1
19:44 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 392

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 390


Hôm nayHôm nay : 73092

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 463179

Tổng cộngTổng cộng : 28017463

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 14 Thường niên Năm A

Thứ năm - 03/07/2014 11:04-Đã xem: 1205
Hôm nay Chúa nói: "hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Sự hiền lành của Chúa không phải là đi tìm sự thỏa hiệp với thế gian. Chúa không im lặng trước sự dữ. Chúa đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của những kẻ biệt phái. Chúa đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 14 Thường niên Năm A

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 14 Thường niên Năm A

BÀI ĐỌC I: Dcr 9, 9-10

"Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.
Đây Chúa phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất".   Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 9. 11-13
"Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.  Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.   Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 17
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 11, 25-30
"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.  "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".   Đó là lời Chúa.

 

Chú giải của Noel Quesson.

Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói…
Thành ngữ. "vào lúc ấy” thường là công thức về văn phong mà các sách Kinh dùng làm lễ đã thêm vào để bắt đầu một đoạn Tin Mừng một cách tự nhiên hơn. Nhưng ở đây là môt ngoại lệ, nó có trong bản văn của Matthêu. Vậy trong bối cảnh nào mà lời cầu nguyện chúng ta sắp đọc được đưa vào?
“Lúc ấy" là một thời điểm bi đát. Đức Giêsu sống trong một bầu khí căng thẳng và thất bại. Ở chương 11 thánh Matthêu vừa mô tả sự "hoài nghi" của Gioan Tẩy trong nhà tù: "Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "Đức Giêsu kế đó đã thuật lại cách thức mà những kẻ đồng thời với Người đã từ chối ông Gioan vị ẩn sĩ khổ hạnh và cả Đức Giêsu Đấng Hằng Sống nhân từ (11,16-19). Rồi Đức Giêsu lên án nghiêm khắc những thành phố bên bờ hồ Ti-bê-ri-a đã không đón nhận sứ điệp và các phép lạ của Người. Nhiều người trong hoàn cảnh thất bại này hẳn sẽ rơi vào sự thất vọng và chán nản. Vả lại, đây là một “bài ca vui mừng" trào dâng từ đôi môi Người. Vậy tâm tình thầm kín của Đức Giêsu là gì?
Lạy Cha là Chúa Tể trời đất...
Trong một vài dòng, chúng ta nghe Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là "Cha" năm lần. Chúng ta đã quá quen nên không nhận thấy rằng cách gọi Thiên Chúa này mở ra một cuộc cách mạng tôn giáo thật sự. Những nhà chú giải đã tìm trong toàn bộ Kinh Thánh và tất cả văn chương Do Thái trước Đức Giêsu chưa bao giờ từ ngữ ấy, "Cha” được dùng một cách tuyệt đối và dùng để cầu khẩn trực tiếp Thiên Chúa. Không một Thánh Vịnh nào dám gọi Thiên Chúa một cách thân mật.
Như thế, những người Do Thái, ngày nay cũng thế, bởi lòng tôn kính, không dám phát âm cái tên khôn tả của Thiên Chúa nhưng dùng mọi cách nói tránh, ví dụ như: "Đấng Hằng Hữu, xin chúc tụng..." Dường như các tông đồ không thể nghĩ ra một từ ngữ như thế, bởi họ cũng là người Do Thái, nếu như họ đã không nghe thấy trên đôi môi Đức Giêsu đang cầu nguyện. Và đàng sau từ ngữ ấy, ngày hôm nay đã trở thành thông thường, chúng ta nhận ra tiếng “Abba!" trong ngôn ngữ A-ra-men. Đây là một từ âu yếm của các con nhỏ dùng nói với cha chúng, tương đương với chữ Ba (Bố) của chúng ta..
Cha! Ba, Chúa của trời đất!
Sự đối chiếu của hai khía cạnh ấy của Thiên Chúa thật cảm động. Đây là Thiên Chúa cao cả, Tạo Hóa của toàn thể vũ trụ! Lạy Chúa, xin ban cho chúng con theo gương Chúa có đủ hai thái độ cầu nguyện ấy: sự đơn sơ của tình cảm; sự tôn thờ chân chính.
Con xin ngợi khen Cha.
Động từ Hy Lạp dùng ở đây là "exomologeisthai" có nghĩa là "xưng thú”, "tuyên xưng công khai đức tin" "dâng lời ngợi khen", "cảm tạ". Như thế, giữa những thất bại trong việc rao giảng, đây là một lời cầu nguyện ngợi khen tràn ngập linh hồn; một thứ Thánh Thể ".
Và chúng ta không thể không ngạc nhiên bởi sự giống nhau đáng ngạc nhiên giữa lời Đức Giêsu cầu nguyện với bài ca ngợi khen (Magnificat) của Mẹ Người. "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng". Cả hai bài kinh này đều được cấu kết bằng những ẩn dụ trong Kinh Thánh (Cn 8,9; Xi-ra-cít 51,1-30; Kn 6,9; Đn 7,13-l4). Và cả hai ca hát niềm vui của những người nghèo khó mà Thiên Chúa ưa thích.
Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng mạc khải cho người bé mọn.
Đức Giêsu cầu nguyện và đi từ đời sống cụ thể của Người. Người đi từ sự thất bại mà các kinh sư và các Thầy dạy Luật đã gây ra cho Người... từ sự tiếp đón mà Người đã nhận từ những người khiêm nhượng và nghèo khó. Còn tôi thì sao? Tôi có cầu nguyện từ' đời sống và những lo lắng của tôi? Tôi có dám thử tìm ra "lời để ngợi khen" giữa những hoàn cảnh bất lợi đang làm tổn thương tôi? Khi đọc lời kinh này của Đức Giêsu người ta có thể bị đụng chạm bởi cảm tưởng Thiên Chúa "giấu giếm" một điều gì đó cho một số người Và mạc khải điều đó cho những người khác! Trong toàn bộ Cựu ước, chúng ta tìm thấy ngôn ngữ Sê-mít này rất mạnh xem ra bất chấp tự do của con người. Ví dụ như, chính Thiên Chúa làm cho "lòng vua Pha-ra-on thành ra chai cứng" (Xh 9,12). Công thức này muốn diễn tả tất cả không ngoại trừ, hoàn toàn tất cả đều phụ thuộc vào Thiên Chúa, nhưng đúng là con người phải chịu trách nhiệm về những sự khước từ của mình, mà không phải là Thiên Chúa. Chính vì thế người ta tìm thấy công thức rõ ràng là trái ngược: "Vua Pha-ra-on làm cho lòng mình ra chai cứng (Xh 8,11). Dĩ nhiên ở đây vấn đề không phải là Đức Giêsu cám ơn Cha Người về việc truyền giảng thất bại và Người cũng không đổ cho Thiên Chúa sự thất bại ấy... Nhưng với sức mạnh trong ngôn ngữ mà chúng ta không còn sử dụng nhưng đã được điển hình hóa về mặt văn hóa, Người cám ơn Cha Người vì đám đông không học vấn đã tiếp đón Lời trong khi những người trí thức, than ôi lại tha hồ bị kẹt cứng trên sự chắc chắn của họ.. Chúng ta còn nhận thấy rằng đây không phải là một thứ kết án trí tuệ. Nhưng Đức Giêsu thừa nhận rằng thông thường trí tuệ quý báu của con người thực ra sẽ dẫn tới chỗ kiêu ngạo mù quáng vì tự phụ. Lý trí con người là khả năng phi thường để con người hiểu biết những sự vật của thế giới này và thiết lập những quy luật khoa học... nhưng lý trí bị giới hạn trong thế giới, và không thể nhận ra Nước Thiên Chúa bởi chỉ ánh sáng duy lý. Thánh Phaolô sẽ nói về đức tin như một thứ điên rồ": "Tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1Cr 2,1). "Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ, nhưng cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người" (1Cr 1,18-30).
Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
Để giải thích sự tiếp nhận của những người bé mọn và nghèo khó, đối diện với sự khước từ của các người thông thái và tự mãn, Đức Giêsu không phân tích khuynh hướng tâm lý và đức hạnh của họ. Người lập tức cho rằng đặc quyền của- những kẻ bé mọn là "lòng nhân từ của Thiên Chúa". Họ không tốt hơn những người khác nhưng vì họ chịu thua thiệt, họ đặc biệt lôi kéo "lòng nhân hậu của Chúa Cha. Đó là một tư tưởng bền bỉ của Đức Giêsu: bạn là kẻ tội lỗi; bạn bị coi chẳng ra gì; bạn bị khinh bỉ bạn, bị đè bẹp... Cha của Đức Giêsu nhìn bạn với một tình yêu thương đặc biệt.
Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.
Một lần nữa, phải nhận thức về lòng tự hào không chịu nổi của ông Giêsu người Na-da-rét. Người khẳng định có mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa và chính Người là một người nghèo giữa những người nghèo. Vả lại, Người dám nói rằng không một ai biết Người. Không một ai có thể thâm nhập vào căn tính sâu xa của Đức Giêsu trừ Chúa Cha! Và, ngược lại Đức Giêsu thực sự cho rằng chỉ có Người biết được Thiên Chúa!
Trong những công thức ấy, người ta nhận ra những tư tưởng thường được Thánh Gioan hòa điệu: "Không ai đến Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Khi các Công đồng của thế kỷ thứ IV và thứ V định nghĩa Đức Giêsu như “Thiên Chúa thật, và người thật", khi các Công đồng ấy định nghĩa Ba Ngôi với sự bằng nhau về bản tính của Chúa Cha, Chúa Con và. Chúa Thánh Thần, thì các Công đồng ấy chỉ nói lại bằng những từ ngữ chính xác hơn điều mà các sách Tin Mừng và giáo lý tiên khởi đều đã khẳng định. Một bản văn nhân bản văn này, trong số nhiều bản văn khác, chứng tỏ rằng những giáo huấn về Chúa Giêsu đã đồng hóa "con người này" với "Đức Chúa Giavê. Phải, những người Do Thái đã gán cho con người Giêsu những câu nói chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa: "Không ai biết Tôi ngoài Thiên Chúa; và không ai biết Thiên Chúa ngoài Tôi. Vả lại, giả thuyết những người Do Thái "thần linh hóa" một người Do Thái quả là một điều không có thật.
Trong các tôn giáo khác của Đế quốc La Mã, có thể nghĩ đến những con người, ví dụ như những Hoàng đế đã được thần linh hóa. Nhưng điều này không thể nghĩ ra được trong môi trường Do Thái: họ thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất siêu việt không thể diễn tả, mà người ta không bao giờ đám gọi tên! Kết hợp Đức Chúa Giavê với một con người, dù người này là ai là một sự phạm thánh ghê tởm.
Để đi đến điều đó, cần phải có những sự bó buộc mạnh mẽ trên bình diện các "sự kiện" và những "lời" của Đức Giêsu; tác động đến những người đã là các chứng nhân.
Phần chúng ta, sau 2000 năm, chúng ta chiêm niệm mầu nhiệm kỳ diệu ấy với nhiều sự đơn sơ và tôn thờ? Con người mà người ta thấy ăn bánh và quả ô-liu là người nông dân bé mọn ở Na-da-rét đã từng đốt lửa trên bờ hồ, là người mà người ta đã thấy lúc khóc và lúc cười, lúc tức giận và lúc đói khát. Một con người mà ban đêm người ta nghe thấy tiếng ngáy trong những lúc cắm trại ở giữa cảnh trời sao diễm ảo; người ta đã nghe Người trong lúc cầu nguyện, đã gọi Thiên Chúa "'Abba?". Và, với một vẻ bề ngoài tầm thường nhất, người khẳng định: "Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con, và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho!". Mạc khải? Thật vậy, người ta chỉ biết Thiên Chúa qua điều mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta!
Mạc khải. Một cách hiểu biết khác với sự nhận thức duy lý Thiên Chúa không được chinh phục sau một quá trình suy luận thông thái. Thiên Chúa được tiếp đón trong một tấm lòng nghèo khó: "Thầy sẽ chỉ cho con bí mật của Thầy nếu con yêu mến Thầy Điều đã bị giấu đối với các bậc khôn ngoan và thông thái được mạc khải cho người bé mọn! Người ta không đổ đầy một cái chén đã đầy rồi phải có một tấm lòng trống trải để Thiên Chúa tìm được chỗ cho Người. Phải có một trí tuệ khiêm tốn để Thiên Chúa bày tỏ Người ra. Lạy Chúa, xin tạo ra trong chúng con sự sẵn sàng để đón nhận mạc khải.
Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi,.vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
Đức Giêsu khẳng định rằng "ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Tin Mừng có những yêu sách rất mạnh mẽ. Điều quan trọng là không nên giản lược những yêu sách ấy. Nhưng Đức Giêsu tự giới thiệu như đầy sự hiền hậu và khiêm nhường: Người là lòng nhân hậu của Thiên Chúa nhập thể. Lúc đó có thể nói sự hoàn thành những yêu sách ấy xuất phát tự bản chất của hữu thể. Rõ ràng Người đến đề nghị một cách sống mới cho những người không thể mạng gánh nặng của Luật pháp; tức những người nghèo và những người tội lỗi.
Các ngôn sứ đã loan báo rằng Thiên Chúa từ chối viết Luật trên các bảng đá, theo cách ở bên ngoài của con người, nhưng Người sẽ viết Luật trên lòng người: đó là sự loan báo của Tân ước (Gr 32,31-34). Chúng ta nhận thấy sự nhất quán của tư tưởng ấy. Luôn luôn là vấn đề những người "nhỏ bé", hèn mọn. Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa cao cả, Con của Đức Chúa trời đất, đến chia sẻ sự đau khổ của những người nghèo, để giải thoát họ khỏi những đau khổ ấy. Người đề nghị làm nhẹ bớt những gánh nặng của chúng ta. Phải luôn suy niệm thấu đáo hình ảnh này: người nào mang gánh nặng nề; dừng lại một giây lát để đặt gánh xuống! Và đây là điều Đức Giêsu đề nghị chúng ta: "Thầy sẽ cho anh em nghỉ ngơi bồi dưỡng!".

 

Suy Niệm Chúa Nhật XIV Thường Niên A (2014)

Phụng Vu Chúa Nhật này trổi lên khúc nhạc vui. Bài đọc I và Tin Mừng ca ngợi giá trị nhân tính cao cả. Bài đọc II ca mừng cuộc chiến thắng của Thần Khí trên xác thịt, của sự sống trên sự chết.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Dcr 9: 9-10
Bài đọc I, được trích từ sách Da-ca-ri-a, là một lời mời gọi hãy vui lên, được gởi đến dân thành Giê-ru-sa-lem, vì Vua của họ sẽ trở lại viếng thăm họ. Ngài không oai hùng cỡi trên một con ngựa chiến, nhưng khiêm hạ ngồi trên một con lừa con: Đấng Mê-si-a Vương Đế là một vị vua khiêm tốn và hòa bình.
Rm 8: 9; 11-13
Trong thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô công bố rằng người Ki-tô hữu sống theo Thần Khí thì chiến thắng tính xác thịt và tội lỗi, vì Thần Khí là sự sống và là sự sống lại.
Mt 11: 25-30
Đoạn Tin Mừng Mát-thêu là bài “thánh thi ngợi ca”. Đức Giê-su vui mừng vì Cha Ngài mặc khải những điều bí nhiệm cho những người bé mọn và khiêm hạ.

BÀI ĐỌC I (Dcr 9: 9-10)
Bản văn này được trích dẫn từ phần thứ hai sách Da-ca-ri-a mà tác giả không phải chính vị ngôn sứ. Ngôn sứ Da-ca-ri-a thật sự sống vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên vào thời kỳ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết (521-515 trước Công Nguyên) sau thời lưu đày Ba-by-lon.

1. Tác giả của đoạn văn này:
Phần thứ hai này thuộc vị ngôn sứ sống khoảng hai thế kỷ sau đó. Phần này bao gồm từ chương 9 đến chương 14. Người ta gán cho tác giả, hay đúng hơn của nhiều tác giả, của phần thứ hai này là Da-ca-ri-a đệ nhị. Tác phẩm hỗn hợp này sưu tập nhiều mãng khác nhau, mà chúng ta không biết các tác giả cũng như niên biểu của chúng. Nó thuộc vào thời kỳ giữa việc truyền thống ngôn sứ biến mất và việc các sách khải huyền khai sinh. Vào lúc đó, người ta đọc lại những tác giả thời quá khứ, giải thích và làm mới lại sứ điệp của họ. Bản văn mà chúng ta đọc thì đầy những hồi ức của I-sai-a, Xô-phô-ni-a, Mi-kha, hai sách Các Vua, vân vân.

Một mối giây kết hiệp những yếu tố rời rạc giữa chúng, đó là chủ đề thiên sai. Đấng Thiên Sai được tuyên sấm qua ba dung mạo, cả ba dung mạo này đều có âm vang lớn lao, mà các sách Tin Mừng quy chiếu đến: trước hết, dung mạo về vị vua thiên sai, khiêm hạ và hòa bình; thứ đến, dung mạo về người mục tử nhân lành, bị các lãnh tụ của dân Ngài loại bỏ; và sau cùng, dung mạo mầu nhiệm về một Đấng Bị Đâm Thâu.

Bản văn được trích dẫn hôm nay bàn đến dung mạo thứ nhất.
2. Vua Mê-si-a khiêm tốn tiến vào thành thánh:
“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng rao hò! Vì kìa Đức Vua đến với ngươi”. “Thiếu nữ Xi-on” và “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” là hai ngữ điệu Do thái để chỉ thành thánh Giê-ru-sa-lem và ngọn đồi Xi-on.

Bài hoan ca, loan báo việc Vua Thiên Sai ngự đến, được gợi hứng bởi những tiếng hoan hô phụng vụ tán dương vương quyền của Đức Chúa. Các Thánh Vịnh cung cấp nhiều chất liệu như Tv 47: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị địa cầu”; hay Tv 95: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta…Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là đại vương trổi vượt chư thần”. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã khuếch trương các thánh thi phụng vụ như vậy rồi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi….Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa” (Xp 3: 14-15).

Đấng Mê-si-a tiến vào Giê-ru-sa-lem trong dáng điệu rất mực khiêm tốn.
3. Ngài là vị Vua khiêm hạ:
Vị vua tương lai này sẽ là “Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Năng”. Tác giả lấy lại những phẩm chất quen thuộc trong truyền thống thuần túy về trào lưu Mê-si-a Vương Đế (x. I s 9: 6; 11: 4; 16: 5; Gr 23: 5; vân vân). Tuy nhiên, danh xưng “Đấng Chính Trực” gợi lên sự thánh thiện của Ngài hơn là phẩm chất của Đấng Mê-si-a Thẩm Phán. Còn về danh xưng“Đấng Toàn Năng”, theo nguyên ngữ, có nghĩa “được giải thoát khỏi những thù địch của Ngài”. Tác giả ghi nhận “Đấng Toàn Năng, vì ông muốn nhấn mạnh một phẩm chất cốt yếu khác của Đấng Mê-si-a Vương Đế, tức là đức khiêm tốn.

“Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa hãy còn theo mẹ”. Con lừa là con vật mà các vị lãnh tụ đầu tiên của dân Ít-ra-en cỡi thời xưa; đoạn, con ngựa cần thiết cho chiến binh. Thường dân vẫn cỡi lừa.

Bản văn của Da-ca-ri-a đệ nhị này là bản văn Cựu Ước duy nhất – không kể đến những gợi ý của Người Tôi Trung – trình bày Đấng Mê-si-a ngự đến dưới những đường nét của một nhân vật rất mực khiêm tốn. Sấm ngôn của ông sẽ được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su, Ngài cỡi trên một con lừa con tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem trong tiếng hoan hô vang dậy của đám đông.

3. Ngài là vị Vua hòa bình:
“Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im, và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem, cung nỏ chiến tranh sẽ bị bẻ gãy”. Với việc nêu hai tên biểu trưng hai vương quốc: Ép-ra-im và Giê-ru-sa-lem, tác giả muốn nói rằng kỷ nguyên Mê-si-a sẽ là kỷ nguyên của sự thống nhất hai vương quốc.

Tất cả bộ máy chiến tranh sẽ bị hủy bỏ. Nhiều từ ngữ nhắc nhớ nhiều bản văn Kinh Thánh: ngôn sứ Hô-sê đã loan báo: “Ta sẽ không dùng cung nỏ, gươm đao và chinh chiến mà cứu chúng, cũng chẳng dùng chiến mã và kỵ binh” (Hs 1: 7; 2: 20). Chúng ta cũng đọc thấy tại Mi-kha: “Ta sẽ cho ngựa của ngươi biến khỏi xứ, sẽ hủy diệt xe trận của ngươi” (Mk 5: 9). Hòa bình phải là điều thiện hảo tuyệt mức của thời Mê-si-a. Vua Mê-si-a “sẽ công bố hòa bình cho muôn dân”. Những ngôn từ này hoàn toàn mang tính kinh điển như Is 57: 19:“Bình an! Bình an cho khắp xa gần!” (x. Tv 46 và 72). Đó cũng là vai trò của Người Tôi Trung là trở nên ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.

Bất chấp dáng vẻ khiêm hạ, Đấng Mê-si-a hòa bình sẽ mở rộng vương quyền của mình trên một lãnh địa rộng lớn “từ biển này qua biển nọ, và từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất”.

Được hiểu sát từ, những lời tiên báo này đặt nền tảng cho những niềm hy vọng của dân Chúa chọn vào sự khôi phục nền quân chủ thời của Đấng Mê-si-a. Đây là niềm mơ ước bền bỉ mà Chúa Giê-su sẽ còn gặp phải khi các môn đệ hỏi Ngài vào lúc Ngài từ giả các ông mà về trời: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1: 6). Nhưng đó không là viễn cảnh của vị ngôn sứ, ông đã để cho hiểu rằng“quyền thống trị” của vị vua hòa bình sẽ không thuộc lãnh vực trần thế.

BÀI ĐỌC II (Rm 8: 9, 11-13)
Chúng ta đã đọc bản văn này rồi vào Chúa Nhật V Mùa Chay. Với một lập luận khôn sánh, thánh Phao-lô đã cho thấy rằng Thần Khí hoạt động ở nơi biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô, bởi vì Thần Khí là nguồn sống, Ngài cũng sẽ đảm bảo cùng một cách thế phục sinh như vậy cho con người phải chết của chúng ta. Ở nơi chúng ta, Ngài thiết lập chỗ ở của Ngài.

Sau khi đã gợi lên sự nghèo nàn luân lý của nhân loại dưới quyền lực của tội lỗi, khởi đi từ chương 8, thánh Phao-lô phác họa bức tranh về đời sống mới của người Ki-tô hữu: được Chúa Ki-tô công chính hóa, từ nay họ sống dưới quyền lực của Chúa Thánh Thần. 

Trong một phản đề mạnh mẽ, thánh nhân đối lập bản tính yếu đuối và tội lỗi của con người mà ngài gọi “tính xác thịt” với bản tính được ân sủng đổi mới sống theo tác động của Thần Khí. Ở đây chúng ta nên lưu ý rằng thánh Phao-lô liên tục nói về Thần Khí của Thiên Chúa và Thần Khí của Đức Ki-tô trong một phương trình hoàn hảo.

Dưới sức mạnh của Thần Khí này, từ nay chúng ta có thể chiến thắng những sức mạnh của sự dữ, “diệt trừ nhũng hành vi của con người ích kỷ nơi chúng ta”. Thần khí ở trong thân xác phải chết của chúng ta, chính Ngài thanh tẩy, thánh hóa và thần thiêng chúng ta. Chính Thần Khí đảm bảo sự phục sinh của chúng ta.

TIN MỪNG (Mt 11: 25-30)
Thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca đều thuật lại lời nguyện cảm tạ bộc phát này của Chúa Giê-su. Thánh Lu-ca đặt lời nguyện này vào trong bối cảnh bảy mươi hai môn đệ hoan hỷ trở về sau khi đã chu toàn sứ mạng của mình. Chúa Giê-su cùng chung niềm vui với họ (Lc 10: 21-22) và cảm tạ Cha Ngài về sứ mạng thành công.

Khi trình bày lời nguyện này trong một bối cảnh khác, thánh Mát-thêu cho nó một chiều kích thần học có lẽ sâu xa hơn. Đức Giê-su vừa hứng chịu những thất bại: sự chống đối của những người Pha-ri-sêu càng tăng lên, nhất là trong ba thành phố miền Ga-li-lê: Ca-phác-na-um, Bết-sai-đa và Khơ-ra-din. Ngài loan báo án phạt đối với các thành này: chúng sẽ bị triệt hạ.

1. Thánh thi ngợi ca:
Tuy nhiên, thay vì cảm thấy niềm cay đắng, Chúa Giê-su lại chúc tụng Cha Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài theo thể loại văn xuôi có vần có điệu; cũng còn gọi là “thánh thi chuc tụng”. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng những lời của Đức Giê-su, được thốt lên bằng tiếng A-ram, bao gồm một cấu trúc tương tự, theo văn phong nói thông thường của người Do thái, theo đó vần điệu giúp cho việc ghi nhớ dể dàng. 

2. Tán dương “những người bé mọn”:
Chúa Giê-su ngợi khen Cha Ngài vì đã soi lòng mở trí cho “những người bé mọn” hiểu được, trong khi lại giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời.

Chúa Giê-su nhắm chính yếu đến những giới kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, những kẻ tự phụ về sự hiểu biết của mình và giam hãm mình vào trong sự khôn ngoan phàm nhân. Các ngôn sứ đã loan báo điều này, như Is 29: 14: “Vì thế, Ta sẽ tiếp tục làm cho dân này phải sững sờ kinh ngạc vì bao nhiêu dấu lạ điềm thiêng. Bấy giờ sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy thất bại, và trí thông minh của người thông minh sẽ tan thành mây khói”. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã ngỏ lời với các kinh sư Giê-ru-sa-lem: “Những hạng khôn ngoan ấy sẽ thẹn thùng, run sợ, và sa vào cạm bẫy. Này, lời Đức Chúa thì chúng khinh miệt, chúng khôn ngoan nỗi gì?” (Gr 8: 9).

“Những người bé mọn” trước tiên chỉ ra các môn đệ của Chúa Giê-su - sau này Ngài sẽ gọi họ như vậy nhiều lần - nhưng cũng chỉ những người khiêm hạ trong đám đông. Họ là những người lắng nghe lời Ngài với ý thức thân phận hèn mọn của mình, vì thế, họ hoàn toàn đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa thường ưu ái tỏ mình ra cho họ.  

Còn nhiều dịp khác nữa, Chúa Giê-su sẽ ca ngợi tinh thần trẻ thơ. Có một lần, thánh Mát-thêu thuật lại một sự cố có ý nghĩa. Trong khi lũ trẻ reo hò trong Đền Thờ: “Hoan hô con vua Đa-vít”, thì các thượng tế và kinh sư tức tối. Đức Giê-su trích dẫn Tv 8: 2 để trả lời cho họ: “Lời này các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?” (Mt 21: 14-16). 

3. Chúa Cha và Chúa Con:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất”. Còn cách diễn tả nào Chúa Giê-su có thể khẳng định địa vị Con Thiên Chúa của Ngài rõ ràng hơn như thế?

“Không ai biết Chúa Con, trừ Chúa Cha: cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Chúa Con, và người mà Chúa Con muốn mặc khải cho”. Cung giọng của đoạn văn rất gần với cung giọng của Tin Mừng thứ tư, ở đó, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng những mối liên hệ độc nhất vô nhị về sự hiểu biết và tình yêu hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con. 

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi”. Chúa Giê-su xem ra nói trước lời khẳng định mà Ngài sẽ công bố sau khi Ngài sống lại: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18). Trong bối cảnh của những lời này, chắc hẳn Chúa Giê-su gợi lên công trình cứu độ mà Ngài có sứ mạng thực hiện và các môn đệ được mặc khải về công trình này. Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất. Về vấn đề này, Tin Mừng thứ tư cung cấp nhiều chứng liệu tốt nhất, như Ga 17: 2: “Thật vậy, Chúa Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người”. 

4. Lời mời gọi của Chúa Giê-su:
Chỉ trong Tin Mừng Mát-thêu, lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su được theo với một bản văn được liệt vào một trong số những hạt ngọc Tin Mừng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. 

Gánh nặng và cái ách là hai hình ảnh rất nổi tiếng của Do Thái giáo để chỉ Lề Luật. Thánh Vịnh 19 nói rằng Lề Luật không chỉ được yêu mến, nhưng “quả thật là hoàn hảo, bổ sức cho tâm hồn” và “hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng” (Tv 18: 8-9). Nhưng vì người ta phân giải các nố một cách quá chi ly, Lề Luật đã quá tải về những tuân giữ nặng nề. Luật mới đem lại sức mạnh giải thoát: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1Ga 5: 3).

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”. Chúa Giê-su mượn cách nói của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Hãy dừng lại trên các nẻo đường mà coi, hãy tìm hiểu những đường xưa lối cũ cho biết đâu là đường ngay nẻo chính, rồi cứ đó mà đi: tâm hồn các ngươi sẽ bình an thư thái” (Gr 6: 16).

Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta trở nên môn đệ Ngài, bởi vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất ghi nhận tấm lòng dịu dàng này của Đức Giê-su, như thánh nhân là thánh ký duy nhất trích dẫn bức chân dung của Người Tôi Trung của I-sai-a “Người không lên tiếng giữa phố phường, không đành bẻ gảy cây lau bị giập, chẳng nở tắt đi tim đèn leo lét” và áp dụng vào Đức Ki-tô (Mt 12: 18).


Khiêm nhường 

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.
Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.
Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống.Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.
Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.
Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?
2. Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?
3. Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?
4. Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?

 
 Gió và mặt trời
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong tập “Những ngụ ngôn của Ê-xốp”có một câu chuyện ngụ ngôn kể về cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió. Hai nguồn năng lượng này cãi nhau xem ai mạnh hơn ai.
Ngày nọ, một cơ hội xảy đến giúp cả hai dàn xếp được cuộc tranh cãi. Hôm đó, có một người mặc áo choàng đang đi trên một con đường quê hoang vắng. Mặt trời liền thách thức với gió: “Ai làm cho người ấy cởi bỏ chiếc áo choàng ra mau hơn thì người ấy là người thắng cuộc”. Gió ta chẳng những đồng ý mà con quyết định ra tay trước. Chàng gió bèn thổi tới tập, nhưng càng thổi thì người kia càng giữ chặt lấy chiếc áo choàng, sợ nó tung bay mất. Cuối cùng, kiệt sức, gió ta đành phải chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Ông mặt trời chiếu toả hết vinh quang của mình ra. Chỉ trong mấy phút, người nọ nóng quá phải cởi bỏ chiếc áo choàng ra.
Cuối câu chuyện ngụ ngôn, Ê-xốp bàn luận: “Bạn có thể thành công nhờ sự dịu hiền dễ thương hơn là nhờ bạo lực”.
Anh chị em thân mến,
Trong một thế giới mà những quy luật “mạnh được yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”, gần như là tất yếu và phổ biến, thì lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận và xác tín, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.
Hôm nay, Lời Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu còn cho biết: những người có tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường là những người được Chúa yêu thương đặc biệt và được Chúa tỏ ra cho biết những Mầu nhiệm Nước Trời. Vì chỉ những ai có tâm hồn bé nhỏ mới có tinh thần và trái tim rộng mở đón nhận Lời Chúa. trong lời cảm tạ Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, mà lại mạc khải cho người bé mọn”.
Nhưng ai là những kẻ bé mọn?
Theo Tin Mừng Thánh Matthêu, những kẻ bé mọn là những người nghèo khổ, những người yếu thế, những kẻ đang vất vả và phải mang gánh nặng. Trong Do Thái giáo, cái ách hay là gánh nặng thường là hình ảnh của những luật lệ. Các thầy thông luật tự cho mình là khôn ngoan thông thái, thường hay bày vẽ ra đủ thứ luật lệ mà những kẻ đơn sơ, bé mọn dù cố gắng đến đâu cũng chẳng thể nào tuân giữ trọn vẹn được. Làm sao đầu óc đơn sơ chất phác của họ phân biệt nổi cái gì chính yếu, cái gì thứ yếu trong những luật lệ chi li lắt léo mà đầu óc mấy ông Pharisêu, những kẻ có tinh thần nệ luật, chỉ biết sống nô lệ, như cái máy, đã chỉ có khả năng là giăng lưới gài bẫy, khiến những kẻ đơn sơ chất phác không thể nào lọt vào được bên trong cái thế giới thánh thiêng cao cả mà họ đã dựng lên. Chúa Giêsu không thể chấp nhận một thứ vương quốc của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những kẻ khôn ngoan thông thái và những kẻ đạo đức giả chỉ biết cậy vào thành tích giữ luật của mình. Ngài đã đến như một người nghèo sống giữa người nghèo và loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Nước Trời mà Ngài loan báo là một vương quốc mở ra cho những người bé mọn, nghèo hèn, nghèo về thể chất đã đành, nhưng cũng nghèo về tinh thần nữa, nghĩa là những người tội lỗi.
Nhưng Chúa Giêsu không phải là người chủ trương vô luật lệ. Ngài cũng có những đòi hỏi của Ngài. Nhưng luật lệ của Ngài là “cái ách êm ái”, “cái gánh nhẹ nhàng”. Vì ách đó, gánh đó chính là lòng yêu thương. Lòng yêu thương này Ngài mời gọi chúng ta cùng chia sẻ với Ngài. Nhưng để có thể yêu thương, con người phải biết sống hiền từ và khiêm tốn. Bởi vì kẻ kiêu ngạo không thể biết yêu thương: họ chỉ biết chiếm đoạt và thống trị. Họ cũng không thể hiền từ với tha nhân, trái lại, luôn luôn là những kẻ độc ác.
Thưa anh chị em,
Cuộc đời của Chúa Giêsu thật đơn sơ giản dị. Ngài sống giữa loài người như một người anh em nhỏ bé nghèo hèn, không thích giàu sang, chẳng muốn dùng quyền để thống trị và cũng chẳng tỏ ra khinh khi chê ghét một người nào, cho dù là kẻ tội lỗi. Trái lại Ngài đã đặc biệt ưu ái những người này, tới mức bị thiên hạ dị nghị, coi Ngài là bạn thân của những người tội lỗi. Sở dĩ như thế là vì chân lý Ngài mặc khải không phải là thứ chân lý trừu tượng cao siêu mà những bậc khôn ngoan thông thái của trần gian ưa suy luận, nhưng chân lý của Chúa là chân lý của tình thương mà tình thương là ngôn ngữ mà cả trẻ thơ măng sữa cũng hiểu được.
Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài. Mà đã không biết Thiên Chúa thì làm thế nào có thể rao giảng hay làm chứng về Ngài được?
Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng sự dịu hiền của Chúa Kitô và tình yêu của Ngài cuối cùng sẽ thắng được bạo lực và áp bức.

 

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn