1
20:24 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 164


Hôm nayHôm nay : 30362

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 334484

Tổng cộngTổng cộng : 27888768

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật VIII Thường niên A

Thứ sáu - 28/02/2014 09:18-Đã xem: 1772
Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó.
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật VIII TN

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật VIII TN


Bài Ðọc I:  Is 49, 14-15
"Ta sẽ không quên ngươi đâu".

Trích sách Tiên tri Isaia.
Sion nói: "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi". Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu.
Ðó là lời Chúa.


Bài Ðọc II: 1 Cr 4, 1-5
"Chúa sẽ phơi bày những ý định của tâm hồn".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Ðức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn; và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người.
Ðó là lời Chúa.



Phúc Âm: Mt 6, 24-34
"Các con chớ áy náy về ngày mai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".
Ðó là lời Chúa.

 

Chú giải của Noel Quesson

Ngày nay, một cách đọc Tin Mừng hời hợi thật ra sẽ có hại. Đức Giêsu có lên án tiền bạc không? Người có khuyên người ta vô lo và lười viếng không? Đức Giêsu có thể có lý khi khuyên một người cha trong gia đình đang thất nghiệp đừng lo lắng cho ngày mai không? Khi cho ví dụ “chim trời không gieo, không gặt”, Đức Giêsu có bảo các bà mẹ. Trong gia đình đừng chuẩn bị các bữa ăn, đừng mua lương thực không? Có thật là Người bảo những người nghèo đôi khi thiếu cá nhưng nhu cần thiết phải chờ một phép lạ của sự quan phòng để không chết đói. Từ đó, Đức Giêsu chẳng phải là một con người hiền lành mơ mộng mà ngôn ngữ mang chất thi ca là một thứ trò chơi không có thật, không thể nào phù hợp với thực tế khắc nghiệt của kinh tế và những vấn đề nghiêm túc của việc phân chia các tài nguyên hay sao?

Hẳn ở đây phải có một ngộ nhận. Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu những lời của Chúa. “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được...". Thật là tai hại khi những dịch giả đã không dám giữ lại ở đây một chữ, quả thật là huyền bí mà Đức Giêsu chắc chắn đã sử dụng. "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Mam-mon...". Từ ngữ này bằng ngôn ngữ A-ram đã được Matthêu giữ lại trong bản văn Hy-lạp bởi vì chắc đúng là do chính Đức Giêsu nói ra bằng tiếng mẹ đẻ của Người là tiếng Aram. Trong ngôn ngữ này; “Mam-mon" có nghĩa cụ thể là "tiền bạc", "thu hoạch", "lợi nhuận", "sự giàu có". Khi đặt "Thiên Chúa" đối lập với "Tiền Của”, Đức Giêsu dường nhu muốn nhân cách hóa tiền bạc... làm nó thành một thứ ngẫu tượng. Người ta có cảm tưởng rằng Đức Giêsu nghĩ đến "Tiền Của" như đó là đối thủ của Thiên Chúa, một cách diễn tả cụ thể về Xa-tan, “Ông Hoàng của thế gian này" bắt con người làm nô lệ và cố gắng đoạt chỗ của Thiên Chúa…Để hiểu rõ tư tưởng của Đức Giêsu, chúng ta cũng ghi nhận ở đây hai từ quan trọng. Người nói về "chủ”.. về “làm tôi"... Từ "chữ” dịch từ "kurios" thường có nghĩa là “Đức Chúa". Từ "làm tôi" dịch từ "douleuô"' có nghĩa là "làm nô lệ". Những nhận xét ấy làm chúng ta phải nghĩ rằng Đức Giêsu không chống lại tiền của một cách ngây thơ và không thực tế. Ở Nagiaret, Người đã có một nghề nghiệp: Người đã trải " qua kinh nghiệm kiếm sống đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Và cũng như hai mươi gia đình tạo thành ngôi làng nhỏ miền quê ấy; "Người cũng phải sở hữu ít đồng ruộng và một vài gia súc. Đức Giêsu hoàn toàn biết rằng tiền bạc có ích trong các giao dịch thương mại. Người không có phản ứng sơ đẳng chống lại các ngân hàng,. hoặc các đồng tiền hoặc tiền thuế hoặc những người thu thuế! Điều này là một phần của đời sống Người và chúng ta các dụ ngôn..của Người: “Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi ". Người bảo họ: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda" (Mt 22,19). Trong dụ ngôn những nén bạc và của cải chôn giấu Đức Giêsu còn khuyên những kẻ nghe Người nói "đem số tiền của họ gởi vào ngân hàng?. Đức Giêsu luôn tự đo đối với mọi ý thức (Matthêu 25,27).

Không, Đức Giêsu không lên án tiền của tự thân, trong việc sử dụng bình thường của tiền của. Trái lại, không có từ ngữ nào đủ mạnh để lên án "sự nô lệ cho tiền của": Anh em không thể làm tôi Mam-mon! anh em không có quyền làm mình trở thành nô lệ của ông chủ đáng sợ đó. "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!" (Luca 6,24). "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất: vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó" (Matthêu 6,19). "Hãy đi bán tài sản của mình" (Mt 19,21). Những lời ấy rất mạnh mẽ, những không lỗi thời và cổ lỗ: sự nô lệ cho tiền của là một bệnh "ung thư" thật sự của xã hội chúng ta. Nhắc lại như thế là việc tầm thường. Nền văn minh Phương Tây đang tự phá huỷ chính mình dưới nhịp độ dữ dội mà cuộc chạy đua đuổi theo cái "tiện nghi”, cái “xa hoa”, những đồ dùng lạ mắt bắt ép nền văn minh ấy. Chính con người trở thành nền văn minh của ‘đồ bỏ đi ấy của Xa-tan’: tiện nghi, xa hoa, những đồ dùng lạ mắt bắt ép nền văn minh ấy. Chính con người trở thành nạn nhân của "đồ bỏ đi ấy của Xa-tan" như cách gọi của tác giả người Ý, Papini. Biết bao nhiêu nhà doanh nghiệp có một cuốn lịch đen ghi các cuộc hẹn gặp nhưng không bao giờ còn sống chung với vợ và con cái của họ nữa? Càng không còn sống với Thiên Chúa! Còn nói gì về sự “phung phí" các nguồn tài nguyên của hành tinh này có nguy cơ làm ghẹt thở nhân loại của thế kỷ XXI? Còn nói gì về sự "cướp bóc” các nước thuộc thế giới thứ ba bởi các nước giàu có?

Không, tiền của không có mùi thơm. Đó là một quyền lực của cái ác đáng sợ khi nó "nô lệ hóa" Một người nào. Giá một chiếc xe tăng đủ để mua lương thực cho hàng trăm ngàn người đói khát!!! Và chúng ta không hề xấu hổ. Một máy bay siêu thanh khu trục và ném bom có giá bằng 40.000 nhà thuốc tây ở các làng mạc để cứu sống những em nhỏ!!! Và chúng ta không hay biết. Tiền của lẽ ra phải là một "đầy tớ" tuyệt vời, hiện đang là một "ông chủ” xấu. “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”.

Công thức "đừng lo" sẽ trở lại bốn lần trong một vài hàng. Quả thật, sự "lo lắng" là một trong những hình thức nô lệ mà của cải kéo theo nó. Theo thống kê, thế giới Phương Tây hiện đại rất dễ bị tổn thương bởi chúng nhồi máu cơ tim và trầm uất thần kinh hơn phần còn lại của thế giới. Dường như Đức Giêsu muốn nói: Hãy nắm lấy đời sống ở khía cạnh tốt đẹp. Anh em hãy sống, nhưng hãy sống đi! Anh em dùng thời gian của mình để chạy, để lúc nào cũng có được nhiều tiền hơn: thỉnh thoảng anh em hãy dùng thời gian để sống! Và Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta trật tự rõ ràng của các giá trị. Lương thực, quần áo dù rất cần thiết... cũng chỉ để phục vụ sự sống! Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, trong một thông điệp của ngài đã nhắc lại những nguyên tắc ấy về sự khôn ngoan của Tin Mừng: “Ý nghĩa nền tảng sự thống trì của con người trên thế giới hữu hình…. chủ yếu là sự ưu tiên Của luân lý (đạo đức) trên kỹ thuật, vị trí hàng đầu của con người trên đồ vật, sự ưu việt của tinh thần trên vật chất… Điều quan trọng là sự phát triển của con người chứ không chỉ là sự tăng bội của các đồ vật... Thà có ít hơn để hiện hữu nhiều hơn". “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vùa Sa-lô-môn, đủ vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế thì huống hồ là anh em, Ôi những kẻ kém tin?".

Những hình ảnh này không thể nào quên được. Nhưng chúng quá ấn tượng nên người ta có thể hiểu sai. Các bạn hãy đọc lại những lời ấy. Đức Giêsu không bao giờ nói rằng không nên làm việc. Đức Giêsu không bao giờ khuyến khích người nghèo đi xin xỏ hoặc nằm chờ sung rụng. Người không đề cao sự vô lo hoặc thói lười biếng. Thật là quá đáng. Có một thu "tôi mặc kệ". nào đó làm cho chính những người khác phải mang lấy những lo lắng vì chúng ta vô lo, chúng ta chất lên đầu họ. Trái lại, có những lo lắng, do lòng thương yêu người khác, những người mà chúng ta có trách nhiệm: Tin Mừng bảo chúng ta nhận lấy những lo láng này trên vai chúng ta như người ta vác một cây thập giá. Vả lại, nếu Đức Giêsu nói: "Anh em chớ làm gì cả, cư vô tích sự đi..." thì tại sao trong toàn bộ Kinh Thánh ngay từ đầu, Chúa đã nói điều ngược lại. Chương đầu tiên của sách Sáng Thế cho chúng ta lệnh truyền "hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng". Thật ra Đức Giêsu khẳng định: “Vì thợ đáng được nuôi ăn" (Matthêu 10,10). Điều này được hiểu ngầm rằng người nào không làm việc, người đó không có quyền ăn như lời Thánh Phaolô đã kết luận (2 Thê-xa-lô-ni-ca 3,10). Và cũng phải đọc lại lời lên án nghiêm khắc của..người đã không làm sinh lợi nén bạc mà người đó đã nhận (Matthêu. 25,14-30). "Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài". Vậy Đức Giêsu muốn nói điều gì? Khi Người nói "lo lắng mà làm gì?”. Thế thì người nói một điều thật sự rất tốt cho mỗi người-chúng ta: Người bảo chúng ta phải thư giãn một chút phải chống lại sự căng thẳng thần kinh thái quá… Người bảo chúng ta phải làm việc như "chim trời và hoa cỏ ngoài đồng": Các bạn hãy nhìn kỹ chúng... hãy nhìn hoạt động và các sự khéo léo mà chúng sử dụng để sống, để nuôi thân, để có nới trú ẩn? Và rồi Đức Giêsu nói với chúng ta nhiều nhất về Chúa Cha: anh em còn đáng giá hơn tất cả những tạo vật khác, vậy mà Người đã chăm lo cho chúng với sự chính xác. “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoài vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Tất cả lập luận của Đức Giêsu nhằm mời gọi chúng ta chớ quá lo lắng dựa trên một sự tin chắc của đức tin: Cha anh em “biết"? Trước đó, Người đã nói về sự cầu nguyện: "anh em đừng lải nhải như dân ngoại, vì Cha anh em đã "biết" rõ anh em cần gì (Matthêu 6,8). Hai quan niệm về Thiên Chúa đối lập nhau: Thiên Chúa ma thuật của những dân ngoại... và Thiên Chúa là Cha yêu thương con cái Người. Con người theo Đức Giêsu không hề là một người "vô lo"... mà chính là con người đã thay đổi mối lo! Người ấy đã trở nên say mê Nước Thiên Chúa: "Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa!". Làm tôi tớ cho Mam-mon trên thực tế là chỉ lo cho chính mình. Còn phục vụ cho Thiên Chúa là bắt đầu phục vụ tình yêu, là được tự do... “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ đề ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ về ngày ấy”.

Một câu châm ngôn bình dân. Đức Giêsu biết mình nói về điều gì. Cả cuộc đời, Người đã sống như thế. Đúng vậy Tại s ao lại thêm vào những lo lắng của hôm nay những lo lắng của ngày mai? Như thế, người ta sống mỗi ngày với nỗi sợ hãi những bất hạnh là có lẽ sẽ không đến. Chỉ cần sống những lo lắng mỗi ngày... ngày mai rồi sẽ biết! Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa.
 

 

TÍN TRUNG  

Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh liên hệ mẹ con nối liền ruột thịt để diễn tả một tình yêu gắn bó khó rời. Đúng thế, chẳng người mẹ nào có thể quên con mình đã cưu mang và sanh nở. Vì con cái chính là thịt máu của mẹ. Mỗi người đều khởi đầu sự sống trong cung lòng mẹ. Dạ nào cũng êm ấm, bảo đảm và an toàn. Cung lòng mẹ là cái nôi cho con bước vào đời. Thiên Chúa đã an bài để thai nhi được phát triển một cách nhiệm mầu trong cung lòng mẹ. Sau khi thụ thai, người mẹ lãnh nhận một món qùa vô giá là sự sống của một người con. Mẹ cứ việc sinh hoạt bình thường, đi lại, làm lụng, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và dưỡng thai. Biết có thai nhi trong cung lòng, mẹ cảm nhận mọi biến chuyển của thân xác nhưng không nhìn biết sự phát triển của con. Mỗi ngày sự sống trong con phát triển để thay đổi hình hài và mỗi giây phút con đều nhận hởi thở và của nuôi dưỡng qua thân xác mẹ.

Mẹ con gắn liền sự sống bên nhau. Khi con còn ở trong lòng mẹ, mẹ con cùng chia sẻ sự sống. Nhưng mỗi thụ tạo dù bé nhỏ đều có một kết cấu hình thành riêng biệt. Với tình mẫu tử, các người mẹ đều yêu thương con cái mình. Qua sự quan phòng, Thiên Chúa còn yêu thương mỗi loài thụ tạo hơn nữa. Tiên tri Isaia diễn tả tình yêu: Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu (Is 49, 15). Thực tế cuộc sống, chúng ta biết không thiếu những trường hợp cha mẹ ruồng bỏ con, hủy diệt mạng sống non nớt của con và từ chối đón nhận con. Chúng ta không xét đoán những bà mẹ đáng thương này. Mỗi bà mẹ bỏ con đều có những uẩn khúc và lý do riêng. Chúng ta được biết mỗi ngày có biết bao nhiêu bào thai bị phá, trẻ sơ sinh bỏ rơi cho chết và trẻ em bị bán đi làm nô lệ tình dục và lao động. Cha mẹ thương con, nhưng nhiều khi cha mẹ rơi vào những trạng huống thật khó khăn. Tuy nhiên không có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc chối bỏ, quên lãng hay hủy diệt con cái mình. Chỉ vì nhiều cha mẹ đã chọn sai ông chủ.

Thánh Matthêô đã vạch rõ con đường theo Chúa: Không ai có thể làm tôi hai chủ: Vì hoặc nó sẽ ghét người này và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được (Mt 6, 24). Có nhiều cha mẹ đã phá thai bỏ con. Họ coi con cái như của nợ và như gánh nặng cuộc đời. Có rất nhiều trường hợp và lý do đưa đến sự từ bỏ con cái, khi còn là thai nhi. Các trường hợp có thể: Khi cha mẹ tuổi đời còn qúa trẻ, chưa hoàn tất việc học hành, lỡ lầm, chưa có tương lai, chưa có nghề nghiệp, kinh tế khó khăn, danh giá gia đình, sợ mang tiếng tăm, sợ gánh nặng, sợ tương lai, bạn trai trốn chạy, sợ trách nhiệm và có những liên hệ bất chính… Cha mẹ từ bỏ con cái mình vì đã tự chọn danh giá, quyền lợi, thú vui và tiền của để làm chủ cuộc đời. Cuộc sống luân lý bị ảnh hưởng của trào lưu xã hội tục hóa và hưởng thụ. Tiền bạc của cải đã chi phối toàn diện đời sống con người. Của cải là đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu.

Truyện kể: Một người giầu có thường đến xưng tội với thánh Philiphê Neri, nhưng không thấy tiến bộ trên đường nhân đức, nên ông đã chán nản thất vọng đến nỗi bỏ luôn việc xưng tội. Thánh nhân tìm đến nhà ông, sau một lúc truyện trò thân mật, ngài nhìn lên cây thánh giá treo trên trường và cân nhắc độ cao của thánh giá, rồi đề nghị với người giầu có rằng: Ông thử với tay xem có chạm tới thánh giá được không? Người đàn ông vươn cánh tay dài của mình ra nhưng không thể nào chạm tới thánh giá được. Bấy giờ thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái tủ đựng tiền của ông đến bên cạnh, ngài bảo ông hãy đứng lên cái tủ ấy để với tới thánh giá. Qủa thật, ông đã sờ chạm được Chúa Giêsu trên thánh giá. Lúc đó thánh nhân mới nói: Để có thể chạm được Chúa Giêsu và để tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải ‘đứng trên tiền bạc’.

Có một sự giằng co mãnh liệt trong đời sống luân lý đạo đức ngày nay. Hằng ngày chúng ta phải đối diện với sự tranh đấu sống còn về cơm áo gạo tiền. Những đòi hỏi nhu cầu cuộc sống càng ngày càng tăng. Chúng ta phải lăn xả và chìm đắm trong công ăn việc làm, tiền bạc của cải và đời sống bon chen từng ngày. Chúa Giêsu nhắc nhở tỉnh thức: Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con (Mt 6, 33). Chúng ta tự nhủ rằng phải lợi dụng mọi thời giờ, cơ hội và sức lực để thu bón của cải làm giầu. Và cứ thế, chúng ta mải mê ngày này qua ngày khác vun xới cho kho tàng tạm bợ này. Chúng ta quên rằng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước, mọi sự Chúa sẽ ban cho.

Chúa không khuyên dạy chúng ta ăn không ngồi rồi. Nhưng cần có lòng tin tưởng và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa: Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy (Mt 6, 34). Chúng ta quan sát sự vận hành trong vũ trụ, mỗi ngày là một ngày mới có nhiều thay đổi. Thế giới, môi trường và đời sống đổi thay từng giây phút. Không có gì tồn tại mãi ở đời. Khí hậu mỗi ngày mỗi khác và mưa nắng mỗi mùa mỗi thay đổi. Chúng ta không nắm chắc được điều gì trong tương lai. Chúng ta thường lo lắng tính toán nhiều cho ngày mai. Sự lo lắng của chúng ta là chính đáng, đó là sự khôn ngoan biết dự liệu trước sau. Nhưng sự thành bại còn tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh và môi trường chung quanh. Mỗi ngày luôn có những sự cố mới bất ngờ xảy ra không ai lường trước.

Mỗi ngày có biết bao nhiêu sự lạ xuất hiện. Vũ trụ tự nhiên thì cứ tiếp tục vận hành theo sự an bài của Đấng Tạo Hóa. Xã hội con người cũng tiến bước trong các ngành nghề và mọi khía cạnh cuộc sống. Kỹ thuật khoa học không ngừng phát triển. Đời sống tâm linh của con người không thể nhắm mắt đưa chân theo những đòi hỏi của bản năng hay trào lưu tục hóa. Sự chọn lựa thái độ sống của con người rất quan trọng. Đời sống con người có cùng đích và có hướng để tiến tới. Bước tiến đồng hành cả về trí, đức và dục. Chúng ta không thể tách biệt sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành dưới thế. Vì con người khởi đi từ đất nhưng kết thúc trên cõi cao. Chúng ta không thể chỉ bám víu vào tiền bạc, của cải, danh vọng và thỏa mãn các thú tính. Ơn gọi của chúng ta thật cao cả. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và chọn Chúa làm chủ đời mình. Chúng ta sẽ được bước đi trên con đường tình yêu rộng mở.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy tự vấn lương tâm: Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hóa. Đấng xét đoán tôi chính là Chúa (1Cor 4, 4). Đôi khi chúng ta quá hài lòng về chính mình và tưởng rằng mình tốt lành, thánh thiện đủ rồi. Đôi khi chúng ta qúa tự tin vào khả năng hiểu biết, ý chí và sức mạnh phấn đấu của mình. Hãy nhớ lời thánh Phaolô nhắc nhở rằng đừng tưởng mình đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng xét đoán sau cùng. Thiên Chúa thấu tỏ mọi tâm tư, uẩn khúc và khát vọng của con người. Chúng ta đừng để của cải thế gian lôi cuốn vào những thực tại phù hoa thế trần. Hãy tỉnh thức chọn Chúa làm gia nghiệp cuộc đời, chúng ta sẽ có tất cả.

Lạy Chúa, Chúa yêu thương hết mọi loài. Chúa yêu chúng con hơn cả cha mẹ yêu chúng con. Chúng con yêu Chúa với hết tâm tình, linh hồn và thân xác. Chúa là nơi chúng con nương tựa và cậy trông. Chúa có lời ban sự sống đời đời.

Đời người là cuộc chiến đấu không ngừng giữa Thiện và Ác, hai phe luôn GIẰNG CO không ngừng và rất dữ dội: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19).

Cuộc chiến đời người không chỉ giới hạn giữa Thiện và Ác, mà rất đa dạng và nhiều mức độ. Khi nói về việc ở độc thân để lo việc Chúa, Thánh Phaolô nói: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7:35). Đặc biệt là giằng co còn có dạng xem chừng “thanh thản” lắm, như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1:23-24).

Giằng co rất gay cấn, nhất là khi hai bên ngang ngửa, khó chọn lựa. Về sự chọn lựa, có triết lý này: Khi phải chọn lựa mà chúng ta không chọn lựa, đó cũng là chọn lựa – tức là chúng ta chọn cách “không chọn lựa”. Vì thế, chúng ta rất cần có sự sáng suốt và thái độ dứt khoát, không thể lờ lững nước đôi, càng mạnh mẽ càng dễ dứt khoát. Và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta phải dứt khoát: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16).

Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” (Is 49:14). Chúng ta cũng thường xuyên có động thái như vậy. Cũng có thể vì chúng ta yếu đuối, cũng có thể vì chúng ta cứng lòng và cố chấp. Thế nhưng chúng ta đã ngộ nhận, hoàn toàn lầm tưởng, vì Thiên Chúa hứa chắc chắn: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). Ngài đã hứa thì Ngài luôn giữ đúng lời, trước sau như một.

Con người luôn bị giằng co, nghĩa là luôn bất an, dù đôi khi nhìn có vẻ… rất thanh thản. Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62:2-3). Bí quyết đơn giản là “bám vào Chúa”. Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì khó lắm. Vì thế, chúng ta phải không ngừng nỗ lực và quyết tâm giằng co với chính mình để có thể giảm bớt mức độ giằng co. Muốn vậy, chúng ta chỉ có cách duy nhất là cậy nhờ Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh đã dày kinh nghiệm: “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang, Người là núi đá vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân. Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu” (Tv 62:6-9). Chắc hẳn là vậy, vì có lẽ mỗi chúng ta cũng đã và đang có chút kinh nghiệm nào đó về phương diện này.

Là người đã từng bị giằng co dữ dội và vượt qua chính mình, Thánh Phaolô bộc bạch: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành. Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:1-4). Như vậy là Thánh Phaolô đã thực sự thanh thản, chẳng còn sợ hãi gì nữa. Được như vậy thì hẳn phải chiến đấu nhiều lắm!

Chắc chắn không ai lại không muốn được Thiên Chúa cứu độ, được hưởng phúc trường sinh, được làm công dân nơi Thiên Quốc, thế nhưng người ta lại thường “ngại” sống “khác người”, cứ so đo thế này hay thế nọ. Đó chính là sự giằng co trong mỗi chúng ta hằng ngày, thậm chí là từng phút, từng giây. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cr 4:5).

Cuộc đời nhiêu khê, đủ dạng giằng co – nhất là về lĩnh vực vật chất, tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước,… Người ta thường nói: “Ở hiền gặp lành”. Thế nhưng có người luôn sống tốt lành, ngoan hiền, đại lượng, nhân hậu,… mà vẫn gặp nghịch cảnh. Người ta cũng thường nhắc tới “luật nhân – quả”. Thế nhưng vẫn có những người sống ngang ngược, ích kỷ, ác độc, không coi ai ra gì, vậy mà họ vẫn phây phây, sống ung dung tự tại, sung sướng, không hề biết khổ là gì. Lạy Chúa tôi!

Quả thật, trí óc con người như bã đậu, không thể nào hiểu nổi. Cuộc đời là bí số như một hằng số, một số vô tỷ hoặc phương trình vô nghiệm!

Vì nghèo mà bị khinh, chịu thua thiệt, thế nên người ta phải nỗ lực làm giàu, nhưng đâu phải ai cũng “xuôi chèo mát mái”, có người trở thành hèn hạ và độc ác chỉ vì tiền bạc. Thật là rắc rối và tội lỗi quá!

Chuyện kể rằng…

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp, chẳng dám tiêu xài. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được một gia tài kếch xù. Một ngày nọ, Tử Thần đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới chợt nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia.

Anh ta năn nỉ: “Tôi chia 1/3 tài sản của tôi cho ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi”. Tử Thần lắc đầu: “Không được”. Anh ta van nài: “Vậy tôi đưa ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không?”. Tử Thần vẫn không đồng ý: “Không được”. Anh ta vội nói: “Vậy… tôi xin giao hết của cải cho ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?”. Tử Thần vừa nói vừa giơ cao lưỡi hái trên tay: “Không được”. Anh ta tuyệt vọng cầu xin lần cuối: “Thế thì ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy”. Lần này Tử Thần đồng ý. Anh run rẩy viết: “Xin hãy nhớ: Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.

Chắc hẳn người này đã từng bị giằng co rất nhiều trong suốt cuộc sống, thế mà đến lúc sắp chết vẫn chưa hết bị giằng co. Cuộc đời là thế! Tuy nhiên, thứ giá trị nhất trong cuộc sống là thời gian. Khi chúng ta chưa làm được gì có ích cho đời thì cũng đừng làm điều gì vô vị. Có một danh nhân đã nói: “Dù chưa làm được điều mình muốn thì ít ra cũng phải biết muốn điều mình làm”. Quả là một triết-lý-sống độc đáo lắm! Dù không có ý xấu, nhưng ông Alfred Nobel (1) và Mikhail Kalashnikov (2) vẫn bị giằng co. Ông Alfred Nobel cảm thấy hối hận vì đã “lỡ” phát minh chất nổ, còn ông Mikhail Kalashnikov cũng bị dằn vặt vì đã “lỡ” phát minh súng AK-47.

Chúa Giêsu biết nhân loại luôn bị giằng co, thế nên Ngài muốn chúng ta phải dứt khoát: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).

Ngài khuyên răn và đưa ra ví dụ cụ thể: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:25-29).

Vâng, rất rạch ròi, rất chi tiết. Thế nhưng con người lại không dễ đạt được mức tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, dù thâm tâm vẫn tự nhủ phải ghi nhớ lời Đại Sư Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Kiếp người chán thật! Thế nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng, dù có những lúc chúng ta hoang mang và thất vọng (x. 2 Cr 4:8). Chúa Giêsu biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta tự biết mình, chắc chắn Ngài cảm thông lắm. Đừng lo, đừng sợ! Ngài sẽ ra tay tế độ nếu chúng ta thật lòng muốn “sờ vào tua áo” của Ngài (x. Mt 9:20; Mt 14:36; Lc 8:44).

Chúa Giêsu vừa lý luận vừa quở trách chúng ta: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6:30-32). Ôi chao, thật là xấu hổ quá đi thôi!

Chúa Giêsu rất nghiêm túc và thẳng thắn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33-34). Hiểu và chấp nhận như vậy thì chúng ta sẽ bớt bị giằng co!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vui vẻ chấp nhận những đau khổ hằng ngày, chấp nhận chính sự giằng co để chúng con khả dĩ “xé lòng” mà biến đổi không ngừng theo đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

Thiên Chúa hay thần tài?

Trong bài Phúc Âm Mt 6, 24-34 mà chúng ta nghe đọc trong Chúa Nhật 8 Thường Niên năm A, và trong dịp Tết Nguyên Đán, Đức Giêsu dùng ba ví dụ rất nên thơ gợi cảm để chỉ cho chúng ta thấy một sự lo lắng thái quá về đời sống vật chất là vô lý nếu như chúng ta còn tin có Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ví dụ thứ nhất: chim trời không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống. Ví dụ thứ hai: cuộc đời của mỗi người chúng ta có một quảng thời gian nhất định sống ở trần gian này, - điều đó chúng ta không thay đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc! Và cuối cùng: hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu tuyên bố: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

Chúng ta đồng ý rằng lời Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay thật là hấp dẫn. Có gì đáng mong ước hơn là có Cha Trên Trời lo lắng cho ta? Tuy nhiên, càng suy nghĩ và đi sâu vào thực tế, chúng ta càng thấy mọi sự chẳng đơn giản chút nào. Những lo lắng chính đáng Con người thời đại ta cũng như mọi thời đại, đều có trăm ngàn nỗi lo, và những nỗi lo chính đáng. Đừng nói gì xa xôi, chỉ nguyên những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống đã làm điên đầu nhiều bậc cha mẹ gia đình: lo sao cho có cái ăn, cái mặc, cho căn nhà ở khỏi giột nát khi tới mùa mưa, cho con cái được học hành, cho có thuốc thang khi bệnh tật, cho giá cả đừng tăng vọt, mùa màng không thất thoát... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người, đều chính đáng và đẹp lòng Chúa.

Chúa Giêsu không muốn cho chúng ta lười biếng hoặc sống vô trách nhiệm. Chim trời cũng phải vất vả tìm mồi. Có những thứ chim phải bay thật xa mới tới chỗ có thức ăn. Hoa huệ ngoài đồng cũng có khi phải đâm rễ len lỏi giữa sỏi đá để tìm chất nuôi sống. Đàng khác chính Chúa cũng nói rằng: "Ngày nào có cái khó, cái khổ của ngày đó". Vậy khó nhọc, gian khổ là điều có thực, gắn vào thân phận con người.

Không những Chúa không muốn ta sống lười biếng, vô lo, vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải làm việc để cùng với Người hoàn hiện thế giới này và góp phần vào công cuộc cứu độ thế giới. Ngay lúc vừa mới dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25, 15-25), Chúa Giêsu đã hỏi mỗi người đã dùng tài năng Chúa ban mà làm lợi cho Người được bao nhiêu, chứ không phải đã chôn giấu nó an toàn như thế nào. Thế thì ta có quyền và có bổn phận phải lo lắng, tính toán, phải có kế hoạch, phải phòng xa. Điều Chúa không chấp nhận là chúng ta lo lắng về đời sống vật chất như thể đó đã là cùng đích của đời sống, là tuyệt đối cho đời mình.

Thiên Chúa hay Thần Tài?
Câu then chốt nhất của bài Phúc Âm hôm nay là: "Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Chúa và đời sống công chính như Nguời đòi hỏi, còn các thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho." Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa: đây mới là vấn đề ưu tiên. Nỗi lo số một của người môn đệ Chúa Giêsu là nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết. Nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu.

Lời dạy của Chúa Giêsu là hệ trọng. Và nó cũng phù hợp với kinh nghiệm sống của chúng ta. Người ta thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Nhưng thực tế luôn luôn chứng minh rằng suy nghĩ và hành động như thế là sai lầm. Xã hội tư bản lấy sự sản xuất của cải hàng hoá dư dật và sự hưởng thụ tự do làm mục tiêu, và bắt mọi sự khác phải phục vụ cho mục tiêu ấy, nên đã rơi vào khủng hoảng về tinh thần, về lý tưởng sống. Và vì mục tiêu ấy, người ta khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô độ và ngày nay thiên nhiên quay lại "trả thù" con người, đe dọa cuộc sống trên trái đất. Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, theo lý thuyết người ta coi kinh tế là yếu tố quyết định mọi sự khác, và tuy vẫn nói kinh tế phải phục vụ con người, nhưng trên thực tế con người và các giá trị đạo đức bị chà đạp trầm trọng... Sau khi hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, những nước khác đã quay sang kinh tế thị trường và cũng đang phát triển theo hướng phương Tây, liệu có tránh nổi những tiêu cực gắn liền vào tư bản chủ nghĩa không? Của cải vật chất là ông chủ không dễ gì khuất phục nổi. Tinh thần thường tỏ ra yếu đuối và không hấp dẫn bằng của cải giàu sang. Ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa "thời mở cửa", điều đó cũng đang được chứng minh.

Của cải là cần thiết. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một người tôi tớ. Nhưng khốn thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất dễ trở thành ông chủ của con người, để con người phục dịch nó với bất cứ giá nào. "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi": Sống theo ưu tiên đó, có nghĩa là chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất.

Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

 

Sưu tầm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn