1
09:51 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 71


Hôm nayHôm nay : 9080

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 313202

Tổng cộngTổng cộng : 27867486

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Suy niệm các ngày sau Lễ Hiển Linh

Chủ nhật - 03/01/2016 09:47-Đã xem: 3152
Bệnh tật thì làm cho con người ta thất vọng và nghĩ mình vô dụng; bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác... Còn sự cô đơn thì làm cho con người trở nên dư thừa, họ bị cô lập không được tiếp xúc với ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng. https://docs.google.com/viewerng/viewer?url=http://longchuathuongxot.vn/v2/wp-content/uploads/2015/12/CauNguyenVoiChuaThang01.2016.pdf
Suy niệm các ngày sau Lễ Hiển Linh

Suy niệm các ngày sau Lễ Hiển Linh

SUY NIỆM CÁC NGÀY SAU LỄ HIỂN LINH

THỨ 2
 
“HÃY SÁM HỐI”
(Mt 4, 12 - 17. 23 – 25)
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Có một người đàn ông trong vùng nổi tiếng về chuyện nhiều vợ, ông lại là người chuyên uống rượu và hay la lối mọi người. Tuy nhiên, một hôm, ông ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, ăn năn trở về với Chúa qua việc xưng tội và rước lễ. Thấy vậy, nhiều người sầm xì, bàn tán... trong nhóm có một bà được cho là đạo đức, đã nói lớn tiếng để mọi người nghe thấy, bà nói: “Người tội lỗi như thế thì làm sao được Chúa tha? Xưng tội và rước lễ như vậy, chẳng qua là hình thức, qua mắt thiên hạ!!!” Ôi thật xót xa thay! Bà này đâu có hiểu được rằng: người tội lỗi luôn là trọng tâm sứ vụ của Đức Giêsu và họ là đối tượng số một của Tin Mừng! Bởi vì, một người tội lỗi biết hối cải thì được tha thứ dễ dàng hơn một kẻ tự cho mình đạo đức nhưng sống trong kiêu hãnh!; hay một người tội lỗi trở lại thì cả triều thần thiên quốc vui mừng!
 
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên".
 
Sám hối theo nghĩa thông thường là ý thức mình tội lỗi, hối hận, cần phải quay trở về đường ngay nẻo chính sau khi đã quyết tâm chừa bỏ con đường cũ. Tuy nhiên, sám hối theo Kitô giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, đó là trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài. Mặt khác, sám hối còn là để biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ, quảng đại và tha thứ.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, điều quan trọng nữa là: khi sám hối, chúng ta biết khiêm tốn để soi chiếu cuộc đời của mình với tình thương, lòng nhân hậu của Thiên Chúa, rồi định hướng cho mọi hành vi, lựa chọn của mình trong tương lai để được ơn cứu độ.
 
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn sám hối trong cuộc sống thường ngày, bởi vì, đã là con người thì không ai có quyền nói mình vô tội. Vì thế, chúng ta hãy biết chạy đến với Thiên Chúa trong sự sám hối để được ơn tha thứ. Amen.
 
THỨ 3
YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG
(Mc 6,34-44)
 
“Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết!”. Đây chính là câu nói của triết gia Thomas Carlyle khi ông được một vị linh mục trong xứ đến hỏi về điều cần làm cho giáo xứ của ngài lúc này.
 
Thật vậy, con người ngày nay, ai ai cũng biết là có Thiên Chúa, nhưng tin trên lý thuyết đã chiếm đa số, kể cả những người Công Giáo, còn tin trong sự cảm nghiệm thì không biết được bao nhiêu %, có lẽ không đáng kể!
 
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại một hình ảnh đẹp của chính nhà giảng thuyết lẫn thính giả:
 
Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương và dạy dỗ họ nhiều điều, thì một đám đông say mê nghe lời giảng của Đức Giêsu đến quên cả ăn.
 
Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt”, thì đám đông vui mừng vì gặp được chủ chiên của họ cách đích thực, không phải trên lý thuyết!
 
Thật vậy, thấy đám đông dân chúng, phản ứng đầu tiên của Ngài chính là chạnh lòng thương!
 
Vì chạnh lòng thương, Đức Giêsu đã trao ban lương thực cả phần hồn lẫn phần xác cho dân chúng.
 
Phần hồn, Ngài dạy dỗ họ nhiều điều; phần xác, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.
 
Trong xã hội hôm nay, điều làm cho chúng ta không khỏi suy nghĩ, đó là của cải trên thế giới lại nằm trong tay một số hay một vài nhóm người, khi họ nắm tài nguyên của thế giới! Trong khi đó, nhiều nước vẫn trong tình trạng báo động về nghèo đói, nhiều người vẫn đang quằn quại đối chọi với cái đói, cái khát, rồi nạn thất nghiệp, chiến tranh, khủng bố ngày càng lan rộng.
 
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên, chúng ta thấy mấu chốt của vấn đề: đó chính là thiếu lòng bao dung, tình thương.
 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm thông, liên đới và trách nhiệm với anh chị em mình. Hãy biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa đã thương yêu ta.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết quên mình để lo cho anh chị em xung quanh như Chúa. Xin cũng ban cho chúng con luôn biết tìm đến Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.
 
THỨ 4
CÓ CHÚA LÀ CÓ BÌNH AN
(Mc 6,45-52)
 
Nếu ai đã từng đi biển hay sống trên những hòn đảo giữa khơi thì thấy rõ sự nguy hiểm mỗi khi cuồng phong nổi lên! Thật kinh hoàng khi chập trùng giữa đại dương mà sóng cồn gào thét như muốn vùi dập con tàu của thuyền nhân! Những lúc như thế, hẳn ai ai cũng hoảng sợ, họ chỉ còn biết cậy dựa vào ơn lạ tình thương của Thượng Đế mà thôi, bởi lẽ, sức tự nhiên kể như là cát bụi, không xá gì với những tai ương mà con người đang phải đối chọi
.
Hôm nay, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, họ đã muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua, nhưng điều này đã đi ngược lại với sứ vụ của Đấng Thiên Sai, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi sang bờ bên kia, trong lúc ấy, Đức Giêsu đi cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa Cha.
 
Nhưng trong đêm tối, thuyền các ông đã xa bờ và gặp phải cơn cuồng phong dữ dội, khiến các ông vất vả, loay hoay chống chọi vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã hiện đến đi trước họ, khiến họ hốt hoảng và la hét vì ngỡ là ma! Đức Giêsu đã trấn an các ông khi nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, rồi sau đó, Ngài đã vào thuyền cùng các ông, lập tức sóng yên biển lặng, khiến các tông đồ không khỏi ngạc nhiên!
 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:
 
Thứ nhất, hình ảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn là hình ảnh con thuyền của Giáo Hội trên đại dương mênh mông của cuộc đời. Con thuyền ấy đang bị kẻ thù tấn công tứ phía. Nhưng dù có khó khăn, thử thách, dù kẻ thù có tìm cách tấn công tư bề, thì con thuyền ấy nếu có Chúa, chắc chắn mọi sự hiểm nguy phải lắng xuống và nhường chỗ cho sự bình an ngự trị.
 
Thứ hai, nhắc cho chúng ta rằng: cuộc đời tâm linh của chúng ta nhiều khi cũng gặp phải thử thách, cám dỗ của Ma Quỷ, nhưng những lúc đau khổ, thất bại và chơi vơi nhất, nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, thì Ngài luôn có mặt để nâng đỡ, giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi hiểm nguy.
 
Lạy Chúa Giêsu, biển đời của chúng con luôn gặp phải những thử thách, hiểm nguy tư bề, xin Chúa ban cho chúng con biết cậy dựa vào quyền năng của Chúa và luôn bám vào tình thương của Ngài. Xin cho chúng con được bình an và vững tin. Amen.
 
THỨ 5
TẤT CẢ CHO NGƯỜI NGHÈO
(Lc 4,14-22a)
 
Có một câu chuyện thật ấn tượng kể về một linh mục dòng Phanxicô khó khăn như sau: ngày cha mới lãnh tác vụ linh mục, một người giàu có muốn tài chợ cho cha mới tất cả kinh phí trong thánh lễ tạ ơn đầu đời linh mục của ngài. Tuy nhiên, khi được tin như vậy, tân linh mục này đã ngỏ ý muốn xin số tiền ấy không phải để mở tiệc ăn mừng, mà là dùng nó vào việc xây dựng nhà cửa, mua thuốc men... cho bà con bị bệnh phong tại Biên Hòa – Đồng Nai mà ngài vô tình khám phá ra họ ở trong rừng sâu và không có nhà cửa cũng như không có ai giúp đỡ... Một tấm lòng tuyệt vời, khi không nghĩ cho riêng mình, mà là cho người nghèo, người bệnh, người bị xã hội bỏ rơi!
 
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài vào các hội đường mà giảng dạy. Khi đọc đoạn Kinh Thánh của Isaia, nói về sứ mạng của vị Thiên Sai là đến với người nghèo, để nâng đỡ, an ủi, cứu giúp; xây dựng bình an, giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ... Đọc xong, Ngài tuyên bố, đoạn sách ấy hôm nay đã ứng nghiệm!
 
Khi nói như thế, Đức Giêsu công khai đứng về phía người nghèo, bỏ rơi và bị áp bức. Đây là lựa chọn và sứ vụ của Ngài khi đến trần gian mà hôm nay đã ứng nghiệm.
 
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi người được trao cho trách nhiệm trở nên ngôn sứ và chứng nhân cho Tin Mừng.
 
Tuy nhiên, chúng ta có trở nên chứng nhân của Chúa đích thực khi quan tâm đến người nghèo, người thấp cổ bé họng, người không có tiếng nói, người bị bỏ rơi không...? Hay chúng ta đã phản chứng khi khước từ những người cần đến sự giúp của chúng ta, coi khinh và bỏ rơi những người tội lỗi, đồng thời dồn anh chị em mình vào ngõ cụt đường cùng?
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới, cảm thông và chia sẻ, để trở nên sứ giả của Tin Mừng tình thương trong gia đình, lối xóm và cuộc sống của chúng con hôm nay. Amen.
 
THỨ 6
CÁI KHỔ CỦA NGƯỜI BỊ BỆNH
(Lc 5, 12-16)
 
"Khi còn có thể làm việc được thì người mắc bệnh vẫn còn được chung sống với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm được chi nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, máu mủ vấy đầy, khiến những người chung quang nhờm gớm, kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết ra sao mặc kệ!
 
Khi yếu liệt, cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần chết mòn một cách thảm khốc, ấy là không kể trường hợp có thể bị cọp đói tha đi, vì có lời đồn đại rằng cọp rất hám thịt người cùi.
 
Nói tóm một điều: người cùi là một bệnh nhân biết rõ mình đang chết và với đôi mắt tỉnh táo còn chứng kiến được rành rành giữa thanh thiên bạch nhật những sình thối rục rã của chốn mồ sâu...!"
 
Câu chuyện trên đây chính là nhận định của Đức Cha Cassaigne, thừa sai sống giữa anh chị em người cùi.
 
Trong  cuộc sống, cái gây nên đau khổ nhất cho con người chính là: bệnh tật và sự cô đơn.
 
Bệnh tật thì làm cho con người ta thất vọng và nghĩ mình vô dụng; bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác... Còn sự cô đơn thì làm cho con người trở nên dư thừa, họ bị cô lập không được tiếp xúc với ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng.
 
Tất cả những tâm trạng đó, nơi người bị bệnh phong, họ phải hứng chịu tất cả.
 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương ngay cả đến người không đáng yêu, tha thứ kẻ không đáng tha thứ. Đức Giêsu đã làm thế và chúng ta cũng phải làm như vậy, nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.
 
Mong sao mỗi người chúng ta sẵn sàng chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Thập giá mà mỗi người chúng ta phải vác, sẽ nhẹ đi biết bao, khi chúng ta biết bắt chước Đức Giêsu, giơ tay ra chạm đến người phong cùi.
 
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta được trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
 
 
THỨ  7
LỚN LÊN VÀ NHỎ LẠI NHƯ THẾ NÀO?
(Ga 3,22-30)
 
Đoạn kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.
 
 “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.
 
Giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần... và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” vì "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi" (x. Mt 3,3).
 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.
 
Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.
 
Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang...
 
Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn chúng con thì nhỏ lại. Amen.
 


SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ HIỂN LINH
và TUẦN LỄ SAU LỄ HIỂN LINH 

Chúa mời gọi chúng ta phải là “ánh sáng cho trần gian”, bằng đời sống chứng nhân của mình, mọi người sẽ nhận ra Chúa đang thực sự hiện diện trong chúng ta mà trở về với Người.
 
 

 

 

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

I. BÀI TIN MỪNG: Ga 3,22-30

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.
Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gio-an và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." Ông Gio-an trả lời: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Ngay từ Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư, tác giả Tin Mừng đã giới thiệu về Gioan Tiền Hô rằng: “Có một người được sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,6-9).

Lời giới thiệu này khẳng định rõ nét vai trò của Đấng Tiền Hô, Gioan đến để làm chứng cho Ánh Sáng chứ ông không phải là Ánh Sáng, mà Ngôi Lời mới là Ánh Sáng thật.

Để rồi trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan Tiền Hô lại khiêm tốn xác nhận: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.

Cũng như sao mai báo hiệu cho Vầng Đông xuất hiện, khi Vầng Đông mọc lên thì sao mai tự động biến mất. Một người lính đến thông báo cho dân biết Vua sắp đi qua để họ chuẩn bị, khi vua đến thì Vua mới là đối tượng chính mà dân đón chứ không còn là anh lính kia nữa. Gioan chỉ là Đấng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và khi Chúa Giêsu đến thì vai trò của Tiền Hô đã hoàn tất.

Tuy nhiên, với những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải cảm phục sự “thánh thiện và cao cả” của Gioan Tiền Hô. Bởi vì dân chúng ai nấy lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài. Nên ngài có lý do để khẳng định mình, có lý do để bảo vệ vị thế của mình… Nhưng không, ngài rất bình tĩnh trước dư luận, khi nghe những lời dèm pha đâm thọc của người khác, rất bình an khi các môn đệ cho biết có người khác vượt trội hơn mình và có ảnh hưởng hơn mình, biết ơn gọi của mình, khiêm tốn đón nhận và chu toàn bổn phận của mình. Có lẽ ông được Chúa Giêsu khen là “người cao trọng” là ở những đặc điểm này.

Chúng ta hãy nghe lời dạy của thánh Gioan Tiền Hô dành cho môn đệ:

 

1. “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho”

Mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa.

Thánh Gioan không lôi kéo đệ tử  cho mình mà còn giới thiệu môn đệ đến cho Chúa. Ngài ý thức vai trò và sứ vụ là đi trước chuẩn bị cho Chúa đến. Ngài ý thức giai đoạn của ngài là gì trong chương trình của Chúa.

Còn chúng ta (cả đời lẫn đạo), không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao công việc cho người khác. “Đấng” này khi phải thuyên chuyển để cho “vị” khác đến phục vụ thật khó biết bao, nhất là tìm cách áp đặt chủ trương và công trình của mình lên người tiếp nối.

Thánh Gioan Tiền Hô đã không ghanh tỵ khi nghe biết có người cũng đang làm phép rửa như mình, và lại là Đấng mình đã từng làm phép rửa cho.

Còn chúng ta, nếu có ai đó đang làm công việc như mình, hay trổi vượt hoặc có ảnh hưởng hơn mình thì lẽ ra phải biết rằng mỗi người đều có một biệt tài riêng, một năng khiếu riêng; mỗi người đều được đặt ở một vị trí riêng nhau… thì chúng ta lại rất dễ tự ái, cảm thấy bị xúc phạm, ganh tị, gièm pha, so bì lẫn nhau, thậm chí trả đũa và triệt hạ nhau.

 

2. “Ai cưới vợ, thì người ấy là chồng”

Lời khẳng định thứ hai của thánh Gioan Tiền Hô với các môn đệ của ngài là: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”

Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ  bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Có khi khoe khoang và kể về công trạng của mình cho người khác khen ngợi. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên.

Lắm khi tưởng chừng như chúng ta làm việc nọ việc kia, giảng thật hay, xả thân phục vụ, làm từ thiện, xây dựng công trình nọ công trình kia, đóng góp cho Nhà Chúa nơi này nơi nọ… nhưng thật sự lại ngầm ý để được người đời ca tụng, thích thú vì những lời khen tặng và coi như công trạng của mình. Để rồi thay vì Chúa được vinh danh thì mình được vinh danh; thay vì Chúa được mọi người biết đến thì thì “đấng này”, “đại ân nhân nọ” được tri ân, được khắc tên và được lưu danh… Cuối cùng thì “Chúa phải mất hút vì tôi mới là quan trọng”.

Hãy nhớ rằng, Chúa mới là “chồng”, Hội Thánh địa phương hay hoàn vũ và riêng từng người là hiền thê (vợ) của Chúa trong tình yêu Giêsu; còn những ai được Chúa sai đến chỉ là “phù rể”, mà phù rể thì lo chuẩn bị cho người ta đón chú rể đến, và vui mừng khi chú rể gặp được “cô dâu”, chứ không phải mình dành vị trí của chú rể.

Việc này không nhắm đến riêng ai mà là đến hết mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta không tự hào vì những gì mình đóng góp cho việc Chúa vì đó là bổn phận và lòng yêu mến Chúa đòi hỏi, nhưng hãy tự hào và vui mừng vì Chúa được vinh danh và được nhiều người biết đến.

 

Lời cuối cùng mà thánh Gioan nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay, và cũng là lời tóm gọn sứ điệp cả bài Tin Mừng mà Chúa muốn dạy chúng ta: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Vâng, chúng ta cần khiêm tốn ý thức chỗ đứng của mình trong chương trình của Chúa, để Chúa được vinh danh trong công việc của chúng ta.

Đặc biệt, cá tính và đam mê của chúng ta phải nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng ta; còn nếu trong tâm hồn chúng ta cao ngạo, ngổn ngang mọi thứ đam mê, ước vọng vật chất phình to lấp đầy, thì Chúa sẽ không còn chỗ để hiển ngự với chúng ta được.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thới dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, nhờ vào những phương thế phát sinh từ Ơn Cứu Chuộc viên mãn của Ngài. Amen.

 

 

 

* Chú giải về việc CHÚA GIÊSU CHO QUỶ NHẬP VÀO BẦY HEO (x. Mt8,23-34).
Nhiều người thắc mắc về chuyện này là “Tại sao Chúa lại làm thiệt hại kinh tế?”
Để hiểu Thánh Kinh, chúng ta không chỉ dừng lại ở tính lịch sử của tường thuật, mà phải vận dụng nhiều phương pháp, nhiều nghĩa… trong đó có vấn đề bút chiến và chuyển tải sứ điệp.

a, Bút chiến.
Bút chiến là dùng ngòi bút văn chương để biện minh hay đả kích một vấn đề thuộc tín ngưỡng, văn hoá hay hoàn cảnh.
Chẳng hạn ở Việt Nam, trong thời chống Mỹ, các truyện dân gian thường dùng hình ảnh con thỏ và con hổ (thỏ thì thông minh, hổ thì to con nhưng dại dột) để nhằm chê lính mỹ mang áo vằn như hổ to con và sức mạnh, nhưng thua cái trí của chiến sĩ nhỏ bé Việt Nam.
Trong Thánh Kinh, người Do Thái sử dụng nhiều lần “bút chiến” để đả phá niềm tin của dân ngoại, là cái cớ làm cho dân Israel bị sai lạc. Chẳng hạn chuyện sa ngã của ông bà nguyên tổ: Vùng xung quanh như dân Babilon và Ai Cập thờ thần Rắn, thì sách Sáng Thế của Do Thái lại nói đến con rắn chỉ là thụ tạo dưới quyền Chúa chứ không phải thần linh, và Rắn chỉ xứng đáng CHO NGƯỜI PHỤ NỮ (được xếp hàng thấp nhất trong Do Thái) ĐẠP LÊN ĐẦU.
Đặc biệt trong chuyện Giacop chạy trốn Laban cùng với hai người vợ của Giacop là con gái Laban, bà Rakhen vợ Giacop đã ăn cắp tượng (ephôt) thần Baal của cha mình. Khi Laban đuổi kịp đã đòi lục soát lấy lại tượng thần, thì Rakhen đã giấu dưới phản và ngồi lên trên rồi lấy lý do trong thời “khó ăn khó ở của đàn bà” không đứng lên được để khỏi bị Laban tìm thấy tượng thần. Một cách “bút chiến” khủng khiếp ở đây là tượng thần được cả dân Canaal phụng thờ và dùng để bói toán lại chỉ đáng cho một người đàn bà đang thời “ô uế” ngồi đè lên trên…( x. St 21,26-35). Nhưng tất cả nhằm chuyển tải một sứ điệp là chỉ có Thiên Chúa mới là Thần duy nhất và sự mê tín của dân ngoại là cạm bẫy cho dân Chúa, nên chỉ xứng đáng bị chà đạp và tránh xa.

Trở lại vấn đề của đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu trừ quỷ và cho phép nó nhập vào bầy heo, nói lên ý nghĩa:
- Heo là vật mà người Do Thái cho là dơ nhất, ai ăn thịt heo thì ô uế và lỗi luật nặng, thậm chí dân Do Thái thà chịu ‘tử đạo” chứ không ăn thịt heo (x 2Mcb 6,18-19…)
- Nơi Chúa Giêsu đến trừ quỷ cho một người là miền Giêrasa, là vùng dân ngoại, nơi mà dân Do Thái kỳ thị xem đó là nơi bị chúc dữ, nơi của mồ mả - chết chóc.
- Ma quỷ (thần ô uế) chỉ xứng với loài heo, và dân ngoại là kẻ làm cái nghề chăn heo đáng ghê tởm và ô uế.
• Tuy nhiên, chủ đích của tác giả Tin Mừng lại nhắm đến việc Chúa Giêsu phá bỏ ranh giới kỳ thị giữa Do Thái và dân ngoại. “Muốn bắt cọp phải vào tận hang” – Chúa Giêsu đến tận cùng của sự ô uế tội lỗi để cứu độ con người.
• Đặc biệt, Ánh Sáng đến thì bóng tối mất, sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa thì thời gian tung hoành của ma quỷ phải chấm dứt, khi quỷ phải kêu lên: “Lạy ông Giêsu, sao ông đến diệt chúng tôi sớm vậy?” – Chúng ta đang sống của thời Cứu Độ, nếu chúng ta có Chúa thì ma quỷ không làm gì được chúng ta.

b, Sự chuyển tải sứ điệp Tin Mừng qua ý nghĩa biểu tượng.
Cả 4 Tin Mừng, thì Tin Mừng nào viết sớm nhất cũng bắt đầu từ khoảng năm 60, nghĩa là sau khi Chúa Giêsu chết - phục sinh - về trời gần 30 năm sau. Trước đó chỉ là sự lưu lại qua truyền khẩu và trong ký ức của các Tông Đồ và môn đệ. Đặc biệt, các thánh sử đọc lại sự nghiệp của Chúa Giêsu nhờ ánh sáng Phục Sinh, nên viết Tin Mừng theo hướng nội dung sứ điệp hơn là tính lịch sử của sự kiện. Chính vì thế, tìm hiểu chuyện Chúa Giêsu cho quỷ nhập vào bầy heo mang ý nghĩa biểu tượng hơn là lịch sử tính.

Cả đàn heo ăn trên sườn NÚI chừng 2000 con lao xuống BIỂN chết hết.
*Núi: trong Thánh Kinh là nơi tốt lành, nơi của sự thánh thiện, nơi của việc cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi ngự trị của “thần linh”. Thiên Chúa đàm đạo với Môisê và ban lề luật trên núi Sinai, gặp gỡ ngôn sứ Êlia trên núi Khoreb… Chúa Giêsu lập Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc, hiển dung trên núi Tabo và thường xuyên lên núi cầu nguyện.
*Biển: theo quan niệm Thánh Kinh là nơi cư trú của thuỷ quái và quỷ dữ, là sào huyệt của satan, nơi của cuồng phong bão tố làm các môn đệ của Chúa Giêsu hoảng sợ và bị Chúa Giêsu dẹp tan.
- Ấy thế mà bầy heo ô uế lại ở trên “núi” – ma quỷ lại chiếm đoạt sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Nên đã bị Chúa Giêsu đẩy nhào xuống biển và bị tiêu diệt.
- Ma quỷ không xứng đáng được xâm phạm con người là hình ảnh Thiên Chúa, mà chỉ xứng đáng với bầy heo bẩn thỉu. Chúa phải cho xuất khỏi người và nhập vào heo.
- Một mình Chúa Giêsu đương đầu với “cơ binh quân đoàn quỷ dữ” để cứu lấy một con người về cho Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu trừ tận căn gốc của quỷ dữ khi nhấn chìm nó xuống biển là nơi sào huyệt của nó, trả lại sự thánh thiêng cho “núi” là nơi hiện diện của Thiên Chúa. Nghĩa là:
Triều đại ơn Cứu độ đã đến, Chúa Giêsu đòi lại chủ quyền của Thiên Chúa trên con người, Thiên Chúa ngự vào con người và đẩy ma quỷ khỏi con người.


 

 

 

 

THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mc 5,12-16

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: "Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."
Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Một lần kia ghé “nơi anh chị em bị bệnh phong cùi ở Di Linh”, tôi được mục kích tận nơi những nỗi khốn cùng từ tinh thần đến vật chất của họ. Dù thời nay khoa học đã phát triển rất nhiều có thể chữa khỏi hoặc ít là ngăn lại không cho bệnh phát triển. Chúng ta thử đặt mình trong thân phận một người cùi xưa kia thì sẽ thấy được nỗi khốn cùng của họ như thế nào.

Sách Đệ Nhị Luật và sách Lêvi đặt ra quy định hết sức khắt khe thậm chí nhẫn tâm cho người phong hủi. Họ bị coi là thứ ô uế và phải tách hẳn khỏi cộng đồng, sống những nơi ít bóng người qua lại, lỡ thấy ai đi qua thì phải la lên cho người ta biết mình bị hủi mà tránh xa, không cắt tóc cạo râu và luôn mang đồ rách (x.Lv13,45-46). Khi may mắn khỏi bệnh thì phải đến trình diện tư tế (tư tế kiêm luôn quyền bác sĩ) để họ thử nghiệm hai lần trong khoảng cách bảy ngày rồi mới được tuyên bố là sạch và phải dâng lễ để được gia nhập cộng đồng. nói cách vắn tắt là bị phong hủi thì coi như mất quyền làm người, và sau khi lành sạch, phải làm lễ tạ ơn để được quyền làm người. Ngay cả khi được sạch rồi, còn phải kiếm cho được con chiên để đem đến cho ‘tư tế” để được công nhận (x.Lv 13,1-18.45-46 và cả chương 14).

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giêsu để được chữa lành.

Chúng ta để ý đến hai chi tiết của tường thuật:

 

1. Lòng yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong khi luật của người Do Thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giêsu thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… nhưng tình thương Người cao hơn tất cả, ngài đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành.

Đang trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta mừng Chúa Giêsu Nhập Thể - từ cõi trời cao xuống nơi cơ hàn. Thì đây, tiếp theo Mầu Nhiệm Nhập Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thế của Người – cúi xuống để chạm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người và ra tay chữa lành họ.

Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này.

Đến lượt Kitô hữu chúng ta hôm nay, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ?

 

2. Thái độ cầu xin của người bị phong hủi.

Người phong hủi mang trên mình cả căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh quái ác là da thịt và các chi thể bị rơi rụng dần trong đau đớn. Tinh thần bị mất quyền làm người do “xã hội phi nhân đạo” tạo nên. Người phong hủi nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng. Tuy nhiên, qua thái độ của người này, chúng ta thấy toát lên một niềm tin phó thác mà ít ai có được.

Người phong hủi đã thân thưa với Chúa: “Lạy Thầy, NẾU THẦY MUỐN, Thầy có thể chữa con được sạch”

Người phong hủi không than trách tại sao Chúa quyền năng lại để cho phải đau khổ như thế, không cầu xin theo kiểu buộc Chúa theo ý mình, không ra điều kiện, nhưng phó thác hoàn toàn cho Chúa quyết định, xin vâng theo ý CHÚA MUỐN. Chúa muốn thì được sạch, Chúa không muốn cũng xin vâng.

Đây là thái độ của chúng ta cần học lấy tinh thần này, bởi không ít người trong chúng ta mỗi lần gặp thử thách là kêu trách Chúa, cầu nguyện với điều kiện, muốn Chúa theo ý mình hơn là mình sống theo ý Chúa.

 

Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta là, là thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí từ tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, cách này hay cách khác tự tách mình khỏi cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giêsu, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giêsu chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với bí tích Hoà Giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành. Hãy vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến trên mỗi chúng con, để chữa lành mọi thương tích tâm hồn, xin cho chúng con mỗi khi được Chúa thương chữa lành, cũng biết bước theo Chúa, ca ngợi và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH.

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 4, 14-22a

 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư hai điểm sau đây:

 

1. Khai mạc năm hồng ân.

Bài Tin Mừng này được coi là bản văn Khai Mạc Năm Thánh đầu tiên của Chúa Giêsu, khai mở một NĂM HỒNG ÂN, mà trong năm hồng ân này, Chúa Giêsu mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ là:

-Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,

-Giải thoát cho kẻ giam cầm,

-Chữa lành mắt cho người mù,

-Trả tự do cho người bị áp bức.

Và đặc biệt là “người tôi tớ” được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng.

 

Mọi người chúng ta, khi đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức (chức tư tế cộng đồng), cùng với những mục tử qua Bí Tích Truyền Chức (chức tư tế thừa tác). Tất cả đều được Thần Khí Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trong bổn phận riêng của mình, mà Tin Mừng đó là đem Chúa đến cho hết mọi người, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, giải thoát cho người đang bị trói buộc trong tội lỗi, xoá tan hận thù chia rẽ chiến tranh… Và làm cho lời tiên báo của ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu công bố được ứng nghiệm ngay ngày hôm nay. Đó là triều đại Thiên Chúa đã đến.

 

2. Sự cao cả của Lời Chúa.

“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giêsu đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.

Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đếu có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.

Giống như một lễ Ngũ Tuần nối dài trong cuộc đời Kitô hữu, vì ngày xưa các Tông Đồ nói một thứ tiếng mà nhiều người tuy ngôn ngữ bất đồng cũng đều hiểu cả, thì ngày nay cũng một đoạn Tin Mừng được công bố, mà mọi tín hữu bá nhân bá tánh, khác biệt cả về tri thức và nhận thức, khác biệt nhau về hoàn cảnh sống và tình trạng tâm hồn, nhưng ai cũng thấy Lời Chúa nói riêng với mình và đúng với hoàn cảnh của mình ngày hôm ấy. Chỉ tiếc là có nhiều bạn trẻ Công Giáo hôm nay, khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời “răm rắp”, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời “lắp bắp”. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Kitô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho Lời phát ra từ miệng Ngài, là lời được công bố Tin Mừng mỗi ngày, biến đổi, thánh hoá và cứu độ mọi người chúng con. Amen

 

 

 

 

 

 

THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mc 6,45-52

Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! " Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Sợ hãi như là một bản năng sinh tồn, và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Có người sợ sâu bọ, gián, chuột,  rắn rết; có người sợ bóng tối, sợ hồn ma chước quỷ. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn. 

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giêsu hoảng hốt sợ hãi trước  sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước.

Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giêsu thì lại lên núi cầu nguyện.

Như vậy, sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, Chúa cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành.

Ở đây, chúng ta tập chú suy niệm tình huống mà các môn đệ phải vật lộn sinh tử giữa biển khơi, qua hai ý tưởng sau đây:

 

1. Biển đời sóng gió.

Sự kiện sóng gió ập tới xô đẩy thuyền các môn đệ, không phải xảy ra giữa ban ngày mà là xảy ra giữa đêm tối. Theo Tin Mừng kể lại, thì trong suy nghĩ của các môn đệ lúc đó chỉ có chuyện ăn bánh vừa xong, chứ không nghĩ đến thầy Giêsu, vì không nghĩ đến Chúa nên khi thấy Chúa vẫn cứ tưởng là ma. Các môn đệ chưa thể tin nổi sự kiện quyền năng Chúa hoá bánh ra nhiều nên cũng chưa hiểu được quyền năng Chúa đang đi trên mặt nước mà đến với họ.

Đó là hình ảnh của biển đời và sự non kém của đức tin mỗi người chúng ta:

Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… tất cả làm cho người Kitô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.

Tại sao vậy?

Vì cũng như các môn đệ, trong tư tưởng lúc đó chỉ có chuyện “ăn bánh”, nghĩa là chỉ lo chuyện vật chất mà không nhớ đến Chúa, lo chống chọi bằng chính sức mình mà không có Chúa.

Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.

 

2. Mời Chúa lên thuyền.

Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi Ngài bước lên thuyền thì trời yên bể lặng.

Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ” chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỉ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên.

Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.

Khi Đức Giêsu lên thuyền, gió liền lặng. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giêsu, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.

Chúa Giêsu luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có để cho Ngài lên “thuyền cuộc đời” chúng ta không? Có để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta không? Đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu luôn chờ ta đến, để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời” chúng con, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.

 

 

 

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mc 6,34-44

 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! " Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? " Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! " Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Hôm nay, khi đến với dân chúng, Chúa Giêsu thực hiện hai công việc của Đấng Cứu Thế, đó là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm về việc Chúa chạnh lòng thương và nuôi dưỡng dân , qua tâm trạng và hành động của người, để rồi chúng ta cũng cố gắng mặc lấy tâm tình đó của Chúa mà đến với tha nhân:

 

1. Biết cảm thương như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người).
Tuy nhiên, Chúa không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). 
Từ đó, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta:
- Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Rồi  đi đến hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân: Chúng ta dừng lại ở các động từ “tạ ơn”, “bẻ ra” và “trao”.:
- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.
- Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.
- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.
- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.

 

2. Chính anh em hãy cho họ ăn.

Chúa chỉ đích danh từng người chúng ta, CHÍNH ANH, CHÍNH CHỊ, CHÍNH CON chứ không phải ông này bà kia cho họ ăn.
Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.
- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

Lưu ý, CHO chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra, đuổi khéo họ về cho họ vào làng mạc xung quanh để kiếm ăn).

Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại.
Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó…
Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy…
Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…


Tóm lại: 
Qua bài TM hôm nay, Chúa không những muốn ta có lòng cảm thương, mà còn cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng ta, cách riêng nơi chúng ta đang sống.

 

 Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mt 4,12-17.23-25

 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Nhớ lại trong bài tường thuật biến cố Chúa hiển Linh: Khi các nhà đạo sĩ ghé vào dinh Hêrôđê hỏi thăm thì ngôi sao dẫn đường biến mất, nhưng khi ra khỏi đó thì ngôi sao lại xuất hiện và dẫn họ đến Máng Cỏ Belem rồi đậu lại trên đó. Phải chăng, khi chúng ta đi tìm Chúa, chúng ta vẫn thích tìm Ngài nơi chốn vinh hoa? Thiết nghĩ nơi đó chỉ gặp thấy sự toan tính tranh dành ngai báu chức quyền và tìm cách hãm hại nhau (Hêrôđê); nơi đó ánh sáng lương tâm (ngôi sao) sẽ biến mất vì tranh dành quyền lợi, ánh sáng đức tin sẽ vụt tắt vì nghi ngờ nhau… Hãy ra khỏi đó, ra khỏi sự tranh chấp, hận thù, tính toán và hãm hại nhau, hãy sám hối, thì “ngôi sao” sẽ lại xuất hiện đưa chúng ta đến gặp Chúa. Chúa Hài Nhi đang ở Máng Cỏ Belem, nơi yên bình của sự nghèo khó, bình an và tràn ngập yêu thương, nơi của sự khiêm hạ và nghèo khó. Thật vậy, bao lâu chúng ta tìm Chúa vì sự sang trọng, vì quyền lợi và vì toan tính thì sẽ không bao giờ gặp được; nhưng nếu ta tìm Chúa trong sự thanh thoát và yêu thương thì sẽ gặp được Ngài.

 

Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ miền duyên hải thành Caphanaum (miền Galilea). Bắt đầu từ miền Galilea chứ không phải từ Giêrusalem – chúng ta có lý do để tiếp tục để suy niệm điều này tiếp nối với tư tưởng đã nói trên.  Thật vậy, Chúa Giêsu không chọn Giuđêa làm khởi điểm truyền giáo, dù Giuđêa có Giêrusalem giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo, nơi có đền thờ và có tư tế; mà Ngài lại chọn Galilea, là nơi đời sống xã hội phức tạp, đa tạp dân sinh và đa tôn giáo. Điều này để nói lên tính phổ quát của việc rao giảng Tin Mừng, đồng thời nói lên việc Chúa không chọn nơi mà tưởng chừng như được “ưu tiên” vì có đền thờ, có các đấng bậc và có “người có đạo”.

 

Tại sao vậy?

Bởi vì sứ điệp của Ngài rao giảng là: “Hãy sám hối…”. Ngài đi tìm 99 con chiên lạc trước chứ không phải tìm con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Ngài ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Ngài nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối nhưng qua ánh sao lạ đã tìm đến với Ngài, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Ngài. Ngài đến với những nơi mà người ta đem đến cho Ngài đủ thứ bệnh tật để được Ngài chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến với Ngài để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ghanh tị…

 

Tóm lại, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu rao giảng là kêu mời mọi người HÃY SÁM HỐI. Thật vậy, chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng. Sám hối là điều kiện đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Sám hối để nhận ra mình sai mà quay về, sám hối để rũ bỏ tất cả để được Chúa ngự vào…

 

Lạy Chúa Giêsu,

Ngài ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Xin cho chúng con luôn biết nhìn nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình và chạy đến với Chúa để được Chúa tha thứ và chữa lành. Amen.

 

 

 

 

 

 

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mt 2, 1-12

 

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

MỖI NGƯỜI LÀ ÁNH SAO CHO THA NHÂN GẶP CHÚA

Nếu như lễ Giáng Sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt với những người Do Thái qua các người chăn chiên, thì lễ Hiển Linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại qua mấy nhà đạo sĩ. Những hình ảnh đại diện cho Do Thái hay dân ngoại không phải xảy ra ở chốn vinh hoa quyền thế, cũng không phải nơi tấm lòng toan tính loại trừ, mà là hình ảnh của những mục đồng đơn sơ chất phát, và các đạo sĩ chân thành khát khao chân lý. 
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta 3 bài học:


1. Hành trình tìm gặp Thiên Chúa.
Thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia hay đạo sĩ thường nghiên cứu những chuyển động của các tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do Thái. 
Thái độ của các đạo sĩ là thái độ của những người tìm kiếm, khắc khoải đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với chân lý, công lý và tình thương. Và chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên họ đã gặp.
Sự xuất hiện của ánh sao lạ, dẫn đường cho các đạo sĩ, gợi lại hình ảnh cột lửa dẫn dân Israel trong hành trình sa mạc tiến về Đất Hứa. Các đạo sĩ mò mẫm tìm kiếm chân lý cho đến khi tìm gặp được Đấng là Chân Lý trong hình hài của một Hài Nhi.
Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách, nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa, như lời Chúa hứa: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,8).
Vì Thiên Chúa là thực tại sống động, không phải thứ đồ vật tĩnh lặng có thể nắm được trong tay, nên chỉ có thể tìm kiếm và gặp được trong từng thời điểm, chứ không thể nắm bắt một lần cho mãi mãi. 
Lại nữa, sự khát khao tìm gặp Thiên Chúa cần phải có sự chân thành, còn mọi toan tính loại trừ thì mãi mai xa Thiên Chúa và đi đến chỗ diệt vong. Giống như Hêrôđê, sau khi nghe tin Chúa Hài Nhi Giáng Sinh, ông cũng muốn tìm gặp, nhưng sự tìm gặp của ông chỉ nhằm để toan tính loại trừ, nên ông đã vĩnh viễn không bao giờ được gặp Ngài. Và ngôi sao một đàng là hy vọng, là niềm vui lớn cho mọi người thiện tâm như các đạo sĩ, lại nên điềm dữ báo nguy cho hạng người tàn ác như Hêrôđê. 

2. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà lại không nhận ra.
Một chi tiết đặc biệt ở đây là: Các đạo sĩ đi theo ánh sáng của ngôi sao, nhưng phải vào hỏi các tư tế biết Thánh Kinh, được nghe họ đọc cho nghe, và họ theo lời Thánh Kinh đó để ra đi và ngôi sao xuất hiện đem họ đến Bêlem. Nghĩa là họ dùng đường lối tự nhiên để tìm kiếm Thiên Chúa, và trong khi tìm kiếm Thiên Chúa, họ còn tìm đến với những người trong “đạo” giảng cho họ Thánh Kinh, và từ đó họ xác định được nơi đến gặp Chúa. Dân ngoại nhờ đường lối tự nhiên đã khởi sự tìm ra Chúa; trong khi dân Do Thái có Thánh Kinh mà không biết đến Người. Nói đúng hơn, dân ngoại cũng phải nhờ người Do Thái công bố Thánh Kinh thì mới thành công trong việc đi theo đường lối tự nhiên, bởi vì ơn cứu độ bởi dân Do Thái mà đến. Nhưng dân này đọc Thánh Kinh mà không hiểu, đang khi chỉ một vài chỉ dẫn của Thánh Kinh đã giúp được dân ngoại lên đường gặp Chúa.
Các thượng tế và kinh sư Do Thái là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người có chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững những kiến thức thần học, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Giêsu đến, những hiểu biết rộng rãi và sâu xa của họ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc tìm gặp Ngài. Họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, vì Kinh Thánh cho biết như thế. Nhưng họ biết để mà biết, để mà dạy người khác, để mà tự hào rằng mình hiểu biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô ích cho họ.
Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống thực tế. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ.

3. Mỗi người là một ánh sao
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu Thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
Ánh sao thì phải toả sáng, toả sáng để soi lối dẫn đường, để mọi người nhận ra Chúa ở đâu mà tìm đến với Người. Chúa mời gọi chúng ta phải là “ánh sáng cho trần gian”, bằng đời sống chứng nhân của mình, mọi người sẽ nhận ra Chúa đang thực sự hiện diện trong chúng ta mà trở về với Người.
Ước gì sau khi cử hành lễ Hiển Linh hôm nay, mọi người cùng bừng sáng lên như ánh sao, tức là có nếp sống tốt đẹp hơn, để soi sáng cho người khác biết Chúa, cùng đọc thấy ý Chúa nơi mọi sự việc xảy đến hằng ngày. 

Ngôi sao ấy biểu trưng cho ánh sáng, ân sủng và tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức Kitô. 
Chúng ta có thể thấy ngôi sao dẫn đường trong giáo lý và trong các bí tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu. 
Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.

Ba nhà đạo sĩ sau khi gặp được Chúa, họ không quay lại với Hêrôđê nữa, mà đi đường khác để trở về xứ sở.

 

Lạy Chúa Giê-su,

hôm nay con đến gặp Chúa, xin đừng để con quay trở lại đường xưa lối cũ đầy toan tính hận thù và hãm hại nhau của Hêrôđê, nhưng xin Chúa cho con bước đi tên con đường mới của Chúa. Amen.

 

 

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn