1
17:50 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 167

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 166


Hôm nayHôm nay : 34596

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 377625

Tổng cộngTổng cộng : 27931909

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

5 lợi ích sức khoẻ bất ngờ của việc tham dự Thánh lễ

Thứ hai - 04/06/2018 10:15-Đã xem: 954
Phải chăng ngoại tình xảy ra vì một người không hạnh phúc với hôn nhân của mình, trở ngại sinh lý, hoặc thiếu thốn về sinh lý? Câu trả lời không hoàn toàn là thế. Ngoại tình đến từ sức cuốn hút và cám dỗ của tình cảm trong khi ngoại tình. Một sự thu hút trói buộc hai người một cách mạnh mẽ như chưa từng có. Một trạng thái “biến hình.” Về phương diện cơ thể học, người ngoại tình bị thôi thúc do nội tiết được tiết ra qua hành động gian dâm. Nhưng hậu quả là cả nạn nhân và người ngoại tình đều đau khổ!

5 lợi ích sức khoẻ bất ngờ của việc tham dự Thánh lễ


Thiên Chúa không cần ta đến nhà thờ vì lợi ích cho bản thân Người, đó là vì lợi ích cho chúng ta. Ta biết rằng tham dự Thánh lễ thì tốt cho linh hồn, nhưng bạn có biết nó có thể có những lợi ích khác nữa? Có ít nhất là 5 lợi ích về sức khoẻ mà bạn có thể cảm nhận được nếu bạn thường xuyên đến nhà thờ dự Thánh lễ.


1. Ngủ ngon hơn

Bạn bị mất ngủ? Thay vì dùng thuốc an thần, bạn hãy xem xét đặt việc đến nhà thờ dự lễ vào lịch trình hằng ngày của mình. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation) của Mỹ cho thấy có sự liên quan giữa giấc ngủ ngon và việc đến nhà thờ. Tác giả nghiên cứu cho biết: "Những người trưởng thành thực hành tôn giáo nhiều hơn có khuynh hướng có giấc ngủ khoẻ hơn so với những người ít quan tâm tôn giáo." Nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng: thực hành tôn giáo có thể hạn chế các kích thích về thần kinh, hoá học và sinh lý do tâm lý nặng nề, sử dụng chất kích thích và áp lực cuộc sống.

2. Giảm nguy cơ trầm cảm và tự tử

Tin tức về các vụ tự tử do trầm cảm của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những người nổi tiếng, đang ở tỷ lệ cao. Thật hợp lý để ta tìm các cách chống lại nạn trầm cảm này. Một trong những cách thức được đánh giá hiệu quả nhất chính là đến nhà thờ, tham dự Thánh lễ. Một nghiên cứu của tạp chí Tâm thần học JAMA chỉ ra rằng: giữa những năm 1996 và 2010, phụ nữ tham dự các hoạt động tôn giáo một lần mỗi tuần đã giảm 5 lần khuynh hướng tự tử.

3. Quan hệ xã hội ổn định, hạnh phúc và mỹ mãn hơn

Theo Viện Nghiên Cứu Gia Đình Mỹ, "những người cầu nguyện cùng nhau thì ở lại với nhau", nghĩa là những người, nhất là các cặp vợ chồng, thực hành đức tin thông qua việc tham dự Thánh lễ cùng nhau thì có xu hướng cho thấy mối quan hệ với nhau chất lượng hơn đáng chú ý so với những người chỉ có cuộc sống riêng và không thực hành tôn giáo.

Hơn nữa, đi nhà thờ chung còn có vẻ giúp đời sống tình dục hôn nhân mỹ mãn hơn. Dựa vào Khảo sát Đời sống Xã hội và Sức khoẻ Quốc gia của Viện Nghiên Cứu Hôn Nhân và Tôn Giáo Hoa Kỳ, những người từ 18 đến 59 đang trong đời sống hôn nhân hằng tuần thực hành việc thờ phượng cùng nhau, hầu hết đều cho biết họ có đời sống phòng the "tuyệt vời" hoặc "rất tốt" so với những người không có đời sống tôn giáo.

4. Sống thọ hơn

Dường như những người càng hướng về Thiên Đàng thì càng ở lại mặt đất lâu hơn... Theo một nghiên cứu năm 2016 của tạp chí Y dược Nội khoa JAMA, những người tham dự các buổi sinh hoạt tôn giáo hơn một lần mỗi tuần "giảm 33 phần trăm tỷ lệ tử vong so với những người chẳng bao giờ đến nhà thờ." Các nhà nghiên cứu kết luận rằng có lẽ tôn giáo và tâm linh đã bị các nhà trị liệu đánh giá thấp hơn tiềm năng hữu hiệu của nó khi điều trị cho bệnh nhân của họ.

5. Giảm cao huyết áp

Một nghiên cứu năm 1998 của Thư Viện Y dược Quốc gia Mỹ cho thấy "những người già tích cực hoạt động tôn giáo có xu hướng ít bị cao huyết áp hơn những người không hoạt động tôn giáo." Họ cũng cho biết: những người thường đến nhà thờ và đọc Kinh Thánh giảm 40% khả năng bị cao huyết áp so với những người chỉ đọc Kinh Thánh ở nhà; còn ai chỉ xem tivi về tôn giáo và nghe đài phát thanh tôn giáo thì lại có huyết áp cao hơn.

Vậy, đến nhà thờ có nhiều lợi ích hơn là chỉ hữu ích phần hồn. Sau tất cả, Thiên Chúa không cần chúng ta tham dự Thánh lễ vì nó giúp ích gì cho Người. Thực tế, chúng ta không nên chỉ đến nhà thờ với mong muốn lấy được cái gì từ đó. Thay vào đó, khi đặt việc tham dự Thánh lễ lên hàng ưu tiên, chúng ta không chỉ cải thiện quan hệ chúng ta với Thiên Chúa, mà còn giúp ta hoà hợp hơn với cộng đồng và củng cố quan hệ với người khác.

Theo Aleteia

Gioakim chuyển dịch






LI DỊ TỘI HAY KHÔNG TỘI

Jack Dominian, trong cuốn Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu, xuất bản tại Luân Đôn năm 1981, có đưa ra một bảng liệt kê những đơn xin ly dị và được phép ly dị xẩy ra tại Anh và Wales trong khoảng thời gian từ năm 1911 đến năm 1980. Theo đó, năm 1911, chỉ có 902 đơn xin ly dị và 650 trường hợp đuợc ly dị. Các con số tăng dần lên đến 31,905 đơn xin ly dị và 25,394 vụ ly dị vào năm 1961. Nhưng đến năm 1971, có đến 110,900 đơn xin ly dị và 74,400 vụ ly dị đã xẩy ra. Một trong những yếu tố góp phần vào hiện tượng tăng vụt ấy chính là Đạo Luật Canh Cải Ly Dị ban hành năm 1969 và có hiệu lực kể từ đầu tháng Giêng năm 1971, cho phép một cuộc ly dị xẩy ra không cần phải có vi phạm trong hôn nhân, mà chỉ cần chứng minh rằng cuộc hôn nhân ấy bế tắc đến độ vô phương cứu chữa. Đạo Luật Gia Đình năm 1975 của Úc cũng chấp nhận cùng một nguyên tắc ấy. Và thế là cả ở Úc nữa, tỷ lệ ly dị tăng vọt: có người ước lượng đến 40% tổng số các cặp vợ chồng kết hôn hợp lệ. Tuy nhiên, phần đông các nhà xã hội học không đồng ý đổ lỗi hoàn toàn cho việc thay đổi luật lệ. Ly dị có những nguyên nhân sâu xa hơn những thay đổi luật lệ kia. Chính Giáo Hội Công Giáo cũng nhìn nhận như vậy. Và thực tế, dường như mức độ ly dị đang ảnh hưởng mạnh đến đường hướng mục vụ của Giáo Hội Công Giáo, đến độ vấn đề Ly Dị, Tội Hay Không Tội là một vấn đề đang đặt ra cho rất nhiều lương tâm Công Giáo. 


1. Ly dị

Trong cuốn Cẩm Nang Giáo Luật Thực Dụng, ấn hành năm 1991, Linh Mục Bùi Đức Tiến đã không minh nhiên định nghĩa hạn từ ly dị. Ngài chỉ nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Ly Thân và Ly Dị. Theo đó, với ly thân, tuy hai người không sống chung với nhau, nhưng giao ước hôn phối của họ vẫn tồn tại, họ vẫn là vợ, là chồng của nhau và vẫn bị ràng buộc bởi luật chung thủy (số 291, tr.270). Từ đó có thể suy ra: với ly dị, giao ước hôn phối không còn nữa, hai người hết còn là vợ, là chồng của nhau và do đó luật chung thủy không còn áp dụng nữa.

Như vậy ly dị đồng nghĩa với tiêu hôn (dissolution of a marriage). Đó là quan điểm chung xưa nay vẫn được mọi người nhìn nhận. Và với nghĩa ấy, thật khó có thể nói ly dị là không có tội. Vì Thiên Chúa đã nói qua Tiên Tri Malaki: "Ta ghét việc ly dị" (Malaki, 2:14). Truyền thống Công Giáo không có vấn đề tiêu hôn, mà chỉ có việc tuyên bố một hôn nhân vô hiệu (invalid) vì khi giao ước, hai bên mắc vào một trong những yếu tố làm cho hôn nhân của họ không thành sự. Mà đã không tiêu hôn, thì không có ly dị. Các Giáo hội Kitô khác đã dựa vào Tin Mừng Matthêu đoạn 19, câu 9 để cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình. Riêng Giáo Hội Công Giáo vẫn chủ trương không ly dị vì bất cứ lý do gì, kể cả một bên đã bất tín. 

2. Có tội 

Thực tế, nhiều người Công Giáo đã ly dị. Một nghiên cứu gần đây tại Anh và Wales cho thấy tỷ lệ ly dị của người Công Giáo La Mã cũng tương tự như tỷ lệ của xã hội nói chung (Hornsby Smith, Roman Catholic Opinion. University of Surrey, 1979). Những người này đã nghĩ gì về thân phận họ và thực tế đã được đối xử ra sao trong cộng đồng Giáo Hội? Linh mục John Hosie, trong tác phẩm Catholics, Divorce & Remarriage xuất bản năm 1991, cho hay: Nhiều người Công Giáo ly dị nghĩ rằng khi làm như thế, họ không còn xứng đáng lãnh nhận các bí tích nữa, nhất là Bí Tích Thánh thể, và nếu họ tái kết hôn khi không được toà án hôn phối của Giáo hội tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu, là họ lập tức bị rút phép thông công (tr.x). Đấy là ý nghĩ của Morris West, một văn sĩ nổi danh của Úc. Trong tác phẩm A View From The Ridge, The Testament Of A Pilgrim, viết năm 1996, Morris West nhắc lại những cảm quan của ông khi cuộc hôn nhân thứ nhất của ông thất bại và niềm khắc khoải vì cái ám ảnh bị tức thời rút phép thông công (ipso facto excommunication) do hành động ấy gây ra. Thân nhân những người Công Giáo ly dị thuờng có thái độ thù nghịch. Đối với họ, nhận rằng một thành viên trong gia đình ly dị là nhận một sỉ nhục giống như thể thân nhân mình bị kết tội hình phải đi tù vậy. Cho nên họ cắt đứt liên lạc với người ly dị. Ngay cả bạn bè cũng thế: nhiều người ly dị cho hay bạn hữu tránh không muốn tiếp xúc với họ. Cái cảm thức bị ruồng rẫy (rejection) quả là một áp lực nặng nề làm đau thêm cái đau vốn đã quá nặng của họ.

3. Không có tội 

Về phía những vị chăn chiên, một số khá đông trong cái nhiệt tâm bảo vệ đặc tính vĩnh viễn, bất khả tiêu của hôn nhân, đã kịch liệt lên án ly dị mà không phân biệt giữa cái ác của ly dị và người ly dị. Nói chung, mục vụ dành cho người ly dị hầu như bị lãng quên. Rất may, các thái độ trên đang thay đổi đáng kể. Năm 1982, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan ra thư luân lưu chính thức lên tiếng về Mục Vụ Dành Cho Người Công Giáo Ly Thân và Ly Dị, tựa đề là Khi Mộng Tan Đi (When Dreams Die). Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi cũng dùng cùng một thư luân lưu này gửi các tín hữu của mình. Trong thư luân lưu này, các tín hữu Công Giáo được chỉ dẫn rằng ý niệm cho ly dị có tội là một ý niệm không đúng, và rằng phải làm sao để những người ly thân và ly dị không cảm thấy bị loại trừ, trái lại nên khích lệ họ tham dự vào sinh hoạt bí tích của cộng đoàn Công Giáo. Giáo huấn mới mẻ này bắt nguồn từ Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1981. Đi xa hơn thế, Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales ngày 22 Tháng 4 Năm 1994, qua tờ The London Catholic Herald, đã chính thức lên tiếng xin lỗi những ngưòi ly thân và ly dị vì sự thiếu chăm sóc mục vụ của mình đối với họ. Tuy thế, rất nhiều người Công Giáo ly dị và nói chung quảng đại quần chúng Công Giáo vẫn còn rất mù mờ về quan điểm chính thức hiện nay của Giáo Hội, đến độ dù Tông huấn của Đức Gioan Phaolo II đã được công bố cách đó 16 năm, thư luân lưu của Hội Đồng Giám Mục Úc được công bố cách đó 15 năm, họ vẫn tỏ ra ngạc nhiên đến thích thú khi nghe Đức Cha David Cremin, giám mục phụ tá tại Sydney, tuyên bố trong một thánh lễ dành cho Hội Các Cha Mẹ Đơn Lẻ (Single Parents) mà phần lớn hội viên là những người Công Giáo đã ly dị: "Nói cho cùng, ly dị không có tội" (Tập San Inform, số 39, Tháng 7 Năm 1994, Sydney).

4. Ly dị nào không có tội? 

Phải chăng, học thuyết của Giáo Hội về ly dị nay đã thay đổi đến độ người Công Giáo được phép ly dị mà vẫn được tham dự đầy đủ đời sống bí tích của Giáo Hội ? Vấn đề thực ra không đơn giản như vậy. Vì như trên đã nói, định nghĩa của Giáo Hội về ly dị trước sau vẫn là một và do đó ly dị luôn là một điều xấu, hay nói theo thuật ngữ của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, ly dị là một thứ bệnh dịch (số 47). Tuy nhiên, ngày nay Giáo Hội phân biệt hai loại ly dị, hay nói đúng hơn hai trường hợp ly dị: ly dị dân sự nhưng không tái kết hôn, và ly dị dân sự rồi sau đó tái kết hôn. Các tuyên bố của các giám mục đôi khi không nói rõ sự phân biệt ấy. Nhưng Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II đề cập đến sự phân biệt ấy một cách hết sức minh nhiên. Trường hợp thứ nhất, Đức Thánh Cha nói rõ, không bị trở ngại trong việc chịu các bí tích. Vì thực ra nó giống trường hợp ly thân đã được Linh mục Bùi Đức Tiến định nghĩa như trên (dây hôn phối vẫn còn). Trường hợp sau, Đức Thánh Cha nói rõ, là một sự xấu, và dù dưới bất cứ nguyên cớ nào, cũng không được chịu Thánh Thể vì hai lý do sau đây: bậc sống của họ mâu thuẫn với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu hiện qua Phép Thánh Thể và mặt khác cho phép họ Rước Lễ sẽ làm các tín hữu khác lầm lẫn và hiểu sai giáo huấn của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân (các số 83-84). Thực ra giáo huấn này không hẳn mới mẻ gì. Chính Đức Kitô đã phân biệt như thế khi Người nói: "Ai ruồng rẫy vợ mình và cưới lấy người đàn bà khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ thứ nhất; nếu một phụ nữ bỏ chồng để đi cưới người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." (Mc 10:9; xem thêm Mt 19:9, Lc 16:18). Chỉ bỏ vợ hoặc chồng mà thôi chưa thành tội (ngoại tình). Thánh Phaolo đã hiểu như thế khi viết: "Vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân." (1 Cor 7:10-11). Thành ra khi nói rằng ly dị không có tội, các thẩm quyền Giáo Hội muốn nói đến việc ly dị dân sự: nguyên việc chấm dứt hôn ước trước toà án dân sự mà thôi chưa có tội. Nhưng nếu sau đó, người ly dị dân sự tự ý tái kết hôn, họ chính thức phá đổ giao ước hôn nhân, đi ngược lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, như Chúa Kitô đã nói trong các Phúc âm Nhất Lãm. Dù vậy, Đức Thánh Cha cho hay, họ vẫn không bị loại trừ khỏi Giáo Hội: "Cùng với Thượng Hội Đồng, Tôi khẩn thiết kêu gọi các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu giúp đỡ những người ly dị, và với sự săn sóc đầy nhiệt tâm hãy làm sao bảo đảm rằng họ không tự coi họ như những người bị tách biệt ra ngoài Giáo Hội, vì là những người đã chịu phép Rửa, họ có thể, và thực ra phải, chia sẻ đời sống của Giáo Hội. Nên khích lệ họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp vào các công việc bác ái cũng như các cố gắng của cộng đòan phục vụ công lý, nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô Giáo, trau dồi tinh thần và thực hành thống hối và ngày đêm khẩn cầu ơn Chúa." (Tài liệu đã dẫn, số 84). Nói tóm lại, dù hiểu theo nghĩa nào, ly dị vẫn không đồng nghĩa với rút phép thông công. Quả là một thay đổi lớn lao, thật khác với thời Morris West. Ông thuật lại cố gắng của ông trong việc xin toà án hôn phối của Giáo Phận tuyên bố hôn nhân thứ nhất của ông vô hiệu. Đơn của ông bị bác. Ông lên toà Tổng Giám Mục để được giải thích. Vị Tổng Đại Diện của giáo phận cho ông hay dù lương tâm ông tin hôn nhân đầu không thành nhận, nhưng vì thiếu chứng cớ, nên toà án giáo phận phải kết luận rằng dây hôn phối ấy thành nhận. Morris West cực lực phản đối cho rằng phán quyết ấy bất công ở chỗ đã thiên về định chế hôn nhân (favor matrimonii) chứ không quan tâm đến những con người kết ước. Vị Tổng Đại Diện tỏ ý tiếc không thể làm gì hơn và cho ông hay: nếu ông tái kết hôn bên ngoài Giáo Hội, ông sẽ tự động bị trục xuất ra khỏi Giáo hội (sách đã dẫn, tr.96).

5. Tái kết hôn mà vẫn rước lễ? 

Kể từ khi Tông huấn Familiaris Consortio được công bố đến nay, chiều hướng mục vụ ở một vài nơi còn tiến xa hơn đến chỗ chấp nhận cho cả những trường hợp ly dị dân sự sau đó tái kết hôn được rước lễ, dù toà án hôn phối của Giáo Hội đã bác không tuyên bố vô hiệu hôn nhân đầu. 

Theo Linh mục John Hosie, đó có thể là trường hợp những người thành thực tin hôn nhân trước của mình thiếu yếu tố thành nhận, nhưng không có hy vọng được tuyên bố vô hiệu, không phải vì trường hợp của họ không đủ mạnh, nhưng chỉ vì các nhân chứng không liên lạc được hoặc liên lạc được nhưng từ chối không chịu để toà hôn phối phỏng vấn, cũng có thể vì nhân chứng chủ yếu nay đã mệnh một. Trường hợp tương tự là khi người Công Giáo kết hôn với người đã ly dị không Công Giáo và họ có đủ lý do để tin rằng hôn nhân trước của người phối ngẫu mình có thể đã không thành, nhưng người phối ngẫu này không chịu nạp đơn lên tòa hôn phối vì sự phức tạp phải yêu cầu thân nhân, bạn hữu và cả người phối ngẫu đầu tiên ra làm chứng trước tòa. Giáo Hội có gì giúp những người như thế không?

Linh mục Hosie cho rằng có: trong những trường hợp như vậy, người Công Giáo có thể căn cứ vào tòa trong (internal forum) để quyết định theo lương tâm và tiếp tục rước lễ. Theo ngài, đây là một nguyên tắc luân lý hoàn toàn đúng đắn và chính thống. Vì ngày 4 tháng 11 năm 1973, Đức Hồng Y Seper, lúc ấy là Tổng Trưởng Bộ Tín Lý của Tòa Thánh, ra một thư luân lưu khuyên các chủ chăn linh hồn phải quan tâm săn sóc những người đang sống trong những cuộc hôn nhân bất thường, bằng cách khi phải giải quyết những trường hợp như thế, thì, ngoài các phương thế đúng đắn khác, nên áp dụng tập tục toà trong vốn đã được giáo hội nhìn nhận. (Canon Law Digest, 9:503f). Nói theo ngôn ngữ bình dân, điều ấy có nghĩa: đối với những cuộc hôn nhân không được giáo hội nhìn nhận, thì ngoài những phương thế đúng đắn khác (như nhắc họ nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu hôn nhân trước), các linh mục nên áp dụng tập tục từng được giáo hội nhìn nhận cho phép người ta quyết định theo lương tâm. Điều ấy sẽ cho phép họ được rước lễ.

Tuy nhiên, hai năm sau thư luân lưu của Đức Hồng Y Seper, người kế vị ngài là Đức Tổng Giám Mục Hamer đã đưa ra một số nguyên tắc hướng dẫn những quyết định lương tâm trên. Thứ nhất, cần phải sống một cuộc sống Kitô hữu xứng đáng. Thứ hai, phải tránh gương mù bằng cách chỉ nên rước lễ ở những nơi không ai biết trường hợp của họ (Canon Law Digest 9:504f). 

Gương mù là hành vi có thể dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Không phải những người giả bộ hoặc những người phán đoán khắc nghiệt, loại người biệt phái mà Chúa Kitô lên án là giả hình. Ta không cần phải khuôn rập tác phong ta để làm họ vui. Lại có những người không biết gì về việc một hôn nhân có thể được vô hiệu hoá khiến người kết ước có thể tái hôn trong lòng Giáo Hội. Họ cũng không phải là loại người ta cần phải tránh gương mù. Cuối cùng, cần phải chú ý: không nên giả thiết về gương mù. Nếu hoàn cảnh tái hôn ít được quảng đại quần chúng biết đến (nên biết một điều: danh sách những người được vô hiệu hoá hôn nhân không bao giờ được công bố trên báo chí), thì người tái hôn có thể rước lễ ngay tại giáo xứ của mình. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là chính người tái hôn phải quyết định theo lương tâm, chứ không phải ai khác, và quyết định ấy không bao giờ là chính thức cả, nó áp dụng cho lương tâm họ mà thôi. Điều này không dễ đối với đa số người Công Giáo vốn được giáo dục trong môi trường tiền Công Đồng Vatican 2 là môi trường không khích lệ sự tự ý quyết định theo lương tâm mình. Nhưng nay, đó lại là điều Giáo Hội muốn nơi họ. Quyết định theo lương tâm không thuần chỉ vì ý muốn được rước lễ, đúng hơn phải dựa vào niềm xác tín rằng hôn nhân thứ nhất của mình không phải là một hôn nhân thành nhận, dù thẩm quyền Giáo Hội không nhìn nhận như vậy.

6. Không ly dị mà là ly dị? 

Linh mục Hosie còn đi xa hơn, cho rằng giáo luật được thi hành ở hai bình diện: bình diện khách quan, phổ quát và bình diện lương tâm bản thân. Sự suy đoán của luật (presumption of law) thuộc bình diện phổ quát, ở đây ta thấy lời của Đức Gioan Phaolo II liên quan đến hôn nhân có giá trị trên bình diện này: hôn nhân, kết ước hộp lệ, được suy đoán là thành nhận cho đến khi bị tuyên bố là vô hiệu. Lời của ngài cho thấy Giáo Hội giữ vững một cách không mập mờ giáo huấn của mình về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng trong khi khích lệ người ta nạp đơn xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu, ngài không hề nói rằng không có hoàn cảnh nào cho phép họ được rước lễ nếu đơn của họ bị bác. Khi Đức Thánh Cha lên tiếng công khai, với công chúng, hoặc qua văn bản, ngài nói trên bình diện khách quan, phổ quát. Nhưng ngài cũng từng nói trên bình diện bản thân nữa. Đó là lúc những con người chân thực đến gặp ngài trên bình diện bản thân, qua toà giải tội chẳng hạn, những lúc như vậy, ngài có thể nói với họ thẳng vào lương tâm từng người mà không sợ bị hiểu lầm.

Hai bình diện của giáo luật có thể được minh thị bằng thí dụ sau: trên bình diện kỹ thuật, Giáo Hội không nhìn nhận ly dị, nhưng như trên đã thấy, ở một số nơi, Giáo Hội đòi buộc phải ly dị dân sự rồi mới nạp đơn xin vô hiệu hôn nhân. Cũng thế, nhiều người tái kết hôn (theo dân luật), trước khi được tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu. Như thế, trước khi được tuyên bố vô hiệu, họ đã một "cách khách quan" không thi hành giáo huấn của Giáo Hội. Điều đáng lưu ý là một khi được tuyên bố vô hiệu, và việc tái hôn của họ "được chúc lành", Giáo Hội coi hôn nhân thứ hai đã bắt đầu không phải từ lúc được Giáo Hội chúc lành, mà là từ lúc lời thề hứa được thực hiện ngoài dân sự (có nghĩa là lúc họ, trên bình diện khách quan, không thi hành luật phổ quát của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu).

Theo thiển ý, việc có hai bình diện là điều có thực. Nhất là từ thời Công đồng Vatican 2 với việc nhấn mạnh đến vai trò lương tâm con người trong các quyết định luân lý. Và thuật ngữ toà ngoài tòa trong vốn đã có từ lâu nay. Vì nói cho cùng, biểu thức truyền thống về trọn bộ nội dung giáo luật được tóm lại trong câu sau đây: In Ecclesia, suprema lex salus animarum (trong Giáo Hội, luật trên hết là lợi ích của các linh hồn). Nói cách khác, luật vì con người, chứ không phải con người vì luật. Tuy nhiên nhận định của linh mục Hosie, qua những thí dụ trên, không hoàn toàn chính xác. Thứ nhất, Giáo hội không bao giờ đòi buộc tín hữu mình nếu muốn nạp đơn xin tiêu hủy hôn nhân phải ly dị dân sự trước. Trong Giáo hội, như thánh Phaolo đã nói, vợ chồng không được bỏ nhau, và nếu bỏ nhau thì phải ở độc thân, và phải tìm cách làm hòa với nhau, nghĩa là chỉ được ly thân (khi có lý do chính đáng, nếu lý do ấy không còn thì phải làm hoà với nhau). Bao lâu, dây hôn phối vẫn còn đó, thì còn có hy vọng trở về với nhau. Một khi dây hôn phối đã bị bẻ gẫy qua hành vi ly dị dân sự, thì biện pháp cuối cùng phải là luật lệ, để hoạ may giải quyết bằng cách tìm hiểu xem hôn nhân trước có thành hay không. Tuyên bố vô hiệu do đó là một biện pháp đến sau để giải quyết một bế tắc hơn là gây ra bế tắc ấy. Thứ hai, sự kiện, một khi tuyên bố vô hiệu, thì hôn nhân thứ hai được kể là có hiệu lực từ ngày kết ước dân sự, chứ không phải kể từ ngày hôn nhân đầu được tuyên bố vô hiệu, chỉ là quảng diễn ý niệm căn bản của việc vô hiệu hoá: vô hiệu hóa là tuyên bố rằng hôn nhân thứ nhất, dù bề ngoài xem ra như một hôn nhân, thực tế chưa bao giờ là một hôn nhân cả vì khi kết ước, hai bên thiếu một trong những yếu tố làm cho hôn nhân ấy thành hiệu. Cho nên về phương diện luật, hai người được kể là "độc thân" nghĩa là không bị trói buộc. Hôn nhân thứ hai vì vậy mà có hiệu lực kể từ ngày hai vợ chồng mới kết ước, sự kết uớc giữa hai con người có đủ năng quyền, không bị một trói buộc nào. Giáo Hội luôn luôn tôn trọng một hôn nhân kết ước tự nhiên như thế. Cho nên không thể nói: trước khi được tuyên bố vô hiệu, hai người "khách quan" không tuân phục nguyên tắc bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội.

Nói tóm lại, ly dị vì bất cứ lý do gì cũng là điều không được Chúa Kitô chấp nhận. Và nếu Chúa Kitô đã không chấp nhận, thì Giáo Hội, bạn chí thánh của Người, cũng không thể nào chấp nhận. Việc một người đã ly dị dân sự, tái kết hôn dù hôn nhân trước không được tuyên bố vô hiệu, nhưng lương tâm ngay thẳng của họ tin rằng nó vô hiệu, và trong tâm tình bác ái của một người con Chúa tránh gây "gương mù gương xấu" cho anh em, quyết định vẫn tiếp tục rước lễ, ta chỉ biết tôn trọng sự quyết định của họ và trao họ cho sự quan phòng và phán quyết của Chúa. Chỉ có Người mới biết thực sự họ ra sao.

Vũ Văn An8/10/2011 (nguồn vietcatholic.org)

 

 

 





TÌNH TRẠNG NGOẠI TÌNH NGÀY NAY

Một trong những nguy hiểm của đời sống hôn nhân trong thời đại chúng ta, đó là những trào lưu tư tưởng cấp tiến, những phong trào cấp tiến về tình yêu, hôn nhân, gia đình, và những đề cao không đúng chỗ quan niệm bình quyền. Đổi mới, những phong trào đổi mới nhằm nâng cao giá trị, phẩm giá, và cuộc sống là một điều tốt. Bình quyền trong cái nhìn tôn trọng phẩm giá của nhau, và tôn trọng sự khác biệt của nhau cũng là điều rất tốt. Nhưng những thứ đó đang bị lợi dụng, lạm dụng, và nó đang trở thành những vấn nạn cho đời sống hôn nhân, gia đình. Một trong những vấn nạn đó hiện nay là tình trạng ngoại tình.

NGOẠI TÌNH NƠI CÔNG, TƯ SỞ (1)

Theo Laura Kipnis, giáo sư và tác giả, trong bài phân tích về “Ngoại Tình” cùng với kết quả tham khảo từ Internet, thì sở làm, công sở, văn phòng được cho là nơi đứng đầu những chuyện tình cảm nam nữ, trai gái xuất hiện. Nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc, nhiều gia đình bị đổ vỡ do những giao tiếp lãng mạn, giao du tình cảm tại những nơi đó. Thống kê cho thấy, 82% trong số 210 người đi làm tại những cơ quan, công, tư sở đã thừa nhận mình có hành động ngoại tình. 50% trong số đó là phụ nữ. Thống kê này có thể khiến nhiều người sợ hãi khi bước vào đời sống hôn nhân, nhưng thực tế những nơi như vậy có liên quan đến ngoại tình đã tăng một cách nhanh chóng trong vòng 20 năm gần đây. Công sở, xưởng làm giờ đây được biết tới như “vùng nguy hiểm” của những giao du nam nữ và những cơ hội gặp gỡ mà trên nguyên tắc chỉ là những giao tiếp nghề nghiệp, hoặc với những người cùng một nghề, một chuyên môn, trong cùng một môi trường công việc.

Theo the American Sociological Review and the Journal of Marriage and Family trước năm 1985, tỷ số ly dị giữa người phụ nữ đi làm và người ở nhà bằng nhau. Những “giữa năm 1985 và 1992, tỷ số ly dị hàng năm giữa những người vợ đi làm tăng hơn những người vợ nội trợ 40%”. Câu hỏi được nêu lên cho những phụ nữ ngoại tình đó là, thực sự họ có hạnh phúc trong hôn nhân không, hoặc họ chỉ là không biết rõ những gì họ muốn? 

Kipnis định nghĩa tình trạng sinh lý của hôn nhân hạnh phúc như “có-và muốn có ái ân với người phối ngẫu của mình trên một cái gì đó vượt hơn căn bản mỗi tháng ba bốn lần. Điều đó có nghĩa trong một cấu trúc tình cảm vợ chồng, thì đó là điều họ không bỏ qua được…”   

Phải chăng ngoại tình xảy ra vì một người không hạnh phúc với hôn nhân của mình, trở ngại sinh lý, hoặc thiếu thốn về sinh lý? Câu trả lời không hoàn toàn là thế. Ngoại tình đến từ sức cuốn hút và cám dỗ của tình cảm trong khi ngoại tình. Một sự thu hút trói buộc hai người một cách mạnh mẽ như chưa từng có. Một trạng thái “biến hình.” Về phương diện cơ thể học, người ngoại tình bị thôi thúc do nội tiết được tiết ra qua hành động gian dâm. Nhưng hậu quả là cả nạn nhân và người ngoại tình đều đau khổ!

Người ngoại tình luôn luôn muốn lừa dối mình bằng cách xua đi những xấu hổ, và đóng kịch là con người tử tế, hạnh phúc. Họ lừa dối, thề thốt về sự trung thành của họ, trong thực tế, đời sống tình cảm giữa vợ chồng của họ xem như đã chết! Ngoài ra, phản ứng của con cái cũng là những căng thẳng nặng nề. Con cái của họ sẽ nghĩ gì về những chuyện đã xảy ra đối với cha mẹ của chúng? Có rất nhiều câu hỏi được nêu lên qua hành động ngoại tình. Bất hạnh thay, trong nhiều trường hợp, những việc làm ấy vẫn được giữ kín và không bao giờ bị tiết lộ. Nhưng khi bị tiết lộ, nó có thể gây ra bất hạnh hoặc làm tan vỡ gia đình!

Trường hợp đã xảy ra cho một bà mẹ trẻ. Khi bị phát giác hành động ngoại tình, thì lúc đó việc ngoại tình đã kéo dài được gần 5 năm. Phản ứng đầu tiên của người này là xa tránh tất cả mọi người trong nhóm bạn hữu. Gia đình khủng hoảng, con trai đầu của gia đình đã mạnh mẽ từ chối mẹ. Không ai trong số các bạn hữu biết chị hành động vì lý do gì và làm cách nào mà có thể giữ kín hành động đó lâu như vậy.

Rồi một ông bố khác lại ngoại tình với mẹ của người bạn thân của con trai ông. Trong lần hai gia đình đi nghỉ hè chung, bỗng dưng ông bố này cùng với bà mẹ kia đã trốn đi, để lại vợ chồng, con cái của họ sau lưng, không màng chi những gì đang xảy ra. Hiện nay họ đã cưới nhau và đang sống với nhau ở một địa phương khác.  

Trong một trường hợp khác, có thể nói là do yếu tố công việc và nơi chốn làm việc, đó là mối tình tay ba giữa một giáo sư Toán, một giáo sư Pháp văn và một giáo sư Anh văn. Cả ba đều dạy chung một trường, và hai nữ giáo sư văn chương cùng lúc yêu một thầy dạy Toán. Chuyện tình của họ đã gây xôn xao không những giữa hàng ngũ giáo chức mà còn với cả các học sinh trong trường.

Tóm lại, ngoại tình là một việc xảy ra không phân biệt tuổi nào, hoàn cảnh nào, tình trạng nào. Tuy nhiên, phần đông cho rằng đa số những vụ ngoại tình như thế là do phái nam chủ động.  

HÌNH THỨC NGOẠI TÌNH THÔNG THƯỜNG (2)

Ngoại tình? Có ít nhất sáu loại ngoại tình theo thứ tự ưu tiên theo Tiến sỹ Douglas LaBier, một nhà tâm lý học và Giám Đốc the Center for Progressive Development in Washington, DC.. Theo ông, mỗi cuộc ngoại tình đều có xuất xứ khác nhau, dù là đối với đàn ông hay đàn bà. Có người chỉ cần một cái nhìn của người khác phái là tự dưng như chạm phải tiếng sét ái tình. Và họ bắt đầu yêu nhau, mặc dù biết rằng tình yêu ấy không bền vững và có nhiều hệ lụy.

Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng
Lòng đang giá băng, bỗng ngập tràn muôn tia nắng
Nghe bao xót xa, vụt bay theo cánh chim ngàn
Dừng bước nơi này, chỉ còn em với ta...

Ngỡ ngàng nhìn em... như đã quen rồi
Hỏi em biết chăng, những bàng hoàng giăng vây kín
Như muôn tóc mây quyện vương đôi mắt nhung huyền
Mộng ước đây rồi... sao ngại ngùng vương trong ta...

(Biết Đến Thuở Nào - Tùng Giang)

 

Cũng theo Tiến sỹ LaBier, những người ngoại tình phần lớn đều cho rằng hành động họ chính đáng và không làm gì nguy hại đến hôn nhân của họ. Nhưng ngay với quan niệm cởi mở, và dù vấn đề ngoại tình hoặc ly dị ngày nay được coi nhẹ, nếu không muốn nói là được đón nhận một cách cởi mở, rộng rãi hơn cũng không có nhiều người chấp nhận việc ngoại tình. Tình yêu luôn luôn đòi hỏi sự chung thủy. Đối với quan niệm này, hành động ngoại tình chỉ là hậu quả và kinh nghiệm về những đổ vỡ hoặc thiếu kinh nghiệm của hôn nhân mà họ đang bị ràng buộc.

Nhưng cái nhìn tâm lý thì sao? Ngoại tình mang ý nghĩa gì, và hậu quả của nó như thế nào?

Căn cứ trên 6 loại ngoại tình theo mô hình của Tiến sỹ LaBier, mỗi người tùy vào trường hợp của mình để nhận định, hy vọng nhờ đó có thể giúp phần nào nhận thức và có trách nhiệm với hành động của mình.    

The "It's-Only-Lust" Affair. (Chỉ lả lơ một chút thôi!) Đây là hình thức ngoại tình thông thường nhất. Điểm chính của nó là tình dục (sex). Nó thu hút rất mạnh mẽ, nhưng nó cũng mau chóng thiêu đốt người trong cuộc. Xuân và Hạ gặp nhau qua công việc, và cảm thấy một sức hấp dẫn và thu hút không thể chống cự được. Xuân đã ly thân, và Hạ có chồng. Họ cảm thấy bất lực trước sự khước từ, và sau cùng đã lên giường với nhau, cũng như ở nhiều nơi khác. “Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời!” Xuân nói về hành động ngoại tình của mình với nụ cười rạng rỡ, mặc dù hạnh phúc đó, tuyệt vời đó có thể như chiếc mặt nạ che đậy nhiều xung đột.   

Một người luôn cảm thấy bị thôi thúc bởi nhu cầu sinh lý, và chỉ được tự do trong một giao tiếp bí mật được giữ kín khỏi con mắt nhòm ngó hoặc kiểm soát của vợ hoặc chồng, người ấy có thể dễ đánh mất lòng chung thủy với người phối ngẫu. Ngoại tình do lẳng lơ, thường không bền lâu và cảm tình có thể lao xuống vực thẳm nhanh như sự tan biến hạnh phúc hoặc mơ hồ. Nó có thể bị xóa tan nếu một trong hai kẻ yêu nhau đó khám phá ra rằng không có gì ràng buộc họ ngoại trừ dục vọng. Vì, sinh lý trong thời gian này rất hạnh phúc, sung sướng. Nhưng vì hai kẻ ngoại tình không có gì để nói với nhau ngoại trừ dục vọng, nên sinh lý cũng sẽ trở thành nhàm chán và tan biến.  Dễ tan biến nhưng cũng rất khó chừa:

“Một trà một rượu một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được thứ nào hay thứ nấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà”

(Trần Tế Xương)

The "I'll-Show-You" Affair. (Tôi sẽ cho biết tay). Hương bắt đầu nhận ra rằng, cô bực tức và thất vọng đối với chồng sau những năm hôn nhân không hạnh phúc. Cô ta trải qua kinh nghiệm vô ơn, coi thường, và thiếu tín nhiệm từ chồng. Cách chối từ mạnh mẽ của chồng cô trong việc tìm đến một sự chữa trị chuyên môn đã đẩy cô vào tuyệt vọng! Theo cô những giúp đỡ chuyên môn của tâm lý gia trước đó đã giúp cô nhận ra sự chấp nhận để hóa giải trong hôn nhân. Nhưng nó đã không đủ giúp cô có thể bỏ qua tư tưởng trả thù của mình. Và đó là điều mà cô mong muốn cả chồng cô cùng tìm đến một kinh nghiệm và cách chữa trị chuyên môn.    

Hương hiểu rằng “quay về” với chồng không đem lại sự tôn trọng, yêu thương hoặc chữa lành gì, nhưng lại bắt đầu một cuộc sống đầy đắng đót. Cô bỗng nhận rằng đàn ông của cô thường chỉ thích thúc với những kết quả thần tượng chính mình, và sẽ mau chóng vùi đập cô. Từ từ, cô khám phá bên dưới sự tức giận của mình là một ước mơ về một người đàn ông khác có thể hiểu cô, chấp nhận cô; một người có thể “nhìn” cô như cha của cô đã nhìn cô. Nhưng trước khi nhận thức ấy khai mở, cô đã đau khổ, và cô vẫn phải đối diện với thực tế của hôn nhân của cô, và làm cách nào để chữa lành sự tổn thất của chính mình. Trong trường hợp ấy, cám dỗ được một người hiểu và thông cảm với mình là lời mời gọi rất khó lòng từ chối.    

The "Just-In-The-Head" Affair. (Chỉ nghĩ vậy thôi). Bạn có thể gọi đó là một hành vi ngoại tình nếu hai “tình nhân” không có hành động tính dục? Hãy xét về trường hợp của Đông và Thu. Cả hai trở nên gần gũi khi làm việc chung với nhau trong một dự án. Đông có vợ và Thu đã ly dị nhưng đang sống với bồ. Họ cảm thấy có nhiều điểm chung - một sự hòa hợp về cái nhìn cuộc sống và sự tương hợp tinh thần. Họ thích thú nói chuyện và cùng nhau hướng nhìn về tương lai. Họ thường xuyên nói chuyện với nhau trên điện thoại, và sát cánh bên nhau sau khi làm chung trong một dự án. Chẳng bao lâu, họ nhận ra rằng một sự mật thiết về tình cảm rất gắn bó đã phát triển. Nó giống hệt như tình bạn. Do đó, tại sao họ lại không đến với nhau?  Và vì thế họ chọn sống mà không có những giao tiếp tình dục. Đây là mức độ của tình thân làm cho trạng thái biến thành ngoại tình trong tư tưởng, không phải qua xác thịt, hoặc giống như tình bạn hữu. 

Ngoại tình trong tư tưởng đúng ra là một sự thách đố duy trì sự trong sáng khỏi giới hạn của tình dục. Và có một sự may rủi mà người trong cuộc không nhìn thấy trong mối quan hệ mà họ cho là chính đáng ấy, vì sẽ chẳng sớm thì muộn, nó sẽ trở thành tan vỡ.  

The "All-In-The-Family" Affair. (Là người cùng một nhà). Ai mà biết. Nam nghĩ như vậy, nhưng đó là sự an toàn giả tạo, bởi vì “không ai dấu được tình yêu”. Anh ta và em vợ anh ta đã có những giao du tình dục sau nhiều năm liên hệ tình cảm và buông thả. Bỗng nhiên, họ ở giữa một tình cảm mà cả hai không ai muốn chấm dứt. Cả hai đều nghĩ rằng, họ có thể giữ kín mối quan hệ này; và rằng không ai đòi hỏi người kia và nó sẽ là một mối quan hệ hết sức an toàn. Ai cũng biết đó chỉ là những ý nghĩ ngớ ngẩn. Hầu hết những quan hệ “gia đình” như vậy đều dẫn đến những chòng kéo của những tan vỡ gia đình và chôn vùi những xúc phạm. Không ai từ Nam cũng như Bắc, em dâu của anh ta đã nhìn một cách nghiêm chỉnh vào những sự việc bằng những cái nhìn tôn trọng những giá trị của luân lý, hoặc nhìn vào bên trong đời sống hôn nhân, ngay cả sự nguy hiểm của nó như thế nào. Bất hạnh thay, sự lén lút của họ đã bị vô tình tiết lộ nhờ những emails qua lại. Mối quan hệ hôn nhân, gia đình và họ hàng lập tức trở thành một giấc mơ kinh hoàng cho những thành viên trong đại gia đình.

The "It's-Not-Really-An-Affair" Affair. (Chưa thực sự là ngoại tình). Con người chúng ta được cho là những nhà chuyên môn cấu tạo những ảo tưởng về chính mình. Trong mối quan hệ này, một người sẵn sàng, người kia không. Người sẵn sàng tin rằng người kia sẽ rời bỏ vợ hoặc chồng của họ, chỉ cần có đủ thời gian và sự nhẫn nại. Thu Trang đã ly dị 7 năm, bắt đầu gặp một người đàn ông có gia đình. Cô ấy nói với tôi một cách xác tín, “Đây chưa phải là ngoại tình, Nó chỉ là một mối liên hệ!” đang chờ cơ hội để hai người sẵn sàng và đón nhận nhau. Kết quả là 90% chuyện này không xảy ra. Không mấy kẻ ngoại tình, đặc biệt là đàn ông, có ý định bỏ vợ. Điều này đã xảy ra đối với người đàn ông mà Thu Trang đang giao du khi khám phá ra là trong lúc quen mình, người này còn cặp kè với hai phụ nữ khác.

The "Mind-Body"Affair. (Thân xác và lý trí). Đây là một hình thức nguy hiểm nhất đối với những mối quan hệ hào hứng cho những kẻ yêu nhau lén lút. Nó qúa mạnh mẽ bởi vì ngoại tình trong trường hợp này bao gồm đầy đủ - tình cảm, tình dục, khôn ngoan, và tinh thần. Lưu và Thư cả hai đã đến gặp tôi như một cặp vợ chồng, gặp nhau qua những buổi họp phụ huynh vì con họ học trong trường. Ngay lập tức, họ cảm thấy bị thu hút, có nhiều mối dây ràng buộc, “Nếu tôi tin có luân hồi”, Lưu nói với tôi, “Tôi có thể nói là cả hai chúng tôi đã là vợ chồng với nhau ở tiền kiếp. Chúng tôi cảm thấy như “hòa hợp tâm hồn lẫn thể xác”. Còn Thư thì nói, “Tôi chưa bao giờ nghĩ một mối giây liên hệ lại giống như vậy.”

Sự hòa hợp thân xác và tâm hồn là sức hút rất lớn đối với những kẻ ngoại tình vì nó được cho là quá “đúng”, quá “hiển nhiên”. Dĩ nhiên, cả hai có thể thử nghiệm nó hoặc biến nó thành một cuộc giao tiếp lý trí, nhưng thực tế lại không phải vậy. Giữa những hình thức ngoại tình khác nhau, hình thức ngoại tình này thường đem đến kết quả là ly dị. 

NHỮNG KINH NGHIỆM GIÁ TRỊ

Kinh nghiệm từ những trường hợp ngoại tình, đưa đến hai giả thiết: Người ta có thể tách lìa việc ngoại tình khỏi đời sống, sẽ không quá quan tâm về nó. Cả hai đều sai, và lời khuyên tốt nhất dành cho những người ngoại tình, đó là:
 

- Một cách tâm lý, hành động ngoại tình thường mang lại thoải mái. Nó có thể giúp sức để một người có thể ra khỏi mối liên hệ đổ vỡ và chết chóc mà họ cho là không hy vọng đổi mới. Những cảm xúc và hành động ấy luôn khuyến khích và thôi thúc những người này rời bỏ một cuộc hôn nhân mà họ cho là không cần thiết. Trong cái nhìn tâm lý, thông thường cả nam cũng như nữ trở thành mạnh mẽ hơn qua việc họ ngoại tình. Nó thúc đẩy họ lao vào hành động cảm tình chân thực hơn và trưởng thành. Điều này có thể giúp họ nhìn lại cuộc sống của mình trong hiện tại, và can đảm quay về xây dựng lại hạnh phúc hôn nhân mà họ có thể đánh mất. Hoặc đang lao mình vào một cuộc phiêu lưu tình cảm khác.   

 

- Ngoại tình, trong một ý nghĩa nào đó, nó có thể giúp người ngoại tình làm mới lại mối tương quan với người phối ngẫu. Nó có thể thôi thúc họ đối diện với những gì mà thực sự họ đang muốn từ người phối ngẫu và động cơ thúc đẩy họ để cố gắng tạo dựng nó. Linh, một kỹ sư, có một tình yêu ngoài hôn nhân gần 4 năm. Ngày kia, sau cuộc cãi vã với người tình, anh bắt đầu nhận ra rằng, anh đang cảm thấy mình có cùng một cảm xúc khó chịu và những khó khăn trong đời sống sinh lý như anh đã cảm thấy đối với vợ mình. “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Anh tự hỏi mình: “Phải làm gì đây?” Trong khi kiểm điểm lại những gì anh ta thật sự muốn và có giá trị, anh ta đã nhận ra vai trò của chính anh trong việc chối bỏ những khủng hoảng từ lâu trong cuộc sống hôn nhân của mình. Anh đã khám phá ra rằng anh đã muốn có cảm nghiệm những gì anh ta đã làm trong ngoại tình, mà không làm cho vợ mình. Và anh đã nói với vợ anh trong một lần gặp gỡ chuyên môn: “Anh muốn vợ và người yêu là một người. Điều này có thể không xảy ra, nhưng anh sẽ cố gắng đem lại cho em hạnh phúc, cũng như đã làm cho người tình anh. Phần em, hãy cho anh cơ hội và cộng tác với anh. Hạnh phúc chúng ta không thể thiếu một người!”.  
 

- Ngoại tình luôn luôn khởi đầu bằng một lý do, và điều này nó liên quan đến những vấn đề trong mối tương quan hiện tại của hai vợ chồng. Tốt hơn hết là nên đối diện với nó và tìm cách giải quyết. Người ta không tự nhiên thấy mình là người ngoại tình, hoặc không ai bắt một người phải lên giường với người nào đó. Đấy là sự lựa chọn tự do, nhưng để làm việc này, họ luôn tìm cho mình một lý do nhằm hợp lý hóa một cách đẹp đẽ. Vì thế hãy nhìn vào điều đang thiếu sót hoặc chưa hoàn chỉnh trong tương quan của chính mình. Hãy tự hỏi, tại sao vậy, và liệu tôi có thể - hoặc muốn - làm một cái gì về nó. Nếu thật sự không thể có được một kết quả tốt đẹp, thì cũng nên kết thúc nó với sự tương kính. Đừng đặt mình hoặc người phối ngẫu vào việc đã rồi.

 

Do nhận thức rằng, ngoại tình có nghĩa là đang sống giả dối, sẽ giúp chúng ta cơ hội thay đổi lối sống, lối suy nghĩ, cũng như những cách thức biểu lộ tình cảm, và ham muốn tình dục một cách ý thức, trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Điều này sẽ đem lại kết quả tốt đẹp - cho chính mình, cho hạnh phúc hôn nhân, cho mối tương giao vợ chồng, và cho con cái. Nhưng nếu mù tối và cố chấp sống ngoại tình, nó sẽ để lại cho chúng ta nhiều năm tháng hối hận sau này, trong khi hiện tại thì chỉ sống với những ảo tưởng, ảo giác, và một hạnh phúc mơ hồ. Khi tất cả những cái đó bắt đầu sụp đổ, còn lại sẽ là một nỗi trống vắng, cô đơn. Đó là lý do tại sao bạn phải thận trọng hơn với những quyết định và hành động của bạn. Đừng lạm dụng tự do để bước vào con đường ngoại tình, nếu không rồi bạn sẽ phải đối diện với những kết quả mà bạn không muốn!   

 

Trong thực hành, nếu có thời giờ, tôi khuyên bạn tham dự với sinh hoạt Gia Đình Nazareth, hay một tổ chức nào đó có mục đích nâng cao đời sống và gía trị của hôn nhân. Hãy tham dự một Khóa Nazareth để “tái khám phá và phục hồi” những giá trị và vẻ đẹp hôn nhân của bạn. Đừng “đứng núi nọ trông núi kia”. Bạn sẽ không được gì với cái ảo giác và ảo tưởng đầy hư cấu về một hạnh phúc giả tạo.

 

_______
 

1.

Jessica Singer. Women and Work. Monday, April 29, 2013

http://www.focusonthefamily.com/marriage/sex_and_intimacy/managing_
temptation/the_new_workplace_romance.aspx'


 

2.

Douglas LaBier, Ph.D., Having An Affair? There Are Six Different Kinds

Affairs come in an array of flavors. Psychological Today. Posted Apr 05, 2010

dlabier@centerprogressive.org (link sends e-mail).

Web site: Center for Progressive Development (link is external)

 

Tác giả:  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn