1
15:25 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 80

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 77


Hôm nayHôm nay : 13772

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 296809

Tổng cộngTổng cộng : 27851093

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Kinh Lạy Cha

Thứ tư - 22/07/2015 08:14-Đã xem: 2144
Kinh Lạy Cha chiếm vị ưu đẳng Kitô giáo, đến nỗi Terulianô nói: "Đó là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng", và Thánh Âu-tinh diễn tả: "Hãy rảo khắp mọi lời trong Kinh Thánh, và tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở đó mà lại không chứa đựng và bao hàm trong Kinh Lạy Cha"
Kinh Lạy Cha

Kinh Lạy Cha

KINH LẠY CHA
 
Có một môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc11,4). Đáp lại đức Giêsu dạy: "Khi cầu nguyện, chúng con hãy nói:
 
Lạy Cha chúng con ở trên Trời,
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày,
Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". (Mt 6,9-13)

Pater Noster
Pater noster qui es in caelis:
sanctificetur Nomen Tuum;
adveniat Regnum Tuum;
fiat voluntas Tua,
sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum quotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a Malo
 

 
I. LỜI KINH TUYỆT VỜI
 
Kinh Lạy Cha chiếm vị ưu đẳng Kitô giáo, đến nỗi Terulianô nói: "Đó là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng", và Thánh Âu-tinh diễn tả: "Hãy rảo khắp mọi lời trong Kinh Thánh, và tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở đó mà lại không chứa đựng và bao hàm trong Kinh Lạy Cha".
 
Sở dĩ như thế vì ba lý do:
 
Thứ nhất là vì Kinh Lạy Cha nằm ở tâm điểm của Kinh Thánh. Toàn bộ Kinh Thánh -- lề luật, các Ngôn sứ và Thánh vịnh -- được nên trọn trong Chúa Kitô. Mà Chúa Kitô đến là để loan báo Tin Mừng, và Tin Mừng ấy được tóm tắt trong Bài Giảng trên núi; Kinh Lạy Cha lại là trung tâm của Bài Giảng quan trọng đó. Bằng lời giảng, Đức Giêsu dạy ta sống đời sống mới. Bằng lời kinh, Đức Giêsu dạy ta nài xin sự sống mới.
Thứ hai là: Đó là lời kinh duy nhất mà Đức Giêsu trực tiếp dạy các môn đệ, cho nên vẫn được gọi là lời kinh của Chúa. Ngài vừa là Chủ, vừa là mẫu mực của ta trong đời cầu nguyện. Không những Ngài dạy ta một công thức cầu nguyện, nhưng còn ban tặng Thánh Thần để lời kinh ấy trở thành "Thần trí và sự sống" (Ga 6,63), là lời kinh của người CON dâng lên CHA trong tác động của THÁNH THẦN.
Thứ ba: Đó là lời kinh của Hội Thánh, ăn rễ sâu trong phụng vụ của Hội Thánh ngay từ đầu, đặc biệt là khi cử Bí tích Thánh Tẩy. Thêm sức và Thánh Thể.
 
II. CẤU TRÚC CỦA LỜI KINH
 
Kinh Lạy Cha gồm 3 phần chính:
 
Lời mở đầu " LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI": hướng chúng ta lên Chúa, và tập trung tất cả vào Ngài.
Ba lời nguyện tôn vinh Danh Chúa, Nước Chúa và Thánh Ý của Ngài.
Bốn lời cầu xin cho những nhu cầu của con người: nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, nài xin sự nâng đỡ của Chúa để vượt thắng tội lỗi, các cơn cám dỗ và ác thần.
 
Lời kinh đó là lời kinh của đức Tin, đức Cậy và đức Ái. Phải có đức tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, cho dẫu như thể Ngài vắng bóng và xa cách chúng ta, trong những khổ đau của cuộc đời. Phải có đức cậy để vững vàng hi vọng rằng Vương Quốc Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Và đức ái khiến ta tìm được sự ấm áp và thân mật của Tình Yêu Chúa dành cho ta.
 
Tất cả có được là nhờ Thánh Thần và Cha gửi đến lòng ta để kêu " Abba, Cha ơi!" (Ga 4,6). Và như thế, ân huệ Thánh Thần gồm tóm tất cả mọi lời cầu của Kinh Lạy Cha.
 
III. TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
 
Còn có lời kinh nào quen thuộc bằng Kinh Lạy Cha, kinh được đọc trong mỗi Thánh Lễ, cũng như khi cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, kinh nghiệm lại cho thấy nhiều khi người tín hữu chỉ đọc như một thói quen, hoặc như một bổn phận phải làm cho an tâm, ít khi dừng lại suy niệm lời kính mình đọc, và lắng nghe tiếng gọi của chúa. Hậu quả là giữa lời kinh và cuộc sống có một sự xa cách, đối nghịch nhau cách trầm trọng.
 
Vì thế, ta được mời gọi để canh tân đời cầu nguyện. Việc canh tân cử hành phụng vụ, sao cho sống động và có khả năng giáo dục đức tin. Đồng thời phải gắn liền với việc học hỏi giáo lý và Kinh Thánh, để không chỉ là những thay đổi hời hợt. Việc canh tân ấy phải dẫn đến hoa trái, là những việc làm tốt đẹp trong mọi mối quan hệ của đời sống hàng ngày.
Với ý thức và tâm tình đó, Hội Thánh muốn ta tìm hiểu và đào sâu Kinh Lạy Cha, lời kinh Chúa dạy.
 
**********
 
* LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
 
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin. Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời..." (Mt 6, 7-9)
 
I. Trong tâm tình mến yêu và kính sợ.
 
Trong Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, chủ tế mời gọi: Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo lời Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng." Động từ "dám" diễn tả một thái độ kính sợ đối với Chúa. Thái độ này bắt nguồn từ truyền thống lâu dài trong Kinh Thánh, được minh họa tuyệt với trong cảnh Môsê gặp Chúa trong bụi gai bốc cháy: "Chớ lại gần. Cởi dép ra, bởi đất ngươi đang đứng là đất Thánh" (Xh 3,5)
 
Chỉ nhờ đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa làm người - chúng ta mới dám đến gần Thiên Chúa là Cha, trong niềm tin yêu thảo hiếu: "Trong Ngài, ta được tự do dạn dĩ và được đến cùng Cha, đầy lòng tín thác vì đã tin vào Ngài" (Ep 3,12)
 
II. Đến với Thiên Chúa là Cha.
 
Trong Cựu Ước, các Ngôn sứ cũng đã nói đến Thiên Chúa là Cha: "Chính Người là Cha chúng tôi, Đấng chuộc lấy chúng tôi tự ngàn xưa, đó là Danh Người" (Is 63,16). Tuy nhiên, không có kinh nguyện nào trong Cựu ước cầu khẩn Thiên Chúa cách trực tiếp với danh xưng "Cha chúng con". Có chăng là những chỉ dẫn gián tiếp và hướng tới tương lai: "Ngài kêu khấn cùng Ta: Người là cha tôi, Thiên Chúa của tôi, Đá Tảng tế độ cho tôi. Nên Ta sẽ đặt Ngài làm Trưởng Tử, làm vị Tối Cao trên vua chúa trần gian (Tv 89,27)
 
Với Đức Giêsu, xuất hiện mối quan hệ hoàn toàn mới mẽ với Thiên Chúa, thể hiện qua tiếng gọi "Abba, Cha ơi!". Là "Con duy nhất, hằng ở nơi cung lòng cha" (Ga 1,18). Đức Giêsu quả quyết: ""Không ai biết Cha trừ ra Con, và những kẻ Con muốn mặc khải cho" (Mt 19,27)
 
Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa không chỉ tỏ mình là: "Cha của chúng ta", nhưng Ngài còn nhận ta làm con của Ngài. Trong bí tích Thánh tẩy, ta được tái sinh trong đời sống mới "bởi Nước và Thánh Thần", trở nên chi thể trong thân mình Chúa Kitô, và vì thế, được trở nên con Thiên Chúa trong Người Con Duy Nhất.
 
Vì vậy khi đọc Kinh Lạy Cha, thái độ nền tảng phải có là khiêm tốn và biết ơn: khiêm tốn vì nhận ra sự thật về con người bất xứng của mình, tạ ơn vì biết rằng tất cả là ân huệ Thiên Chúa ban. Đồng thời, phải noi gương Đức Giêsu, sống tư cách người con hiếu thảo, luôn tín thác vào Cha, và thực thi ý Cha.
 
III. Cha Chúng Con Ở Trên Trời
 
Khi kêu lên với Thiên Chúa là "Cha của chúng con", từ "của" ở đây không có ý chỉ một người, một vật mà ta có quyền sở hữu; nhưng nhắm diễn đạt mới quan hệ mới, quan hệ giao ước, trong đó Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và ta là con của Ngài.
 
Đồng thời, ta không thưa với Chúa là " Cha của con", nhưng "Cha của chúng con", nghĩa là phải ra khỏi lối sống cá nhân chủ nghĩa, và được dẫn vào cộng đoàn của những anh chị em có chung một người Cha. Hơn thế nữa, còn phải hướng đến việc "thâu họp con cái Thiên Chúa tản mát lại làm một" (x.Ga 11,52). Như thế, khẩn cầu Thiên Chúa là "Cha của chúng con", đòi hỏi ta một lối sống phục vụ mọi người, và cùng xây đựng lợi ích chung (x.MV 22).
 
Người Cha mà ta khẩn cầu là "Đấng ngự trên trời". "Trời" ở đây không có ý chỉ về một nơi chốn trong không gian, nhưng diễn tả tính siêu việt và uy quyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt trên tất cả những gì mà con người có thể quan niệm, về sự thánh thiện và vinh quang của Ngài. Tuy nhiên, Ngài lại ở rất gần những tâm hồn khiêm tốn và sám hối.
 
Hình ảnh trời cao cũng nhắc nhớ con người về chính vận mệnh cao cả của mình. Nhà của Cha chính là quê hương của ta, nhưng tội lỗi đã khiến ta rơi vào thân phận lưu đày, và nếu có lòng sám hối chân thành, ta-lại được quay về Nhà Cha (x.Lc 15,18,21). Chúa Kitô chính là Đấng giao hòa Trời và Đất, vì Ngài là Đấng "từ trời xuống", (Ga 3,13) và nhờ mầu nhiệm Vượt Qua Ngài lôi cả nhân loại đến với trời cao.
 
Ngay từ bây giờ, Thiên Chúa của trời cao đã ngự trị trong tâm hồn người công chính, như trong đền thờ của Ngài. Và nếu ta sống đời công chính, là ta đang mời Ngài đến cư ngụ trong tâm hồn mình (x.Âu - tinh Bài giảng trên núi).
 
*********
BẢY LỜI NGUYỆN XIN
 
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7)
"Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí việc hưởng lạc" (Gc 4,3)
..........O.............
1. NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG
 
Với lời cầu xin này, chúng ta xin Chúa thánh hiến Danh Ngài. Cho nên bản dịch mới đề nghị dịch là "xin làm cho Danh cha được vinh hiển".
Trong kinh Thánh, "Danh" không chỉ là tên gọi để phân biệt, mà còn là chính con người, và sự Thánh thiện của Chúa cũng được gọi là vinh quang "Thánh, Thánh, thánh, Giavê các cơ binh, khắp đất đầy tràn vinh quang người" (Is 6,3)
 
Trong Cựu Ước, sự thánh thiện của Chúa được biểu lợ qua giao ước, và ơn giải thoát Ngài ban cho dân:
"Người đã sai đến cho dân ơn cứu chuộc. Người dã truyền giao ước của Người cho đến muôn đời. Danh Người, Danh Thánh và đáng kính sợ." (Tv 111,9)
 
Nhưng chính nơi Ðức Giêsu, ta mới hiểu rõ lời nguyện xin nầy. Ngay trước "giờ" (tử nạn). Ðức Giêsu kêu lên: "Lạy Cha xin hãy tôn vinh Danh Cha." (Ga 12,28). Và trong lời nguyện Linh mục. Ngài nói rõ hơn:
"Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu, Con Cha tôn vinh Cha... Con đã tôn vinh Cha dưới đất đã chu toàn công việc Cha đã giao phó cho Con làm... Con đã mặc khải Danh Cha cho những người Cha đã lấy từ giữa thế gian mà ban cho Con... Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ chúng nhờ Danh Cha, ngõ hầu chúng nên một như Chúng ta." (Ga 17,1,4,6,11)
 
Như vậy Ðức Giêsu cho thấy: chính Cha tôn vinh Ngài, nhưng Chúa Cha lại tôn vinh Ngài qua Chúa Con và qua cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Con. Ðồng thời, Chúa Cha được tôn vinh không chỉ bằng kinh kinh nguyện, mà còn bằng việc làm của Ðức Giêsu. Với lời nguyện xin này, chúng ta xin Cha tôn vinh Danh Ngài trong và qua kinh nguyện, cũng như cuộc sống của mình. Nếu ta sống tốt, Danh Chúa được chúc tụng; nếu ta sống tội lỗi, Danh Chúa bị xúc phạm (x.Phêrô kim khẩu).
 
2. NƯỚC CHA TRỊ ÐẾN.
 
Theo Phúc Âm nhất lãm, Nước trời là đề tài trung tâm trong lời rao giảng của Ðức Giêsu. Theo thánh Marcô, Ðức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ công khai với lời công bố: "Thơí giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". (1,15). Với Thánh Luca, Nước trời còn đang ẩn đấu (17,20), nhưng đã có những dấu chỉ để nhận diện, như lời Ðức Giêsu trả lời các môn đệ của Gioan: "Các ông hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều mắt thấy tai nghe: mù được sáng, què được đi, phong hủi được sạch và điếc được nghe, kẻ chết sống lại, nghèo khó được nghe báo Tin Mừng." (7,22). Tin mừng Mathêu lại trình bày Nước Trời bằng những hình ảnh và dụ ngôn sống động (chương 13), diễn tả Nước Trời là giá tri tuyệt đối, đến nỗi người ta vui mừng bán tất cả những gì mình có, để chiếm lấy (13, 44-46) và năng lực Nước Trời không ngừng phát triển. âm thầm mà mãnh liệt (13, 31-33).
 
Dựa vào các bản văn Tân ước, có thể nhân ra những đặc điểm của Nước Trời:
 
Ðang trên đường hoàn thành: đã có mặt rồi nhưng chưa hoàn thành. Nước Trời đang ở giữa chúng ta, trong những người có tinh thần nghèo khó, chịu bách hại vì lẽ công chính (Lc 17,21; Mt 5,3-10); nhưng đồng thời Nước Trời lại không thuộc thế gian này (Ga 18,36).
Phổ quát: Nước Trời được dành cho mọi dân mọi nước, và chi phối mọi chiều kích đời sống của con người.
Sâu xa: Nước Trời như men sự sống thấm nhập tận trong thực tại, biến đổi mối quan hệ của ta với Thiên Chúa và với nhau. Tái lập những giá trị căn bản của đời sống: công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.
Do Ðức Giêsu thiết lập theo ý định của Cha, và Nước Trời là chính Ðức Giêsu.
 
 
Vì Nước Trời là chính Ðức Giêsu, nên xin cho Nước Cha trị đến cũng có nghĩa là kêu lên "Maranatha. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến". Và khi cầu xin như thế cũng có nghĩa là xin cho ta được sống xứng đáng là công dân Nước Trời, như Thánh Augustino diễn tả: "Nài xin Nước Chúa ngự đến là nài xin ân huệ sống đời công chính."
 
3. Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ÐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
 
"Xin cho Ý Cha thế hiện dưới đất cũng như trên trời." Nhưng Ý Cha là gì? Người ta có thể đồng hóa Ý Cha với ý riêng, quan điểm, lập trường của mình và bắt mọi người phải theo. Vì thế, phải qui về Ðức Giêsu Kitô, Ðấng thi hành thánh ý Cha trong mọi sự (x.Dt 10, 5-7; Ga 8,29). Và là Ðấng mà nơi Ngài, Thánh Ý cha được bày tỏ trọn vẹn. Ðó là ý muốn "Cho mọi người được cứu thoát và được nhận biết sự thật" (1Tm 2,4). "Không muốn ai phải hư đi nhưng hết thảy có phương hối cải (2Pr 3,9), và giới răn gồm tóm Thánh Ý Thiên Chúa là "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 13, 34).
 
Thánh Ý ấy phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh Cyprianô cắt nghĩa: "Chúng ta phải cầu nguyện để những ai còn thuộc trái đất này có thể thi hành Thánh Ý Thiên Chuá." Muốn như thế: "đừng rập theo đời này, nhưng hãy biến đổi nhờ canh tân lòng trí, làm thế nào để thẩm định được Ý Thiên Chúa là gì thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo" (Rm 12,2).
 
Cuối cùng để Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện trong chính cuộc đời mình và mọi người, ta cần phải sống mầu nhiệm tự hủy của Ðức Giêsu, Ðấng "vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá" (P1 2,6), phải noi gương Mẹ Maria và các Thánh trong "sự vâng phục của đức tin". Lời cầu nguyện chân thành dẫn ta đến thái độ nơi tâm cần thiết, để thánh Ý thiên Chúa được tỏ hiện trong cuộc đời của chúng ta.
 
4. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HÀNG NGÀY
 
Lời cầu xin này phát xuất từ niềm tin tưởng vào Cha, là Ðấng "cho mưa xuống trên người ngay cũng như kẻ ác, cho mắt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành" (Mt 5,45); đồng thời, ý thức rằng con người là tạo vật, cho dẫu lao đồng, phát minh và sáng tạo, nhưng nền tảng là chính hiện hữu (sự sống) của mình, và thiên nhiên lại là quà tặng của Thiên Chuá. Vi thế, ngay chính lúc vận dụng bàn tay và khối óc để làm ra lương thực, vẫn dâng lời khẩn cầu Thiên Chúa, và tạ ơn Ngài.
 
Khi xin Cha ban thương thực, Ðức Giêsu dạy ta thưa: "xin cho chúng con," nghĩa là không chỉ cho bản thân nhưng cho mọi người, cho cả cộng đồng nhân loại liên kết với nhau trong tình huynh đệ. Như vậy, lời kinh dẫn ra đến đòi hỏi phải chia sẻ cho nhau những nhu cầu trong đời sống. Ðòi hỏi này đã được nhấn mạnh từ thời Cựu ước: "Hãy chia bánh cho người đói, nơi trú ngụ cho kẻ không nhà, quần áo cho người mình trần; đó là chay tịnh Ta mong muốn" (Is 58,7). Ðức Giêsu đã làm nổi bật đòi hỏi này trong dụ ngôn: "Nhà phú hộ và La-gia rô" (Lc 16, 29-31).
 
Ngày nay, sự tương phản giữ người giàu và người nghèo còn rộng lớn hơn. Và thái độ ích kỷ của nhà phú hộ ngày xưa cũng mang tầm vóc sâu xa hơn... Vì thế người ta nói đến thứ "tội cơ cấu, tội xã hội". Cơ cấu chính trị kinh tế xã hội, cần được đổi mới để phục vụ nhu cầu của mọi người; nhưng những cơ cấu đó chỉ được đổi mới khi chính tâm hồn con người hoán cải.
Ngoài ra, khi xin Cha ban lương thực người Kitô hữu ý thức đây không chỉ là lương thực vật chất, mà còn là lương thực tinh thần. Ngôn sứ Amos từng nói đến nạn đói, không phải "đói cơm bánh" mà là "đói nghe lời Chúa" (8,11). Và Ðức Giêsu đã nói rõ ràng: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Vì thế, người Kitô hữu hiểu lời cầu xin này là xin "Bánh Sự Sống", gồm cả Lời Chúa (được đón nhận trong đức tin) và mình Chúa (được đón nhận trong Thánh Thể).
 
5. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.
 
Khi cầu nguyện, ta đến trước mặt Chúa như đứa con hoang đàng trờ về nhà Cha trong niềm sám hối "Thưa cha, con phải lỗi phạm đến Trời và đến Cha" (x.Lc 15, 17-19), và như người thu thuế không đám ngẩng mật lên, nhưng cúi đầu xuống, đấm ngực mà thầm thì: "Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội" (Lc 18, 13).
 
Tâm tình sám hối đó phát xuất từ chỗ nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình "Nếu ta nói: ta không có tội thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta... Nếu ta nói: ta đã không phạm tội thì ta kể Người là kẻ nói láo, và Lời Người không có trong ta" (1 Ga 1,8-10). Thánh Mathêu diễn tả tội lỗi đó là một món nợ. Chúng ta mắc nợ với Chúa: món nợ công chính, vì ta làm lu mờ vinh quang Chúa, món nợ vô ơn trước những ân huệ Chuá ban tặng, món nợ xức phạm, chống lại Chúa vì tội lỗi của mình. Tuy nhiên, tin vào tình thương của Chuá là Cha (Abba), ta nài xin ơn tha thứ. Tha thứ ở đây không chỉ là không trả thù, hay quên đi lỗi phạm của người khác, mà còn là giải thoát, là tái lập mối quan hệ đã bị bẻ gẫy. Ðó là lời cầu xin của Ðức Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết" (Lc22,34). Và mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi sống tâm tình yêu thương tha thứ ấy: "Thầy nói với anh em, hãy yêu thương kẻ thù địch, và khẩn cầu cho những người bắt bớ anh em, để anh em nên những con của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 44,45).
 
Chính vì thế khi "Xin Cha tha nợ" ta lại thêm: "như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Ðức Giêsu đã dùng dụ ngôn về người đầy tớ bất nhân (Mt 18, 21-35) để giúp ta hiểu rõ ý nghĩa: trước hết, như ông chủ tha nợ cho tên đầy tới, ơn tha thứ Chúa dành cho ta đi trước sự tha thứ ta dành cho tha nhân; kế đến, sự tha thứ cho người khác là cách diễn tả ơn tha thứ mình đã lãnh nhận; và cuối cùng ơn tha thứ của Chúa chỉ thành hiện thực nến ta biết đón nhận và chia sẽ cho nhau có tầm quan trọng đặc biệt, đến nỗi Ðức Giêsu nói: "Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và sực nhớ người anh em có điều bắt bình với người, hãy đặt của lễ trước bàn thờ mà đi làm hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ." (Mt 5,23-24).
 
Như vậy, lời cầu xin này dẫn ta đến một lối sống chan chứa tình thương, và biến đổi cả bộ mặt cuộc đời.
 
6-7. XIN ÐỪNG ÐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ, NHƯNG CỨU CHÚNG CON KHỎI MỌI SỰ DỮ
 
Lời cầu xin này đáp-ứng lời cảnh giác của Ðức Giêsu "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì mạnh mẽ nhưng xác thịt lại yếu đuối" (Mt 25,41).
 
Phân biệt "thử thách" và "cám dỗ". Thánh Phaolô tự hào vì những thử thách gian truân gặp phải trong đời,
 
"Gian truân tạo kiên nhẫn, kiên nhẫn tạo nhân đức" (Rm 5,3-5). Còn cám dỗ là sự xúi giục điều xấu, đưa đến tội và sự chết, và Thiên Chúa không cám dỗ ai cả: "Bị cám dỗ, đừng ai nói: Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ. Vì Thiên Chúa không thể bị điều dữ cám dỗ Người, và Người cũng không cám dỗ ai. Mỗi người có bị cám dỗ là do đam mê của mình" (Gc 1,13-14).
Cũng phải phân biệt "bị cám dỗ" và "sa chước cám dỗ". Bị cám dỗ là chuyện tự nhiên của thân phận con người. Chính Chúa Kitô cũng bị cám dỗ (Mt 4,1-11). Và vì thế, không có tội lỗi gì khi bị cám dỗ. Vấn đề là ở chỗ chiều theo cơn cám dỗ. Ở đây, ta cần được ơn biện phân các thần khí để nhận diện sự ác, xuất hiện với dáng vẻ bên ngoài "tốt đẹp ... nhìn thật hấp dẫn" (St 3,6), nhưng bên trong lại ẩn chứa nọc độc tội lỗi và sự chết.
 
Có chiều theo cơn cám dỗ hay không, điều đó tùy thuộc tâm hồn ta: "Kho tàng, của người ở đâu, lòng người ở đó ... Không ai có thể làm tôi hai chủ ... " (Mt 6,21-24). Chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa để hướng lòng về điều thiện: "Chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước" (GI 5,25): Và Thánh Phaolô quả quyết: "Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức chịu đựng" (1Cr 10,13). Chính vì thế, cần tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ (x,Mc 13,9; Cl 4,4; 1Pr 5,8-10).
 
Lời kinh này không chỉ nói đến những cơn cám dỗ hàng ngày, mà còn nói đến cuộc chiến đấu giữa Thiên Chúa và Ác thần: "Nhưng cứu chúng con khỏi Ác thần."
 
Ðó là cuộc chiến đấu chống lại Satan "tên quyến rũ cả thế giới" (Kh 12, 9) "Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó... nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối" ( Ga 8,44). Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng "Ðầu mục của thế gian này (Ga 14, 30). Nhưng sự giải thoát này Chúa biểu lộ hoàn toàn nơi mọi thụ tao, vì thế, "tạo thành những ngong ngóng trông đợi... hi vọng sẽ được tự do, khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do, khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quanh thuộc hàng con cái Thien Chúa" (Rm 8,20-22). Nhưng Chúa Kitô trấn an chúng ta: "Ðừng sợ, Thầy đã thắng thế gian". Và vì thế, chúng ta phải cầu xin ơn được giải thoát khỏi sự dữ:
 
"Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời".
Chính nhờ Ðức Kitô,
Cùng với Ðức Kitô,
Và trong Ðức Kitô
Hiệp nhất với Chúa Thánh Thần
Mọi vinh quang và danh dự
Ðều thuộc về Cha
Là Thiên Chúa toàn năng
Ðến muôn thuở muôn đời. Amen.
 (Lm Nguyễn Tầm Thường - SJ)
 
578. Ðâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha?
2759-2760
2773
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã xin Người "dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội thánh luôn dùng bản văn của thánh Mátthêu (6, 9-13).
 
"Bản Tóm Lược Toàn Bộ Tin Mừng"
 
579. Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh?
2761-2764
2774
Kinh Lạy Cha là "bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng" (Tertullianô), là "lời cầu nguyện tuyệt hảo" (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.
 
580. Tại sao kinh này được gọi là "lời kinh của Chúa"?
2765-2766
2775
Kinh Lạy Cha được gọi là "lời kinh của Chúa," vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.
 
581. Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội thánh?
2767-2772
2776
Kinh Lay Cha là lời kinh tuyệt hảo của Hội thánh. Kinh này chỉ được "trao" cho những người con của Thiên Chúa vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh. Bí tích Thánh Thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này: những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha là thành phần chính yếu của Các giờ kinh Phụng vụ.
 
"Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời"
 
582. Tại sao chúng ta có thể "dám tin tưởng đến gần" Chúa Cha?
2777-2778
2797
Vì Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người đã làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với sự tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, sự can đảm khiêm hạ và trong sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.
 
583. Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Cha"?
2779-2785
2789
2798-2800
Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.
 
584. Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha "chúng con"?
2786-2790
2801
Thuật ngữ "chúng con" diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Ðức Kitô, chúng ta là Dân "của Ngài" và Ngài là Thiên Chúa "của chúng ta", bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha "chúng con" vì Hội thánh của Ðức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên "một trái tim và một linh hồn " (Cv 4,32).
 
585. Chúng ta cầu nguyện Lạy Cha "chúng con" với tinh thần hiệp thông và truyền giáo nào?
2791-2793
2801
Kinh Lạy Cha "chúng con" là gia sản chung của tất cả những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nên họ phải cảm nhận lời kêu gọi khẩn thiết cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người. Cầu nguyện bằng kinh "Lạy Cha chúng con," tức là cầu nguyện với và cho tất cả mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa thật và phải hợp nhất với nhau.
 
586. Thuật ngữ "ở trên trời" có nghĩa là gì?
2794-2796
2802
"Ở trên trời" là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người "hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa" (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời.
 
Bảy Lời Cầu Xin
 
587. Lời kinh của Chúa được cấu tạo như thế nào?
2803-2806
2857
Lời kinh của Chúa có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài: lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Ðấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin: sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi thần Dữ.
 
588. Lời cầu xin "Nguyện danh Cha cả sáng" có ý nghĩa gì?
2807-2812
2858
"Danh Cha cả sáng" trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Môsê và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.
 
589. Danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào?
2813-2815
Thiên Chúa buộc chúng ta phải "nên thánh" (1 Ts 4,7). Câu "Danh Thiên Chúa được thánh hoá" muốn nói lên đòi hỏi việc hiến thánh của Bí tích Rửa tội phải làm sinh động cả cuộc đời chúng ta; ngoài ra còn mang ý nghĩa, chúng ta phải chăm sóc cuộc đời và lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng.
 
590. Hội thánh xin gì khi cầu nguyện "Nước Cha trị đến"?
2816-2821
2859
Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê: "Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến" (Kh 22,20).
 
591. Tại sao chúng ta cầu xin: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời"?
2822-2827
2860
Ý muốn của Cha chúng ta là "tất cả mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Ðức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể "nhận ra ý muốn của Thiên Chúa" (Rm 12,2) và "kiên trì thi hành thánh ý" (Dt 10,36).
 
592. Lời cầu "xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" có nghĩa gì?
2828-2834
2861
Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Ðấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.
 
593. Lời cầu xin này có ý nghĩa đặc thù nào cho người Kitô hữu?
2835-2837
2861
Vì "người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến.
 
594. Tại sao chúng ta nói "xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"?
2838-2839
2862
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, "chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.
 
595. Làm sao có thể tha thứ được?
2840-2845
2862
Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.
 
596. "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" nghĩa là gì?
2846-2849
2863
Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết nhận định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, và đàng khác, giữa bị cám dỗ và thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Ðấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.
 
597. Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin "nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ"?
2850-2854
2864
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, "kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại" (Kh 12,9). Ðức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Ðức Kitô lại đến, Ðấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.
 
598. Chữ "Amen" cuối cùng có nghĩa là gì?
2855-2856
2865
"Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là 'xin Chúa cứ làm cho con như vậy', chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này" (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn