1
02:20 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 73

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 49


Hôm nayHôm nay : 1426

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 274417

Tổng cộngTổng cộng : 27445922

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

5 phút Lời Chúa tháng 10/ 2015

Chủ nhật - 11/10/2015 20:00-Đã xem: 1661
Tin Mừng hôm nay thuật lại sự vui mừng hớn hở của Bảy mươi hai môn đệ sau khi trở về từ một chuyến truyền giáo thành công rực rỡ. Chia sẻ niềm vui với các ông nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các học trò của mình rằng: Đừng vui mừng vì sự thành công của mình, cũng như đừng vui mừng vì ma quỷ khuất phục các ông nhưng hãy vui mừng vì nước Thiên Chúa đang dược mở rộng và mình được ghi tên làm công dân Nước Trời.
5 phút Lời Chúa tháng 10/ 2015

5 phút Lời Chúa tháng 10/ 2015

BÀI HAI
ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM (1)
H. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bắt đầu năm nào?
T. Năm 1533, khi Thừa sai I-ni-khu đến giảng đạo tại làng Ninh Cường và Trà Lũ, tỉnh Nam Định.
---------

Diễn giải:
Để sửa soạn tâm hồn, long trọng cử hành  Đại Lễ Tạ Ơn, mừng 60 năm Giáo phận, ngày 1/12/2015 sắp tới, chúng ta nhìn lại sơ lược Lịch Sử Giáo Phận, để ghi ơn các tiền nhân, và học hỏi những kinh nghiệm đã qua, hầu tiếp tục công cuộc “Đến Với Muôn Dân”.
Trước tiên, chúng ta cần nhìn lại những sự kiện nổi bật trong lịch sử chung của Giáo Hội Việt Nam:
- Năm 1533, có một Thừa sai, có lẽ là một cha Tây Ban Nha, tên là I-ni-khu, đến giảng đạo tại làng Ninh Cường và Trà Lũ, tỉnh Nam Định, phía Bắc Việt Nam.
- Năm 1550, cha Gát-pa đệ San-ta Kru, đặt chân lên đất Hà Tiên, bắt đầu công cuộc truyền giáo tại phía Nam Việt Nam.
- Năm 1580 cha Lu-y đệ Phông-sê-ca và Grê-gô-ri-ô đờ La-mốt đến giảng đạo tại Quảng Nam (Miền Trung). Quân đội Nguyễn Hoàng đã giết cha Phông-sê-ca đang khi ngài dâng lễ; còn cha La-mốt về sau cũng chết vì bị trọng thương.
- Ngày 18.1.1615, hai cha Phan-xi-cô Bu-dô-mi và Đi-ê-gô Các-van-hô, cùng với 1 thầy Bồ đào nha, và 2 thầy Nhật bổn, từ Ma-cao đến truyền giáo tại cửa Hàn (Hội an). Cuối năm 1624, có cha Đắc Lộ, người Pháp đến giảng đạo.
Các Thừa sai đã đã thích nghi với tiếng nói, phong tục Nước ta; chấp nhận gian khổ, bách hại: Trong số 117 Thánh tử đạo tại Việt Nam, có 6 giám mục  và 5 linh mục Tây Ban Nha; 2 giám mục  và 7 linh mục Pháp.
-  Về  phần Cha Ông chúng ta: đã mau mắn đón nhận Đức tin, dù đã phải trải qua nhiều bách hại vì những sắc chỉ cấm đạo của các vua chúa. Những chứng nhân Việt Nam đầu tiên là: Anh Phan-xi-cô,dù bị ông chủ là một hoàng thân cấm đoán, vẫn đi chôn xác người chết, nên anh đã bị giết năm 1630; còn Thầy giảng An-rê Phú Yên: bị bắt năm 1644, lúc mới 19 tuổi. Khi Thầy bị chém đầu, trên môi và từ cổ họng bị chém đứt, vẫn mấp máy Tên Giêsu.
- Giáo hội Việt Nam đã thực sự lớn lên:
. Với các Thầy giảng, đã cộng tác đắc lực với các Cha Thừa sai, để dạy giáo lý, điều hành, duy trì các cộng đoàn. Lớp đầu tiên tại Hà Nội năm 1630, tại Quảng Nam, năm 1643.
. Với việc đóng góp đặc biệt vào tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ: Năm 1651, Cha Đắc Lộ đã cho xuất bản tại Rô-ma các cuốn: “Tự điển Việt-Bồ-La”, “Văn phạm An-nam”, “Phép giảng tám ngày”, bằng tiếng La tinh và Việt nam.
. Với những linh mục Việt Nam tiên khởi, là cha Giuse Trang, Luca Bền (Đàng trong), Bênêđíctô Hiền, Gioan Huệ (Đàng ngoài), đã được Đức cha Lam-be-đơ-la-Mốt truyền chức tại Thái Lan, năm 1668.
. Với Cộng đoàn nữ tu đầu tiên là Dòng Mến Thánh Giá. Lễ Tro năm 1670, Đức cha Lam-be-đơ-La-Mốt đã nhận lời khấn của 2 nữ tu Việt nam tiên khởi, tại Kiên lao (Thanh hóa).
. Với các tín hữu Việt nam tiên khởi, mà Cha Đắc Lộ  đã hết lời khen ngợi: “Tôi thấy có bao nhiêu người Công giáo là có bấy nhiêu thiên thần. Ơn Phép Rửa đã ban cho họ tinh thần của các Tông đồ, và của các Thánh tử đạo tiên khởi của Hội thánh”.
Ước mong tinh thần tông đồ này cũng được khơi dậy, nơi mỗi người trong Giáo phận Cần Thơ chúng ta, trong Năm Thánh Tâm, mừng 60 năm thành lập Giáo Phận.
 

BÀI BA
ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM (2)
H. Tòa thánh đã thiết lập những giáo phận đầu tiên tại Việt Nam khi nào?
T. Ngày 9.9.1659, Toà thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên: Đàng trong và Đàng ngoài.
------------------

Diễn giải:
- Ngày 9. 9.1659, Toà thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên: 1. GP. Đàng trong (trong Nam), từ sông Gianh, Quảng bình, trở vào Nam, với Đức cha Lam-be-đơ-la-Mốt; 2. GP. Đàng ngoài (ngoài Bắc), từ sông Gianh trở ra Bắc, với Đức cha Phan-xoa Pal-lu.
- Đức cha Lam-be-đơ-La-Mốt đã chủ tọa Công đồng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, tại Phố Hiến (Đà Nẵng), ngày 14.2.1670, đưa ra chương trình: thiết lập các Họ đạo; chọn Thánh cả Giuse làm bổn mạng Giáo Hội Việt Nam; lập “Nhà Đức Chúa Trời” để đào tạo các chủng sinh.
- Có nhiều Giám mục tiếp nối nhau đại diện Tông tòa, cách riêng là tại Đàng Trong (phía Nam). Nhưng thời Đức cha Bá đa Lộc, tình hình xã hội hết sức nhiễu nhương, phức tạp và tế nhị. Tuy vậy, dù không nhiều hiệu quả, Đức Cha vẫn luôn chấn chỉnh lại công cuộc truyền giáo, quan tâm việc đào tạo linh mục bản xứ, tổ chức lại cơ sở các họ đạo.
- Thời Tây sơn (1775-1800): tình hình Công giáo nam bộ rất khó khăn, vì chiến tranh, loạn lạc, nhất là vì thiếu linh mục.
- Đến thời vua Gia long, Công giáo được yên ổn và công khai truyền đạo. Nhưng đến thời các vua: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), người công giáo phải chịu bách hại nặng nề: Trong 117 Thánh Tử Đạo VN, có 58 Vị vào thời Minh Mạng (20 năm, với 7 sắc chỉ cấm đạo), 50 vị vào thời Tự Đức (với 12 sắc chỉ).
- Năm 1844, Tòa thánh chia giáo phận Đàng Trong thành hai: Giáo phận Đông-Đàng-Trong, là Qui Nhơn, từ sông Gianh tới Biên Hòa; và GP. Tây-Đàng-Trong, là Sài-gòn, tới Hà tiên, Châu Đốc, và bao gồm cả nước Campuchia và nam Lào, tới Viên-chan.
- Năm 1850, thời vua Tự Đức, Tòa Thánh thiết lập giáo phận NAM VANG, và sáp nhập vào giáo phận này các tỉnh thuộc miền Hậu Giang, là Châu Đốc và Hà Tiên (lúc đó gồm: Châu Đốc, Hà tiên, Long xuyên, Rạch giá, Cần thơ, Sa đéc, Sóc trăng, Bạc liêu).
- Năm 1858, quân đội Pháp đổ bộ lên Đà nẵng, rồi chiếm Sàigòn, đặt nền đô hộ trên đất nước Việt nam. Việc truyền giáo gặp những khó khăn, vì người công giáo bị hiểu lầm là theo Tây, và cũng vì các cuộc bách hại; cách riêng là do phong trào Văn Thân (1885-1886), với khẩu hiệu "bình tây, sát tả" (Dẹp Pháp, giết Công giáo"), họ “kéo đi đốt phá những làng có đạo”, có tới khoảng 60.000 người Công Giáo bị sát hại.
Tính chung lại, Giáo Hội Việt Nam đã tiến dâng lên Thiên Chúa 130.000 chứng nhân tử đạo. 117 Vị đã được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên thánh ngày 19.6.1988, gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh, 42 giáo dân; có 1 thánh nữ là bà I-nê Lê Thị Thành.
Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện, để khi ôn lại những trang sử kiên hùng này của Cha Ông chúng ta, các chứng nhân anh hùng Tử đạo Việt Nam, mỗi người trong Giáo phận Cần Thơ chúng ta càng thêm can trường bước đi theo Chúa, để hăng say đón nhận, và đem “Niềm Vui Tin Mừng” đến với muôn dân.


THỨ NĂM: 01. 10. 2015

Mt 18,1-5
1. Ghi nhớ: “ Ai đã tra tay cầm cây mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với nước Thiên Chúa ” . (Lc 9, 62)
2. Suy Niệm: Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng kính Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Trong ngày lễ mừng kính vị thánh trẻ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Lời Chúa này để thấy được quyền năng của Thiên Chúa thật lớn lao. Chúa từng chọn những con người nhỏ bé, kém cỏi để làm những công việc lớn lao. Hầu không ai còn dám tự phụ trước mặt Chúa. Kẻ được Chúa thương, được vào Nước Trời là những người có tâm hồn “ trẻ thơ ” , một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn. Vì thế muốn vào Nước Trời ta phải có tâm hồn như “ trẻ nhỏ ” hoàn toàn phó thác và phụ thuộc gắn bó với Thiên Chúa là Cha.
3. Sống Lời Chúa: Làm những việc nhỏ bé với tinh thần yêu thương cao cả.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn thánh Têrêsa một người nhỏ bé và nâng lên bậc đại thánh. Xin cho chúng con cũng biết sống gắn bó với Chúa, cậy dựa vào Chúa để được sống bên Chúa. Amen.
 

THỨ SÁU: 02. 10. 2015

Mt 18,1-5. 10
1. Ghi nhớ: “ Đừng coi thường những trẻ nhỏ này, vì các Thiên Thần của họ không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy trên trời ” . (Mt 18,10)
2. Suy Niệm: Chúng ta biết được các Thiên Thần nhờ vào mạc khải của Kinh thánh. Truyền thống Giáo Hội tin rằng mỗi người chúng ta có một thiên thần bản mệnh luôn đồng hành với ta. Các Ngài gìn giữ và bảo vệ và dẫn chúng ta đến nơi mà Chúa đã dành sẵn cho ta. Các Ngài cũng được gọi là sứ giả của Thiên Chúa, được thừa hưởng quyền năng và ân sủng của Chúa. Chúng ta đang sống trong thế giới với đầy rẫy sự cám dỗ, sự bất tuân lề luật Chúa …. là những cản trở để được vào Nước Trời. Xin các Thiên Thần ở kề bên nhắc nhở gìn giữ để chúng ta vượt qua thử thách cam go làm chúng ta lìa xa Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Năng nhớ đến các Thiên Thần và cầu nguyện với các Ngài.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sai các Thiên Thần Chúa để gìn giữ chúng con trên mọi nẻo đường đời để con luôn trung thành với Chúa. Amen.
 

THỨ BẢY: 03-10-2015

Lc 10, 17-24
1. Ghi nhớ: “ Nhóm Bảy Mươi Hai trở về hớn hở nói: Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma qủy cũng phải khuất phục chúng con ”. (Mt 10, 17)
2. Suy Niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại sự vui mừng hớn hở của Bảy mươi hai môn đệ sau khi trở về từ một chuyến truyền giáo thành công rực rỡ. Chia sẻ niềm vui với các ông nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở các học trò của mình rằng: Đừng vui mừng vì sự thành công của mình, cũng như đừng vui mừng vì ma quỷ khuất phục các ông nhưng hãy vui mừng vì nước Thiên Chúa đang dược mở rộng và mình được ghi tên làm công dân Nước Trời. Lời nhắc nhở này được Thánh Phanxicô Assisi thực hiện một cách triệt để. Thánh Phanxicô Assisi mà chúng ta mừng kính hôm nay cả cuộc đời thánh nhân dành tất cả để làm sáng danh Chúa. Dẫu chỉ bị người đời xem như kẻ dại khờ, người ăn mày khố rách áo ôm, nhưng Phanxicô đã âm thầm hy sinh chịu đựng, sẵn sàng bị khinh khi nhục mạ để làm sáng danh Chúa. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Vinh danh Chúa hay bản thân mình?
3. Sống Lời Chúa: Nguyện cho danh Chúa được cả sáng
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đặt niềm tin cậy mến trọn vẹn vào Chúa hơn là thú vui chóng qua ở đời này. Amen.
 

CHÚA NHẬT XXVII TN.: 04-10-2015

Kính trọng thể Đức mẹ Mân Côi
Mc 10, 2 - 16
1.Ghi Nhớ:“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” ( Lc10,9)
2.Suy Niệm: Hôn nhân là một giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ, được Thiên Chúa thiết lập ngay từ buổi đầu tạo dựng. Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa xác quyết luật hôn nhân là đơn hôn và vĩnh viễn, nghĩa là chỉ một vợ, một chồng và không thay đổi, không ly dị. Ai tự ý huỷ bỏ giao ước hôn nhân là vi phạm luật Chúa. Là người kitô hữu, hôn nhân là một ơn gọi, là con đường nên thánh. Vì vậy, chúng ta cần phải ý thức và trân trọng những giá trị cao quý của đời sống hôn nhân, và cố gắng chăm lo tạo lập gia đình thánh thiện.
3.Sống Lời Chúa: Biết quý trọng ơn gọi hôn nhân gia đình.
4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin chúc phúc cho mỗi gia đình, cách riêng gia đình kitô hữu chúng con, để chúng con luôn trung thành và chung thuỷ với nhau suốt đời. Amen.
 

THỨ HAI: 05-10-2015

Lc 10, 25-37
1. Ghi nhớ: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi ” (Lc 10, 29)
2. Suy Niệm: Người thông luật không phải không biết điều răn quan trọng mang lại sự sống đời đời vì khi Chúa Giêsu hỏi lại, anh trả lời một cách lưu loát. Nhưng ở đây anh muốn đi tìm một định nghĩa vì người thân cận nên mới đặt cho Chúa Giêsu câu hỏi gay go này, vì chưng người Do Thái giới hạn người thân cận chỉ là những người trong gia tộc (Xh 20, 16-17; Xh 21, 17-25). Nên Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời mà kể một dụ ngôn của người Samaria . Bởi vì người Do Thái hay khinh miệt và xem người Samaria như kẻ thù. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người mà dân Do Thái xem là kẻ thù để mạc khải lòng nhân từ của Thiên Chúa và bảo cho người thông luật biết người thân cận anh ta là mọi người. Chúa Giêsu nhắc người thông luật đừng đi tìm định nghĩa về người thân cận mà hãy tỏ ra là người thân cận với mọi người. Chúng ta cũng thế, thay vì hỏi: ai là người thân cận của tôi? Thì hãy tỏ ra mình là người thân cận của người đang cần mình
3. Sống Lời Chúa: Hãy nhân từ như Thiên Chúa Cha.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đem những lời Chúa dạy để thực hành trong cuộc sống bằng cử chỉ bác aí yêu thương anh em xung quanh. Amen.

THỨ BA: 06. 10. 2015

Lc 10, 38-42
1. Ghi nhớ: “ Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất ”. (Lc 10, 42)
2. Suy Niệm: Theo truyền thống của các giáo phụ, Matta và Maria trong Tin Mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Matta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Matta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Matta và cho chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo “ chỉ có một chuyện cần mà thôi ” đó chính là ngồi nghe lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác aí, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích nếu không khởi đi từ tinh thần Tin Mừng. Việc bác aí, tông đồ chỉ thật sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Đừng xem thường việc đọc kinh, cầu nguyện.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu được gía trị của việc lắng nghe Lời Chúa một cách đúng đắn để con ham thích đến với Chúa nhiều hơn. Amen.

THỨ TƯ: 07. 10. 2015

Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1, 26 - 38
1.Ghi Nhớ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc1,28).
2.Suy Niệm: Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Hội Thánh cho thấy Đức Mẹ có một vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua lời sứ thần truyền tin, Mẹ đã đáp lại tiếng “Xin Vâng” để rồi từ đó tâm hồn và thân xác Mẹ trở thành cung thánh cho Con Thiên Chúa ngự. Hội Thánh đồng thời cũng cho thấy giá trị của kinh Mân Côi trong đời sống tín hữu. Qua kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Đức Mẹ sống những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Kinh Mân Côi là bản Tin mừng rút gọn, là phương thế để cải thiện đời sống, có sức mạnh cứu rỗi cho con cái Mẹ.
3.Sống Lời Chúa: Cùng với Đức Mẹ, chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa”.
4.Cầu Nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, để nên giống Mẹ. Amen.
 

THỨ NĂM: 08-10-2015

Lc 11, 5-13
1. Ghi nhớ: “ Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho ”. Lc 11, 9
2. Suy Niệm: Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta khi nói: cứ xin thì sẽ được? Cắc chắn không phải, Chúa Giêsu làm sao gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thật ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhậm lời. Nhưng vì lợi ích của chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa
3. Sống Lời Chúa: Ý thức và kiên trì trong cầu nguyện.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Cha chúng con và chúng con là con Thiên Chúa. Xin cho chúng con sống tâm tình con thảo, phó thác, tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời. Amen.
 

THỨ SÁU: 09-10-2015

Lc 11, 15-26
1. Ghi nhớ: “ Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì triều đại Thiên Chúa đã đến ” . (Lc 11, 20)
2. Suy Niệm: Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trừ quỷ câm. Chứng kiến phép lạ này đám đông có hai thái độ. Nhóm thứ nhất lấy làm ngạc nhiên, thán phục ca tụng Thiên Chúa và tin tưởng vào Chúa Giêsu Đấng được Thiên Chúa sai đến vì họ có tâm hồn đơn sơ, chất phát. Còn nhóm thứ hai, nhóm biệt phái, nhóm này chống đối, kỳ thị với Chúa Giêsu vì sợ mất ảnh hưởng trong xã hội nên họ đã cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, phô trương rằng Chúa Giêsu dùng quyền của trường quỷ mà trừ quỷ. Nhưng Chúa Giêsu, Ngài bình tĩnh và kể cho họ nghe một chân lý “ nước nào tự chia rẽ sẽ không tồn tại ” nghĩa là không thể dùng quỷ lớn mà trừ quỷ nhỏ. Chúng ta cũng thường còn những thái độ như người biệt phái, vì thành kiến, tâm địa ác cảm mà thấy và nói sai sự thật, hạ phẩm giá người khác. Vì thế muốn diệt trừ tội ác thì phải sám hối trong lòng trước đã.
3. Sống Lời Chúa: Nhận ra quyền năng của Chúa qua những sự kiện trong đời thường.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã diệt trừ ma quỷ để giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ của chúng, xin cho con biết cộng tác với Chúa bằng cách từ bỏ thói hư tật xấu trong con người để trở nên đền thờ Chúa ngự. Amen.

THỨ BẢY: 10-10-2015

Lc 11, 27-28
1. Ghi nhớ: “ Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú ” (Lc 11, 27)
2. Suy Niệm: Giữa đám đông đang nghe Chúa Giêsu giảng, có một phụ nữ vì cảm phục trước những phép lạ và lời giảng dạy sâu sắc của Chúa Giêsu, không biết ngợi khen Chúa thế nào nên đã ngây thơ nói: “ Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú ”. Quả thật, con cái là hồng ân Chúa ban, các bà mẹ cảm thấy hạnh phúc mãnh liệt trước một đứa con tài đức. Thế nhưng ngày nay, có nhiều bậc cha mẹ vì ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình nên đã sẵn sàng giết chết những đứa con còn trong dạ. Người ta còn nhân tính nữa không khi đón nhận một món hàng như tivi, tủ lạnh … trong khi đó lại sợ đón nhận một đứa con vì sợ phải nuôi nó?
3. Sống Lời Chúa: Sống chứng nhân giữa cuộc sống hôm nay.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa các gia đình trẻ và ban sức mạnh để biết hy sinh niềm vui ích kỷ mà biết đón nhận tất cả những gì Chúa gởi đến với lòng biết ơn. Amen.
 

CHÚA NHẬT XXVIII TN: 11. 10. 2015

Mc 10, 17 - 30
1.Ghi Nhớ: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” ( Lc 10,17).
2.Suy Niệm: Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở nên một con người tốt thật sự, ai cũng muốn mình làm một việc gì đó để lưu danh cho hậu thế. Nhưng thực tế chúng ta không làm được, bởi vì chúng ta thiếu thiện chí và thiếu kiên tâm thực hiện. Vì vậy mà chúng ta bỏ qua rất nhiều những cơ hội, dự tính cao đẹp. Chàng thanh niên trong bài Tin Mừng cũng thế: anh muốn theo Chúa để được sự sống đời đời, nhưng khi Chúa bảo phải chọn lựa giữa Chúa và của cải, anh buồn bỏ đi, chắc không trở lại. Chúng ta hãy cảnh giác, đôi lúc một tay chúng ta níu gấu áo Chúa, một tay chúng ta nắm chặt của cải. Thái độ như thế không phù hợp với Nước Trời. Chúa đang chờ đợi và tạo cơ hội cho chúng ta có thái độ chọn lựa dứt khoát.
3. Sống Lời Chúa: Chọn lựa nào cũng đòi phải hy sinh.
4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con. Amen.
 

THỨ HAI: 12-10-2015

Lc 11, 29-32
1. Ghi nhớ: “ Thế hệ này là thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ ”. (Lc 11, 29)
2. Suy Niệm: Đức Giêsu gọi những người cố chấp, cứng lòng tin là thế hệ gian ác, tức là những người xấu xa. Họ cố xin Chúa Giêsu một dấu lạ nhưng vì biết họ có ý khiêu khích nên Chúa Giêsu không cho. Hơn nữa, Ngài đã làm biết bao dấu lạ rồi. Đối với người cứng lòng, dấu lạ chỉ là một trò ảo thuật nhằm thỏa mãn óc tò mò chứ không lợi ích gì cho đời sống đức tin. Chúng ta đang sống trong thế giới tục hóa, một hế giới chỉ đặt đức tin vào hiện năng của khoa học nên con người dễ bị cám dỗ đòi hỏi Thiên Chúa làm dấu lạ để chứng tỏ Người đang hiện diện. Nhưng Ngài muốn cho con người nhận ra tước vị Thiên Chúa nơi Ngài không phải bằng áp lực quyền năng nhưng bằng phục vụ khiêm tốn, yêu thương. Chúng ta làm chứng cho Chúa không phải bằng sức mạnh, uy quyền nhưng bằng sự phục vụ đầy khiêm tốn, vị tha, vô vị lợi.
3. Sống Lời Chúa: Cảm nhận mỗi biến cố trong đời là một dấu lạ.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cởi mở tâm hồn, xóa bỏ mọi thành kiến, ngoan ngoãn đáp lại lời mời gọi của Chúa. Amen.

THỨ BA: 13-10-2015

Lc 11, 37-41
1. Ghi nhớ: “ Bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà ”. Lc 11,30
2. Suy Niệm: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm Pharisêu bắt bẻ Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn, họ cho rằng đó là lỗi luật. Chúa Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm đó la lối sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là điều tốt bên ngoài nhằm bảo vệ sức khỏe. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài mà phải lo thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại thha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người.
3. Sống Lời Chúa: Sống đạo bằng cách thực hành giáo huấn yêu thương của Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi hành vi, cử chỉ con làm trong đời sống đều xuất phát từ con tim yêu mến vá tin cậy Chúa. Amen.
 

THỨ TƯ: 14-10-2015

Lc 11, 42-46
1. Ghi nhớ: “ Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương … mà sao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa ”… (Lc 11, 42)
2. Suy Niệm: Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu vạch rõ lối sống gia đình của các biệt phái và luật sĩ. Qua đó Ngài mời gọi ta từ bỏ lối sống thiếu thành thực để sống chân thành với Chúa, ngay thẳng với anh em và ngay cả với chính mình. Trong đời sống đức tin, đôi khi chúng ta quá chú trọng đến nghi lễ bên ngoài: đi lễ thường xuyên, đọc kinh nhiều giờ …. nhưng đời sống lại thiếu lòng mến Chúa, công bình và bác aí với tha nhân. Đời sống đức tin không chỉ là những tín điều, hay những luật lệ nhưng còn phải sống một đời sống thực thi công bằng và yêu mến Thiên Chúa. Vì thế, nghi lễ, luật lệ chỉ là phương tiện để giúp chúng ta dễ dàng sống Tin Mừng. Ai xem chúng như mục đích là sai với thánh ý Thiên Chúa. Nhưng hãy biết dung hòa hình thức lễ nghi và đời sống bác aí.
3. Sống Lời Chúa: Nội tâm hóa lề luật của Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chu toàn lề luật Chúa bằng đời sống bác aí, yêu thương và thực thi công lý với tha nhân. Amen.

THỨ NĂM: 15-10-2015

T. Tê rêsa Trinh nữ, Tiến sĩ (N)                                                   Lc 11, 47-54
1. Ghi nhớ: “ Các ngươi đã cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản ”…. (Lc 11, 52)
2. Suy Niệm: Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các thầy luật sĩ về tội giả hình. Kiểu nói “ khốn ” ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, một kiểu chúc dữ, nhưng có ý than trách như một lơì thương tiếc. Các luật sĩ là những người có cơ hội tốt là được học biết Thánh Kinh, lề luật của Chúa, có quyền giảng nghĩa Thánh Kinh. Lẽ ra, họ phải tận dụng cơ hội đó để sống tốt, sống đúng theo thánh ý Chúa, trái lại sự hiểu biết đó không mang lợi ích gì cho họ. Đôi khi chúng ta cũng ỷ lại vào danh nghĩa người Công giáo, nại vào đạo gốc để rồi quên mất việc sống đạo trong hiện tại: công bình, bác aí với tha nhân.
3. Sống Lời Chúa: Học hỏi luật Chúa và đem ra thực hành.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho đời sống con là một lời mời gọi người khác vào nước Chúa. Amen.
 

THỨ SÁU: 16-10-2015

Lc 12, 1-7
1. Ghi nhớ: “ Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà sau đó không làm gì hơn được nữa ” (Lc 12, 4)
2. Suy Niệm: Động từ “ đừng sợ ” trong Tin Mừng hôm nay được lập đi lập lại như một điệp khúc. Cuộc sống đời thường với đầy dẫy những nỗi lo toan sợ hãi : sợ thua thiệt, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhục, sợ chết …. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết chỉ có một Đấng đáng để cho chúng ta kính sợ đó là Thiên Chúa Cha trên trời. Vì Người có thể giết cả xác và hồn chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh ví du để chúng ta không sợ vì có Chúa quan phòng: chim sẻ và tóc. Chim sẻ là loài chim tầm thường, còn tóc là thành phần kém quan trọng trên thân thể người. Thế mà Thiên Chúa vẫn quan tâm, lo lắng huống gì chúng ta quý hơn muôn ngàn chim sẻ.
3. Sống Lời Chúa: Can đảm sống Tin Mừng đừng sợ hy sinh thiệt thòi.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm dấn thân làm chứng cho Chúa trước mặt người đời cho dù cuộc đời chứng nhân gặp nhiều gian khó. Amen.
 

THỨ BẢY: 17-10-2015

Lc 12, 8 - 12
1.Ghi Nhớ:“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” ( Lc 12,10).
2.Suy Niệm: Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, nhưng để hưởng ơn cứu rỗi Chúa, con người phải cộng tác bằng việc sám hối ăn năn. Vì thế bao lâu còn sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha; còn khi cố chấp, không hối cải, thì tội không thể được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố chấp, ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của Chúa, chắc chắn không được hưởng ơn tha thứ.
3.Sống Lời Chúa: Xác tín rằng Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta để chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng về mình.
4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến sửa lại mọi sự trong ngoài của con. Amen.
 

CHÚA NHẬT XXIX TN: 18-10-2015

Chúa Nhật Truyền Giáo
Mc 10, 35- 45
1. Ghi nhớ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10, 45)
2. Suy niệm: Trong cuộc sống con người, chức thường đi với quyền và những bỗng lộc đi theo chức vụ. Vì thế chẳng lạ gì khi người ta tranh chấp nhau về quyền lực danh vọng. Còn Chúa Giêsu, Người dạy cho các môn đệ hiểu rằng: chức cũng đi chung với quyền nhưng quyền là để phục vụ. Và chính Chúa Giêsu đã làm gương như thế. Là Thiên Chúa thế, quyền uy tột đỉnh, thế mà Người đến sống giữa trần thế, gần gũi những người nghèo, người tội lổi, cảm thông tha thứ, chữa lành tật bệnh, hòa đồng với mọi người, và hiến dâng mạng sống cho con người.
Chúa nhật truyền giáo hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại cách sống đạo của mình. Truyền giáo không nhất thiết phải làm cái nầy hay cái kia, đi chốn nầy hay chồn khác mà chủ yếu phải là đem Chúa đến cho mọi người trong hoàn cảnh và ơn gọi của mình.
3. Sống Lời Chúa: Làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của chúng con. Amen.
 

THỨ HAI: 19-10-2015

Lc 12, 13-21
1. Ghi nhớ: “ Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu ”. (Lc 12, 15).
2. Suy Niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc hai anh em tranh chấp gia tài, không thỏa đáng nên nhờ Chúa Giêsu can thiệp. Nhân dịp này, Chúa dạy dân chúng đừng ham mê của cải đời này quá đáng vì của cải không phải là nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Hơn nữa, của cải vật chất có sức lôi cuốn mạnh mẽ làm cho người ta dễ dàng đi đến chỗ ích kỷ và tìm hưởng thụ để thỏa mãn mọi khoái lạc trần thế. Chúa Giêsu không ngăn cấm chúng ta làm giàu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm cho trái đất sinh nhiều hoa lợi để phục vụ nhân loại. Nhưng Chúa chỉ cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất để làm giàu cho sự sống đời đời.
3. Sống Lời Chúa: Hãy sống công bằng và bác ái.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn trong tư thế sẵn sàng ra trước tòa phán xét của Chúa bất cứ lúc nào, đừng giống tên phú hộ trong Tin Mừng ngủ quên trong của cải. Amen.

THỨ BA: 20-10-2015

Lc 12, 35-38
1. Ghi nhớ: “ Khi chủ về mà thấy đầy tớ đang tỉnh thức, thật là phúc cho họ ”. (Lc 12,37)
2. Suy Niệm: Hôm qua, Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng về vấn đề đừng ham mê của cải nhưng hãy biết tích trữ của cải cho đời sau. Thì hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “ phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức ” . Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giêsu nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh tức chúng ta phải tránh xa tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy dẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác aí, yêu thương, siêng năng lắng nghe lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết.
3. Sống Lời Chúa: Hãy ăn năn sám hối mỗi ngày.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống luôn mời gọi con bằng những cám dỗ hấp dẫn. Xin mở lòng trí con để con luôn thấy được sự giả trá của chúng mà bước theo Chúa đến trọn đời. Amen.

THỨ TƯ: 21-10-2015

Lc 12, 39-48
1. Ghi nhớ: “ Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến ”. (Lc 12, 40)
2. Suy Niệm: Sau khi dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ giờ Chúa đến thì hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống tinh thần sẵn sàng và tỉnh thức như thế nào. Mỗi người đều biết chắc chắn mình sẽ có ngày chết. Nhưng tỉnh thức và sẵn sàng mà Chúa Giêsu dạy ở đây không phải là cứ ngồi yên một chỗ mà chờ giờ chết, cũng không phải nghĩ rằng chết là hết nên cứ sống hưởng thụ buông thả thoải mái. Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây là chu toàn bổn phận của mình. Mỗi người sẽ bị xét xử về tình yêu và bổn phận quan trọng nhất của chúng ta là yêu thương, phục vụ anh em.
3. Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận ngay giây phút hiện tại.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con cái chết luôn đến bất ngờ với mỗi người chúng con, xin cho chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa. Amen.
 

THỨ NĂM: 22-10-2015

Lc 12, 49-53
1. Ghi nhớ: “ Thầy đã đến đem lửa vào thế gian, và Thầy những ước mong chi lửa ấy bùng lên ”. (Lc 12, 49)
2. Suy Niệm: Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điểm làm cho chúng ta khó hiểu. Nhưng khi đọc và nghiền ngẫm thì rõ ràng Chúa Giêsu loan báo về những thương khó Người sẽ phải chịu để cứu chuộc thế gian và mời gọi những ai muốn theo Ngài cũng phải tham dự vào sự thương khó đó. Chúa đã dùng cuộc thương khó: tử nạn và phục sinh để cứu chuộc chúng ta và Ngài ao ước chúng ta đón nhận để sửa đổi con người cũ thành người mới bỏ nếp sống trần tục để làm con cái Chúa. Chúng ta muốn làm môn đệ Chúa cũng phải chiến đấu chống lại khuynh hướng tội lỗi, sự quyến rũ bất chính …. . Do đó, chúng ta hãy hướng về thánh giá Chúa để tỏ lòng khâm phục và cảm tạ tình thương hy sinh của Chúa, nhờ đó chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để thể hiện lòng trung thành với Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Hy sinh, hãm mình để khắc phục tính hư, nết xấu làm mất lòng Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lửa tình yêu mà Chúa gieo vãi vào tâm hồn con mỗi ngày một bùng cháy lên lan rộng đến mỗi người con gặp gỡ. Amen.

THỨ SÁU: 23-10-2015

Lc 12, 54-59
1. Ghi nhớ: “ Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét ” (Lc 12, 56)
2. Suy Niệm: Biết trân trọng truyền thống, kinh nghiệm sống của cha ông để lại là một điều rất cao quý đáng được khuyến khích; Nhìn mây đoán được mưa, thấy gió đoán được trời sẽ oi bức. Chúa Giêsu cũng không lên án họ về những điều này. Nhưng là việc họ không biết nhận xét thời đại, không nhận ra Chúa đang hiện diện trước mắt họ. Ngày hôm nay, hầu như giới trẻ chỉ lo tập trung mọi khả năng và thời gian để tìm hiểu thời đại này mà gạt bỏ truyền thống đạo đức mà cha ông và các thánh tử đạo đã để lại cho chúng ta. Họ ưu tiên cho việc vật chất hơn tinh thần. Họ lo tìm hiểu về khoa học kỷ thuật mà quên chăm lo cho đời sống thiêng liêng của mình. Chúa Giêsu cũng đang lên án chúng ta về sự thiếu dung hòa này
3. Sống Lời Chúa: Hãy dung hòa giữa đời sống Đạo và Đời.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự thái hóa, bất cập của mình, ngõ hầu biết dung hòa trong đời sống làm con người và làm con Chúa của chúng con.Amen.

THỨ BẢY: 24-10-2014

Lc 13, 1-9
1. Ghi nhớ: “ Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó ”. (Lc 13, 9)
2. Suy Niệm : Ngày xưa, tổ phụ Abraham “ trả giá ” với Chúa để tìm cách cứu thành Sôđôma khỏi bị hủy diệt vào thời xuất hành, dân Israel phản nghịch, Môi-sen đứng ra làm trung gian, xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ tha thứ cho dân. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, người làm vườn xin ông chủ cho cây có thời gian để nó sinh trái. Qua đó cho chúng ta thấy: Chúa cũng đang cho chúng ta “ trả giá ” với Ngài qua Bí Tích hòa giải. Mỗi lần phạm tội và đến với Bí Tích Hòa Giải là mỗi lần chúng ta xin Chúa gia hạn cho chúng ta và mỗi lần như thế, Chúa đều gia hạn cho chúng ta bằng sự tha thứ. Thời hạn của cây vả là một năm nếu không sinh trái sẽ bị chặt. Và thời hạn của mỗi người chúng ta là giờ chết. Mà giờ âý thì thật bất ngờ nên phải sám hối luôn.
3. Sống Lời Chúa: Hãy sám hối và năng đến với Bí Tích Hòa Giải.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa! Con biết mình yếu đuối và tội lỗi. Con thành tâm thống hối tội lỗi mình và xin tình yêu thương xót của Chúa tha thứ cho con. Amen.

CHÚA NHẬT XXX TN: 25-10-2015

Mc 10, 46 - 52
1.Ghi Nhớ:“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10,51).
2.Suy Niệm: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Người mù ăn xin trong bài Tin Mừng bị coi là kém may mắn trong cuộc đời. Đối với anh, thế giới chung quanh chỉ là một màu đen xịt. Nhưng với cặp mắt đức tin, anh nhìn thấy cái mà người khác không thấy, đó là thấy Chúa Giêsu là con vua Đavit, là Đấng thương xót, quyền năng. Bất chấp mọi trở ngại, anh cất lời kêu cứu của lòng tin. Anh đã được Chúa chấp nhận, và “lòng tin đã cứu chữa anh”. Được sáng mắt, sáng lòng, anh hân hoan bước đi theo Chúa.
3.Sống Lời Chúa: Với cặp mắt đức tin, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình.
4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn con ra, để con luôn tin tưởng và phó thác và bước đi theo Chúa trọn đời. Amen.
 
THỨ HAI: 26-10-2015
Lc 13, 10-17
1. Ghi nhớ: “ Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền ”. (Lc 13, 12)
2. Suy Niệm: Hành động “ giải thoát khỏi tật nguyền ” của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của ông trưởng Hội đường là một “ việc làm ” nên có chỉ trích Chúa Giêsu cách gián tiếp qua người phụ nữ được chữa lành bệnh tật: “…. đừng có đến vào ngày Sabat ”. Ngược lại, nếu ông mặc lấy cái nhìn của tình yêu thương con người thì ông đã có thể biện hộ cho hành động ”giải thoát ” của Chúa Giêsu là hành vi “ giúp đỡ người bệnh tật ….” mà luật Do Thái cho phép làm cả trong ngày Sabat. Việc làm của Chúa Giêsu trong ngày Sabat hôm nay muốn dạy người Do Thái và chúng ta điều tốt có thể làm cho con người thì đừng để đến ngày mai
3. Sống Lời Chúa: Hãy làm việc bác ái nếu có thể.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang bị những luật lệ, những thành kiến làm cho cản trở. Xin ban cho con liều thuốc yêu thương để có thể thực hiện công việc bác ái trong bất cứ hòan cảnh nào. Amen.
 

THỨ BA: 27-10-2015

Lc 13, 18-21
1. Ghi nhớ: “ Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? ” (Lc 13, 18)
2. Suy Niệm: Hạt cải, nắm men là những cái rất nhỏ bé và mong manh nhưng lại có một sức mạnh nội tại rất lớn. Hạt cải rất nhỏ bé nhưng khi được gieo xuống nó lại lớn thành cây và chim trời có thể trú ngụ. Nắm men rất mong manh nhưng khi được vùi trong bột nó có thể làm dậy cả khối bột lớn. Nước Thiên Chúa là gì nếu không phải là những cá thể hiệp thông với nhau tạo nên. Vậy mỗi cá nhân chúng ta phải trở thành một nước Thiên Chúa thu nhỏ, và từ đó, nước ấy lan rộng khắp mọi người trên toàn thế giới. Trong đó, mọi người là anh em với nhau có Thiên Chúa là Cha và người Anh Cả là Đức Giêsu Kitô.
3. Sống Lời Chúa: Hãy là men cho đời.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương của sự hiệp thông. Xin cho mỗi người chúng con luôn sống giống như Chúa và hiệp thông với nhau. Amen.
 

THỨ TƯ: 28-10-2015

Thánh Simon và Giuđa Tông đồ.
Lc 6,12-19
1.Ghi Nhớ:“Simon biệt danh là quá khích; Giuđa con ông Giacôbê” ( Lc 6,15-19).
2.Suy Niệm: Hai vị thánh này luôn đứng bên nhau trong danh sách 12 Tông Đồ. Simon là một con người nhiệt thành, không quãng sự khó nhọc và hăng say. Chúa Giêsu đã biến đổi ông từ một người nhiệt thành với nước Israel trần thế, thành một vị Tông Đồ nhiệt thành với Nước Trời. Giuđa còn gọi là Tađêô. Ông được gọi là Giuđa trung kiên, vì ông đã trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Noi gương hai vị thánh Tông đồ, chúng ta cũng phải trở nên những dụng cụ đắc lực cho Hội Thánh và tích cực siêng năng trong bổn phận của người tín hữu.
3.Sống Lời Chúa: Năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để bền vững trong ơn gọi.
4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin tăng sức mạnh giúp con trung kiên với ơn Chúa gọi. Amen.
 

THỨ NĂM: 29-10-2015

Lc 13, 31 - 35
1. Ghi nhớ: “ Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất ”. (Lc 13, 22)
2. Suy Niệm: Những Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay có cảm tình với Chúa Giêsu nên khi biết tin Hêrôđê muốn bắt Chúa, họ đã trình bày với Chúa và hiến kế giúp Ngài. Thế nhưng, thái độ Chúa Giêsu rất cương quyết, Ngài không vì những đe dọa của thế quyền mà làm trì trệ thánh ý của Chúa Cha. Ngài không để những đau khổ của con người qua đến ngày mai, nên nhiều lần Ngài đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Trên thập giá, thân xác đau đớn vì đòn roi, nhưng Chúa Giêsu vẫn một lòng thưc hiện thánh ý yêu thương và tha thứ của Chúa Cha cho tên trộm lành, cho những người đóng đinh Ngài và cho toàn thể nhân loại.
3. Sống Lời Chúa: Cương quyết thực hiện thánh ý Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban thần khí của Ngài để soi dẫn con nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới này, và cương quyết thi hành sứ mạng đó bất chấp mọi thủ thách , gian khó. Amen.
 

THỨ SÁU: 30-10-2015

Lc 14, 1-6
1. Ghi nhớ: “ Có được phép chữa bệnh trong ngày Sabat không? ” . (Lc 14, 3)
2. Suy Niệm: Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, không một người Pharisêu, không một nhà thông luật nào trả lời được mặc dù có thể chính họ đã bố trí người bệnh để dò xét Chúa. Biết vậy, nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên chữa lành cho bệnh nhân và cho người ấy về, vì Chúa biết luật của họ cho phép Chúa làm chuyện đó trong ngày Sabat. Một con bò sa xuống giếng trong ngày Sabat, luật còn cho phép kéo nó lên, thì một con người lại không được kéo họ ra khỏi khổ đau bệnh tật trong ngày Sabat sao? Họ là những nhà thông luật, dạy luật cho người khác, vì quá nệ luật nên họ thiếu vắng tình yêu thương những con người đau khổ, và Chúa Giêsu được sai đến là để mở ra một lề luật mới chính là luật của yêu thương.
3. Sống Lời Chúa: Trên hết mọi sự, hãy có lòng yêu mến.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một con tim biết chạnh lòng thương như Chúa để con yêu thương hết mọi người nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, những người bên lề xã hội. Amen.
 

THỨ BẢY: 31.10.2015

Lc 14: 1,7-11
1. Ghi nhớ: “ Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên ”. (Lc 14,11).
2. Suy niệm: Đối với người đời, họ thường hay có khuynh hướng thích kiêu ngạo, thích khoe khoang, thích đề cao tài năng và địa vị, được thể hiện qua việc họ hay tìm chỗ nhất, hay kiếm những gì có lợi cho mình, chính vì bản năng này mà làm ảnh hưởng đến sự đòan kết của cộng đòan. Do đó hôm nay Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự khiêm nhường. Đối với Thiên Chúa, Ngài luôn yêu thương và nhậm lời những người có tính khiêm nhường tự hạ. Vì đối với Ngài “ Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên ” . Đối với chúng ta, ai cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, do đó, chúng ta cần nhìn nhận thực tế về mình để sống khiêm nhường đối với Chúa và tha nhân.
3. Sống lời Chúa: Hãy khiêm nhường trong cầu nguyện.
4. Lời nguyên: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra mình chỉ là tạo vật phàm hèn, để con luôn biết sống phó thác vào Chúa và yêu thương anh em.

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn