1
16:48 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 180


Hôm nayHôm nay : 22111

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 326233

Tổng cộngTổng cộng : 27880517

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lễ Tết Quý Tỵ 2013: Các bài suy niệm Lời Chúa

Chủ nhật - 10/02/2013 17:16-Đã xem: 1764
Ngày đầu năm – ngày cầu bình an cho Năm Mới – ngày Thế giới hoà bình – cũng là ngày mở ra một chặng đường mới, hướng tới một “Trời mới đất mới” mà Thiên Chúa – thông qua Ngôi Lời Nhập Thể – đã thương ban. Chính vì thế, “Qua cuộc sống mới mà Đức Ki-tô ban cho, chúng ta có thể nhận ra người khác là anh chị em của mình, bất chấp mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch, và văn hóa. Tóm lại, qua việc chia sẻ trong cùng một bánh và cùng một chén, chúng ta đi đến nhận thức rằng chúng ta là “gia đình của Thiên Chúa” và rằng cùng nhau chúng ta có thể đưa ra cống hiến có hiệu quả để xây dựng một thế giới trên cơ sở các giá trị công lý, tự do và hòa bình.” (Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới năm 2005” của ĐTC Gio-an Phao-lô II, số 1).
Lễ Tết Quý Tỵ 2013: Các bài suy niệm Lời Chúa

Lễ Tết Quý Tỵ 2013: Các bài suy niệm Lời Chúa

LẾ GIAO THỪA QUÝ TỴ 2013

Bài 1. TRAO VÀ NHẬN

JM. Lam Thy ĐVD.

Lại một năm nữa (năm Nhâm Thìn – 2012) sắp qua và một năm mới (năm Quý Tỵ – 2013) sắp tới. Thêm một cái Tết chồng lên mái đầu bạc trắng với những lo toan xếp đặt “lên xe hoa” về với Đức Hôn phu Giê-su Ki-tô. Cũng đã có một số bài chia sẻ về Lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán, cho rằng Giao Thừa là Năm Cũ giao lại những cái thừa cho Năm Mới. Thực ra không phải vậy, chữ “thừa” ở đây không phải là thừa thãi, dư thừa (theo nghĩa thuần Việt); mà phải hiểu theo nghĩa Hán Việt (“thừa” là nhận, như thừa hưởng, kế thừa, thừa nhận). Theo từ nguyên thì giao thừa (交 承) chỉ có nghĩa là “trao nhận”. Vâng, một lúc nào đó có một biến chuyển, một biến thiên, thậm chí một biến cố xảy ra, cái “cũ” lui vào dĩ vãng, giao(交) lại cho cái “mới” thừa (承) kế, thế là có giao thừa. Còn đêm Giao Thừa đón Tết là một thời điểm đã được định trước của một chu kỳ thời gian theo âm lịch (trung bình 360 ngày, không kể năm nhuận). Rõ hơn, đó là giờ Tý (từ 23 giờ tới 01 giờ sáng) trong đêm cuối cùng của một năm (năm cũ chuyển sang năm mới), là lúc tiễn cũ đón mới (“tống cựu nghinh tân”: 送 舊 迎 新).

Ngày cuối năm được gọi là “trừ nhật” (除 日), còn “trừ tịch” (除 夕) là đêm cuối năm. Đó là thời điểm “năm cũ” lui vào dĩ vãng, “năm mới” bắt đầu (theo nghĩa “trừ: thay đổi, hoán đổi”). Còn một thuyết khác (căn cứ vào nghĩa “trừ: bỏ đi, diệt, dẹp”) cho rằng Trừ Tịch là đêm trừ khử tà ma, xua đuổi cái xấu, để cầu điều tốt đẹp, phuớc lộc cho năm mới. Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, của các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để 2 vị thần Hành Khiển – một vị bảo trợ năm cũ, một vị bảo trợ năm mới – bàn giao công việc cho nhau. Cụ thể là vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao, người sau nhận, Năm Cũ trao Năm Mới nhận; vì thế mới gọi là Giao Thừa.

Lễ Giao Thừa thường được tổ chức rất trọng thể để mọi người trong gia đình tề tựu đông đủ, trang hoàng nhà cửa, chưng hoa lá, bày lễ vật (cỗ bàn, bánh trái) dâng cúng tổ tiên, khẩn cầu các đấng thần linh ban phước lộc, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ một năm mới tốt đẹp, gia đình hạnh phúc. Ngày nay dấu ấn để lại không chỉ trong đêm Trừ Tịch âm lịch, mà còn cả trong việc giao ban giữa cũ và mới trong ngành cùng làm việc với nhau và thường tổ chức vào cuối năm dương lịch. Dù âm lịch hay dương lịch thì tháng ngày vẫn trôi theo đúng quy luật vận hành của tạo hoá. Vì thế, lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán chính là thời điểm để mọi người suy gẫm làm sao cho cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn, để từ đó chúc cho nhau mọi điều tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc nhất.

Với Kitô hữu – cách riêng, với Kitô hữu Việt Nam – thì từ trước vô cùng cho đến thiên thu vạn đại, chỉ có một vị thần duy nhất quan phòng vũ trụ và nhân sinh, là Thiên Chúa, là alpha và omega (khởi nguyên và tận cùng). Vào đêm trừ tịch hàng năm, mọi người tất bật chuẩn bị (hoa quả, bánh trái…) cho giờ phút Giao Thừa thiêng liêng đón mừng năm mới. Thế thì tại sao lại không chuẩn bị tâm hồn để đón vị Cứu Chúa đến với chúng ta trong Năm Mới, như Lời Chúa trong Thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (Bài đọc 2 – Lễ Giao Thừa – Tx 5, 16-22)?

Vâng, trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng của giờ phút Giao Thừa hàng năm, xin hãy thinh lặng suy niệm về những hồi ức dĩ vãng đã có một Đấng Thiên Sai đến “trao” cho con người sứ vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả. Cho đến hiện tại và mãi mãi, Đấng ấy vẫn tiếp tục “trao”, ăn thua là chúng ta có chịu “nhận” hay không và “nhận” như thế nào mà thôi. Vâng, xin hãy tiễn những cái cũ (“tống cựu”) bằng cách sám hối, quyết tâm từ bỏ những sai lỗi; đồng thời sẵn sàng “nhận” cái mới và thực thi bằng tỉnh thức, bằng hành động, bằng cả cuộc sống của bản thân, để chuẩn bị “nghinh tân” – đón “Đấng đã đến và sẽ đến”: ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, Chúa chúng ta quang lâm – trong giờ phút Giao Thừa trọng đại của ngày cánh chung, một thời điểm đã được định sẵn từ trước vô cùng, nhưng lại đến một cách bất ngờ như kẻ trộm đột nhập, bởi “ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay ngay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36-44). Chỉ có như vậy mới thực sự nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của giờ phút Giao Thừa giữa năm cũ và năm mới, và nhất là giờ phút Giao Thừa giữa cuộc sống trần thế hữu hạn bước sang cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau.

Như vậy, người Ki-tô hữu ngoài việc chuẩn bị vật chất để tổ chức lễ Giao Thừa, còn cần phải tập trung hơn vào lãnh vực tâm linh. Vâng, tống tiễn những điều xấu, khu trừ ma quỷ tội lỗi, chính là công việc “sám hối”, để đón tiếp những điều tốt đẹp chính là “canh tân” vậy. Mùa Xuân Mới đã cận kề, Nguồn Sống Mới (Nước Trời) là Mùa Xuân Vĩnh Cửu cũng gần đến, như Lời Hằng Sống đã dạy: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3, 2). Vậy thì để đón Nguồn Sống Mới ấy, tại sao chúng ta lại không thể sám hối và canh tân để chuẩn bị cho một Lễ Giao Thừa duy nhất là ngày cánh chung, là ngày mà “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.” (Mt 21, 29-31)

Ôi! “Lạy Chúa là Cha nhân ái! Chúng con tin tưởng Chúa nhận lời chúng con đang hân hoan cầu xin. Năm mới đang về trên quê hương đất nước chúng con, cúi xin Chúa hằng thi ân giáng phúc gia tăng nơi chúng con lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và hăng say phục vụ anh chị em chúng con trong cuộc đời trần thế này, để mai sau được hưởng mùa xuân vĩnh cửu trên Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. ” (Lời nguyện Tín hữu lễ Giao Thừa).


II. THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT QUÝ TỴ

Bài 1. ĐẦU NĂM HÁI LỘC

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Ngày Tết Nguyên Đán là thời gian quan trọng nhất trong năm, được coi như ngày thánh, con cái dù ở nơi xa cũng cố gắng trở về sum họp dưới mái gia đình để ăn Tết. Giao thừa là lúc mọi người phải có mặt đầy đủ để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ được mọi sự lành trong cả năm mới.

Ngoài ra, người ta còn kiêng cữ trong cách sống, không dám nói hoặc làm một điều gì sai trái để tạo ra xúi quảy cho cả năm.

I. LỜI CHÚC TẾT ĐẦU NĂM

Trong những ngày đầu năm, người ta cầu chúc nhau rất nhiều điều cao quí, rất đa dạng, tùy theo từng hoàn cảnh. Thường người ta chúc nhau : phát tài phát lộc, bách niên giai lão, buôn may bán đắt, thăng quan tiến chức, vạn sự như ý; hay nói một cách tổng quát người ta chúc nhau được ngũ phúc : Phú, Quí, Thọ, Khanh, Ninh.

Ngoài ra, cũng có những câu chúc có vẻ văn hoa như :

Trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc,

Vạn sự cát tường, toàn gia hạnh phúc,

Vui trong sức khỏe, trẻ trong tâm hồn, khôn trong công việc, tuyệt vời trong tình yêu.

Có những câu dài hơi hơn như :

Vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, cuộc đời như thơ, tình yêu như nhạc, coi tiền như rác, xem bạc như rơm, chung thủy với cơm, không màng chi phở.

Hoặc chúc mọi người một cách rộng rãi hơn :

Chúc mọi người một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, lời cầu chúc tốt đẹp và đầy đủ nhất vẫn là lời chúc “ Phúc. Lộc, ThọPhúc là mong được nhiều hạnh phúc,

Lộc là mong được nhiều của cải lợi lộc,

Thọ là mong được sống lâu mạnh khỏe.

Để tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, người ta dùng hình ảnh ba ông già.

Ông Phúc được thể hiện dưới dạng một người giầu có, nét mặt viên mãn hiền hậu, với những chi tiết về hình thể biểu lộ quí tướng như khối hình đầy đặn, tai to, mũi thẳng, hàm nở… mình mặc áo chùng, tay bồng một đứa trẻ mũm mĩm tượng trưng cho con cháu ngoan hiền.

Ông Lộc được thể hiện dưới dạng một viên quan đầu đội mũ phốc hay mũ cánh chuồn, mình khoác áo vân cẩm, dáng đứng nghiêm trang, khuôn mặt uy nghi quắc thước, bởi vì người xưa quan niệm rằng sự thành đạt của con người được thể hiện trên con đường công danh chức tước nhiều bổng lộc.

Ông Thọ được thể hiện dưới dạng một ông già hói đầu, râu tóc bạc phơ, mình mặc áo chùng, tay cầm gậy trúc, trên đầu gậy có treo mấy quả đào tiên, một biểu tượng nói lên sự trường thọ.

Hôm nay, chúng ta đặc biệt chúc nhau chữ LỘC, từ lộc vật chất đến lộc thiêng liêng, đó là LỘC THÁNHdo Thiên Chúa ban cho : “Đó là Phúc Lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128,4) hoặc câu khác : “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng. Bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).

II. TỤC HÁI LỘC TRONG NGÀY TẾT

1. Tục hái lộc nơi chùa miếu

Theo tài liệu của ông Phan Kế Bính, ông Toan Ánh và ông Nhất Thanh thì sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta đi lễ chùa miếu để xin Thần Phật gia ơn độ trì cho năm mới.

Thường ai cũng mua vài nén hương để khấn vái trước bàn thờ, hoặc đông người quá thì dâng hương ở ngoài sân. Có người mua về vài ba nén hương gọi là “hương lộc” đem về cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban biểu tượng cho sự thịnh vượng.

Cũng có nhiều người không xin hương lộc, thì lễ xong ra sân vườn chùa miếu bẻ lấy một cành cây, tục gọi là “HÁI LỘC” đem về gọi là Lộc Thánh.

Tục hái lộc ở các chùa miếu ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần Phật ban cho năm mới. Cành lộc thường là một cành đa nhỏ, cành đề, cành si là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Năm mới lúc trở về có tài lộc mang theo vừa chỉ sự may lành, vừa chỉ sự vui sướng.

2. Tục hái lộc nơi thánh đường

Ngày Mồng Một Tết, ngày linh thiêng nhất trong năm, ngày cầu bình an cho năm mới. Nhiều giáo xứ tổ chức hái lộc đầu xuân.

Lộc thánh là những câu Lời Chúa được tuyển chọn trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên những cành mai vàng rực rỡ đặt trên cung thánh. Sau bài giảng, Cha chủ tế hái lộc thánh đầu xuân, rồi đến các tu sĩ nam nữ, đến đại diện các hội đoàn và đại diện các gia đình lên hái lộc.

Sau Thánh lễ, mọi người ra về mang theo niềm vui và hạnh phúc, bình an và Ơn thánh. Gia đình sum họp trước bàn thờ đọc kinh nguyện, dâng một năm mới lên Chúa và Đức Mẹ. Người cha hoặc người mẹ trịnh trọng mở lộc thánh đọc cho cả nhà nghe. Mỗi lộc thánh hợp với từng gia đình. Lộc thánh được đặt trang trọng trên bàn thờ, dưới chân thánh giá. Câu chuyện ngày Tết đi thăm nhau thường hàn huyên về lộc thánh Lời Chúa mỗi nhà.

Lời Thánh vịnh 27 nói lên niềm cậy trông : “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào, hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27).

Vững vàng tin tưởng và trông cậy vì người Kitô hữu xác tín vào lời Chúa Giêsu dạy : “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).

Không phải bây giờ người ta mới hái lộc. Từ ngàn xưa, thuở địa đàng đã có truyện con gái đi hái lộc đầu xuân rồi.

Đọc chương 3 sách Sáng thế, chúng ta thấy rõ có một cô gái đẹp ở Vườn Diệu quang, cô được hái lộc ở mọi cây, trừ cây biết lành biết dữ ỡ giữa vườn. Lộc cây ấy không phải lộc tốt mà có hại. Nhưng cô đã liều lĩnh hái lộc cây ấy và lập tức cái lộc cây ấy quật ngã cố. Đó là cô EVÀ đã hái lộc cây trái cấm. Cô đã không hái được lộc thánh mà chỉ hái được lộc của tội lỗi, độc hại. Cô đã đánh mất hạnh phúc trong ngày đầu xuân.

Nhưng bù vào đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế cứu chuộc loài người bằng Cây Thập Giá mà lộc của cây này lại đem phúc trường sinh. Lộc đây là lộc thánh ban muôn vàn ơn phúc. Cũng từ đó, Chúa lại còn ban cho chúng ta một thứ lộc quí giá nữa, đó là “Bí tích Thánh Thể”. Chúa phán : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời”.

III. HÃY TẬN HƯỞNG LỘC THÁNH CHÚA BAN

Hôm nay chúng ta không đến chùa miếu để khấn Thần Phật như người ta thường làm, mà đến nhà thờ để ca tụng Chúa là Chúa của Mùa Xuân và xin Người ban cho ta được nhiều ơn lành hồn xác. Chúng ta hãy hái lộc thánh đem về để cho cả năm Quý Tỵ này được may mắn.

Tờ Lộc thánh mà chúng tôi tặng anh chị em hôm nay là lời Chúa Giêsu đã chào thăm các môn đệ sau khi Người sống lại : “Bình anh cho các con” (Ga 20,19.26).

Cùng với tờ Lộc thánh, chúng tôi chúc anh chị em một câu thơ mà ngươi ta chúc nhau trong ngày đấu xuân, coi như món quà tặng cho nhau :

Mai vàng nở khắp quê nhà

An khang thịnh vương món quà đầu năm

“An khang thịnh vượng” cũng là một trong 5 lời chúc căn bản nhất : Phú, Quý, Thọ, Khang. Ninh. “An khang thịnh vượng” là một lời chúc từ chữ Hán, dùng để chúc nhau vào những dịp Tết hay ăn mừng tân gia..

Chữ “An” diễn tả sự bình an, yên ổn, an vui, an bình.

Chữ “Khang” diễn tả sự mạnh khỏe, tươi tốt.

Vậy chúc cho nhau “an khang thịnh vượng” là chúc cho người ta được sống trong bình an, thư thái, mạnh khỏe và phát đạt. Do đó, chúng tôi chúc anh chị em được anh bình cả hồn lẫn xác trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Sự an bình chúng tôi muốn chúc cho anh chị em không phải là anh bình nhất thời, tạm bợ mà là thứ an bình mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chúc cho loài người trong đêm Người giáng sinh :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

(Lc 2,14)

Sự bình an Thiên Chúa ban cho gồm cả hai phương diện :

- Về thể xác : an lành, may mắn, không tai họa, không chiến tranh.

- Về tâm hồn : được ơn nghĩa cùng Chúa, sống kết hợp thân mật với Người.

Điều chúng tôi cầu chúc hôm nay đặc biệt là an bình trong tâm hồn, một thứ an bình tròn đầy và vĩnh cửu. Xã hội có an bình mà lòng không có thì kể là không có an bình thực sự, và ngược lại, xã hội tuy đầy chiến tranh loạn lạc nhưng lòng vẫn được an bình thư thái.

Điều kiện muốn có an bình trong tâm hồn là phải có một tâm hồn trong sạch : “Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được xem thấy mặt Đức Chúa Trời vậy”. Ai phạm tội là chống lại Chúa, chống lại Chúa là thù nghịch với Chúa, gây chiến với Chúa, như thế làm sao có sự bình an trong tâm hồn được ?

Để kết thúc, xin chúc anh chị em được hưởng sự bình an trường cửu ngay ở đời này nếu anh chị em thực hiện Lời Chúa trong bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay : “Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,34).

Tân niên thánh đức bao ân phúc

Xuân nhật an hòa mãi phúc vinh

III. THÁNH LỄ MỒNG HAI TẾT QUÝ TỴ

Bài 1. THẢO KÍNH CHA MẸ

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Hôm nay, Mồng Hai Tết Quý Tỵ, chúng ta họp nhau đây để ca tụng Chúa là Chúa mùa xuân và để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta tỏ lòng hiếu thảo đối với công đức sinh thành của các ngài.

Đạo Hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân là thời điểm thuận tiện để con cháu bầy tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể xác lẫn tâm linh.

Người Kitô hữu chúng ta ý thức được đạo Hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn vẹn chữ Hiếu cũng đồng thời chúng ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong tinh thần yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.

I. ĐẠO HIẾU TRONG DÂN GIAN

Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ Hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ thời xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu :

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu

Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.

Vậy Đạo Hiếu là gì ? Phân tích từ chữ Hán chúng ta thấy chữ “Hiếu” là chữ viết tắt của chữ “Lão” ở trên (lược bớt phần dưới) và chữ “Tử” ở dưới. “Hiếu” tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

“Hiếu” là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong “Luân lý giáo khoa thư” các em đã hiểu :

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho trọn chữ Hiếu mới là đạo con.

Thế đó, thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành.

Các cụ ngày xưa cho là HIẾU đứng đầu trăm nết :

“Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết,

Thời suy ra trăm nết đều nên”.

Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị nhiều người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, tr 326).

Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt nam, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo hội Việt nam đã dành ngày mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu đối với cha mẹ, Giáo hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha trên trời, Đấng sáng tạo và làm chủ tể mọi loài.

Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một tình yêu rất tự nhiên và cao quí. Trong các tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất. Tình cha mẹ dành cho con cái mãi mãi như sông ngòi biển khơi. Nhưng :

Biển Đông còn lúc đầy vơi,

Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.

Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy sự thành công của con cái. Cho dù có phải vì con mà vất vả lao đao, cha mẹ vẫn không sờn lòng. Cho dù có vì con cái mà cha mẹ phải hao gầy, cha mẹ vẫn vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ ơn cha nghĩa mẹ cao dầy như thế, thì người con khi đã lớn khôn, thành tài, cần phải dặn lòng :

Trải bao gian khổ không sờn,

Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền

II. ĐẠO HIẾU THEO THÁNH KINH VÀ GIÁO HỘI

1. Đạo hiếu theo Thánh Kinh

Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại Bản Thập Giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó cho thấy việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi Kitô hữu.

Đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành : “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28).

Biểu lộ của lòng hiếu thảo qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự tuân phục, khiêm kính : “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22) và “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách (Cn 13,1).

Tân ước đề cao đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (Lc 2,51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa : “Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử”.

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô khuyên bảo :”Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

Thư gửi cho Timôthêô cũng xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin : “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5,8).

2. Đạo Hiếu theo giáo huấn của Giáo hội

Công đồng Vatican II dạy :”Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV só 48).

Giáo lý Hội thánh Công giáp nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta : “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).

III. ĐẠO HIẾU VỚI NGƯỜI KITÔ HỮU

Qua tinh thần hiếu thảo mà con cái phải có đối với cha mẹ theo tình cảm tự nhiên, chúng ta còn có luật Chúa đòi buộc con cái phải thảo kính cha mẹ, đồng thời với những lời giáo huấn của Giáo hội, hôm nay, Mồng Hai Tết Quý Tỵ, chúng ta hãy củng cố và đổi mới lòng hiếu thảo của chúng ta đối với ông bà cha mẹ. Chữ Hiếu được thể hiện qua những món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ được nồng ấp vào đó cả một tình con hiếu thảo .

Đây cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ bên gia đình. Ai cũng mong đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà.

Thế nhưng, chữ hiếu không thể dừng lại nơi những ngày Tết mới bộc lộ ra mà còn phải dàn trải trong suốt tháng năm sống bên cha mẹ. Hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Nếu những ai có cha mẹ còn trẻ hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta có một thành trì vững chắc để tựa nương. Nếu những ai cha mẹ đã già nua thì đừng xem thường và coi họ như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời khiêm tốn, lịch sự, đừng cáu gắt với tuổi già. Hãy ôn tồn với các ngài vì chính họ đã từng kiên nhẫn với tuổi thơ chúng ta. Chính các ngài đã chẳng quản mưa nắng, thức khuya dậy sớm vì tuổi thơ chúng ta. Xin đừng ai phụ nghĩa mẹ cha. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì :

Nếu mình hiếu với mẹ cha

Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.

Truyện : Quà tặng của cha

Có một chằng trai sắp thi tốt nghiệp đại học. Trước đó anh đã nói với cha về ước nguyện có chiếc xe thể thao xinh đẹp và mong rằng nó sẽ là quà tặng của cha nhân ngày tốt nghệp.

Người cha nghe xong im lặng, không có ý kiến gì.

Sau ngày chàng trai tốt nghiệp, người cha đã gọi anh vào phòng, nói rằng ông rất yêu thương và hãnh diện có được đứa con như anh. Sau đó ông trao cho anh một hộp quà được gói cẩn thận. Ngạc nhiên, chàng trai mở hộp quà và nhìn thấy đó là một quyển sách thể loại “rèn nhân cách” được đóng gáy và bọc bìa da rất đẹp. Chàng trai nhíu mày, “với tất cả tài sản mà cha mình đã có… và món quà tặng cho con tốt nghiệp đại học chỉ là một quyển sách tầm thường này hay sao?”.

Chán nản và buồn phiền với ý nghĩ đó, chàng trai không nói lời nào với cha mình, rời khỏi phòng, để lại quyển sách trên bàn. Sau đó anh bỏ nhà ra đi…

Trong một thời gian dài, chàng trai không liên hệ với cha mình. Cho đến một ngày anh nhận được tin cha mình đã qua đời và để lại toàn bộ tài sản cho anh ta.

Khi anh về đến căn nhà cũ xưa, sự buồn phiền và hối hận tràn ngập trong lòng chàng trai khi anh nhớ đến sự cư xử lạnh nhạt mà anh đã có với cha trước đây. Anh tìm đọc những giấy tờ quan trọng của cha mình và nhìn thấy cuốn sách “rèn nhân cách” vẫn còn nguyên vẹn trên bàn như ngày anh từ bỏ nó. Chàng trai mở cuốn sách ra, lật từng trang và thấy một bao thư được ép chặt trong đó. Anh đã nhẹ nhàng mở bao thư ra, và bỗng dưng nước mắt anh tuôn trào khi nhận ra đó chính là một chìa khóa xe hơi và tờ hóa đơn của chính chiếc xe mà anh ta yêu thích ngày trước. Tờ hóa đơn ghi đúng ngày anh ta tốt nghiệp với dòng chữ đã thanh toán đầy đủ…

Trong cuộc sống của chúng ta không ai mà không mắc những sai lầm. Có những sai lầm thì sau đó được sửa chữa và trở nên bình thường. Nhưng có những sai lầm sau khi khắc phục rồi nó vẫn còn để lại “một vết sẹo” mà khó có thể phai mờ được.

Có thể nói, “vết sẹo” mà chúng ta đã gây ra đối với đấng sinh thành là đáng trách nhất. Vết sẹo đó sẽ mãi mãi ở bên chúng ta khiến chúng ta luôn bị nhức nhối lương tâm mỗi khi nhớ đến nó. Như trong câu chuyện trên, chàng trai sau khi thức tỉnh đã vô cùng ân hận, nhưng người cha đã không còn nữa để anh ta làm một cái gì đó, dù chỉ là một lời xin lỗi…

Qua những ý tưởng trình bầy trên đây chúng ta thấy, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc phúc.

Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta : cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống nơi Thiên Chúa. Do đó trong ngày đầu năm kính nhớ ông bà tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như Ngài phán qua miệng tiên tri Isaia : “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang ? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi ! Này, Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49,15-16a).

Sau cùng, chúng ta đã được nghe Lời Chúa trong ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng cảm tạ tri ân Ngài.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.


IV. THÁNH MỒNG BA TẾT QUÝ TỴ

Bài 1. THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: “Năm mới làm ăn thịnh vượng. Con cháu siêng năng ngoan ngoãn…”. Điều đó cho thấy người Việt nam chúng ta rất quí trọng lao động. Trong kho tàng ca dao tục ngữ không thiếu gì những câu đề cao giá trị của lao động như : “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.

Đồng cảm với dân tộc, Giáo hội Việt nam đã dành riêng ngày Mồng Ba Tết để xin Chúa thánh hóa và chúc lành cho công việc làm ăn trong năm mới, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động , lao động trí óc cũng như chân tay.

Đồng thời, nhân dịp đầu năm, Giáo hội còn nhắc nhở cho con cái mình hiểu rằng lao động không còn là một hình phạt khổ sai, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình; và cũng góp phần làm cho con người được hạnh phúc.

I. MỌI NGƯỜI PHẢI LÀM VIỆC

1. Thiên Chúa đã và đang làm việc

Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh thánh đã cho thấy Thiên Chúa làm việc luôn. Nếu đọc chương I sách Sáng thế, chúng ta biết Thiên Chúa đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người : “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người… Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng” (x. St 2,7-9). Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để được thông phần vào sự sống của Ngài.

Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Chính vì thế, sau này Chúa Giêsu đã nói cho người Do thái :”Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).

2. Tổ tông đã làm việc ở vườn Địa đàng

Nếu đọc kỹ bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên. Xưa nay chúng ta tưởng rằng hai ông bà nguyên tổ trong vườn Đại đàng chỉ ở không và hưởng thụ, không phải làm gì cả. Nhưng sách Sáng thế nói Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn Đại đàng để “canh tác và giữ vườn”. Địa đàng là hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Và con người cũng cần phải “giữ vườn” nữa, nghĩa là hạnh phúc ấy con người phải gìn giữ thì nó mới tồn tại và con người mới tiếp tục được hưởng nó.

3. Sự làm việc trở nên vất vả

Khi còn ở trong ơn nghĩa với Chúa, tổ tông làm việc trong vườn Địa đàng một cách nhẹ nhàng thảnh thơi, không cảm thấy khó nhọc vất vả. Nhưng ông bà đã nghe lời khuyến dụ của ma quỉ dưới dạng con rắn, không vâng lời Thiên Chúa dám cả gan hái trái cấm mà ăn. Ông bà đã bị Thiên Chúa ra án ohạt. Từ đó công việc làm ăn trở nên khó nhọc vất vả, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn.

Sách Sáng thế còn ghi lời Chúa :

“Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : “Người đừng ăn”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về bụi đất” (St 3,17-19).

Truyện : Con trâu

Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau : Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo một bao hạt giống và một bao cỏ để gieo xuống rần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân cư có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mải mê xem mà quên lời dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa thì phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ.

Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho ngươi trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đẩy vị thần này xuống trần gian hóa thành con trâu để giúp người trần gian cầy bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường…

Câu chuyện này phải chăng muốn nói với chúng ta : “Có làm thì mới có ănkhông dưng ai dễ đem phần đến cho”. Vì ở trần gian, cỏ thì nhiều, lúa lại ít. Cây ăn được thì ít, cây không ăn được thì nhiều. Xem ra con người vất vả hơn con vật. Vì người phải làm việc vất vả mới có mà ăn, còn con vật thì không cần làm mà Trời vẫn cho ăn : “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” (Tục ngữ).

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn