1
02:35 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 79

Máy chủ tìm kiếm : 8

Khách viếng thăm : 71


Hôm nayHôm nay : 2099

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 306221

Tổng cộngTổng cộng : 27860505

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA

Nguồn gốc lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời đã có từ lâu

Thứ tư - 14/08/2013 07:02-Đã xem: 2735
Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria. Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm. Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông
Nguồn gốc lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời đã có từ lâu

Nguồn gốc lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời đã có từ lâu

NGÀY 15 THÁNG 8
LỄ MẸ LÊN TRỜI LỄ CHÍNH NGÀY
Kh 11,19a ; 12,1-6a.10ab ; 1Cr 15,20-27 ; Lc 1,39-56
 
BÀI ĐỌC I : Kh 11,19a ; 12,1-6a.10ab
 
1119 Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn.
 
12 1 Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.3 Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện.4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.5 Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.6aCòn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc;  10ab Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:"Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính.”
Đó là Lời Chúa
 


BÀI ĐỌC II : 1Cr 15, 20-27
 
 20 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.22Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. 25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết,27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô
Đó là Lời Chúa
 

TUNG HÔ TIN MỪNG :
 
Hall-Hall : Đức Ma-ri-a được rước lên trời, muôn vàn thiên sứ hoan hỷ mừng vui. Hall.
 

TIN MỪNG : Lc 1,39-56
 
TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH LU-CA
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em (quả lòng em : bản dịch NTT) đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
 
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."
 
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Đó là Lời Chúa
 
NHỮNG SUY TƯ HỌC HỎI

Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội. Toàn thể ở đây được hiểu như là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo. Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.
 
Trong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác. Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính. Chân lý đó là : “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ. Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo. Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đế quốc La-mã  vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế. Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8. Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi cây dầu tại Jerusalem. Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ hay thay thế được lễ này. Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-6-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt tên cho một tên thánh hiếm có là Napoléon. Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria thì nawm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu. Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon. Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli. Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông. Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt. Tại Rooma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng : “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được”.

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền. Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố. Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria. Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa. Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được. Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những vị dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa. Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.

Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria. Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm. Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông. Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa. Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat : “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc”.
 
THEO ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
GM GB. Bùi Tuần
Sắp đến lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.

Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18). Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời:“Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.

Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.

Làm chứng cho Chúa
Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,45-48).

Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.

Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).
Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu cứu độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.

Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.

Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể. Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.

Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.

Nhờ Mẹ Maria cầu bầu

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa. Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó. tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.

Nhiều người biết Đức Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.

Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng cứu thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.

Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.

Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu độ. Người là Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.

 

CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH

Có một phụ nữ rất thích các bức họa. Tên cô là Adrienne. Một ngày kia trong một cửu hàng đồ cổ ở miền quê, cô tìm thấy bứa họa nhỏ mà cô tin là bức chân dung tự họa của một bậc thầy vĩ đại. Dĩ nhiên, cô rất phấn khởi trước khám phá này. Ít lâu sau, cô mới biết rằng bức họa ấy mang lại cho cô nhiều rắc rối.

Cô nghĩ rằng các viện bảo tàng quốc gia phải rất quan tâm đến sự khám phá của cô, cô gởi những hình ảnh chụp bức họa. Cô rất ngạc nhiên, giám đốc của phòng triển lãm Quốc gia đã tuyên bố trịnh trọng rằng bức họa ấy dứt khoát không phải là bản gốc.

Nhưng Adrienne không bỏ cuộc. Cô nàng nỗ lực nhiều hơn. Cô cho chiếu X quang bức họa trong phòng thí nghiệm của ngành công an và dưới tia hồng ngoại những chữ đầu tiên của người họa sĩ hiện ra bên dưới những lớp sơn trên cùng. Cô liền gửi những tìm tòi ấy cho một chuyên viên. Ông này lịch sự bày tỏ sự quan tâm nhưng vẫn giữ quan điểm trước đây: bức họa không phải là bản gốc.

Kế đó, cô nghiên cứu sâu về lịch sử và phát hiện thêm nhiều điều hiển nhiên chứng tỏ rằng cô đúng, không còn gì để nghi ngờ nữa. Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật đã tổ chức một buổi lễ để tôn vinh cô. Nếu không có nỗ lực, sự kiên trì và tin tưởng của cô, bức họa sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng.

Đức Giêsu là chân dung tự họa của Thiên Chúa. Nhưng qua Đức Maria, Người đã được sinh ra ở giữa chúng ta. Mẹ chăm sóc Người trong suốt những năm Người ẩn dật trong bóng tối, không ai biết và thừa nhận. Và sau cùng khi Người xuất hiện từ bóng tối ấy để bước vào đời sống công khai, Người đã không gặp được sự ủng hộ của mọi người. Đương nhiên, tôn giáo cơ cấu từ chối không tin vào Người. Nhưng Đức Maria tiếp tục tin tưởng và ủng hộ Người cho đến cùng.

Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ kẻ chết, bào chữa cho Người và đặt dấu ấn tán dương mọi việc Người đã theo đuổi và thể hiện trong đời sống. Đức Giêsu đã được cất lên vào vinh quang ở bên hữu Thiên Chúa. Vậy Đức Maria được tham dự vào vinh quang của Người không đúng sao? Đó chính là điều mà chúng ta cử hành lễ tôn vinh Đức Maria, người nữ tỳ hèn mọn ở Na-da-rét, mỗi người chúng ta được dựng lên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như Mẹ làm trong tiệc cưới Cana, Đức Maria tiếp tục can thiệp cho chúng ta. Mẹ giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến đấu để chúng ta tin vào nhân phẩm con người và thần tính của chúng ta, và để sống một đời sống phù hợp với nhân phẩm ấy. Và với sự giúp đỡ của Mẹ, và ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể hy vọng dự phần vào vinh quang của Mẹ và vinh quang của Con Mẹ trên thiên đàng.

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn