1
06:38 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 274

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 272


Hôm nayHôm nay : 20951

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 411038

Tổng cộngTổng cộng : 27965322

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIẾNG VIỆT

Hãy thay đổi bản thân

Thứ ba - 25/04/2017 08:36-Đã xem: 1445
Trong thế giới rộng lớn này, làm sao chú rùa biển có thể biết được sắp có tai nạn trên biển? Và cũng làm thế nào nó biết được người con trai thứ hai của ân nhân mình ngày hôm nay sẽ gặp nạn? Họ đều chưa bao giờ gặp nhau, vậy làm thế nào con rùa có thể tìm thấy anh ấy trên biển cả, và lại còn có thể chở anh ta trên lưng? Chúng ta chỉ có thể nói rằng quan hệ nhân quả thật không sai chệch chút nào. Chú rùa biết đền ơn đáp nghĩa, không ngại sóng to gió lớn mà đưa con trai của ân nhân an toàn trở về nhà, đây quả thực giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Hãy thay đổi bản thân

Hãy thay đổi bản thân

 
HÃY THAY ĐỔI BẢN THÂN
 
Chuyện kể rằng: ngày xưa có một vị vua cai trị một vương quốc rộng lớn. Ngày nọ, ông muốn đi thăm dân chúng để trực tiếp chứng kiến đời sống của họ. Sau một ngày trời đi thăm làng quê, đôi chân của ông sưng tấy và đau đớn. Nhà vua ra lệnh: từ nay về sau, nếu ông ra khỏi cung điện thì phải lót vải nhung trên những con đường ông sẽ đi. Quần thần sợ hãi không dám phản ứng, dẫu biết đó là việc vô cùng khó khăn. Trong lúc đó, một vị quan can đảm thưa với vua: “Tâu bệ hạ, lấy vải lót đường là một việc làm tốn kém và khó khăn. Chi bằng bệ hạ hãy lấy mảnh vải nhung quấn quanh bàn chân của mình, và như vậy, chân bệ hạ sẽ không còn đau mỗi khi ra ngoài”. Nghe có lý, vua đã cho người làm theo gợi ý của vị quan này. Quả vậy, đôi chân của vua không còn đau đớn vì được bọc lớp vải nhung êm ái. Nhờ vậy nhà vua có thể đi bất cứ nơi đâu. Đó là lịch sử ra đời của đôi giày đầu tiên.
Bài học rút ra từ câu chuyện trên đây là: đừng chỉ đòi hỏi người khác thay đổi mà trước hết hãy thay đổi chính mình. Nếu ta thay đổi bản thân, thì thế giới xung quanh sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ nhân ái hiền hoà và an vui hơn.
Giữa một xã hội đầy nhiễu nhương, người ta có xu hướng phê phán than phiền và tiêu cực. Tuy vậy, nếu chỉ than phiền, thì chẳng giải quyết được việc gì, nhiều khi càng làm cho tình hình thêm tệ hơn. Như vị vua lấy vải nhung bọc đôi chân của mình để ông có thể đi đến mọi nơi, mỗi chúng ta cần phải thay đổi bản thân, từ bỏ lối sống ích kỷ để hoà hợp với mọi người và môi trường xung quanh. Làm như vậy, chúng ta sẽ đóng góp phần mình làm cho xã hội trở nên tốt hơn. Giáo lý Phật giáo dạy: Tâm bình, thế giới bình. Thay đổi bản thân là một điều kiện cần thiết. Một khi tâm hồn chúng ta bình an thanh thản, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này trở nên hài hoà tốt đẹp hơn.
Một cách cụ thế, làm gì để thay đổi bản thân?
“Hãy sám hối”, đó là lời giảng dạy đầu tiên của Chúa Giêsu, khi Người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sám hối là điều kiện căn bản để đón nhận giáo huấn Nước Trời. Tâm lý tự nhiên không ai muốn nhận phần lỗi về mình. Hãy lấy ví dụ một em bé lỡ tay đánh vỡ chiếc bát, lập tức em từ chối không nhận trách nhiệm và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Sám hối là can đảm nhận ra những sai sót của bản thân, đồng thời tìm cách sửa chữa khuyết điểm để nên hoàn thiện. Sám hối theo nghĩa của Tin Mừng không dừng lại ở hiện tượng cắn rứt lương tâm hoặc xấu hổ vì những hành vi xấu, nhưng còn dẫn đến việc giao hoà với Chúa và với anh chị em mình. Người tín hữu Công giáo tin vào hiệu quả của bí tích Giao hoà (còn gọi là bí tích Giải tội). Bởi qua bí tích này, Thiên Chúa nhân hậu tha thứ mọi tội lỗi cho những ai thành tâm sám hối. Cùng với ơn tha tội, Chúa còn ban cho chúng ta sức mạnh để tránh những cơ hội có thể dẫn chúng ta tới phạm tội. Sám hối của người tín hữu không chỉ hướng tới việc xin Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, nhưng còn hướng tới việc kết nối tình liên đới cảm thông với anh chị em, để sống một cuộc sống mới thân thiện và nhân ái hơn. Vì thế, thành tâm sám hối sẽ góp phần làm cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn, cùng với anh chị em tạo tác một môi trường lành mạnh an vui.
Chú tâm làm việc thiện. Thánh Phaolô đã mời gọi các tín hữu: “Đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5,14). Làm việc thiện, tức là làm những việc tốt cho công ích và những người xung quanh. Trên đài truyền hình, có chương trình phản ánh những việc làm tử tế. Đó là những người dân biết ý thức bảo vệ công ích. Đó cũng là những việc đơn giản giúp đỡ cho những người cơ nhỡ bần hàn. Nhiều người nghĩ rằng phải dư dả của cải hoặc phải ở chức nọ bậc kia thì mới làm được việc thiện. Thực ra, trong mọi hoàn cảnh, mỗi người đều có thể làm việc thiện. Một tác giả đã viết: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác và cũng không ai giàu đến độ không thể nhận thêm được cái gì của người khác!”. Làm việc thiện cũng không phải để biểu diễn hay để quay phim chụp ảnh. Việc thiện đích thực xuất phát từ tấm lòng và ước muốn sẻ chia. Trên trang Twitter hôm thứ Ba, ngày 1-8-2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Những việc thiện chỉ có hiệu quả khi chúng ta thực hiện một cách vô vị lợi, không nhằm mục đích tìm phần thưởng”.
Sống vì người khác. Con người sống trên đời không phải là những ốc đảo, nhưng liên đới với nhau và bổ túc cho nhau. Sự khác biệt về sở thích, nghề nghiệp, cá tính, làm cho xã hội này phong phú và bớt đơn điệu. Những người chỉ sống vì mình mà lãng quên người khác, giống như những ao tù, thiếu sức sống và năng động. Sống vì người khác là quan tâm đến những người xung quanh, tìm hiểu sở thích của họ, sẵn sàng nhường nhịn để họ vui lòng. Sống vì người khác cũng là sự thận trọng, tế nhị để những việc làm và lời nói của mình không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có người ví cuộc đời như cánh rừng, các loài cây nhờ sống gần nhau và vươn thẳng và vững chãi. “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”, sống theo phương châm này sẽ làm cho cuộc sống thi vị và nhân ái hơn. Sống vì người khác còn là quan tâm đến môi trường thiên nhiên, ý thức giữ vệ sinh và góp phần xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp. Nhiều người còn thiếu ý thức về lãnh vực này, xả rác bừa bãi, vô tư gây ồn ào nơi công cộng, lãng phí của công.
Có cái nhìn nhân ái rộng lượng hơn. Con người sống trên đời chẳng có ai hoàn thiện. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Ai cũng có tài năng và khuyết điểm Trong mối tương quan gia đình, huynh đệ, đồng nghiệp và lối xóm, cần có sự cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Hãy nhận định về một sự việc hoặc một con người với cái nhìn bao dung, bởi lẽ chính chúng ta cũng đã có những lầm lỗi. Trên mạng xã hội Facebook, trước một sự kiện xảy ra, nhiều người chỉ hiểu biết một khía cạnh của vấn đề, nhưng đã viết những dòng bình luận với nội dung mạt sát, thiếu bao dung và hàm chứa ác ý. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.Bao dung với người khác là điều kiện để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trước mặt Ngài, chúng ta đều là tội nhân. Phụng vụ thánh lễ luôn khởi đầu bằng nghi thức sám hối, để giúp ta thú nhận những lỗi lầm của mình trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em, đồng thời xin Chúa ban ơn tha thứ.
Như dòng sông lặng lẽ trôi về đại dương, cuộc đời của chúng ta cũng đang tuôn chảy về nguồn là Thiên Chúa. Dòng sông đang tự làm mới mình bởi dòng chảy cuộn sóng. Hành trình về nguồn của con người cũng là hành trình thanh tẩy và thánh hóa từng ngày. Mỗi ngày sống trên đời chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta cố gắng thay đổi bản thân để nên tốt hơn, từ đó, chúng ta sẽ làm đẹp cho đời.
Tháng 8-2017
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

THÁNH LỄ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU ? 

 

 Gia đình tôi từ đó trở nên đạo đức, sốt sắng hơn nhờ tham dự thánh lễ hằng ngày. Ơn gọi linh mục của hai chúng tôi cũng phát triển và lớn lên từ đó.

Câu truyện dưới đây không mang tính cách lịch sử, không được minh chứng bằng những giá trị khoa học. Tính cách khách quan của nó chính là vì nó được kể ra do một vị linh mục, mà nhân vật trong câu truyện lại dính dáng đến thân phụ của ngài. Một người mà theo vị linh mục này, trước đó ông rất ngạo mạn, coi thường thánh lễ. Nhưng chỉ sau khi được chứng kiến qua hành động mà ông cho là “phép lạ” lúc đó ông mới tin và trở lại thành một tín hữu sốt sắng hết lòng yêu mến Thánh Lễ.

 

Linh mục Stanislaus, thuộc dòng Thánh Tâm Chúa. Ông có người anh cũng là linh mục thuộc Dòng Tên kể về thân phụ của mình là một đại úy kiểm lâm trong một thị trấn nhỏ ở Luxemburg như sau:

 

Thân phụ tôi lúc còn trẻ đã bỏ đạo. Ông không chỉ bỏ đạo mà còn ngăn cấm mọi người trong gia đình không một ai tham dự thánh lễ, kể cả Chúa Nhật.

 

Tuổi thơ của tôi như thế đó. Tôi sống trong một gia đình mà người cha bỏ đạo, khô khan, nguộn lạnh, người mẹ vì sợ chồng nên cũng không quan tâm đến chuyện lễ lậy, mặc dù trong nhà cũng vẫn còn giữ được thói quen đọc kinh, cầu nguyện.

 

Nhưng tình cờ một hôm thân phụ của tôi ghé thăm người bạn thân và cũng là chủ một tiệm bán thịt. Và cái gì tới đã tới. Sự thay đổi quan niệm về Thánh Lễ và đời sống tâm linh của ông đã xẩy ra sau lần gặp gỡ hôm đó. 

 

Hôm đó, trong lúc hai người bạn thân đang trò truyện vui vẻ với nhau, tình cờ một bà già nghèo nàn, lọm khọm bước vào trong tiệm:

 

-Bà muốn gì? Ông chủ hàng thịt hỏi.

 

-Tôi muốn mua một chút thịt?

 

-Được. Nhưng bà có tiền để trả không, tôi thấy dường như bà thuộc hạng người nghèo…

 

Không quan tâm đến lời khích bác của ông chủ tiệm, bà nhìn ông rồi chậm dãi trả lời:

 

-Tôi thì không có tiền, nhưng bù lại tôi sẽ đi lễ cầu cho ông coi như trả tiền miếng thịt được không?

 

-Giá một thánh lễ đáng bao nhiêu?

 

Nói xong, cả hai lại nhìn nhau, nhìn bà già và phá lên cười, vì cả thân phụ tôi và ông bạn của ông đều là những người không tin tưởng gì mà còn rất coi thường thánh lễ. Rồi như một cử chỉ diễu cợt, ông chủ tiệm cầm lấy miếng giấy viết nguyệch ngoạc mấy chữ đưa cho bà già:

 

-Đây là điều tôi muốn bà xin trong thánh lễ. Sau đó bà về đưa lại tấm giấy này cho tôi, coi xem thánh lễ đáng giá bao nhiêu.

 

Người đàn bà khiêm tốn bỏ tờ giấy vào túi, ra khỏi hàng thịt và tiến thẳng đến thánh đường tham dự thánh lễ buổi sáng hôm đó. Không biết bà có nhớ đến sự thách đố, nhạo báng của ông chủ hàng thịt hay không? Và cũng chẳng biết bà đã cầu xin những gì cho ông trong thánh lễ. Chỉ biết là sau thánh lễ bà ghé lại hàng thịt và đưa tấm giấy lại cho ông chủ.

 

Cầm lấy tờ giấy, ông liền đem để lên bàn cân, cái cân mà ông vẫn thường dùng để cân thịt. Thật lạ lùng, tấm giấy mong manh kia đã nhậm chìm cán cân khiến nó lệch hẳn một bên. Thấy vậy, ông chủ tiệm liền lấy một cái xương đặt lên đĩa cân bên kia, nhưng miếng xương ấy không làm cho đĩa cân có tờ giấy nhúc nhích. Tò mò, nhưng cũng cứng cỏi, ông mang một miếng thịt đùi thật to để lên, nhưng đĩa cân có tờ giấy vẫn chúi xuống. Đến đây thì ông lấy làm sửng sốt và như mất tự chủ, ông mang nguyên một cái đùi con cừu để lên đĩa cân. Đĩa cân đối diện vẫn không nhúc nhích. Nó vẫn chúi xuống làm lệch cán cân.

 

Thấy vậy cả hai ông bèn bàn nhau đổi tờ giấy qua đĩa cân bên đối chiều, vì nghĩ là cái cân bị hư. Và kết quả vẫn như vậy. Tấm giấy mà ông ghi lúc đưa cho bà già nghèo nàn, tấm giấy ông xin gì trong đó vẫn nặng hơn cả một đùi cừu. Thế là cả hai đã bừng tỉnh. Họ không còn cười đùa, chế nhạo bà lão nữa. Họ đã bắt đầu một sự thay đổi. Ông chủ tiệm đã hết lòng xin lỗi bà lão, và trước mặt thân phụ của tôi, ông đã hứa là suốt những ngày còn lại của bà lão, mỗi ngày ông đều cung cấp cho bà một phần thịt.

 

Chuyện lạ được đồn ra, người quanh vùng đổ đến tiệm ông, phần tò mò và cũng để mua thịt ở tiệm ông. Cái lạ nữa ở đây, là thịt ở tiệm ông từ đó trở đi được tiếng là thơm ngon, được mọi người yêu thích. Nhờ đó, việc buôn bán của ông ngày càng trở nên bận rộn, và phát đạt. Điều đáng ghi nhận ở đây, là nhờ chứng kiến điều được xem như phép lạ tỏ tường ấy, hai ông đã nhận ra rằng Thánh Lễ thật vô giá, và cũng từ hôm đó, người ta thấy hai ông sốt sắng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Gia đình tôi từ đó trở nên đạo đức, sốt sắng hơn nhờ tham dự thánh lễ hằng ngày. Ơn gọi linh mục của hai chúng tôi cũng phát triển và lớn lên từ đó.

 

 Trần Mỹ Duyệt

 

(Theo The Weight of one Holy Mass, The Catholic Lady Modesty and Elegance. Thursday, December 5, 2013.)



Lại một trường hợp:
CỨU VẬT, VẬT TRẢ ƠN
Cứu vật, vật trả ơn - Cứu người, người trả oán.
 
Tại Cơ Long, Đài Loan có một cửa hàng mang tên “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người tốt bụng, thường làm việc thiện, khu vực ông sống có nhiều những cư dân đánh cá kiếm sống quanh đó.
Một ngày, ngư dân dùng lưới bắt được một con rùa lớn, đúng lúc khi họ chuẩn bị đem đi giết thịt bán thì ông Lâm đi ngang qua, nhìn thấy cảnh tượng con rùa không ngừng vươn cổ cúi đầu như lạy người xung quanh, nước mắt chảy dòng, dường như cầu cứu mọi người. Ông Lâm đã xuất tâm từ bi, không tiếc bỏ ra một số tiền lớn để mua con rùa, đồng thời nhờ mọi người giúp đưa nó trở lại biển để phóng sinh.
Do lo lắng rằng ai đó sẽ lại bắt lấy nó và giết, vì vậy ông đã viết lên mai của rùa 5 chữ là “Gặp duyên số phóng sinh”, với hy vọng người sau sẽ từ bi, khai ân cho nó được sống tự do, đừng tùy ý giết hại nó. Sau khi viết xong họ liền đưa chú rùa ra biển phóng sinh, rất nhiều người dân tại bãi biển khi ấy đều nhìn thấy con rùa khổng lồ nổi lên, không ngừng vươn cổ hướng về phía ông Lâm như khấu đầu tạ ơn.
Mọi người chứng kiến cảnh tượng đều cảm thấy rất cảm động. Bởi vậy, họ cũng tự hứa với nhau, nếu sau này gặp phải một con rùa lớn như vậy, họ sẽ không bắt, không giết và cũng không ăn. Vậy nên, cho đến ngày hôm nay nó vẫn còn tồn tại ở khu vực này.
Sự việc trôi qua 16 năm, cậu con trai thứ hai của ông Lâm giờ đây đang theo học ở một trường thương nghiệp tại Đài Bắc, trong dịp nghỉ lễ cậu tranh thủ về thăm nhà. Lần đó, trên chuyến hành trình trở về, do thuyền đi ngược dòng nước biển cùng thời tiết xấu, thật không may con tàu bị sóng đánh và chìm. Hơn 100 hành khách trên tàu, thì có đến 90 người bị dòng nước nhấn chìm.
Con trai ông Lâm mặc dù biết bơi, nhưng sóng biển quá lớn, anh gần như bị nhấn chìm, kiệt sức vật lộn giữa sóng dữ. Đột nhiên anh cảm thấy cơ thể mình như được đẩy lên bởi một vật giống như chiếc bàn tròn lớn, nhìn kỹ, hóa ra anh đang nằm trên lưng một con rùa, sau đó nhìn kĩ hơn, anh thấy miệng của nó to như một chậu rửa mặt. Anh hoảng sợ và thầm nghĩ chẳng lẽ mình phải chôn thân trong bụng con rùa này. Định quay người nhảy xuống dòng nước, nhưng khi đó anh đã quá đuối sức, không còn sức lực để tranh đấu tiếp nữa.
Mệt nhoài nằm trên lưng rùa một thời gian rất lâu, khi tỉnh táo nhìn xuống, đột nhiên anh thấy trên lưng con rùa viết 5 chữ “gặp duyên số phóng sinh”. Anh mới chợt nhớ, con rùa biển này chính là con rùa mà cha anh đã từng cứu mạng. Trong lòng anh chuyển từ sợ hãi thành niềm vui, hóa ra chú rùa chính là đến cứu mình. Vì vậy, anh đã ôm chú rùa biển, để chú rùa mang mình đi, trong miệng tụng niệm Phật và đội ơn trời đất.
Con rùa bơi trên biển, cố gắng để đưa anh vào bờ, khi sắp cập bờ, anh vui mừng nhảy xuống vùng nước nông. Con trai ông Lâm liền chắp tay cảm tạ ơn cứu mạng của con rùa. Con rùa cũng vươn cổ lên, hơn nữa còn mở miệng phát ra âm thanh, tỏ vẻ rất vui, một lúc mới quay đầu và bơi đi. Người dân trên bờ nhìn thấy từ xa vội chạy đến chúc mừng.
Những người dân địa phương khi biết về sự việc đều rất xúc động, đồng thời từ đó họ luôn vui vẻ hành thiện. Ban đầu đã có một nhà chiêm tinh xem mệnh cho ông Lâm và nói rằng ông chỉ có thể sống tới năm 70 tuổi, nhưng ông Lâm đã sống đến 88 tuổi, hơn nữa không hề có bệnh nào và có được một kết thúc có hậu.
Trong thế giới rộng lớn này, làm sao chú rùa biển có thể biết được sắp có tai nạn trên biển? Và cũng làm thế nào nó biết được người con trai thứ hai của ân nhân mình ngày hôm nay sẽ gặp nạn? Họ đều chưa bao giờ gặp nhau, vậy làm thế nào con rùa có thể tìm thấy anh ấy trên biển cả, và lại còn có thể chở anh ta trên lưng? Chúng ta chỉ có thể nói rằng quan hệ nhân quả thật không sai chệch chút nào. Chú rùa biết đền ơn đáp nghĩa, không ngại sóng to gió lớn mà đưa con trai của ân nhân an toàn trở về nhà, đây quả thực giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Tuệ Minh
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn