1
18:06 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 369

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 366


Hôm nayHôm nay : 65746

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 455833

Tổng cộngTổng cộng : 28010117

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chúa nhật Lễ Chúa Lên Trời (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Thứ bảy - 31/05/2014 23:43-Đã xem: 1350
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời. Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại. Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta. Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ. Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình. Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.
Chúa nhật Lễ Chúa Lên Trời (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Chúa nhật Lễ Chúa Lên Trời (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời - Năm A

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
----------

Lời Chúa: (Mt 28, 16-20)

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

1. Được sai đi

Sứ điệp được sai đi là một điểm nổi bật trong phần phụng vụ Lời Chúa sáng hôm nay, ngày lễ Chúa lên trời.
Trước hết là bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ, kể lại những biến cố xảy ra trước, trong và sau khi Chúa Giêsu về trời. Điều đáng ghi nhận đó là lời Ngài căn dặn các môn đệ: Các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, tại Giuđêa, tại Samaria và cho đến tận cùng trái đất.
Lời căn dặn này cũng là lời tuyên bố của Ngài trong bài Phúc Âm: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Giáo Hội ngay từ buổi đầu đã ý thức được tầm mức quan trọng của việc lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngay sau ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ đã lên đường chinh hục thế giới, đem ánh sáng Phúc Âm chiếu tỏa cho muôn dân. Và từ đó cho tới nay, trải dài hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội không ngừng thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô.
Thế nhưng, không phải lúc nào Giáo Hội cũng nhiệt thành với sứ mạng của mình. Theo các nhà nghiên cứu, thì trong mấy thập niên gần đây, đà hoạt động truyền giáo đã giảm sút một cách đột ngột. Và ngay cả sứ điệp cứu độ của Giáo Hội cũng xem ra mất đi nhiều sức thu hút và tính bén nhạy, trước những thách đố và khủng hoảng do hiện tượng tục hóa gây ra bên Tây Phương và các giáo phái lớn bên Đông Phương.
Chính vì thế mà các Đức Thánh Cha, tiếp nối công cuộc danh tân của Công Đồng Vaticanô II, đã không ngừng lên tiếng và nhấn mạnh đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm chứng cho Đức Kitô, giúp cho con người khám phá ra Giáo Hội là dấu chỉ và là dụng cụ Thiên Chúa dùng để cứu chuộc nhân loại.
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong tông huấn “Người tín hữu giáo dân”, đã nêu lên vấn để phải đổi mới việc truyền bá Phúc Âm. Đổi mới ở đây có nghĩa là phải có phương pháp mới, nhiệt huyết mới và tổ chức mới. Muốn có được sự đổi mới ấy, thì cần phải thực hiện một cuộc kiểm điểm đời sống một cách nghiêm túc và khiêm tốn, từ đời sống cá nhân của mỗi thành phần dân Chúa, đến đời sống tập thể của cộng đoàn Giáo Hội, trong đó điểm nổi bật cần lưu ý, đó là đời sống bác ái yêu thương, và bênh vực công lý hòa bình của Giáo Hội. Đây cũng chính là những khía cạnh nhạy cảm đối với con người thời nay.
Còn chúng ta, chúng ta đã thực sự lên đường, đã thực sự góp phần vào công cuộc truyền bá Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội hay chưa?
 
 

2. Ngày Chúa trở lại

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở lại Giêrusalem, chính tại đây bổn phận và nhiệm vụ đang chờ đón các ông.
Với chúng ta cũng thế, thời gian hiện tại không phải là thời gian mơ mộng, thương tiếc vẩn vơ, nhưng là thời gian hành động. Vậy chúng ta phải làm gì trong lúc trông chờ ngày Chúa lại đến. Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong Phúc Âm bằng những hình ảnh cụ thể.
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh những nén bạc. Một người giàu có trước khi trẩy đi phương xa, đã gọi các đầy tớ đến và trao phó tiền bạc của mình cho họ tuỳ theo như khả năng của họ. Sau khi chủ lên đường, người thì dùng tiền ấy đầu tư cho công chuyện làm ăn và đã sinh lời. Kẻ thì chôn giấu số tiền của mình dưới đất. Và khi chủ về đòi tính sổ, ông đã nói với những đầy tớ sinh lời rằng: Hỡi tôi tớ trung thành và khôn ngoan, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi. Còn tên đầy tớ biếng nhác, chôn vùi tiền bạc, thì đã bị trừng phạt một cách đích đáng.
Qua hình ảnh này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta không được phép chờ đợi ngày Ngài trở lại một cách thụ động và biếng nhác. Chúng ta cũng không được phép chọn lựa giữa hành động và chối từ. Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta một sứ mệnh mà chúng ta có bổn phận phải thực hiện. Ngài cần đến chúng ta. Đó là một nhu cầu, một đòi hỏi cần thiết. Nếu chúng ta không làm gì cả là chúng ta đã xỉ nhục Ngài và trong ngày sau hết Ngài sẽ không đón nhận chúng ta như là những người con của Ngài.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh 10 cô trinh nữ được mời đi phù dâu trong số đó 5 cô khôn ngoan đem đèn và dầu. Còn 5 cô khờ dại, đem đèn mà không có dầu. Và khi chàng rể đến, những cô đã sẵn sàng thì bước vào phòng tiệc với chàng, còn những cô khờ dại thì chạy đi mua dầu và bị chàng rể từ chối. Để kết luận Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta: Hãy tỉnh thức. Điều quan trọng không phải là biết được ngày giờ Ngài trở lại, nhưng là sẵn sàng với đèn cháy sáng trong tay.
Điều này đòi buộc chúng ta phải cố gắng thực thi thánh ý Chúa, tuân giữ những điều Ngài truyền dạy. Để trở nên bạn hữu của Chúa, chúng ta phải cố gắng, chúng ta phải hành động. Thế nhưng chúng ta phải cố gắng những gì và phải hành động ra làm sao?
Yêu mến Thiên Chúa là chu toàn thánh ý Ngài trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ. Nghĩa là sẵn sàng xin vâng ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin vâng là dùng mọi khả năng của mình để chu toàn điều Chúa muốn, như những người đầy tớ đã sinh lời cho chủ. Xin vâng là sống gắn bó mật thiết với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện. Vì cầu nguyện không phải chỉ kết hiệp chúng ta lại với Thiên Chúa mà còn giúp chúng ta khám phá ra được những điều Chúa muốn nơi chúng ta. Xin vâng là sẵn sàng thực hiện những hành động bác ái giúp đỡ anh em.
Bởi vì trong ngày thẩm phán, chúng ta sẽ bị xét xử về những hành động yêu thương chúng ta đã làm hay không làm để giúp đỡ những người nghèo túng, ốm đau và bất hạnh. Thi hành được như thế là chúng ta đã góp phần xây dựng Nước Chúa, và tương lai của chúng ta sẽ được bảo đảm trong ngày Chúa trở lại.
 
 

3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

SỰ SỐNG MỚI- HIỆN DIỆN MỚI.
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên? Thắc mắc như vậy là hợp lý. Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời. Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng. Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết. Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian. Và tầng trên mặt đất là trời. Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty. Sống lại, Người trở lại mặt đất. Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.
Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân. Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn. Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ. Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.
Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời? Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?
Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ. Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người. Đó là sự sống thần linh. Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy. Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường. Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống. Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa. Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý. Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.
Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù. Nhưng Người không đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn. Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ. Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn. Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian. Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.
Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại. Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta. Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ. Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.
Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày?
2) Bạn làm cách nào để mọi người cảm thấy Chúa Giêsu đang hiện diện mãnh liệt trong thế giới?
3) Bạn làm gì để xây dựng Nước Trời?
 
 

4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày

(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời. Trời ở quanh ta, trời ở trong ta... Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.
Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời. Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.
Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất. Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.
Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó. Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.
Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.
Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.
Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.
Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.
Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.
Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.
Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được. Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.
Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.
Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ. Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.
Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: "Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy" (Ga 14,24).
Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường... mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Có phi hành gia, sau khi du hành trong vũ trụ, đã quả quyết không hề có thiên đàng. Bạn nghĩ gì về nhận xét đó?
2. Theo bạn, có thể dùng lý luận để chứng minh cho người khác về sự hiện hữu của thiên đàng không? Có thể dùng cuộc sống để cho thấy thiên đàng không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
 
 

5. Ước mơ về trời – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Hôm nay Chúa về trời đó là niềm vui và là niềm hy vọng cho hành trình cuộc đời chúng ta. Một hành trình không vô định nhưng có điểm tới là quê Cha trên trời. Chính Chúa Kitô đã soi lối mở đường cho chúng ta. Chính Ngài đã đi trước để dọn chỗ cho những ai tin theo Người. Từ nay u sầu sẽ gặp niềm vui. Từ nay những đau khổ đời này không làm cho con người thất vọng, nhưng ánh vinh quang Phục Sinh của Chúa đã mang lại niềm hy vọng và lạc quan cho kiếp người chúng ta.
Người ta kể rằng: có một bác nông dân đã tình cờ nhặt được một tượng chịu nạn đã bị sứt mẻ đang nằm chơ vơ vì không có thập giá. Bác cầm tượng chịu nạn lên và đi vào trong làng. Bác đến từng nhà. Bác hỏi han từng người. Từ người già đến người trẻ. Bác nghĩ thầm rằng: "Không chừng ở đâu đây! Có ai đó đang có thập giá trơ trụi mà không có Đức Kitô nằm trên. Đức Kitô của bác không có nơi ngơi nghỉ, còn thập giá của ai đó không có Đức Kitô. Bác muốn trao Đức Kitô cho ai đang đang phải vác thập giá một mình, để nhờ Đức Kitô họ vượt qua những gian nguy của dòng đời. Bởi vì, một thập giá không có Đức Kitô là tra tấn, là hoả ngục, là thất vọng. Thế nên, bác đã cố gắng tìm đến những ai đang thất vọng vì gánh nặng hai vai, đang ui sầu vì lầm than cơ cực, bác trao gởi cho họ Đức Kitô để họ nhận ra họ đang được thông phần đau khổ với Đức Kitô. Hy vọng rằng cuộc đời họ sẽ vui hơn vì họ đang làm việc, đang đón nhận đau khổ vì Đức Kitô, nhờ đó họ cũng được chung phần vinh phúc với Chúa trên trời.
Vâng, cuộc đời chúng ta sẽ ngụp lặn trong đau khổ cùng cực nếu không có Đức Kitô hiện diện. Nếu cuộc đời không có Đức Kitô thì những hy sinh, những đau khổ, những gánh nặng trong cuộc đời này sẽ là một mất mát, một nỗi đau của kiếp người. Đây cũng là tin mừng mà Đức Kitô đã và đang trao phó cho giáo hội, cho mỗi người chúng ta: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo". Hãy loan tin vui đến cho những ai đang gặp u sầu, đang thất vọng, đang trải qua những ngày tháng bất hạnh, khổ đau. Hãy nói cho họ biết sau đêm dài là ánh bình minh. Cuộc đời này là một hành trình đi về thiên quốc. Một con đường có thập giá. Thập giá trong bổn phận. Thập giá trong hy sinh từ bỏ những tham sân si của dòng đời. Thập giá trong những dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân. Đó chính là thập giá mà chúng ta đón nhận vì Đức Kitô sẽ biến thành Thánh Giá của hồng ân cứu độ.
Người nông dân đang cố gắng mang Chúa đến cho những mảnh đời bất hạnh, là sứ vụ mà Chúa đã trao cho giáo hội và cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau mang Đức Kitô đến muôn nẻo đường đời. Hãy mang Đức Kitô đến cho những ai đang thất vọng u sầu, đang nặng trĩu những buồn đau. Hãy mời gọi họ biết đón nhận mọi biến cố đang diễn ra trong cuộc đời mình vì Đức Kitô và trong Đức Kitô.
Hôm nay, Chúa về trời. Chúa vẫn mang theo những dấu vết của thương tích trong cuộc khổ nạn. Không có vết thương nào đắt giá cho bằng sự chết. Như thể, Chúa về trời với những chứng tích đau thương, với những chống đối mà Ngài phải gánh chịu trong cuộc sống, với cơn hấp hối nơi vườn Cây Dầu, với những đau đớn của roi đòn, lỗ đinh. Ngài đã mang theo tất cả những giai đoạn đau thương đẫm máu như dấu tích cho lời xin vâng trọn vẹn vâng theo thánh ý Chúa. Và hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng như những ai muốn đi theo Ngài phải đi con đường này để lên trời. "Anh em hãy làm chứng cho Thầy. Khởi từ Giê-rusalem cho đến tận cùng thế giới". Làm chứng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống theo gương Chúa Giêsu. Một cuộc sống luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Một cuộc sống yêu thương và phục vụ tha nhân để qua đó muôn dân sẽ ngợi ca Thiên Chúa. Một cuộc sống làm chứng không nhất thiết phải đổ máu, nhưng quan yếu là phải thể hiện tình yêu bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm: luôn bao dung, luôn kính trọng lẫn nhau, luôn bác ái và sống công bình với nhau. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải có một bản án để người đời khinh chê, ghét bỏ, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Kính thưa, quý Ông Bà Anh Chị Em,
Hôm nay nhìn Chúa về trời. Các tông đồ cảm thấy lòng trào dâng niềm vui. Xa xăm nơi cuối chân trời chỉ còn vang vọng lời Thầy chí Thánh Giêsu: "Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-rusalem cho đến tận cùng thế giới". Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan, ngõ hầu "Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo - Ngày trở về miệng reo vang câu hát mừng. Xin Chúa Giêsu vinh thắng về trời giúp chúng ta luôn ước ao những sự trên trời và tìm kiếm Nước Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen.
 
 

6. Lễ Thăng Thiên - Damiano

Trích đoạn Tin Mừng của lễ Chúa Lên Trời hôm nay là đoạn kết thúc Tin Mừng thánh Matthêu. Khung cảnh là miền Galilê, một miền dân ngoại. Chúa Giêsu dặn các ông đến đây để gặp gỡ các ông lần cuối và căn dặn những điều cần thiết trước khi rời bỏ thế gian mà về Trời. Trong những lời nói cuối cùng nầy, có hai lời dặn rất quan trọng:
“Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Lời dặn của Chúa Giêsu cho thấy, Nước Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do thái mà cho cả muôn dân; cũng vì thế mà ngày đem các ông đến Galilê là miền dân ngoại.
Theo lời Chúa hôm nay thì tất cả những ai chịu phép rửa đều là môn đệ của Chúa. Và muốn trở thành môn đệ thì phải có hai đều kiện: phải chịu phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi mà còn phải tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Điều kiện thứ nhất thì tương đối dễ vì là kitô hữu thì ai cũng được chịu phép rửa; nhưng điều kiện thứ hai thì ít ai giữ cho trọn hảo. Và người ta cứ tưởng lầm rằng hễ chịu phép rửa đã là người kitô hữu rồi, còn điều kiện thứ hai: sống lời Chúa thì thường được kể như là điều kiện phụ trội, có hay không cũng được. Theo Lời Chúa thì đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Cả hai điều kiện điều cần thiết; và nhiều khi điều kiện thứ hai còn cần hơn cả điều kiện thứ nhất, vì có những người tuy chưa được rửa tội nhưng sống tốt lành hợp với Lời Chúa thì vẫn được cứu rỗi.
Vì thế thánh Matthêu dùng cụm từ “trở thành môn đệ” để nói lên rằng người môn đệ là người sống theo lời dạy của Thầy mình, vì đó là điều kiện để trở thành môn đệ Chúa.
Trong lời dặn thứ hai: Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế, Chúa bảo đảm cho các tông đồ cũng như cho Hội Thánh sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Người tông đồ không cô đơn vì luôn có Chúa ở cùng. Trước mọi khó khăn và thử thách, người tông đồ ý thức về sự hiện diện của Chúa nên tâm hồn vẫn bình an, vẫn can đảm và kiên trì.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã giao cho các Tông Đồ và Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Là môn đệ của Chúa Kitô, mỗi người Kitô hữu cũng được Chúa giao cho nhiệm vụ mở mang Nước Chúa, rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống đầy chất Phúc Âm. Thánh Phaolô đã ý thức được nhiện vụ đó và đã kêu lên: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.
Lời nói cuối cùng.
Chuyện xảy ra trong một bệnh viện ở New York.
Một thanh niên được đưa lên bàn mổ. Đội ngủ phẩu thuật đã sẵn sàng, vị bác sĩ giải phẩu nói với bệnh nhân: Tôi tưởng đã đến lúc phải nói thật với em: Cái lưỡi của em bị ung thư, và để cứu sống em, chúng tôi phải cắt cái lưỡi của em. Nếu em cần nói điều gì lần cuối thì em nói đi vì sau khi mất lưỡi, em không bao giờ nói được nữa! Người thanh niên tái mặt, những bắp thịt ở môi em rung lên vì sợ hãi. Nhưng sau một phút im lặng, vẻ mặt người bệnh bổng từ từ bình tĩnh lại; cuối cùng, vân dụng tất cả sức lực còn lại, anh nhìn mọi người đứng chung quanh một lượt, rồi nhìn lên trời và thốt lên: Xin chúc tụng danh Chúa Giêsu! Đó là lời quan trọng nhất mà anh thốt ra lần cuối!
Lời nói cuối cùng của bệnh nhân nầy đã làm bừng tỉnh đức tin của tất cả những người đứng chung quanh giường bệnh. Giường bệnh cũng là nơi truyền giáo. Nhà tù cũng là nơi truyền giáo. Cuộc sống đời thường cũng là nơi truyền giáo.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn