1
01:06 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 167

Máy chủ tìm kiếm : 27

Khách viếng thăm : 140


Hôm nayHôm nay : 2321

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 392408

Tổng cộngTổng cộng : 27946692

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » GIÁO PHẬN VINH

Thánh lễ đại triều mừng 80 năm thành lập, khánh thành nhà Chung Giáo phận

Chủ nhật - 10/04/2016 10:01-Đã xem: 2588
Giáo phận Thái Bình - Thánh lễ đại triều mừng 80 năm thành lập, khánh thành nhà Chung Giáo phận và chào mừng quý Đức Tổng, quý Đức Cha đến tham dự hội nghị thường niên lần thứ nhất năm 2016 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam
Thánh lễ đại triều mừng 80 năm thành lập, khánh thành nhà Chung Giáo phận

Thánh lễ đại triều mừng 80 năm thành lập, khánh thành nhà Chung Giáo phận

Bài ca cảm tạ tri ân đã được Giáo phận Thái Bình dâng kính lên Thiên Chúa mỗi ngày và đặc biệt trong dịp đại lễ mừng kỉ niệm 80 năm thành lập, khánh thành ngôi nhà Chung Giáo phận và chào mừng sự hiện diện của quý Đức Tổng, Đức Hồng Y, quý Đức Cha đến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ nhất năm 2016 vào sáng ngày 08/4/2016.

Ngay từ sáng sớm, khuôn viên nhà Chung Giáo phận đã nhộn nhịp bởi những dòng người quy tụ về để được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử trọng đại của Giáo phận. Trải qua bao thăng trầm Giáo phận Thái Bình vẫn luôn kiên vững đức tin bởi hạt giống Tin Mừng của Giáo phận đã được ươm mầm, nuôi dưỡng bằng máu và nước mắt của các bậc tử đạo anh hùng.

Sau cuộc rước trọng thể, quý Đức Tổng, Đức Hồng Y, quý Đức Cha cùng toàn thể cộng đoàn hiện diện được lắng nghe trang sử hào hùng của Giáo phận qua phần giới thiệu về 378 năm hồng ân Đức tin và 80 năm thành lập Giáo phận của Cha Vinh sơn Ngô Thái Phong.

Nghi thức cắt băng khánh thành ngôi nhà Chung Giáo phận đã được long trọng cử hành trước sự chứng kiến của quý Đức Tổng, Đức Hồng Y, quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ, quý khách cùng hàng ngàn tín hữu trong và ngoài Giáo phận. Giây phút mong chờ của Giáo phận đã đến, Ngôi nhà Chung của Giáo phận đã được dâng lên Thiên Chúa qua nghi thức rẩy nước Thánh do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục Giáo phận cùng quý Đức cha cử hành.

Trước khi Thánh lễ được cử hành, Giáo phận Thái Bình đã dâng lên quý Đức Tổng, quý Đức Cha những bó hoa tươi thắm cùng những lời tri ân sâu sắc. Đáp từ lại tình cảm và sự hiếu khách của Giáo phận quê lúa, Đức Hồng Y Phêrô - Đại diện quý Đức Cha có lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đức Cha Phêrô cùng toàn thể cộng đoàn Giáo phận Thái Bình.

Thánh lễ kỉ niệm 80 năm thành lập, khánh thành ngôi nhà Chung Giáo phận và chào mừng sự hiện diện của quý Đức Tổng, quý Đức Cha đến tham dự Hội nghị thường niên HĐGMVN lần thứ nhất năm 2016 được cử hành lúc 8h30 do Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự. Đồng tế với Đức Hồng Y còn có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, quý Đức Cha đến từ 3 Giáo tỉnh, quý thầy Phó tế và sự hiệp thông của quý thầy chủng sinh, quý tu sĩ, quý khách cùng hơn hai mươi ngàn tín hữu.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Hồng Y Phêrô đã ngỏ lời chúc mừng Đức Cha cùng toàn thể Giáo phận Thái Bình nhân ngày hồng phúc của Giáo phận. Qua đó, Ngài cũng mời gọi chiên đoàn Giáo phận Thái Bình hãy cất cao lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa mọi ngày bằng đời sống chứng nhân Tin Mừng của mỗi người.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, bằng việc nhắc lại quá trình hình thành và phát triển cũng như những thăng trầm trong việc bảo vệ hạt giống đức tin của Giáo phận, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã mời gọi cộng đoàn hãy cảm tạ Thiên Chúa vì muôn vàn ơn phúc Ngài đã thương ban, lo liệu cho Giáo phận Thái Bình: “Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận Thái Bình một vị mục tử dành trọn khối óc, bàn tay và trái tim cho đoàn chiên. Chúa đã làm như thê trong suốt dòng chảy lịch sử của Dân Ngài. Mỗi chặng đường, mỗi thế hệ, Ngài đã gửi đến một sứ giả đúng người, đúng việc, đúng thời, đúng lúc và nhât là đúng như lời Đức Maria đã thốt lên : “Lòng Thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”; Đức cha Giuse còn đọc một bài thơ ngẫu hứng để tặng Đức cha Phêrô. Bài thơ đầy  hài hước, dí dỏm nhưng khiến cả cộng đoàn vui cười trong niềm xúc động, biết ơn người cha vô cùng kính yêu đã trao cả sự sống, cả trái tim, hơi thở, cả những vui buồn sướng khổ, thành công hay thất bại cuộc đời ngài cho cộng đoàn con cái Thái Bình - Hưng Yên.

Đức cha Giuse cũng chúc mừng mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đã bền lòng, tay trong tay, lòng chung lòng sát cánh bên vị mục tử nhân hiền, đưa con thuyền Giáo phận về tới bến bờ bình an hôm nay.

Cuối bài giảng, Đức cha đã khẳng định: "Đức tin là chìa khóa tháo gỡ tất cả những bất ổn trong lịch sử Israel. Đức tin cũng giúp chúng ta vượt qua tất cả." Lời khích lệ của Đức cha khiến cộng đoàn tràn ngập niềm tin vào Hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người chúng ta và cho Giáo phận nói chung.

Sau phần Hiệp lễ, Đức Tổng Giám mục Leopdol Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha có lời chúc mừng Đức cha và toàn thể Giáo phận.

Cha Fr.Ass Nguyễn Tiến Tám, Tổng đại diện Giáo phận Thái Bình dâng lời cảm tạ Thiên Chúa là Cha Đầy Lòng Thương Xót qua Đức Trinh Nữ Maria, các thánh Tử Đạo đã thương ban ơn lành cho Giaó phận. Cám ơn Quý Đức Tổng, Đức Hồng Y, quý Đức cha, đặc biệt là Đức cha Phêrô, Đức cha Phanxicô Xavie, các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cùng cộng đoàn dân Chúa đã hết lòng hy sinh, nâng đỡ và cộng tác để Ngôi Nhà Chung Giáo phận được hoàn thiện và Thánh lễ hôm nay được diễn ra trọng thể, sốt sáng.

                                    Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ

                                    Kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm"

                                                                        (TV. 9,2)

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria luôn gìn giữ và nâng đỡ cho con thuyền Đức tin của Giáo phận chúng con ngày càng vững vàng và phát triển mạnh mẽ hơn trong lòng Giáo Hội.

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

 

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

Giáo phận Thái Bình
 

Bài giảng của Đức cha giáo phận Thanh Hóa
Giuse Nguyễn Chí Linh nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập
và khánh thành Nhà Chung Giáo Phận Thái Bình

Nói đến Thái Bình, người ta thường nghĩ ngay đến mấy câu thơ rất nổi tiếng này : Thái Bình có cái cầu bo Có nhà máy cháo có lò đúc môi. "Thái Bình là đất ăn chơi Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành."

Trọng kính Đức Tổng Phaolô, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam,

Trọng kính Đức Hồng Y Phêrô,

Your Excelency Leopoldo Girelli,

Kính thưa Đức cha chủ nhà Phêrô,

Kính thưa quý Đức cha,

Anh em linh mục, nam nữ tu sĩ, quý quan khách và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,

Nói đến Thái Bình, người ta thường nghĩ ngay đến mấy câu thơ rất nổi tiếng này :

Thái Bình có cái cầu bo Có nhà máy cháo có lò đúc môi.

"Thái Bình là đất ăn chơi

Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành."

Con xin lỗi Đức cha Phêrô và giáo phận Thái Bình vì đã mở lời bằng những câu thơ có phần đùa nghịch ấy. Dường như tác giả có ý nói Thái Bình nghèo quá nên chỉ ăn toàn cháo; Thái Bình nghèo quá nên phải đi ăn xin. Tương tự như nhắc tới Thanh hoá, người ta thường chế giễu dân Thanh hoá “ăn rau má phá đường tầu”.

Thật ra, trưng dẫn những câu thơ ấy, tôi muốn chứng minh một điều ngược lại : Thái Bình không nghèo như người ta tưởng đã có thời đạt danh hiệu “quê hương năm tấn” và “quê lúa”, lúc nào cũng bội thu thì làm sao mà nghèo đói được ?

Nhưng trong bối cảnh tưởng niệm hồng ân Chúa nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập và khánh thành nhà chung giáo phận, mà nói về tấn với tạ, lúa với gạo thì có vẻ hợp tác xã nông nghiệp quá. Điều đáng nói nhất hôm nay chắc hẳn là kho tàng ân sủng mà chúng ta đã nhận trong suốt thời gian qua, từ khi đón nhận Tin Mừng cho đến khi hình thành, phát triển.

Vậy chúng ta hãy thực hiện một cuộc hành hương chớp nhoáng ngược dòng thời gian, để chúng ta khám phá sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử giáo phận chúng ta như thế nào. Cùng với cuộc hành hương thời gian đó, chúng ta cũng hãy thực hiện một cuộc hành hương vào không gian Thái Bình, với tất cả những nét biệt loại về văn hoá, truyền thống, phong cách con người quê hương, tìm hiểu xem tiền bối của chúng ta đã vận dụng những yêu tô khách quan đó như thế nào để làm triển nở hạt giống đức tin, để xây dựng và kiến tạo.

Chúng ta hãy bắt đầu với biến cố xa xưa nhất cách đây 346 năm. Ngày 14/02/1670, tại Phố Hiến, thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay, đã diễn ra một sự kiện chưa từng có tại Việt Nam, đó là Công đồng mục vụ do Đức cha Lambert de la Motte triệu tập. Ngoài Đức cha chủ sự, tham dự viên chỉ vỏn vẹn 10 người : cha chính Deydier, hai cha thừa sai và bảy linh mục Việt Nam tiên khởi. Điều độc đáo là Công đồng đã được tổ chức trên một chiêc thuyền buôn nước ngoài, đang neo đậu tại bến cảng Phố Hiến.

Đơn giản chỉ có thế nhưng lại là cả một trang sử đầy dấu ấn : chỉ hai ngày sau khi khai mạc, tức ngày 16/02/1670, Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam đã được khai sinh và chỉ sáu tháng sau, đã có hàng ngàn người được rửa tội.

Câu nói dân gian thời bấy giờ “thứ nhứt kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” vẫn mang trọn vẹn ý nghĩa khi áp dụng vào lịch sử của đạo công giáo tại Thái Bình.

Theo đánh giá của cha Tổng đại diện khi chào mừng quý đức cha chiều 04/4/2016 vừa qua, hôm nay đây, tại giáo phận Thái Bình cũng diễn ra một biến cố trọng đại mang chiều kích lịch sử không khác gì Công đồng Phố Hiến : lần đầu tiên Hội nghị Hội đồng giám mục Việt Nam được tổ chức tại Thái Bình.

Khác một điều : Công đồng Phố Hiến được triệu tập để khởi động lịch sử; còn hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam chứng kiến sự trưởng thành lớn mạnh của giáo phận Thái Bình. Công đồng Phố hiến diễn ra trong những điều kiện hết sức thô sơ, trên một con tầu buôn ngổn ngang hàng hoá, còn hội nghị của Hội đồng Giám mục diễn ra tại một công trình sừng sững hiên ngang, giống như một con tầu vĩ đại đã tới bờ tới bến, buông neo vững vàng, cờ bay phất phới.

Cách đây bốn năm, cũng vào tháng tư như hôm nay, giáo phận Thanh hoá cũng hân hạnh được tiếp đón Hội đồng giám mục Việt nam về họp hội nghị và khánh thành toà giám mục mới lúc ấy tôi rất phấn khởi vì ai cũng tấm tắc khen là hoành tráng. Nhưng bây giờ, đứng trước công trình nguy nga kích cỡ này, tôi chỉ còn biết gật gù tự nhủ :“Thanh Hoá ơi, hãy há mồm ngước mắt cao trông về núi thánh” y như cách diễn tả của thánh vịnh 120 vậỵ. Toà giám mục Thanh Hoá mà bê được ra đây, ắt là bỏ lọt tuôm vào cái giếng trời của toà giám mục Thái Bình. Xin Thái Bình vỗ một tràng pháo tay đi ạ.

Nhân vật đầu tiên đáng chúc mừng nhất là Đức cha Phêrô. Con xin mạn phép thay mặt cộng đoàn hiện diện để kính tặng người mấy câu ví von đơn sơ cho dễ hiểu :

Trong một khu phố rất nhỏ, có một cái Toà giám mục rất là to.

Toà giám mục rất to, nhưng số đo của Đức cha lại rât là nhỏ.

Đức cha rất nhỏ nhưng trái tim của ngài lại rât là to.

Trái tim ngài to, nhưng ngài nói lại rất là nhỏ.

Ngài nói rất nhỏ nhưng lại xin được những món tiền rất là to.

Món tiền rất là to nhưng túi của ngài lại rất là nhỏ.

Sở dĩ túi của ngài nhỏ vì ngài phải tiêu những khoản rất là to.

Tiêu nhiều khoản to nhưng ước mong của ngài lại rất là nhỏ.

Ước mong rất nhỏ đó là thể hiện được một khối tình rất là to.

Quả vậy, ngài đã biểu lộ ước nguyện đó trong bài giảng ngày 01/9/2009, khi ngài chính thức ra mắt giáo phận. Tôi xin trích : “Từ nay không còn là tôi sống nữa, mà là giáo phận Thái Bình, là anh chị em giáo dân sống trong tôi. Từ nay sự sống tôi, trái tim tôi, hơi thở tôi, vui buồn sướng khổ, thành công hay thất bại của đời tôi, xin được hoàn toàn gắn liền với cuộc sống của anh chị em, với cộng đoàn dân Chúa tại giáo phận Thái Bình”

Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận Thái Bình một vị mục tử dành trọn khối óc, bàn tay và trái tim cho đoàn chiên. Chúa đã làm như thế trong suốt dòng chảy lịch sử của Dân Ngài. Mỗi chặng đường, mỗi thế hệ, Ngài đã gửi đến một sứ giả đúng người, đúng việc, đúng thời, đúng lúc và nhât là đúng như lời Đức Maria đã thốt lên : “Lòng Thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”.

Kỳ tích của Đức cha Phêrô không thể thực hiện được nếu không có đại gia đình giáo phận. Vì thế, thật là thiếu sót nếu không chúc mừng mọi thành phân Dân Chúa đã lòng bên lòng, tay trong tay, cùng chèo cùng chống với vị thuyền trưởng tài ba đưa con thuyền giáo phận về đến bình an ngày hôm nay. Công trình nhà chung từ đây sẽ mãi mãi là kỷ niệm muôn đời lưu dấu của tình hiệp thông giáo phận Thái Bình Tôi chúc mừng các cha từ nay đồng tế tại đây không còn phải che dù. Tôi chúc mừng toàn thể con cái Thái Bình từ đây “muôn đời sẽ khen rằng ta có phúc”.

Quả vậy, Chúa có muôn ngàn cách để điều khiển an bài cho vận mệnh của chúng ta. Từ thời hồng hoang của giáo phận Thái Bình - Hưng Yên năm 1638, Chúa đã sai cha Felice Morelli đến làng Bồ Trang, Kẻ Chợ Chính ngài đã thành lập giáo xứ Kẻ Bái, vẫn còn tồn tại mãi đến ngày nay. Cũng từ cái nôi Kẻ Bái đó, mọi sự đã không ngừng lớn mạnh và lan toả Khi cha Gioan Casado Thuận được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi của Thái Bình, giáo phận đã có hàng chục giáo xứ, hàng trăm linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh.

Thật ra, không phải lúc nào con thuyền giáo phận cũng thuận buồm xuôi gió. Giáo phận Thái Bình cũng đã trải qua những giờ phút đen tối. Nhưng gặp thời thuận lơi hay không,“muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Nhờ gian nan khôn khó, Ngài đã ban cho giáo phận thân yêu này đên 19 vị tử đạo, chiếm hơn 1/5 tổng sô 117 vị tử đạo VN. Màu xanh của lúa Thái Bình - Hưng yên trở nên đẹp đẽ hơn nhờ điểm thêm màu hồng của dòng máu anh hùng.

Cuộc bách hại chấm dứt chưa bao lâu, biến cố di cư 1954 lại một lần nữa làm cho con thuyền giáo phận chao đảo chòng chành. Con số 85 linh mục, 35 đại chủng sinh và 160.000 giáo dân, giờ này ở lại miên Bắc chỉ còn 13 cha cao niên, 23 chủng sinh, 26 dì phước dòng ba Đaminh, và khoảng 80.000 giáo dân. Tiếp theo đó, chiến tranh, loạn lạc, thời thế thất điên bát đảo đã khiên đàn chiên tan tác, đến độ đã có lúc người ta nghĩ thôi thê là hết, giáo hội công giáo có nguy cơ sẽ bị xoá tên trên bản đồ Thái Bình - Hưng Yên.

Nhưng không, Chúa vẫn “săn sóc Israel tôi tớ Chúa, vì Ngài nhớ lại lòng thương xót của Ngài”. Hãy nhìn ngôi nhà thờ chính toà do Đức cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang xây dựng. Hãy nhớ lại đứa con tinh thần của ngài là Đại hội giới trẻ hang năm ở miền Bắc. Hãy nhìn vào Dân Chúa tụ họp ngày đại lễ hôm nay, hãy nhìn các vị chủ chăn trên lễ đài, chúng ta sẽ thấy ơn Chúa đã đưa dẫn giáo phận chúng ta qua gian nan thử thách như thế nào và hãy cúi đầu cảm tạ Ngài.

Càng nhìn lại những chặng đường đã đi qua, càng ngẫm càng suy, chúng ta càng phát hiện nhiều điều kỳ diệu. Đặc sản Bánh Cáy, canh cá Quỳnh Côi, bún bung của Thái Bình, hay tương bần, bún thang của Hưng Yên là những món ăn hoàn toàn khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mẫu số, đó là được biến chế từ những nông phẩm đơn giản, gân gũi tại hiện trường sinh sống. Không ngờ cái triết lý thực tiễn đó đã được các bậc tiền nhân giáo phận vận dụng cách tài tình vào sinh hoạt Giáo hội.

Thoạt đầu tôi không hiểu tại sao các giáo xứ Thái Bình - Hưng Yên lại nhiều trống nhiều kèn đến thế, tại sao họ lại hát hò du dương đến thế, tại sao lại nhiều màu cờ sắc áo đến thế. Bây giờ tôi mới hiểu rằng khi vào đạo, tổ tiên họ vẫn là những người con của quê hương ca trù, của trống quân, tuồng chèo. Đam mê da diết cho tới độ “chẳng thèm ăn chả ăn nem, thèm mo cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

Không chính xác lắm nhưng người ta ước chừng, ngoài những nơi nổi tiếng như Chùa Keo, Thái Bình còn đến hơn 1.400 công trình kiến trúc cổ đủ loại lớn nhỏ khác nhau như đình, đền, chùa, miếu.ễ. Điểm đặc biệt là có bao nhiêu công trình thì cũng có bấy nhiêu lễ hội, hoá ra máu văn hoá nghệ thuật cao độ của Thái Bình - Hưng Yên đã được rửa tội và nhờ đó đã tạo cho Giáo hội công giáo tại đây một khuôn mặt thật ly kỳ hấp dẫn.

Thái Bình - Hưng Yên còn là quê hương của “địa linh nhân kiệt”. Con người Thái Bình - Hưng Yên qua nhiều thế hệ, đã biết trau dồi kiến thức để vươn tới đỉnh cao trí tuệ, đóng góp cho đất nước không ít nhân tài trong mọi lãnh vực, để lại cho Thái Bình những trang vàng chói lọi. Phải nói rằng danh nhân kiệt xuất của Thái Bình - Hưng yên nhiều như lá rụng mùa thu Thời nhà Nguyễn cả nước có gần 1000 người đỗ đại khoa thì riêng Thái Bình đã chiếm 111 người. Chẳng những nhiều mà còn đa khoa, bách nghệ : từ thần đồng giáo dục như Lê quý Đôn, Dương quảng Hàm; kiệt xuất văn học như Đoàn thị Điểm; cho chí danh y thầy thuốc như Hải thượng Lãn ông, thiên tài binh pháp như Phạm ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật.

Cũng nhờ thừa kế gia tài chất xám ấy mà trong nhà đạo, giáo phận cũng có nhiều danh nhân tên tuổi không kém gì xã hội Thái Bình đã đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam đến 7 vị giám mục : ba vị đã qua đời là Đức cha Giuse Trương Cao Đại, Đức cha Đa minh Nguyễn Văn Lãng; Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ; bốn vị vẫn còn sống là Đức cha GB. Bùi Tuần vì tuổi già sức yếu nên hôm nay không có mặt; ba vị còn lại đang hiện diện giữa chúng ta : Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ; Đức cha Giuse Vũ Duy Thống và Đức cha Giuse Trần Văn Toản. Các ngài vừa là sự hãnh diện của Thái Bình, vừa là món quà quê hương Chúa dùng để tặng cho Giáo hội Việt Nam. Chỗ này chắc phải vỗ tay nồng nhiệt.

Thưa cộng đoàn, càng trở về với quá khứ, càng đi sâu vào quê hương đức tin, chúng ta càng thấm thìa cảm nghiệm của nữ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu : tất cả đều là hồng ân. Vậy chúng ta hãy vui lên. Vui vì Chúa đã ở bên cạnh chúng ta trên mọi nẻo đường cheo leo. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Sophonia đã dùng khái niệm “thiếu nữ Sion” để diễn tả lòng thương xót Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài. Hôm nay, Chúa cũng nói với chúng ta như thế : “Hãy hân hoan và hãy vui mừng hết tâm hồn. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi”.

Chẳng những vui vì những gì chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta còn vui vì hành trang chúng ta hôm nay đã đầy đủ và cho phép chúng ta hiên ngang bước vào tương lai. Chúa sẽ tiếp tục hiện diện giữa chúng ta trên con đường trước mặt miễn là chúng ta tiếp tục tin vào Ngài. Đó chính là bí quyết của thư Do Thái chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai. Chỉ trong một trích đoạn ngắn, tác giả thư Do Thái đã sử dụng từ ngữ “đức tin” đến 10 lần. Đức tin là chìa khoá tháo gỡ tất cả những bất ổn trong lịch sử Israel. Đức tin cũng sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.

Khi đến thăm Hội đồng Giám mục cách đây mấy ngày, Đức khâm sứ Leopoldo Girelli đã chia sẻ rằng con đường của môn đệ sau khi Chúa phục sinh là lắng nghe, tin và lên đường. Chúng ta đã lắng nghe, đã tin. Vậy Thái Bình ơi, hãy lên đường.

“Dù ai buôn Bắc bán Đông,

Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”.

Ngày hôm nay còn đáng nhớ hơn cả nhãn lồng Hưng Yên. Dù có về tận Vĩnh Long cuối trời Việt Nam, dù có ra vùng cực bắc Lạng Sơn, Cao Bằng, các Đức cha sẽ ghi nhớ mãi khoảnh khắc thiên thu này. Xin cám ơn Thái Bình. Xin Chúa chúc lành cho Thái Bình. Amen.

Ngày 08/4/2016

Gm. Giuse Nguyễn Chí Linh

Giáo phận Thanh Hóa

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

 

 

 

 

 

 

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

Giáo phận Thái Bình

 BTT GP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn