1
06:20 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 250


Hôm nayHôm nay : 19893

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 409980

Tổng cộngTổng cộng : 27964264

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Các bài suy niệm lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô

Thứ năm - 26/06/2014 15:56-Đã xem: 2210
Dù thánh Phêrô đã chối Chúa tới ba lần, dù trước đó Ngài đã cương quyết theo Thầy tới cùng, nhưng khi nghe Chúa loan báo cuộc thương khó Ngài phải chịu để cứu độ nhân loại, Phêrô không thể hiểu được Thầy mình, Ông đã cản ngăn đường Chúa đi, Chúa đã khiển trách Phêrô rất nặng lời, cho ông là Satan, ma quỉ. Nhưng Phêrô đã nhận ra con người của Chúa sau ba lần chối Thầy. Phêrô cũng chỉ nhận ra tình yêu và lòng xót thương của Chúa sau những giọt nước mắt tang thương, ăn năn, sám hối.
Các bài suy niệm lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô

Các bài suy niệm lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô

1. Hai con người
 
Từ xưa tới nay, Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.
Thực vậy, thánh Phêrô vốn bản chất dân chài lưới, trực tính và nghiêng về thực tiễn. Còn thánh Phaolô là người trí thức, hay lý luận và thích đào sâu giáo lý. Thánh Phêrô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho người đạo cũ, nên không muốn sửa đổi nhiều những gì vốn có kẻo phật lòng họ. Còn thánh Phaolô nhằm truyền bá đức tin cho các dân ngoại, nên muốn bỏ đi những lề luật của đạo cũ không còn thích hợp, kẻo nặng gánh cho những người dân ngoại xin tòng giáo. Thánh Phêrô là Giáo hoàng, nhưng không vì thế mà áp đặt ý kiến của mình. Thánh Phaolô là Giám mục, nhưng không vì thế mà không thẳng thắn trình bày quan điểm riêng của mình, để trao đổi và bàn luận. Thánh Phêrô là người đã có lần chối Chúa vì yếu đuối và đã ăn năn sám hối do cái nhìn xót thương của Chúa. Còn thánh Phaolô đã có lần bắt bớ đạo Chúa vì lầm lạc và đã trở lại nhờ sự giúp đỡ của một môn đệ Chúa.
Với nhiều khác biệt, hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ đã được liên kết lại để bổ túc cho nhau, làm cho nền móng của Giáo Hội được bền vững. Động lực liên kết các ngài lại với nhau chính là việc mở rộng Nước Chúa. Cái nhìn trên đây giúp chúng ta thêm tin tưởng hơn vào Chúa trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội là hình ảnh của sự quy tụ hiệp thông và liên kết. Giáo Hội là khí cụ kết hợp với Chúa và với nhân loại. Trong Giáo Hội có yếu tố Thiên Chúa và cũng có yếu tố nhân loại. Có người nhân đức và cũng có kẻ tội lỗi. Có phẩm trật và cũng có thành phần dân Thiên Chúa. Giáo Hội vừa trung thành với truyền thống vừa phải đổi mới cho thích hợp với lịch sử từng thời và từng nơi. Giáo Hội vừa củng cố đức tin cho người có đạo lại vừa truyền bá đức tin cho người ngoại đạo.
Biết liên kết những cái khác nhau trong Giáo Hội và trong nhân loại là một đặc điểm quan trọng của Kitô giáo. Bởi vậy trong giây phút này chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất, mặc dù có những khác biệt trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn có thể và phải liên kết phải trở nên một hầu ước vọng của Chúa Giêsu sẽ là một sự thật: Xin cho mọi người được hợp nhất trong chúng ta để cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai con.
 
 
 2. Một đức tin
 
Hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng cử hành lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô, lễ này cũng là dịp giúp chúng ta chiêm ngắm gương sống đức tin của các Ngài. Các Ngài là hai con người khác nhau, nhưng đón nhận cùng một đức tin từ Thiên Chúa, nhưng các Ngài đã vượt qua và ra đi rao giảng đức tin của mình.
Đức tin được đón nhận
Chúng ta thấy Phêrô và phaolô hai người có hai hoàn cảnh, hai địavị, hai trình độ… hoàn toàn khác nhau nhưng các Ngài cùng đón nhận một đức tin duy nhất đến từ Thiên Chúa. Phêrô là người chài lưới, ông rất hăng say, nhiệt tình và có một tâm hồn nhạy cảm. Ông không ngần ngại, không suy nghĩ đắn đo gì, đã bỏ tất cả mọi sự theo Chúa khi Chúa gọi, điều này cho chúng ta thấy rất rõ Phêrô cảm nghiệm bằng tình yêu nhanh hơn lý trí. Phêrô tin và theo Chúa với tất cả lòng nhiệt thành của mình và niềm tin đó được tuyên xưng cách mạng mẽ rõ ràng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng này thật chính xác, vượt quá mọi hiểu biết và suy tư con người, đây là lời tuyên xưng về bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu này chính là chỉnh cao trong đời sống niềm tin của Phêrô. Có thể là đại diện cho nhóm mười hai, nhưng đây cũng là lời tuyên xưng cho chính Phêrô. Chúa Giêsu xác định lời tuyên xưng này do Chúa Cha mạc khải nên Phêrô mới biết được: “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy Đấng ngự trên trời”.
Với Phaolô, ông là người biệt phái đã từng bách hại môn đệ Chúa, thái độ đó được biểu lộ khi ông đồng tình trong vụ ném đá Stêphanô. Đang khi ông hăng say phi ngựa trên đường Damas để bắt đạo, Phaolô được Chúa Kitô Phục sinh gọi và thanh luyện, một quầng sáng đã bao ttrùm ông, khiến ông bị mù lòa đôi mắt thân xác sau khi ngã ngựa, nhưng đồng thời quầng sáng ấy đã mở cho ông cặp mắt đức tin, ông đã thực sự tin tưởng vào một Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, là chính Đấng mà Phaolô đang bắt bớ trở thành Đấng mà“không ai và không gì có thể tách ông ra khỏi lòng mến của Ngài”.
Rõ ràng Phêrô và Phaolô đã đón nhận đức tin trực tiếp từ Đức Giêsu Kitô, còn chúng ta đã đón nhận đức tin gián tiếp qua cha mẹ, Giáo hội …dù khởi đi từ nguồn nào điều đó không quan trọng cho bằng chính thái độ đón nhận của ta, đức tin đo có gắn liền với chích con người mình hay không? Một khi đón nhận cách chân thành, thì chắc chắn chúng ta cũng bị thử thách như Phêrô và Phaolô đã từng bị thử tháh.
Đức tin bị thử thách
Mặc dù Phêrô và phaolô tin Chúa rất mãnh liệt, nhưng đức tin các Ngài cũng không ngừng bị thử thách. Đức tin Phêrô còn phải là nên tảng nâng đỡ đức tin Giáo hội, nên đức tin đó bị thử thách rất nhiều. Phêrô đã từng tin vào Chúa, nhưng mới trước được Chúa khen tặng là đá tảng thì liền sau đó bị Chúa quở trách là Satan hãy lui ra, đã có lần thề hứa “dù phải chết với Thầy con không chối Thầy” mới hứa đó thì liền sau đó ba lần chối Chúa, mới phút trước ung dung bước đi trên ngọn sóng thì phút sau bị chìm vì nghi ngờ. Rỡ rằng là nhiều khi Phêrô nói mà chẳng hiểu mình nói gì, và chính cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu là một thử thách có tính quyết định đối với niềm tin của Phêrô. Cuộc đời theo Chúa của Phêrô đã sa ngã biết bao nhiêu lần trước khi trở thành đá tảng vững chắc, trên đó Đức Giêsu Kit xây dựng Hội thánh Người. Phêrô chỉ có thể nâng đỡ Đức tin cho anh em sau khi trở lại từ kinh nghiệm yếu đuối sa ngã của mình.
Và Phaolô cũng bị thử thách “năm lần bị người Do thái đánh 40 roi bớt một, ba lần bị đắm tàu, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi”, ngoài ra ông còn gặp nhiều khó khăn nguy hiểm trong các cuộc hành trình phải chịu đói khát, rét lạnh… cho dù những nguy hiểm ấy ngày đêm cứ bám chặt vây bủa lấy ông thay vì chùng bước, nhưng niềm tin vào Đấng Kitô Phục sinh qua mạnh nên ông coi những việc xảy ra cho ông không quan trọng. Ông chỉ có một mối bận tâm ray rứt là lo cho tất cả Hội Thánh vì lòng yêu mến và nhiệt thành nhà Chúa “tình yêu Chúa Kitô thức bách tôi”.Ông coi sự sống của ông không phải là củ ông mà của đấng đã gọi chọn ông, đến độ ông thốt ra: “Tôi sống nhưng không phải là Tôi sống mà là Đức Kitô sống trong Tôi”.
Khi nhìn lại cuộc sống, chắc chắn ai cũng đã hoặc đang ít nhất một lần trải qua những đau khổ như: nghèo đói, bệnh tật, thất vọng… Trước những nghịch cảnh đó chúng ta có đứng vững hay bị chao đảo nghi ngờ đức tin? Nếu vẫn còn một niềm tin sắc con thì hãy làm chứng đức tin của mình cho người khác như mẫu gương của Phêrô và Phaolô.
Đức tin được rao giảng
Phêrô và phaolô là hai khuôn mặt lớn trong việc rao giảng Tin Mừng. Cuộc đời Phêrô sau khi gặp những thử thách thay vì nhút nhát là một dạ can trường, thay vì chao đảo là một lòng xác tín. Sau khi Thánh Thần hiện xuống ông là người đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng Chúa Cứu Thế cho mọi người, đặc biệt là người Do thái. Khi Chúa Giêsu đặt ông làm đá tảng Hội Thánh ông đã sống đúng với chức vị của mình, ông làm chứng và rao giảng hết sức hùng hồn về Đức Giêsu Kitô bị giết và đã sống lại từ cõi chết “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, chúng tôi xin làm chứng”.. Phêrô cũng cho thấy chính Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại, chỉ có nơi Ngài mới có được ơn cứu độ: “dưới gầm trời này có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ”. Quả thật ông là đá tảng vững vào trong mọi sóng gió, những điều ông rao giảng đã chứng minh bằng cái chết của ông tại Rôma.
Còn Phaolô, sau khi gắn bó với Chúa Kitô một cách mật thiết, ông đã lao mình về phía trước như một vận động viên, và dùng chính sự nhiệt thành của mình đi bất cứ nơi đâu vào bất cứ ngóc ngách nào, bất chấp mọi gian khổ tù đày do quyền bính trần thế gây ra, miễn là từ cánh đồng dân ngoại đem về cho Chúa các linh hồn. Phaolô cũng dùng chính khả năng tri thức của mình để trở nên lợi khí phổ biến Tin Mừng cho những vùng đất mới, coi việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận và niềm hạnh phúc của mình: “Vô Phúc cho tôi nêu tôi không rao giảng về Đức Kitô”, ông không hổ thẹn về Tin Mừng bở vì Tin Mừng đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, đến với những người tin.
Ta thấy rõ Phêrô và Phaolô liên kết trong niềm tin, lòng mến Chúa Kitô và Giáo hội, Phaolô luôn hướng về Phêrô như nền tảng cho niềm tin và thế giá Tin Mừng mà ông rao giảng. Nền tảng Pherô cũng là định hước cuộc tiến bước trong đức tin và đảm bảo sự thống nhất dân Chúa trong lòng mến. Điều mà minh chứng hùng hồn nhất đức tin của Phêrô và Phaolô rao giảng đó là việc hai Ngài cùng hội tụ tại Rôma để làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính máu đào của mình. Phêrô và Phaolô đã làm thành khuôn mẫu cho việc rao giảng niềm tin cho mọi người.
Còn chúng ta, khi đứng trước một thế giới dường như mất cảm thức về tội, quá nhiều người chưa biết và không tin Chúa, chúng ta có dám sống và giới thiệu một Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại như Phêrô và phaolô không? chúng ta hãy cố lên, can đảm minh chứng đức tin của mình vì chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô con người mới được cứu độ.
Sự khác biệt giữa hai cuộc đời, hai quá khứ của Phêrô và phaolô, đã nối thành một, bởi một sởi chỉ vào “Đức tin vào Thiên Chúa”.
Chúng ta mỗi người tuy khác nhau, nhưng có cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy sống liên đới hiệp nhất với nhau, kiên vững trong đức tin, xẵng sàng minh chứng đức tin của mình qua đời sống cụ thể hằng ngày, điều đó chỉ thực hiện được khi mỗi người biết siêng năng cầu nguyện, múc lấy nguồn sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể, luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, để lời tuyên xưng của Phêrô trở thanh kinh nghiệm riêng cho mỗi người: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai?”.
 
 
 3. Đức tin
 
Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tông đồ, là hai cột trụ chống đỡ cho tòa nhà Giáo hội. Chúng ta cùng nhau dừng lại suy gẫm về một mẫu gương của hai đấng, để noi theo và bắt chước, như lời thánh Phaolô đã xác quyết:
- Anh em hãy bắt chước chúng tôi, như chúng tôi đã bắt chước Đức Kitô.
Nhờ đó, đời sống chúng ta không tầm thường, không tăm tối, nhưng sẽ xứng đáng hơn với tước hiệu người Kitô hữu, người có Đức Kitô trong tâm hồn, người mang Đức Kitô trong cuộc sống.
Mẫu gương chúng ta chia sẻ giờ đây, đó là đức tin của các ngài.
Ngay từ đầu thánh Phêrô đã có một đức tin kiên vững. Thực vậy, trước những dư luận trái ngược nhau, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ xem họ nghĩ gì về Ngài. Thánh Phêrô đã không ngần ngại trả lời:
- Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.
Lần khác Chúa Giêsu hứa ban thịt máu mình làm của ăn và của uống nuôi sống linh hồn. Người Do thái lấy làm chướng tai, nên đã nói:
- Những lời ấy thật là khó nghe làm sao mà chấp nhận được.
Và rồi họ đã bỏ Chúa mà đi. Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ:
- Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?
Thánh Phêrô vẫn với sự hăng say thường lệ đã thưa lên:
- Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì chỉ mình Thầy mới có những lời ban sự sống. Chúng con tin và chúng con biết rằng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đức tin của Phêrô được đặt cơ sở trên đá tảng vững chắc. Sau này, trong một bức thư ngài đã viết cho các tín hữu như sau:
- Chúng ta không tin vào những chuyện bịa đặt, nhưng tin vào những bằng chứng cụ thể tai nghe mắt thấy, để nhận biết quyền năng của Đức Kitô.
Thực vậy Phêrô đã nhìn thấy Đức Kitô biến hình trên đỉnh Tabor, đã nghe những lời xuất phát từ môi miệng Chúa Cha:
- Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng.
Tự bản chất, Phêrô không phải là một kẻ cứng lòng nhưng Phêrô đòi hỏi phải có những chứng cớ.
Khi những người đàn bà đạo đức trở về và nói Chúa đã sống lại phản ứng đầu tiên và tự nhiên của Phêrô là nghi ngờ. Phêrô muốn xem xét sự việc theo quan niệm riêng của mình và muốn tận mắt được nhìn thấy Chúa…
Thánh Phaolô cũng đã nói theo thánh Phêrô để có một đức tin kiên vững và nhiệt thành.
Sau khi bị quật ngã trên đường Đamas và được Chúa soi sáng. Phaolô đã rao khắp các hội đường Do thái để rao giảng và minh chứng Đức Kitô là con Thiên Chúa, khiến những người Do thái phải ngạc nhiên và nói với nhau:
- Ông ấy chẳng phải là kẻ đã bách hại những người kêu cầu tên Giêsu và đã tới đây để dẫn độ các tín hữu về cho Thầy cả thượng phẩm đó sao?
Ngày càng thêm hăng say, Phaolô đã gặp gỡ những người Do thái tại Đamas và minh chứng cho họ biết Chúa Giêsu chính là đấng thiên sai. Được tiếp nhận ánh sáng tự trời cao, Phaolô đã chiếu tỏa ánh sáng ấy ra chung quanh.
Đức tin chính là vấn đề Phaolô không ngừng nói tới, coi đó là điều kiện để được cứu độ và đòi buộc các tín hữu phải thực hiện liên tục. Phaolô bảo: Người công chính sống bởi đức tin. Phaolô đòi hỏi nơi chúng ta một đức tin sống động và trưởng thành, và chính thánh nhân cũng đã nêu gương trước cho chúng ta: Đức tin đã thấm nhiễm vào suốt cả cuộc đời Phaolô và là động cơ thúc đẩy Phaolô hành động.
Cuối cùng cả hai đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin kiên vững, niềm tin sắt đá của mình. Phêrô đã bị đóng đinh trên ngọn đồi Vatican, còn Phaolô thì bị chém đầu trên đường Ostie.
Giữa những đảo điên của cuộc sống, giữa những quyễn rũ của trần thế, nhờ lời bầu cử của hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy xin Chúa hãy cũng cố niềm tin nhỏ bé của chúng ta.
 
 
 4. Anh Là Tảng Đá
(Trích trong ‘Manna’)
 
Suy Niệm
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình. Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ. Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng. Cả hai đều được Đức Giêsu gọi. Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát. Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng. Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40). Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28). “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy. Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18). Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn biết gì về thánh Phêrô và thánh Phaolô? Có nét nào nơi hai vị thánh làm bạn ưa thích?
Bạn nghĩ gì về Đức Thánh Cha? Bạn biết gì về những hoạt động của Ngài cho giới trẻ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
 
 
 5. Hai cuộc đổi đời 
 
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu.
 Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi”. Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.
Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.
Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.
Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phêrô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.
Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.
Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hoá Ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá Kitô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.
Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang Tin Mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen.
 
 
 6. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
Đó là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình để trắc nghiệm họ về sự hiểu biết của họ về danh tính của chính Chúa Giêsu, khi Ngài đang đồng hành với các ông từ thượng lưu Galilê đi xuống. Hẳn đã nhiều lần người ta đặt cho các môn đệ câu hỏi về Chúa Giêsu, lần này chính Thầy Giêsu hỏi họ về Ngài. Một câu hỏi rất cụ thể được Chúa đặt ra, và chờ họ trả lời. Và đây, Simon Phêrô đã thay mặt cả nhóm thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Câu trả lời thật rõ ràng. Ở đây, Đức tin của Giáo Hội phản chiếu một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng thế, chúng ta được soi sáng cách đặc biệt do lời tuyên xưng của Phêrô.
Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô!”
Với lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu trả lời: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). – Phêrô, con thật có phúc! Hạnh phúc thật, bởi vì sự thật này, là trung tâm đức tin của Giáo Hội, có thể nảy sinh trong tâm thức của con người như công việc của Thiên Chúa. “Không ai biết Con, trừ ra Cha, và không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Câu Tin Mừng giầu ý nghĩa và phong phú này khiến chúng ta suy nghĩ: Ngôi Lời Nhập Thể đã mạc khải Chúa Cha cho các môn đệ của mình, và giờ đây đến lượt Chúa Cha mạc khải cho họ chính Con Một của Ngài. Phêrô chấp nhận sự soi sáng nội tâm và ông can đảm tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”! Những lời này ở trên môi của Phêrô, nhưng phát xuất từ mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Đó là những lời mạc khải chân lý nội tại, và đời sống của chính Thiên Chúa. Và Phêrô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã trở thành một nhân chứng, và là người tuyên xưng chân lý siêu phàm ấy. Lời tuyên xưng của ông là nền tảng đức tin của Giáo Hội “Trên đá này, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta” (x. Mt 16, 18). Dựa vào đức tin và lòng trung thành của Phêrô, Giáo Hội của Chúa Kitô được thiết lập. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ý thức rõ điều ấy, như sách Công Vụ Tông Đồ đã viết, khi Phêrô bị giam trong ngục. Và Hội Thánh khẩn thiết dâng lời khẩn nguyện lên cùng Thiên Chúa cho ông (x. Cv 12: 5). Giáo hội đã được nghe, vì sự hiện diện của Phêrô vẫn cần thiết cho cộng đoàn trong những giai đoạn đầu của Hội Thánh: Chúa đã sai thiên thần của Người đến mà giải thoát họ khỏi tay những người bách hại (x.12, 7-11.). Điều này đã được viết trong ý định của Thiên Chúa mà Phêrô, sau khi thừa nhận với anh em mình trong đức tin, đau khổ tử vì đạo ở Rôma, cùng với Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại, cũng thoát chết nhiều lần.
“Nhưng Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, để dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, và cho mọi dân tộc được nghe biết. Và tôi đã thoát khỏi miệng sư tử” (2 Tim 4, 17). Đó là những lời của Phaolô người môn đệ trung thành. Những lời này làm chứng cho việc được thành toàn nơi ông nhờ ơn Chúa, Đấng đã chọn ông cho sứ vụ loang báo Tin Mừng. Đấng đã, “chọn ông” trên đường đi Damas (x. Pl 3, 12). Được bao phủ trong ánh sáng chói lòa con mắt, Chúa đã hiện ra với ông và nói rằng: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9,4), một sức mạnh diệu kỳ quật ngã ông xuống đất (x. Cv 9,5). Saul hỏi:“Thưa Ngài, Ngài là ai? Chúa Giêsu trả lời “Ta là Giêsu, ngươi đang bắt bớ”! (Cv 9, 5). Có phải câu trả lời của Chúa Kitô hàm ý Saul đang bách hại những người theo Chúa Giêsu và Chúa Giêsu báo cho ông biết rằng, chính bản thân ông cũng đang bị họ bách hại lại. Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà các Kitô hữu loan truyền. Ngài đã phục sinh. Nếu bây giờ, Saul cảm thấy sự hiện diện mạnh mẽ, rõ ràng rằng Thiên Chúa đã thực sự sống lại từ cõi chết. Ngài chính là Đấng Mê-sia, Đấng dân Israel trông đợi, đó là Chúa Kitô hằng sống, đang hiện diện trong Giáo Hội và thế giới!
Với lý lẽ trên, liệu Saul có thể hiểu tất cả những gì hàm chứa trong một biến cố như vậy không? Chắc là không! Đúng thế, vì đó chỉ là một phần trong những ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha sẽ trao ban cho Phaolô ơn hiểu biết mầu nhiệm cứu chuộc, do Đức Kitô thực hiện. Chính Ngài sẽ làm cho Phaolô hiểu được thực tại tuyệt vời của Giáo Hội, để Phaolô sống cho Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Còn Phaolô, khi tham dự vào thực tại này, ông sẽ không ngừng loan truyền cách không mệt mỏi cho đến tận cùng của trái đất. Từ Damas, Phaolô bắt đầu cuộc hành trình tông đồ của mình, hành trình ấy sẽ dẫn Phaolô mang Tin Mừng cho mọi quốc gia trên thế giới, đến những nơi mà ông được kêu gọi. Lòng nhiệt thành truyền giáo của Phaolô sẽ giúp ngài thực hiện được nhiệm vụ mà Chúa Kitô ủy thác cho các Tông Đồ: “Vậy anh em hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19).
Sự hiệp nhất tròn đầy của Giáo Hội!
Giáo hội mang trong mình sứ mạng do Chúa Kitô ủy thác. Đây là sứ mạng cần thiết ở thời đại này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hiệp nhất và những tiến trình cho hiệp nhất, đừng bao giờ chán nản, hay thất vọng.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sớm đạt được sự hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả những người tin vào Chúa Kitô. Hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô đã cho chúng ta ơn đó, Giáo Hội nhắc lại cho chúng ta trong ngày này, nhờ sự kính nhớ cái chết tử đạo, ngày sinh ra vào đời sống mới trong Chúa của các ngài. Vì Tin Mừng, các ngài đã chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết và các ngài đã được tham dự vào sự phục sinh của Chúa. Đức tin mà các ngài minh chứng bằng cái chết tử đạo của chính mình, là đức tin giống như Đức Maria, Mẹ của những người tin, Mẹ của các thánh Tông Đồ, và các thánh nam nữ trong mọi thời đại. Ngày nay, Giáo Hội tuyên xưng đức tin ấy. Đức tin của chúng ta, đức tin vững vàng của Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, Người là Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.
 
 
7. Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô
 
Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do thái mong muốn tôi phải chịu”. (Cv 12,11).
Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Thánh Phaolô là “dụng cụ ưu tuyển” để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin. (x. Cv 9, 1-22)
Cả hai đều được Đức Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.
Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Mt 16,17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.
Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến”. (2Tm 4, 17-18)
Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. “Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Người là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô” (Rm 8, 35.39)
Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28);“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7).
Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.
 
 
 
 
 
8. Đứng dậy nhờ ơn Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
 
Trong buổi trò chuyện, diễn thuyết tối 22/05 tại White Palace (Tp. HCM), Nick Vujicic đã cho mọi người thấy rằng, người bị khuyết tật nghĩa là họ khiếm khuyết điều gì đó, nhưng người mang nỗi tự ti mới là người bị khuyết tật thực sự.
Nick đã nói: “Dù ai đó không phải ngồi trên xe lăn nhưng bạn vẫn phải trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Nếu lúc đó bạn thiếu tự tin, bạn sợ thất bại, sợ nhìn về tương lai thì chính điều đó sẽ níu kéo bạn, khiến bạn không thể tiến lên”.
Nick còn nói thêm: “Khi tôi 10 tuổi, tôi gần như muốn buông xuôi, tôi muốn đầu hàng và nghĩ không bao giờ có công việc, có thể cưới vợ, lập gia đình. Nhưng bây giờ tôi không chỉ lấy vợ, lập gia đình mà còn có đứa con trai.
Chúng ta sẽ không biết được sự khó khăn diễn ra như thế nào nếu không tạo cho bản thân cơ hội để vượt qua nó. Đừng bao giờ từ bỏ khi bạn gặp thất bại hay khó khăn” .
Quả thực, con người luôn có những khuyết tật. Có người bị khuyết tật điều này, người điều kia. Không ai hoàn hảo về thể xác hay về tâm hồn. Tuy nhiên, có người biết bổ túc cho khuyết tật của mình bằng nghị lực, bằng phấn đấu, bằng niềm tin vươn lên. Nhưng cũng có người buông xuôi, than trách cho số phận và để mặc cho dòng đời đưa đẩy.
Nick không phải là một thiên tài. Nick là một nhân vật điển hình cho bao người biết phấn đấu vươn lên để bổ túc cho khuyết tật của mình. Anh không có chân tay nhưng anh vẫn lạc quan phấn đấu vươn lên, nhất là biết dùng môi miệng mình để diễn thuyết, để rao giảng về Thiên Chúa. Anh không buông xuôi theo số phận nhưng biết tận dụng khả năng giới hạn của mình để có thể phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Anh đã rao giảng về Chúa ở quê hương anh. Anh đã rao giảng vượt qua biên giới để đến nhiều vùng đất xa xôi. Anh đã đến Việt Nam và đã tuyên xưng mình tin vào Thiên Chúa, tin vào thiên đàng và đó là lẽ sống cuộc đời anh, là lý do anh sống và vươn lên.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng từng có những khuyết tật trong cuộc đời của các ngài. Phêrô yếu đuối, nhút nhát. Phaolô kiêu căng, thẳng thắn. Vì tấm lòng khuyết tật nên Phêrô từng chối Chúa ba lần. Còn Phaolô thì lao vào việc truy sát người tin vào Chúa Giêsu phục sinh để bách hại và giết chết. Thế nhưng, cả hai đã nhận ra sự khuyết tật của mình để phấn đấu, để vươn lên. Nhất là biết cậy vào ơn Chúa mà kiện toàn con người mình và phụng sự Thiên Chúa. Phêrô đã từng cảm nghiệm “Ơn Ta đủ cho ngươi và quyền năng Ta hiển trị trên sự yếu hèn của ngươi”. Phaolô thì trông cậy vào sức mạnh của Chúa mà ông đã đi đến cùng sự bách hại, gian truân, đói rét, tù đầy nhưng vẫn giữ vững đức tin. Cả hai đã nhờ ơn Chúa mà bù đắp những khuyết tật của mình để hoàn thiện con người mình theo như lòng Chúa mong ước.
Hôm nay mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, trước hết chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta hai tấm gương biết sám hối và canh tân. Các Ngài không chết trong tội như Giuđa nhưng đã đứng lên để làm lại cuộc đời. Các Ngài đã ý thức sự yếu đuối bất toàn của mình để cần đến ân sủng của Chúa. Các ngài đã biết nương tựa vào ơn Chúa để thắng vượt những giới hạn của bản thân. Và trên hết chính là tấm gương rao giảng tin mừng không mệt mỏi, không chùn bước trước nghi nan. Cho dẫu dòng đời có những sóng gió nguy nan. Cho dẫu đường trần có lắm gian truân, các ngài vẫn kiên trung cho đến cùng lòng trung thành với Chúa. Các ngài luôn ý thức rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”, thế nên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Nước trời”.
Xin cho chúng ta luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Và xin cho chúng ta biết chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen.

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn