1
16:58 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 342

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 337


Hôm nayHôm nay : 60826

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 450913

Tổng cộngTổng cộng : 28005197

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chúa Nhật IV Mùa Chay (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Thứ năm - 07/03/2013 08:28-Đã xem: 1492
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
Chúa Nhật IV Mùa Chay (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Chúa Nhật IV Mùa Chay (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

 

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (NĂM C)

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32

***********


Tin Mừng: Lc 15,1-3.11-32
Khi ấy, tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:… “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ.” Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã mất, mà nay lại tìm thấy.”

► DOWNLOAD "Các bài suy niệm & chú giải Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Chay, năm C



 

Chú giải của Noel Quesson

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này. Những câu này dẫn nhập cho “ba dụ ngôn về lòng thương xót”. Con chiên lạc được tìm thấy, đồng tiền mất lại tìm được, đứa con mất được gặp lại. Như thế, ba câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể ra để biện hộ. Vậy tôi bắt đầu nhìn ngắm Đức Giêsu giữa các người tội lỗi, đang đồng bàn với họ – ôi! Chiếc “bàn” kỳ diệu biết bao.

Những người tội lỗi đang ngồi ở đó với Đức Giêsu. Lạy Chúa, Chúa đã nói gì với họ, để lôi cuốn họ, khiến những kẻ khác phải lẩm bẩm?
Một người kia có hai con trai
Chúng ta có tập quán không hay chỉ nghe phần đầu của dụ ngôn, phần nói về người con trai thứ nhất, đứa con hoang đàng. Nhưng người cha mới là nhân vật chính: “Một người kia có hai đứa con trai”. Đó là dụ ngôn “người cha hoang phí” mà ta sắp nghe. Dụ ngôn là một bi kịch, gồm hai hồi: Cuộc xung đột giữa một người cha và hai đứa con của ông thương yêu đồng đều và nồng nàn nhất. Đó là một câu chuyện thường được sống lại trong nhiều gia đình. Hỡi các người cha và các bà mẹ trên thế gian, đó chính là bi kịch của Thiên Chúa mà các ông bà đang sống. Vậy các ông bà hãy lắng nghe câu chuyện tình yêu đẹp nhất hình ảnh đẹp nhất của Thiên Chúa!

1. Hồi thứ nhất: Thái độ của người cha với người “con út”.
Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con
Người con này chỉ là một kẻ hưởng thụ: Anh ta đòi hỏi tiền, yêu sách thật nhiều tiền. Anh ta chỉ nghĩ đến mình. Anh ta nhận được tất cả từ cha mình, nhưng không biết điều đó. Anh ta chỉ biết làm có một việc: đòi hỏi, yêu sách, áp lực – khiếu nại.
Người cha có thái độ hoàn toàn ngược lại với anh ta. Ông chỉ cho không, luôn chia sẻ, cho cách vô vị lợi, tôn trọng tự đo kẻ khác. Ông là chính tình yêu! Qua hình ảnh người cha này, Đức Giêsu nói với ta về Thiên Chúa. Chúng ta có hình dung Thiên Chúa như thế không?
Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Người con út này là hình ảnh của người tội lỗi, mà người Pharisêu thường hình dung ra.

a) Đó là người con nổi loạn, đòi độc lập, tượng trưng cho khuynh hướng vô thần thuộc mọi thời đại: thụ hưởng “của cải” của Thiên Chúa mà không nhìn nhận Người, lìa xa Thiên Chúa, muốn gì làm đó mà không cần kiểm soát: “’Đâu biết đến Thiên Chúa, đâu biết đến chủ tể nào”. Thái độ này không phải ngày nay mới có.

b) Hơn nữa với người Pharisêu, người con Israel này đã sa xuống vực thẳm của đê tiện. Anh ta tự bán mình làm nô lệ cho một người dân ngoại, như vậy anh không còn tôn trọng ngày Sabát nữa, đâu còn giữ nghi thức ăn uống theo luật nữa: Anh ta chăn heo loại thú dơ bẩn, bị cấm và đầy ghê tởm.

c) Ngoài ra chỉ nhìn theo quan điểm thuần tuý con người, thì sống như vậy cũng không có luân lý: Đó là một con người hư hỏng, không còn bản chất người, bị xuống cấp tụt xuống hạng thú. Chính anh ta cũng sống như một thứ heo: tiền bạc, ăn uống, dục tính, chỉ biết cái tôi và cái tôi.
Người ta tăng cường sự trang điểm cho anh, vì cảm phục anh trở về. Nhưng anh ta vẫn lấy lợi ích riêng của mình làm chúa tể: “Nhét cho đầy bụng”. Sự trở về nhà của anh ta, dù có nói hay thế nào đi nữa cũng chỉ là một sự tinh toán bủn xỉn để tìm được chỗ ăn chỗ ở. Anh ta đau bụng hơn đau lòng. Đó là đứa con thật tội nghiệp, nạn nhân của bản năng mình, của bạn bè mình: Nó đã mất thói quen thương yêu. Nó chỉ còn biết nghĩ đến mình.

Lạy Chúa đó cũng là hình ảnh của con! Than ôi, con vẫn thường sống như thế đó:
Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để
Chúng ta cần ghi nhận, không cần người con mở miệng thưa gởi, thì người cha đã làm tất cả rồi. Ông thể hiện bốn cử chỉ: “ông thấy anh ta đằng xa”, “ông chạnh lòng thương”, “ông chay đến, ông ôm hôn”. Có lẽ việc “chạy đến” là cử chỉ mạnh nhất trong dụ ngôn này. Thông thường không khi nào một bề trên lại chay tới một bề dưới, nhất là khi kẻ dưới lại có một thái độ bất bình với họ.

Vâng, người ta làm sai hoàn toàn ý nghĩa dụ ngôn của Đức Giêsu khi trình bày cuộc trở về của người con này, như một gương “hoán cải”. Nếu Đức Giêsu chỉ mô tả thái độ “ăn năn” của một người tội lỗi, thì giáo huấn đó có thể đã không làm cho người Pharisêu bất bình. Vì từ lâu tại Israel, như toàn bộ Kinh Thánh minh chứng, người ta đều biết rằng, Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn. Nhưng ở đây, cách đối xử của người cha này đi quá xa. Ông không cần biết đến con ông có biểu lộ chút ăn năn thực sự nào không. Vừa thấy con từ đằng xa, ông đã chay đến gặp nó. Đức Giêsu không muốn nhấn mạnh đến thái độ của đứa con hoang đàng, những việc làm sám hối đền tội của nó; nhưng Người chỉ muốn nhấn mạnh về tình yêu nhưng không của người cha, một người cha đã tha thứ trước khi con ông thú tội, không đặt một điều kiện nào hết! Đức Giêsu nói với chúng ta làm con là như thế nào: Trước tiên đó không phải là cần có một thái độ nào đối với cha mẹ mình, nhưng là được cha mẹ mình thương yêu, dù xứng đáng hay bất xứng. Đó là điều đã được mạc khải trong ngôn sứ Hôsê: “Chúa vẫn trung thành tiếp tục thương yêu người bất trung”. Lạy Chúa, Chúa thương yêu chúng con với một tình yêu vô bờ.

Các bạn tự cho mình là vô thần, hay thực tế sống như những người vô thần, các bạn là những người tội lỗi, đang xa cách Thiên Chúa, đang né tránh người, Đức Giêsu muốn nói với các bạn: “Dù các bạn không tin nơi Chúa, không yêu Chúa, thì Chúa không bao giờ ngừng tin các bạn và thương yêu các bạn!” Như vậy, chúng ta mới hiểu những người tội lỗi đã chay theo Đức Giêsu!

Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!

Người cha không để cho người con nói hết câu mà anh ta đã chuẩn bị trước. Ông ban cho con mình quá sự mong muốn. Đó là một lễ cưới thực sự: áo đẹp, nhẫn đeo, giày dép, bữa tiệc, âm nhạc.
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng
Đây là điệp khúc kết thúc hồi thứ nhất của bi kịch. Trong chốc lát, chúng ta sẽ thấy điệp khúc này có hai từ thay đổi: “con ta” thành “em con”. Chết – sống lại -bắt tìm thấy. Đối với Đức Giêsu, đây là cái chết như thế nào?

Ôi đây là mạc khải bi thảm mà Đức Giêsu muốn rọi chiếu vào vùng vô thức của ta: Xa cách Chúa, là phải chết. Con thực sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới cho ta thấy thực tại đích thực. Ta có thể tưởng mình đang sống mà thực ra đã chết.
“Tiệc mừng” của Thiên Chúa! “Niềm vui, của Người! Hoán cải, đó chỉ là bước vào niềm vui của Thiên Chúa. Thế mà rõ ràng, đó là điều mà người anh cả sắp từ chối.

2. Hồi thứ hai: Thái độ của người cha đối với người “con cả”.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ

Đối với người con cả, người cha này cũng biểu lộ cùng một tấm lòng nhân hậu: “Ông bước ra năn nỉ”. Kinh Thánh thường trở lại đề tài: Những hồng ân Thiên Chúa được ban tặng cách tuyệt đối nhưng không, qua đề tài người con út giành chỗ người con cả (St 2,36,2; Mcb 4,26; Cn 30,23; Hs 12,4). Như vậy, người Pharisêu có thể nhớ tới trường hợp Giacóp đã chiếm chỗ của Esau, nhận gia tài mà đúng ra ông không được hưởng. Cũng vậy, “những người thợ giờ chót” sẽ thay chỗ những người đầu tiên “làm vườn nho” (Mt 20,18). Cũng như thế, “người hàng chót sẽ lên hàng đầu (Lc 13,30,1; Cr 15,18). Y như vậy “dân ngoại sẽ thay thế cho dân được tuyển chọn: Đó là quyền tuyệt đối và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa (Rn 9,30). Trước thái độ của Thiên Chúa như thế, không thể nói bất công được! Chúa thương yêu tất cả mọi người. “Chẳng lẽ vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức sao?” (Mt 20,15). Lạy Chúa Cha, con sẽ tạ ơn Chúa không biết mỏi mệt vì phổ quát của Chúa. Con thường tự hỏi xem, con yêu Chúa thực sự không, nhưng con vẫn biết thương yêu con.

Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
Như vậy, người con cả cho chúng ta thấy chính mũi nhọn của dụ ngôn này: Anh ta không nhận thấy trọn vẹn Tình yêu mà anh ta đang thừa hưởng.
Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.
Qua dụ ngôn hai hồi này, chúng ta được mời gọi bước vào trong Tình yêu của Thiên Chúa, vào trong niềm vui của Người, khi thấy kẻ tội lỗi trở lại. Đó là lời loan báo cuộc trở lại của các dân ngoại, dân mới của Thiên Chúa. Một ngày kia, Luca sẽ đặt vào môi miệng Phêrô những lời sau đây, khi Phêrô nhận thấy ân sủng được ban cho viên đại đội trưởng ngoại giáo Conêliô: “Vậy Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu – Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa” (Cv 11,17). “Không dành đặc ân, cho ai cả”. Mọi người đều được thương yêu.


1. Tấm lòng người cha
Dụ ngôn đứa con phung phá hay nói đúng hơn là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, là câu trả lời trực tiếp cho những bàn tán của bọn biệt phái trước việc Chúa Giêsu thường đi lại và ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi.
Dụ ngôn này, câu chuyện này được chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói đến lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha mòn mỏi trông chờ đứa con trở về. Và khi cậu trở về thì đã mở tiệc ăn mừng, và trao lại cho cậy đầy đủ quyền làm con như khi trước.
Phần thứ hai có tính cách biện hộ khi diễn tả sự phản đối với cách cư xử của người cha lúc đứa em tội lỗi trở về. Đó cũng chính là tình trạng cụ thể mà Chúa Giêsu gặp phải trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài.
Câu chuyện được kể lại bằng những chi tiết rất sống động. Thực vậy, tội của đứa con hoang đàng quả là rất lớn. Nó đã sử dụng tiền của làm ra với bao công lao khó nhọc vào cuộc truy hoan trác táng, để rồi kết thúc trong nghèo đói và túng quẫn. Đối với người Do Thái heo hay lợn là một con vật nhơ bẩn. Chăn heo hay chăn lợn là một việc làm nhờm tởm. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con đến tột cùng của sự thảm hại, bị loại ra khỏi cộng đồng dân Chúa đã đành, mà còn bị loại ra khỏi cộng đồng con người, bởi vì trong cơn đói khát, nó đã thầm ước được ăn chút cám bã dành cho súc vật mà cũng chẳng được.
Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta xúc động vẫn là thái độ của người cha. Câu chuyện kể lại rằng: Ông đã thấy đứa con từ đàng xa. Chi tiết này chứng tỏ ông hằng trông mong và đợi chờ. Và khi đã nhận ra con, ông vội chạy đến ôm chầm lấy con, hôn con một cách nồng nhiệt, đặt đứa con hối cải vào đúng vị trí của nó trong gia đình, rồi mở tiệc ăn mừng.
Thái độ của người con cả cũng được trình bày một cách sống động. Anh là người con chí thú làm ăn, nhưng xem ra quan hệ với người cha không được đằm thắm cho lắm. Tuy ở nhà với cha, nhưng lòng anh vẫn xa cách. Kết quả là anh đã không hiểu nổi cách xử sự của người cha đối với đứa em vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với người cha và với đứa em, thì anh đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở cái thế tách biệt với gia đình sum họp.
Đoạn Phúc Âm hôm nay quả là một tin mừng cho người trở lại, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh cáo đối với những người ở trong nhà. Thực vậy, câu chuyện cho thấy người cần phải trở lại hơn hết lại chính là người con cả, người con vẫn ở nhà với cha, nhưng cõi lòng thì không ở cùng cha.

 


 

2. Ba cha con

Câu chuyện về đứa con phung phá, còn có thể được gọi là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, hay nói đúng hơn là câu chuyện về ba cha con.
Thực vậy người con thứ chỉ là một tay giang hồ hèn nhát. Phải chi nếu vì thương cha nhớ mẹ mà anh ta trở về thì còn khá, đằng này chỉ vì đói khát, thèm ăn cả cám heo mà cũng chẳng được, thôi thì đành trở về. Mà đã trở về thì cũng phải ca mấy câu cho xong chuyện với ông già.
Nhưng người cha là một nhân vật tuyệt vời. Ông đã món mỏi chờ đợi kẻ đi hoang. Ông nuôi một con bê và ngày ngày ra tận ngoài đường trông ngóng. Bằng chứng là khi đứa con rách nát trở về thì ông đã nhận ra nó tự đàng xa và chạy lại ôm choàng lấy nó mà hôn. Ông đã tha thứ cho nó từ lâu rồi, nên đâu có để ý đến sáu câu nó vội ca lên khi gặp ông. Ông truyền mặc áo đẹp cho nó, xỏ nhẫn và xỏ giày cho nó. Đây là những biểu tượng của người con trong gia đình. Nó chỉ muốn làm đầy tớ để được ăn no, nhưng ông đã trả lại cho nó địa vị người con để được hưởng mọi quyền lợi. Rồi ông lại truyền giết con bê nuôi sẵn để thiết tiệc mừng đứa con như đã chết mà nay sống lại.
Nhân vật thứ ba của câu chuyện là người con cả. Anh ta là một người siêng năng, cần cù, hết mình tận tuỵ với cha, nhưng lại tự ti và ích kỷ: Là con trưởng nhưng lại chỉ biết sống như một người đầy tớ, như một kẻ nô lệ, không ý thức rằng hễ đã là con thì cũng có quyền thừa kế, nghĩa là được làm chủ gia tài của cha. Trái lại, anh ta chỉ biết làm công để được nuôi trong nhà mình như một kẻ xa lạ. Vì không ý thức địa vị là con, là chủ của mình, nên anh ta chẳng tình nghĩa gì với cậu em trai, đã không biết chia sẻ niềm vui của cha thì chớ, anh ta lại còn trách móc hằn học ghen tương.
Bọn biệt phái khi nghe câu chuyện này thì đã hiểu ngay cái ý nghĩa Chúa Giêsu muốn nhắm tới. Người cha là Thiên Chúa hay cũng có thể nói là chính Ngài. Đứa em giang hồ là những quân thu thuế và kẻ tội lỗi, mà Ngài thường ưu ái. Còn cậu cả chính là họ. Bởi vì họ thường lấy làm chướng tai gai mắt khi thấy Ngài đi lại và ăn uống với phường tội lỗi. Điều Chúa Giêsu khiển trách, đó là họ tuy đạo đức, chẳng hạn như đọc kinh nhiều, ăn chay lắm, nhưng lại thiếu lòng nhân ái, thiếu tình thương người, và như vậy là thiếu chính cái mà Thiên Chúa đòi hỏi vì Thiên Chúa đã phán: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ.
Ngày nay, khi nghe đọc dụ ngôn này, không hiểu chúng ta, những người vốn tự hào là những con chiên ngoan, có dám can đảm nhận ra nơi mình hình ảnh cậu cả hay không. Bằng chứng là vẫn thấy nhiều người sẵn sàng lên án, ném đá những người ngoại tình, những kẻ tội lỗi. Không thiếu những người được coi là đạo đức thánh thiện, lại rất khắt khe với kẻ tội lỗi. Tệ hơn nữa, người ta còn nhân danh sự thánh thiện của Thiên Chúa mà đòi xử phạt kẻ có tội.
Những thái độ trên hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để tỏ lộ lòng nhân từ khoan dung của Cha chí ái. Qua đó, Chúa Giêsu nhắm thẳng vào những kẻ thiếu tình huynh đệ, cõi lòng của họ chai đá, không biết cảm thông nỗi đau khổ của người khác và cũng chẳng biết chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa, là được đón nhận những đứa con hư hỏng biết tìm đường trở về.
Để kết luận, là những kẻ tội lỗi chúng ta hãy can đảm trỗi dậy trở về cùng Chúa, đồng thời cũng hãy có thái độ khoan dung độ lượng với những kẻ tội lỗi, như thái độ của Chúa Giêsu trong câu chuyện chúng ta vừa nghe.

 


 

3. Trở về

(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Người cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.
Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó. Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.
Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.
Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha. Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.
Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã. Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.
Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy: tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.
Nhưng người cha không chỉ thương con út. Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.
Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí. Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng. Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.
Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.
Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha. Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế, bao dung đến độ bất công với anh. Đãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng, còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có. Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em. Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm. Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!
Hoá ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.
Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.
Sám hối là trở về với tình cha. Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.
Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.
Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường. Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà. Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân trong tình trạng thân tàn ma dại.
Để trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.
Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.
Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha. Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung. Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc. Cha yêu mình chỉ vì mình là con. Cha không muốn mất một đứa con nào.
Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em. Đó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.
Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình. Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những lý do khiến người con út trở về? Bạn thường sám hối trở về vì lý do nào?
Bạn có sợ đi xưng tội không? Bạn nghĩ gì về bí tích Giải Tội? Bí tích này có giống với việc đứa con út trở về và được cha tha thứ không?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình. Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay của Cha; nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ. Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo. Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.
Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội. Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.

 
Sưu tầm
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn