1
09:31 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 324

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 311


Hôm nayHôm nay : 32382

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 422469

Tổng cộngTổng cộng : 27976753

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lễ Mẹ Thiên Chúa: Các bài suy niệm

Chủ nhật - 30/12/2012 18:49-Đã xem: 1877
Thiên Chúa muốn chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Kitô giống như Mẹ Maria. Sứ mệnh của người tín hữu là mang Chúa Kitô đến với mỗi người chúng ta giao tiếp hàng ngày. Giống như Mẹ Maria, chúng ta hãy trở nên những máng nhỏ ơn phúc. Việc trọng đại này chỉ có thể thành tựu khi ta kiên trì trong sự vâng phục những điều Chúa dạy, khi ta ráng sức trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa muốn ta hiến dâng cuộc đời cho Ngài để Ngài biến đổi tâm hồn ta. Xin hãy nhớ một điều: nếu có người nào giao tiếp với ta, hãy làm sao cho họ nhìn thấy sức sống của Thiên Chúa chiếu dọi trong đó.
Lễ Mẹ Thiên Chúa: Các bài suy niệm

Lễ Mẹ Thiên Chúa: Các bài suy niệm

I. Lịch sử lễ Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

Lm Thêôphilê

Thánh lễ hôm nay thuộc bậc lễ trọng được dâng lên đúng ngày đầu năm Dương lịch, nằm trong tuần Bát nhật của lễ Giáng sinh nói đến việc Hài nhi được cắt bì và được đặt tên là Giêsu, cũng còn là ngày cầu cho hòa bình thế giới.

Trước cuộc canh tân Phụng vụ, thánh lễ mừng kính Mẹ Chúa Trời đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI ghi vào lịch Phụng vụ năm 1931 để tưởng niệm Công đồng Êphêxô được đúng 1500 năm, và được mừng kính vào ngày 11 tháng 10. Công đồng Êphêxô là Công đồng chung thứ ba theo lịch sử Giáo Hội Công Giáo được nhóm họp năm 431 tại Êphêxô, chống lại thuyết Nestorius và khẳng định chức Thiên Mẫu của Đức Maria.

Theo lịch Phụng vụ hiện đại, thánh lễ này được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt lại vào tuần Bát nhật lễ Giáng sinh theo truyền thống phụng vụ xưa củ ở Rôma.

Trong Giáo hội Đông phương theo truyền thống Byzantin, Thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria được cử hành ngay ngày hôm sau lễ Giáng sinh, và Giáo hội Copte mừng kính vào ngày 18 tháng 1.

[về Mục Lục]

II. Phần suy niệm

Bài 1. THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

Nguyễn Đức Tuyên

Trong ngày đầu năm, chúng ta chúc mừng nhau, chúng ta chúc tuổi và vinh danh ông bà, cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Giáo hội chọn ngày dầu năm để tôn vinh Đức Maria trong tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu được Công đồng Ephêsô tuyên xưng từ năm 431. Việc tuyên xưng ấy bao hàm sự ngợi khen cao cả con Ngài là Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa.

Đây chính là một sự huyền diệu, khi chúng ta cử hành trong ngày đầu năm, việc Thiên Chúa ban cho một thụ tạo trong muôn vàn con cái Ngài, ơn vô lượng. Làm sao ta hiểu được Đức Maria tràn đầy ơn phúc, mãi mãi được nhớ tới như là Đấng cưu mang Con Chúa, nguồn mạch ơn phúc, và hòm bia giao ước. Thật là ơn sủng lớn lao khi ta tôn thờ Chúa Giêsu, ta cũng vinh danh Mẹ Maria về sự Xin Vâng của Mẹ mà hoa trái đem đến cho nhân loại nhờ hai tiếng Xin Vâng huyền nhiệm ấy, “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc 1: 48-49).

Trong hai ngàn năm qua, kể từ ngày cưu mang Chúa Kitô, Đức Maria đã biểu lộ tấm lòng nhân ái như một báu vật Mẹ mang trong lòng cho đến muôn đời. Mẹ chia sẻ những báu vật đó cho chúng ta qua những lần xuất hiện phi thường. Và trong những lần xuất hiện, sứ điệp của Mẹ vẫn tinh tuyền và sáng tỏ :”Tránh xa tội lỗi và trao trọn trái tim cho Chúa”. Mẹ chia sẻ với chúng ta sứ điệp của con Mẹ:” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).

Nghi lễ phụng vụ hôm nay nhắc tới “kho tàng ơn cứu độ muôn đời”, “sự chúc lành và gìn giữ anh em”, “khi tới hồi viên mãn”, “vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con”. Tất cả bắt nguồn từ hai tiếng Xin Vâng của Mẹ Maria. “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Thiên Chúa muốn chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Kitô giống như Mẹ Maria. Sứ mệnh của người tín hữu là mang Chúa Kitô đến với mỗi người chúng ta giao tiếp hàng ngày. Giống như Mẹ Maria, chúng ta hãy trở nên những máng nhỏ ơn phúc. Việc trọng đại này chỉ có thể thành tựu khi ta kiên trì trong sự vâng phục những điều Chúa dạy, khi ta ráng sức trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa muốn ta hiến dâng cuộc đời cho Ngài để Ngài biến đổi tâm hồn ta. Xin hãy nhớ một điều: nếu có người nào giao tiếp với ta, hãy làm sao cho họ nhìn thấy sức sống của Thiên Chúa chiếu dọi trong đó.

Xin hãy để Chúa Thánh Thần tác động sâu xa trong cuộc đời ta. Giống như Mẹ Maria, ta sẽ trở nên máng tốt lành của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến với con tận đáy lòng sâu thẳm và tràn đầy sức sống. Hãy đổ trên con tình Chúa Giêsu, như Ngài đã đổ trên Mẹ Maria. Xin hãy giúp con sống và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

 

Bài 2. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Nguyễn Chính Kết

1. Đức Ma-ri-a không hề mơ ước được làm Mẹ Đấng Cứu Thế như bao nhiêu phụ nữ khác

Thời của Maria, người ta tin tưởng và mong chờ Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra là người Do Thái và sẽ trở nên một vị vua oai hùng, Ngài sẽ giải phóng cho dân Do Thái và sẽ trị vì cả thế giới. Vì thế, qua bao thế hệ, có biết bao phụ nữ mơ ước mình được diễm phúc làm mẹ Đấng Cứu Thế. Ôi, còn diễm phúc nào sánh bằng! Rất nhiều phụ nữ lấy chồng với niềm hy vọng được làm mẹ của một vị vua cao sang, để được hơn người, được hưởng vinh hoa phú quí cả đời.

Còn Maria là một thôn nữ bình dị, cô không mơ ước gì cao xa, không mộng tưởng trở nên bà này bà kia. Điều quan trọng đối với cô chính là làm sao sống đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, cô muốn hiến trọn cuộc đời để phụng sự Ngài, trở nên nữ tỳ của Ngài.

2. Chính vì những đức tính cao quí ấy, Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giêsu

Điều kiện quan trọng và cốt yếu nhất để làm Mẹ của Đấng Cứu Thế chính là sự sẵn sàng tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nói lên ý đó: «Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi» (Mc 3,35). Để tuân phục thánh ý Chúa, điều ấy đòi hỏi người ta phải bỏ ý riêng mình, bỏ cái tôi của mình, đó chính là đức khiêm nhượng.

Lucifer và hai ông bà nguyên tổ loài người đã muốn coi cái tôi của mình quan trọng hơn Thiên Chúa, coi ý riêng mình quan trọng hơn thánh ý Thiên Chúa, nên đã sa ngã, trở thành tội lỗi, phải đau khổ và phải chết. Vì thế, phương thuốc hữu hiệu để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và đau khổ chính là phản ứng ngược lại cách trên, nghĩa là khiêm nhượng, coi nhẹ cái tôi và ý riêng để hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Đức Giê-su đã thực hiện phương thuốc ấy, và Ngài đòi hỏi người Mẹ sinh ra mình – là người cộng tác thân thiết nhất trong công việc cứu chuộc của mình – cũng phải thực hiện phương thuốc ấy một cách hoàn hảo.

3. Thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế đòi hỏi một mức độ Tình yêu thâm sâu và lòng khiêm nhượng thẳm sâu để chịu biết bao nhiêu nỗi đau khổ và nhục nhã

Để cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã phải dùng con đường đau khổ hay tự hủy (kenosis). Và Đức Giê-su đã tự hủy bằng cách «hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,8). Chấp nhận đau khổ chính là một hình thức tự hủy, và cũng là một hình thức biểu lộ tình yêu cụ thể nhất. Tình yêu được biểu hiện qua việc chấp nhận đau khổ hoặc chết cho người mình yêu là một tình yêu chân thật: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13).

Để làm Mẹ Đức Giê-su hầu chia sẻ và cộng tác với công cuộc cứu chuộc của ngài, Đức Maria cũng phải đồng lao cộng khổ với Đức Giê-su. Điều đó đòi hỏi Mẹ phải là có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại, phải có tinh thần tự hủy cao độ để có thể tự nguyện chịu đựng rất nhiều đau khổ. Vì thế, Thiên Chúa không thể chọn Mẹ của mình trong số những người có mơ ước được làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Niềm mơ ước đó xét cho cùng chỉ là một cái gì đi ngược lại tinh thần tự hủy, khiêm hạ, là điều tối cần thiết để đem lại ơn cứu chuộc. Khi không màng đến chức tước làm Mẹ Đấng Cứu Thế mà chỉ muốn làm tôi tá Thiên Chúa, chỉ muốn thi hành ý muốn của Ngài, thì Maria trở nên có nhiều điều kiện và khả năng nhất để trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế.

Như chúng ta đã biết, cuộc đời Đức Maria đầy đẫy đau khổ. Nếu không có tinh thần tự hủy, nếu cứ thích mọi sự xảy ra theo ý muốn của mình, nếu cứ coi ý riêng của mình là quan trọng chứ không phải là thánh ý Thiên Chúa, thì làm sao Mẹ có thể chịu đựng được những đau khổ như thế?

4. Kết luận: Tài đức và địa vị phải tương xứng với nhau

Qua việc Thiên Chúa chọn lựa cho Đấng Cứu Thế một người Mẹ xứng đáng như trên, ta thấy địa vị và tài đức phải tương xứng với nhau. Vì thế, một học giả nói: «Đừng sợ mình không có địa vị, hãy sợ rằng mình không có đủ tài đức xứng với địa vị mà mình sẽ lãnh nhận». Người không có đủ tài đức xứng với địa vị mình, thường sẽ làm hại hoặc làm trì trệ cho tập thể. Vậy điều quan trọng trong cuộc đời là cố gắng trau dồi nhân đức, tài năng để trở nên một con người có giá trị, đừng màng tới địa vị. Địa vị sẽ tự động đến với mình sau cho dù mình không màng tới. «Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho» (Mt 6,33).

 

Bài 3. Maria, Mẹ Thiên Chúa

Nguyễn Đăng Trúc

Ngày đầu năm, hình ảnh của tạo dựng, của bước khởi thủy thời gian mới và đời sống mới.

Giáo Hội chọn ngày lễ “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời” hôm nay để chúng ta cùng nhau cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn Đức Maria làm Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta, nâng mỗi người chúng ta thành con Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa là Cha.

Với tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã sinh Chúa Kitô cho nhân loại và Mẹ luôn sinh Chúa Kitô, nuôi dưỡng Chúa Kitô mỗi gây phút lớn lên trong cuộc sống của Giáo Hội và trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Maria ngỡ ngàng khi Thiên Sứ Gabriel báo tin Thiên Chúa chọn Ngài làm Mẹ Đức Kitô: Maria không chờ mong, không tưởng tượng nổi, không dựa vào lý lẽ nào để giải thích được sự việc lạ lùng nầy. Maria can đảm dám tin để tiếp nhận ơn của Thiên Chúa; uy dũng và khiêm tốn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để cưu mang Con Thiên Chúa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúa Kitô cũng muốn Giáo Hội, muốn mỗi người chúng ta dám tin, dám uy dũng và khiêm tốn đón Mẹ Ngài vào cuộc sống mình, khi Ngài dạy môn đệ Ngài (là Giáo Hội và mỗi một người chúng ta) : “Nầy là mẹ con!” (Gioan 19, 27).

Đây không phải suy tư thần học theo một khuynh hướng Đông Tây nào đó hay một sáng kiến đạo đức bất chừng nào; nhưng tự nơi lời dạy của Đức Kitô, chúng ta được mặc khải rằng: đức tin của chúng ta vào sự cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô không thể tách rời việc tiếp nhận Mẹ Ngài vào nhà mình (Và từ đó, môn đệ đã đón Mẹ về nhà mình) Gioan 19, 27.

 

Bài 4. Tình Mẫu Tử

Trầm Thiên Thu

Tình Mẫu Tử luôn kỳ diệu, không ai có thể hiểu hết. Thiên Chúa đã trao cho phụ nữ một thiên chức cao cả: Làm Mẹ. Đứa con dù tật nguyền, xấu xí, tội lỗi, thậm chí là xử tệ với mình, nhưng người mẹ vẫn hết lòng vì con đến nỗi có thể xả thân mình để con được an toàn. Tất nhiên người cha cũng thế, nhưng người cha thâm trầm nên thường ít được nhắc tới. Ca dao ví von:

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

Công ơn cha mẹ khôn ví, thế nên người con cũng phải có bổn phận với song thân và hết lòng vì các ngài, vậy mới xứng đáng mang danh con người. Trong kinh Tâm Địa Quán của Phật giáo cũng có nói về công ơn cha mẹ và bổn phận con cái đối với song thân phụ mẫu:

Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng trọn một đời
Cũng không trả hết ân người sinh ta

Bổn phận làm con phải biết hiếu kính với cha mẹ đã được thấm nhuần từ xa xưa của tổ tiên ông bà để lại cho ngày nay. Thiên Chúa cũng đề cao thiên chức làm cha và làm mẹ. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương hiếu thảo trong suốt cuộc đời Ngài khi làm người trên dương thế.

Nói theo quan niệm con người, nếu xét về Âm Dương tức là Trời Đất, thì người Cha là Dương và người Mẹ là Âm, giống như ngày và đêm hài hòa Âm Dương, hoặc nói cách khác, nếu không có Thiên Địa (Trời Đất) thì không thể có con người. Thật vậy, nếu không nhờ “cha sinh, mẹ dưỡng” thì chúng ta không thể hiện hữu trên cõi đời này. Còn nói về tâm linh, chính Thiên Chúa mới là Tạo Hóa, là Đấng tác tạo chúng ta: “Đức Chúa, Đấng tạo thành ngươi, Đấng cứu chuộc ngươi, Đấng nắn ra ngươi từ khi ngươi còn trong lòng mẹ” (Is 44:2 & 24).

Ngày xưa, Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:23-27).

Đó là lời chúc bình an dành cho những người con hiếu thảo của Thiên Chúa. Người cha và người mẹ là con cái của Thiên Chúa, những người con vừa là con cái của Thiên Chúa vừa là con cái của cha mẹ phần đời. Bất cứ người con nào ngoan ngoãn và hiếu thảo đều được Thiên Chúa chúc lành.

Con người quá yếu đuối và dễ kiêu ngạo, làm gì cũng phải nhờ ơn Chúa, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì, sảy một giây thôi thì chúng ta lại sa ngã ngay, vì thế mà luôn phải cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3).

Tác giả Thánh vịnh mơ ước, và cũng phải là mơ ước của chúng ta: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (Tv 67:5-6). Đó cũng là một cách truyền giáo, là thể hiện lòng tín thác vào Thiên Chúa và sống đức tin Kitô giáo. Niềm vui khôn tả khi được tôn thờ và xưng tụng Thiên Chúa, nhưng niềm vui đó không chỉ dành riêng cho mình mà còn phải lan tỏa sang mọi người: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:7-8).

Thời gian đang tới hồi viên mãn, nghĩa là chúng ta đang sống trong thời cánh chung. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc xác phàm, làm con một phụ nữ, ở giữa chúng ta, và cũng theo luật pháp của một đất nước như chúng ta. Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta biết bao, vì Chúa Giêsu làm như vậy là coi chúng ta vừa là con cái vừa là huynh đệ.

Thật vậy, Ngài đã chứng thực chúng ta là con cái, như Thánh Phaolô giải thích: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, thế mà được quyền gọi Thiên Chúa là Cha. Còn vinh dự nào hơn? Còn hạnh phúc nào bằng? Vì thế, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:7). Quả thật, không còn ngôn từ nào để diễn tả hết ý nghĩa và cũng chẳng có cách nào để có thể tạ ơn Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

Được có cha mẹ, làm con cái của người phàm mà cả đời chúng ta còn chưa đủ để đáp đền công ơn đó, huống chi đối với Thiên Chúa, Đấng không chỉ đã ban cho chúng ta cả hồn lẫn xác, mà còn nhận chúng ta là con cái và chấp nhận kiếp người để cứu độ chúng ta.

Thánh sử Luca kể vắn tắt: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đơn giản chỉ có vậy, nhưng khi họ thấy thế, họ đã tin Hài Nhi nằm trên máng cỏ kia thực sự là Con Thiên Chúa, và rồi họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Họ đã truyền giáo, đã sống tinh thần Phúc âm.

Mục đồng là những người chăn chiên thuê, ít học, chân chất, có sao nói vậy, không biết “buôn chuyện”, không biết “đặt điều” hoặc khoác lác. Thế nên khi nghe họ thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Lạ là những người này cũng tin, chắc chắn lời kể của các mục đồng kia phải toát lên sự chân thật.

Còn Đức Maria chẳng biết nói gì hơn, chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Trái tim người mẹ luôn nhạy bén, linh tính người mẹ cũng rất chính xác, Đức Mẹ biết rõ Con Trẻ Giêsu ngày mai sẽ thế nào.

Các người chăn chiên ra về, họ quá đỗi vui mừng, đến nỗi họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20). Các mục đồng thật là được đại phúc, vì được tận mắt nhìn thấy Con Thiên Chúa, được “nựng” Chúa Hài Đồng, nhưng họ còn có phúc hơn vì họ đã thật lòng tin Em Bé Giêsu đang ngọ nguậy kia là Vương Nhi giáng sinh từ Trời, là Thiên Tử đích thực.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì theo quốc luật Israel, Cô Maria và Chú Giuse đã đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, đúng tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Thiên chức làm mẹ cao cả nhưng cũng đầy gian khổ, người mẹ nào cũng đã từng mắt lệ nhạt nhòa vì con mình, dù đứa con đó là trai hay gái. Trong mắt mẹ, đứa con nào cũng vẫn còn bé bỏng, đúng như thi sĩ Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan, 1920-1989) đã cảm nhận về Tình Mẹ qua bài thơ “Con Cò”, với hai câu đầy ý nghĩa:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Tình Mẫu Tử thật kỳ diệu, chúng ta có đi hết cuộc đời cũng không thể đi hết những lời mẹ ru… Có mẹ và còn mẹ, thật là hạnh phúc; mất mẹ, thật là bất hạnh!

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin giúp chúng con biết thảo hiếu với cha mẹ đúng như Thánh Luật Ngài. Xin nâng đỡ các bậc sinh thành trong thiên chức cao cả mà Chúa đã trao. Chúng con cầu xin nhân Danh Chúa Hài Đồng, Đấng Thiên Sai cứu độ chúng con. Amen.


 

Bài 5. SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
P. Trần Đình Phan Tiến

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa! Vâng! Thật thế! Bởi vì: “Người phụ nữ  mình khoác áo  mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao…” (Kh 12,1-6).

Có thể nói, đoạn sách Khải Huyền trên không xa lạ gì với người công giáo, khi nói về Đức Trinh Nữ Maria. Khi đọc đoạn sách Thánh trên, không cần giải thích, chúng ta cũng biết ngay người phụ nữ ấy là ai?

Vâng! Thật vậy, vô tiền khoáng hậu, Đức Trinh Nữ Maria là một thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Tại sao? Thưa, vì Mẹ chính là thụ tạo của Đấng toàn năng, đồng thời là Mẹ của Chúa Trời. Vâng, không có loài thụ tạo nào cũng như không có một người phụ nữ nào được đặc ân ,diễm phúc như thế. Bởi vì, Mẹ Maria gương là “mẫu gương của niềm tin”, mẫu gương ấy sống động trong sự khiêm nhường sâu thẳm tuyệt đối. Vì vậy các Thánh đã gọi Mẹ là: “The model believer”. Mary is the model believer.

Nơi Mẹ hội tụ nhiều nhân đức, mỗi tước hiệu của Mẹ là một nhân đức, không phải Đức Maria được tôn vinh chỉ vì trọn đời đồng trinh, nhưng mỗi một nhân đức của Mẹ, mỗi một Thánh hiệu của Mẹ là sự liên kết tạo nên con người của Mẹ, để rồi một Thánh Hiệu Mẹ Thiên Chúa hôm nay là kết tinh của mọi Thánh Hiệu nơi Mẹ.

Thời gian cũng như trí khôn hèn kém sơ sài không thể nào suy niệm hết những nhân đức của Mẹ, chỉ xin trưng dẫn một câu: “Đức Bà gồm no mọi nhân đức”, là có thể đủ về Mẹ.

Ngày mở đầu của một năm, một niên lịch mới, ngày đầu năm mới Giáo Hội đã tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, một trong bốn tín điều trong đại của Mẹ Maria.

- Mẹ trọn đời đồng trinh
- Mẹ vô nhiễm nguyên tội
- Mẹ Hồn Xác về Trời
- Mẹ Thiên Chúa.

Vâng , không cần nói ai cũng biết, Tín điều trọng đại nhất về Mẹ Maria, đó là “Mẹ Thiên Chúa”. Ngày khởi đầu của năm mới, bao biến cố buồn vui và hy vọng của một năm 360 ngày được dâng lên Mẹ Thiên Chúa, và cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, nghĩa là cầu cho ơn bình an, bình an trong tâm hồn là bình an cho xã hội, cho đất nước quê hương và cho toàn thế giới.

Vâng! Đức Trinh nữ rất Thánh Maria, trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca là một người phụ nữ bình dị, khiêm nhu, không thể hiểu được hết các mầu nhiệm từ trời, nhưng nơi Mẹ là một sự đón nhận, đón nhận và tin theo. Có nghĩa là, Mẹ được Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con của

Mẹ về phần nhân tính, khen ngợi và chúc phúc không phải chỉ vì: “Phúc cho dạ nào đã cưu mang Thầy, và cho Thầy bú mớm”, mà là: “Những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 8,19-21 và 11, 27-29). Thật thế! Không còn Lời nào chân thật hơn Lời của Con Thiên Chúa làm Người. Chúa Giêsu đã khéo léo khen ngợi Mẹ Người, và đồng thời dùng quyền Thiên Tính của mình  mà tuyên tín về Đức Maria.

Vậy sự thật không thể phủ nhận nơi tín điều “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria. Nên chi, nhân loại cần học theo gương của Mẹ là tín thác vào Thiên Chúa không chút do dự.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là Đấng đã tin và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, nên Mẹ được gọi gương mẫu của niềm tin. Chính vì vậy, Mẹ được kêu mời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và nhờ vào Thánh Danh Giêsu, Con Mẹ đồng thời là Thiên Chúa thật, vì vậy Mẹ được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Amen./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn