1
04:06 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 184

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 160


Hôm nayHôm nay : 8313

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 351342

Tổng cộngTổng cộng : 27905626

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI

Thứ sáu - 08/03/2013 21:16-Đã xem: 1471
Bất kể nhận định ngược xuôi thế nào về vị giáo hoàng hưu trí, không ai không nhận ngài là vị giáo hoàng chữ nghĩa, chứng tỏ rõ ràng nhất qua các thông điệp, qua vai trò thần học gia, qua bộ sách ba cuốn về Chúa Giêsu và qua các sứ điệp lúc đọc kinh Truyền Tin của ngài.
Chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI

Chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI

Thiên Chúa của tình yêu và bác học

Linh mục Drew Christiansen S.J., cựu chủ bút Tạp Chí America, cho rằng hầu hết các bức chân dung về Đức Bênêđíctô XVI đều nhấn mạnh ngài là một học giả. Ai đã đọc các thông điệp của ngài chắc chắn phải đồng ý như thế. Chúng đầy những trích dẫn từ các giáo phụ và tiến sĩ Giáo Hội. Nhưng không như tuyên bố của các vị giáo hoàng hiện đại khác, các thông điệp của Đức Bênêđíctô XVI còn đầy những trích dẫn của các tác giả thế tục, cổ thời cũng như hiện đại, như Plato, Cicero, Nietzsche, Marx và Dostoevsky. Ngài sử dụng truyền thống trí thức và nghệ thuật của Phương Tây để chuyên chở viễn kiến đức tin của ngài cho cả Giáo Hội lẫn thế giới. 

Trước tác của Đức Bênêđíctô thiếu những câu để đời của Đức Phaolô VI, như “phát triển là tên mới của hòa bình” và “văn minh tình thương”, cũng như thiếu cái viễn kiến địa chính trị (geopolitical) vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II với những lời lẽ đã gây hứng cho cuộc cách mạng tại Trung Âu. Điều được ngài trình bày là một cái hiểu hết sức tổng nhập về đức tin và đời sống Kitô Giáo, bằng một lối văn rõ ràng và chính xác, phát xuất từ trái tim. Tuy nhiên, giáo huấn xã hội của ngài quả là đổi mới, thậm chí triệt để nữa trong các đề nghị của nó. 

Thông điệp đầu tiên, “Thiên Chúa Là Tình Yêu” mô tả mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống Kitô hữu. Vào chính thời điểm các nhà tân vô thần xem ra thắng thế, ngài quyết định viết về tình yêu, vốn là tâm điểm của viễn kiến Kitô Giáo. Ngài cho rằng tình yêu nhân bản, nhất là kết hợp tính dục, dự ứng trước sự trường sinh bất tử, một cần thiết cho việc hiến mình và ước nguyện toàn thành trong Thiên Chúa. Ngài định nghĩa cuộc sống làm môn đệ như là việc “hiệp thông” với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô với mọi Kitô hữu, và quả quyết sự hợp nhất có tính yếu tính giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. 

Phần thứ hai của thông điệp giải thích rằng việc Giáo Hội phục vụ bác ái, trong đó có công trình tranh đấu cho công lý, cùng với việc công bố Tin Mừng và cử hành phụng vụ chính là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ấy thế nhưng các cảnh giác của ngài về cung cách tiến hành các việc bác ái do Giáo Hội Công Giáo bảo trợ khiến người ta lo âu đối với viễn ảnh tập quyền không cần thiết của Vatican. Tháng giêng năm 2012, các lo âu này càng gia tăng khi Vatican đưa ra các luật lệ liên quan tới trách nhiệm của các giám mục đối với các cơ quan bác ái dưới quyền các ngài và đặt các cơ quan có tính quốc tế dưới sự giám sát của Giáo Triều. 

“Spes Salvi”, thông điệp thứ hai của Đức Bênêđíctô, là thông điệp hơi khó đọc nhưng rất có giá trị về phương diện mục vụ. Thông điệp khởi đầu với một suy niệm về đoạn văn “Đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng” (Dt 11:1). Sau luận chứng dài chống lại chủ đề “Đấng Thiên Chúa thất bại”, tức cái huyền thoại tiến bộ vật chất, đặc biệt được lý thuyết Mácxít của thế kỷ 19 và 20 truyền bá, ngài trở về với kinh nghiệm bản thân để suy tư về các niềm hy vọng đang nở rộ của một đời người. Ngài cho rằng con người cần cả “niềm hy vọng lớn” nơi Thiên Chúa lẫn “các niềm hy vọng nhỏ” vốn đi theo chu kỳ sống của họ. Hơn nữa, mỗi thế hệ đều được mời gọi đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, niềm hy vọng tối hậu của ta chỉ được thể hiện nơi Chúa Kitô: trong Người, ta được chia sẻ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. 

Phần ba cuối cùng của “Spes Salvi”, chiếm tới một phần ba văn kiện, được dành để nói tới việc thực hành đức hy vọng. Trọn phần này đáng ta kính cẩn xem sét, nhất là trong Mùa Chay. Tiết cuối cùng về phán xét chung rất đáng lưu ý vì đã có một giọng rất nâng cao tâm hồn khi đề cập tới một đề tài bình thường rất đau buồn: “Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là hành động phán xét dứt khoát. Trước cái nhìn của Người, mọi giả dối đều tan biến”. 

“Caritas in Veritate” là thông điệp xã hội đầu tiên và đầy đủ của Đức Bênêđíctô XVI. Soạn giữa lúc thế giới gặp khủng hoảng tài chánh và tiếp sau việc hoàn cầu hóa nhanh chóng, thông điệp năm 2009 này kêu gọi phải có một thẩm quyền để điều hòa các giao dịch tài chánh quốc tế cũng như một cơ cấu quản trị có tính hoàn cầu nhiều hơn. Nó cũng kêu gọi phải có một nền kinh tế đặt căn bản trên lòng tin (trust) cũng như phải có những mô thức kinh tế mới, phối hợp được động lực kiếm lời với việc đóng góp cho ích chung. Để trả lời các hiểu lầm do “Deus Caritas Est” gây ra, ngài cho hay phải coi các cải cách cơ cấu như một thứ “bác ái chính trị”, một thứ bác ái không thua gì thứ bác ái trực tiếp phục vụ tha nhân. 

Các thông điệp của Đức Bênêđíctô không dễ đọc, nhưng độc giả nào chịu tỉ mỉ nghiên cứu, sẽ thấy chúng rất bổ ích. Đôi lúc, nền thần học của ngài có tiềm năng gợi hứng rất lớn. Nền thần học ấy thực ra ôn hòa hơn là các nhà phê bình của ngài thường nghĩ. Và nhiều điểm trong giáo huấn xã hội của ngài hoàn toàn có tính cấp tiến. 

Một vị giáo hoàng nhân bản Kitô Giáo 

Theo tiến sĩ Tracey Rowland, khoa trưởng Học Viện Gioan Phaolô II tại Melbourne về Hôn Nhân và Gia Đình, và là thành viên của ban biên tập Tạp Chí Communio do Đức HY Ratzinger đồng sáng lập, Đức HY Joseph Ratzinger có lần cho rằng ngài mang nợ rất nhiều đối với Henri de Lubac và Hans Urs von Balthasar, coi họ như những cố vấn trí thức. Khi còn là chủng sinh, ngài thấy việc đọc cuốn Catholicism của Lubac không những giúp ngài nối kết một cách mới mẻ và sâu sắc hơn với tư duy của các giáo phụ mà còn là một “phương cách mới mẻ nhìn vào thần học và đức tin đúng nghĩa”. Ngài cũng thấy một cái hiểu mới mẻ về sự hợp nhất giữa Giáo Hội và Thánh Thể trong cuốn Corpus Mysticum của Lubac, và điều này giúp ngài đào sâu tâm thức của Thánh Augustinô. Giáo hội học và nhân học qui Kitô của Lubac đã ảnh hưởng mạnh tới các thông điệp thứ hai và thứ ba của ngài, tức các thông điệp “Spe Salvi” và “Caritas in Veritate,”. Còn việc ngài đặc biệt nhấn mạnh như Balthasar tới cái đẹp siêu việt đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm của ngài đến nỗi trong tương lai, chắc chắn ngài sẽ được tưởng niệm như là vị giáo hoàng của đầu thế kỷ 21 quyết liệt chống lại chủ nghĩa phàm tục hóa phụng vụ (liturgical philistines). 

Cùng với Lubac và Balthasar, một cố vấn chủ yếu khác của Ratzinger là Romano Guardini. Karl Rahner mô tả Guardini là “nhà nhân bản học Kitô Giáo đã dẫn người Công Giáo Đức ra khỏi khu biệt cư trí thức và văn hóa để bước vào hế giới hiện đại”. Theo Ratzinger, nhờ Guardini, ngài hiểu rằng yếu tính của Kitô Giáo “không phải là một ý niệm, hay một hệ thống tư tưởng, cũng không phải là một kế hoạch hành động. Yếu tính đó là một ngôi vị, đó chính là Chúa Giêsu Kitô”. Nguyên tắc này đã được cô đọng trong “Dei Verbum” hiến chế năm 1965 của Vatican II mà chính Ratzinger đã góp phần soạn thảo. Nó cũng tạo nên chủ đề chính trong thông điệp đầu tiên của ngài, tức “Deus Caritas Est”. Thần học phụng vụ của Guardini cũng được đem vào tông huấn năm 2007 “Sacramentum Caritatis”. Còn lối giải thích Thánh Kinh của Guardini thì được lồng vào tông huấn “Verbum Domini” năm 2010. Theo Ratzinger, Guardini nhìn nhận rằng “phụng vụ là môi trường đích thực và sống động của Thánh Kinh và ta chỉ có thể hiểu được Thánh Kinh trong bối cảnh sống động mà từ đó nó đã xuất hiện. Không được nhìn các bản văn Thánh Kinh, tức cuốn sách vĩ đại của Chúa Kitô, như những sản phẩm văn học của một số luật sĩ nào đó làm việc tại bàn giấy, mà đúng hơn chúng là lời lẽ của chính Chúa Kitô được nói lên trong lúc cử hành Thánh Lễ”.

Còn về quan tâm đối với các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, thì Đức Bênêđíctô chịu ảnh hưởng triết lý của Josef Pieper (1904-1997). Ngài vốn thừa nhận rằng các trước tác của ngài về các nhân đức đối thần chính là các cố gắng đem triết lý thâm sâu của Pieper vào lãnh vực thần học. Tác phẩm viết trước khi làm giáo hoàng của ngài The Yes of Jesus Christ: Spiritual Exercises in Faith, Hope and Love là để kính tặng Pieper nhân sinh nhật thứ 85 của ông. Chính Pieper là người đầu tiên đã giúp hai tổng giám mục Krakow và Munich-Freising gặp gỡ nhau.

Trong các văn kiện huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI, ta ít tìm thấy các tuyên bố tín lý đáng kể, mà đúng hơn là một tổng hợp hùng hồn các cái nhìn thấu suốt, rút tỉa từ 2 ngàn năm bác học Công Giáo, nhằm mục đích dõi sáng cho căn bệnh tâm linh đương thời. Ta thấy nơi Đức Bênêđíctô XVI cả ảnh hưởng Inhã của Lubac và Balthasar, ảnh hưởng trường phái Tôma của Pieper, ảnh hưởng qui Kitô nơi Thánh Bonaventura của Guardini, ảnh hưởng mẫn cảm phụng vụ của Dòng Bênêđíctô, lẫn lòng sùng kính Đức Mẹ của vùng Bavaria và nay cuộc gặp gỡ với nền linh đạo hoang địa của Dòng Cát Minh, thật gần gũi với Đức Gioan Phaolô II. 

Dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Giáo Hội rất diễm phúc có được người con của vùng Bavaria. Người con này, dọc cuộc sống luôn cố gắng gặp gỡ và làm quen với những tâm trí vĩ đại nhất trong Giáo Hội thời ngài, đã dùng các kho báu trí thức và văn hóa của Giáo Hội để phục vụ chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo.

Chúa Giêsu của một vị giáo hoàng

Linh mục Daniel J. Harrington, S.J., giáo sư và chủ tịch Khoa Nghiên Cứu Thánh Kinh tại Trường Thần Học Weston của Dòng Tên, cho hay: các sách của Đức Bênêđíctô XVI viết về Chúa Giêsu khẳng nhận cả các nguyên tắc trong hiến chế “Dei Verbum” của Công Đồng Vatican II lẫn sự thách thức đối với các học giả thánh kinh và các nhà thần học ngày nay. Cuốn thứ nhất đề cập tới các biến cố trong các Tin Mừng, từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa cho tới lúc Người hiển dung. Cuốn thứ hai tập chú vào các biến cố Tuần Thánh. Cuốn thứ ba đề cập tới các trình thuật tuổi thơ trong các Tin Mừng. Chưa bao giờ một vị giáo hoàng đang cai trị lại viết những cuốn sách như thế cho quảng đại quần chúng và hoan nghênh các lời phê phán đối với chúng. 

Hồi còn trẻ, Joseph Ratzinger đã viết phần chính cho “Dei Verbum”, văn kiện của công đồng năm 1965 về mạc khải thánh, và suốt nhiều năm sau đó, đã tiếp tục quan tâm tới mối liên hệ giữa Thánh Kinh và thần học. Ngài chủ tọa các phiên họp của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. Năm 1993, Ủy ban này đã cho công bố văn kiện “Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội”. Năm 2010, theo yêu cầu của Thượng Hội Đồng năm 2008 về Thánh Kinh trong đời sống và sứ mệnh Giáo Hội, ngài cho công bố tông huấn “Verbum Domini”. Đây là một tóm lược đầy đủ các giáo huấn gần đây của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Kinh và cách giải thích nó. Phần quan trọng trong gia sản làm thần học gia và làm giáo hoàng của ngài là cố gắng minh xác và khích lệ việc nghiên cứu Thánh Kinh và các áp dụng mục vụ của nó. 

Có thể coi văn thể trong các cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về Chúa Giêsu là chú giải thần học. Ngài tiếp cận Tin Mừng không chỉ như lời lẽ của các tác giả nhân bản mà hơn hết còn là lời lẽ của Thiên Chúa nữa. Ngài thường dùng các phương pháp và thành quả của khoa phê bình lịch sử mà ngài lặp đi lặp lại nhiều lần là “không thể thiếu được”. Tuy nhiên, ngài cũng đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ xác định ý nghĩa của bản văn trong ngữ cảnh nguyên thủy của nó mà thôi không đủ. Do đó, ngài đặt nặng tầm quan trọng của việc hiểu các bản văn Thánh Kinh về phương diện tâm linh hay thần học. Khi theo đuổi chương trình chú giải thần học, ngài kết hợp việc chú giải Tin Mừng theo lịch sử với các tiền lệ trong Cựu Ước, các tầm nhìn thấu suốt về thần học của giáo phụ, các quan tâm thần học thời cận đại, các thực hành phụng vụ và cảm nghiệm đương thời. 

Ngay ở đầu cuốn thứ nhất, Đức Giáo Hoàng xác định rõ các nguyên tắc giải thích Tin Mừng của ngài. Ngài chủ trương rằng chân dung Chúa Giêsu trong Tin Mừng là một chân dung đáng tin, đáng làm đối tượng thích đáng để nghiên cứu và tôn sùng. Đối với ngài, “Chúa Giêsu lịch sử” chính là Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Ngài coi Chúa Giêsu này là chìa khóa để giải thích toàn bộ Sách Thánh, và do đó, ngài đọc toàn bộ Sách Thánh theo quan điểm Kitô học và qui điển học. Và dù ngài quan tâm tới ngữ cảnh lịch sử của Chúa Giêsu, nhưng quan tâm chính của ngài khi viết về Chúa Giêsu là ý nghĩa thần học của Người. 

Các cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về Chúa Giêsu, do đó, không phải là những cuốn tiểu sử về Người hay những bình luận có tính chú giải hoặc một khảo luận có tính hệ thống về Kitô học. Trái lại, chúng là một hình thức thần học Thánh Kinh hay chú giả thần học, một loạt các suy niệm bác học về các tình tiết khác nhau của Tin Mừng. Chúng tự do sử dụng các đoạn văn trong Cựu Ước làm phương tiện hiểu các bản văn Tân Ước. Chúng giải thích Thánh Kinh bằng chính Thánh Kinh và thích ứng chúng theo các hệ luận phụng vụ và bí tích của các bản văn Tin Mừng. Tóm lại, chúng minh họa cách một độc giả có học thức cao của Tin Mừng áp dụng các nguyên tắc của “Dei Verbum” và nhiều văn kiện hiện đại khác của Công Giáo về Thánh Kinh. 

Đức Bênêđíctô XVI có tiếng yêu âm nhạc, do đó, phương pháp thần học của ngài thường được ví như một bản hòa tấu trong đó các nhạc cụ khác nhau đã hoà điệu với nhau để tạo nên một hợp xướng tuyệt diệu. Thiển nghĩ muốn đọc các cuốn sách của Đức Bênêđíctô về Chúa Giêsu, chúng như thế nào ta phải tôn trọng chúng như thế, chỉ có thế ta mới hưởng được bản hòa tấu thần học và học hỏi được bậc thầy về sáng tác và điều khiển. 

Dẫn nhập người khác vào Chúa Kitô

Người cuối cùng bàn về chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI là linh mục James Martin, S.J., một biên tập viên tự do của tạp chí America. Theo linh mục Martin, một trong các khía cạnh ít được tường trình nhưng lại lôi cuốn nhất dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI là loạt bài huấn từ lúc đọc Kinh Truyền Tin của ngài. Khi nào ở Rôma, vào mỗi trưa các Thứ Bẩy, Đức Giáo Hoàng thường xuất hiện ở ban-công Phòng Giáo Hoàng, đối diện với Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, để cùng đám đông nguyện lời kinh cổ điển là Kinh Truyền Tin. Đây là thói quen của các vị giáo hoàng đã có từ thời Đức Gioan XXIII, dù các vị giáo hoàng khác sử dụng dịp này cách khác. Đối với Đức Bênêđíctô, lúc đọc Kinh Truyền Tin là lúc tốt nhất để ta suy niệm về bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật, về một vị thánh có liên hệ tới Tin Mừng (như một tông đồ chẳng hạn), về một vị mới được phong thánh, về một ngày lễ gần kề hay về lúc khởi đầu một mùa phụng vụ. Thỉnh thoảng, ngài dùng dịp này để nhận định về một biến cố nào đó trong đời sống Giáo Hội, như việc kết thúc thượng hội đồng giám mục gần đây. Nói chung, các sứ điệp lúc đọc Kinh Truyền Tin đều là những bài giảng lễ ngắn. 

Giống như trong ba cuốn sách về Chúa Giêsu Thành Nadarét cũng như các ấn phẩm khác của ngài, các bài giảng lúc đọc Kinh Truyền Tin của Đức Bênêđíctô XVI cho chúng ta thấy những điểm nổi bật nhất của Đức Giáo Hoàng: một thần học gia sáng chói mà điểm mạnh nhất là làm cho Tin Mừng, các truyền thống trong Giáo Hội, các giáo phụ và đời sống các thánh trở thành quen thuộc đối với tín hữu thời nay. Nơi Đức Bênêđíctô XVI, ta tìm thấy bậc thầy Kitô Giáo lôi cuốn nhất: một con người, nhờ nhiều thập niên nghiên cứu và cầu nguyện, đã thấm nhiễm hoàn toàn điều mình học hỏi đến nỗi có khả năng chuyển giao nó một cách hết sức sáng sủa. Một lợi ích khác trong các sứ điệp này là độ ngắn của chúng. Không nhiều hơn 4 hay 5 đoạn, chúng thật dễ nghe đối với đám đông và dễ thẩm thấu đối với bất cứ ai đọc chúng sau đó. 

Một thí dụ là bài suy niệm trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 27 tháng Giêng năm 2013, về bài đọc trích từ Tin Mừng Thánh Luca (4:14-21), khi Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường Nadarét. Đức Giáo Hoàng trình bày một suy nghĩ ngắn về những lời cảm kích của Chúa Giêsu: “Hôm nay lời Sách Thánh này đã ứng nghiệm khi các bạn nghe nó”. Đoạn Tin Mừng này cũng thách thức chúng ta “hôm nay”. Trước nhất, nó làm chúng ta suy nghĩ cách phải sống ngày Chúa Nhật, ngày để nghỉ ngơi và ngày dành cho gia đình, ra sao. Trên hết, nó là ngày dành cho Chúa, bằng cách tham dự Thánh Thể, qua đó, ta được nuôi dưỡng bằng Thân Thể và Máu Thánh Chúa Kitô và bằng Lời ban sự sống. Thứ hai, đối với thời giờ bị đa phức hóa và lo ra của ta, đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta tự vấn xem liệu ta có khả năng lắng nghe nữa hay không. Trước khi có thể nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa, ta phải lắng nghe Người. Phụng vụ của Giáo Hội chính là “trường” để ta học việc lắng nghe Chúa này, Đấng đang nói với ta. 

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói với ta rằng mọi giây phút đều là “ngày” thuận tiện để ta hồi tâm. Mọi ngày đều có thể trở thành hôm nay của cứu rỗi, vì cứu rỗi là câu truyện luôn tiếp diễn cho Giáo Hội và cho mọi môn đệ của Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa Kitô Giáo của kiểu nói carpe diem: hãy nắm lấy ngày Thiên Chúa kêu gọi bạn để ban cho bạn ơn cứu rỗi. 

Trong các thông điệp, các cuốn sách, các bài giảng lễ và nhất là các sứ điệp lúc đọc kinh Truyền Tin, người ta thấy tâm điểm thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng: ước muốn dẫn nhập con người vào Chúa Kitô. Giống bất cứ mục tử tốt lành nào, ngài luôn cố gắng “thực tại hóa” bản văn, nghĩa là làm cho chúng trở thành quen thuộc, có liên quan. Giống bất cứ thần học gia tốt lành nào, ngài luôn rút tỉa từ truyền thống phong phú của Giáo Hội (ở đây, ngài nói tới Phép Thánh Thể; ở những chỗ khác, ngài sẽ trích dẫn các giáo phụ). Và, cũng giống bất cứ học giả tốt lành nào, ngài không cưỡng được việc sử dụng chút ít Hy Ngữ!

Xuyên suốt qua các sứ điệp Truyền Tin của Đức Giáo Hoàng là lòng say mê muốn truyền đạt con người của Chúa Giêsu cho thính giả. Người ta có cảm tưởng rằng đây là điều ngài vui thích hơn cả: viết và nói về Chúa Kitô.

Vũ Văn An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn