1
20:41 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 169

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 166


Hôm nayHôm nay : 40322

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 383351

Tổng cộngTổng cộng : 27937635

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Bài giảng lễ tạ ơn tất niên Nhâm Thìn của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Thứ tư - 06/02/2013 06:58-Đã xem: 1773
Bài giảng lễ tạ ơn tất niên Nhâm Thìn của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong thánh lễ dành cho quý Cha và Hội đồng mục vụ các giáo xứ vào sáng ngày 31/01/2013 tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài.
Bài giảng lễ tạ ơn tất niên Nhâm Thìn của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Bài giảng lễ tạ ơn tất niên Nhâm Thìn của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Kính thưa cộng đoàn, 

Chúng ta đang ở vào những thời khắc đặc biệt trong năm, khi mà năm cũ  Nhâm Thìn sắp chấm dứt và năm mới Quý Tỵ đang ló dạng. Trong giai đoạn năm cùng tháng tận này, theo truyền thống của dân tộc, tại khắp nơi đang diễn ra những cuộc họp tổng kết, những buổi liên hoan, những bữa tiệc tất niên để cảm ơn nhau về sự đồng hành, cộng tác, phấn đấu, hy sinh, chia vui sẻ muộn trong năm cũ. Đồng thời để cầu chúc nhau một Năm Mới an vui, may mắn, thành công và hạnh phúc hơn. Khắp nơi những những ca khúc mừng xuân mới và các ly rượu mừng đang được nâng lên để cầu chúc một Năm Mới an hòa, một ngày mai tươi sáng hơn.

Có những lúc làm ăn khó khăn, sức khỏe không khả quan hay gia đình gặp hoạn, nhưng bất chấp những khó khăn và bất trắc trong cuộc sống, khi năm hết tết đến, mọi người vẫn cố nở một nụ cười. Hai tiếng cảm ơn và những lời cầu chúc tốt đẹp luôn đọng trên môi mọi người trong dịp xuân sang.

Cám ơn khởi đi từ món quà nhận đến người trao tặng. Trong suốt năm qua và suốt cuộc đời, mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng, nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn. Ngay chính bản thân ta là một quà tặng do nhiều người cho: cha mẹ, ông bà tổ tiên, thầy cô, các đấng bề trên và bao người khác… Chỉ cần để  lòng biết ơn này trải rộng và đi lên mãi, tới cội nguồn của nó, ta sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa. Vì vậy, tất niên là thời khắc tri ân cảm tạ, uống nước nhớ nguồn.

Hòa chung với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đó, năm nay chúng ta cùng nhau dâng lễ tất niên để tống cựu nghinh tân, nhất là để cảm tạ Chúa và tri ân nhau. Thành thật mà nói, đối với nhiều người trong chúng ta, năm Nhâm Thìn là một năm đầy bất trắc và hoạn nạn về kinh tế, xã hội. Có người đã coi đây là một năm xấu, bị “sao quả tạ chiếu” và rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản hay đang đứng bên bờ vực thẳm.

Bất chấp tất cả, chúng ta vẫn hiện diện đông đảo ở đây để cùng nhau dâng lời cảm tạ Chúa và cám ơn nhau. Dù sao đi chăng nữa, năm cũ cũng sắp qua. Hy vọng mọi những rủi ro sẽ trở thành chuyện cũ và đi vào quá khứ với Nhâm Thìn. Ước mong rằng chúng ta sẽ đón chào một Năm Mới Quý Tỵ trong an vui, thanh thản, yên ổn hơn hay ít nhất không tệ như năm cũ. 

Lễ tạ ơn tất niên không chỉ là một nét đẹp văn hóa theo truyền thống của dân tộc, mà trước hết còn là một nghi thức phụng vụ mang nặng chiều kích tâm linh. Theo ý nghĩa thần học, mỗi Thánh Lễ là một nghi thức tạ ơn chính thức của Giáo hội dâng lên Thiên Chúa. Thánh lễ tạ ơn tất niên này muốn cất lên Lời Kinh cảm tạ đó vào đúng thời khắc linh thiêng theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hai bài đọc và bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta khai triển và đào sâu ý nghĩa tạ ơn này.

Ngôn sứ Isaia mời gọi ta “tưởng niệm long từ bi, nhân hậu của Chúa và dâng lời ca tụng Ngài về tất cả những điều Ngài đã thực hiện cho chúng ta”.

Trong thư gửi giáo đoàn Coloxê, thánh Phaolô yêu cầu chúng ta “hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhẫn nại, nhân hậu khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức ái, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong tâm hồn anh em, vì trong một than thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết lòng tri ân cảm tạ” (Cl. 3, 12-15)

Suốt ba năm truyền đạo, Đức Giêsu đã làm bao phép lạ để củng cố niềm tin, để tỏ lòng cảm thương, để xoa dịu mọi nỗi đau thương, thống khổ, bất hạnh của kiếp người. Ngài thi ân giáng phúc một cách nhưng không, hầu như vô điều kiện. Ngài đã chữa lành nhanh chóng và tức thời 10 người phong cùi. Tuy nhiên, một đôi khi Ngài đòi hỏi những người đã lãnh nhận ơn lành phải biết tri ân cảm tạ. Câu hỏi của Đức Kitô trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. “Chín người kia ở đâu, tại sao chỉ có một người trở lại cảm tạ Thiên Chúa”? Câu hỏi của Chúa nói lên một cách sâu xa nghĩa vụ phải tri ân cảm tạ Thiên Chúa trước mọi ân lành đã lãnh nhận. Chúa biết rõ chín người đó đang đi trình diện với các tư tế, để thi hành những gì luật dạy. Nhưng Chúa đặt thái độ tri ân cảm tạ Ngài trên tất cả lề luật và nghi thức.

Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện. Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban. Mà chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được. Vì vậy, nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân cảm tạ: đó là một ơn lớn. Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui. Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại. Biết ơn, là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Khi thành công cũng như khi thất bại, khi vui cũng như khi buồn, khi thuận buồm xuôi gió cũng như khi hoạn nạn, trắc trở trên đường đời. Rất nhiều lần, chính những hoạn nạn, thất bại, khổ đau … đã giúp chúng ta nhận ra những giới hạn tất nhiên của kiếp người, ý thức sâu xa rằng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, nhất là giúp chúng ta biết khiêm hạ, được lớn lên trong niềm tin, được làm người và nhất là người Kitô hữu hơn.

Trong suốt năm qua, quý cha quản xứ và anh chị em trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ là những người “đứng mũi chịu sào” thay cho giáo phận. Chính anh chị em đã hao tâm tổn trí, vất vả ngược xuôi vì công việc Nhà Chúa. Giáo phận chân thành cảm ơn về tinh thần hiến thân phục vụ đó. Suốt năm, mỗi người một công việc, một phương trời, một mối bận tâm, âu lo. Chúng ta luôn bị cuốn hút và quay cuồng trong những công việc có tên, lẫn không tên. Rất ít khi chúng ta có dịp thanh thản ngồi với nhau để hàn huyên, tâm sự, chia vui sẻ muộn. Ước mong Lễ Tạ ơn Tất niên này sẽ là cơ hội gia đình giáo phận chúng ta gặp gỡ nhau, chia sẻ với nhau, động viên nhau và nâng ly chúc mừng nhau.

Như người phong cùi Samaria đã “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa”. Xin cho cuộc đời của mỗi chúng ta trở nên lời cảm tạ chân thành, sinh động và mạnh mẽ để trở thành chứng nhân niềm hy vọng, liên đới, phó thác, an vui… bất chấp mọi khó khăn, hoạn nạn, khổ đau.  Ước mong rằng những chuyện tiêu cực, buồn phiền sẽ đi vào dĩ vãng cùng với Năm Cũ. Và Thánh lễ tạ ơn tất niên này sẽ thắp lên ngọn lửa tin yêu, đầy hy vọng, để nối dài vòng tay yêu thương của mỗi người chúng ta trong giáo phận, trong xã hội và dang rộng đến tận những nơi và những ai đang cần, đang mong, đang chờ đợi chúng ta như MỘT QUÀ TẶNG HIẾN DÂNG !   

 

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn