1
13:44 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 222


Hôm nayHôm nay : 14661

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 318783

Tổng cộngTổng cộng : 27873067

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » LỄ GIỚI TRẺ & THIẾU NHI

Bài chia sẻ của Đức Cha Phụ Tá Phêrô tại Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Vinh lần thứ nhất

Chủ nhật - 16/02/2014 14:22-Đã xem: 1747
Ước mơ của người thanh nhiên để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp cũng là ước mơ bao đời của con người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Con người chúng ta từ khi xuất hiện trên dương gian cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai có thể khác nhau về không gian, thời gian, điều kiện văn hóa, chủng tộc, và nhiều thứ khác nữa, tuy nhiên, điểm chung của tất cả mọi người là muốn có được sự sống đời đời. Nói cách khác, mơ ước sự sống đời đời là mẫu số chung của toàn thể nhân loại.
Bài chia sẻ của Đức Cha Phụ Tá Phêrô tại Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Vinh lần thứ nhất

Bài chia sẻ của Đức Cha Phụ Tá Phêrô tại Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Vinh lần thứ nhất

Bài Chia Sẻ Tại Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Vinh Lần Thứ Nhất

ĐGM Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Viên

Trại Gáo, ngày 4 tháng 2 năm 2014

Chủ đề: Người thanh niên giàu có nói với Đức Giêsu “thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).

Các bạn trẻ thân mến,

Thật là niềm vinh hạnh cho tôi vì được tham dự và chia sẻ cùng các bạn hôm nay trong dịp gặp gỡ đầu Xuân 2014.

Ngày 9 tháng 1 năm 2014 vừa qua, một bé gái người Úc tên là Sophia (Sophie) đã viết cho các khoa học gia đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học và Công Nghiệp Liên Bang Úc (CSIRO: Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) một bức thư với những dòng chữ nguệch ngoạc rằng, các nhà khoa học kính yêu, cháu tên là Sophia (Sophie), 7 tuổi. Ba của cháu có kể cho cháu nghe về các bác đang làm việc tại CSIRO. Nếu có thể được, cháu nhờ các bác làm cho cháu một con rồng sống. Cháu rất thích con rồng như vậy. Nếu các bác làm được thì tốt, bằng không, cũng chẳng sao. Nếu là con cái thì cháu sẽ gọi nó là Toothless, nếu là con đực, cháu sẽ gọi nó là Stuart. Cháu sẽ trông nom nó ở khoảng trống có nhiều cỏ xanh trong vườn nhà cháu. Cháu sẽ cho nó ăn cá tươi và đeo vòng cổ cho nó. Nếu nó bị thương, cháu sẽ băng bó. Đặc biệt, cháu sẽ chơi với nó mỗi dịp cuối tuần, lúc cháu nghỉ học.

Khi nhận được thư của Sophia, CSIRO đã trả lời nhanh chóng cho bé rằng tổ chức nghiên cứu khoa học của chúng tôi thành lập từ năm 1926 và chúng tôi tự hào về những thành tựu của mình. Tuy nhiên, có một số việc chúng tôi chưa làm được, trong đó có việc tạo ra những con rồng sống. Chúng tôi xin lỗi.

Là trẻ em ở nước phát triển như Úc, Sophia chắc chắn nhận được nhiều con rồng bằng nhựa, bằng gỗ, và bằng nhiều chất liệu khác với màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, Sophia cảm thấy không thỏa mãn với những con rồng vô tri vô giác. Sophia muốn có con rồng sống. Con rồng mà Sophia có thể chăm sóc, có thể chơi đùa, có thể làm bạn. Ước mơ đơn sơ của em bé 7 tuổi Sophia đã làm đau đầu không chỉ những người đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học và Công Nghiệp Liên Bang Úc mà còn tất cả mọi người trên hành tinh chúng ta, từ khởi thủy cho đến hôm nay.

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta vừa nghe đoạn Tin Mừng kể lại chuyện người thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu không phải về cách thức làm sao để anh, trong một thời gian ngắn, có thể tạo được đàn súc vật đông đúc nhằm tăng thêm gia sản của mình, nhưng về cách thức để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thánh Mác-cô tường thuật rằng “Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”" Thật bất thường, một người vị vọng, giàu có, lại chạy cách vội vã đến với Đức Giêsu Na-da-rét, ‘người ở trong thôn’, đơn sơ, chất phác, rồi quì xuống. Cử chỉ của người thanh niên này làm nhiều người hôm đó cũng như chúng ta hôm nay ngạc nhiên. Thông thường, những người giàu có thì hay ngạo mạn, kiêu căng, xem người khác không ra gì. Hiếm khi chúng ta thấy người giàu có lịch sự với người thua kém mình, chứ đừng nói đến quì trước mặt họ.

Cử chỉ và lòng thành của người thanh niên biểu hiện thực tại rằng mặc dù giàu có về của cải vật chất, anh nhận ra sự thiếu thốn căn bản của mình, sự thiếu thốn mà chính khả năng bản thân cũng như của cải mình không thể bù đắp được. Người thanh niên có được những thứ mà nhiều người khác mơ cũng không thấy. Tuy nhiên, lòng anh luôn băn khoăn, khắc khoải vì những thứ anh có không bảo đảm cho anh sự sống đời đời, bởi vì không chóng thì chầy, anh phải đối diện với sự chết, và của cải anh có trở nên vô nghĩa vì anh không thể mang theo được. Anh thấy mình bất lực khi đối diện với câu hỏi và ước vọng của bản thân về sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.

Theo tiến trình câu chuyện, khi Đức Giêsu nêu lên những giới răn của Thiên Chúa, thì người thanh niên bảo rằng anh không lỗi một giới răn nào: Không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai điều gì. Anh thảo kính cha mẹ và tôn trọng người khác. Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, để theo Người và để có sự sống đời đời làm gia nghiệp, anh còn phải làm hơn thế nữa. Anh không chỉ giữ mình để không phạm giới răn Thiên Chúa mà còn mở lòng và rộng tay cho đi những thứ mình có nữa. Anh thiếu tình yêu thương người khác, thiếu lòng quãng đại, thiếu sự chia sẻ với người nghèo đói. Như thế, vấn đề của anh là những điều anh chưa làm hơn lànhững điều anh đã làm như tuân giữ các giới răn, luật lệ. Chúng ta thấy được hình ảnh của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng nơi người thanh niên này, đó là, tìm cách có thêm hơn làm tìm cách cho đi. Để có thêm, chúng ta thường nghe câu đúc kết ngắn gọn, dễ hiểu là ‘tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm!’.

Người thanh niên đã học cách giữ luật như Chúa muốn, tuy nhiên, chưa học được cách yêu như Chúa yêu. Đức Giêsu cho anh biết rằng anh chỉ thiếu một điều thôi là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Người và dĩ nhiên là sẽ có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Sau đó thánh Mác-cô tường thuật rằng “anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,22). Câu chuyện kết thúc xem ra không có hậu, vì ngay lúc đó người thanh niên không đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, biết đâu, sau khi suy nghĩ lại, anh tập cách sống theo lời dặn của Đức Giêsu và ước mơ có được sự sống đời đời làm gia nghiệp của anh trở thành hiện thực khi cuộc đời trần thế của anh chấm dứt?

Các bạn trẻ thân mến,

Ước mơ của người thanh nhiên để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp cũng là ước mơ bao đời của con người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Con người chúng ta từ khi xuất hiện trên dương gian cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai có thể khác nhau về không gian, thời gian, điều kiện văn hóa, chủng tộc, và nhiều thứ khác nữa, tuy nhiên, điểm chung của tất cả mọi người là muốn có được sự sống đời đời. Nói cách khác, mơ ước sự sống đời đời là mẫu số chung của toàn thể nhân loại.

Nhìn vào hoàn cảnh khoa học kỹ thuật và công nghệ hôm nay, chúng ta thấy rằng con người có thể làm được những điều mà trong quá khứ chỉ tồn tại trong những câu chuyện viễn tưởng, chẳng hạn, con người có thể khám phá trăng sao, các tinh tú, các thiên hà. Con người có thể khám phá cấu trúc vi mô của vật chất, như phân tử, nguyên tử, proton, neutron, hạt quark hay hạt nhỏ nhất của vật chất mà khoa học có thể khám phá cho đến thời điểm hiện tại có tên gọi là the God particle(hạt của Chúa), mà nhà khoa học người Anh, Peter Higgs, đưa ra giả thuyết từ thập niên 60 của thế kỷ trước và được giải thưởng Nobel vật lý năm 2013 vừa qua. Con người có thể đi vào lòng đất, lòng biển để tìm hiểu thêm về cấu trúc của địa cầu. Con người có thể chữa trị những căn bệnh nguy hiểm mà trong quá khứ được xem là vô phương cứu chữa. Con người có thể nghiên cứu và tạo nên vô vàn sản phẩm quí giá như tàu vũ trụ, máy bay, điện thoại thông minh, internet v.v. nhằm cải thiện đời sống, nhằm làm cho mỗi người trong gia đình nhân loại sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình. Tuy nhiên, con người không thể là tác giả của sự sống, con người không tạo nên sự sống, cho dù đó là sự sống ở hình thức đơn giản nhất.

Sự sống vẫn luôn là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Con người hiểu biết và có kinh nghiệm về sự sống. Con người cũng hiểu biết và có kinh nghiệm về trật tự của sự sống: Sự sống thực vật, chẳng hạn, sự sống của muôn vàn cỏ cây trên mặt đất; sự sống động vật, từ những động vật đơn bào đến đa bào, từ những động vật bậc thấp đến bậc cao, và cả sự sống cao nhất, đó là sự sống con người. Tuy nhiên, sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người về sự sống luôn khiếm khuyết, bất toàn. Một định nghĩa ngắn gọn, một câu trả lời khúc chiết cho câu hỏi ‘sự sống là gì?’ luôn nằm ngoài tầm khái quát của con người. Có chăng, con người chỉ có thể mô tả một số chức năng của sự sống mà thôi.

Những chương đầu của Sách Sáng Thế, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không chỉ tạo dựng muôn loài muôn vật mà còn trao ban sự sống. Đặc biệt, trong tiến trình tạo dựng, Thiên Chúa chỉ cần phán là muôn loài muôn vật được tạo thành. Riêng con người, Thiên Chúa phải ‘vất vả tạo hình, tạo dáng’ để con người giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Sách Sáng Thế (St 2,7) nói rằng“Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Chính ‘hơi thở’ của Thiên Chúa thông ban sự sống trực tiếp cho con người. Sự sáng tạo con người quả là kỳ diệu. Tác giả Tv 8,4-10 nói rằng “ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.”

Quả thật, muôn vật muôn loài được tạo thành cách kỳ diệu và sự tạo thành con người còn kỳ diệu hơn. Tuy nhiên, con người ý thức được rằng muôn vật muôn loài phải đối diện với sự tàn lụi, đối diện với sự chết. Chúng ta ai cũng kinh nghiệm rằng mọi sự trong vũ trụ đều tương đối. Chúng ta không nắm bắt được gì chắc chắn cả. Chúng ta không biết cách tỏ tường về quá khứ của chúng ta. Chúng ta không hiểu biết đầy đủ về hiện tại của chúng ta. Chúng ta không biết nhiều, thậm chí không biết gì, về tương lai của chúng ta. Chẳng hạn, những bạn trẻ đang học cấp III không biết mình sẽ học ở đâu hay làm việc gì sau khi xong chương trình phổ thông. Tương tự như vậy, đối với các bạn đang trong thời kỳ đại học. Chúng ta không biết chắc chắn về nhiều điều trong cuộc sống bản thân, cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội cũng như cuộc sống của toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, có hai điều chúng ta biết chắc chắn. Điếu thứ nhất là sự chết của mỗi người chúng ta. Dù muốn dù không, càng ngày chúng ta càng gần với sự chết của chúng ta hơn. Điều thứ hai là sự tàn lụi hay sự chết của vũ trụ.

Trong một thời gian dài của lịch sử nhân loại, người ta tranh luận với nhau về việc loài người có thể tồn tại vĩnh viễn hay không và vũ trụ vật chất có thể tồn tại vĩnh viễn hay không? Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta biết rằng hầu hết các khoa học gia chân chính thừa nhận rằng vũ trụ này không thể tồn tại vĩnh viễn. Tắt một lời, mỗi người chúng ta cũng như vũ trụ sẽ có hồi kết, cánh chung cá nhân cũng như cánh chung vũ trụ sẽ xảy ra. Đó là hai điều chắc chắn giữa những điều không chắc chắn, tương đối, và vô trật tự trên trần gian này.

Sự lo sợ của người thanh niên giàu có cũng là sự lo sợ của nhân loại qua muôn thế hệ. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm rằng giữa những lo sợ khác nhau trong cuộc sống thường ngày thì luôn hiện diện và hoạt động của sự lo sợ mà chúng ta có thể gọi là sự lo sợ nền tảng, sự lo sợ phải bị hủy diệt vĩnh viễn, sự lo sợ mất đi sự sống đời đời. Chúng ta có thể nói rằng đây chính là sự lo sợ mà từ đó nảy sinh các sự lo sợ khác trong cuộc sống nhân loại trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. 

Mặc khải Kitô Giáo cho chúng ta biết rằng thời gian, không gian và muôn loài muôn vật được Thiên Chúa sáng tạo và canh tân cho đến khi được hòa nhập vào ‘môi trường Thiên Chúa’, môi trường của Sự Sống Vĩnh Cửu. Mặc khải Kitô Giáo cũng cho chúng ta biết rằng môi trường của Sự Sống Vĩnh Cửu không phải là môi trường mà không gian và thời gian kéo dài vô tận, nhưng là môi trường mà chúng ta chưa bao giờ cảm nghiệm. Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 2,9), đã nói rằng “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Thiên Chúa đã khắc ghi vào bản tính nhân loại chúng ta niềm khát vọng điều hay môi trường mà thánh Phaolô đề cập tới. Bao lâu sống trên trần gian, bấy lâu chúng ta còn bối rối, lo lắng, hoài bão về môi trường này, môi trường Thiên Chúa. Trong tác phẩm Confessio (Tự Thú) thánh Augustine đã thưa cùng Thiên Chúa rằng “Ngài đã tạo dựng con cho Ngài và tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài“ (Confessio: Quyển I, Chương I).

Trên giường bệnh, Werner Heisenberg (1901-1976), nhà vật lý học người Đức, đoạt giải Nobel vật lý năm 1932, nói rằng khi tôi gặp Chúa, tôi sẽ hỏi Người 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: Tại sao lại tương đối? Và câu hỏi thứ hai: Tại sao lại hỗn loạn? Hai câu hỏi mà Werner Heisenberg định đưa ra khi gặp Chúa sau khi ông hoàn tất cuộc hành trình trần thế có thể được xem là hai câu hỏi chung của toàn thể nhân loại và mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây. Sự bấp bênh, sự tương đối, và hỗn loạn luôn chi phối cuộc sống tất cả chúng ta. Chúng ta muốn những gì bình yên, chúng ta muốn những gì tuyệt đối, chúng ta muốn những gì trật tự, trong khi chúng ta lại kinh nghiệm và chứng kiến sự bất an, tương đối, và hỗn loạn bao trùm.

Chúng ta nhận thức được sự bất an, tương đối, và hỗn loại giữa sống và chết trong đời mình. Thông thường chúng ta quan niệm rằng chúng ta cũng như các sinh vật chỉ tồn tại trong 2 thì, thì sống và thì chết. Thực ra, thì chết đã nằm trong thì sống và ngược lại. Chằng hạn, chúng ta cho rằng mỗi người chúng ta được hình thành trong lòng mẹ là bắt đầu sống và khi phổi chúng ta ngừng thở, tim chúng ta ngừng đập, điện não chúng ta trở về zê-rô là chúng ta bước từ thì sống sang thì chết. Nếu chúng ta xem xét cho đúng thì sự chết đã cùng đồng hành với sự sống của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu hình thành trong lòng mẹ cũng là khi chúng ta bắt đầu chết. Sự chết thể lý mà chúng ta quan sát được chẳng qua là kết thúc của một quá trình chết mà thôi. Càng ngày chúng ta càng gần với sự chết hơn. Như thế, chết là một tiến trình chứ không phải là một biến cố, một thời điểm như chúng ta thường hiểu. Tắt một lời, chúng ta nói rằng con người chết dần chết mòn thì đúng và đủ hơn là nói rằng con người đến một lúc nào đó phải chết. Chúng ta cũng nói tương tự như vậy cho các thụ tạo hữu hình khác trong vũ trụ.

Trong môi trường thụ tạo, theo một nghĩa nào đó, sự chết có giá trí tích cực của nó. Thông thường, chúng ta có quan niệm tiêu cực về sự chết và không ai muốn sự chết xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cần xét lại và tìm hiểu khía cạnh tích cực của sự chết. Chẳng hạn, nếu không có sự chết thì sự dữ sẽ kéo dài vô tận. Nếu không có sự chết thì sẽ không có đổi thay, tái tạo. Nếu không có sự chết thì sẽ không có những yếu tố mới xuất hiện. Như thế, chết là cần thiết để tiêu diệt sự dữ, để tái tạo, để làm nảy sinh những yếu tố mới. Đặc biệt hơn, nếu không có sự chết thì sự thánh thiện có thể vắng bóng trên trần gian này. Một trong những lý do khiến nhiều người làm việc thiện là vì họ nhận thức rằng mọi sự sẽ qua đi và rằng trên trần gian này chẳng có gì là muôn năm, chẳng có gì là vĩnh viễn.

Các bạn trẻ thân mến,

Tại sao muôn vật muôn loài phải đối diện với sự tàn lụi, phải đối diện với sự chết? Đây là một trong những câu hỏi căn bản nhất của con người. Mặc khải Kinh Thánh, đặc biệt thánh Phaolô diễn tả rất khúc chiết rằng “tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12). Khi học giáo lý về Tội Nguyên Tổ, chúng ta xem Tội Nguyên Tổ là tội kiêu ngạo ‘muốn bằng Đức Chúa Trời’ của A-đam và E-và. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn, Tội Nguyên Tổ được diễn tả qua hình thức sở hữu. A-đam và E-và đã có, đã sở hữu tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống mình cũng như con cháu sau này. Những gì làm cho nhân phẩm của A-đam và E-và cũng như con cháu được thành toàn đều được Thiên Chúa thông ban dư đầy. Tuy nhiên, A-đam và E-và mơ ước những gì vượt quá bản tính thụ tạo của mình. A-đam và E-và muốn ‘sở hữu quyền năng Thiên Chúa’, ‘sở hữu tình yêu Thiên Chúa’, sở hữu tất cả những gì thuộc bản tính Thiên Chúa. A-đam và E-và đã ‘sa chước cám dỗ’, A-đam và E-và đã phạm tội! Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chính tội lỗi của A-đam và E-và đã gieo mầm sự chết trong thế giới thụ tạo. Tội lỗi của A-đam và E-và tiếp tục hiện diện và hoạt động trong môi trường nhân loại, nơi tất cả mọi người.

Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng tình yêu Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của A-đam và E-và, tội lỗi của con người. Chương trình tình yêu Thiên Chúa không dừng lại vì tội lỗi của con người. Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người. Mặc dù con người đã phạm tội, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người bị biến chất, biến dạng, và méo mó, mầm mống sự sống vĩnh cửu nơi con người không bị hủy diệt vĩnh viễn, trái lại, được phục hồi nhờ Đức Giêsu Kitô. Để phục hồi sự sống nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã đi ngược lại con đường của A-đam xưa. A-đam muốn trở nên Thiên Chúa, còn Đức Giêsu Kitô (là Thiên Chúa) lại trở nên A-đam. A-đam chủ trương sở hữu, Đức Giêsu Kitô trở nên không, không đến nỗi không có chỗ dựa đầu! A-đam bất tuân Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô vâng phục Thiên Chúa. A-đam ích kỷ, tìm cho mình, Đức Giêsu Kitô xả kỷ, từ bỏ chính mình.

Để phục hồi và tái tạo sự sống nhân loại, Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel, Thiên Chúa đã trở nên Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta và Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta là tên của Thiên Chúa Làm Người, Đức Giêsu Kitô. Vị Thiên Chúa được mô tả ‘là phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi’ lại sinh ra trong không gian và thời gian, bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Vị Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài lại được Đức Maria cưu mang và sinh hạ, trong khi Đức Maria lại là thụ tạo của Thiên Chúa. Vị Thiên Chúa quyền năng trở thành bé thơ nằm trong máng cỏ, lớn lên trong hành trình chạy trốn những kẻ mưu toan ám hại, trưởng thành ở thôn quê Na-da-rét nghèo khổ, rao giảng ở đầu đường xó chợ. Vị Thiên Chúa mang khuôn mặt nhân loại, nói ngôn ngữ nhân loại, suy nghĩ bằng khối óc nhân loại, chung hơi thở với nhân loại, chung nhịp đập với nhân loại… Tắt một lời, như tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái mô tả: Vị Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Là con người, Đức Giêsu Kitô đã không phạm tội vì Người trút bỏ tất cả, Người không sở hữu bất cứ thứ gì, Người cũng không làm gì trái thánh ý Thiên Chúa Cha. Phần chúng ta, ai cũng có kinh nghiệm rằng tội lỗi của chúng ta chủ yếu nảy sinh do tính sở hữu vô độ, tính vui khi tăng, buồn khi giảm.

Tính sở hữu vô độ luôn hiện diện trong đời sống con người từ những đứa trẻ đơn sơ nhất đến những bậc vị vọng nhất. Người ta kể rằng một em bé được mẹ bày cho cách cầu nguyện thường xuyên rằng lạy Chúa, con xin phó thác cho Chúa mọi sự: Ông bà con, cha mẹ con, anh chị con, những gì con có và chính bản thân con. Một ngày nọ, mẹ của em mua cho em một con búp bê rất đẹp. Đêm đến, em bé cầu nguyện như cũ: Phó thác cho Chúa mọi sự…, tuy nhiên, em nói thêm rằng ‘con xin lại con búp bê’. Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai trong chúng ta cũng có con búp bê hay những con búp bê cho riêng mình. Con búp bê hay những con búp bê đó có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, hoàn cảnh, không gian và thời gian sống của chúng ta. Như vậy, bản tính sở hữu và thích sở hữu thêm, sở hữu những gì mới mẻ luôn nằm tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn chúng ta.

Để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cần học cách loại bỏ những con búp bê hư đốn của đời mình. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng trong Giáo Hội không một vị thánh nào lại có được sự tự do và hạnh phúc đích thực khi theo Chúa mà không phải vật lộn với chính bản thân mình, để thắng được bản tính sở hữu lăng loàn của chính mình, để chống trả ma quỉ ngay trong tâm hồn mình. Bao lâu chúng ta chưa dọn dẹp được tâm hồn mình đúng mức thì bấy lâu chúng ta còn chưa có chỗ phù hợp cho Chúa. Như thế, để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, một trong những điều chúng ta cần phải học, đó là học cách từ bỏ và một trong những nghệ thuật chúng ta cần phải thực hành đó là nghệ thuật cho đi.

Các bạn trẻ thân mến,

Câu hỏi đặt ra ‘đâu là điểm qui chiếu để chúng ta học cách từ bỏ và nghệ thuật cho đi?’. Thưa, điểm qui chiếu đó là Đức Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ cũng là vị Thiên Chúa chết trần truồng trên thập giá. Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phaolô nói rằng “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Trong lịch sử nhân loại không có sự tự hạ nào kỳ diệu hơn sự tự hạ của Đức Giêsu Kitô. Không có sự từ bỏ nào tới mức trống rỗng hơn sự từ bỏ của Đức Giêsu Kitô. Chính sự tự hạ và từ bỏ của Đức Giêsu Kitô là nguồn cảm hứng bất tận và là mẫu gương hoàn hảo cho tất cả những ai muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp. 

Gửi thư cho tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 1,22-25), thánh Phaolô nói rằng “trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” Sự diễn giải của Phaolô về thập giá Đức Kitô cho phép chúng ta hiểu rõ hơn lời khuyên của Người đối với những ai muốn theo Người rằng rằng “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Sự đòi hỏi vác thập giá mình xem ra vô lý, xem ra khờ dại đối với người đời, bởi vì người đời thường tìm cách lẫn tránh thập giá, tuy nhiên, đây lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Tại buổi Lễ Bế Giảng của các sinh viên đại học Stanford, một trong những đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ cũng như toàn thế giới ngày 12 tháng 6 năm 2005, Steve Jobs (1955-2011), người sáng lập hãng Apple, hãng máy tính và điện thoại thông minh nổi tiếng thế giới, với những sản phẩm như Ipod, Ipad, Iphone,… đã chia sẻ những kinh nghiệm quí báu của bản thân và công việc của hãng cho các sinh viên. Những chia sẻ của ông đã làm cho các sinh viên cũng như những người hiện diện ở đó thán phục. Câu cuối trong buổi chia sẻ ông nói rằng “Stay Hunry. Stay Foolish” (Hãy Luôn Đói Khát. Hãy Luôn Dại Khờ). Câu này ông trích từ trang bìa sau, cuốn Tạp Chí Danh Mục the Whole Earth Catalog, do Stewart và cộng sự thực hiện vào thập niên 70 của thế kỷ trước, số cuối cùng. Steve Jobs cho rằng sự thành công của ông là nhờ lấy “Stay Hunry. Stay Foolish” làm châm ngôn sống của mình. Thông thường khi chúng ta chúc nhau thì chúng ta nói rằng ‘hãy luôn no ấm’, ‘hãy luôn khôn ngoan’, ‘hãy luôn thông minh’, Steve Jobs lại chúc ‘Hãy Luôn Đói Khát. Hãy Luôn Dại Khờ’. Tại sao vậy? Tại vì, khi chúng ta cho mình là no đủ, là thông minh, là khôn ngoan, là muôn năm, là đỉnh cao trí tuệ, là hùng cường, là nổi tiếng, là siêu đẳng, là siêu sao vv… thì không còn chỗ cho những điều mới mẻ, những điều kỳ diệu mà chúng ta chưa bao giờ học hỏi hay kinh nghiệm.

‘Sự khờ dại, sự điên rồ’ của Thiên Chúa được thể hiện qua biến cố Đức Kitô chỉ cho chúng ta thấy rằng “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống; vì hết thảy đều sống cho Người” (Lc 20,38). Trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gio-an, khi Tô-ma hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Đức Giêsu đã trả lời: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu cũng nói với những người Pha-ri-sêu và dân Do Thái rằng “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đặc biệt, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã cầu cùng Đức Chúa Cha rằng “lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,1-3).

‘Sự khờ dại, sự điên rồ’ của Thiên Chúa được thể hiện qua biến cố Đức Kitô có thể tóm lược như sau: Thiên Chúa vừa là Sự Sống, vừa là nguồn sống của muôn vật muôn loài. Vì tình yêu, Thiên Chúa trao ban sự sống cho muôn vật muôn loài. Vì tình yêu, Thiên Chúa phục hồi sự sống cho muôn vật muôn loài nhờ Đức Giêsu Kitô. Vì tình yêu, Thiên Chúa thánh hóa muôn vật muôn loài nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, chính Thiên Chúa là Sự Sống đã sáng tạo, ban sự sống, cứu chuộc, duy trì, và thánh hóa vạn vật. Để có sự sống đời đời làm gia nghiệp, mỗi người chúng ta cần thiết lập tương quan liên vị với Đức Giêsu Kitô đồng thời thấm nhuần và thực hành nội dung đức tin mà người truyền dạy được diễn tả trong Kinh Thánh, Truyền Thống, và Giáo Huấn Giáo Hội.

Các bạn trẻ thân mến,

Trở lại với đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay về cuộc đối thoại giữa người thanh niên giàu có và Đức Giêsu, chúng ta học được hai bài học quí giá từ hai con người này. Về người thanh niên, bỏ qua một bên sự không dứt khoát để theo Đức Giêsu của anh, chúng ta học được lòng thành nơi anh đối với Đức Giêsu. Anh ước mong có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Dù giàu có, vị vọng, anh khiêm tốn quì trước Đức Giêsu để xin người chỉ cách để đạt được sự sống đó. Về Đức Giêsu, thay vì nói rằng ‘ta là thầy nhân lành’, như người thanh niên xưng hô khi đặt câu hỏi đối với Người, thì Đức Giêsu lại nói ‘chỉ Thiên Chúa là nhân lành’. Nếu chúng ta để ý, trong toàn bộ cuộc sống mình, Đức Giêsu luôn qui hướng về Thiên Chúa Cha. Người đã trở nên ‘không’ trước mặt mọi Người để chỉ cho mọi người tình thương của Thiên Chúa Cha. Bài học cho chúng ta từ đoạn Tin Mừng là đừng bao giờ cho mình quan trọng, đừng lấy mình làm trung tâm hay đích điểm. Cách chung, là con người, ai cũng muốn mình là nhất, là tốt, là giỏi, là qui chuẩn. Chúng ta cần học từ Đức Giêsu để chúng ta luôn thể hiện mình là khí cụ, là ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay chỉ về Thiên Chúa, chứ không chỉ về chúng ta.

Đức Giêsu yêu người thanh niên, Đức Giêsu yêu mỗi người chúng ta, Đức Giêsu yêu tất cả chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được thể hiện qua Đức Giêsu luôn ở thì hiện tại. Người không nói với chúng ta rằng Người đã yêu chúng ta hay rằng Người sẽ yêu chúng ta, mà rằng Người yêu chúng ta, tình yêu luôn ở thì hiện tại, tình yêu vô điều kiện, tình yêu muôn thuở. 

Các bạn trẻ thân mến,

Trong những ngày đầu Xuân Mới 2014, tôi xin chúc các bạn sáu từ bắt đầu bằng chữ T (6T), đó là:Tài năng, Tâm sáng, Tình nồng, Trở về, Từ bỏ, Tái định hướng. ‘Tài năng’ để mỗi người chúng ta xây dựng đời sống xã hội của mình, tài năng thu lượm kiến thức, tài năng xoay xở công việc, tài năng thiết lập quan hệ. ‘Tâm sáng’ để mỗi người chúng ta xây dựng đời sống nội tại của mình. Không có tâm sáng thì chúng ta không thể có tầm nhìn xa được. Tâm sáng còn quan trọng hơn cả tài năng nữa, như Nguyễn Du nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Không có tâm sáng, chúng ta không thể nhìn xa được, chúng ta không tưởng tưởng được điều gì mới mẻ hay tốt lành. Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại với thuyết tương đối, đã nói một câu rất chí lí rằng “imagination is more important than knowledge” (sự tưởng tượng thì quan trọng hơn tri thức). Không có tâm sáng chúng ta không thể vượt qua biên giới tri thức chật hẹp, biên giới kinh nghiệm thiếu thốn, biên giới truyền thống nghèo nàn của mình được. ‘Tình nồng’ để xây dựng đời sống tương quan yêu thương như Chúa muốn: Tương quan của các yếu tố trong đời sống mình, tương quan với người khác, tương quan với thế giới thụ tạo, và đặc biệt tương quan với Chúa.

‘Trở về’ để chúng ta khám phá bản thân, xem xét lại những điều mình đã suy nghĩ, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm dù tốt hay xấu. Trở về với lòng mình để chúng ta có thể hiểu mình nhiều hơn. Các thánh cho chúng ta kinh nghiệm rằng càng hiểu biết mình thì chúng ta càng hiểu biết Chúa và ngược lại. Đó là lý do tại sao thánh Augustine không ngừng cầu nguyện rằng ‘lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con’. ‘Từ bỏ’ để chúng ta có được khoảng trống cần thiết trong tâm hồn mình cho sự hoạt động của tình yêu Thiên Chúa. Từ bỏ để chúng ta lược bớt những gì lỉnh kỉnh ngăn cản đời sống kitô hữu đích thực của chúng ta. Từ bỏ để chúng ta có thể đến với Chúa và anh em cách chân thành và hữu hiệu hơn. ‘Tái định hướng’ để chúng ta luôn nhìn về Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6), Đấng đến trần gian để chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Tái định hướng để chúng ta, mặc dù sống giữa thế gian bấp bênh, tương đối, và hỗn loạn, vẫn có thể tiến về quê hương sự sống vĩnh cửu cách an bình nhờ sự nâng đỡ của Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng trong biến cố Giáng Sinh, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến thăm Hài Nhi Giêsu, sau khi gặp Người, mấy nhà chiêm tinh này đã không đi lại con đường cũ, con đường băng qua môi trường tội lỗi, con đường băng qua nơi cư ngụ của Hêrôđê, người đang tìm cách sát hại Hài Nhi Giêsu. Mấy nhà chiêm tinh này đã tái định hướng, họ đã đi đường khác mà trở về nhà mình (Mt 2,12).

Ước mong rằng qua dịp gặp mặt hôm nay, mỗi người trong chúng ta sẽ tái định hướng cuộc sống mình theo thánh ý Chúa và ước mong rằng câu hỏi của người thanh niên giàu có “thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” vang vọng trong đời sống mỗi người chúng ta hôm nay và mãi mãi. Amen!

Xin cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

1

1

Phêrô Nguyễn Văn Viên
Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn