1
05:54 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 301

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 299


Hôm nayHôm nay : 18365

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 408452

Tổng cộngTổng cộng : 27962736

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Giữa đời mà không thuộc về đời

Thứ năm - 08/11/2012 00:17-Đã xem: 1749
GXTNO-Chính đời sống tâm linh sẽ giúp tôi giữ được lòng trung thành sắt đá giữa muôn ngàn những quyến rũ xảy ra trong cuộc đời. Từ sự trung thành đó tôi sẽ có bình an, can đảm để đi sâu, đi xa vào đời mà vẫn không thuộc về đời
Giữa đời mà không thuộc về đời

Giữa đời mà không thuộc về đời


Dấn thân vào một môi trường nguy hiểm, bất lợi là điều mà không phải ai cũng muốn. Nhưng không phải vì thế mà con người lại lãng quên thế giới, ngược lại càng phải đi sâu vào bên trong thế giới bao la và đầy những biến động để qua sự hiện diện, qua những hoạt động, những cố gắng của ta, xã hội ấy sẽ thay đổi và phát triển. Một xã hội trong đó có nhiều người dám lăn xả, dấn thân cho đời thì chứng tỏ xã hội ấy luôn vững mạnh. Là người Kitô hữu, đặc biệt hơn nữa là người tu sĩ, ta cần biết hoà mình vào dòng đời hôm nay, phải để cho Tin Mừng mình đón nhận được bén rễ trong lòng thế giới. Đức Bênêđictô XVI đã từng nói: “Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của tiến hoá. Mỗi người chúng ta là kết quả của sự suy tư của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mong đợi, mỗi người chúng ta được yêu mến, mỗi người chúng ta là một sự cần thiết cho cuộc sống này” . Thế nên, chúng ta đừng để sự hiện hữu của mình trở nên vô vị nhưng hãy mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa bằng cách len lỏi vào những điểm nóng bỏng của thế giới trong đó Chúa Thánh Linh đang hoạt động để khai sinh một nhân loại mới.

“Giữa đời mà không thuộc về đời”, nghĩa là vào đời nhưng không để cho trần thế chiếm đoạt lấy mình. Đó là một điều kiện thiết yếu mà không có nó thì đức tin có quảng đại, có thích ứng với đời bao nhiêu đi nữa cũng không còn là một đức tin sống. Điều này muốn nói lên một sự dấn thân trọn vẹn, không một tìm kiếm lợi ích cá nhân, không sợ thua thiệt. Dẫu biết rằng hành động vào đời là một cuộc mạo hiểm, một sự mạo hiểm lớn lao vượt ra khỏi tầm hiểu của con người, một sự mạo hiểm đánh đổi cả mạng sống mình. Nhưng cần phải có những người dám sống như vậy thì thế giới và con người hôm nay mới mong tìm được hạnh phúc.

Là người tu sĩ, ta có trách nhiệm lao mình vào trần thế, chấp nhận liên luỵ giữa một thế giới tội lỗi để với bất cứ giá nào phải đưa được con người đến nơi Chúa muốn. Nhưng tại sao phải len lỏi cho được vào đời, tại sao phải để mình bị thiêu huỷ bởi thế giới vô bổ này? Đó chính là vì Thiên Chúa đã đến với con người qua Đức Giêsu Kitô. Sự hiện diện trần thế của Ngài nhằm mở ra cho toàn thể nhân loại và mỗi người một đời sống mới, một chiều kích siêu việt. Đức Kitô nhập thể mang lấy thân phận loài người chính là sự giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, một giao ước tình yêu có tính bền vững. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” . Vậy thì chân lý xuống thế làm người nơi Đức Kitô không thể tách ra khỏi chân lý ngự bên hữu Chúa Cha và sự vào đời phải đi liền với cái không thuộc về đời của Ngài.

Theo bước chân Thầy Giêsu, người tu sĩ cần ý thức rằng từ nơi thâm sâu nhất của tâm hồn, mình phải là con người của trần thế và nhờ sức mạnh Thần Linh để cố gắng đưa sức mạnh cứu rỗi vào đời để biến cải nhân loại thành nước Thiên Chúa. Chính cái không thuộc về đời đã xô ta vào đời. Vì thế nhiều lúc trước những nguy cơ vượt quá những khó khăn thì đức tin của người tu sĩ đang bị đe doạ. Những lúc như vậy, ta cần biết lắng nghe để nhận ra những hố trũng mà mỗi người có thể trượt xuống nếu thiếu thận trọng. Cần xác định rõ về quan niệm của đức tin, tức là cần biết rằng để đức tin vững mạnh, đức tin cần phải có hành động vì đức tin không hành động là đức tin chết. Nhưng phải hành động thế nào? Đó chính là phải để cho cảnh vực, môi trường, hoàn cảnh hiện tại tác động trên mình và cần vượt qua được những thử thách đó để xâm nhập vào giữa lòng nhân loại và phải không ngừng chất vấn đức tin của mình cách mạnh mẽ mỗi ngày. Đồng thời, đức tin đó cần được nuôi dưỡng bằng một đức ái trọn vẹn vì chính đức ái là nền tảng cho hành động Phúc Âm hoá. Nếu người tu sĩ vào đời mà không mang theo một đức ái trọn hảo thì sẽ không bảo đảm được sự sống còn của đức tin hôm nay cũng như cho ngày mai. Và đức tin lúc đó không còn tác dụng nào trên những động lực thúc đẩy xã hội thay đổi và phát triển.

Như vậy, dưới cái nhìn của nhân học, con người hiện hữu với tất cả những trạng thái vốn thuộc về mình như thích được nhìn nhận, khâm phục, có khi nản lòng, ích kỷ nhưng cũng có thể đi đến hy sinh. Vì thế phải làm sao để sự hy sinh đó trở thành lý tưởng sống và lý tưởng đó không gì hơn ngoài sự dấn thân cho đời. Theo M.Scheler: “Con người không xuất hiện chính yếu như là ‘động vật có lý trí’ nhưng thiết yếu là hữu thể yêu thương”. Càng dấn thân trong yêu thương, tôi càng khám phá ra được ý nghĩa của cuộc sống. Sự dấn thân sẽ không làm tôi đánh mất đi căn tính nhân loại của mình mà càng giúp tôi hoà mình, tháp nhập vào thế giới, vào vũ trụ. Điều quan trọng là phải làm sao để vừa dấn thân mà không để mình trôi theo vòng xoáy của cuộc đời, không để những xu hướng toàn cầu hoá hấp lực mình? Câu trả lời sẽ được đưa ra khi tôi mang trong mình một chiều kích tâm linh, đó chính là Thiên Chúa. Những cố gắng đi vào đời, những hành động len lỏi vào các điểm nóng bỏng của xã hội sẽ có giá trị nếu được sống trước mặt Chúa, nếu không mọi sự sẽ trở nên vô nghĩa, mất tác dụng. Chính đời sống tâm linh sẽ giúp tôi giữ được lòng trung thành sắt đá giữa muôn ngàn những quyến rũ xảy ra trong cuộc đời. Từ sự trung thành đó tôi sẽ có bình an, can đảm để đi sâu, đi xa vào đời mà vẫn không thuộc về đời

 
LưuLyLy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn