1
22:29 +07 Thứ năm, 28/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 56

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 11630

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271957

Tổng cộngTổng cộng : 27443462

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội

Thứ sáu - 27/05/2016 09:30-Đã xem: 3314
Lao động biểu dương các hồng ân của Đấng Tạo Hoá và những tài năng đã lãnh nhận. “Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng những vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, người thợ làng Nazareth và đã chịu chết trên thập giá, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Kitô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được mời gọi chu toàn
Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
 
Đề tài 7. Công lý và hoà bình trong xã hội: khởi đầu cho lòng thương xót
 
1. Sự dửng dưng toàn cầu hoá
 
Dửng dưng là đóng kín con tim trước tha nhân, nhắm mắt không nhìn thấy xung quanh mình, hay tránh né không để bị đụng chạm bởi các vấn đề của người khác, nhất là của những người cùng khổ, gặp nạn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thái độ dửng dưng ngày nay đã vượt quá ngưỡng cá nhân, thềm gia đình, để mang chiều kích toàn cầu[1]. Đức Thánh Cha nêu lên vài hình thức dửng dưng ngày nay:
 
– Trước hết là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa. Từ đó mà con người dửng dưng với tha nhân, với thiên nhiên, thế giới thụ tạo. Con người hiện đại, hậu hiện đại thường cho mình là tác giả của chính mình, của cuộc sống mình và của xã hội. Con người tự thấy mình đầy đủ không cần đến Thiên Chúa.
 
– Nhiều người có thông tin về thảm cảnh của đồng bào, đồng loại, nhưng mù mờ. Họ không cảm thấy được lôi cuốn, không sống cảm thương, nghĩa là không có lòng từ bi lân ái. Đó là thái độ của người biết, nhưng có cái nhìn, tư tưởng, hành động hướng tới chính mình. Thời đại của chúng ta, rất tiếc, gia tăng thông tin quá nhiều, nhưng rất thiếu sự quan tâm từ con tim biết liên đới, từ lương tâm rộng mở.
 
– Trường hợp khác: dửng dưng bởi thiếu chú ý đối với các thực tại xung quanh, đặc biệt là các thực tại ở xa. Không hỏi thăm tin tức, không tìm kiếm, họ điếc trước tiếng kêu than của nhân loại khổ đau, chỉ biết hưởng thụ của cải mình có. Không có khả năng cảm thương, chạnh lòng trước thảm cảnh, như thể tai hoạ, bất công xảy ra là trách nhiệm xa lạ của ai đó khác, không phải của tôi.
 
– Sống trong một Ngôi Nhà Chung là Trái Đất, chúng ta không thể dửng dưng về tình trạng sức khỏe của nó. Ô nhiễm môi sinh: nguồn nước, không khí, khai thác rừng không phân biệt, là hậu quả của sự dửng dưng đối với người khác.
 
2. Hoà bình bị đe doạ
 
Dửng dưng tạo thái độ khép kín, không dấn thân, rốt cuộc nó góp phần đẩy Thiên Chúa ra xa thế giới con người, làm vắng bóng hoà bình. Sự dửng dưng đối với Thiên Chúa ngày nay vượt quá phạm vi cá nhân lấn nhanh vào phạm vi đời sống công cộng xã hội.
 
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói có một nối kết mật thiết giữa việc làm vinh danh Chúa với việc xây dựng hoà bình của con người trên trái đất này[2]. Bởi thế, nếu “không rộng mở ra với Đấng siêu việt, con người dễ trở thành mồi ngon cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hoà bình”[3]. Trước một số hiện tượng gây hấn, xâm lấn của một số thế lực lớn áp đảo dân nước nhỏ, ta thấy lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng Bênêđictô là tiên tri: “Lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực”[4].
 
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở: “Trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, sự thờ ơ đối với tha nhân, con đẻ của sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, mang dáng vẻ của sự bất động và không dấn thân, chúng dưỡng nuôi việc kéo dài các tình trạng bất công và mất quân bình xã hội trầm trọng. Tới lượt mình, chúng có thể dẫn đưa tới các xung đột, hay trong mọi trường hợp, làm nảy sinh một bầu không khí bất mãn có nguy cơ, mau hay chậm, bùng nổ thành bạo lực và bất an”[5].
 
3. Liên đới: khởi đầu của Lòng Thương Xót
 
Kỷ niệm 50 năm sau Công đồng hai tài liệu Nostra Aetate và Gaudium et Spes diễn tả cách hùng hồn ý thức liên đới của Hội Thánh với thế giới. Trong Tuyên ngôn Nostra Aetate Hội Thánh được mời gọi rộng mở cho việc đối thoại với các tôn giáo không Kitô. Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, từ lúc “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo và nhất là của tất cả những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”[6], thì Hội Thánh đã ước mong thiết lập một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại liên quan tới các vấn đề của thế giới, như dấu chỉ của tình liên đới và sự trìu mến tôn trọng[7].
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sứ điệp gửi thế giới Ngày Hoà Bình Thế giới 2016: “Trong viễn tượng này, cùng với Năm Thánh Lòng Thương Xót tôi muốn mời gọi Hội Thánh cầu nguyện và hoạt động để mọi tín hữu Kitô có thể có một con tim chín muồi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới hiện đại tạo ra một cách bi đát”, không “rơi vào sự dửng dưng coi thường, không rơi vào thái độ thói quen máy móc làm tê liệt tâm hồn và ngăn cản khám phá những sự mới mẻ, không rơi vào thái độ hoài nghi cay độc hủy diệt”[8].
 
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
 
1. Trong gia đình, trong khu xóm, làng xã, trường học, trong giáo xứ anh chị, đã và đang có những hoạt động gì để làm sạch môi sinh? Có những “điểm nóng” nào cần thúc đẩy, cổ võ kêu gọi mọi người cùng hợp tác hơn nữa để kiến tạo công lý và hoà bình?
 
2. Anh chị cảm thấy gì trước tiếng kêu gào của các nạn nhân trong thảm hoạ môi trường ô nhiễm, tiếng kêu thét của thiên nhiên bị tàn phá bởi dã tâm và sự ích kỷ của con người?
 
3. Anh chị hiểu như thế nào về nối kết giữa việc người Kitô hữu chúng ta sống Lòng Thương Xót và bổn phận xây dựng công lý và hoà bình?
 
 
 
 
 
 
 
––––––––––––––––––––––
 
[1] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2016, 3
 
[2] Cf. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, ngày 7.01.2013.
 
[3] Ibid.
 
[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Phát biểu ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Assisi ngày 27.10.2011.
 
[5] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2016, 4.
 
[6] CĐ Vatican II, Hch. Gaudium et Spes, 1.
 
[7] Ibid. 3.
 
[8] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới, 2; cf. Misericordiae vultus, 14-15.
 
 
Văn Phòng HĐGMVN
 
Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
 
Đề tài 6. Đối thoại xã hội: truyền thông lòng thương xót
 
Cần không ngừng chiêm ngắm Dung mạo Lòng Thương Xót mầu nhiệm của Thiên Chúa, vì đó là nguồn suối của hoan lạc, thanh bình, và bình an. Ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc điều đó. Thương Xót tỏ lộ chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Ngàn Trùng Chí Thánh, là hành động tối thượng và tối hậu của Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Từ đó, Thương Xót trở thành luật cơ bản trong con tim của kẻ chân thành nhìn sâu vào ánh mắt của anh chị em mình trên hành trình cuộc đời. Đó chính là ý nghĩa và môi sinh trong lành nhất cho mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại trong gia đình và xã hội. Như thế, Thương Xót vừa là chiếc cầu nối Thiên Chúa và con người, mở ra niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi dẫu chúng ta bất xứng vì phạm tội, vừa là thông điệp tin mừng cuối cùng muốn loan báo. Đối với Kitô hữu, mọi cuộc đối thoại ở mọi cấp độ thuộc mọi lãnh vực (trong gia đình, giữa các gia đình, tại môi trường nghề nghiệp, với người nghèo, với xã hội, với văn hóa, liên tôn, trong kinh tế-chính trị…) đều là đối thoại cứu độ.
 
1. Đối thoại cứu độ
 
Từ sau Công Đồng Vatican II, quan hệ giữa Hội Thánh và thế giới hôm nay vẫn luôn được đặt nặng và theo đuổi trong tinh thần đối thoại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận “tính cách quan trọng của đối thoại như một thể thức đặc trưng của đời sống Hội Thánh tại châu Á”[1]. Ước muốn đối thoại không phải là một chiến lược để sống chung hòa bình giữa các dân tộc, nhưng là phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh[2], vì nhằm thông chuyển Tình yêu thể hiện qua Lòng Thương Xót muốn cứu độ. Đó là đối thoại của Thiên Chúa Cha ban ơn cứu độ với nhân loại, qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần, thể hiện nơi Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm và là Bí tích phổ quát của Chúa Kitô.
 
Hội Thánh chỉ có thể chu toàn sứ mạng theo đường lối hành động của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Người đã thành con người, chia sẻ cuộc sống của con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Đối thoại mà Hội Thánh đề xuất cũng theo cùng đường lối Mầu nhiệm Nhập thể. Chúng ta không quên:
 
– Sáng kiến đối thoại là của Thiên Chúa (1Ga 4,10). Đến lượt chúng ta phải có sáng kiến nới rộng cuộc đối thoại đó đến mọi người. Hội Thánh không chờ đợi mà phải đi bước trước.
 
– Đối thoại bắt nguồn từ Tình Thương, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Ga 3,16). Chỉ có tình yêu, lòng nhiệt thành vô vị lợi thúc đẩy chúng ta, mà không có động lực nào khác.
 
– Đối thoại vô cầu (không đo bằng công trạng, hay sự đáp ứng xứng hợp), vô giới hạn, không tính toán, không so hơn thiệt, không định mức cho đối thoại.
 
– Đối thoại không cưỡng chế ai đón nhận, nhưng mời gọi yêu thương, khơi trách nhiệm, để con người hoàn toàn tự do hay từ chối. Đối thoại còn tự thích nghi với nhu cầu và tâm trạng mỗi người.
 
– Đối thoại dành cho mọi người, không phân biệt (Cl 3,11).
 
– Đối thoại cứu độ là một hành trình tiệm tiến, kiên nhẫn, khởi đầu khiêm tốn, vì “thời gian lớn hơn không gian”[3]: cần thời gian cho sự chín muồi về tâm lý, về lịch sử, biết chờ đợi “thời gian viên mãn”, nhưng không triển hạn đến ngày mai cái có thể làm hôm nay. Nhạy cảm với thời cơ thích hợp và ý thức giá trị thời gian. Mỗi ngày chúng ta một đổi mới, bắt đầu lại, không chờ đợi bên đối tác.
 
2. Đức tính cần cho đối thoại
 
Đối thoại cứu độ có thể nói là một nghệ thuật truyền thông thiêng liêng, nên chủ thể đối thoại cần có những đức tính sau đây trong khi tiến hành đối thoại: minh bạch, dịu dàng, tin tưởng, khôn ngoan.
 
– Trước tiên là sự minh bạch. Đối thoại với nhau là để hiểu nhau. Do đó nội dung trao đổi phải rõ ràng, dễ hiểu, không mơ hồ, không úp mở, dẫu phải hết sức tế nhị. Đối thoại là cách truyền đạt tư tưởng mời gọi vận dụng những khả năng cao nhất của con người.
 
– Kế đến là sự dịu dàng. Như Chúa Giêsu dạy “hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt11,29). Lời lẽ đối thoại không được tỏ ra kiêu căng, châm chích, gây phật lòng người khác. Sức thuyết phục do uy quyền tự bên trong của chân lý được trình bày, từ tình yêu – thương xót mà nó tỏa ra, từ gương sống động của người đối thoại.
 
– Đức tính thứ ba là tin tưởng. Tin vào sức mạnh của lời nói của mình, tin vào sự cởi mở và khả năng đón nhận của đối tác. Lòng tin tưởng khơi gợi mở lòng, tâm sự, tạo tình thân. Tin tưởng kết nối các tâm trí, cùng tâm tình, gắn bó với điều tốt đẹp, loại trừ ích kỷ.
 
– Sau cùng là sự khôn ngoan. Biết lưu tâm đến tâm trạng và tinh thần của người đối thoại (Mt 7,6). Thích ứng tùy theo đối tượng: có khi là đứa trẻ con, có lúc với kẻ không có văn hóa, khi thì với người trí thức … lưu ý đến những điểm nhạy cảm.
 
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
 
1. Trong gia đình, trong khu xóm, làng xã, trường học, trong giáo xứ anh chị, đã và đang có những loại gặp gỡ và đối thoại nào? Có những “nơi” nào cần thúc đẩy, cổ võ đối thoại hơn nữa?
 
2. Anh chị có cảm thấy niềm vui của tình yêu cứu độ thúc đẩy mình đi ra gặp gỡ đối thoại với mọi người, với cả “kẻ thù ghét” mình không?
 
3. Người lãnh đạo cộng đoàn của anh chị, và chính anh chị thấy cần chú ý rèn luyện và tập sống đức tính nào nhất trong những đức tính cần cho đối thoại?
 
––––––––––––––––––––
 
[1] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, 3.
 
[2] Ibid., 29.
 
[3] ĐGH PHANXICÔ, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin mừng), 222-223. “Thời gian lớn hơn không gian” là một trong bốn nguyên tắc của ĐGH Phanxicô đưa ra trong Tông huấn. Nguyên tắc này giúp ta làm việc chậm mà chắc chắn, không để bị chi phối quá mức bởi kết quả tức thời. Nó giúp ta kiên trì chịu đựng khó khăn và nghịch cảnh, những đổi thay bắt buộc trong kế hoạch của ta. Nó mời gọi ta đối diện và chấp nhận sức căng thẳng giữa cái viên mãn và hoàn cảnh giới hạn hiện tại, và ưu tiên cho yếu tố thời gian (số 223).
 
Văn Phòng HĐGMVN
 
Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
 
Đề tài 5. Lao động thể hiện phẩm giá thụ tạo
 
theo hình ảnh của Đấng hay thương xót
 
1. Học thuyết xã hội của Hội Thánh Công giáo là công cụ hữu hiệu của Phúc-âm-hoá
 
Hội Thánh luôn băn khoăn thao thức tìm cách làm sao để công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong các mối quan hệ xã hội vốn phong phú mà cũng phức tạp. Công cuộc Phúc-âm-hoá xã hội may mắn có chỉ nam hướng dẫn của Hội Thánh đặc biệt nhất là Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Học thuyết xã hội của Giáo hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc-âm-hoá”.[1] Học thuyết xã hội, vốn khai sinh từ những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội, cho nên đó là một phương cách đặc biệt để Hội Thánh thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ.[2] “Thật vậy, giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là những việc làm có liên quan tới sứ mạng Phúc-âm-hoá của Giáo hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì học thuyết ấy cho biết những hậu quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Đức Kitô Cứu Thế”.[3]
 
Một lưu ý cần thiết đầu tiên Công đồng nhắc nhở: Giáo hội không lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc, nghĩa là phạm vi tôn giáo. “Đức Kitô không để lại cho Giáo hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa”.[4]
 
2. Lao động là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội
 
Đức Giáo hoàng Thánh Gioan Phaolô II qua thông điệp Laborem Exercens (1981) đã vạch ra một nền linh đạo và đạo đức cho lao động, giá trị căn bản của con người, là nhân tố trên hết của các hoạt động kinh tế và là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội.[5] Lao động được hiểu không chỉ theo nghĩa khách quan và vật chất, mà còn phải ghi nhớ chiều kích chủ quan của lao động, như một sự biểu hiện bản thân.
 
Theo nghĩa khách quan, lao động là “tổng hợp những hoạt động, những tài nguyên, những phương tiện và công nghệ mà con người dùng để sản xuất ra sự vật, để thi hành quyền thống trị của mình trên trái đất”. Theo nghĩa chủ quan, “lao động là hoạt động của con người trong tư cách là một hữu thể năng động có khả năng làm nhiều việc trong tiến trình lao động, phù hợp với thiên hướng riêng của mình”. Lao động theo nghĩa khách quan là khía cạnh hay thay đổi vì lệ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện công nghệ, văn hoá, xã hội và chính trị. Còn lao động theo nghĩa chủ quan là khía cạnh bền vững của lao động, không lệ thuộc vào cái người ta sản xuất ra mà chỉ lệ thuộc vào phẩm giá của những con người. Khía cạnh chủ quan của lao động này đã làm cho lao động có được một phẩm giá đặc biệt, khiến chúng ta không được phép coi lao động chỉ là một hàng hoá hay chỉ là một yếu tố phi ngôi vị trong guồng máy sản xuất. “Con người mới chính là thước đo phẩm giá của lao động”.[6] Phải đặt khía cạnh chủ quan ưu tiên hơn khía cạnh khách quan của lao động, vì đó là khía cạnh của chính con người đang tham gia lao động, con người đang quyết định phẩm chất và giá trị cuối cùng của lao động. Lao động phát xuất từ con người và chủ yếu hướng tới con người, lấy con người làm mục tiêu cuối cùng của mình.
 
3. Phẩm giá của con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, thể hiện qua lao động
 
Lao động của con người xuất phát trực tiếp từ những con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi để tiếp nối công trình tạo dựng, cùng với nhau và cho nhau, bằng việc làm chủ trái đất.[7] Vì vậy lao động là một bổn phận.[8] Lao động biểu dương các hồng ân của Đấng Tạo Hoá và những tài năng đã lãnh nhận. “Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng những vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, người thợ làng Nazareth và đã chịu chết trên thập giá, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Kitô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được mời gọi chu toàn. Lao động có thể là một phương thế thánh hoá và làm sinh động các thực tại trần thế trong Thần Khí của Đức Kitô”.[9] Như vậy, khi lao động con người thể hiện phẩm giá làm con Thiên Chúa vì được tạo dựng và cứu chuộc trong Đức Kitô, Dung mạo nhân loại của Lòng Thương Xót vĩnh cửu.
 
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
 
1. Anh chị có lúc nào cảm nhận được niềm vui và hứng khởi của người làm việc “trong vườn nho” của Chủ mình, là Thiên Chúa là Cha, tại nhà hay tại nơi làm việc, trong xã hội hay Giáo hội không?
 
2. Đôi khi trong công việc phục vụ hay lao động, anh chị có gặp thế lưỡng nan phải chọn lựa giữa hiệu quả công việc và sự hài hoà giữa người với người, lúc đó anh chị thường xuyên chọn cái gì: con người hay hiệu quả công việc?
 
3. Là người lãnh đạo, lớn hay nhỏ, anh chị có quan tâm đến lương bổng và đời sống của những người dưới quyền mình hay không? Quan tâm như thế nào?
 
 
 
–––––––––––––––––––––––––––––––––
 
[1] Gioan Phaolô II, Tđ. Centesimus Annus (Bách Chu niên), 54.
 
[2] Gioan Phaolô II, Tđ. Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến các thực tại Xã hội), 41.
 
[3] Gioan Phaolô II, op. cit., 5. X. HĐTT CLHB, “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”, Libreria Editrice Vaticana 2004, bản dịch Việt ngữ của UB Bác Ái Xã hội/ HĐGMVN 2007, NXB Tôn Giáo.
 
[4] CĐ Vatican II, Hch. Gaudium et Spes, 42.
 
[5] X. HĐTT CLHB, “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”, 101.
 
[6] Ibid., 271.
 
[7] X. GLHTCG, 2427.
 
[8] X. 2Tx 3,10.
 
[9] X. GLHTCG,2427.
 
 
 
Văn phòng HĐGMVN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn