1
15:03 +07 Thứ sáu, 19/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 45


Hôm nayHôm nay : 7607

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 198319

Tổng cộngTổng cộng : 27752603

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA

Chiêm niệm Thánh Thể qua Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa

Thứ tư - 16/10/2013 14:45-Đã xem: 4255
Đức Chân Phước Gioan Phaolô II gọi đó là đức tin thánh-thể rằng: “Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã ứng-dụng đức tin thánh-thể của mình trước khi bí- tích Thánh-Thể được thiết-lập, vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh-khiết của Mẹ để Ngôi Lời Thiên-Chúa nhập-thể
Chiêm niệm Thánh Thể qua Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa

Chiêm niệm Thánh Thể qua Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa

CHIÊM-NGƯỠNG THÁNH-THỂ QUA MẸ MARIA,
NGƯỜI TỲ-NỮ HY-TẾ CỦA THIÊN-CHÚA

Trong lần hiện ra tại Fatima ngày 13-6-1917, Đức Mẹ nói với chị Luxia rằng: “Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ là nơi con nương ẩn và là đường dẫn con đến cùng Thiên-Chúa.” Thế mà đã có những lời kêu ca về việc sùng kính Đức Mẹ dường như chỉ biết có Đức Mẹ mà không biết đến Chúa. Sự kêu ca này cũng có phần nào đúng. Thay vì nhờ Mẹ để đến cùng Thiên-Chúa, người ta dừng hẳn lại mãi nơi Đức Mẹ. Bởi họ đã quan niệm lệch lạc về sự cầu nguyện, không những cả đối với Chúa, nói chi với Đức Mẹ, người ta tìm đến Chúa, chạy đến với Đức Mẹ chung quy chỉ vì vụ lợi để xin điều này, ơn nọ, hơn là chiêm-niệm huyền-nhiệm tình yêu hiệp-nhất nơi Thiên-Chúa và Mẹ Maria.

Song cũng không vì vậy mà coi nhẹ việc “Tôn Sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria”. Nếu biết rằng hành-trình đức tin của Mẹ Maria là một sự kết-hợp mật- thiết với Thiên-Chúa qua Chúa Giêsu Con Mẹ, ta có thể chiêm-ngưỡng Thánh- Thể qua Mẹ Maria, vì trong Mẹ có Thánh-Thể hiện-hữu, và vì Mẹ chính là người tỳ-nữ hy-tế của Thiên-Chúa, mà Đức Chân-Phước Giáo-Hoàng Gioa-an Phaolô II đã gọi Mẹ là Người Nữ “Thánh-Thể”.

I- Thánh-Thể Trong Đức Maria

Mẹ là bảo-tàng hằng-cửu của Chúa Ba Ngôi. Chính nhờ Mẹ và với Mẹ mà ta được kết hợp với Thiên-Chúa. Bởi vì Mẹ đã được tiền-định làm Mẹ Thiên Chúa Ba Ngôi, để Mẹ đồng công cứu thế cùng với Chúa Giêsu Ngôi Lời nhập thể làm Con yêu dấu của Mẹ. Mẹ chính là hình ảnh Người Nữ đạp nát đầu rắn Satan đã cả gan xúi giục Eva, Adam phạm thượng. Con mãng xà này đã bị Thiên Chúa thẳng tay trừng phạt: “Ta sẽ đặt đố-kỵ giữa dòng-dõi ngươi và Người Nữ, giữa ngươi và dòng-dõi Người" (Stk. 3, 15). Và sau này, ngày 12 tháng 4 năm 1947, nói với ông Bruno Cornachiola là người đã bỏ đạo Công-Giáo để đi theo Thệ- Phản chống lại Giáo-Hội, chính Mẹ từng tuyên-bố rằng: "Ta là Đấng hằng ở trong Thiên-Chúa Ba Ngôi và là Trinh-Nữ Mạc-Khải" (1). Như vậy là Mẹ đã xác nhận: Từ muôn đời, trong thượng-trí Giavê, để Người thực-hiện lời hứa cánh chung, Mẹ đã được tiền-định đặc-tuyển làm ái-nữ của Chúa Cha, là Mẹ của Chúa Con, là hiền-thê và là cung thánh của Chúa Thánh-Thần (3). Nếu mở rộng chiều kích của việc cầu nguyện, ta sẽ đến với Mẹ để suy niệm mà cùng với Mẹ chiêm-ngưỡng Thánh-Thể nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Điều này càng tỏ rõ hơn nếu ta cùng đi theo suốt hành-trình đức tin của Mẹ, vì Mẹ chính là tỳ-nữ hy-tế của Thiên-Chúa. Quả vậy:

· Sứ-thần Gabriel đến chào mừng, báo tin Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ liền lập lại lời tuyên khấn từ thuở ấu thơ Mẹ đã tận-hiến đời mình cho Thiên- Chúa. Nhưng khi sứ-thần cho hay chính quyền-năng Thánh-Thần Thiên-Chúa “rợp bóng”, ấp-ủ cho con tim Mẹ vẫn được vẹn khiết trinh nguyên, thì Mẹ nhận biết ngay chương-trình cứu-độ mạc-khải của Thiên-Chúa đã khởi sự, Mẹ vui lòng tham- dự trực-tiếp vào mầu-nhiệm Nhập-Thể, chấp nhận cộng-tác làm Hy- Tế Thánh-Giá dâng lên Thiên-Chúa và bằng niềm tin sống động, tuyệt-đối, Mẹ khiêm-cung, hân-hoan cất tiếng: "Này tôi tì-nữ Chúa Trời, xin vâng Thánh-ý lời truyền tin” (Lc 1, 28).

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II gọi đó là đức tin thánh-thể rằng: “Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã ứng-dụng đức tin thánh-thể của mình trước khi bí- tích Thánh-Thể được thiết-lập, vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh-khiết của Mẹ để Ngôi Lời Thiên-Chúa nhập-thể” (Ecclesia de Eucharistia, Giáo-Hội từ Thánh- Thể, số 55).

· Từ lúc này, cung lòng Mẹ đã thực sự trở nên “Nhà Chầu” cho Thiên-Chúa đến ngự, “Nhà Chầu” đầu tiên trước khi có bí-tích Thánh-Thể được thiết-lập trong lịch-sử loài người. Cung lòng Mẹ giờ đây là “đền vàng”, là “tháp ngà báu”, là “toà Đấng Khôn Ngoan”, là “Hòm Bia Thiên-Chúa” như lời “Kinh Cầu Đức Mẹ” đọc trong các giờ kinh nguyện. Bởi vì “nơi cung lòng trinh-nguyên cực thánh, Mẹ trực-tiếp kết-hợp hình-hài cùng Thiên-Chúa toàn năng, khi Giêsu Ngôi Lời hoá thân thành nhục-thể. Trái Tim Mẹ cùng Thánh-Tâm Con Người đồng nhịp trong niềm Tin Yêu tuyệt-vời triệt-để. Mẹ được trọn vẹn truyền-thông thiên-tính để cùng Thiên-Chúa chí tôn nên một như đã nên một trong tình yêu khôn lường hiệp-nhất Một Chúa Ba Ngôi” (2). Nhất cử nhất động, ngày đêm Mẹ hướng về Chúa Giêsu Thánh-Thể hiện-hữu thực sự trong lòng Mẹ. Mẹ nhận rõ Thánh-Thể là máu thịt của Mẹ và Mẹ đồng hành với Chúa Giêsu. Cùng đi với Mẹ, ta cũng được diễm-phúc chầu Thánh-Thể đang ngự trong cung lòng Mẹ.

· Cùng đi với Mẹ, ta tham dự vào cuộc rước Thánh- Thể đến chia sẻ Thánh-Thể cho bà Ê-li-gia-bét là chị họ của Mẹ. Trong cuộc viếng thăm này, khi đem Chúa Giêsu Con Mẹ đến cho những người xung quanh, Mẹ vẫn một lòng khiêm-cung nhận mình là người tỳ-nữ hy-tế của Thiên-Chúa khi Mẹ cất lời cảm tạ vinh danh Thiên Chúa:
“Hồn tôi chúc tụng Chúa tôi,
Trí tôi hớn-hở mừng vui nghẹn lời,
Xin Ngài, Đấng cứu-độ tôi,
Lắng nghe tì-nữ dâng lời tán-dương:
Tôi nay diễm-phúc phi-thường.
Được Người nhìn đến đoái thương phận hèn;
Muôn đời sẽ mãi ngợi khen
Danh Người chí thánh, chí tôn vô cùng!..” (2)

· Cùng đi với Mẹ, ta cảm nhận từ đây về sau, vai trò Tỳ-Nữ Hy-Tế Thánh Thể của Mẹ ngày càng bắt đầu hiển-hiện. Sau một ngày đàng mỏi mệt về Belem để đăng-ký nhân-khẩu, Mẹ phải sinh Con nơi máng cỏ nghèo hèn trong cô-đơn vì không tìm được chỗ nơi nhà trọ (x. Lc 2, 7). Mẹ hẳn khổ tâm thấy trước việc dân Israel và toàn thể nhân loại khước từ Đấng Cứu Thế, vì“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga- 1, 11). Nhưng Mẹ cũng đồng thời cảm nhận được tình yêu huyền-nhiệm tuyệt-vời của Thiên-Chúa yêu thương nhân- loại đến độ chấp nhận mang thân phận thấp hèn, sinh ra nơi đồng vắng trong máng cỏ chuồng bò, cho dù bị loài người hắt-hủi khước từ. Chính sau này Mẹ đã xác nhận tinh-thần khó nghèo của Mẹ khi Mẹ hiện ra nói với em Mariette 11 tuổi tại Banneux ngày 19-01-1933: “Mẹ là Trinh-Nữ của kẻ bần cùng” và với cô Estella Faguette 32 tuổi lúc lâm chung tại Pellevoisin ngày 04-11-1847: “Mẹ chọn những kẻ bé mọn cho vinh-danh Mẹ.”

· Cùng đi với Mẹ, ta cảm nhận được nỗi lo âu của Mẹ trước những lao-đao chất chồng ập đến, nào phải lập tức vội-vã mang theo “Thánh-Giá Con Mẹ” chạy trốn hết sang Ai-Cập, lại trở về It-ra-en thành Na-gia-ret để tránh cuộc ruồng bắt của cha con bạo-chúa Ê-rô-đê ra lệnh truy sát mọi hài-nhi (Mat. 2:13-15; 19- 23), nào lo-lắng khi lạc Con, Mẹ cùng thánh Giuse phải tất-tả cả một ngày đàng đi tìm, nào phải chứng-kiến những cảnh Con mình chịu nhục-hình dẫn đến cái chết đau thương trên tử-giá, ứng nghiệm lời ông già Si-mê-on đã tiên-tri nói với Mẹ:“Người ta sẽ chống Con Bà,một gươm sắc sẽ thâu qua lòng Bà” (Lc 2, 34-35).

Quả vậy, “Bao nhiêu năm trường ròng-rã, Mẹ theo sát bên Con trên mọi nẻo đường dấn thân cứu-độ. Lòng Mẹ quặn đau khi nhìn Con gục ngã vì Thập-Giá, mạo gai. Rồi khi hoàng-hôn trên đồi Can-vê dần tắt, nghe mồn-một những tiếng đóng đinh chan-chát, nghe có tiếng kêu ‘Khát nước! .... Xin vâng!’, Mẹ đứng đó, lòng Mẹ thắt se xót-xa giấm bóp, Mẹ khóc thầm trong sấm chớp, mưa rơi long trời lở đất. Lệ thấm máu Chúa Con lênh-láng khắp dương-gian. Máu lệ này chứa-chan ân-tình viết cho chúng-sinh một trang sử mới: “Gio-an đây chính con

Bà.Này Gio-an hỡi, đây là Mẹ con!” (Ga 19, 26-27).Như Abraham vâng lệnh Yavê tiến dâng Isa-ác trên bàn hy-tế, Mẹ hy-hiến Con một Mẹ hằng dấu yêu hơn yêu chính Mẹ, Mẹ cùng Chúa Con chung cạn chén đắng Can-vê, lòng Mẹ tái-tê chết lịm.” (2)

· Cùng đi với Mẹ, ta mới thấy Mẹ không ngừng theo sát Thánh-Thể Giêsu cùng các môn-đệ trên đường Người rao giảng Nước Trời, khi âm-thầm cầu nguyện, hỗ-trợ, chăm sóc, khi công-khai tham-dự, can-thiệp vào công việc của Con Mẹ. Dự tiệc cưới Cana, giữa chừng thấy hết rượu, Mẹ tự mình đứng ra can-thiệp, xin Con Mẹ cứu-vãn, cho “vinh-quang Cha thể-hiện, cho Nước Cha trị đến”. Mẹ ghé tai nói nhỏ với Chúa Giêsu: “Nhà này hết rượu!”. Dẫu được trả lời: “Giờ con chưa đến”, nhưng Mẹ vẫn lẳng-lặng nói với gia-nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo!” (Ga 2, 1-11) Bởi vì Mẹ hiểu Con Mẹ hơn ai hết. Mẹ vốn biết vì tình yêu thương chí thiết, ý hợp tâm đầu, Con Mẹ không hề dám từ chối. Bởi vì Mẹ hằng kết-hợp với Thánh-Thể Con Mẹ trong niềm tin yêu vâng phục triệt-để.

· Càng đi với Mẹ, ta càng thấy Mẹ hiệp-nhất với Thánh-Thể mật-thiết không ngơi. Chắc-chắn Mẹ đã hiện-diện trong bữa Tiệc Ly khi Con Mẹ lập phép bí-tích Thánh-Thể cũng như sau này trong những buổi chầu Thánh-Thể chung với các tông-đồ và tín-hữu. Đã hơn một lần Mẹ tham-dự việc Chúa Giêsu bẻ bánh khi Người hoá bánh ra dư thừa cho đám đông dân chúng được no-nê (x. Mt. 14, 13- 21; 15, 32-38). Lần nào Chúa làm phép hoá bánh, cũng vẫn một cử-chỉ “cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn-đệ, và môn đệ trao cho đám đông”, chính là dọn đường cho Lễ Bẻ Bánh thiết-lập Bí-Tích Thánh-Thể tại Nhà Tiệc Ly.

Sau ngày Chúa Phục Sinh, khi các tông đồ từ núi Ô-liu trở về Giêrusalem, lên lầu nơi trú ngụ để nhóm hội, chờ Đức Chúa Thánh-Thần hiện xuống như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy, “tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên-cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ-nữ, với bà Maria thân-mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1, 12-14). Như vậy, vì Mẹ là Mẹ Thiên-Chúa, Mẹ hằng ấp-ủ Thánh-Thể trong cung lòng Mẹ, cho nên ngay cả trước khi Chúa Giêsu lập phép bí-tích Thánh-Thể, Mẹ là người duy nhất, đầu tiên hiệp-thông được nhiệm-tích Thánh-Thể mà mãi sau này kể từ bữa Tiệc Ly, các tông-đồ mới nhận ra, để cùng với Mẹ và với cộng-đoàn Giáo-Hội sơ khởi thực thi lời Con Mẹ dạy “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”.

II- Đức Maria và Hy-Tế Thánh-Lễ


“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”. Mầu-nhiệm thánh này, kể từ khi Chúa Giêsu, Con Mẹ thiết-lập, ngày ngày được cử-hành qua thánh-lễ, trong đó Mẹ Maria vẫn hiện-diện như Mẹ đã từng tham-dự trong các buổi Lễ Bẻ Bánh cùng với các tông đồ và cộng đoàn Giáo-Hội sơ-khởi xưa kia. Thật thế, diễn lại Hy-Tế trên Núi Sọ, Hy-Tế Thánh-Lễ Misa chính là sự lập lại mầu-nhiệm Nhập Thể với cuộc tử-nạn và phục-sinh của Chúa Giêsu:

· Khi nhập lễ, cùng với linh-mục đọc kinh Cáo Mình ăn năn tội, xin Chúa rủ lòng thương xót, ta tham dự việc Chúa Giêsu khiêm hạ xin vâng Chúa Cha, mặc lấy thân nô-lệ, chấp nhận làm kẻ phàm trần và sửa soạn nhấp chén đắng bước lên Núi Sọ (4). Ta cũng đang hiệp-thông cùng Mẹ Maria khiêm-cung cầu nguyện trước giờ sứ-thần Thiên-Chúa truyền tin. Lòng khiêm-hạ là điều tiên- quyết cần-yếu khi cầu nguyện vì làm đẹp lòng Chúa Cha như có lời Kinh Thánh dạy: “Thiên-Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy-quyền của Thiên-Chúa…” (1 Pr. 5, 5-
6). Đức Maria luôn luôn nhận mình là phần hèn tôi tớ để xin vâng theo thánh-ý Thiên-Chúa, như Mẹ đã từng ngợi khen Thiên-Chúa trong kinh Magnificat:
“Xin Ngài, Đấng cứu-độ tôi,
Lắng nghe tì-nữ dâng lời tán-dương:
Tôi nay diễm-phúc phi-thường,
Được Người nhìn đến đoái thương phận hèn”

· Khi linh-mục chủ-tế đọc kinh Tin Kính, ta cùng hiệp-thông với Mẹ Maria tuyên xưng niềm tin sống động và tuyệt-đối nơi Thiên-Chúa Ba Ngôi, niềm tin đã thể- hiện ngay từ thuở Mẹ đầu thai vô nhiễm được Thiên-Chúa tiền-định đồng công với Ngôi Lời Nhập Thể. Là Mẹ của Giáo-Hội, Mẹ vẫn hằng ở bên Giáo-Hội để hướng-dẫn, hỗ-trợ, cộng-tác với Giáo-Hội mà thực-hiện vai trò đồng công với Con Mẹ như Con Mẹ đã tuyên bố với các tông-đồ trước khi đi chịu nạn:“Thầy sẽ trao Vương-Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương-Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Lc 22, 29-39). Cho nên, nhờ Thánh-Thần hiện xuống, Mẹ cùng với Hội Thánh tiên-khởi và với Giáo Hội tông-truyền, đọc kinh Tin Kính tuyên xưng niềm tin (5). Giáo Hội khẳng-định và truyền dạy xác-tín mầu-nhiệm Nhập Thể, cho nên mọi người cùng bái gối cúi đầu khi linh-mục chủ-tế đọc tới câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”

· Sau khi dâng bánh và rượu, linh-mục chủ-tế đọc lời truyền phép, nhờ quyền- năng Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Chúa Giêsu Kitô: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, máu tân-ước vĩnh-cửu sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội! Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”, rồi bánh và rượu thánh được nâng cao cho mọi người chiêm-ngưỡng tôn vinh Thánh-Thể. Lúc này ngài cầm trong tay con người thực sự của Chúa Kitô mang thiên-tính ẩn mình trong hình bánh và rượu được thánh- hiến mà ngài sẽ đem đến cho mọi người chờ được đón rước Chúa. Vì vậy ngài bái gối thờ lạy Thánh- Thể hiện-hữu trên bàn thờ. Sau đó ngài dang tay cầu nguyện và mời gọi cộng-đoàn: “Anh em hãy cầu nguyện để hy-lễ của tôi và của anh chị em được Thiên-Chúa là Cha toàn năng chấp nhận!”. Đây là lễ vật của cả nhân loại, qua tay linh-mục chủ-tế là chiếu-ảnh của Đức Kitô (Alter Christus) trên thánh giá, dâng lên Thiên Chúa Cha. Lễ vật ấy là chính Thánh-Thể Chúa Giêsu trên đồi Can-vê có Mẹ Maria “đứng đó” dưới chân tử-giá để kết-hợp làm một với
hy-tế của Con Mẹ và Mẹ cũng là tỳ-nữ hy-tế Thánh-Thể dâng lên Chúa Cha thay cho cả loài người.

· “Đây là mầu nhiệm đức tin!”. Hưởng-ứng lời chủ-tế, cộng-đoàn tuyên xưng “loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa lại đến”, chính là hình ảnh sống động nơi “các tín-hữu chuyên-cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp-thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” cùng với Mẹ Maria và các môn-đệ kể từ khi Chúa phục-sinh và Thánh Thần Chúa hiện xuống với các tông đồ có Mẹ hiện-diện (Cv 2, 42). Rồi đón rước Chúa vào lòng mình, người tín-hữu lập lại niềm xác-tín mầu-nhiệm phục-sinh, thưa “Amen” khi thừa-tác-viên trao Thánh-Thể Chúa “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô”. Lời thưa “Amen” cũng là lời Mẹ cất tiếng “xin vâng” trong suốt hành-trình đức tin tiền-định của Mẹ, từ khi Mẹ đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể cho đến khi Mẹ đứng nhìn Con mình trên tử-giá “xin vâng” nhận uống chén đắng chung với Con mình khi Người trút lời cuối cùng trên tử-giá dang tay:
“Xin vâng uống giấm đắng này,
Cho con hết khát, con nay vẹn tròn
Vẹn tròn thánh-ý Cha ban
Hồn con phó thác trong bàn tay Cha” (Ga 6, 2-3).

Lời thưa “Amen” cũng là lời Mẹ cất tiếng “xin vâng” nhận lấy trách-nhiệm làm Mẹ Gioan, gìn-giữ Giáo-Hội trong tình mẫu tử khi Con Mẹ trăng-trối: “Gio-an đây chính con Bà. Này Gio-an hỡi, đây là Mẹ con!” (Ga 19, 26-27).Vì thế lời thưa “Amen” là lời xác-tín “Xin tin như vậy”, cũng là lời thưa “Fiat, xin vâng” của Mẹ từ đó về sau, Mẹ hằng ở bên các tông đồ thành-lập và hướng-dẫn Giáo-Hội Mẹ, cả sau khi Mẹ rời thế-gian về thiên-cung, nhận tước-hiệu Nữ- Vương Thiên-Đàng.

· Thật vậy, ngay cả sau khi Mẹ về Trời, những lần Đức Mẹ hiện ra thường mang theo sứ-điệp tôn kính Thánh- Thể Chúa Giêsu song song với sứ-điệp tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Tại Pontevedra trong phòng của chị Luxia ngày 10 tháng 12 năm 1925, Ðức Mẹ hiện ra với chị, bên cạnh có Chúa Giê-su Hài-Ðồng để truyền dạy việc giữ các ngày thứ bảy đầu tháng, xưng tội, rước lễ, lần chuỗi, và suy gẫm 15 mầu-nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút. Tại Tu viện Akita, Nhật Bản, ngày 12-6-1973, nữ-tu Agnes Sasagawa nhìn thấy từ Nhà Chầu chiếu ra những tia sáng chói lọi. Sự lạ này tiếp-tục xảy ra trong 2 ngày kế tiếp. Ngày 28, chị thấy trong lòng bàn tay trái của mình, có vết thương hình thánh-giá đang rỉ máu. Trong khi cầu nguyện, chị nghe có tiếng nói vọng ra từ tượng Ðức Mẹ. Sau cùng một vài nữ-tu đã thấy những giọt máu rỉ ra từ bàn tay trái tượng Mẹ. Ngày 29 tháng 9, sự lạ ngưng, nhưng lúc này, thay vì chảy máu, tượng Mẹ bắt đầu chảy nước mắt. Tượng đã khóc cả thảy trong 101 lần. Ngày 6 tháng Bảy năm 1973, nữ-tu Agnes nhận được sứ-điệp đầu tiên từ Mẹ Maria: "Hỡi con, tập sinh của Mẹ, con đã vâng lời từ bỏ tất cả mọi sự để theo Mẹ. Bệnh tật trong đôi tai làm con đau đớn, phải không? Tật điếc của con sẽ được chữa lành, con hãy tin chắc. Còn vết thương ở bàn tay làm cho con đau đớn, có phải vậy không? Con hãy siêng năng cầu nguyện để đền tội cho loài người. Mỗi người trong tu viện này đều là con gái không thể thay thế của Mẹ. Các con có sốt sắng siêng năng đọc kinh “Các Nữ-Tỳ Của Thánh-Thể” không? Vậy Mẹ con ta hãy cùng đọc:

"Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, đang hiện-diện thật trong bí-tích Thánh Thể, con xin hiến dâng linh hồn và xác con để hoàn toàn kết hợp với Thánh-Tâm Chúa đang hiến dâng từng phút giây trên các bàn thờ khắp thế giới, để cảm tạ Chúa Cha và xin cho Nước Cha trị đến. Xin Chúa đoái nhận lễ hèn mọn chính thân xác con. Xin Chúa dùng con theo thánh-ý Chúa để làm vinh danh Chúa Cha và cho phần rỗi các linh hồn. Lạy Mẹ Thiên-Chúa Cực Thánh, xin đừng để con bao giờ lìa xa Con Mẹ. Xin bênh-vực che chở con như con riêng của Mẹ. Amen”.

Mệnh lệnh của Đức mẹ tại Fatima năm xưa vẫn được lập đi lập lại trong nhiều lần Mẹ hiện ra sau này ở khắp nơi, đều nhắc-nhở con cái Mẹ dưới trần-gian phải ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu-Tâm, siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn thờ Thánh Thể. Nhưng thật là sai lầm khi có những người, theo cảm tính thường tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ thái quá, quen lần chuỗi Mân Côi trong thánh-lễ thay vì phải tích-cực tham-dự bằng sự hiệp-thông với linh-mục chủ-tế, chiếu-ảnh của Đức Kitô đang hiến-tế trên bàn thánh, để cùng với Mẹ Người và Giáo-Hội dâng lời tạ ơn lên Thiên-Chúa Ba Ngôi. Vì vậy khi không có thể trực-tiếp tham-dự Thánh-Lễ được, thì việc hướng lòng lên Thánh-Thể và rước lễ thiêng-liêng vẫn là việc làm đẹp lòng Chúa vô cùng.

Việc lần chuỗi Mân-Côi càng dễ giúp ta chiêm-niệm, hiệp-thông với Mẹ và Đức Kitô qua các mầu-nhiệm Mùa Vui, mầu- nhiệm Sự Sáng, Mùa Thương và Mùa Mừng trong suốt hành- trình đức tin của Mẹ Maria, nhất là mầu-nhiệm Sự Sáng cho ta hướng về bí-tích Thánh-Thể cách riêng. Cho nên việc lần chuỗi Mân Côi trước Nhà Chầu ngoài Thánh-Lễ, lại càng dễ hướng lòng vào việc suy niệm mầu-nhiệm thánh, nhờ đó ta hoà nhập vào suốt chiều dài cuộc đời của Mẹ Maria từ khi Mẹ nhận lời thiên-sứ truyền tin, qua mọi chặng đường bên cạnh Chúa Giêsu dẫn tới Núi Sọ cũng như sau khi Mẹ về Trời. Cuộc đời ấy, Mẹ đã dạy bà Đáng Kính Maria Agreda viết lại, qua đó ta thấy cả cuộc đời Mẹ là một sự kết hợp mật thiết với Thiên- Chúa, do Mẹ được đặc-tuyển tiền-định vô nhiễm nguyên-tội để đồng-công thực hiện chương-trình của Thiên-Chúa cứu độ loài người, và bởi Chúa Thánh Thần linh ứng, chính Mẹ đã hướng dẫn các tông-đồ hình thành Kinh Tin Kính (5).

Nhờ đó, ta tìm thấy ở nơi Mẹ Maria là trường học dạy mọi nhân-đức, như lời Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói trong cuộc kính viếng Ðức Mẹ Lộ-Ðức ngày 14-8-2004, Ngài nhắn-nhủ các tín-hữu và đặc biệt giới trẻ, hãy lắng nghe và học hỏi nơi trường của Mẹ Maria. Ngài nói rằng: “Từ hang đá Massabielle, Ðức Trinh-Nữ Vô Nhiễm cũng nói với chúng ta là những tín-hữu Kitô của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy lắng nghe lời Mẹ! …Hãy lắng nghe trước tiên, hỡi các bạn trẻ, đang tìm kiếm một câu trả lời có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của các con. Các con có thể tìm được câu trả lời tuy đầy yêu sách, nhưng là câu trả lời duy-nhất có giá-trị, trong đó có bí-quyết niềm vui đích thực và an bình…...” Rồi nhắc lại những cuộc gặp gỡ với giới trẻ trong các kỳ đại hội thế- giới lần trước, Ðức Thánh Cha lại một lần nữa mời gọi họ và đặt tất cả niềm kỳ-vọng của Ngài nơi các bạn trẻ hãy hăng-hái làm sứ-vụ tông-đồ để giới-thiệu Thiên-Chúa đến cho mọi người, Ngài nói: “Ðối với cha, những cuộc gặp gỡ ấy là dấu chỉ của niềm hy-vọng lớn-lao mà hôm nay cha muốn chia sẻ với tất cả các con, hỡi những người trẻ quý mến. Các con hãy học nơi trường của Mẹ Maria và mang lại cho thế-giới một làn gió lạc-quan, loan báo cho mọi người Tin Mừng của Nước Chúa Kitô”.
------------------------------

(1) Đức Mẹ hiện ra với ông Bruno Cornachiola: Khi theo Thệ Phản, ông thù ghét và công-kích Giáo-Hội, bài-bác việc tin Mẹ là Đấng Đồng Trinh Vô Nhiễm, thậm chí ông đã lấy bút chì viết lên chân tượng Đức Mẹ: “Bà không hề đồng trinh”, lại từng có ý định giết Giáo-Hoàng và tiêu-diệt Giáo-Hội. Ngày 12 tháng 4 năm 1947, khoảng 2 giờ 30 phút, ông dẫn các con đến chỗ hang đá gọi là “Tre Fontaine”, tìm chỗ vắng để chuẩn-bị cuộc nói chuyện sẽ bài-bác Đức Mẹ vào ngày hôm sau trước Hội những người trí thức. Bỗng nghe hai đứa con ông là Caro và Isola kêu gào từ dưới chân đồi gọi ông đi tìm giúp trái banh. Tìm mãi không thấy, đang lúc ngồi nghỉ mệt, ông thấy cháu Gianfraco đang quỳ trước cửa hang, mỉm cười, miệng mấp-máy: “Bà đẹp! Bà đẹp!” Hai đứa kia bèn chạy đến rồi cũng quỳ xuống lẩm-bẩm: “Bà đẹp! Bà đẹp!”. Rồi tự nhiên ông cũng buột miệng kêu: “Lạy Chúa xin cứu chúng con!”. Tiến lại gần chúng, ông cũng thấy sự lạ như ba đứa. Ông thấy Bà đẹp choàng khăn xanh, tóc hung đỏ toả xuống toàn thân, áo trắng toát, thắt lưng màu hồng, đứng trên tảng đá, một tay ôm cuốn sách, một tay chỉ cái áo thâm chùng gần đó có cây Thánh Giá gẫy, Bà nói: “Ta là Đấng hằng ở trong Chúa Ba Ngôi và là Trinh-Nữ Mạc-Khải ….” Ông đã được ơn hoán-cải và kể lại: “Chính với lòng thương xót vô ngần, Mẹ đã chinh-phục tôi là kẻ thù của Người trước đây, nay tôi đang xin ơn tha thứ và xót thương….” Ông cắt nghĩa ba màu áo (trắng, hồng, xanh) có liên-hệ với Ba Ngôi Thiên-Chúa và với những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ-Đức, Fatima và Roma. Ông kể tiếp, Đức Mẹ đã tự xác định là: “ái-nữ của Chúa Cha, là Mẹ của Chúa Con, là hiền thê và là cung thánh của Chúa Thánh Thần”

(2) Biển Đức Đỗ Quang-Vinh, Con Xin Làm Kiếp Phù-Sa, thơ kinh toàn tập, nxb Tôn Giáo, 2011, bài “Mẹ Là Mẹ Thiên-Chúa, tr. 202. Xin xem thêm các bài: “Mẹ Là Đường Đưa Con Tới Cùng Thiên-Chúa”, “Mẹ Là Tì-Nữ Của Thiên-Chúa”,v.v..

(3) “Thực vậy, khi sứ-thần Thiên-Chúa truyền tin, Đức Trinh-Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên-Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế-gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên-Chúa và của Đấng Cứu Thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhâ’t mật thiết và bền chặt với Con, Đức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha, và cung thánh của Chúa Thánh Thần.” (Hiê’n Chế Lumen Gentium, chương 8, đoạn 53. Đức Maria và Giáo-Hội)

(4) “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Pl 2,6- 8)

(5) Sách “Cuộc Đời Đức Mẹ Maria”, imprimatur Ninh Phú, die 1 Octobris 1882, Paulus Fr. Episc Mauricastrensis, Vic. Apost. Tunquini Occidenentalis. Cha H. Azemar, thừa sai Paris thuộc địa phận Saigon, cho ấn-hành bản dịch đặt tựa là “Sách Truyện Đức Chúa Bà”, lược tóm từ sách của “một Đức Giám-Mục ngồi thành Rôma, thuộc về Hội Đồng Đức Giáo Tông đã dọn”, in tại Địa Phận Tây Đàng Ngoài, Lái Thiêu tháng 5 năm 1882. Sách được phê chuẩn bởi Đức Giám- Mục Ratisbon (29-9-1885), Tổng Giám-Mục Salzburg (12-9-1885), Giám- Mục Tarazoma (7-4-1911), Giám-Mục Aleding (24-8-1912)…Có một cuộc sống tốt lành, từ khi 11 tuổi, Bà Maria Agreda đã được nhiều ơn lạ siêu-nhiên, năm 25 tuổi, bà được đặt làm bề trên đan-viện lập ngay tại nhà mình, Bà không dám nhận, Đức Mẹ hiện đến an-ủi, tự nhận làm bề trên thay cho bà. Từ đó, Mẹ ban cho bà nhiều ơn, tỏ cho bà biết tất cả mọi mầu-nhiệm về cuộc đời của Mẹ, giục bà viết lại những gì bà đã thấy về cuộc đời Mẹ. Viết xong, truyện được tâu lên hoàng đế Phi-líp IV, vị vua rất đạo-đức, nhà vua sao lại một bản, hoàn trả cho bà bản chính. Cha giải tội tạm thời mới đến, buộc bà đốt đi cùng với nhiều bút-tích khác. Cha giải tội cũ khi trở về, cùng với các bề trên lại buộc bà viết lại. Bà thấy khó-khăn, Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện đến giúp bà viết lại. Ngày 6 tháng 5 năm1660, bản viết lần thứ hai hoàn-tất, bà đặt tên là ”La Mistica Ciudad De Dios: Thần Đô Huyền Nhiệm” đem trình bề trên. Ngày 24 tháng 5 năm 1665, bà từ trần. Năm 1909, mở áo quan lần đầu tiên kể từ năm bà qua đời 1665, thấy xác bà vẫn không hư nát. Các cuộc khám nghiệm y khoa được tiến hành. Năm 1989, lại một cuộc khám nghiệm y khoa kỹ lưỡng nữa, theo phúc trình của Andreas Medina, y sĩ nguời Tây Ban Nha, xác vẫn là nguyên trạng như trong phúc trình y khoa năm 1909, và kết luận:“Chúng tôi khẳng định xác bà Maria Agreda hoàn toàn không hư nát suốt trong 80 năm qua”.

Giáo-Hội tôn phong bà là bậc Đáng Kính. Có đôi lần sách bị cấm đoán (năm 1680, 1704). Có giả-thuyết cho rằng sách do người khác viết nên Toà thánh ra lệnh đem so bản sao của vua Phi-líp với bản bà viết lại lần sau, cùng với các bút- tích của bà từ Tây Ban Nha mang sang Roma để khảo sát. Sau khi kiểm xét kỹ lưỡng, ngày 11 tháng 3 năm 1771, Đức Clê-men-tê ký sắc lệnh xác-nhận bút- pháp của bộ “Thần Đô Huyền Nhiệm” viết lần sau phù-hợp với bút-pháp của bà Maria Agreda, và kết-luận rằng cuốn sách bà viết là do chính tay bà viết chứ
không phải do ngòi bút nào khác. Sau này Đức Giáo Hoàng Piô XII xác-nhận sách có giá trị tu-đức và giáo-hoá. Thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phalo II, rất nhiều thỉnh cầu xin tiến hành án phong Chân-Phước và Hiển-Thánh cho Bà.

Sách thuật lại những biến-cố tiền-định và những chi tiết trong đời sống Mẹ Maria từ thuở Mẹ được tác-sinh qua mọi chặng đường sống bên Chúa Giêsu, Mẹ đã hiện-diện trong bữa Tiệc Ly khi Con Mẹ lập phép bí-tích Thánh-Thể, Mẹ đã hướng dẫn các tông đồ lần lượt tuyên xưng niềm tin để hình thành Kinh Tin

Kính, và sách cũng thuật lại đời sống tiếp theo của Mẹ cho đến khi Mẹ từ biệt cõi thế, hồn xác lên trời hưởng vinh quang Thiên-Đàng.

 
Biển Đức Đỗ Quang-Vinh
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: trước khi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ