1
07:53 +07 Thứ năm, 02/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 259

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 258


Hôm nayHôm nay : 20499

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 70892

Tổng cộngTổng cộng : 28190140

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » THÔNG TIN GIÁO XỨ

Diễn Văn Khai Giảng Năm Học Mới của ĐC PT

Chủ nhật - 27/09/2015 15:53-Đã xem: 1678
ĐCV -VT-Bước vào năm học mới này, chúng ta hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ trong những chủ đề mà Giáo Hội đang quan tâm nhất, đặc biệt 3 chủ đề chính là (1) Thế Giới Thụ Tạo, (2) Lòng Thương Xót Chúa, và (3) Gia Đình.
Diễn Văn Khai Giảng Năm Học Mới của ĐC PT

Diễn Văn Khai Giảng Năm Học Mới của ĐC PT

Diễn Văn Khai Giảng Năm Học Mới 2015-2016

Đại Chủng Viện Vinh Thanh


Kính thưa Quí Cha và Quí Thầy,

Hôm nay chúng ta qui tụ tại hội trường này để khai giảng năm học mới.

Nhìn lại năm học vừa qua, cơ bản, chúng ta đã thực hiện tốt các chiều kích đào tạo. Năm học vừa qua cũng là năm chúng ta tham dự và cử hành nhiều biến cố quan trọng. Chẳng hạn, ngày 3 tháng 12 năm 2014, chúng ta kỷ niệm 137 năm Đại Chủng Viện Xã Đoài, 25 năm Đại Chủng Viện Vinh Thanh, khánh thành công trình trùng tu Đại Chủng Viện, và anh em chủng sinh Khóa 10 lãnh tác vụ linh mục. Ngoài ra, chúng ta cũng tham dự và đóng góp phần quan trọng trong việc cử hành Năm Thánh 170 năm Giáo Phận Vinh.

Đại Chủng Viện chúng ta có được như hôm nay là thành quả của biết bao người tâm huyết thêu dệt nên. Chắc rằng chúng ta không thể liệt kê danh sách của những người đã và đang đóng góp phần mình cho sự hình thành, tồn tại, và phát triển của Đại Chủng Viện. Nhìn lại quá khứ, chúng ta tri ân Chúa, tri ân người về tất cả những gì chúng ta được thừa hưởng hôm nay, đồng thời, chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của mình ở đây.

Trong bối cảnh hiện tại, Đại Chủng Viện chúng ta đã tạm ổn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, một số công trình thiết yếu cần phải được sửa chữa để có thể đáp ứng chương trình đào tạo và nhu cầu phục vụ của 2 giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Đội ngũ những người giảng dạy tại Đại Chủng Viện khá đông, nhưng việc sắp xếp thời khóa biểu gặp khó khăn, bởi vì, những người giảng dạy nội trú thì ít, ngoại trú thì nhiều. Chúng ta còn gặp những khó khăn khác nữa, chẳng hạn, thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu học hỏi và nghiên cứu; điều kiện vệ sinh chưa được bảo đảm, nước chúng ta dùng để tắm giặt chưa đạt tiêu chuẩn…

Kính thưa Quí Cha và Quí Thầy,

Bước vào năm học mới này, chúng ta hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ trong những chủ đề mà Giáo Hội đang quan tâm nhất, đặc biệt 3 chủ đề chính là (1) Thế Giới Thụ Tạo, (2) Lòng Thương Xót Chúa, và (3) Gia Đình.

Hôm 24 tháng 5 năm 2015, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thông điệp Laudato Si, thông điệp bắt đầu với lời của thánh Phanxicô Assisi ‘Laudato sí, mí Signore’ (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa). Với thông điệp này, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt, các Kitô hữu quan tâm hơn đến thế giới thụ tạo. Ngài kêu gọi mọi người ý thức rằng con người không chỉ làm chủ thế giới thụ tạo mà còn quản lý thế giới đó. Vào ngày 6 tháng 8 năm 2015 vừa qua, trong bức thư gửi Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah TURKSON (Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình), và Đức Hồng Y Kurt KOCH (Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo), Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định thiết lập ngày ‘Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Chăm Sóc Công Trình Sáng Tạo’ (World Day of Prayer for the Care of Creation) vào ngày 1 tháng 9 hằng năm.  

Chúng ta biết rẳng khủng hoảng môi trường thụ tạo, khủng hoảng môi trường sinh thái cũng chính là khủng hoảng của toàn thể nhân loại. Chúng ta không chỉ yêu Chúa và yêu Người mà thôi, chúng ta còn yêu tất cả những gì Chúa tạo nên. Hay nói cách khác, chúng ta không chỉ hiệp thông với Chúa và với nhau mà còn hiệp thông với thế giới thụ tạo nữa, bởi vì chúng ta là thành phần của thế giới này. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta hãy nhìn sâu hơn, nhìn xa hơn các tương quan trong thế giới thụ tạo cũng như các tương quan giữa thế giới thụ tạo và Thiên Chúa. Trong nhãn quan của Đức Thánh Cha Phanxicô, sự quan tâm của chúng ta đối với thế giới thụ tạo chính là sự quan tâm của chúng ta đối với chính mình vậy, xét trên bình diện cá nhân, cũng như tập thể.

Chúng ta đang ở trong Năm Đời Sống Thánh Hiến, và sắp tới sẽ là Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm, ngày Bế Mạc Công Đồng Vatican II (8 tháng 12 năm 2015, Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tới ngày 20 tháng 11 năm 2016, Lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ). Chúa giàu lòng thương xót, Người muốn tất cả mọi người chúng ta hãy đến với Người cho dầu chúng ta mình bê bết bùn nhơ tội lỗi. Người cũng muốn chúng ta biết tỏ lòng thương xót tất cả mọi người, đặc biệt những người mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày.

Chúng ta không thể chờ đợi lòng thương xót Chúa hay loan báo lòng thương xót của Người mà tự bản thân mình không hoán cải. Ai trong chúng ta cũng cần lòng thương xót Chúa, cần Chúa chữa trị. Bệnh tình tâm hồn chúng ta chỉ được khỏi khi chúng ta biết cộng tác với ‘Bác Sĩ’ của lòng mình trong chương trình chữa bệnh. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình ra để Người cho chúng ta biết tình trạng bản thân chúng ta. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình ra để Người cho chúng ta biết cách đón nhận lòng thương xót của Người. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình ra để Người cho chúng ta biết cách đón nhận người khác cũng như muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 10 năm 2015, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức với mục đích nghiên cứu, lượng định, và đánh giá những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân, gia đình, đồng thời, dựa trên nội dung đức tin Kitô Giáo để trả lời cho những thách đố của thời đại về hôn nhân, gia đình. Chúng ta hi vọng rằng sau khi kết thúc, Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ đưa ra những hướng mục vụ cần thiết cho đời sống hôn nhân, gia đình.

Kính thưa Quí Cha và Quí Thầy,

Ơn gọi chúng ta là ơn gọi độc thân dâng hiến, tuy nhiên, chúng ta được kêu mời sống bầu khí gia đình. Gia đình Đại Chủng Viện chúng ta cũng đương đầu với nhiều thách đố và đòi hỏi chúng ta nghiên cứu, lượng định, đánh giá, và tìm ra những trả lời phù hợp với những thách đố đó. Chúng ta biết rằng để một gia đình được tồn tại và phát triển bền vững, trong gia đình đó vừa có trật tự, vừa có bình đẳng giữa mọi người, sao cho không có sự lấn át của bất cứ chiều kích nào. Khi gia đình quan tâm thái quá về trật tự sẽ dẫn tới độc đoán và khi gia đình quan tâm thái quá về bình đẳng sẽ dẫn tới hỗn loạn. Do đó, tất cả chúng ta được mời gọi xây dựng sự hòa hợp giữa trật tự và bình đẳng trong gia đình Đại Chủng Viện này.

Gia đình chúng ta không theo khuôn mẫu quân chủ, dân chủ hay bất cứ khuôn mẫu nào khác mà theo khuôn mẫu gia đình yêu thương của Thiên Chúa. Khi chúng ta hiểu được rằng chúng ta là anh em trong gia đình đó thì tương quan giữa chúng ta sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt hơn. Khi chúng ta ý thức rằng chúng ta là anh em trong gia đình đó thì chắc chắn rằng những cư xử của mọi người với nhau sẽ công bằng và đầy tình thương hơn.

Mấy năm gần đây, trong ngành giáo dục Việt Nam, đã có nhiều cuộc nghiên cứu và tranh luận sôi nổi để có thể tìm ra triết lý giáo dục phù hợp với hoàn cảnh xã hội trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Là những người sống ơn gọi độc thân dâng hiến theo bước chân Đức Giêsu, chúng ta không có triết lý giáo dục nào khác ngoài Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Chúng ta thân phận yếu hèn và giới hạn trăm chiều, tuy nhiên, chúng ta được mời gọi để chống trả lại sự dữ như Đức Giêsu, để tôn trọng sự thật như Đức Giêsu, để học hỏi như Đức Giêsu, để cầu nguyện như Đức Giêsu, để giảng dạy như Đức Giêsu, để liên đới như Đức Giêsu, để chịu cảnh bấp bênh của thế sự như Đức Giêsu, để làm chứng như Đức Giêsu, để tha thứ như Đức Giêsu,… và trên hết, để yêu như Đức Giêsu. Trong mọi sự, Đức Giêsu là mẫu gương của sự hòa hợp: hòa hợp mọi chiều kích trong đời sống cá nhân, hòa hợp với những người khác, hòa hợp với thế giới thụ tạo, và nhất là hòa hợp với Thiên Chúa Cha đến nỗi nên Một với Người. Cuộc sống và giáo huấn Đức Giêsu cho chúng ta nhận thức rằng cuộc đời là một chuyến đi, để ngày càng hoàn thiện, chúng ta cần phải biến đổi nhiều hơn, đặc biệt, luôn cộng tác với Người trong tiến trình biến đổi.

Mỗi người chúng ta luôn được mời gọi trở nên thành phần sống động của gia đình Đại Chủng Viện này. Trong buổi lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng 1 năm 1961, John Kennedy nói rằng “hỡi các bạn, các bạn đừng hỏi đất nước này có thể làm gì cho các bạn, mà hỏi chính mình có thể làm gì cho đất nước này.” Câu nói của tổng thống John Kennedy gợi cho chúng ta những suy tư cần thiết về bổn phận của mình ở bất cứ môi trường nào. Trong cuộc sống, những câu hỏi luôn nhiều hơn những câu trả lời. Chúng ta thường đòi hỏi quá nhiều nơi người khác, nơi cộng đoàn, nơi xã hội, nhưng lại quên đòi hỏi chính mình. Điểm chung nhất mà chúng ta có thể quan sát và học hỏi từ đời sống của các thánh qua dòng lịch sử Giáo Hội là ‘khó cho chính mình, dễ cho người khác’hay ‘đòi hỏi mình hơn là đòi hỏi người khác’.

Trong dịp khai giảng này, tôi đề nghị 3 câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần trả lời là: (1) Ưu tiên của tôi trong gia đình Đại Chủng Viện là gì?, (2) Làm sao tôi có thể cộng tác với Chúa trong việc biến đổi bản thân qua cuộc sống và chương trình đào tạo tại gia đình Đại Chủng Viện? và (3) Làm sao tôi có thể góp phần mình trong việc xây dựng gia đình Đại Chủng Viện này?.

Cùng nhau chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho gia đình Đại Chủng Viện chúng ta trong năm học mới và cầu xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn mỗi người chúng ta trong mọi công việc.

Xin cảm ơn Quí Cha và Quí Thầy.

* Giờ đây tôi xin tuyên bố Khai Giảng Năm Học Mới 2015-2016

IMG_7104IMG_7104IMG_7104

 

IMG_7104
IMG_7099
IMG_7113

Ngày 7 tháng 9 năm 2015    

      Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

       Giám Đốc Đại Chủng Viện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn