1
20:48 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 146


Hôm nayHôm nay : 40537

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 383566

Tổng cộngTổng cộng : 27937850

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Suy niệm Lời Chúa Tuần II Thường niên

Thứ năm - 17/01/2013 08:10-Đã xem: 1336
Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho hay Thiên Chúa muốn chúng ta sống vui tươi, hồn nhiên và trong sáng, bởi VÌ cái tin mà Ngài đem đến không phải là tin buồn, tin sầu, nhưng là một tin vui, tin mừng.
Suy niệm Lời Chúa Tuần II Thường niên

Suy niệm Lời Chúa Tuần II Thường niên

Mẹ Maria

 Đám cưới ở Do Thái là một dịp vui mừng. Thay vì tuần trăng mật, thì họ tổ chức tiệc tùng kéo dài cả tuần lễ. Vì thế số lượng rượu phải được tính toán cẩn thận kẻo bị thiếu hụt. Và sự kiện này lại xảy ra ở Cana, một thành phố nhỏ năm giữa Nadarét và biển hồ Tiberiat, là quê hương sinh trưởng của Nathanael, là nơi Chúa cho con của một sĩ quan gần chết được khỏi bệnh. Dù sao thì bữa tiệc hôm ấy không còn một giọt rượu nào, mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria lại có mặt ở đó, vì có lẽ là chỗ bà con họ hàng.
Bấy giờ người ta chưa biết gì về uy quyền của Chúa, họ chỉ nhận ra Ngài là một người thợ mộc chân thành, không tiếng tăm. Nhưng mấu chốt là nơi Mẹ Ngài. Các bà mẹ thường nhìn thấy những điều cần thiết. Huống chi là Đức Mairia. Mẹ ân cần thưa lên với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi. Bên ngoài, câu nói này có vẻ như xa vời, nhưng bên trong là cả một lời van xin thầm kín, không nài ép nhưng đầy lòng tin tưởng. Trông thâm tâm, Mẹ nghĩ rằng có lẽ con mình sẽ giúp được gì cho họ, chứ chưa hẳn đã là một phép lạ. Cũng vì tin tưởng, Mẹ đã rỉ tai các gia nhân: Hễ Ngài dạy sao thì cứ làm như vậy.
Sau những lời thưa trình của Đức Mẹ, Chúa Giêsu trả lời một cách hững hờ: Tôi với bà có liên can gì. Câu trả lời hàm ý một sự chối từ. nhưng ở đây, một lần nữa, qua lòng tin nổi bật của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã ra tay cứu giúp đôi tân hôn bằng một phép lạ lẫy lừng.
Sau này, Chúa cũng làm như vậy trong trường hợp người đàn bà xứ Canaan, ở đó Chúa tuyên bố Ngài không đến cho dân ngoại, nhưng cũng vì đức tin của bà mà Chúa đã ban phép lạ. Phải chăng Chúa Cha muốn Đức Kitô làm pháp lạ, theo lời Mẹ Maria cầu xin. Vì thế Công đồng Vat. II đã nói: Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Ngài chỉ xuất hiện vào lúc đầu trong tiệc cưới Cana. Mẹ đã động lòng trắc ẩn và nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ. Chúa Giêsu đã khai mạc bằng phép lạ của Ngài.
Thực vậy, sau những lời trao đổi giữa hai mẹ con, mà không một ai để ý đến. Khách khứa, thì bận ăn bận nói. Chúa Giêsu đến gần các gia nhân và bảo họ: Hãy múc nước đổ đầy 6 chiếc chum bằng đất vốn đựng nước để ráy. Mỗi chum khoảng từ 60-80 lít. Các gia nhân đã lập tức vâng nghe, không ai trong họ đã phản đối, hay nghĩ thế này thế khác. Sự vâng phục này đã là một dịp tốt đưa đến phép lạ.
Dưới khía cạnh tín lý, biến cố này chứng tỏ rằng Mẹ Maria có một sứ mạng đặc biệt. Sứ mạng này gồm có sự bầu cử và trung gian của Mẹ cho loài người trước tôn nhan Chúa. Thế nhưng, chúng ta có biết chạy đến với Mẹ, nhất là trong những giờ phút tăm tối và u buồn, để xin Mẹ bầu cử và nâng đỡ hay không?

Tiệc cưới

 Có nhiều người cho rằng: niềm vui không thể đi đôi với niềm tin. Chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống đạo. Chỉ khi nào chấp nhận những hy sinh gian khổ thì mới có công phúc. Còn vui tươi hớn hở không phải là thái độ trọng kính đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai lầm này khiến họ sống đạo một cách khô khan, nhăn nhó và phục vụ Chúa với nét mặt sầu thảm.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho hay Thiên Chúa muốn chúng ta sống vui tươi, hồn nhiên và trong sáng, bởi VÌ cái tin mà Ngài đem đến không phải là tin buồn, tin sầu, nhưng là một tin vui, tin mừng. Và nếu chúng ta thực sự sống niềm tin ấy, thì khuôn mặt chúng ta sẽ rạng lên nét vui mừng. Đúng như một câu danh ngôn đã bảo:
- Un saint triste, triste saint. Một ông thánh buồn, là một ông thánh đáng buồn vậy.
Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Đức Kitô chúng ta không cần phải là người thoát tục, trở nên như các thiên thần, nhưng chỉ cần hiểu rõ và trở thành loài người hơn, sống trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta theo gương Chúa Giêsu nhập thể.
Và để có thể thực hiện ơn gọi làm người, thì cần phải tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày. Càng biết sống sâu đậm các nhân đức tự nhiên ấy, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu làm người.
Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên của ơn gọi Kitô hữu, bởi vì nếu thiếu các nhân đức nhân bản này, người tín hữu sẽ mất quân bình, dễ trở thành cuồng tín và lệch lạc. Trước khi trở thành người Kitô hữu, thì chúng ta phải là người, theo đúng ý nghĩa của nó.
Ngoài ra dấu chỉ của tiệc cưới Cana còn cho chúng ta biết rằng của cải trần gian và các tiện nghi vật chất chúng không có gì là xấu xa và nguy hại. Chúng chỉ xấu xa và nguy hại khi làm cho chúng ta đánh mất chất người, biến chúng ta trở thành ích kỷ độc ác và bất công.
Thật ra chỉ có con người là đáng chê trách, chứ không phải là của cải. Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người phải biết sử dụng đúng đắn tất cả những ơn sủng Thiên Chúa ban cho. Kẻ ít người nhiều, ai cũng nhận được một số ơn sủng tuỳ theo sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần phải tận dụng tất cả các ơn sủng đó, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Chính các ơn sủng này làm thành sự phong phú của cộng đoàn dân Chúa.
Tóm lại ý thức được những ơn Chúa ban, chúng ta hãy biết tận dụng để phục vụ Thiên Chúa trong anh em, theo mẫu gương của Đức Kitô.

 

Họ hết rượu rồi (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm
Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.
Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.
Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu.
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại.
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.
Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia. Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.
Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.
Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana. Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.
Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.
Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể.
Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu.
Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.
"Họ hết rượu rồi": Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. "Người bảo gì, các anh hãy làm."
Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.
Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ... Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.
"Người bảo gì, các con hãy làm": Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ngay từ đời này. Theo bạn, thế nào là một con người hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực dựa trên những yếu tố nào?
Đâu là những điều đe dọa hạnh phúc bình thường của một người?
Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.


Quan tâm đến tha nhân - JKN

Chủ đề: Thiên Chúa cứu chữa điều hư hỏng nên hoàn hảo hơn cả tình trạng ban đầu
 
Câu hỏi gợi ý:
1. Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình - cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó - có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn?
2. Trường hợp đám cưới này, nhờ sự can thiệp cứu độ của Đức Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu mà rượu ấy lại còn ngon hơn rượu trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa?
3. Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không?
4. Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới
Ngay từ khởi thủy, «Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, «cả hai trở thành một xương thịt» (St 2,24). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình. Họ còn cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên - có thể nói kế thượng sách - của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa - qua con người Đức Giêsu - đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.
Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ hai là kế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi linh mục hay tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân trong tiệc cưới Cana này.
2. Kế hoạch cứu chuộc làm kế hoạch sáng tạo thành công tốt đẹp hơn
Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra trục trặc nào cả. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.
3. Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu
Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).
Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.
Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánh và sống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.
4. Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria
Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.
Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ con (hay chồng con), anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? ta sẵn sàng tới mức độ nào?
CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác.

 Chú giải của Noel Quesson

Bài trình thuật tiệc cưới ở Cana được Gioan, một nhân chứng trực tiếp, kể lại. Điều đó bảo đảm sử tính của câu chuyện. Nhưng Gioan, cũng như các thánh sử khác trước hết không có ý định mô tả cho chúng ta một đám cưới làng quê vào thời kỳ ấy. Sự kiện lịch sử ấy được suy gẫm lâu dài trong năm, sáu mươi năm trở thành một cơ hội cho Gioan dạy giáo lý với tư cách một nhà thần học. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải cố vượt qua tính chất giai thoại của câu chuyện bước vào cách giải thích “tượng trưng" sâu xa: Sự kiện ấy là một “dấu chỉ”. Nó có một “ý nghĩ" ẩn giấu.
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê.
Khi Gioan viết những từ "ngày thứ ba" ấy thì trong ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi, đó là một lối diễn tả gần như là thuật ngữ và lập tức gợi lại "ngày vinh quang" của Đức Gỉêsu: Ngày sống lại (Mt 16,21 - 17,23 - 20,19; Lc 9,2-18 - 33-24, 7; Cv 10,40).
Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Trong phần đầu Tin Mừng của mình, Gioan chỉ nhắc đến Đức Maria trong trình thuật tiệc cưới ở Cana này và ở phần cuối Tin Mừng lúc Mẹ đứng dưới chân thánh giá...mà không cho biết tên Maria của Mẹ, nhưng chỉ xác định Mẹ trong mối quan hệ với Đức Giêsu... đó là "Mẹ Người "!
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến"
Giờ của Đức Giêsu cũng là một cách diễn tả về cuộc khổ nạn (Ga 7,30 - 8,20 - 13,1 - 16,25 - 16,32). Đây là giờ độc nhất, một cách chính xác, đó là giờ Người được vinh quang: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian" (Ga 17,l-5). Giờ vinh quang của Đức Giêsu diễn ra trong ba giai đoạn: Đó là thập giá, Người được "nâng lên" về mặt thể xác và một cách tưởng tượng... đó là sự sống lại, Người được "nâng lên" bên hữu Chúa Cha... và đó là sự tuôn đổ của Thánh Linh cho các tín hữu... (Ga 3,14 - 8,28 - 12,32 - 17,11 - 17;13 - 17,39). Như thế, người thợ mộc ở Nadarét được mời tham dự tiệc cưới trong một ngôi làng nhỏ lân cận, cho chúng ta khám phá "hữu thể" sâu xa của Người, xuyên qua các lời nói và cử chỉ: Vinh quang của Thiên Chúa ở trên Người. Người nói rằng "Giờ của Người" chưa đến. Nhưng giờ ấy sẽ đến! Khi người ta mời ông Giêsu này đến dự tiệc cưới thì họ đã mời chính Thiên Chúa Tạo Hóa của tình yêu! Một mầu nhiệm ẩn giấu trong lòng của tình yêu đôi lứa.
Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
Bề ngoài kiểu nói ấy xem ra tầm thường. Vả lại, đó chính là một trích dẫn từ Kinh Thành. “Toàn xứ Ai Cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharaô xin bánh ăn. Pharaô nói với mọi người Ai Cập: "Cứ đến với ông Giuse, ông bảo gì, các ông hãy làm theo" (St 41,55). Vua Pharaô nhận biết Giuse có sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa nên đã nhún mình trước mặt Giuse và đã chỉ cho những người nghèo khổ đói khát đến với Giuse như đến với một người có thể lấp đầy sự khốn khổ của họ.
Giờ đây, chính Đức Maria nhún mình trước con bà và chỉ định Người như nhân vật chính: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo". Ở đó, đang thiếu rượu... và có lẽ, nào ai biết được, "tình yêu cũng thiếu... Cuộc vượt qua là sự ra khỏi nước Ai Cập. Nhưng cũng là sự giải phóng khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết: "Rượu thiếu tượng trưng cho mọi thiếu sót sâu xa của chúng ta. Có rất nhiều hoàn cảnh của con người, ở đó chúng ta "không thể còn làm được gì mọi sự đều thiếu sót, không còn giải pháp trong hoàn cảnh của chúng ta lúc đó... Thế thì phải trông cậy vào một người khác vào Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng duy nhất có thể cứu: “Người bảo gì các bạn cứ việc làm theo".
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết)
Không một chi tiết nào ở đây là bởi sự ngẫu nhiên.
Chúng ta thử hiểu một nửa chữ thôi...
"Sáu chum đá... Người xưa thường thích ý nghĩa tượng trưng của các con số. Bảy là con số của sự hoàn hảo. Bảy kém một là hình ảnh của sự bất toàn.
“Dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái nước dùng để tắm rửa trong việc phụng tự. Những chum đá ấy là dấu chỉ một tình trạng lạc hậu lỗi thời của các tập tục tôn giáo giờ đây đã bị vượt qua. Đức Giêsu đến thay đổi, hoàn tất tôn giáo của người Do Thái. Nước trở thành rượu!
"Họ đổ đầy tới miệng...". Dấu chỉ dư dật, phong phú, tràn đầy mọi ơn lành của Đấng Mêsia mà Đức Giêsu khởi đầu trong "dấu chỉ" đầu tiên này, quả thật là điên rồ và thái quá 600 lít rượu nho! Cả làng sẽ uống say sưa!
“Rượu”... Một biểu tượng xưa của Kinh Thánh (Tl 9,13; Thánh Vịnh 104,15.v...) Trái nho là một sản phẩm rất được ưa chuộng của đất đai: nó làm cho lan tỏa niềm vui và sự sảng khoái, nó làm cho phấn khởi lòng người". Các thời đại của Đấng Mêsia được loan báo bằng các hình ảnh bữa tiệc ở đó rượu chảy thừa mứa: "Đức Chúa sẽ mở tiệc cho mọi dân tộc, một bữa tiệc với thịt béo và rượu nồng"(Isaia 25,6; A-mốt 9,14.; Ôsê 2,16-15,5; Giôen 4,18; Giê-rê-mi-a 3 1., 12; Diễm ca 2,4 v.v...)
Vả lại chúng ta chớ bao giờ quên rằng Gioan viết Tin Mừng của Người khoảng năm mươi hoặc sáu mười năm sau biến cố Cana, vào một thời kỳ mà cộng đoàn Kitô hữu đã hội họp từ nhiều năm rối để dùng bữa ở đó một thứ "rượu” mầu nhiệm được róc ra. Làm thế nào mà bữa ăn đầu tiên này của Đức Giêsu ở Cana lại không nhắc họ nhớ đến bữa ăn cuối cùng khi Đức Kitô đã biến rượu thành máu của Người... trong sự chờ đợi bữa tiệc quyết định mà Đức Giêsu đã loan báo: "Từ nay Thầy không còn uống thứ rượu nho này cho tới ngày Thầy sẽ uống rượu mới trong Vương quốc của Cha Thầy”.
Phúc thay cho những người được mời đến bàn tiệc của Thiên Chúa.
Mỗi lần bạn uống được rượu ngon, bạn hãy nghĩ về Thiên Chúa đã dùng rượu làm một "dấu chỉ" về Người. Thiên Chúa muốn mềm vui. Thiên Chúa không muốn chúng ta thiếu niềm vui, thiếu tình yêu, mỗi thánh lễ là một dấu chỉ về Người, một bí tích. Mỗi thánh lễ là máu của Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Người.
Ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.
Sự lầm lẫn này có ý nghĩa biết bao: Khi lẫn lộn tân lang với Đức Giêsu, người quản tiệc đã lầm! Trong một vài dòng của Tin Mừng, Gioan Thánh sử sẽ nói rõ ràng rằng "tân lang" đích thực, chính là Đức Giêsu (Ga 3,29).
Chúng ta thấy ở đây điểm then chốt đem lại lời giải thích chủ yếu cho dấu chỉ Cana...". Đây là rượu của tiệc cưới mới, đây là chén của Giao ước mới trong máu ta". Những lời ấy chúng ta biết rõ thường lướt quá nhanh trong trí óc đã quen thuộc của chúng ta. Thánh lễ, mầu nhiệm của tình yêu!
Một truyền thống lâu dài và khả kính của Cựu ước đã giới thiệu Thiên Chúa như tân lang của nhân loại. Isaia trong bài đọc một của chúa nhật này vừa nói với chúng ta "sự ngỏ lời tình yêu” nóng bỏng như một đam mê của người si tình: "Người ta sẽ không còn gọi em "cô gái bị bỏ rơi" nhưng người ta sẽ gọi em là "cô gái được yêu thích", người ta sẽ gọi xứ sở của em là "Tân nương của Ta"... Như một thanh niên cưới một thiếu nữ làm vợ, Đấng đã xây dựng em, sẽ cưới em làm vợ. Như người vợ trẻ là niềm vui của chồng mình cũng thế, em sẽ là niềm vui của Thiên Chúa em" (Isaia 62,1-5; ô8ê 2?21; êdêkien 16,8). Toàn bộ Tân ước đã lấy lại hình ảnh vợ chồng ấy (2 Cr 11,2; Ep 5,25; Kh 21,2 - 22,17 v.v...).
Vả lại như bạn đã nhận thấy, ở tiệc cưới Cana, cô dâu không được kể ra. Không kỳ lạ sao! Chúng ta không gặp một đám cưới bình thường. Nếu Đức Giêsu là Tân Lang thật sư tân nương thật sự là người "phụ nữ" mà Người đã gọi bằng một từ ngữ mang tính tượng trưng sâu sắc: Thưa Bà!". Tân nương của Thiên Chúa, chính là Israel chờ đợi "giao ước mới" khi thừa nhận mình không.,còn rượu nữa. Israel ấy, dân tộc được Thiên Chúa cưới trong giao ước mới, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Maria đại diện cho cả hai: bà là "con gái của Israel" và khuôn mặt của Giáo Hội". Như thế, Tân nương không được nói tên trong tiệc cưới đó chính là chúng ta: Thiên Chúa yêu thương bạn... Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giêsu Kitô... trong khi vui cũng như trong lúc buồn!
Chúng ta sống trong một thời đại mà khủng hoảng của tình yêu vợ chồng trở nên bi đát: Tình yêu dường như bị mất phương hướng, người ta ca tụng sự kết hôn tự do, người ta sống chung mà không muốn làm lễ cưới, không muốn mở tiệc mừng tình yêu, không muốn nhận trách nhiệm đối với người khác, đối với con cái sẽ được sinh ra... Biết bao cặp vợ chồng mau chóng lìa tan, lúc mới bắt đầu cũng vui vẻ đấy, nhưng rồi trở nên nhạt nhẽo, tầm thường như nước ốc! Nhưng trong bối cảnh ấy, những cặp vợ chồng vững chắc nhất cũng không tránh khỏi nhận xét bi đát: Họ không còn rượu nữa!". Chính tình yêu đang thiếu thốn. Chỉ Đức Giêsu mới có thể ban lại tình yêu cho chúng ta. Hãy hiệp thông vào chén của Đức Giêsu, uống rượu của Người, chính là uống nơi suối nguồn yêu thương, đã hiến dâng tất cả và yêu thương cho đến cùng" (Ga 13,1).
Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học băn khoăn tìm hiểu cuộc sống nào cao cả hơn, cuộc sống "hôn nhân" hay cuộc sống "độc thân". Tuy nhiên chúng ta chớ nên quên ngôn ngữ của Kinh Thánh nói về một Thiên Chúa - Tình Quân. Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng của Thiên Chúa tràn ngập chúng ta. Nếu bạn đã kết hôn, vợ chồng bạn là "dấu chỉ", nghĩa là "bí tích", "sự biểu lộ" của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu bạn sống độc thân. không phải bạn "không có tình yêu”, bạn cũng đã được cưới bởi một tình yêu cao cả nhất phải có! Nhưng bạn sống đời sống hôn nhân, hoặc đời sống độc thân của bạn như thế nào? Vấn đề ở đây không phải là sự thiết lập bí tích hôn nhân trong Tin Mừng. Nhưng đối với những ai hiểu được "dấu chỉ" của tiệc cưới Cana, điều đó chẳng cần thiết hay sao?
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Bên ngoài tính giai thoại, ở đây chính Gioan thánh sử cho chúng ta lời giải thích về câu chuyện của ngài: Đức Giêsu bày tỏ căn tính của Người... các môn đệ đã bắt đầu bước vào đức tin... "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người".(Ga 1,14).

BBT. GXTNO St

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn