1
05:32 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 299

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 298


Hôm nayHôm nay : 17067

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 407154

Tổng cộngTổng cộng : 27961438

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật III Phục sinh - A

Thứ năm - 01/05/2014 10:16-Đã xem: 1470
Trên đường Emmau, có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban, hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông được đổi mới.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật III Phục sinh - A

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật III Phục sinh - A

CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28
"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".
Ðó là lời Chúa.
 
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh(c. 11a).
Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Ðáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
 
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21

"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
 

Alleluia: x. Lc 24, 32
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.
 
Phúc Âm: Lc 24, 13-35

"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp". Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông. Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Ðó là lời Chúa.
 

 
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM A
Công Vụ Tông Đồ 2:14, 22-33; Thư I của Thánh Phêrô 1:17-21
và P. Luca 24:13-35
 
I. Giáo Huấn P.Â.:  
Đức Kitô phải đau khổ, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang đúng như Kinh Thánh Cựu Ước đã mô tả từ trước.
 
Chúa cho hai môn đệ thất vọng nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.
 
Chúng ta chỉ nhận ra Chúa khi biến mình thành những hy sinh chia sẻ với người khác. Hay nói khác đi khi Chúa cho chúng ta nhận ra Ngài.
         
II. Vấn nạn P.Â.
 
          Kitô nghĩa là gì?
          Tiếng Anh: Christ; Tiếng Pháp: Christ; Tiếng La-tinh: Christus. Tất cả được dịch từ tiếng Hy Lạp: Christos. Christos dịch từ tiếng Do Thái Mashiah, có nghĩa “Đấng được xức dầu” Trong Kinh Thánh Cựu Ước “Đấng được xức dầu” dùng để chỉ các vua, các tư tế, các tổ phụ. Đặc biệt để tiên báo về một Vị Cứu Tinh đến từ dòng dõi David. Mashiah là hy vọng và sự đợi trông của Dân Do Thái (Sách Samuel quyển II 7:5-16; Sách Niên Sử 17:4-14; Thánh Vịnh 89:20-38).
 
          Sách Công Vụ Tông Đồ là gì? 
Công vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles): công việc truyền đạo của các Tông Đồ. Trong tiếng La-tinh Công Vụ gọi là Acta, có nghĩa công việc đang tiến hành hay một ghi nhận những biến cố đang xảy ra (proceedings or record of happenings)
 
Công Vụ Tông Đồ là quyển sách ghi lại công việc truyền đạo của các Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, khởi đầu từ Giêrusalem. Đây cũng là quyển sách mô tả đời sống Giáo Hội sơ khai: bị bách hại, nhưng người tin Chúa mỗi ngày thêm đông. Truyền thống cho rằng Luca, môn đệ của Thánh Phaolô là tác giả của Sách Công Vụ Tông Đồ được viết khảng năm 63 khi Thánh Phaolô bị cầm tù ở Rôma.
 
Tại sao hai môn đệ chỉ nhận ra Chúa khi “Chúa đồng bàn và bẻ bánh trao cho họ?’
Hai môn đệ về làng Ê-mau không là tông đồ, không ở trong nhóm mười hai tham dự Bữa Tiệc Ly và đã nhìn thấy Chúa bẻ bánh. Nhưng họ lại “nhận ra Chúa khi bẻ bánh!” Họ nhận ra Chúa, vì Chúa cho họ nhận ra Ngài lúc đó, hay nói theo từ ngữ Phúc Âm là “mắt họ liển mở ra”. Cũng giống như Bà Maria Mađalêna, khi thấy Chúa sống lại mà cứ ngỡ là người làm vườn, cho đến khi Chúa gọi “Maria” thì Bà mới nhận ra Chúa và gọi “Ráp-bu-ni” nghĩa là ‘lạy Thầy!’ (Gioan 20:15-16).
 
Điếu đó cho thấy, chúng ta chỉ nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh hay khi chúng ta được Chúa cho nhận ra Ngài và chia sẻ thân thể Ngài trong bí tích Thánh Thể. Có nhiều người học cao hiểu rộng và nghiên cứu cả về thần học, về Kitô giáo, nhưng vẫn không có đức tin, không nhận ra Chúa. Chúa chưa cho họ nhận ra Ngài hay tâm hồn họ chưa đến lúc đón nhận Chúa.
 
Chúng ta thường hiểu: Vô thần là không tin có thần thánh, như người cộng sản vô thần không tin có Chúa hay Đấng tôi cao siêu việt. Thật sự, vô thần là người tin có Chúa, có Đấng Tạo Hoá, nhưng vì kiêu ngạo, tự phụ vào khoa học mà họ chối bỏ sự hiện hữu thần thiên và quyền tối cao của Đấng hoá công. Giáo Hội Công Giáo ở các nước cộng sản không bao giờ nản lòng hay bỏ cuộc ngưng truyển giáo cho người Cộng sản. Thường chúng ta hiểu truyền đạo hay truyền giáo là mình mang Chúa đến cho người khác, hay nhờ mình mà njgười ta biết Chúa. Thật sự chúng ta chỉ là công cụ, là phương tiện Chúa dùng để giới thiệu Chúa cho người khác. Chính Chúa mới là người truyền đạo hay chính Chúa mới là người làm cho người khác nhận ra mình. Áp dụng quan niệm truyền giáo nầy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam luôn chủ trương đồng hành với dân tộc hay với nhà cầm quyền vô thần. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không hề chủ trương khai trừ như ngày xưa. Giáo Hội Việt Nam cũng không chủ trương hoà đồng hay trở nên vô thần như người cộng sản, nhưng là đồng hành. Cùng đi với nhau, người ta mới có thể nói chuyện và hướng dẫn người khác tìm chân lý. Khi thời điểm đã chín mùi, chính Chúa sẽ cho người không tin Chúa hay chối bỏ Chúa nhận ra Chúa.
 
III. Thực hành P.Â.:
 
          Theo đạo là theo Chúa Kitô, Đấng chịu đau khổ, Đấng đã chết, nhưng cũng đã sống lại vinh quang.
          Bà Trần thị Kịm Vân năm nay đã 72 tuổi. Lễ Phục Sinh năm nay, lần đầu tiên bà quay lại nhà thờ sau gần 40 năm “thề không tin Chúa và theo đạo!”. Bà nguyên là một nữ sinh có tài, có sắc và lớn lên trong một gia đình Phật giáo nề nếp. Bà đã theo đạo để lấy người chồng Công Giáo mà bà rất mực yêu thương. Bà bất chấp khó khăn và cả cả sự ruồng bỏ của gia đình để sống chung thủy với chồng.. 
 
          Nhưng không ai ngờ, chính người chồng Công Giáo nầy đã bỏ rơi bà với 4 đứa con thơ để đeo đuổi và chung sống với một người đàn bà khác. Cái lạ ngoài sức tưởng tượng của bà là bên nhà chồng bà, gia đình Công Giáo gốc lại tán đồng và bênh vực chuyện chồng bà bỏ bà. Bà căm thù và thề không tin Chúa và không theo đạo.
 
          Qua hai lần tiếp xúc với một linh mục bà nhận ra: Người theo đạo Công Giáo không luôn là người theo Chúa. Bà được linh mục hướng dẫn đọc Phúc Âm về Chúa Phục Sinh. Chúa sống lại mang sự sống mới. Sự sống không có hận thù, chết chóc và đau khổ. Bà chôn mọi thứ vào mồ quá khứ và đi dự lễ Mừng Chúa Phục Sinh thật sốt sắng. Bà sống lại với sự sống mới! Alleluia
 
          Lúc đầu thực sự bà chỉ theo chồng chứ không theo Chúa Kitô Phục Sinh. Hay nói khác đi bà chỉ muốn thấy màu hồng hay màu xanh chứ không có màu đen hay màu sám cuộc đời. Chúa Kitô thực sự sống thân phận con người như chúng ta: sinh ra, lớn lên, đau khổ, chết và sau cùng Phục Sinh. Là Kitô hữu tức người theo Chúa Kitô Phục Sinh chúng ta phải chấp nhận thánh giá cuộc đời, phải gặp nhiều đau khổ, nhiều khi bị bỏ rơi, và cả những ngày tăm tối trong mồ sâu thất vọng… rồi mới có ngày Phục Sinh vinh quang. Hãy luôn tin rằng “ngày mai trời lại sáng!” Hãy luôn tin rằng: Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian có đổi thay, dù lòng người có đành tâm hững hờ… Cho đến muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Amen
 
          Chồng tôi bỏ đạo là phải vì Ông Cha bạn thân mà anh ấy tin tưởng đi tằng tịu lén lút với một cô, có con mà vẫn còn làm lễ.
 
                    Tôi trả lời: Như vậy là Chồng chị đâu còn tôn thờ Chúa mà tôn thờ vị linh mục đó. Thật vậy: Chúng ta theo đạo Chúa. Chúa lập đạo Công Giáo để ban ơn cứu độ cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa thành lập Bí Tích truyền chức thánh để có những người được dành riêng tế lễ Chúa và giúp chúng ta thờ phượng Chúa và được Chúa cứu độ. Như vậy: Chúa là đối tượng của thờ phượng. Chúng ta đi nhà thờ hay giữ đạo là để nhận ơn cứu độ Chúa ban. Nhiều khi chúng biến linh mục thành đối tượng của đức tin hay của việc thờ phượng Chúa. Tôi đi nhà thờ vì Cha giảng hay, vì Cha thánh thiện, vì Cha vui tánh và friendly….vì Cha và vì Cha….Nên có ngày tôi sẽ bỏ đạo vì Cha nói dối, vì Cha cọc cằn thô lỗ, vì Cha bậy bạ… lại vì Cha và vì Cha…
 
                    Sai quá rồi! Cha đâu phải là Chúa. Cha chỉ là công cụ Chúa dùng để mang ơn Chúa cho chúng ta. Có nhiều công cụ tốt, có nhiều công cụ tồi…. Những công cụ tồi gây thách đố đức tin, nhưng tất cả chỉ là công cụ và tạm bợ…. Một ngày nào đó vị linh mục trên phải sám hối hay sẽ phải hoàn tục. Chúa vẫn còn đó như cứu cách cho đời chúng ta. Vì Ngài là Chúa, Ngài không sai lầm và không phản bội đức tin của chúng ta.

 

ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ EMMAU
(Luca 24,13-35 – Phục Sinh; CN III PS - A)
Đức Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và huấn giáo viên để cung cấp lời giải thích các môn đệ đang chờ.
 
1.- Ngữ cảnh
Sau khi các phụ nữ đã mang sứ điệp Phục Sinh đến cho cộng đoàn (23,55–24,12), tác giảLuca mô tả hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh: Đức Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ Emmau (24,13-35) và hiện ra giữa cộng đoàn (24,36-53).

Riêng cho truyện Emmau, chúng ta không có đoạn văn Nhất Lãm song song nào cả. Bản văn có ngữ cảnh sau: Sau khi các phụ nữ đã viếng (cả Phêrô: 24,12) ngôi mộ mở và trống của Đức Giêsu (24,2t), ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và đang sống, nên không thể gặp Người giữa kẻ chết. Nhưng ta không biết là có thể gặp Người ở đâu và gặp Người cách nào. Chính Đức Giêsu đã lấy sáng kiến và hiện ra trong những hoàn cảnh khác nhau. 
 
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Hai môn đệ đi về Emmau (24,13-14);
2) Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (24,15-27);
3) Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (24,28-32);
4) Trở lại Giêrusalem (24,33-35).
 
3.- Vài điểm chú giải
- Emmau (13): Bản văn cho biết Emmau cách Giêrusalem 60 dặm (stadious), tức 11,5 cây số (một dặm = 192m). Đến nay người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn đây là làng nào: là làng Amwas = Nicôpôli (176 dặm = 32,5cs; 1 Mcb 3,40.57: Ammaous), hay là làng Kulonje (30 dặm = 5,5 cs; Phơlaviô Gioxép, Chiến tranh Do Thái VII 6,6 § 217: Ammaous), hoặc là làng Kubêbe (64 dặm = 12cs; vào thời các thập tự quân: Castellum Emmaus)?

- (Và) xảy ra là đang lúc (15): Trong chương 24, có bốn lần tác giả Luca dùng cụm từ “kai egeneto en tô…”, mà Bản dịch CGKPV không dịch, còn cha Thuấn thì dịch là “đang khi…”, “xảy ra là đang lúc…”, “và xảy ra là khi…”, “và xảy ra là đang khi…”. Tác giả dùng công thức này để dẫn vào những sự cố đặc biệt: hai chứng nhân xuất hiện (c. 4), Đức Giêsu đến cùng đi với hai môn đệ (c. 15), Đức Giêsu tỏ ra như là người chủ tọa bữa ăn (c. 30), và Đức Giêsu được đưa lên trời (c. 51). 

- trò chuyện và bàn tán (15): Homilein, “trò chuyện”; syzêtein, “tìm với nhau, tranh luận, tranh cãi; bàn tán”; động từ syzêtein lại được dùng trong Cv 15,7.10, là nơi nhắc đến những tranh cãi kịch liệt trong Hội Thánh tiên khởi về vấn đề cắt bì. Như thế, câu chuyện tỏ ra sôi nổi và dường như các ông không hoàn toàn đồng ý với nhau.

- vẻ mặt buồn rầu (c. 17): Skythrôpos do skythros, “buồn rầu” và ôps, “gương mặt”.

- chẳng hiểu gì (25): Anoêtos có nghĩa là “thiếu khả năng suy nghĩ; không có đầu óc; kém thông minh; ngu xuẩn” (x. Gl 3,1: ô anoêtoi Galatai, “hỡi những người Galát ngu xuẩn”). Sau này, ở 24,45, tác giả cho biết Đức Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

- lòng trí thật là chậm tin (25): dịch sát là “chậm (bradeis) về trái tim để tin”. “Trái tim” (kardia), trung tâm của ý chí, trí tuệ và tình cảm của con người (x. 24,25.32.38). Động từpisteuein, “tin” (Mt 11x, Mc 14x, Lc 9x, Ga 98x) chỉ được Lc dùng ở đây (danh từ pistis, “đức tin”: Mt 8x, Mc 5x, Lc 11x, Ga 0x). Trong Lc, động từ này luôn quy về lời nói, ở đây là lời các ngôn sứ. “Tin” có nghĩa là cương quyết chấp nhận giá trị của lời nói.

- Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình (26): “Phải” đây là động từ dei ở thì vị hoàn (edei): động từ nay diễn tả một điều cần thiết thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Xem 9,22; 17,25; 22,37; 24,7.44. 

- trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (27): “Ông Môsê” làBộ Ngũ Thư; “các ngôn sứ” là các sách sử và các sách ngôn sứ; “tất cả Sách Thánh” là những sách còn lại của Cựu Ước. Xem cách chia Kinh Thánh Do Thái thành ba phần ở 24,44.

- giải thích (27): Diermêneuein có nghĩa là “giải nghĩa, giải thích, chú giải”. Động từ này chỉ được Lc dùng ở đây; ở Cv 9,36, động từ này có nghĩa là “dịch”, và ở 1 Cr 14,5.13.27, có nghĩa là “giải thích điều được nói bằng các tiếng lạ; giúp hiểu điều người ta không tự mình hiểu được; đưa đến chỗ hiểu biết”. Những công thức có nghĩa tương tự là: “giải thích (dianoigô tas graphas, “mở trọn vẹn, mở toang Kinh Thánh”) Kinh Thánh cho chúng ta” (24,32) và “Người mở trí (dianoigô ton noun, “mở rộng trí”) cho các ông hiểu Kinh Thánh” (24,45).

- Mắt họ liền mở ra (31): Dịch sát là “mắt họ đã được mở ra” (diênoichthêsan, aor. pass. của động từ dianoigô, “mở trọn vẹn”). Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa.
 
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hai môn đệ đi về Emmau (13-14)

Bản văn mở ra với “hai người trong nhóm môn đệ” đang bước đi và trò chuyện. Sau đó, ta được biết một người tên là Cơlêôpát (c. 18). Họ không thuộc về Nhóm Mười Một, nhưng thuộc về nhóm những người khác đang cùng ở với Nhóm Mười Một (x. 24,11). Qua lời họ kể (24,22-24), họ chứng tỏ họ biết tất cả những gì đã được kể ở 24,1-12; họ biết những gì cộng đoàn biết và sẽ góp phần làm cho sự hiểu biết này gia tăng thêm.

Về thời gian, đây “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần (24,1). Họ cho biết là họ chỉ ra đi khi đã kiểm chứng tất cả các sự cố của 24,1-12. Bây giờ họ đang tiến về mộtlàng tên là Emmau, cách Giêrusalem khoảng mười một cây số.

Trong khi đi đường, họ trò chuyện sôi nổi với nhau. Đối tượng của cuộc bàn tán được mô tả tổng quát: “tất cả những sự việc mới xảy ra” (c. 14; x. c. 18) và ta hiểu nhờ những phần tường thuật trước đó của tác giả Tin Mừng.    
 
* Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (15-27)

Hai môn đệ cùng đi với nhau, họ chia sẻ các tâm tình với nhau, nhưng dường họ cũng không đồng quan điểm với nhau; có chuyện gì đó đã xảy ra khiến họ bị chao đảo và họ vẫn chưa có thể đồng ý với nhau về chuyện ấy hoặc tìm lại được bình an. Đức Giêsu tiến đến cùng đi với họ, rồi hỏi họ (cc. 15-19a). Họ kể lại các sự cố đã xảy ra cho Đức Giêsu theo quan điểm của họ (cc. 19b-24). Sau đó, Đức Giêsu đã trình bày cho thấy là tất cả những gì đã xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh (cc. 25-27).

Sau khi Đức Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của họ, dù họ vẫn không biết Người là ai (cc. 15-16), hai bên đã trao đổi ba câu hỏi (cc. 17-19a), đưa đến chỗ họ kể chuyện rõ ràng hơn. Tác giả nhắc lại rằng con người đến gần hai môn đệ và bắt đầu bước đi với họ đúng là Đức Giêsu. Chính tác giả đã kể lại rằng hành vi cuối cùng Đức Giêsu đã làm sau khi kêu lên với Chúa Cha (23,46) là “tắt thở”. Bây giờ các hành động mới của Người là: đến gần, cùng đi, hỏi, cho thấy rằng Người thật sự đang sống (x. 24,5) và quan tâm trước tiên đến các môn đệ Người. Rõ ràng Đức Giêsu đến như một người lữ khách bình thường, nhưng hai người môn đệ không nhận ra Người. Kế đó, Lc đưa vào ba câu hỏi (24,17.18.19). Câu thứ nhất là của Đức Giêsu, Người tham gia vào cuộc thảo luận của họ (c. 17).

Phản ứng đầu tiên của họ là dừng lại. Cho tới nay, chỉ toàn là chuyển động: đi đến (c. 13), cùng đi (c. 15), đi (c. 17). Việc dừng lại dường như là do sự ngạc nhiên được diễn tả trong câu hỏi tiếp sau (c. 18). Tác giả cho biết “vẻ mặt họ buồn rầu”. Phản ứng thứ hai là câu hỏi của một ông tên là Cơlêôpát (Kleopas là dạng tắt của Kleopatros). Ông này cho biết là trong những ngày này, người ta chỉ có thể nói về một chuyện duy nhất, nên một người lạ cũng phải biết; thế mà người bạn đồng hành này lại không biết! Tâm trí của Cơlêôpát còn đầy các biến cố vừa xảy ra. Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi thứ hai, rất ngắn: “Poia? (Những chuyện gì vậy?)”. Là nhân vật chính trong các biến cố ấy, Người lại tỏ ra như không biết. Người chứng tỏ sẵn sàng lắng nghe và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm.
 
Họ bắt đầu kể. Có thể nói phần tường thuật của họ là một bản tổng hợp hành trình của Đức Giêsu và của TM Lc. Phần tường thuật có chủ đề “Chuyện ông Giêsu Nadarét”, với mở đầu cô đọng nhưng càng lúc càng rõ hơn. Hoạt động công khai của Người (x. Lc 4–21) được tổng hợp trong câu nhận định: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (c. 19; x. Lc 7,16). Dân chúng đã nhận biết Người là  một ngôn sứ vĩ đại. Về cuộc Thương Khó của Người, hai ông nhắc đến các vị có trách nhiệm: “các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta” và diễn tả biến cố này bằng hai từ, “nộp” và “đóng đinh” (x. 24,7). Đến đây, họ ngưng phần kể truyện mà đưa vào một lời bình diễn tả nỗi thất vọng của họ: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (c. 21). Họ đã nghĩ đến một cuộc giải phóng dân tộc Do Thái mang tính chính trị. Ở c. 47, Đức Giêsu sẽ cho hiểu đây là cuộc giải phóng muôn dân khỏi tội lỗi.

Và cứ thế, họ đi đến giờ phút hiện tại: các sự việc xảy ra đã sang ngày thứ ba rồi (c. 21). Phải chăng họ đang gợi tới các lời tiên báo về Phục Sinh vào ngày thứ ba (9,22; 18,33; 24,7.46) và muốn ám chỉ rằng các lời ấy đã không thành sự? Phải chăng họ đang quy chiếu về niềm tin dân gian Do Thái cho rằng linh hồn vẫn ở gần thân xác cho đến ngày thứ ba, rồi mới vĩnh viễn tách ra? Dù thế nào, nhận xét ấy vẫn cho thấy nỗi thất vọng của họ.

Họ lại kể lại câu truyện và lần này kể rộng rãi hơn: đoạn 24,22-23 tương ứng với 24,2-11, còn đoạn 24,12 tương ứng với 24,24. Họ kể chi tiết kinh nghiệm của các phụ nữ: các bà này đến mộ từ sáng sớm, không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả, nhưng lại nói là đã thấy các thiên sứ hiện ra bảo rằng Người vẫn sống (x. 24,5t). Quả thật, các phụ nữ trở về, kể truyện, đã làm cho cộng đoàn sửng sốt. Họ kể lại sứ điệp của các phụ nữ (c. 24); rồi cũng cho biết có “mấy người trong nhóm chúng tôi” đã đến và thấy mộ trống, nghĩa là “thấy sự việc y như các bà ấy nói”. Để kết luận, họ nêu một nhận định cho đến nay chưa nói ra: “còn chính Người thì họ không thấy”. Trong khi họ nói ra điều này, họ nhìn Đức Giêsu  mà không nhận ra Người (x. c. 16). Rồi họ sẽ là những người đầu tiên thấy Người (c. 31). Trong cuộc hiện ra với các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng nhấn mạnh trên việc thấy: ở 24,39, hai lần động từ idete, “hãy nhìn xem”, được dùng (Có thể dịch lại 24,39 như sau: “Hãy nhìn xem (idete) tay chân Thầy đi, vì chính Thầy đây mà! Hãy rờ Thầy và nhìn xem (idete) đi, vì ma đâu có thịt có xương như anh em thấy (theôreite) Thầy có đây ?”).

Kế đó, tác giả ghi lại giọng văn trực tiếp của Đức Giêsu, trước hết là một tiếng than   và mộtcâu hỏi mang tính hùng biện (cc. 25-26), rồi cách thức Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai ông (c. 27). Trong khi các ông đã tóm các biến cố, Đức Giêsu lại cho thấy liên hệ của các biến cố ấy với Kinh Thánh, là nơi tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa.

Trong tiếng than, Đức Giêsu đã đánh giá hai ông là “chẳng hiểu gì và lòng trí thật là chậm tin”; đây là một lời trách: trí tuệ và trái tim của các ông không sao tin được tất cả những gì các ngôn sứ đã nói. Trong câu hỏi mang tính hùng biện, Đức Giêsu nhấn mạnh trên sự kiện là, thể theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhất thiết Đức Kitô phải (dei) đi qua cuộc Thương Khó để vào vinh quang. Họ nói về Đức Giêsu như là vị ngôn sứ lớn (c. 19), Đức Giêsu lại nói về Đấng Kitô (cả 24,46): quả thật, trong cuộc xử cũng như khi chế giễu Đức Giêsu, người ta tập trung vào “Đấng Kitô” (22,67; 23,2; 23,35.39). Trong câu “chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người”, cụm từ thứ hai đã thay thế động từ “trỗi dậy” trong những đoạn tương tự (x. 9,22;24,7.46): như thế, “trỗi dậy”, hay “sống lại”, có nghĩa là “đi vào trong vinh quang”, tức là đi vào sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa và thông phần vào vinh quang của Người.

Sau đó, Đức Giêsu rảo qua toàn bộ Cựu Ước để giải thích cho hai môn đệ những điều liên quan đến Người: trong tư cách là “nhà chú giải” (diermêneuein, “giải thích, chú giải”), Đức Giêsu cho hai ông thấy Kinh Thánh đã nói về Người ở đâu và nói như thế nào. Câu 24,27 và 24,44 có cùng nội dung là “những gì liên quan đến Đức Giêsu”, nhưng câu đầu thì Đức Giêsu nói mà chưa được nhận ra, còn câu sau thì Người nói sau khi đã được nhận biết.
 
* Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (28-32)
            
Trong phần đầu, hai môn đệ tha thiết thuyết phục Đức Giêsu ở lại với họ (24,28-29). Trong phần giữa, Đức Giêsu bẻ bánh, được nhận biết và biến mất (24,30-31). Cuối cùng là lời bình luận của hai môn đệ (24,32).

Ba người đã đến gần mục tiêu hai môn đệ nhắm tới (x. 24,13). Đức Giêsu làm bộ  (“làm ra vẻ, giả bộ”) muốn đi tiếp, nghĩa là Người tiếp tục tỏ ra như là người bạn đồng hành ngẫu nhiên. Họ tha thiết xin (“ra sức, ép buộc”) Người ở lại với họ và Người đã thuận theo lời họ xin. Họ viện lý do là trời đã xế chiều, nhưng sự khẩn khoản của họ chứng tỏ họ hết sức quý trọng người bạn đồng hành này. Những chi tiết được lặp đi lặp lại trong cc. 29 và 30 cho thấy có nguyện vọng được ở lại với nhau (“Mời ông ở lại với chúng tôi”: 24,29; “Người vào và ở lại với họ”: 24,29; “Khi đồng bàn với họ”: 24,30). Sự hiệp thông giữa ba người trở thành một sự hiệp thông trong bàn ăn (c. 30).

Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa; Người đã làm bốn hành động: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Người xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng (Lc 22,19-20. So sánh 22,19 // 24,30), tuy ở đấy Đức Giêsu có nói một số lời và cho phân phát một chén rượu. Ta cũng thấy Người xử sự như thế khi nhân bánh và cá ra nhiều (9,12-17), chỉ có điều là ở đấy, sau khi cầm lấy, Người lại ngườc mắt lên trời (9,16). Các môn đệ đã nhận ra Người. Khó có thể cho rằng các ông đã nhận ra Người vì nhớ lại Bữa Tiệc cuối cùng, bởi vì các ông không có mặt ở đấy. Hợp lý hơn, có thể nói là vì các ông đã có mặt khi Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều hoặc đã thường thấy Đức Giêsu làm cử chỉ này. Còn một câu hỏi khác: Phải chăng Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai môn đệ Emmau? Người ta thường trả lời là “không”, với các lý do: cử chỉ Đức Giêsu làm là mở đầu thông thường cho một bữa ăn Do Thái; Lc không ghi lại một lời giải thích nào của Đức Giêsu; thiếu việc trao một chén rượu; hai môn đệ này không có mặt trong Bữa Tiệc cuối cùng, vì chỉ dành cho các tông đồ (22,14). Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận là có tương quan chặt chẽ giữa 24,30 và 22,19. Thế rồi, hai môn đệ ấy đã nói đến “việc bẻ bánh” của Đức Giêsu (24,35). Cụm từ ấy chỉ xuất hiện ở đây và ở Cv 2,42. Vậy không thể chứng minh được là Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai ông, nhưng 22,30.35 là những câu nhắc các độc giả Lc nhớ tới Bữa Tối cuối cùng và những buổi cử hành Thánh Thể của họ. Và hẳn là khi nghe hai ông kể lại kinh nghiệm vừa trải qua, Nhóm Mười Một cũng nhớ lại Bữa Tối cuối cùng, trong đó quả thật Đức Giêsu đã ban Mình Người cho các ông (22,14.19). Như thế, Bữa Tối cuối cùng, với tất cả ý nghĩa của nó, lại trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn.

Kết quả mà hành vi của Đức Giêsu tạo ra là tương quan của hai môn đệ với Người được đảo ngược: Trước kia, ở 24,16, mắt của các ông còn bị ngăn cản, nay ở 24,31, mắt các ông đã mở ra để nhận biết Người, nhưng thật ra là Thiên Chúa mở mắt cho các ông (thái bị động thay tên Thiên Chúa). Người ta không thể nhìn thấy và nhận ra được Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại; nhận ra Đức Giêsu hiện diện và chân tính của Người là mộtơn Thiên Chúa ban. Hai ông đã hưởng nhờ ân huệ lớn lao từ cách xử sự của Đức Giêsu. Các ông đã kết thúc truyện kể ngược lại quá khứ với một nhận định buồn rầu: “còn chính Người thì họ không thấy” (24,24). Bây giờ họ là những người đầu tiên của cộng đoàn (nhưng x. 24,34) được ban cho ơn thấy Đức Giêsu Phục Sinh và đang sống. Và khi đã nhận biết Đức Giêsu đang sống, họ mới có thể nhận ra là Đức Giêsu đã làm gì cho họ, khi đi bên họ, giải thích Kinh Thánh và trao bánh cho họ. Nhưng cũng ngay khi đó, Đức Giêsu biến mất. Họ phải học biết rằng nay đã chấm dứt hình thái hiện diện của Người theo kiểu loài người và trần thế, mà họ đã quen.

Trong lời bình luận (24,32), hai ông đã nêu bật kinh nghiệm vừa trải qua với Đức Giêsu, khi Người giải thích Sách Thánh cho họ (24,25-27). Họ ghi nhận một sự thay đổi trong tim, vì bây giờ con tim họ bắt đầu nóng cháy lên.   
 
* Trở lại Giêrusalem (33-35)
            
Trong phần kết luận này, tác giả kể lại chuyến quay trở lại Giêrusalem của hai môn đệ (24,33), tại đó họ được loan tin là Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Simôn (24,34). Rồi các ông cũng nói đến kinh nghiệm trải qua với Đức Giêsu Phục Sinh (24,35).
            
Vì giờ đã muộn, hai môn đệ đã xin người bạn đồng hành ở lại. Nay chính họ lại lên đường quay trở lại Giêrusalem. Chuyến đi được kể chi tiết (24,13-27), còn chuyến về chỉ  được nêu lên bằng sự kiện. Hai môn đệ hết sức ao ước được thông tin cho cộng đoàn, cho Nhóm Mười Một và những người khác đang cùng ở với các ông (x. 24,9), nhưng trước khi có thể nói ra, các ông đã nhận được một lời loan báo với hai thông tin: (1) “Chúa trỗi dậy thật rồi” (x. 24,6) (2) “và đã hiện ra với ông Simôn” (x. 1 Cr 15,5). Hành vi cuối cùng của Chúa (kyrios) mà Lc ghi lại là ở 22,51: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô; ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình”. Sự thông cảm đầy yêu thương của Chúa đối với người tông đồ đầu tiên đã chịu thua sự yếu đuối, đã bắt đầu lại ngay sau khi ông chối Người (22,54-62) và được hoàn tất với cuộc hiện ra của Đức Chúa Phục Sinh (x. cả 5,8-l1; 22,31-32). Phêrô là chứng nhân đầu tiên thông tin cho cộng đoàn biết Đức Chúa đã sống lại và đang sống. Hai môn đệ Emmau có thể xác nhận. Hai ông có thể làm chứng về kinh nghiệm hai điểm của mình: (a) về những gì đã xảy ra cho họ trên đường (24,15-27); (b) về những gì họ đã trải nghiệm tại bàn ăn (24,28-32).

Sau khi hai môn đệ đã tường thuật, cộng đoàn có ba chứng từ về cuộc sống lại và về cuộc sống của Đức Giêsu.
 
+ Kết luận

Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu không sao đưa các môn đệ đến chỗ hiểu Kinh Thánh được (18,31-34). Chỉ trong tư cách là Đấng Phục Sinh, Người mới mở được ý nghĩa của Kinh Thánh ra cho họ (x. 24,32.45). Như thế, người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu. Chìa khóa giúp giải thích những gì Kinh Thánh nói về hành trình của Đức Giêsu chính là cuộc Phục Sinh của Người; Đấng giải thích là Đức Giêsu Phục Sinh.

Trong khi Đức Giêsu Phục Sinh giải thích Kinh Thánh, lòng các môn đệ đã nóng cháy (24,32), nhưng chỉ sau khi Người bẻ bánh, mắt họ mới mở ra (24,31). Hai hành vi này không đưa vào những yếu tố mới, nhưng nhắc lại những gì đã được ban cho các môn đệ, và bây giờ lại được ký thác cho họ theo cách mới. Từ nay, Đức Giêsu không ở trong những hoàn cảnh sống trần thế nữa. Do đó, họ phải đọc Kinh Thánh từ quan điểm của Đức Giêsu Phục Sinh. Khi đón nhận Mình và Máu Người, họ phải nhận ra tình yêu vô biên của Đức Giêsu  đối với các môn đệ Người.
 
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua những chia sẻ cho Đức Giêsu, hai môn đệ nói về “chúng tôi” bằng nhiều cách (“mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi”, “mấy người trong nhóm chúng tôi”): họ chứng tỏ là họ rất gắn bó với cộng đoàn. Cộng đoàn xuất hiện ra trong bài Tin Mừng này như là một điểm quy chiếu vững chắc và như là nơi quy tụ tất cả các chứng từ và kinh nghiệm. Các thành viên của cộng đoàn chưa được tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Phục Sinh, nhưng cộng đoàn là nơi chuẩn bị cho họ nhận biết chính Đấng Phục Sinh khi Người hiện ra giữa họ (24,36-53).            

2. Lộ trình của hai môn đệ là “đi từ Giêrusalem về Giêrusalem”, hay “Giêrusalem-Emmau: chuyến đi khứ hồi”. Khi họ đi về Giêrusalem, họ đã rời bỏ cộng đoàn, Đức Giêsu đi bên họ mà họ không nhận ra Người. Khi họ quay trở lại Giêrusalem, họ muốn được liên kết trở lại với cộng đoàn, Đức Giêsu không còn đi với họ nữa, nhưng trái tim của họ chan hòa kinh nghiệm đã trải qua. Đã có một tiến trình đào sâu trong đó Đức Giêsu nổi bật hoặc như là đối tượng hoặc như là chủ thể. Kết quả là từng cá nhân và cộng đoàn đạt được một sự hiểu biết ngày càng sâu hơn về hành trình của Đức Giêsu và một sự nhận biết ngày càng chắc chắn hơn về sự Phục Sinh của Người.

3. Đọc truyện này, tôi cũng nhận ra được bố cục của một cuộc cử hành Thánh Thể: phần thứ nhất là Phụng vụ Lời Chúa: lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý nghĩa (Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh), phần thứ hai là Phụng vụ Thánh Thể (Đức Giêsu bẻ bánh). Chính Thánh lễ cũng sẽ đưa người tín hữu đến chỗ gắn bó với cộng đoàn hơn, làm chứng cho nhau để củng cố niềm tin, rồi lên đường tiếp tục chứng từ ấy giữa muôn dân.

4. Đức Giêsu đã làm một số hành vi: đến gần, cùng đi, hỏi, giải thích Kinh Thánh, bẻ bánh, mở mắt cho hai môn đệ, biến mất. Ba hành vi đầu có thể tóm lại bằng công thức “đi tìm con chiên lạc”. Hai môn đệ giống như con chiên trong bài dụ ngôn, đã bỏ đàn, và Đức Giêsu như người mục tử đi tìm con chiên lạc để đưa nó về đàn (x. 15,4-7). Trước khi tỏ mình ra cho toàn thể cộng đoàn (24,36-53), Đức Giêsu đã tìm lại được hai kẻ đã bỏ đi. Như thế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn quan tâm đến những gì đã mất (đối với Phêrô cũng vậy: 22,61; 24,34).

5. Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa nói với dân Ngài là thẩm quyền cao nhất cho họ và là điểm quy chiếu mà mọi người đều biết. Khi cho thấy Sách Thánh nói về Người và về những biến cố chính của hành trình đời Người, Đức Giêsu giúp ta thấy rằng các biến cố ấy không phải là những biến cố xa lạ và phi lý, nhưng thuộc về tương quan và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi đó ta mới vượt qua được chướng kỳ là Đức Kitô bị nộp và bị đóng đinh (23,35-39; 24,20-21).

6. Lời của hai môn đệ đúng là kêrygma: cho dù ở dạng không mấy minh nhiên (như ontôs êgerthê ho kyrios, “Chúa sống lại thật rồi”, Lc 24,34), kêrygma này có các yếu tố căn bản: ba ngày, các phụ nữ tại mộ, các thiên sứ, tin nói rằng Đức Giêsu vẫn sống. Nhưng ở đâykêrygma được kể ra như là một điều không hiểu được, một điều hẳn là không thể nào đã xảy ra và lại là một bi kịch cho tất cả những ai đã đặt tin tưởng vào Người. Các lời thì có đó, nhưng con tim thì không; phải nói là con tim chỉ đầy phiền muộn, thất vọng, khiến cho người nói cảm thấy cay đắng, và do đó không thuyết phục được người nghe. Cần phải nghe câu trả lời của Đức Giêsu, một câu trả lời diễn tả kêrygma đích thật. Đức Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và huấn giáo viên để cung cấp lời giải thích các môn đệ đang chờ.

 

Gặp gỡ Chúa Phục Sinh

Trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine”: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.

Từ nay, mỗi lần đọc đến câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau”, chúng ta thật xúc động và cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II. Trong năm cuối cùng của triều đại Giáo hoàng, Ngài đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động.

Khi để lại cho Dân Chúa lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, Thánh Gioan Phaolô II muốn công bố và nhắc nhớ về Đức Giêsu Phục Sinh. Bởi vì có phục sinh thật, Đức Giêsu mới đang thật sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, như thánh Phêrô công bố sự kiện Phục Sinh cho người Do thái sau khi Chúa sống lại (theo bài đọc 1).Ngài xác tín là, chúng tasẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh khi mộ mến Bí Tích Thánh Thể.Ngàimời gọi, hãy nhớ đến Đấng đã cứu độ nhân loại, nhớ đến thân phận con người và diễm phúc là đã được cứu nhờ Đức Giêsu hy sinh mạng sống và đổ máu vì chúng ta; hay nói như thánh Phêrô trong bài đọc 2, được cứu khỏi nếp sống phù phiếm và sự chết đời đời, không phải nhờ vàng bạc hay hư nát mà nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu.

Câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau” là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh.

Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo.

Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục Sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh.

Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T : Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nỗi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Người đã giải thích cho các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước. Bài đọc 1, sách Công vụ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói : Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: “Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để “khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng” (MK 26).
 

Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn