có hận thù, có bóc lột và giàu nghèo.

Thế nhưng, từ đó chúng ta đi tới một kết luận: Nếu chúng ta tin rằng hoà bình không thể có trên mặt đất, thì làm sao chúng ta thành công trong việc xây dựng nó. Nếu chúng ta cho rằng tự cõi lòng con người vốn ích kỷ, thì chắc hẳn chúng ta không thể tạo được một xã hội công bằng.

Tuy nhiên với đức tin, chúng ta phải nhìn nhận rằng có thể có bình an trên mặt đất, có tình yêu giữa con người và có sự hoà điệu giữa các dân tộc. Sở dĩ như vậy là vì Đức Kitô đã đến giữa chúng ta, dạy cho chúng ta cách sống, cách thực hiện những điều trên. Đây chính là sứ điệp Ngài muốn gởi gắm chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay.

Nếu các ngươi có được một đức tin bằng hạt cải, các ngươi có thể chuyển núi dời sông. Nhờ đức tin mà chúng ta có được quyền năng của Thiên Chúa trong tầm tay của mình. Và với quyền năng ấy, không gì là không có thể, kể cả một thế giới không còn chiến tranh, hận thù và nghèo đói.


Lễ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

1. Quà tặng

Kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy: Quà tặng thường làm dịu lại cõi lòng con người, là một thứ nam châm hút tình cảm của kẻ khác, là một loại keo dính, là một thứ dây cột chặt người khác lại với chúng ta. Và Kinh Thánh đã đưa ra những mẩu chuyện điển hình: Giacop đã bảo con đem dâng hoa trái lên quan đại thần, để người con của Simeon bị quan phạt được tha thứ. Abigail cũng đã đem nhiều lễ vật dâng cho Đavit, để xin nhà vua xá tội cho Nabal.

Còn chúng ta thì sao? Bước vào giữa tháng 10, nhưng chúng ta đã dâng lên cho Mẹ được những gì? Chúng ta nên nhớ rằng: Dâng kính Mẹ thì không bao giờ chúng ta bị thua lỗ, bị thiệt thòi. Cũng như cha mẹ ở đời phải hy sinh nhiều vì con cái, chứ mấy khi ngược lại. Cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con cái nhiều hơn là con cái yêu thương cha mẹ.

Với niềm tin đó, chúng ta hãy đến với Mẹ hôm nay vì không ai đến với Mẹ mà lại phải ra về tay không. Hãy mang theo một thứ quà tặng đẹp lòng Mẹ nhất, đó là kinh Mân côi.

Như chúng ta đã biết kinh Mân Côi xuất phát từ lời Chúa. Chẳng hạn kinh Lạy Cha là khuôn mẫu cho mọi tâm tình cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy cho chúng ta. Còn kinh Kính Mừng là lời chào kính của sứ thần Gabriel, của bà Isave hợp với lời kêu xin của cộng đồng dân Chúa. Rồi những sự việc đều là những biến cố trong cuộc đời của Chúa. Và chúng ta có thể nói: Kinh Mân côi chính là cuốn Tin Mừng được rút gọn.

Ngoài ra kinh Mân côi là một lời kinh bình dân, dễ nhớ, dễ đọc và dễ suy gẫm, nhờ đó mà cuộc đời chúng ta được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, cũng như nhờ đó chúng ta tìm thấy nguồn nghị lực và niềm hy vọng cho bản thân.

Hơn thế nữa, trải qua dòng thời gian kinh Mân Côi đã đem lại biết bao nhiêu ơn lành cho cá nhân, cho xã hội, cho dân tộc cũng như cho toàn thể nhân loại. Đặc biệt là trong phạm vi gia đình, bởi vì gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, là vườn ươm trồng cây đức tin cho con cái. Đức Thánh Cha Piô XII đã diễn tả: Không cảnh nào êm đẹp cho bằng cảnh tượng gia đình, mỗi khi màn đêm buông xuống, cùng nhau dâng lên những lời kinh ca tụng Nữ Vương trời đất, nhờ đó mà mọi người trong gia đình sẽ xích lại gần nhau hơn, cũng như sẽ được gặp nhau trong tình thương của Mẹ.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta có thể đi tới một kết luận: Yêu Mẹ là yêu kinh Mân côi. Bởi vì chỉ trong tình yêu chúng ta mới thích lặp đi lặp lại một lời bất tận mà không nhàm chán. Vậy chúng ta có lần hạt mân côi vì tình yêu mến Mẹ hay không? Chúng ta đã thực hiện lời Mẹ truyền dạy hay chưa. Kinh mân côi phải trở nên như lễ vật Abel chúng ta dâng tiến Mẹ mỗi khi chiều xuống. Mỗi lời kinh mân côi sẽ là như một hạt ngọc chúng ta thu tích vào kho tàng thiêng liêng của chúng ta, mỗi lời kinh mân côi sẽ là như một tấm ván đóng cho chúng ta con thuyền của Noe, để với con thuyền này chúng ta sẽ vượt qua biển trần gian để tiến tới bờ bến vĩnh cửu là quê trời.

Ước gì lời kinh mân côi sẽ là lễ vật thường xuyên chúng ta dâng kính Mẹ, hôm nay cũng như mai ngày, nhờ đó mà chúng ta biểu lộ được lòng tôn sùng kính mến của chúng ta đối với Mẹ.

 

2. Lễ Mẹ Mân Côi

(Trích dẫn từ ‘Sống Tin Mừng’)
“Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì Bà được đầy ơn phước trước Thiên Chúa, Bà sẽ cưu mang và sinh hạ một con trai và đặt tên trẻ ấy là Giêsu” (Lc 1,30-31).
Thời gian viên mãn đã đến, người trinh Nữ mà dấu chỉ của lời loan báo trước đây đã được thực hiện một cách sáng tỏ. Đó là Đức Maria, Đấng làm tâm hồn chúng ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui, cùng thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: “Kính Mừng Maria, Hãy Vui Lên”.

Qua lời chào và mời gọi của Thiên Chúa: “Hỡi Maria, hãy vui lên”, vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến. Như vậy, làm sao Mẹ Maria không vui lên được khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời Chúa hứa, làm dấu chỉ loan báo hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào Mẹ qua Kinh Kính Mừng, thì chính khi ấy chúng ta được tham gia vào niềm tri ân và niềm vui của Mẹ đối với Thiên Chúa.

“Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phước”, vì chính Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc, Mẹ hoàn toàn thuộc về tôi tớ Giavê, như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia: “Đây là tôi tớ Ta, Đấng Ta tuyển chọn, Người đẹp lòng Ta mọi đàng” (Is 42,1). Mẹ được đầy ơn phúc vì Đấng sắp ngự đến nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Mẹ Maria là người được đầy tràn niềm vui, vì Mẹ đã được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Mẹ. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho dân Israel. Suốt đời Mẹ là bài ca trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Zacaria: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Ngài đã trung tín với lời hứa cho Abraham và con cháu ông”.

“Thiên Chúa ở cùng Bà”. Đó là lời Mẹ đã từng suy niệm, khi tiên tri Isaia loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến. Vì vậy, những lời Thiên Chúa ở cùng Bà”. Giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc Maria được hay tin Đấng là: “Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Mẹ vui mừng vì chính Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở trong chính cung lòng Mẹ. Chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã đến ở với nhân loại.

“Hỡi Maria đừng sợ”. Kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình không khỏi làm cho con người run sợ, không những Mẹ cảm nghiệm, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Đây là một điều mà không bao giờ Mẹ dám nghĩ đến. Nhưng Thiên Chúa đã mạc khải chính những ý định của Ngài cho Mẹ. Vì thế, Mẹ rất vui mừng, nhưng niềm vui mừng ấy đi kèm với niềm run sợ, một sự run sợ thánh.

Kinh nghiệm sống đời Kitô của chúng ta cũng có hai tâm tình này như Mẹ Maria: “Vui và Sợ”. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp để thắng vượt cái sợ và Mẹ đã phó thác tin tưởng hoàn toàn trong Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em xung quanh.

Lạy Cha là Chúa trời đất, chúng con chúc tụng Cha, vì Cha đã không mạc khải những mầu nhiệm cao cả ấy cho kẻ khôn ngoan kiêu ngạo, nhưng Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn và khiêm tốn. Cha đã chọn Đức Maria để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con, nhờ lời cầu khẩn của Đức Maira và nhân danh Đấng Emmanuel là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng con, xin cho chúng con nhận ra sự hiện của Người và tiếp rước Người đến ở với chúng con.

Lạy Mẹ Maria, chúng con Kính Mừng Mẹ, Đấng “Đầy Ơn Phước”, Mẹ đã lãnh nhận mọi ơn lành của Thiên Chúa để giúp chúng con chu toàn thánh ý Chúa. Thiên Chúa ở cùng Mẹ để Thiên Chúa ở cùng với chúng con, chúng con sẽ cảm nhận được điều này như Mẹ nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.
Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui như Mẹ, đó là luôn có Chúa hiện diện bên cạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.

 

3. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA
Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái. Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian. Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.

Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ nhất: Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa. Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé. Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế. Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô. Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai. Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng”. Lời thưa ‘xin vâng’ của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham. Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.
Cuộc thanh luyện thứ hai: Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ. Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ. Làm sao giải thích cho Giuse hiểu. Làm sao tránh được búa rìu dư luận. Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết. Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện. Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.

Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật.

Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy. Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ? Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi?

Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc: Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao? Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ ba: Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu. Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một. Con là tất cả của mẹ. Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ. Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ. Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm. Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.

Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ. Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày. Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc. Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư?”. Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.

Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống: “Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.

Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.

Cuộc thanh luyện cuối cùng: Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con. Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân. Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham. Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất. Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình. Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất. Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ. Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.

Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante. Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể ra những cuộc thanh luyện của Đức Mẹ.
2) Tại sao con người phải chịu thanh luyện? Có phải vì Chúa muốn hành hạ con người không?
3) Thanh luyện hệ tại điều gì? Chịu khổ sở hay từ bỏ mình, điều nào quan trọng hơn?

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn