1
11:14 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 70

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 68


Hôm nayHôm nay : 10434

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 293471

Tổng cộngTổng cộng : 27847755

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TƯ VẤN & GIẢI ĐÁP

Bí tích khác Á Bí tích như thế nào

Chủ nhật - 21/06/2015 20:18-Đã xem: 3287
Bí tích là dấu chỉ hữu hình, hay hữu thanh mà qua dấu chỉ này Chúa Giêsu ban ơn thánh của Người cho chúng ta qua tay các thừa tác viên con người như Giám mục, linh mục (và Phó tế khi rửa tội cho trẻ em)
Bí tích khác Á Bí tích như thế nào

Bí tích khác Á Bí tích như thế nào

Hỏi : xin cha giải thích sự khác biệt giữa bí tích và á bí tích

Trả lời : Trước khi nói đến sự khác biệt giữa Bi tích và Á bí tích , ta cần biết rõ  bí tích là gì, công  dụng  ra sao,  và khác với  Á bí tích như thế nào ?.

  1. Bí Tích ( Sacrament) : có thể định nghĩa cách vắn gọn như sau :

Bí tích là dấu chỉ hữu hình, hay hữu thanh mà qua dấu chỉ này Chúa Giêsu  ban ơn thánh của Người cho chúng ta qua tay các thừa tác viên con người như Giám mục, linh mục (và Phó tế khi rửa tội cho trẻ em)

Thí dụ ; khi cử hành bí tích Thánh tẩy ( rửa tội) thì nước , nến sáng, áo trắng và lời đọc ta rửa con nhân danh  Chúa  Cha, Chúa Con và Chúa  Thánh Thần là những dấu chỉ hữu hình ( visible signs) và hữu thanh ( audible) mà qua đó, người lãnh nhận được tái sinh trong sự sống mới và được tha hết một lần  mọi tội nguyên tổ và cá nhân ( người lớn)

Cũng  vậy, bánh và rượu nho cùng lời truyền phép  :  các con hãy nhận  lấy mà ăn vì đây là Mình Thầy ….là những dấu chỉ hữu hình và hữu thanh khi cử hành bí tích Thánh Thể ( Eucharist). Nghĩa là bắt buộc phải có những dấu chỉ trên thì bí tích mới thành sự ( valid) được. Dĩ nhiên môt yếu tố rất quan trọng khác phải có  là người cử hành bí tích này phải là một tư tế có chức linh mục  thực thụ  thì lời truyền phép mới có hiệu lực thành bí tích, tức là có Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu nho.

Trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) có tất cả bảy Bí Tích như sau:

       1- Rửa tội

       2- Thêm sức ( confirmation)

       3- Thánh Thể ( Eucharist)

       4- Hòa giải ( reconciliation, penance)

       5- Sức dầu bệnh nhân ( anointing of the sick)

       6- Truyền chức thánh ( Holy Orders)

       7- Hôn phối ( Matrimony)

Trong bảy Bí tích nói trên, Rửa tội là bí tích hàng đầu, là cửa ngõ đi vào các bí tích khác, và  là bí tích cứu độ, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ  trước khi Người về trời như sau:

“ Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu rỗi.Còn ai không tin sẽ bị luận phạt.” ( Mc 16: 16)

Là cửa ngõ đi vào các bí tích khác có nghĩa là nếu không được rửa tội thành sự, thì không thể lãnh nhận bất cứ bí tích nào khác thành sự được.

Nói rõ hơn, nếu chưa được rửa tội, thì không thể đi xưng tội hay rước Mình Thánh Chúa được. Phải nói rõ điều này vì ở nơi kia, có linh mục đã dạy người dự tòng (catechumen) phải đi xưng tội trước khi được rửa tội, thêm sức và rước Mình Thánh Chúa. Điều này không đúng,  vì khi người dự  tòng được rửa tội thì mọi tội cá nhân và tội nguyên tổ đều được tha hết một lần, nên không phải xưng tội trước đó.( X SGLGHCG số 1226)  Như thế, ai phụ trách giảng dạy giáo lý cho người dự tòng, thi phải giải thích rõ cho họ hiểu là tội nguyên tổ ( original sin)  và mọi tội cá nhân đã mắc phạm cho đến khi được rửa tôi thì đều được tha hết một lần qua bí tích Rửa tội. Có xưng tội là xưng sau này, sau khi được rửa tội, rồi lại phạm tội cá nhân ít nhiều lần nữa..

Thừa tác viên chính của bí tích Rửa tội là linh mục và Giám mục. Phó tế chỉ được phép rửa tội cho trẻ em, không cho người lớn ( adult), vì người lớn , khi được rửa tội thì cũng được thêm sức luôn. Nên chỉ có linh muc và giám mục được rửa tội và thêm sức cho người lớn mà thôi.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử,  thì bất cứ người giáo dân nào đã được rửa tội- và ngay cả người chưa lãnh nhận bí tích  này, cũng được phép rửa tội nếu dùng nước  và đọc  đúng  công thức qui định. (x SGLGHCG số 1256)

Với bí tích Thánh Thể, bí tích này được cử hành trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) qua  đó Chúa Kitô dâng lại hy tế thập giá mà Người đã một lần dâng lên Chúa Cha  trên thập giá năm xưa  để  xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Ngày nay trên bàn thờ, Chúa  tiếp tục dâng hy tế  đền tội đó  cách bí nhiệm  ( sacramentally) qua tay các thừa tác viên con người là các linh muc và giám  mục  đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.Lại nữa  qua Thánh Lễ Tạ Ơn,  Chúa Kitô cũng diễn lại Bữa ăn sau hết của Người với các Tông Đồ,  qua đó  Chúa tiếp tục  biến bánh và rượu thành mình máu Người cho chúng ta ăn và uống,  như các  Tông Đồ xưa trong bữa ăn sau hết với Chúa.Vì thế , mỗi khi tham dự Thánh ễ Tạ Ơn, các tín hữu được mời gọi hiệp lễ hay rước Mình Máu Thánh Chúa hiện diện thực sự trong bánh và rượu nho.Nhưng cho được rước Mình Máu Chúa cách xứng đáng,  thì phải sạch tội trọng.

Do đó,  ai biết mình đang có tội trọng chưa được tha qua bí tích hòa giải, thì không được làm lễ ( linh mục) và rước Lễ ( giáo dân) ( x giáo luật số 960, SGLGHCG số 1415).Lại nữa, ai không có chức linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ hay giải tội cho người khác,  thì sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.( x Giáo luật số 1378, triệt 1-2)

Với bí tích hòa giải, Chúa tha mọi tội lỗi con người có thể mắc phạm trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, là tội  hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người.Nếu còn tin tưởng và chạy đến với Chúa, thì Chúa còn có thể tha thứ được. Nhưng  nếu đã hoàn toàn từ khước không chạy đến xin Chúa tha thứ,  thì làm sao thứ tha được nữa ?

Cũng liên quan đến bí tích này, muốn cho được hưởng nhờ những ơn ích của bí tích,  thì hối nhân phải thực lòng sám hối và thành thật xưng các tội mình đã phạm với linh mục. Thành thật có nghĩa không được dấu tội nào , đặc biệt các tội phạm đến giới răn thứ sáu và thứ chin. Nếu dấu tội thì bí tích sẽ không có hiệu quả , bởi  vì “ nếu bệnh nhân mắc cở không mở cho thầy thuốc  xem vết thương của mình thì y khoa không thể chữa lành những gì nó không biết” theo lời dạy của Thánh Giêrônimo( x SGLGHCG số 1505).

Sau hết, không thể nói như anh  em Tin Lành là không cần  xưng tội  với ai, mà chỉ cần xưng trực tiếp với Chúa thôi. Nói như  vậy là không đọc lời Chúa Giêsu đã với các Tông Đồ khi Người trao quyền tha tội cho các  ông như sau :

 “Anh  em tha tội cho ai, thì người ấy được tha

Anh  em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm  giữ. ( Ga 20: 23)

Căn cứ vào  lời  Chúa truyền dạy trên đây mà Giáo Hội dạy phải xưng tội  với các thừa tác viên có chức thánh là linh mục và giám mục . Các ngài tha tội cho hối nhân, nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi).Như thế, khi xưng tội với bất cứ linh mục nào, thì hối nhân cũng xưng tội với Chúa nhưng qua trung gian của linh mục và nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa qua tay linh mục hay giám mục. Phải có lòng tin như vậy để không e ngại khi xưng tội với linh mục nào.Cũng cần nói thêm là linh mục buộc phải giữ kín những  điều hối nhân kể ra trong tòa giải tội. Đó là ấn tòa giải tội ( seal of confessions) mà mọi linh mục buộc phải tôn trọng . Ai vi phạm.  sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết ( x giáo luật số 1388,triệt 1)

Sau hết, với bí tích hôn phối thì thừa tác viên chính của bí tích là hai người phối ngẫu hoàn toàn tự do muốn kết hôn với nhau trong Giáo Hội. Nhưng lời hứa kết hôn này của hai người phải nói lên trước mặt đại hiện của Giáo Hội ( linh mục, phó tế)  cùng với hai người làm chứng,( witness). Thiếu một trong những yếu tố này thì bí tích không thành sự được .

  1. Á Bí Tích (sacramentals): Á bí tích là những vật dụng, hình ảnh hay lời nói

Có liên hệ đến việc lãnh nhận ơn thánh của  Chúa trong Giáo Hội.

Thí dụ: lời  ban phép lành của linh mục, giám mục hay của Đức Thánh Cha.

Nước thánh ( holy  water) là phương tiện thanh tẩy các tội  nhẹ . Chén thánh ( Chalice) là vật dụng linh mục dùng để dâng Thánh lễ, Bình đựng Mình Thánh Chúa ( Ciborium)  để lưu trữ Thánh Thể trong Nhà Tạm ( Tabernacle)…Áo lễ ( chasuble) là  Á bí tích linh mục, giám mục mặc khi dâng Thánh Lễ.

Tràng hạt ( chuỗi mân côi) các ảnh tượng Chúa Giêsu , Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh nam nữ, hài cốt các thánh ( Relics)….v.v đều là các Á Bí Tích được tôn kính trong Giáo Hội. Á Bí tích khác Bí tích ở điểm căn bản là bất cứ bí tích nào cũng là phương tiện thông ban ơn Chúa cho người lãnh nhận, trong khi Á bí tích –tự nó- không có mục đích thông   ban ơn thánh của Chúa mà chỉ là các dụng cụ hay hình ảnh có liên quan đến  việc lãnh nhận ơn Chúa mà thôi.

Thí dụ tràng hạt ( chuỗi Mân Côi) là phương tiện sùng kính Đức Mẹ và để lãnh nhận ơn Chúa ban qua lời cầu bầu của Đức Mẹ . Cũng vậy, sách kinh hay  sách Lễ ( Sacramentum)  là phương tiện để cầu nguyện và dâng Thánh Lễ để lãnh nhận ơn thánh Chúa ban qua lời kinh nguyện và tham dự Thánh Lễ  để lãnh nhận ơn thánh Chúa ban qua Thánh Lễ.

Các ảnh tượng Chúa Kitô. Đức Mẹ và các Thánh nam nữ đều là các Á Bí Tích  giúp ta nâng lòng lên với Chúa, Đức Mẹ và các Thánh đang ở trên trời  mà các ảnh tượng kia là dấu chỉ hữu hình trong trần thế.. Vì chỉ là Á bí tích, nên ta chỉ phải cúi đầu tôn kinh trước ảnh tượng của Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, trong khi phải thờ lậy Chúa Kitô hiện diện thưc sự trong bí tích Thánh Thể. Do đó, khi vào nhà thờ, chúng ta phải bái quì trước nhà Tạm nơi có đặt, Mình Thánh Chúa Kitô để tỏ lòng  thờ lậy  ( adoration)  trong khi chỉ cần cúi đầu trước  ảnh tượng của Chúa , Đức Mẹ và các Thánh để tỏ lòng tôn kính (veneration,  honoring) mà thôi.

Sau hết, một điều phải rõ là các Á Bí Tích, tuy không phải là  Bí Tích , nhưng vẫn đòi hỏi chúng ta phải kính trọng đúng mức. Do đó, không thể có những hành vi bất kính như liệng bỏ  hình ảnh Chúa . Đức Mẹ, các Thánh vào thùng rác , đổ nước phép xuống cống rãnh, phóng uế hay phạm tội trong nhà thờ , nhà nguyện. Các nơi thánh này là các Á bí tích được dùng dể cử hành các bí tích và là nơi cầu nguyện đã được thánh hiến ( consecrated), do đó phải tôn kính các Á bí tích này cách đặc biệt. Ai phạm tội trong nhà thờ , nhà nguyện ( tội dâm ô)  thì ngoài tôi chính  đã phạm còn thêm tội phạm thánh ( sacrilege) nữa,vì đã không tôn kính nơi đã được thánh hiến để cử hành các nghi thức phụng vụ thánh của Giáo Hội.  

Ước mong các giải đáp trên thỏa  mãn câu hỏi đặt ra

Lm Phnxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Tác giả:  Lm. PX. Ngô Tôn Huấn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn