1
12:06 +07 Thứ năm, 02/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 187

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 164


Hôm nayHôm nay : 32391

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 82784

Tổng cộngTổng cộng : 28202032

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XX thường niên – năm A

Thứ sáu - 15/08/2014 10:16-Đã xem: 1425
Anh chị em thân mến, tôi nói với anh chị em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh chị em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh chị em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh chị em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.
Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XX thường niên – năm A

Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XX thường niên – năm A


CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN - Năm A
 
BÀI ĐỌC I: Is 56, 1. 6-7
"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh".
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện. "Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
Ðó là lời Chúa.

ĐÁPCA: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Chư dân hãy ca tụng Người! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Người. 
1. Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Người tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Người, cho chư dân người ta được rõ ơn Người cứu độ.
2. Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Người công bình cai trị chư dân, và Người cai quản các nước địa cầu. 
3. Chư dân hãy ca tụng Người. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Người! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Người. 

BÀI ĐỌC II: Rm 11, 13-15. 29-32
"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc".
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh chị em thân mến, tôi nói với anh chị em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?
Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh chị em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh chị em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh chị  em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.
Ðó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, Alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 15, 21-28
"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
Ðó là Lời Chúa. 

CHÚ GIẢI LỜI CHÚA
Ba bài đọc của Chúa Nhật nầy dâng hiến một chủ đề chung: đón tiếp muôn dân muôn nước, bất kỳ những ai bày tỏ niềm tin  vào Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. 
Lm Inhaxiô Hồ Thông 
Is 56: 1, 6-7
Bài đọc thứ nhất loan báo sứ điệp cứu độ phổ quát: mời gọi cộng đồng Giê-ru-sa-lem đón nhận những ngoại kiều kính sợ Thiên Chúa Ít-ra-en vào cộng đoàn của mình.
Rm 11: 13-15, 29-32
Trong thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc lại rằng ngài là Tông Đồ dân ngoại: vì dân Do thái từ chối nên lời loan báo cứu độ được gởi đến cho muôn dân.
Mt 15: 21-28
Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an. Đức Giê-su nhận lời khẩn cầu của bà và ca ngợi đức tin của bà.

BÀI ĐỌC I (Is 56: 1, 6-7)
Đoạn trích nầy là đoạn mở đầu của phần thứ ba sách I-sai-a. Toàn bộ phần thứ ba này gồm các chương 56-66 được gán cho vị ngôn sứ với biệt danh là I-sai-a đệ tam, vì người ta không biết tên ông. Cũng như vị tiền nhiệm của ông, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55), ông kín đáo ẩn mình dưới vị ngôn sứ I-sai-a lừng danh (ch. 1-39). Ngôn sứ I-sai-a đệ tam thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem, trong những thập niên sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về, và nhất là vào thời kỳ tái thiết Đền Thờ (521-515 Trước Công Nguyên).

Sứ điệp mở đầu tác phẩm của ông công bố khai mạc thời kỳ cứu độ phổ quát.
1. Những ngoại kiều.
Chắc chắn vào lúc nầy có một số lượng khá lớn ngoại kiều ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Chúng ta nghĩ đến những người nước ngoài đã đến định cư ở đây trong khi một phần dân bản xứ bị đưa đi lưu đày.

Đối với những ngoại kiều định cư lâu dài được gọi “gérim” (kiều cư), luật dự kiến một quy chế thuận lợi; họ được hưởng một số lượng quyền lợi. Sách Lê-vi đồng hoá họ với “những người thân cận” và đòi hỏi phải “yêu thương họ như chính mình” (Lv 19: 33-34). Trái lại, đối với những ngoại kiều tá túc trong một thời gian hạn định nào đó được gọi “nokrin” (khách vãng lai), họ không hưởng được bất kỳ quyền hạn nào khác ngoài tập quán của lòng hiếu khách. Đơn giản họ được cư xử với lòng bao dung; đôi khi họ bị đồng hóa với những kẻ thù của dân Ít-ra-en; họ bị loại ra khỏi việc phụng tự và bị tước đoạt nhiều quyền lợi.

Vì thế, ở đây “nhân danh đức công chính và điều chính trực”, vị ngôn sứ tố cáo những kỳ thị như thế. Thiên Chúa phán: “Vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới”, diễn ngữ nầy muốn nói rằng Đức Chúa sẵn sàng can thiệp bởi vì Ngài là Đấng bảo vệ những người đơn côi yếu thế.

2. Yêu mến Danh Người.
Ngôn sứ liệt kê những điều kiện khái quát về việc đón nhận những kiều cư vào cộng đoàn Ít-ra-en: “ Những người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự và yêu mến Danh Người, để nên tôi tớ của Người ”. Theo văn hóa Do thái, tên chính là người, vì thế,“Yêu mến Danh Người” không gì khác “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en”. Cách nói: “Yêu mến Danh Người” không gặp thấy nơi nào khác ngoài đoạn văn Cựu Ước nầy. Nhưng thật có ‎ý nghĩa khi vị ngôn sứ đòi hỏi trước tiên lòng yêu mến đối với Đức Chúa. Từ ngữ “phụng tự” trong diễn ngữ “để phụng sự” không gợi lên bất kỳ phụng tự tôn giáo nào; thành ngữ “tôi tớ” là danh từ chung để chỉ hết mọi tín hữu, nghĩa là tất cả những ai có niềm tin vào Thiên Chúa.

“Những ai giữ, không vi phạm ngày sa-bát”. Điểm nhấn được đặt trên “ngày sa-bát” rất có ý nghĩa. Trong thời lưu đày, việc tuân giữ ngày sa-bát đã mang lấy tầm mức quan trọng lớn lao. Ngày sa-bát đã trở nên dấu chỉ biệt phân, nhờ đó, người Do thái bị tản mác ở giữa dân ngoại khẳng định căn tính của mình.

“Trung thành với giao ước của Ta,” câu nầy tóm gọn những đòi hỏi ở trên. Trong số những đòi hỏi nầy, phép cắt bì không được kể ra. Vả lại, phép cắt bì chỉ đòi hỏi những tân tòng, chứ không “những người kính sợ Thiên Chúa”, tức là những người có thiện cảm với Do thái giáo, như viên bách quản Rô-Ma, ông Cô-nê-li-ô (Cv 10: 1-2).

3. Chiều kích phổ quát của sứ điệp:
Vị ngôn sứ công bố nhân danh Đức Chúa. Việc phục hồi quyền lợi của những kiều cư và sáp nhập họ vào dân Chúa chọn là sáng kiến của Thiên Chúa: “Ta sẽ dẫn họ lên Núi Thánh của Ta, và cho họ hân hoan bước vào nhà cầu nguyện của Ta”.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp thấy niềm vui được phụng thờ Thiên Chúa. Các“Thánh Vịnh lên đền” ca ngợi tâm tình hân hoan tôn giáo nầy, ví dụ như Thánh Vịnh 43:“Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con”. 

“Ta sẽ ưng nhận lễ toàn thiêu và tế phẩm họ dâng trên bàn thờ của Ta. Vì nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân nước”. Biểu thức nầy có cung giọng đặc biệt, một trong những cung giọng mang chiều kích phổ quát nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giê-su sẽ lập lại biểu thức nầy khi Ngài đuổi những người buôn bán và những người đổi tiền ra khỏi khuôn viên Đền Thờ, chính xác là nơi dành cho lương dân mong ước cầu nguyện với Thiên Chúa Ít-ra-en. Cử chỉ của Đức Giê-su không chỉ muốn nói rằng nền phụng tự nầy rồi sẽ sớm mất đi lý do hiện hữu của chúng, nhưng còn nơi nầy phải được dành cho muôn dân muôn nước.

BÀI ĐỌC II (Rm 11: 13-15, 29-33)
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô hôm nay hòa hợp với hai bài đọc khác: cả ba bài đọc đều nói về việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân.

Việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân nầy càng cần thiết hơn khi mà dân Do thái, nói chung, cố chấp đến mù quáng của mình. Đó là nguyên do thánh Phao-lô phiền muộn. Ngài ngỏ lời với các tín hữu Rô-ma, những người xuất thân từ ngoại giáo: “Tôi xin nói với anh em là những người gốc dân ngoại”.

Thánh Phao-lô tự đặt mình vào trong hai viễn cảnh nối tiếp nhau: viễn cảnh của chính ngài, vị tông đồ dân ngoại, và viễn cảnh của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.

1. Viễn cảnh của vị tông đồ dân ngoại.
Lần đầu tiên đọc đoạn văn này, chúng ta có thể tin rằng thánh Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ tông đồ dân ngoại với một hậu ý: sinh lòng ghen tức ở nơi đồng bào của mình trước sự kiện dân ngoại vào thế chỗ dân Ít-ra-en mỗi ngày mỗi thêm đông trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chắc chắn đây không là mục đích hàng đầu trong công việc truyền giáo của thánh nhân, nhưng là ý định được đi kèm theo: ở đây thánh nhân bày tỏ nỗi lòng của mình: ơn cứu độ của dân Ít-ra-en ám ảnh thánh nhân. “Một ích người” mà thánh nhân mong muốn cảm hóa đức tin của họ, được xem ra như mầm mống và bảo chứng cho việc muôn dân hoán cải. 

Nếu việc dân Do thái bị gạt ra bên ngoài đã là cơ hội cho thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, tức là cuộc hoán cải của dân ngoại, giai đoạn đầu tiên của ơn cứu độ phổ quát, thì giai đoạn thứ hai sẽ là tuyệt vời biết mấy, khi toàn thể dân Ít-ra-en tái sáp nhập vào cộng đồng tin: đó chẳng khác gì việc các vong nhân sống lại từ cõi chết.

2. Viễn cảnh của Thiên Chúa đầy lòng xót thương.
Đối với vị tông đồ dân ngoại, Thiên Chúa không thể bỏ rơi dân riêng của Ngài: ân ban và ơn gọi bất khả đổi thay. Cả dân ngoại lẫn dân Do thái đều đã “không vâng phục Thiên Chúa”. Ở đầu bức thư của mình, thánh nhân đã cho thấy rằng dân ngoại đã đón nhận đủ ánh sáng ngõ hầu cư xử với nhau một cách chính trực và từ tâm, nhưng họ đã lún sâu vào sự bất chính và thờ ngẫu tượng: theo nghĩa nầy, họ đã không vâng phục Thiên Chúa. Dân Do thái, đến thời Mê-si-a, đã không mở rộng lòng mình mà đón nhận Đấng Thiên Chúa sai đến, họ cũng thế đã không vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc dân Ít-ra-en bất phục tùng và việc dân ngoại hoán cải. Chắc chắn đây là quan hệ nhân quả lịch sử. Trước việc người Do thái chống đối có hệ thống, thánh Phao-lô, thánh Ba-na-ba và các tông đồ khác đã cương quyết quay về phía dân ngoại. Nhưng còn sâu xa hơn, thánh nhân cho thấy mối quan hệ nhân quả thuộc trật tự tâm lý nằm trong ‎ý định Thiên Chúa. Lúc đó, theo thể loại song đối đặc thù Sê-mít, thánh nhân mô tả chuyển động kép của lòng Thiên Chúa xót thương: lòng xót thương mà dân ngoại đã có được khi trở về cùng Thiên Chúa, lòng xót thương theo đó dân Ít-ra-en sẽ trở lại. Sau cùng, thánh nhân tóm lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trong một biểu thức thấm thía: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

 

TIN MỪNG ( Mt 15: 21-28)
Câu chuyện niềm tin của một người đàn bà xứ Ca-na-an được định vị trong bối cảnh đặc thù: kể từ phép lạ bánh hóa nhiều và việc đám đông dân chúng không hiểu được sứ điệp của Ngài, Đức Giê-su đã quyết định tập trung vào việc đào tạo các môn đệ của mình. Vì thế, “Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn”. Đó là lý do Ngài có mặt tại vùng đất dân ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới phân chia giữa miền Ga-li-lê và xứ Phê-ni-xi, xa khỏi đám đông và những kinh sư, những người đã đặt ra nhiều câu hỏi để nhằm gài bẩy Ngài. Trong bầu khí yên tỉnh, Ngài dành hết tâm trí và thời giờ cho các môn đệ. Ngài muốn chuẩn bị sứ mạng tương lai của họ.

1. Người đàn bà xứ Ca-na-an:
“Thì nầy có một người đàn bà xứ Ca-na-an…”. Ca-na-an là tên cổ xưa của Phê-ni-xi. Khi dùng cách nói “người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu không quan tâm đến tên gọi cổ xưa, nhưng vì cách nói nầy gợi lên quá khứ thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Ít-ra-en, cũng như thánh Gioan nói “người đàn bà xứ Sa-ma-ri” để chất chứa ở nơi tên gọi nầy những kỷ niệm thù nghịch không đội trời chung giữa hai dân tộc nầy. Thêm nữa, khi nói“người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu muốn khẳng định rằng bà là dân ngoại.

Người đàn bà xứ Ca-na-an đã nghe danh Đức Giê-su. Bà nghe biết Ngài hiện đang có mặt ở trong miền, vì thế bà đến với Ngài và khẩn khoản van xin Ngài, không phải cho bà nhưng cho đứa con gái bệnh hoạn của bà. Bengel đã nói về bà: “Bà đã xem nỗi bất hạnh của con bà như của chính bà”, còn William Barclay đã xoáy vào trọng tâm của tình mẫu tử ở nơi người đàn bà ngoại giáo nầy: “Chính bởi tình yêu khiến bà đến gần người ngoại quốc nầy, chính tình yêu khiến bà cam chịu sự nín lặng, lạnh nhạt của Ngài mà vẫn tiếp tục kêu xin, chính tình yêu mà bà cam chịu đau khổ vì lời từ chối tàn nhẫn, chính tình yêu mà đã khiến bà có thể thấy được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Chúa Giê-su” (The Gospel of Matthew, tập II, tr. 100). 

“Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Bà khẩn cầu Đức Giê-su với tước hiệu Mê-si-a: “con vua Đa-vít”. Phải chăng thánh Mát-thêu đã muốn nhấn mạnh sự bạo dạn của người đàn bà xứ Ca-na-an nầy khi dùng tước hiệu đặc trưng dân Do thái dành riêng cho Đấng Mê-si-a? Hay đúng hơn thánh nhân muốn ghi nhận ở nơi người đàn bà nầy một tấm lòng tin tưởng không hề lay chuyển ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu? Lời van xin nầy vang lên như cung giọng phụng vụ: “Xin Chúa thương xót chúng con” (“Kyrie Eleison”). Dù thế nào, lời khẩn cầu của người phụ nữ ngoại giáo này cũng vẫn là lời trách cứ gởi đến dân Do thái vì họ không biết nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Thánh Mát-thêu chuẩn bị cho chúng ta tham dự vào chiều kích vĩ đại của ơn cứu độ phổ quát.

2. Thái độ của Đức Giê-su.
Để khơi dậy đức tin ở nơi người đàn bà xứ Ca-na-an, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm có thể được gọi phương pháp thử thách. Phương pháp nầy bao gồm hai giai đoạn: trước hết, thinh lặng: “Người không đáp một lời nào”; đoạn, thẳng thừng từ chối. Ngài thử thách bà chỉ cốt làm sáng tỏ đức tin kiên vững của bà trong mọi thử thách. 

3. Một đức tin bị thử thách.
Người đàn bà vẫn bám riết theo sau Ngài mà kêu xin đến mức các môn đệ phải nao lòng chột dạ nên thưa với Thầy: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giê-su đáp lại các ông: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi”. Cũng một cách như vậy, vào lúc sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo, Đức Giê-su đã chỉ thị: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10: 5-6). Đây là chương trình của Thiên Chúa, quy tụ dân Ít-ra-en trước, rồi mới đến muôn dân tụ họp chung quanh Thiên Chúa chân thật.

Quả thật, Đức Giê-su đã đặt ưu tiên sứ mạng của mình cho “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Tuy nhiên, Ngài đã động lòng thương trước lời khẩn cầu của viên bách quản Ca-pha-na-um xin Ngài cứu chữa người đầy tớ của mình. Có nhiều điểm tương tự giữa câu chuyện của viên bách quản ngoại giáo và câu chuyện của người đàn bà xứ Ca-na-an. Tấm lòng của Chúa Giê-su vẫn hằng rộng mở trước lời cầu khẩn của dân ngoại. Họ là hoa trái đầu mùa sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, đó là thời gian mà các môn đệ Ngài sẽ tiếp nối công việc của Ngài, họ sẽ mở rộng cửa tiếp đón muôn dân muôn nước.

Dù Chúa Giê-su thẳng thừng từ chối, người đàn bà xứ Ca-na-an này cũng không hề nao núng; bà đến sụp lạy van xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Đức Giê-su trả lời thẳng với bà để bà hiểu ra rằng bà không thuộc dân của Ngài: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dân Do thái thường khinh bỉ dân ngoại là “Đồ lũ chó dân ngoại”. Tuy nhiên, trong lời nói của Đức Giê-su “lũ chó con” trong ngôn từ Hy-lạp gợi lên chó nuôi trong nhà, là con vật cưng đối lập với chó hoang lang thang ngoài đường. Vì thế, thánh Mác-cô, trong câu chuyện song song của mình, định vị hoạt cảnh nầy ở trong nhà: “một nhà nọ” (Mc 7: 24). Câu trả lời của Đức Giê-su và câu đáp trả của người đàn bà rất đối xứng với nhau theo từng từ: bánh, chó con, bàn ăn, những mảnh vụn.

4. Đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an.
Người đàn bà xứ Ca-na-an trả lời với trọn tấm lòng khiêm tốn của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà đã nhận ra rằng sứ điệp của Đức Giê-su gởi đến trước tiên cho dân Do thái và tất cả phép lạ mà Ngài đã thực hiện, trước hết ở nơi quê hương của Ngài:“Thưa Ngài, đúng thế”. Nhưng với một ‎trực giác tuyệt vời, bà tin rằng lòng xót thương của Thiên Chúa chắc hẳn vượt ra bên ngoài khung cảnh xứ Palestine, vì thế, bà cũng có thể đón nhận những mảnh vụn lòng xót thương của Thiên Chúa.

Đức Giê-su thán phục đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an như Ngài đã thán phục đức tin của viên bách quản ngoại giáo. Ngài nhận lời khẩn cầu của bà. Cũng như viên bách quản, người phụ nữ xứ Ca-na-an là mẫu gương đức tin phi thường.

5. Dấu chỉ của bánh.
Chính dưới dấu chỉ của bánh mà Đức Giê-su ngỏ lời với người đàn bà xứ Ca-na-an. Thật khó mà nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Theo lời Đức Giê-su, bánh trước hết được dành riêng cho “con cái”, nghĩa là cho dân Do thái, dân Chúa chọn, đám đông nầy mà Đức Giê-su đã nuôi bánh vật chất no nê đến mức cò dư đến mười hai thúng đầy mảnh vụn. Nhưng bánh này chỉ là tiên báo về bánh siêu nhiên, như bánh man-na trong sa mạc loan báo những thiện hảo của thời Mê-si-a.

Từ bánh nầy mà người đàn bà xứ Ca-na-an đã đón nhận những mảnh vụn. Bà đã nhận được bảo chứng của những phúc lộc Nước Thiên Chúa mà các môn đệ sau biến cố Phục Sinh được chỉ thị phân phát cho muôn dân.

 

Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “sức mạnh của tư tưởng tích cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng dĩa để phát hành.

Cuốn sách nầy lôi cuốn được nhiều độc giả đến thế nó vì giúp cho người ta tìm thấy bí quyết tránh thất bại và đạt tới thành công. Bằng cách nào? Tác giả cuốn sách viết: người ta thất bại vì người ta thiếu lòng tin, thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào khả năng của mình. Vậy muốn thành công, hãy gầy dựng cho mình một niềm tin mạnh mẽ.

Tác giả dùng một câu lời Chúa, trích trong Tin Mừng Mat-thêu làm nên bí quyết để thành công trong cuộc đời, để giành lấy thắng lợi. Câu đó là: “nếu bạn có lòng tin thì chẳng có việc gì mà bạn không làm được.” (Mt 17,20)

Chân lý đó được chứng tỏ qua sự kiện sau đây:

Khi Chúa Giêsu vượt qua biên giới Do-thái qua miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà xứ Canaan, là người ngoại bang đến gặp Chúa Giêsu và thống thiết nài xin Người: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chúa Giêsu lặng thinh không đáp.

Nếu ở trong hoàn cảnh người đàn bà nầy, chắc chúng ta tức tối bỏ đi, thầm oán trách Chúa vô tâm. Đó là bức tường thứ nhất người đàn bà Canaan đụng phải, nhưng bà không thối lui. Bà cứ liên lỉ nài van, còn Chúa Giêsu thì cứ tiếp tục lặng thinh. Bà kêu xin bền bĩ đến độ các tông đồ đi theo chịu hết nổi, nên mới xin Chúa Giêsu đáp lại ước vọng của bà: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”

Chúa Giêsu lại từ chối: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel”. Sứ mạng của Chúa Giêsu vào thời điểm đó chỉ dành cho dân Israel mà thôi. Chưa đến lúc, chưa đến giờ đem ơn cứu độ cho mọi dân tộc.

Bị từ chối thẳng thừng, bị dụng vào bức tường thứ hai, nhưng bà không nhụt chí. Bà vẫn tiếp tục van xin. Bà bái lạy Người cách thành khẩn: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi”. Lần nầy, Chúa Giêsu trả lời cách cứng cỏi và quyết liệt: “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con”. Thế là bà lại đụng phải bức tường thứ ba, tưởng như còn cao hơn, dày hơn hai bức tường trước. Vẫn không thoái chí, bà khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình và khiêm tốn cầu xin: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

Đến đây thì Chúa Giêsu không thể chối từ được nữa và nguyện vọng của người phụ nữ Canaan đã được đáp ứng hoàn toàn. Con gái bà đã được cứu chữa. Chúa Giêsu xác nhận rằng bà được như ý bà muốn là nhờ lòng tin: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Vì muốn cho chúng ta biết rằng lòng tin có sức cứu chữa và làm nên phép lạ, nên sau mỗi lần cứu bệnh nhân lành bệnh, Chúa Giêsu không nói: “Ta đã chữa lành con, hãy về bình an”, nhưng Ngài lại nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con”. Tin Mừng Mátthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu không có lòng tin, thì người ta chẳng đạt được gì cả, bằng chứng là khi Chúa Giêsu về thăm quê hương Ngài là Nadarét, người đồng hương không tin vào Ngài, nên không có phép lạ nào xảy ra. “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13,58) hay như tường thuật của thánh Máccô: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó… Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 5-6)

Chúa Giêsu khẳng định rằng ai có lòng tin thì có thể làm được bất cứ việc gì. “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17,20)

Một sự kiện điển hình chứng tỏ niềm tin làm nên phép lại là khi Phê-rô thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, ông cũng muốn được như Thầy và đã xin Chúa Giêsu cho ông thực hiện điều đó. Chúa Giêsu chấp thuận. Tin vào quyền năng Chúa Giêsu, Phêrô làm nên được điều kỳ diệu: ông đi được trên mặt nước để đến với Thầy. Thế nhưng khi thấy gió thổi mạnh, ông đâm ra lo sợ và nghi ngờ. Chính vì mất niềm tin nên ông bị chìm đắm. Ông hốt hoảng la lên. Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô kéo lên và trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi!” (Mt 14, 22 – 33).

Lòng tin là bí quyết của thành công, đó là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu muốn gửi đến chúng ta hôm nay, tiếc thay chúng ta không biết tận dụng bài học đó để thu hoạch những thành quả tốt đẹp trong cuộc đời. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đề cao lòng tin, khen ngợi những người mạnh tin và chê trách các môn đệ yếu lòng tin. Xin ban thêm Đức tin cho chúng con để nhờ đó, chúng con vững vàng thắng vượt gian nan thử thách và giành lấy những thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời.


 

 Lời nguyện chân thành

Có một bài hát nói về tâm trạng xem ra mâu thuẫn của một người ngoại đạo như sau: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ở trên cao”. Lời hát thật đơn sơ nhưng nói lên niềm tin chân thật của một người ngoại đạo. Anh công nhận mình ngoại đạo. Nhưng anh cũng không chối cãi niềm tin vẫn có trong lòng mình. Anh công nhận mình vẫn ở ngoài đạo nhưng anh lại gắn bó mật thiết với Chúa. Bằng chứng là anh đã cầu nguyện với Chúa. Anh nói với Chúa về sự thật của anh, một người ngoại đạo. Anh nói với Chúa về niềm xác tín của anh, anh tin có Chúa ở trên cao. Anh giải bày với Chúa những khúc mắc trong cuộc đời anh. Anh đang trình bày với Chúa về nhu cầu của mình. Anh cần Chúa cho anh niềm tin để anh không còn nghi ngại một điều gì nữa! Anh đang cần có một đức tin đủ để tin vào sự hiện diện của Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng tường thuật về cách thức biểu lộ niềm tin chân thành của một người đàn bà ngoại đạo miền Canaan. Bà là người ngoại đạo nhưng bà lại kêu cầu Chúa là Con Vua Đavit, nghĩa là bà đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng đối với Chúa niềm tin chân thành thôi chưa đủ để nhận ơn lành từ Chúa, mà còn phải kiên nhẫn, phải khiêm tốn, và nhất là phải có một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng mà mình kêu xin.

Người đàn bà này đã trải qua những giai đoạn đó:

-  Trước tiên bà kiên nhẫn kêu xin. Xin lần thứ nhất chưa được, bà liền xin lần thứ hai và mãi cho tới lần thứ ba bà mới được toại nguyện.

-  Niềm tin của bà thật cảm động, vì bà quá khiêm tốn trước mặt Chúa. Bà chỉ ao ước nhặt từng mảnh vụn ơn thánh rơi rớt của những người con Chúa. Bà biết mình không xứng đáng được ơn. Bà không dám nghĩ mình được tắm trong biển cả yêu thương của Chúa, nhưng chỉ cần một giọt thánh ân trong biển lòng thương xót của Chúa có thể cứu sống con của bà.

-  Niềm tin của bà còn đạt tới niềm tin tưởng tuyệt đối, không có gì lay chuyển nổi! Cho dù trước thái độ xua đuổi khéo léo của các môn đệ và sự lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà không bỏ cuộc. Bà vẫn một lòng cậy trông vào Chúa đến mức độ mà Chúa phải ca tụng bà: “đức tin của bà thật lớn lao. Bà muốn sao được vậy”. Và phép lạ đã diễn ra bởi lòng tin của một người mẹ hết mình vì con.

Vâng, lòng tin thường là điều kiện cần thiết để Chúa thi thố tình thương của Ngài dành cho chúng ta. Lòng tin càng lớn thì ân ban càng nhiều. Lòng tin càng được tôi luyện trong gian nan thử thách thì càng thấy rõ hơn tình thương của Chúa khi được Ngài giải thoát khỏi mọi hiểm nguy. Lòng tin cần phải kiên nhẫn mới có thể thấy sự bất lực của con người trước sự dữ và quyền năng cao vời của Thiên Chúa luôn sẵn lòng bảo vệ con người khỏi mọi sự dữ.

Lòng tin này đã được thánh nữ Monica thực hiện suốt 18 năm ròng rã. Thánh nữ Monica luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustino. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Người đời nhìn bà là một người phụ nữ bất hạnh vì chồng khô khan, và con truỵ lạc. Đã có lần đức tin của bà cũng bị lung lay. Bà muốn bỏ cuộc, nhưng thánh Ambrosio đã nói với thánh nữ: “Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao giọt nước mắt sẽ không thể nào hư mất”. Thực vậy, nhờ niềm tin của người mẹ mà Thiên Chúa đã thay đổi phận số của người con. Thánh Augustino đã từ bỏ con đường tội lỗi để sống đời thánh thiện. Thánh nhân đã bỏ con đường con công danh để tận hiến cho Thiên Chúa. Thánh nhân đã không tìm kiếm thú vui thể xác nhưng tìm kiếm hạnh phúc Nước trời.

Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đã cạn kiệt nước mắt. Có biết bao bà mẹ đã khổ vì con cái hư hỏng. Có biết bao gia đình quá cơ cực vì một thành viên bước vào con đường truỵ lạc. Có biết bao cơn bệnh hiểm nghèo đang cướp dần sinh mạng của những người chúng ta thương. Nước mắt vẫn chảy cho những phận đời cơ cực, bị bỏ rơi, bị bội phản. Nước mắt vẫn tuôn chảy cho những trái ngang của cuộc đời, những bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy tin tưởng và cầu xin giữa những thử thách gian nan cuộc đời. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đang chờ một lời kinh, một lời cầu của chúng ta. Thiên Chúa cần lòng tin nơi chúng ta. Ngài có thể làm mọi sự. Nhưng Ngài lại bất lực trước sự cứng lòng tin của chúng ta. Phép lạ Chúa làm không nhằm mục đích phô diễn quyền năng của Thiên Chúa. Ngài càng không làm phép lạ vì sự hiếu kỳ của con người. Ngài chỉ có thể làm phép lạ vì đức tin chân thành, kiên nhẫn và tin tưởng của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng kêu cầu Chúa khi gặp những gian nan. Xin cho mỗi người chúng ta đừng đánh mất niềm tin khi gặp những thử thách trăm bề, nhưng luôn kiên nhẫn trong lời cầu xin. Vì sau đêm dài là ánh bình minh. Amen.

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn