1
22:04 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 262

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 261


Hôm nayHôm nay : 28998

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 301989

Tổng cộngTổng cộng : 27473494

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TƯ VẤN & GIẢI ĐÁP

Theo Đạo thì phải Tin gì và Làm gì ?

Thứ ba - 22/12/2015 16:38-Đã xem: 2827
Cho đến đây ta nhận thấy rằng: muốn sống hợp lý, theo lương tâm, thì phải theo đạo Công Giáo. Đạo Công Giáo là đạo từ trời ban xuống và được Thiên Chúa ủng hộ. Vậy muốn nhập đạo Công Giáo thì phải làm gì? Người Công Giáo có những điều phải tin và những việc phải làm, chúng tôi xin tóm tắt lại đây mấy điểm chính:
Theo Đạo thì phải Tin gì và Làm gì ?

Theo Đạo thì phải Tin gì và Làm gì ?

I-  Những điều phải tin:
Sáu điều cần kíp ai nấy phải tin mới được nhập Công Giáo, ngoài trường hợp quá gấp, còn thì không thể không biết các điều sau đây:
1-  Phải tin có một Chúa thưởng phạt.
2-  Thiên Chúa có Ba Ngôi: ngôi nhất là Cha, ngôi hai là Con, ngôi ba là Thánh Thần.
3-  Ngôi Hai nhập thể và chuộc tội chịu chết cho loài người.
4-  Người ta có linh hồn bất tử.
5-  Ai làm lành thì được thưởng trên thiên đàng, ai làm dữ sẽ phải phạt trong hỏa ngục.
6-  Phải ăn năn tội mới được khỏi tội.

Điều 1 – Có một Chúa thưởng phạt
Có Chúa tạo dựng vạn vật, Đấng toàn năng hằng hữu là điều chúng ta đã nói ở trên.
Nhận có Chúa mà thôi chưa đủ, còn phải nhận Chúa thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Chúa không nhửng nhưng với công việc loài người. Ngài theo dõi quan phòng và lo cho mọi người được ơn cứu rỗi. Nếu loài người từ chối thì sẽ phải tay công thẳng Ngài trừng trị.

Điều 2 – Thiên Chúa Ba Ngôi
Người Giáo hữu phải tin  rằng: xét về bản tính thì chỉ có một Chúa, mà xét về Ngôi thì Chúa có Ba Ngôi.
Ăn uống, ngủ, nghỉ, suy nghĩ, tạo dựng là việc thuộc bản tính. Tôi ăn, Phaolô suy nghĩ, Đức Chúa Trời tạo dựng, người đứng chịu trách nhiệm, chịu đựng là thuộc về ngôi.
Người Công Giáo phải tin rằng: Đức Chúa Cha sinh ra Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần bởi Cha và Con yêu nhau mà ra.
Người Công Giáo còn phải tin rằng: Ba Ngôi bằng nhau về quyền phép, về vinh quang và Ba Ngôi có từ thuở đời đời như nhau.
Người Công Giáo tin, nhưng mà không hiểu được vì nơi Đức Chúa Trời cái gì cũng vô cùng. Tuy vậy  không có gì là phi lý. Một ngón tay mà có ba đốt, một lá cờ tam tài mà có ba sắc, một hình tam giác mà có ba cạnh. Cái đó không phi lý.
Cha sinh ra Con mà Cha và Con có một trật với nhau: cái đó còn thấy hình ảnh nơi tạo vật. Thí dụ: hễ có lửa thì có sáng và có nóng. Lửa sinh ra sáng và nóng, nhưng sáng và nóng có một trật với lửa, vì hễ có lửa thì có sáng và nóng một trật. Như vậy tin Cha và Con có một trật không phi lý.
 
Lý do để ta tin là Chúa dạy như vậy.
Đức Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Chúng con hãy đi dạy muôn dân, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Nhân danh có một Đấng là Cha và Con và Thánh Thần.
Khi Đức Chúa Giêsu chịu rửa rồi, trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đỗ trên đầu Chúa Giêsu và có tiếng trên không phán: “Này là Con yêu dấu Ta, các con hãy nghe lời Ngài” (Mt 3,13-17).
Đức Chúa Cha phán, Đức Chúa Con chịu rửa, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống: Ba Ngôi.

Điều 3 – Ngôi Hai nhập thể và chịu chết chuộc tội cho loài người
Phúc Âm Thánh Gioan viết: “Kỳ thủy có Ngôi Lời và Ngôi lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời…và Ngôi Lời đã thành nên huyết nhục và đã ở giữa chúng tôi” (Ga 1,1).
Phúa Âm Thánh Luca viết: “Bà sẽ thụ thai và sẽ sinh con Trai, Bà sẽ đặt tên Ngài là Giêsu, Ngài sẽ nên cao trọng sẽ được xưng là Con Đấng Tối Cao và Chúa là Đức Chúa Trời… sẽ ban cho Ngài ngai rồng Đavid tổ phụ Ngài…, vì thế Đấng Thánh bà Sinh ra sẽ gọi là  con Đức Chúa Trời” (Lc  1,26-28).
Những lời Kinh Thánh trên đây cho thấy rõ Ngôi Hai nhập thể nghĩa là mặc lấy xác người như ta.
Ngôi Hai nhập thể qua lòng một người trinh nữ đã kết hôn với chàng thanh niên tên là Giuse. Bà Maria đã có chồng nhưng đồng trinh trước khi sinh đang khi sinh và sau khi sinh.
Ta phải tin rằng: Người trinh nữ đã có chồng, nhưng hai người không có ăn ở với nhau như vợ chồng và suốt đời không bao giờ ăn ở với nhau như vợ chồng. Tất cả đời sống tình yêu đều cống hiến cho Thiên Chúa. Người trinh nữ đó sinh con không do sự can thiệp của đàn ông, nhưng do quyền lực của Chúa Thánh Thần.
Ta không nên thắc mắc gì vì khi chưa có người đàn bà, Chúa đã dựng nên được đàn bà thì khi đã có đàn bà rồi Chúa cho sinh con đâu có gì là khó!
Sao ta biết được rằng đôi vợ chồng đó đã không ăn ở với nhau? Vì Phúc Âm thánh Luca đã cho thấy rõ điều đó. Khi sứ thần báo tin cho bà Maria (lúc đó đã đính hôn theo luật Do Thái) việc cưu mang Đấng Cứu Thế, thì bà hỏi sứ thần việc đó liệu cách nào, vì bà không biết việc vợ chồng. Nếu hai người không định giữ trinh thì câu hỏi ấy thật là vô nghĩa.
Vả chăng khi bà có thai, thì ông Giuse bối rối lắm, định bỏ bà cách trộm, sứ thần phải đến dạy Giuse cưới Maria về, vì việc bà cưu mang là do Chúa Thánh Thần. Việc Giuse bối rối chứng thực rằng hai người đã không ăn ở với nhau.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai nhập thể sinh ra qua lòng Trinh Nữ Maria thì Maria được cái diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa: cũng như ai đã sinh ra vua thì được gọi là quốc mẫu.
Vì cái  hồng ân đó mà Chúa còn ban cho bà Maria nhiều hồng ân khác: ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, ơn Hồn Xác Lên Trời, thông ơn Thiên Chúa .v.v…

B- Chúa Giêsu Chuộc Tội loài người
Đức Chúa Giêsu đã phán: “Con Người không đến để người ta phục vụ mình, nhưng mà để phục vụ người ta và ban sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28; Mc 10,4).
Khi lập phép Mình Thánh, Ngài có nhắc đến cái chết của Ngài: “Đây là mình Ta sẽ phải nộp vì các ngươi” (Lc 22,19). “Đây là máu Ta, máu giao ước đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội” (Mt 26,28).
Thánh Gioan: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội thế gian”.
Thánh Phaolô: “Chúa Kitô đã yêu chúng ta đến nỗi phó nộp mình vì chúng ta, làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa như hương thơm ngạt ngào” (Eph 5,2).
Thánh Phaolô đã chính thức chú giải cái chết của Chúa và thiết tưởng không rõ hơn được nữa. Chúa đã chết trên thánh giá và cái chết đó là để cứu chuộc nhân loại. “Chúa Kitô đã tự hiến một lần để xóa tội nhiều người” (Heb 9,28).

Điều 5Có thiên đàng và hỏa ngục
Mắt ta không thấy có thiên đàng và hỏa ngục được, nhưng Chúa Giêsu đã dậy thì phải tin phải nhận.
Tôi bảo các ông là thân hữu của tôi: “Đừng sợ gì nơi kẻ giết được thân xác nhưng sau đó không còn có thể làm được gì hơn nữa. Tôi sẽ chỉ các ông phải sợ ai. Hãy sợ Đấng sau khi giết lại có quyền tống vào hỏa ngục. Phải, tôi bảo các ông hãy sợ Đấng ấy” (Lc 12,4-5).
“Nếu mắt phải ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quẳng đi. Vì thà mất một chi thể còn lợi hơn cho ngươi là có cả toàn thân mà bị xô vào hỏa ngục…” (Mt 5,29-50).
Nói về ngày chung thẩm: “Bấy giờ Người phán với những kẻ bên tả rằng: Hỡi những kẻ vô phúc, hãy xéo khỏi ta mà vào lửa đời đời đã sắm cho thằng quỉ và các thần của nó…” (Mt 25,41)
Nói về thiên đàng: trong ngày chung thẩm, Đức Chúa Giêsu nói với các người bên hữu rằng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà lãnh làm gia tài Nước đã sắm cho các ngươi từ tạo thiên lập địa...” (Mt 25,34).
Ta đi để dọn nơi cho các con, để khi Ta đã dọn rồi, Ta sẽ đến rước các con để Ta ở đâu, các con cũng ở đó.
Thánh Phaolô: “Kẻ lành lãnh làm phần thưởng sự sống đời đời (Rom 2,7; 6,22) và sự vinh hiển vượt quá những đau khổ ta chịu ở đời” (Rom 8,18).
Sau khi đã được đem lên trời, thánh Phaolô tả diễn thế này: “Con mắt chưa từng xem, lỗ tai chưa từng nghe, lòng người không hiểu được những cái Thiên Chúa sửa soạn cho những kẻ Chúa yêu” (I Cor 2,9; II Cor 12,4).

Điều 6- Phải ăn năn tội mới được khỏi tội
Người ta đến kể cho Đức Chúa Giêsu việc một số người Galilêa bị Philatô giết trong đền thờ. Đức Chúa Giêsu bảo các ông: “Các ngươi tưởng rằng: những người Galilêa này đã bị như thế là những người có tội nhất sao? Không, tôi bảo các ông, nếu các ông không ăn năn đền tội thì tất cả các ông đều hư đi như vậy” (Lc 13,2-5).
Sự ăn năn tội cần thiết cho được cứu rỗi, vậy ăn năn tội là thế nào?
-  Lo buồn đau đớn vì mình đã phạm các tội đó.
-  Với sự quyết chí không phạm tội nữa.
-  Vì lý do rằng: tội xúc phạm đến Chúa tốt lành vô cùng, Đấng làm ơn cho mình vô cùng vì đã dựng nên và đã cứu chuộc mình (đó là ăn năn tội cách trọn).
-  Còn một cách ăn năn tội kém sự trọn lành hơn hay gọi là ăn năn tội cách chẳng trọn: ghét tội vì nó làm cho mất thiên đàng, lại phải sa hỏa ngục.
Ngoài sáu điều cần kíp người giáo hữu còn phải tin các điều trong Kinh Tin Kính:
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng lên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh. Chịu nạn đời  quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

II- Những việc phải làm
Theo đạo Công Giáo thì phải làm những gì?
Rất là đơn sơ, tất cả gồm tóm trong sự sống đời con thảo với Đức Chúa Trời là Cha và ta là con. Tìm làm hài lòng Cha trong hết mọi sự, đó là đời sống người Công Giáo, đó là tất cả mọi sự phải làm.
Khi chúng con cầu thì cầu thế này: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời…” Chính Đức Chúa Giêsu dậy ta kêu Thiên Chúa là Cha. Mối tình Đức Chúa Trời đối với chúng ta mặn mà nồng nàn khăng khít, không biết diễn tả bằng cách nào, nên đã dùng cái mối tình Cha.
“Thật ta bảo thật, hễ sự gì các ngươi xin với Cha, Ngài sẽ ban cho vì danh Ta… Hãy xin thì sẽ được… Ngày đó, các con sẽ lấy danh Ta mà xin, Ta không bảo rằng Ta sẽ cầu Cha cho các con, vì chính Cha yêu các con vì các con yêu Ta và tin rằng Ta bởi Thiên Chúa mà đến… (Ga 16,23-28).
Chúa Giêsu còn phán: “Ai yêu ta thì Đức Chúa Cha sẽ yêu kẻ ấy, Chúng Ta sẽ đến lập cư trong lòng kẻ ấy…”
Từ thuở đời đời Ta đã yêu con, nên kéo con đến với Ta (Jer 31,3)
Tìm hiểu tấm lòng yêu của Đức Chúa Trời và đáp lại tấm lòng yêu đó là tất cả đời sống của người giáo hữu.
Thiên Chúa không cần gì hết, Thiên Chúa làm được tất cả mọi sự, Thiên Chúa có tất cả, mọi sự là của Chúa, Ngài chỉ thích và đòi có tình yêu là điều mà chỉ có con người thong dong cống hiến cho Chúa một cách thong dong được.
“Giả như tôi nói được tiếng nhân loại và các thiên thần, mà tôi không có đức ái, thì tôi chỉ là cái mã la vang ngân…và giả như tôi được tất cả lòng tin chuyển núi rời non, mà tôi lại không có đức ái thì tôi vẫn là không…(I Cor 13, 1-13).
Muốn yêu Chúa thì hãy giữ giới răn Chúa.
Đức Chúa Giêsu phán: “Ai yêu Ta thì giữ các giới răn Ta truyền”.
Vậy muốn yêu Chúa, người Công Giáo phải giữ mười giới răn Chúa:
Thứ nhất, thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ bốn, thảo kính cha mẹ.
Thứ năm, chớ giết người.
Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục.
Thứ bẩy, chớ lấy của người.
Thứ tám, chớ làm chứng dối.
Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười, chớ tham của người.

Hội Thánh có sáu điều răn:
Thứ nhất, xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai, chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ ba, xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ bốn, chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh.
Thứ năm, giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.
Thứ sáu, kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dậy.
Muốn hiểu từng giới răn ta phải học hỏi thêm, sợ biên chép ra đây thành quá dài đối với cuốn sách này.
 
Các giới răn Chúa làm cản trở tự do con người chăng?
Bạn thấy tụi cao bồi chạy xe ngoài đường không? Bạn nghĩ thế nào về cái tự do chạy xe như thế? Bạn nghĩ thế nào về việc đặt đèn xanh đèn đỏ ở ngã ba đường và đặt cảnh sát canh đường? Cái đó làm mất tự do chăng? Tự do của cao bồi đâu phải tự do chân chính! Đèn xanh đèn đỏ và cảnh sát có vẻ cản tự do mà thực chỉ là giúp cho con người được tự do dễ dàng hơn. Một con người bị thói quen xấu lôi cuốn đâu phải là tự do thật. Con người nghiện rượu, nghiền á phiện, con người dâm dật, đâu phải là con người tự do! Họ bị rượu, ma túy, xác thịt chi phối. Những con người đó ít làm chủ mình nhất.
Con người thong thả lựa chọn và thực hiện điều lành, con người đó mới thực tự do.
Vậy nếu Thiên Chúa không ra luật thì ta cũng phải yêu cầu Thiên Chúa ra luật, vì chỗ nào không có ánh sáng lề luật Chúa, thì con người lầm lạc quá cỡ, sa đọa, hung ác như loài vật.
Tại sao Việt Nam 20 năm chiến tranh khổ sở, bao nhiêu nhân tài bỏ mạng, bao nhiêu tài sản tiêu tan, biết bao vợ góa con côi, thanh niên tàn tật? Nếu người ta thực hiện tình thương, nếu người ta bỏ ham hố, dẹp kiêu căng làm gì đồng bào khổ sở thế!
Các giới răn không những không cản trở tự do, mà chính các giới răn đó giúp cho con người sống tự do hơn.

Cầu nguyện
Để làm hài lòng Cha trên trời, người Công Giáo phải cầu nguyện.
Thế nào là cầu nguyện? Con người có bốn bổn phận thiết yếu đối với Thượng Đế: Thờ lạy, Cảm tạ, Xin lỗi và Cầu xin các ơn lành. Đó là những bổn phận thiết yếu của Đấng làm người mà chúng tôi đã trình bày trong các mục về tôn giáo.
Cầu nguyện là chúng ta nhắc lòng chúng ta lên tiếp xúc với Thượng Đế mà làm bốn việc kể trên, hoặc một trong bốn việc kể trên.
Đã hay rằng nhà thờ là nơi cầu nguyện tốt nhất, nhưng bất cứ ở đâu ta cũng cầu nguyện được.
Đứng ngoài sân, nhìn thấy cảnh trời hùng vĩ, ta nhớ vạn vật do Chúa tạo thành, nhận Ngài là chủ tể các vật đó và chính ta cũng do bàn tay Ngài tạo nên (thờ lạy). Đó là một lời cầu sốt sắng.
Đi ngoài đường gặp một người đau khổ, túng thiếu, hoặc xem thấy một tai nạn xẩy ra, ta nghĩ mình còn yên lành, gia đình đầy đủ… ta cám ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban. Đó là lời cầu nguyện cảm tạ sốt sắng.
Tối nằm trên giường nhớ đến việc tội lỗi đã làm trong ngày, ta thốt ra một lời xin lỗi Chúa. Đó là một lời cầu nguyện sốt sắng (ăn năn tội).
Nghĩ đến nhu cầu hồn xác, thấy mình phải chiến đấu gay go để bảo toàn đức trong sạch, con cái khó dậy… ta xin Chúa ban ơn để chiến thắng, cho con cái nên tốt… Đó là lời cầu nguyện sốt sắng (xin ơn).
Khi cầu nguyện không cần phải đọc kinh nào, có thể âm thầm làm bốn việc nói trên, song ta cũng có thể dùng những kinh đã đặt sẵn để cầu, vì các kinh cũng chỉ cốt biểu lộ bốn tâm tình nói trên. Nhưng khi họp nhau chung thường đọc kinh, lúc đó ta lợi dụng những lời trong kinh mà làm bốn bổn phận nói trên.
Trong các kinh nên dùng hơn cả thì có Kinh Lạy Cha, chính Chúa Giêsu đã dậy môn đệ cầu nguyện. Khi chúng con cầu thì cầu như thế này:
“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy.
Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen.”
Cầu nguyện là một sự an ủi không phải là gánh nặng như có người tưởng.
Khi người ta yêu nhau thì cuộc nói truyện dầu có dài đến đâu cũng không nhàm chán và người ta vẫn có cái mà nói. Cầu nguyện chính là cuộc đối thoại tâm tình giữa Cha và con giữa những người thân yêu nhất trên đời.
Chính trong sự cầu nguyện người ta tìm được sức mạnh cho cuộc sống nặng nề này. Chúa Giêsu đã phán: “Không Ta, các con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Thánh Phaolô nói kiểu khác, nhưng cũng diễn đạt một tư tưởng đó: “Tôi làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi” (Phil 4,13).
Chính trong sự cầu nguyện người ta tìm thấy sự sáng cho cuộc đời. “Ta là đàng, ta là thật, ta là sống”. Đức Giêsu còn phán: “Ta là sự sáng thế gian”. Chính trong sự cầu nguyện ta tìm được sáng soi, đàng đi, nguồn sống. Con người không cầu nguyện chịu mù mịt trong con đường tối tăm.
Nữ hoàng Henriette nước Anh, bị thử thách hết sức nặng nề, đã thưa với Chúa trong lời cầu thế này: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã nâng con lên địa vị Hoàng hậu để cho con phải khổ, đã cho con rơi xuống từ 3 tòa ngai vàng để con xem trời tỏ hơn”.

Các phép Bí Tích
Người Công Giáo phải cầu nguyện, còn phải chịu các phép Bí Tích Chúa lập nữa. Đây là những phương thế Chúa dùng để thánh hóa con người. Chúa Giêsu đã dùng 7 phương thế để ban ơn cho con người ta phù hợp với 7 giai đoạn chính của đời sống con người.
-  Con người sinh ra, Chúa lập phép Rửa Tội để sinh con người làm con Thiên Chúa.
-  Con người lớn lên, Chúa lập phép Thêm Sức để ban sức mạnh mà chiến thắng kẻ thù: ma quỉ, thế gian, xác thịt.
-  Con người cần phải nuôi mình, Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để con người có lương thực bổ dưỡng hằng ngày.
-  Lúc giao chiến có khi bị thương tích, Chúa lập phép Giải Tội để rịt những vết thương con người.
-  Ai cũng già rồi chết, Đức Chúa Giêsu lập phép Xức Dầu Thánh để con người lấy sức mạnh mà về đời sau.
-   Con người không phải sống đời sống cá nhân mà còn sống tập thể, giáo dân cần phải có người điều khiển, Chúa đã lập phép Truyền Chức Thánh để chọn những người xứng đáng cai trị đoàn chiên Chúa.
-  Con người cần phải nối dõi giống người, Chúa lập phép Hôn Phối để con người sống đời gia đình  hạnh phúc, tiếp tục giống người.
-  7 phép Bí Tích như thế là cần thiết cho những nhu cầu con người sống ở trần gian.
Có những Bí Tích chỉ được chịu một lần như Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, vì ai chịu thì được in dấu thánh vào tâm hồn không tẩy xóa đi được. Còn các Bí Tích khác vì nhu cầu của mỗi người được chịu nhiều lần.
Tìm hiểu mỗi phép Bí Tích là cần thiết để lãnh nhận cho có ích lợi. Không cần phải biết ngay một lúc tất cả mọi Bí Tích, song chịu phép nào thì cần tìm hiểu phép đó.
Ba phép Bí Tích cần phải biết ngay khi mới nhập đạo: là phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa và phép Giải Tội.

Phép Rửa Tội
Mỗi người sinh ra vì thuộc dòng giống Adong đã phạm tội nên không được vào sổ con cái Chúa, cái đó người ta gọi là tội tổ tông. Muốn được trở nên con cái Chúa thì phải dùng phương thế Chúa chỉ là chịu phép rửa: “Chúng con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Chúa đã phán với Nicôđêmô: “Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần thì không được vào nước Trời” (Ga 3,3).
Lễ nghi Rửa Tội rất đơn sơ nhưng hậu quả rất là quan trọng:
1- Ai chịu phép rửa thì được “điền kết” vào Chúa Kitô. Như cành cây “điền kết” với thân cây và trở nên một với cây và sống bằng sức sống của cây. Cái hình ảnh biểu lộ sự liên kết chặt chẽ của người chịu phép rửa và Chúa Giêsu.
2- Theo lời Thánh Phaolô (II Cor 5,17): “Ai ở trong Đức Kitô thì đã là tạo vật mới: những gì cũ đã qua đi rồi và này những điều mới đã có. Theo lời Thánh Phaolô thì ai chịu phép rửa được tẩy xóa mọi tội lỗi, dầu là tội tổ tông, dầu là tội riêng, chết lúc đó là thiên đàng.
3- Vì chúng ta đã trở nên con người mới bởi lãnh nhận Ngôi Lời nên chúng ta được trở nên con Đức Chúa Trời (Ga 1,12).  Thánh Phaolô cũng nói: “Vì các người là con, nên Chúa đã phú vào lòng các người cái Tâm Linh của Con Ngài, nhờ đó các người kêu lên được rằng: Lạy Cha, lạy Cha. Như thế, các người không phải là nô lệ, mà là con” (Gl 4,6).
Đã là con thì cũng là em Đức Chúa Giêsu sẽ được cùng Chúa Giêsu kế hưởng gia tài trên trời.
4- Đã là con thì chúng ta phần nào được thông phần bản tính Thiên Chúa theo lời Thánh Phêrô nói: “…Nhờ vậy anh em được thoát khỏi cảnh đồi bại của vòng đam mê thế tục, mà được thông hưởng bản tính Thiên Chúa” (II Pr 1,4)
5- Đã được sạch mọi tội thì trở nên đền thờ Chúa Ba Ngôi. Đức Chúa Giêsu đã phán: “Ai yêu ta thì Đức Chúa Cha sẽ yêu kẻ ấy.  Chúng Ta sẽ đến lập cư trong lòng kẻ ấy” (Ga 14,23)
6- Ngày chịu phép rửa, còn được đại hồng ân này nữa là được nhập đại gia đình Công Giáo hơn 500 triệu hớn hở đón nhận chúng ta, mọi người là anh em với nhau, con một Cha trên trời, hưởng nhờ các ân huệ của gia sản Chúa Giêsu để lại cho Giáo Hội.
Ôi cao quý dường nào, cái ơn được chịu phép Rửa Tội! Hồng phúc dường nào, cái ngày được chịu phép rửa!

Phép Mình Thánh
Trong phép Mình Thánh có hai điểm quan trọng nhất là sự Chúa hiện diện trong Thánh Thể và phép Thánh Thể là một lễ tế.
A- Chúa hiện diện trong Thánh Thể
Ý của Chúa Giêsu là muốn hiện diện ở lại với con cái loài người, nên đã dùng hết oai quyền của Ngài mà lập nên phép Thánh Thể.
Khi lập phép Thánh Thể, Chúa bảo các môn đệ: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta”. “Hãy chia nhau mà uống, vì đây là Máu Ta, Máu Tân Ước, đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội” (Mt 26,26-27).
Những lời nói trên hiểu theo nghĩa đen vì khi Đức Chúa Giêsu nói về Bánh Hằng Sống Ngài sẽ ban, mà bánh đó chính là Thịt Máu Ngài. Một số môn đệ cho là chói tai bỏ đi, Đức Chúa Giêsu quay hỏi các Tông Đồ: “Còn các ngươi, các ngươi có bỏ Ta nữa chăng?” Simon Phêrô thưa thay cho anh em: “Lạy Thầy, Thầy có lời hằng sống. Chúng tôi bỏ Thầy thì đi với ai?” (Ga 6,35-71).
Chúa đã làm cho nước hóa rượu, đã làm cho bánh ra nhiều để sửa soạn lòng con người lãnh nhận tín điều này. Và hằng ngày ta thấy một sự lạ lùng Chúa làm, ta ăn đủ thứ mà tất cả đều trở nên thịt máu ta. Chúa đã làm ngay trước mắt để cho ta dễ dàng mà tin nhận phép lạ sự hiện diện Chúa trong Thánh Thể.

B- Phép Tế Lễ
Phép Thánh Thể còn là một lễ tế. Chúa Giêsu đã dâng lễ thượng tế Đức Chúa Cha trên Thánh giá một lần. Lễ đó đã đẹp lòng Đức Chúa Cha vô cùng. Nhưng để người ta hằng ngày cùng với Chúa Giêsu mà dâng lễ thượng tế Thiên Chúa, thì Đức Chúa Giêsu đã hằng ngày làm lại lễ tế đó. Cũng y như lễ tế Thánh giá: vì chính Chúa Giêsu tế lễ, chính Đức Chúa Giêsu là của lễ và công hiệu vô cùng như lễ Thánh giá xưa, khác một chút là ngày nay Đức Chúa Giêsu không hiện hình cho ta thấy. Ngài dùng vị linh mục như thừa tác viên, để thực hiện việc Chúa làm.
Sở dĩ Chúa làm lại như vậy vì Chúa muốn cho mỗi người đem lễ vật của mình hợp với lễ vật của Chúa dâng thượng tế Đức Chúa Cha và như thế, lễ vật dâng lên đẹp lòng Đức Chúa Cha vô cùng vì nó ẩn nấp dưới của lễ Đức Chúa Con.
Những điều trên cho thấy lễ là việc cao trọng nhất trong tôn giáo, người giáo hữu không làm được việc gì cao quí đẹp lòng Chúa hơn là dự lễ.
Về điểm này, ai nấy đều nên nghiên cứu thêm để hiểu rõ và mộ mến vì vô tri bất mộ. Việc cao quí mà ơ hờ kể ra thực đáng tiếc.

Phép Giải Tội
Thệ Phản không nhận phép Bí Tích Giải Tội. Luther lấy lẽ rằng phép Giải Tội do Giáo Hội lập đời Đức Innocentiô III trong công đồng Latran 1215.
Sự thực công đồng Latran chỉ quy định phải xưng tội một năm ít là một lần. Qui định luật không phải đã lập ra, lúc đó đã có việc xưng tội rồi.
Nói thế để cho thấy rằng: lời quả quyết của Thệ Phản không dựa trên căn bản lịch sử nào. Việc xưng tội đã có từ đầu Giáo Hội, nên phải do Chúa lập ra.
Có những người thắc mắc về phép Giải Tội, chúng tôi chỉ xin nói thể này: một khi đã xúc phạm đến Chúa, Chúa phạt thể nào ta cũng chịu, hoặc đòi điều kiện nào để tha thì ta cũng phải vâng vì Ngài có toàn quyền.
Nay Chúa đòi một điều kiện rất dễ: ai phạm tội, muốn được tha chỉ cần thú cái tội đó ra với vị đại diện Ngài chỉ định và quyết chí chừa cải.
Cái điều kiện khó mấy cũng phải làm, phương chi Chúa đòi điều kiện quá dễ đó vì thương ta yếu đuối.
Vậy ta phải vui mừng chấp nhận điều kiện đó với tấm lòng biết ơn, không nên thắc mắc.
Những điểm khác về phép Giải Tội ta hãy học hỏi thêm.

 
Sưu tầm
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn