1
04:34 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 303


Hôm nayHôm nay : 13431

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 403518

Tổng cộngTổng cộng : 27957802

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » LỄ GIỚI TRẺ & THIẾU NHI

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII

Thứ bảy - 13/12/2014 07:49-Đã xem: 1665
"Bước theo thánh giá là sống theo sự thật, đón nhận ơn cứu độ và dấn thân phục vụ theo gương Đức Giêsu Kitô" - Suy niệm của Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên trong nghi thức cung nghinh Thánh giá tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII - Phát Diệm ngày 27 tháng 11 năm 2014
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII

Bước theo thánh giá là sống theo sự thật

1. Hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây để tôn vinh Thánh Giá và nguyện bước theo Thánh Giá. Chúng ta tôn vinh Thánh Giá không phải là tôn vinh hai khúc gỗ vô hồn được đóng vuông góc với nhau, cũng chẳng phải là tôn vinh những đau khổ, vì nếu thế, chúng ta phải cám ơn những tên lý hình, nhưng là tôn vinh chính tình yêu, tôn vinh tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đấng Chịu Đóng Đinh Thánh Giá. Từ lúc Con Thiên Chúa đặt mình và được “giương cao” trên thập giá, thì thập giá không còn là sự thất bại, không còn là đồ chúc dữ nữa, nhưng thực sự trở thành Thánh Giá, thành cờ hiệu chiến thắng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Từ nay, Thánh Giá chính là hy vọng và là niềm vinh dự của chúng ta, và khi chúng ta bước theo Thánh Giá, là chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta thuộc về Đức Giêsu Kitô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Nói khác đi, “bước theo Thánh Giá là sống theo sự thật” vậy.

2. Trước tiên, hơn ai hết, Đức Giêsu Kitô là người sống theo sự thật. Người “là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Mc 12,14). Người luôn tôn trọng sự thật. Chẳng hạn, Người chất vấn tên thuộc hạ của thượng tế Cai-Pha khi tên này đánh Người rằng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Đặc biệt, Đức Giêsu Kitô là người luôn bảo vệ và làm chứng cho sự thật. Trước mặt tổng trấn Philatô, chính Đức Giêsu Kitô đã quả quyết: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

3. Chính vì muốn bảo vệ sự thật cho đến cùng, Người đã bị người đời, những con đẻ của cha dối trá, là ma quỷ (Ga 8,44), tìm cách chống đối, kết án và hơn thế, đóng đinh và treo trên Thánh Giá. Nhưng sự thật mà Đức Giêsu Kitô đã sống, đã ra sức bảo vệ và làm chứng cho đến cùng đó là gì? Chính Philatô đã hỏi Đức Giêsu Kitô: Sự thật là gì? Nói thế rồi, ông bỏ ra ngoài, và vì thế không nghe được câu trả lời của Đức Giêsu Kitô, không lắng nghe được tiếng nói của sự thật, không đứng về phía sự thật, không thuộc về vương quốc của sự thật, do đó, ông đã xét xử sai. Tắt một lời, ông không phải là môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Vậy sự thật là gì? Hay phải hỏi đúng hơn, sự thật là ai?

4. Sự thật mà Đức Giêsu Kitô muốn nói ở đây không phải là một ý niệm trừu tượng, cũng chẳng phải là Nguyên Lý Toán Học, hay Đệ Nhất Động Cơ của triết học Aristote, hoặc Đạo của Lão Tử, lại càng không phải là “sự thật kỷ thuật”[1] của con người thời đại hôm nay. Sự thật mà Đức Giêsu Kitô làm chứng không phải là một điều gì đó (what), nhưng là một Ai đó (who), Một Ngã Vị, Một Khuôn Mặt, Một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống nhân loại chân trời mới và từ đó con người có định hướng cho cuộc sống mình.[2] Sự thật đó chính là Thiên Chúa, Đấng là sự thật tự hữu, sự thật tự thân.

5. Thiên Chúa là “sự thật tối thượng và đệ nhất” - ipsa summa et prima veritas, thánh Tôma Aquinô đã nói như thế. Vì sự thật này mà Đức Giêsu Kitô xuống thế gian để làm chứng. Đức Giêsu Kitô là Sự Thật, là Thiên Chúa, đã bước vào trần gian và qua đó là tiêu chuẩn cho mọi sự thật giữa lòng lịch sử và thế giới. Muôn thụ tạo chỉ là “thật” trong mức độ phản ánh Thiên Chúa, ý nghĩa của sáng tạo, lý trí vĩnh cữu, từ đó mà vũ trụ xuất phát ra. Thế giới càng chân thật càng tiến gần đến Thiên Chúa. Con người trở nên thật, trở thành chính mình khi con người thực thi thánh ý Thiên Chúa.

6. “Làm chứng cho sự thật” nghĩa là đặt chương trình và ý muốn của Thiên Chúa trên chương trình và ý muốn thế tục, đặt tiêu chuẩn của Thiên Chúa trên tiêu chuẩn mọi hữu thể khác. Theo nghĩa này, sự thật là “Vua” đích thực, ban cho mọi sự ánh sáng và sự vĩ đại của chúng.[3] Chúng ta được mời gọi bước theo Thánh Giá Đức Giêsu Kitô, đồng nghĩa với việc hãy luôn lắng nghe tiếng nói của sự thật, thưa “vâng” với sự thật, đứng về phía sự thật, sống theo sự thật, nhất là làm chứng cho sự thật, cho dù phải bị treo trên Thánh Giá, cho dù phải hi sinh cả mạng sống mình.

7. Chính Đức Giêsu Kitô đã nói rằng “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Những ai bước theo Đức Giêsu Kitô và thực thi những điều Người giảng dạy sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời, Nước của công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

8. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho mỗi người chúng con biết can đảm bước theo Thánh Giá Chúa, bước theo Sự Thật, và làm chứng cho Sự Thật là chính Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận Chúa là Vua của lòng trí chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

_MG_9106 _MG_9107 _MG_9114

Bước theo Thánh Giá là đón nhận ơn cứu độ của Chúa

1. Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì tội Nguyên Tổ, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị biến dạng và hậu quả của tội Nguyên Tổ là tội riêng của mỗi cá nhân cũng như tội của các hình thức tập thể khác trong gia đình nhân loại. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm rằng bóng đêm của tội lỗi bao phủ mọi chiều kích của cuộc sống con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể.

2. Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của con người. Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được loan báo ngay sau khi Nguyên Tổ phạm tội và lúc thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống trong môi trường tội lỗi của nhân loại để đồng hành và cam chịu những đau khổ vì tội lỗi nhân loại gây nên. Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái nói rằng “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).

3. Cuộc đời Đức Giêsu Kitô là cuộc đời đau khổ và đỉnh điểm của đau khổ đó là biến cố Thánh Giá. Trong nhãn quan của người đời, Thánh Giá là biểu tượng của thất vọng tột độ, là vực thẳm của sự chết chóc, là sự trừng phạt man rợ nhất mà con người đã nghĩ ra và thực hiện. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,22-25).

4. Trong thân phận con người, Đức Giêsu Kitô đã đi ngược lại con đường của Nguyên Tổ nhân loại. Như chúng ta biết, con đường của Nguyên Tổ nhân loại là con đường bất tuân ý định Thiên Chúa dưới hình thức sở hữu vô độ. Còn con đường của Đức Giêsu Kitô là con đường vâng phục qua việc trở nên trống rỗng. Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thánh Giá (Pl 2,8). Với cái chết trên Thánh Giá, Đức Giêsu Kitô đã đi đến tận cùng của sự thất vọng mà con người có thể kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô cho thấy rằng Thánh Giá không phải là tiếng nói cuối cùng của kiếp người. Đức Giêsu Kitô đã đánh bại đau khổ, đánh bại sự chết. Người đã sống lại và chỉ cho nhân loại thấy rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa luôn vượt thắng tội lỗi và các dẫn xuất của tội lỗi trong môi trường nhân loại.

5. Để đón nhận ơn cứu độ là sự giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi và tất cả các hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Thánh Giá, con đường của Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô không những chỉ cho chúng ta con đường để về với Thiên Chúa mà còn cho chúng ta biết chính Người là Đường (Ga 14,6). Nói cách rõ ràng hơn, Đức Giêsu Kitô là Đường của Thiên Chúa, là Đường của con người, là Đường của Thiên Chúa đến với con người, và cũng là Đường của con người về với Thiên Chúa. Chúng ta tin tưởng rằng Đường Đức Giêsu Kitô chính là kim chỉ nam cho gia đình nhân loại, là ngữ pháp cho tất cả các nền văn hóa, là ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người.

6. Hi vọng sâu xa nhất của con người đó là hi vọng được giải phóng hoàn toàn khỏi mọi sự dữ, khỏi mọi xiềng xích tội lỗi và được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

7. Lạy Chúa Giêsu Kitô, để đón nhận ơn cứu độ của Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn đi đường Thánh Giá mà Chúa đã đi. Chúng con biết rằng ơn cứu độ của Chúa là cho toàn thể nhân loại, xin cho mỗi người chúng con luôn là khí cụ của Chúa để chúng con loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho tất cả mọi người trong môi trường sống của chúng con. Amen.

_MG_9501 _MG_9509

Bước theo Thánh Giá là dấn thân phục vụ theo gương Chúa (ĐGK)

1. Kitô hữu là người được in dấu Thánh Giá Đức Giêsu Kitô và đi vào mối tương quan liên vị mật thiết với Người. Người Kitô hữu ý thức rằng con đường Đức Giêsu Kitô đã chọn hầu đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại là con đường Thánh Giá. Để thể hiện căn tính của mình, người Kitô hữu bước theo Thánh Giá, dấn thân phục vụ tha nhân theo gương Đức Giêsu Kitô.

2. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm rằng cách cư xử thường tình trong xã hội loài người đó là người có vị thế thấp hơn thì phục vụ người có vị thế cao hơn. Phục vụ những người ngang bằng vị thế mình đã là khó, phục vụ những người thấp kém hơn mình lại càng khó hơn. Dấn thân phục vụ theo tinh thần Đức Giêsu Kitô, tinh thần của người thầy cúi mình xuống rửa chân cho môn đệ của mình, luôn là lời mời gọi và cũng là thách đố lớn lao cho tất cả chúng ta.

3. Đức Giêsu Kitô yêu thương phục vụ cách đặc biệt những người nghèo khổ, đau yếu, những người bị xã hội bỏ rơi hay bị đàn áp cách này hay cách khác. Đức Giêsu Kitô đã nêu gương sáng cho các môn đệ bằng hành động và lời nói. Chính Người đã khuyên dạy các môn đệ của Người rằng “vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ… Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,26-27).

4. Trong xã hội hôm nay, nhiều người đang ngụp lặn trong đại dương của văn hóa vật chất, văn hóa hưởng thụ. Các giá trị tâm linh xem ra thuộc hàng thứ yếu. Sự gia tăng điều kiện vật chất trong thế giới toàn cầu hóa xem ra tỉ lệ thuận với chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối và tỉ lệ nghịch với đời sống đạo đức luân lý. Hay nói cách khác, sự gia tăng điều kiện vật chất có xu hướng làm cho con người ngày càng dửng dưng với đời sống tinh thần, đời sống tôn giáo. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta được mời gọi phục vụ theo tinh thần Đức Giêsu Kitô nhằm góp phần làm cho tinh thần này được thấm đượm môi trường sống của chúng ta để mọi người nhận rõ hơn đâu là giá trị và ý nghĩa đích thực của đời mình trên hành trình trần thế cũng như cuộc sống vĩnh cửu mai ngày.

5. Ơn cứu độ được thực hiện bởi Đức Giêsu Kitô qua con đường Thánh Giá tích hợp mọi khía cạnh của đời sống con người, bởi vì Đức Giêsu Kitô không chỉ là Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta, Đấng Mê-si-a, Ngôn Sứ, Vua các Vua, Chúa các chúa, mà Đức Giêsu Kitô còn là Thiên Chúa-làm-người-nghèo, Đấng Ban Sự Sống, Đấng Chữa Lành, và Tôi Tớ Đau Khổ. Đức Giêsu Kitô cũng là Người Bạn, Đấng Giải Phóng Người Nghèo, Đấng xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian, và Đấng Từ Bi Nhân Hậu. Suy tư về hình ảnh đa diện của Đức Giêsu Kitô khuyến khích mỗi người chúng ta đóng góp phần cho việc canh tân xã hội, canh tân môi trường sống của mình nhằm phục vụ lợi ích của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

6. Chúng ta không cô đơn khi bước theo Thánh Giá, dấn thân phục vụ anh em đồng loại của chúng ta. Đức Giêsu Kitô nói với các môn đệ của Người xưa cũng như mỗi người chúng ta hôm nay rằng “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Quả thật, Đức Giêsu Kitô đã hiện diện trong lịch sử nhân loại. Người tiếp tục hiện diện trong lịch sử này. Người hiện diện bằng Lời của Người. Người hiện diện qua việc chúng ta cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích thánh thể. Những nơi, những hoàn cảnh mà chúng ta cho là vắng bóng Thiên Chúa lại là những nơi, những hoàn cảnh Người hiện diện và hoạt động cách mạnh mẽ nhất.

7. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy theo gương Đức Giêsu Kitô đi con đường Thánh Giá trong ơn gọi Kitô hữu của mình và dấn thân phục vụ tha nhân. Bước theo Thánh Giá Đức Giêsu Kitô, chúng ta cần dấn thân, cần mạo hiểm, cần khao khát, cần dại khờ, cần trở nên trống rỗng hơn, để tâm hồn mình luôn có chỗ cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu Kitô, nhờ đó chúng ta có thể phục vụ anh chị em mình cách hiệu quả hơn.

8. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho mỗi người chúng con luôn là những thành phần tích cực và sống động trong Thân Thể Mầu Nhiệm Của Chúa là chính Giáo Hội để chúng con dấn thân phục vụ tha nhân và làm cho các giá trị của Nước Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con. Amen.Cuộc đời Đức Giêsu Kitô là cuộc đời Thánh Giá, còn Thánh Giá Gỗ mà Người chịu chết trên đó là Thánh Giá cuối cùng trong hành trình trần thế của Người. Quả thực, Đức Giêsu Kitô mang lấy Thánh Giá khi Người sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn; mang lấy Thánh Giá trên đường trốn sang Ai Cập; mang lấy Thánh Giá trong quãng đời lao động ở Nazaret; mang lấy Thánh Giá trong hành trình rao giảng Tin Mừng cứu độ; mang lấy Thánh Giá trong cuộc khổ nạn và trút hơi thở cuối cùng trên đó.

-------------------

[1] ĐTC Phanxicô, Lumen Fidei, no. 25.
[2] ĐTC Bênêđictô XVI, Deus Caritas est, no. 1.
[3] Ibidem.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn