1
13:08 +07 Thứ ba, 30/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 289

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 286


Hôm nayHôm nay : 49394

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 533766

Tổng cộngTổng cộng : 28088050

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Bài thuyết trình của Lm. Pet. Nguyễn Văn Viên, tổng đại diện Giáo phận Vinh

Thứ ba - 04/09/2012 14:48-Đã xem: 1767
Đức Giêsu, Chân Lý, có khả năng mang lại sự ổn định cho tất cả những gì đang bất cập, hòa giải và khôi phục những gì được coi là đã mất, không thể chữa lành và không thể hòa giải được. Chân Lý có khả năng tích hợp và đóng góp cho sự tự do của con người, sự đoàn kết, và nhân phẩm con người
Bài thuyết trình của Lm. Pet. Nguyễn Văn Viên, tổng đại diện Giáo phận Vinh

Bài thuyết trình của Lm. Pet. Nguyễn Văn Viên, tổng đại diện Giáo phận Vinh

----------------------------------------------------------------------------------


BÀI CHIA SẺ


Tại buổi gặp gỡ các ứng sinh linh mục, tu sĩ Giáo Phận Vinh


Trại Gáo (giáo xứ Mỹ Yên), ngày 5 tháng 8 năm 2012
-----------------

Chủ đề của buổi gặp gỡ: Hãy Theo Thầy
 

 

Bài Tin Mừng (Mt 4,18-22): Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Các bạn ứng sinh linh mục, tu sĩ thân mến,

Trong đoạn kết thúc bài nói chuyện với các giáo sư và sinh viên trường đại học Stanford, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ cũng như thế giới, ngày 14 tháng 6 năm 2005, Steve Jobs (qua đời hôm 5-10-2011), ông tổ của công ty Apple (với các sản phẩm Ipod, Ipad, Iphone… làm xiêu lòng hảng tỷ người trên thế giới) trích lời của Stewart và cộng sự được ghi ở trang bìa, tập cuối cùng của tạp chí chuyên đề The Whole Earth Catalog’“Stay Hungry. Stay Foolish” (hãy luôn đói khát. Hãy luôn dại khờ). Câu này được đưa ra vào giữa thập niên 70 (1970’s). Steve Jobs coi câu này như châm ngôn sống của đời mình và truyền cảm hứng cho mình tới thành công vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông muốn các bạn sinh viên trường đại học Stanford cũng coi đây như là châm ngôn sống để có thể vươn tới những chân trời mới mẻ trong tương lai, nhằm đem lại lợi ích cho gia đình nhân loại: “Stay Hungry. Stay Foolish” (hãy luôn đói khát. Hãy luôn dại khờ).

Thông thường người ta chúc nhau như Trần Tế Xương: “Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”,hay “chúc nhau có đông con nhiều cháu”, “chúc nhau lắm bạc nhiều tiền”, hoặc chúc nhau“Hãy luôn no đủ. Hãy luôn khôn ngoan” chứ không chúc nhau “Hãy luôn đói khát. Hãy luôn dại khờ.” Tâm tình của Steve Jobs đối với các sinh viên đại học Stanford gợi lên trong chúng ta tâm tình của Đức Giêsu với những ai theo Người. Thánh Mát-thêu (Mt 8,19-20) kể rằng “một kinh sư tiến đến thưa Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.’ Đức Giê-su trả lời: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.’” Lời trăng trối của Đức Giêsu với các môn đệ của mình trước khi bước vào cuộc khổ nạn là “trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga 16,33). Lời trăng trối thật bi ai, thương cảm. Tuy nhiên, các môn đệ của Đức Giêsu đã không nản chí, thoái lui. Họ đã trung thành với ơn gọi là môn đệ của Người đến hơi thở cuối cùng.

Trở lại đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, với Đức Giêsu, cuộc đời của 4 môn đệ đầu tiên đã chuyển sang một hướng khác. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng được thánh Mát-thêu chép, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Đức Giêsu gặp họ. Thực ra, nếu chúng ta đọc Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Gioan (Ga 1,35), thì chúng ta biết rằng có thể vài người trong họ đã là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Đức Giêsu đã có dịp gặp họ, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Đức Giêsu nói chuyện với họ cách nghiêm chỉnh. Thật ngạc nhiên, các môn đệ của Đức Giêsu không phải là những người giàu sang, khoa bảng, học cao biết rộng, có nhiều ảnh hưởng trong đời sống xã hội hoặc tôn giáo. Trái lại, họ chỉ là những dân chài bình thường, một nắng hai sương để lo cơm áo cho mình và các thánh viên trong gia đình. Lời mới gọi của Đức Giêsu không có gì bảo đảm rằng họ sẽ có được một tương lai xán lạn trong hành trình trần thế của mình. 

Họ đi theo Đức Giêsu vì họ nhận ra Người chính là Đường như Người đã nói ở Ga 14,6: “Chính Thầy là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống”. Đường, Chân Lý, Sự Sống là ba ý niệm căn bản nhất mà người Do Thái qua bao thế hệ dày công tìm kiếm. Với Đức Giêsu, ba ý niệm này được biểu hiện cách trọn vẹn nhất, bởi vì Đức Giêsu không những chỉ cho người khác đường về với Thiên Chúa, mà còn là Đường; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về Chân Lý, mà còn là Chân Lý; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về Sự Sống, mà còn là Sự Sống.

Ý niệm chính mà chúng ta cần quan tâm hơn trong bối cảnh chủ đề của lần gặp gỡ hôm nay (Hãy Theo Thầy) là ý niệm ‘Đường’. Trong văn hóa Do Thái, người ta quan tâm đến đường, đặc biệt là đường cho phép họ hướng về Thiên Chúa. Chẳng hạn Tv 16,11: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”hoặc Tv 86,11: “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài.” Chân Lý và Sự Sống được xem như làm rõ cho ‘Đường’; ‘Chân Lý và Sự Sống’ giải thích cho Đường. Đức Giêsu là Đường dẫn tới thực tại Nước Chúa, cũng là Nước của Chân Lý và Sự Sống. Thánh Augustine cho rằng ai cũng có thể cảm nhận và hiểu được chân lý và sự sống, trong khi không phải ai cũng tìm được đường.

Các nhà sáng lập và lãnh đạo tôn giáo từ cổ chí kim chưa ai xưng mình là đường. Mohamed, người sáng lập Hồi Giáo, nhận mình là kẻ tội lỗi. Đức Phật, người sáng lập Phật Giáo, nhận mình là kẻ chỉ đường, là ngón tay chỉ về mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Những người lãnh đạo Do Thái từ Abraham, Môsê, David, đến các tiên tri, không ai xưng mình là đường. Trong cuộc sống, nhiều người nói rằng tôi sẽ chỉ đường cho anh, hoặc tôi là người đầu tiên tìm ra đường này, hoặc tôi là người khai phá đường này, vv… Không ai nói rằng tôi là đường. Câu hỏi của thánh Tôma được thánh Gioan chép lại ở Ga 14,5 “thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” đã có câu trả lời hết sức cụ thể bởi Đức Giêsu, khi Người nói rằng Người chính là Đường. Đây thật là mạc khải vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. 

Ai trong chúng ta đọc bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử, thì biết rằng câu đầu tiên của Bộ Đạo Đức Kinh (viết khoảng năm 600 BC) là: “Đạo Khả Đạo Phi Thường Đạo.” Theo Lão Tử, Đạo hay Đường tối hậu thì không thể biết được, không thể định nghĩa được. Niềm tin Kitô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã mạc khải Đạo, mạc khải Đường cho nhân loại. Đức Giêsu chính là Đạo, là Đường. Đường ở đây không phải là thực tại hoàn toàn trừu tượng, thuần túy thuộc thế giới siêu nhiên. Đường ở đây chính là Thiên Chúa mang khuôn mặt nhân loại và cư ngụ giữa chúng ta, tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái nói rằng Đức Giêsu giống chúng ta mọi sự, chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15). Đường Đức Giêsu mở lối cho chúng ta tới Chân Lý vẹn toàn.

Có thể nói rằng khủng hoảng của nhân loại qua muôn thế hệ, đặc biệt trong thế giới hôm nay là khủng hoảng về chân lý (the crisis of truth). Ai cũng muốn biết chân lý, những người tội lỗi cũng muốn biết chân lý, chân lý của thế giới vật chất, chân lý của thế giới tinh thần, thế giới siêu nhiên. Tuy nhiên, mỗi người tiếp cận chân lý theo hướng khác nhau và có xu hướng loại trừ nhau. Thông thường ai cũng cho rằng mình đang theo chân lý, còn người khác thì không. Hậu quả là những xung khắc trong xã hội không bao giờ kết thúc. Người ta không tiếp cận được chân lý bởi vì người ta đã không dõi theo Đường của Chân Lý.

Trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan, Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của Phi-la-tô (Ga 18,38) ‘Chân Lý là gì?’. Theo thánh Gioan, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng Người là Chân Lý (Ga 8,32; Ga 14,6). Những ai cảm nghiệm Đức Giêsu sẽ cảm nghiệm Chân Lý. Chính cách thức Đức Giêsu tự giới thiệu mình cho phép người ta hiểu biết căn tính của Người. Đời sống và sứ mệnh của Người mạc khải Chân Lý tối hậu. Do đó, người ta không thể xem Đức Giêsu và các vị sáng lập các tôn giáo khác trên cùng bình diện. Mohamed, xưng mình là vị ngôn sứ của Chân Lý, Đức Phật xưng mình người tìm kiếm Chân Lý, giáo lý Ấn Giáo và Lão Giáo xem Chân Lý là thực tại hoàn toàn vượt trên mọi phương pháp tiếp cận duy lý của con người, trong khi Tin Mừng cho chúng ta biết rằng sự hiện diện của Đức Giêsu chính là sự hiện diện của Chân Lý.

Tin Mừng cho phép chúng ta hiểu rằng Chân Lý có thể tiếp cận được vì sự hiện diện lịch sử của Chân Lý, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu. Chân Lý chính là sự giao tiếp của Thiên Chúa qua Đức Giêsu và Chân Lý là con người Đức Giêsu. Văn Phòng Quan Tâm Thần Học của Hội Đồng Giám Mục Á Châu làm rõ điểm này rằng “chân lý thực sự không phải là một khái niệm phỏng chừng hay triết học, nhưng là một thực tại hiện sinh-nhân vị. Trong sự hiểu biết của Kitô giáo, chân lý không đơn thuần là một từ ngữ, nhưng là một sự kiện, một thực tại nhập thể trong một người, mà chúng ta gọi là Đức Giêsu. Tất nhiên, nếu chân lý là hiện sinh, chân lý cũng là bản thể học và khách quan.”[1] Trong ý nghĩa này, Chân Lý không đơn thuần là đối tượng bất động mà con người tìm kiếm, đúng hơn, Chân Lý là chủ thể thu hút tất cả mọi người. Chúng ta dám khẳng định rằng bao lâu con người chưa nhận ra Đức Giêsu, Đấng mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, bấy lấu con người còn hoài công, thất bại trong việc tìm kiếm và diễn tả Chân Lý.

Sự nhìn nhận Đức Giêsu là Chân Lý duy nhất và phổ quát không là mối đe dọa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác hay bất cứ ai, cũng không là sự xua đuổi các tia sáng Chân Lý, mà Thiên Chúa biểu lộ cho họ. Thay vào đó, sự nhìn nhận này là lời mời gọi tất cả mọi người cùng suy gẫm và hướng về Đức Giêsu, Đấng không bao giờ lên án bất kỳ sự diễn tả đích thực nào về Chân Lý qua niềm tin và đời sống của họ. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger [1993] (hiện là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI), nói rằng “Đức Giêsu thành Nazareth thực sự là ý nghĩa nhập thể của lịch sử, Ngôi Lời, sự tự biểu hiện của chính Chân Lý. Thật rõ ràng rằng Chân Lý này là nơi mà tất cả mọi người có thể được hoà giải, và không gì mất đi giá trị và phẩm giá riêng của mình.”[2] Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu Chân Lý duy nhất và phổ quát, không theo nghĩa áp đặt, nhưng theo nghĩa mời gọi, không theo nghĩa trói buộc, nhưng theo nghĩa hấp dẫn, không theo nghĩa lệnh truyền, nhưng theo nghĩa giới thiệu, bởi vì, Đức Giêsu, Chân Lý của Thiên Chúa, là Quà Tặng của Thiên Chúa cho loài người. Quà Tặng được trao ban cách tự do và đón nhận cách tự do.

Đức Giêsu, Chân Lý, có khả năng mang lại sự ổn định cho tất cả những gì đang bất cập, hòa giải và khôi phục những gì được coi là đã mất, không thể chữa lành và không thể hòa giải được. Chân Lý có khả năng tích hợp và đóng góp cho sự tự do của con người, sự đoàn kết, và nhân phẩm con người. Nói cách khác, Đức Giêsu là Chân Lý giải thoát tất cả những gì bị giam cầm và bị hư hỏng, bởi sự yếu đuối và hạn chế của con người. Đặc biệt, Chân Lý cứu độ con người khỏi phải diệt vong do ảnh hưởng của tội lỗi. Đức Giê-su nói với những người Do-thái xưa rằng nếu họ ở lại trong Người, họ sẽ biết Chân Lý, và Chân Lý sẽ giải thoát họ (Ga 8,32). Đức Giêsu không chỉ nói điều này với những người Do Thái xưa mà thôi, mà còn với tất cả những ai thành tâm theo Đường của Người qua muôn thế hệ.

Kinh nghiệm lịch sử nhân loại cho thấy rằng ‘đường nào thì đích đó’, ‘cây nào thì quả đó’. Chẳng hạn, trong thế giới thực vật, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, cây đã nghiêng bên nào thì ngã bên đó. Nhiều người cho rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta  vô cùng, nên chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn. Đúng là Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng Thiên Chúa công bằng vô cùng. Số phận chung cuộc của người lành, kẻ dữ là khác nhau. Nếu chúng ta chỉ nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng để rồi phạm hết lầm lỗi này đến lầm lỗi khác thì điều chắc chắn là chúng ta đã đi sai đường Thiên Chúa muốn. Chúng ta cần nhớ rằng tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa là tương quan tình yêu, do đó, chúng ta cần đáp trả bằng tình yêu, chứ không phải bằng lầm lỗi.

Trong xã hội hội hôm nay, nhiều người đang ngụp lặn trong đại dương của văn hóa vật chất, văn hóa hưởng thụ. Các giá trị tâm linh xem ra thuộc hàng thứ yếu. Câu ngạn ngữ mới trong xã hội hôm nay là ‘tiền vào, Chúa ra’. Sự gia tăng điều kiện vật chất trong thế giới toàn cầu hóa xem ra tỉ lệ thuận với chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối và tỉ lệ nghịch với đời sống luân lý. Hay nói cách khác, sự gia tăng điều kiện vật chất có xu hướng làm cho con người ngày càng dửng dưng với đời sống tinh thần, đời sống tôn giáo. Xã hội mà chúng ta đang sống cho phép chúng ta cảm nghiệm sâu sắc hiện tượng thực tế này.

Đức Giêsu là Đấng cứu độ con người cách toàn diện, xét trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Văn Phòng Quan Tâm Thần Học của Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC, 1995) nói rằng“Đức Giêsu đã phải đối mặt với sức mạnh tà thần của sự bất hòa và sự chia rẽ trong sứ mệnh của Người, để mang lại hòa bình và hòa hợp cho thế giới.”[3] Văn Phòng Quan Tâm Thần Học giải thích thêm rằng “Đức Giêsu phá vỡ các rào cản được dựng nên bởi tham lam, kiêu ngạo, phân biệt đối xử, chuẩn mực xã hội mất cân đối, và các méo mó tôn giáo nữa. Các người bị ruồng bỏ trở thành anh chị em. Các tội nhân đáng được cảm thương. Người đói, khát, các tù nhân, người trần truồng mang sự hiện diện của Thiên Chúa.”[4] Khi làm như vậy, Đức Giêsu cho thấy Người là ai và tại sao Người đối mặt với tất cả các hình thức bất công, bất hòa trong xã hội, qua cuộc sống và sứ mệnh của Người.[5]

Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu vừa là Vị Cứu Tinh tinh thần vừa là Đấng chữa lành cho mọi nạn nhân trong xã hội. Hội Nghị Khoáng Đại Lần Thứ Tư của Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC IV, 1986) cho rằng “Chúa Kitô tha thứ cũng là Chúa Kitô chữa lành, Đấng đã đến với người nghèo và người bị thiệt thòi, để mang lại cho họ quyền năng chữa lành của Thiên Chúa.”[6] Ơn cứu độ được thực hiện bởi Đức Giêsu tích hợp mọi khía cạnh của đời sống con người, bởi vì Đức Giêsu không chỉ là Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta, Đấng Mê-si-a, Ngôn Sứ, Vua các Vua, mà Đức Giêsu còn là Thiên Chúa-làm-người-nghèo, Đấng Ban Sự Sống, Đấng Chữa Lành, và Đầy Tớ Đau Khổ. Đức Giêsu cũng là Người Bạn, Đấng Giải Phóng Người Nghèo, Đấng xây dựng Nước Thiên Chúa, và Đấng Từ Bi. Nói tóm lại, suy tư về hình ảnh đa diện của Đức Giêsu khuyến khích mỗi người chúng ta đóng góp phần mình cho việc canh tân xã hội trong môi trường sống của mình.

Đường của Đức Giêsu khác với đường mà con người cư xử với nhau. Thông thường chúng ta nói ‘hoặc là anh về phe chúng tôi hoặc là kẻ thù của chúng tôi’. Chúng ta biết rằng, trong thực tế, có nhiều người không về phe chúng ta, nhưng cũng không chống lại chúng ta. Những người này không thể gọi là kẻ thù của chúng ta. Đường của chúng ta thường là đường đóng, đường loại trừ, đường nhuốm màu vị kỷ. Đường này khác với Đường Đức Giêsu được thể hiện trong Tin Mừng. Chẳng hạn, phản ứng trước lời của môn đệ Gioan về một người trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu mà không phải là môn đệ của Người, Đức Giêsu nói rằng “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40).

Câu trả lời của Đức Giêsu cho phép chúng ta hiểu rằng, những người đã không nghe nói về Đức Giêsu và Tin Mừng của Người do các rào cản tôn giáo-văn hóa, xã hội-chính trị và địa lý thì không có lỗi. Họ không tự đặt mình đối lập với ân sủng, mà Thiên Chúa thực hiện trong và qua Đức Giêsu. Họ không tự đặt mình trong tình trạng nghịch với nội dung niềm tin Kitô Giáo do Đức Giêsu mạc khải. Hàng triệu người trên thế giới chưa bao giờ nghe Danh Thánh Đức Giêsu. Tuy nhiên, cuộc sống của họ chứa đựng những yếu tố hướng tới giáo huấn và sứ mệnh của Người. Những trăn trở của họ về tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, giữa hòa hợp và bất hòa, giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa sự sống và sự chết, cũng là những trăn trở của các kitô hữu chúng ta. Đức Giêsu cho thấy Đường của Người là Đường mở, là Đường bao hàm, đường vị tha. Đường này là kiểu mẫu cho các suy tư và thực hành niềm tin Kitô giáo nhằm thiết lập các tương quan trong bản thân mỗi người, cũng như các tương quan với người khác, với thế giới thụ tạo, và đặc biệt với Thiên Chúa.

Tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều được mời gọi ‘Hãy Theo Thầy’, ‘Hãy Theo Đạo’, ‘Hãy Theo Đường’. Mỗi người chúng ta có những ơn gọi chung, chẳng hạn, (1) chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để hiện hữu trên dương gian; (2) Chúng ta được mời gọi sinh ra làm người Việt Nam; (3) Chúng ta được mời gọi để trở thành kitô hữu trong Giáo Hội Công Giáo; (4) chúng ta được mời gọi tham dự vào tác vụ tư tế, ngôn sứ, và phục vụ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, trong Giáo Hội Công Giáo có những ơn gọi đặc biệt khác, chẳng hạn ơn gọi độc thân dâng hiến trong bậc linh mục, tu sĩ, hay sống giữa đời, nhằm cộng tác đắc lực hơn trong công trình cứu độ của Thiên Chúa qua việc làm chứng cho Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, Tin Mừng của Đường, Tin Mừng của Chân Lý, và Tin Mừng của Sự Sống.

Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau đây để tìm hiểu ơn gọi độc thân dâng hiến. Chúng ta biết rằng những người sống đời độc thân dâng hiến là những người không phải cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu, cho Giáo Hội, cho nhân loại cái gì đó bên ngoài mình, nhưng là cho đi chính mình. Họ cho đi món quà quí nhất có thể, đó là toàn bộ sự hiện hữu của mình. Cho theo cách thức Đức Giêsu đã cho, được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Philipphê (Pl 2,6-8) rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”

“Stay Hungry. Stay Foolish” (hãy luôn đói khát. Hãy luôn dại khờ). ‘Hãy luôn đói khát Chúa. Hãy luôn dại khờ vì Chúa’ đó là khuôn mẫu cho cuộc sống người kitô hữu, đặc biệt cho cuộc sống của những người độc thân dâng hiến. Một trong Tám Mối Phúc mà Đức Giêsu nói và được thánh Mát-thêu ghi lại là: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” Thánh Phaolô cũng diễn tả về ‘sự dại khờ của thập giá Đức Giêsu’ trong Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrintô (1 Cr 1,22-25) rằng “trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” Theo thánh Phaolô, vinh quang Thiên Chúa được diễn tả qua khuôn mặt của Người Tôi Tớ Đau khổ, khuôn mặt bầm tím của Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn và trên thập giá: Khuôn mặt của Đấng tự hủy mình vì lợi ích của con người, đặc biệt là người nghèo, người bị tước đoạt, người bị bỏ rơi, người bị thiệt thòi, người bị áp bức, người bị bệnh tật và vô số nạn nhân khác trong xã hội loài người.

Blaise Pascal (1623 – 1662), Nhà triết học, nhà toán học, nhà vật lý, nhà văn nói rằng “về niềm tin, thế giới đủ ánh sáng cho những ai muốn tin và cũng đủ bóng tối cho những ai không muốn tin”. Chúng ta tin tưởng rằng Đức Giêsu là Đường của Thiên Chúa, là Đường của con người, là Đường của Thiên Chúa đến với con người, là Đường của con người về với Thiên Chúa. Chúng ta cũng tin tưởng rằng Đường Đức Giêsu chính là kim chỉ nam cho gia đình nhân loại, là ngữ pháp cho tất cả các nền văn hóa, là ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy theo Đường Đức Giêsu trong ơn gọi cụ thể của mình. Những ai đang quan tâm tìm hiểu ơn gọi độc thân dâng hiến cần dấn thân, cần mạo hiểm, cần khao khát, ‘cần dại khờ’ hơn, để tâm hồn mình luôn có chỗ cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhờ đó, mình có thể cộng tác với Giáo Hội cách đắc lực hơn (1) để công bố Nước Thiên Chúa, (2) để làm cho các giá trị của Nước Thiên Chúa hiện diện trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người, và (3) để góp phần kiến tạo sự thành toàn của muôn loài muôn vật trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Xin Chúa ban cho các bạn ân sủng, bình an, và sức khỏe dồi dào, đồng thời, giúp các bạn sớm nhận ra ơn gọi của mình trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Giêsu Kitô, mà mỗi chúng ta là chi thể của Thân Thể này.

Xin cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

 Lm. Pet. Nguyễn Văn Viên
-------------------------------------------------

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn