1
20:14 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 397


Hôm nayHôm nay : 75451

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 465538

Tổng cộngTổng cộng : 28019822

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 28 Thường niên C

Thứ tư - 09/10/2013 15:53-Đã xem: 1643
Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này"
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 28 Thường niên C

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 28 Thường niên C

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 14-17 
"Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai. 
Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch. Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông". Tiên tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu". Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".  
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4 
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân.
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 2, 8-13 
"Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu. 
Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.  
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38 
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19 
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".  
Đó là lời Chúa.



Chú giải của Noel Quesson

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi…Một lần nữa, Luca nhắc chúng ta biến cố đang được chuẩn bị. Đức Giêsu đang sống những tuần lễ cuối cùng. Trước tiên tôi cần dành thời gian để dừng lại trên từng chữ đó: Đức Giêsu... đi... lên... Giêrusalem. Chúng ta hãy thử hình dung cảnh tượng. Hãy thử tưởng tượng những tư tưởng của Đức Giêsu lúc Người đang tiến bước. Giêrusalem! Mục tiêu của cuộc hành trình sau cùng.

Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Luca nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đi qua miền Samari. Người không theo các quan điểm về chủng tộc của những người đồng thời: Người không ngần ngại đi qua miền đất ấy mà người dân ở Giêrusalem đã tuyệt thông. "Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với Người Samari" (Ga 4,9).

Khi vương quốc ở miền Bắc sụp đổ và dân bị đi đày năm 722 trước công nguyên. Quân đội chiến thắng Át-xi-ri đã đưa những đám nô lệ về định cư lại trên miền Samari. Những đoàn dân ấy thuộc mọi chủng tộc từ mọi miền chuyển về tạo thành một sự pha trộn về chủng tộc và tôn giáo. Các hội đoàn tôn giáo ở Giêrusalem vẫn coi họ như những người dị giáo.

Quan điểm phóng khoáng của Đức Giêsu phải tra vấn chúng ta. Chúng ta đã không giữ lại những hơi hướng khinh thị đối với một số hạng Người, một số chủng tộc, một số môi tường đó sao?

Điều lý thú mà Luca mang lại cho miền Samari là nó chứa đựng một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: Chính trong tỉnh này mà "sứ vụ Tin Mừng hóa" đã thực hiện những bước đầu tiên bên ngoài vùng Giu-đê. Khúc dạo đầu của việc phát triển to lớn của Giáo Hội trong những vùng đất của dân ngoại.

Đối với những Kitô hữu, phải có những con người khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã mở đầu. Ngày hôm nay, có phải tôi tránh xa những "miền Samari". Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.

Trong miền đất bị chúc dữ này; đây là những người bị chúc dữ nhiều nhất. Ở đây cũng vậy, tôi phải dám tưởng tượng ra cảnh tượng đó. Dưới từ ngữ "phong hủi", trong tâm thức của Kinh Thánh (Lv 13 và 14); người ta gọi chung mọi bệnh tật trên da thịt, bề ngoài rất ghê tởm và không chỉ bệnh phong hủi theo nghĩa y học hiện đại.

Hơn thế nữa, Kinh Thánh nhìn trong bệnh phong hủi một hình phạt của Thiên Chúa, hình ảnh của chính tội lỗi làm hư hỏng con người. Còn Đức Giêsu, Người không sợ. Là sự dịu dàng của Thiên Chúa. Người đã đến vì những người nghèo hèn nhất. Ngày hôm nay cũng thế, Đức Giêsu đã không ghê tởm tội lỗi của tôi, tội lỗi của những người gớm ghiếc nhất. Đức Giêsu đã đến vì điều đó để cứu chuộc, để chữa lành. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng. Tôi tưởng tượng tiếng kêu của mười cái cổ họng ấy.

Ngay khi họ nhận ra có người nào đó ở đằng xa, họ có thói quen kêu lớn tiếng, một điều bắt buộc. Luật của Môsê thật hà khắc nhằm đóng khung dịch bệnh lan truyền: "Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên; "ô uế! ô uế!" (Lv 13,45). Không cần phải nói thêm rằng họ đương nhiên phải bị cấm đến ở những nơi có dân cư, và hoàn toàn bị đuổi ra khỏi những nơi thờ phụng. Những người nghèo ấy thuộc về hạng nghèo nhất. Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!

Họ gọi Đức Giêsu bằng tên Người, một sự kiện tương đối hiếm thấy trong các sách Tin Mừng. Trong ngôn ngữ Aramêen, Jéshouah có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Kitô hữu Phương Đông gọi "kinh cầu Chúa Giêsu” chính là lời cầu xin ấy được lặp lại nhiều lần: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót. Chúng ta, cũng rất thường lăp lại kinh này trong thánh lễ: Kyrie eleison. Lạy Chúa, xin thương xót!
Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế".

Cũng theo Luật (Lv 14,2). Các tư tế là những Người duy nhất có tư cách xác nhận sự lành bệnh. Vậy mệnh lệnh này của Đức Giêsu phải được họ hiểu như một lời hứa chữa lành.

Người ta không khỏi ngạc nhiên bới sứ cứng rắn bề ngoài của Đức Giêsu. Thay vì chữa lành họ ngay tức khắc, người đòi hỏi những người tội nghiệp khẳn khổ ấy ra đi như thế. Và chúng ta thấy họ ra đi, vẫn còn chứng bệnh phong hủi gớm ghiếc ở trên người. Mọi sự xảy ra như thể Đức Giêsu muốn thử thách Đức tin của họ, có thể nói như thế. Và chúng ta nghĩ đến cùng một thử thách đức tin mà ngôn sứ Êlisê bắt ông Na-a-man, gốc Xyri phải chịu khi yêu cầu ông này phải tự mình thực hiện một biện pháp; điều này làm ông Na-a-man nổi giận!

Ngày nay đối với chúng ta cũng thế, đức tin thường là một thử thách đi qua đêm tối và không thấy, không hiểu chúng ta phải trông cậy vào lời Người. Chúng ta cầu xin Chúa để được giải thoát. Người hứa một ngày nào đó sẽ giải thoát chúng ta. Và chúng ta phải tiếp tục đi theo con đường của chúng ta với chỉ lời hứa của Người. Đang khi đi thì họ được sạch...

Một lần nữa, phép lạ hoàn thành trong sự kín đáo, ở một khoảng cách xa Đức Giêsu. Khía cạnh "giật gân” lạ lùng mà chúng ta rất thích đã cố tình bị làm cho mờ nhạt. Chúng ta cũng ghi nhận những cộng hưởng tôn giáo của việc chữa lành này, một việc chữa lành không được mô tả dưới khía cạnh y học: Đấy là một sự "thanh luyện". Lời cầu xin của các bệnh nhân hầu như là lời phụng vụ: “Xin thương xót chúng con". Đức Giêsu đã yêu cầu họ "trình diện với các tư tế".

Xuyên qua sự chữa lành đặc biệt này, chúng ta được mời gọi nhận ra một dấu chỉ. Đức Giêsu có thể thanh luyện tôi. Đức Giêsu có thể cứu tôi nữa. Trước tiên chúng ta chớ xin Người những lợi ích vật chất "Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy chữa lành tâm hồn con người hôm nay bằng Mình và Máu Chúa". Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn “Vinh quang của Thiên Chúa! Hãy "cao giọng lên để" ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa!”

“Sấp mình xuống dưới chân"! Một cử chỉ mà những Người phương Tây no nê không bao giờ làm nữa, trừ một vài người trẻ tuổi. Chúng ta có cái bụng quá căng khó mà sấp mình sát đất được. Chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ mang ơn chính mình, khả năng và công việc của mình, những tài sản mà chúng ta thừa mứa. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người Hồi giáo có thể gập mình làm đôi đến độ trán họ chạm vào mặt đất đó sao? Một ngày nào đó, bạn hãy thử làm ở nhà bạn không cần ai thấy. Và trong tư thế đó của thân thể, hóa ra không, bạn hãy để cho tư tưởng của bạn thoát đi đến những điều mà tư thế ấy hầu như bắt buộc bạn thực hiện: Con không là gì cả con đã nhận tất cả. Lạy Chúa, con đang ở trước mặt Chúa. Con chỉ là một kẻ quê mùa bẩn thỉu, một “Ađam". Con chỉ là cát bụi trên mặt đất cát bụi này.

Trong Kinh Thánh, sự sấp mình xuống tận đất là một cử chỉ mà người ta chỉ làm trước Thiên Chúa. Ở đây, người phong hủi được chữa lành đã sấp mình sát đất "trước mặt Đức Giêsu”. Đức Giêsu tham dự vào vinh quang và sự vô cùng của Thiên Chúa: Một mầu nhiệm còn ẩn giấu đằng sau nhân tính rất người của Đức Giêsu!

"Mà tạ ơn!" "eucharistôn!", "trong khi tham dự vào Thánh Thể "…Ngày nay cũng thế, trong tiếng Hy Lạp hiện đại, "cám ơn" thì nói "efkaristo". Thật là tai hại khi sự chuyển thể của ngôn ngữ đã làm chúng ta mất dần ý nghĩa của các từ. Ai trong chúng ta khi nói "tôi đến với Thánh Thể" thì một cách tự phát nghĩ rằng "tôi đến tạ ơn"... tôi sẽ nói lời tạ ơn Thiên Chúa! Thánh lễ trước hết chính là Giáo Hội bước vào một hành động cao cả, "hành động tạ ơn" Đức Giêsu khi "Người ra khỏi thế gian này để về với Chúa Cha".

"Người cầm lấy bánh, người cầm lấy rượu, tạ ơn và nói: “này là Mình Ta, này là Máu Ta, chịu nộp vì các con". Mọi bữa ăn của người Do Thái và đặc biệt là bữa ăn lễ Vượt qua đều bắt đầu bằng một bài "berakha" "kinh tạ ơn". Đức Giêsu được đào tạo trong tín ngưỡng của dân tộc Người, đã không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Người dựng nên thế giới bao la và xinh đẹp và cho chúng ta biết bao điều tốt lành đặc biệt là lương thực để sống: (bánh và rượu). Người còn giải thoát và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn Người. Chúng ta không còn biết cám ơn Thiên Chúa.. Chúng ta luôn miệng nói tiếng cám ơn vì lịch sự về mọi việc, do thói quen mà không cần suy nghĩ ở bàn ăn, cửa hàng, trên đường phố; cũng không để nó tạo ra một quan hệ với một ai. Vả lại việc nói cám ơn phải làm chúng ta hiệp thông với một con người: thật ra, đó là một lời bộc lộ tình yêu thương. Nói cám ơn, thông thường phải nhìn thẳng vào người đã làm cho chúng ta hạnh phúc? Người phong hủi tội nghiệp của Tin Mừng, khi nhận được hạnh phúc của mình, đã đi được một khoảng xa. Trong sự vui mừng ngây ngất, người ấy muốn tìm lại khuôn mặt của Đức Giêsu. Anh ta đi ngược trở lại con đường. Anh trở về với Người để nói với Người lời cám ơn! Và giờ đây, tôi thử tưởng tương những cử chỉ, giọng nói và khuôn mặt của anh ta.

Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Vậy ra Người ngoại quốc, người dị giáo, người đáng khinh nhất đó đã có cử chỉ nhân bản nhất, tự nhiên nhất. Đức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.

Đối với Đức Giêsu, phép lạ này là một thất bại; bởi vì nó không tạo ra hiệu quả mà Người có quyền chờ đợi: Đối với chín Người kia, phép lạ này không tạo ra "đức tin". Điều thật sự đáng kể đối với Người. Và vì thế Đức Giêsu rất buồn. Người Kitô hữu thật sự phân biệt với tất cả các "tín đồ khác không phải vì họ cầu nguyện, họ xin ơn và họ được ơn. Mà chính vì họ "cảm tạ" Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Cần phải đi từ đức tin sơ đẳng chỉ biết cầu xin đến đức tin phát triển biết hướng về Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối) để gặp gỡ thật sự Khuôn Mặt của Người.
 

Biết ơn

Trong cuốn "Nói với chính mình" Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lãi là chuyện bình thường.

Một sự kiện khác cũng khiến chúng ta phải ngạc nhiên không ít: một số người Việt Nam từ hải ngoại trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau: Dầu cố gắng che giấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, thì cái tông tích ấy vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài hay qua cách phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng "cám ơn". Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quý hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì điều này hẳn phải là một báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu hiệu của sự khô cạn tình người trong xã hội chúng ta đang sống.

Thực vậy, khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc và tình liên đới cũng trở thành mong manh. Một khi tình người bị chối bỏ, thì tất nhiên niềm tin tôn giáo cũng sẽ chỉ là chuyện thừa thãi mà thôi.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống con người. Trong số mười người được chữa lành, thì chỉ có một người quay lại ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Chúa Giêsu hẳn đã chua xót trước sự vô ơn của con người khi thốt lên: Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này mà thôi. Tỷ lệ quá thấp, chỉ có một phần mười. Và một phần mười ấy theo Chúa Giêsu nhận xét lại là thành phần ngoại giáo. Mặc dù là goại giáo theo nghĩa tôn giáo, nhưng lại rất có đạo theo nghĩa đạo làm người. Mà bởi đạo làm người cũng là thể hiện của đạo Chúa, cho nên người ngoại giáo Samaria này, theo cái nhìn của Chúa Giêsu, hẳn phải là người có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì người này đã thực thi cái nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn.

Con người không thể là người một cách sung mãn mà không cần đến người khác. Nói lên hai tiếng cám ơn là nói lên tình liên đới thâm sâu giữa người với người. Tôi không thể là tôi nếu không có người khác. Tôi cần có người khác để sống hoàn thiện, để được hạnh phúc. Từ cha mẹ tôi, gia đình tôi, những người thân thích của tôi cho đến cả những kẻ thù của tôi...Tất cả đều đã đóng góp vào sự trưởng thành của tôi. Không ai nghèo đến độ không có gì để trao tặng. Cuộc đời là một chuỗi những lãnh nhận, từ sự sống cho đến những thành đạt. Không có gì chúng ta đang có mà không do lãnh nhận từ người khác. Do đó biết ơn là một đòi hỏi thiết yếu nhất của trái tim con người. Không có lời rủa sả nào thậm tệ bằng ba tiếng: Đồ vô ơn. Hơn nữa, lòng biết ơn còn là con đường dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ.

Người Samaria được chữa lành, đã ngợi khen Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Như vậy, lòng biết ơn chính là nẻo đường dẫn anh đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Sống cho ra người, sống cho có tình nghĩa, đó là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn, bởi vì kẻ chối bỏ Thiên Chúa thì dĩ nhiên cũng sẽ chối bỏ người đồng loại của mình.


Tất cả là hồng ân

Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trong hai cô tiếp viên hàng không phục vụ hành khách, có một cô kiều diễm tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York đồng thời là một nhà văn và một nhà hùng biện nổi tiếng Nước Mỹ, đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên nầy.

Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, hai cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt và hành khách đáp lại hai tiếng cám ơn. Nhưng đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài đưa miệng ghé vào tay cô tiếp viên xinh đẹp kia mà nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.

Bốn tháng sau, khi khóa I Công Đồng chung Vatican II kết thúc, các Giám Mục được về nước nghỉ. Một hôm, cô chiêu đãi viên xinh đẹp nọ tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen: “Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?” – “Tôi còn nhớ lắm, Đức Cha còn đáp. Cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma”. – “Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?” – “Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời không?” – “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”. Trước câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tỉnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng. Trong chốc lát, ngài nói: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng. Nhưng người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ”. Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút. Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời. Rồi từ đó không biết hai người còn gặp nhau hay thư từ liên hệ gì nữa chăng. Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.

Thưa anh chị em,
Cái nhìn đức tin thúc đẩy chúng ta tạ ơn Chúa là như thế đó. Nhận được ơn thì phải biết chia sẻ cho người khác, để nói với Thiên Chúa và anh em mình rằng: “Tất cả đều là hồng ân”. Biết bao ơn lành lớn nhỏ Chúa tuôn đổ xuống trên cuộc đời chúng ta. Có bao giờ chúng ta nhận ra những hồng ân ấy để dâng lên những lời cảm tạ mỗi ngày không? Những điều chúng ta đang có tưởng rằng tầm thường, nhưng thật ra lại rất phi thường. Đừng đợi khi mắt mù, tai điếc, cụt tay, què chân chúng ta mới nhận ra có thân thể lành lặn là quý giá vô cùng. Nếu chúng ta biết cám ơn những gì mình đang có, chúng ta sẽ biết cám ơn suốt đời vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.

Chúa Giêsu đã hỏi: “Không phải cả mười người được khỏi phong cùi sao? Thế thì chín người kia đâu, sao không trở lại tạ ơn Chúa, mà chỉ có một người ngoại giáo nầy thôi?” Đối với người Do Thái, người bị phong cùi được coi như bị Thiên Chúa chúc dữ và còn bị luật coi là người mắc ô uế nhơ bẩn, bị xã hội khai trừ, phải sống biệt lập trong bãi tha ma, đi đâu thì phải lắc chuông lên tiếng báo động cho người ta xa tránh.

Nhưng Chúa Giêsu không xa tránh họ. Họ đã đến với Chúa như Chúa đến với họ. Vì Ngài là tình thương cứu chữa. Chỉ có tình thương mới tìm đến với những con người bị bỏ rơi, bị loại trừ. Trên đất nước chúng ta có hàng chục trại phong cùi. Một số trại do các tu sĩ, nữ tu đảm nhận điều hành, chăm sóc các bệnh nhân. Nếu ở Việt Nam tên tuổi của Đức Cha Jean Cassaigne gắn liền với trại phong cùi Di Linh thì danh tiếng của Đức Cha Đamien còn vang vọng giữa hải đảo Milokai – Thái Bình Dương, người mà nhà ái quốc Gandhi đã ca ngợi và nói: “Nên tìm hiểu đâu là nguyên do phát sinh một cuộc sống anh hùng như vậy”. Nguyên do của cuộc đời hy sinh ấy là tình yêu mến Chúa như Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến tận cùng.

Vậy khi chúng ta được Chúa ban ơn, được mọi ơn lành hồn xác thì đừng quên cám ơn Chúa và đừng kiêu hãnh khinh miệt kẻ khác. Thánh Inhaxiô nói: “Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn”. Trong nhóm 10 người phong cùi được Chúa chữa lành, chỉ có một người đã trở lại cám ơn Chúa và người đó lại là người ngoại giáo. Nhiều khi chúng ta được ơn Chúa, nhưng không biết cám ơn Chúa. Khi hoạn nạn thì khấn vái bốn phương, khi được như ý thì quên lời đã nguyện hứa. Tệ hơn nữa, còn tự kiêu tự phụ khinh miệt những người xấu số, bệnh tật, nghèo khó, phong cùi.

Cám ơn là dấu chỉ của lòng tin. Chúa nói với người phong cùi biết ơn đang sụp lạy dưới chân Ngài: “Anh hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chính lòng tin đã thúc giục người Samari phong cùi trở lại tạ ơn Chúa trước hết, đang khi chín người Do Thái kia lo đi trình diện các tư tế để được xác nhận và được hội nhập vào cộng đoàn. Trong bài đọc I hôm nay, quan Naaman sau khi dược lành sạch phong cùi, cũng vì lòng tin đã tìm đến Ngôn sứ Êlizê và tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa: “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vụ ngoài một Thiên Chúa của Israel”.

Anh chị em thân mến,
Tạ ơn Chúa là dấu chỉ của niềm tin. Tạ ơn Chúa không chỉ là chuyện lễ nghĩa, nhưng là nét đặc trưng của những tâm tình mà con người phải có trước các ơn thiêng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Việc bẻ bánh ngày xưa cũng như Thánh lễ ngày nay là gì? Phải chăng là tâm tình tạ ơn mà người Kitô hữu khiêm tốn và hân hoan dâng lên Thiên Chúa là Cha vì hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu? Phải chăng là phương thế tuyệt hảo để chúng ta nhận thức lại sự phong phú đích thực của mình và tìm lại bình an của niềm tin giữa những lắng lo cuộc sống?

Cũng chính trong tâm tình tạ ơn đó, chúng ta họp nhau chung quanh Bàn Tiệc Thánh nầy để cử hành Thánh Thể – Bí Tích Tạ Ơn. Ước chi lễ tế tạ ơn nầy đem lại cho chúng ta bình an và niềm vui sướng vô hạn. Bình an và niềm vui của một đức tin đã gặp được Đấng Cứu Độ.


Đức tin của con đã cứu con

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vị đeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, hầu như không có gì bèn nói: Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều quá nên cái giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ quá vậy? Vị kia trả lời: Tôi xuống trần gian để thu tất cả những lời tạ ơn, nhưng chẳng có bao nhiêu.

Câu chuyện phần nào nói lên một thực tế của con người và giúp chúng ta hiểu được bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc, thì ra người ta hầu như biết cầu xin hơn là biết đón nhận và tạ ơn. Thánh Luca thuật lại sự kiện có mười người phong cùi đến gặp Chúa Giêsu và khẩn khoản cầu xin Chúa thương xót, Chúa đã chữa lành bệnh cho họ, nhưng chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa. Người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa lại là một người ngoại, vậy thì chẳng lẽ những người kia không được lành bệnh sao?

Đọc bài Tin Mừng này tôi nhớ lại một sự kiện tôi đã gặp mà tôi nhớ rất rõ, đó là trưa ngày mùng 3 tháng 11 năm 1995 tại một nhà thờ của Dòng Đaminh, có một phụ nữ ôm một bó hoa tươi đang phân vân đi đi lại lại trước các tượng thánh Đaminh, thánh Vinh sơn Liêm và thánh Martinô trong khuôn viên nhà thờ. Tôi tiến lại gần và hỏi hình như bà muốn đặt hoa trước vị thánh nào đó phải không? Bà thú nhận bà là người ngoại đạo, bà làm việc này theo yêu cầu của đứa con trai của bà. Nhưng thật đáng tiếc, bà không biết đâu là thánh Martinô, rồi bà tiếp tục tâm sự: gia đình bà đều ngoại giáo, cách đó nhiều năm đứa con trai của bà học lớp 9, theo các bạn bè Công giáo đến khấn xin thánh Martinô cho học hành tốt đẹp và tất cả chúng đã đạt được như ý. Kể từ đó, hàng năm vào ngày 3/11 lễ thánh Martinô nó vẫn mang bông đến tạ ơn thánh nhân, nhưng bởi vì năm nay nó đi xa, nó vẫn nhớ việc này và nhờ bà làm giúp cho nó.

Một người ngoại đạo họ không biết Chúa, không đón nhận Phép Rửa, không cùng tuyên xưng đức tin với chúng ta nhưng họ đã nhận ra nguồn hạnh phúc thật của sự sống. Họ ý thức rất rõ và xác tín những gì họ đã đón nhận. Họ hiểu ra rằng tất cả cuộc đời của họ đều là hồng ân. Họ chưa bao giờ tuyên xưng đức tin, nhưng họ đã luôn sống và thể hiện đức tin: “Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Có thể nói, người biết tạ ơn đó là người có thái độ biết cầu xin và biết đón nhận, hay là người có thái độ tạ ơn Thiên Chúa, đó là người có đức tin.

Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta thường hay nhắm đến cầu xin và luôn luôn cầu xin cho chúng ta, cho nên chúng ta đã quên mất rằng, tạ ơn là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện. Cùng với chúc tụng, sám hối, chúng ta cầu nguyện hình như là để cầu xin Thiên Chúa thực hiện theo ý của chúng ta hơn là để chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực hành ý Ngài.

Chính thái độ đó mà chúng ta cứ quay quắt trong ý định riêng tư và dằn vặt trong tính toán nên không thể nào nhận ra được hồng ân cao cả đầy yêu thương của Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mình. Nếu chúng ta ý thức một chút, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời của chúng ta là cả một cuộc đời đầy những hồng ân. Vì vậy, chúng ta phải chúc tụng, tạ ơn cả cuộc đời và cả một cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời tạ ơn liên lỉ.

Xin cho mỗi người chúng ta vững mạnh trong đức tin để nhận ra trên thế giới này Thiên Chúa vẫn đang sống, vẫn đang hành động, đang ở với chúng ta, để chúng ta chúc tụng và tạ ơn. Giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin và xin cho mỗi người chúng ta cũng sống trọn vẹn đức tin để chúng ta chúc tụng, tạ ơn Chúa.

Sưu tầm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn