1
20:38 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 390

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 389


Hôm nayHôm nay : 77331

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 467418

Tổng cộngTổng cộng : 28021702

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012

Thứ tư - 18/01/2012 08:14-Đã xem: 1358
Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012

Như mọi năm, Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu đều phổ biến một Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất (từ ngày 18 đến 25 tháng 01). Chủ đề năm nay của Tuần cầu nguyện là “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15, 51-58). Tài liệu được dùng cho Tuần lễ cầu nguyện và cho cả năm 2012.

 

Tập tài liệu được đề nghị cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2012 này do một nhóm các vị đại diện của Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hội Chính thống, các cộng đoàn Giáo hội Công giáo cổ và Tin lành ở Ba Lan thực hiện.

Tài liệu do Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Hải Phòng dịch từ bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2012”.

***

HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

 

TÀI LIỆU DÙNG TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN

CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ TRONG CẢ NĂM 2012

Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi

nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta

(1 Cr 15, 51-58)

Do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

và Ủy Ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội

đồng soạn thảo và phát hành

KÍNH GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI TỔ CHỨC

TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

Tìm kiếm sự hiệp nhất trong suốt cả năm

Các Giáo hội ở phía Bắc bán cầu thường tổ chức Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Thời điểm này do Paul Wattson đề nghị vào năm 1908 vì cho rằng đây là thời điểm bao trùm giữa lễ thánh Phêrô và lễ thánh Phaolô. Do đó, sự lựa chọn này mang tính tượng trưng. Còn các Giáo hội ở phía Nam bán cầu, vì tháng Giêng là thời gian nghỉ hè nên họ lại thích chọn một thời điểm khác, chẳng hạn vào khoảng lễ Hiện xuống (do phong trào Đức tin và Hiến pháp gợi ý vào năm 1926). Đây cũng là một thời điểm tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.

Chúng tôi cũng muốn duy trì tinh thần uyển chuyển này để khích lệ và mời gọi các bạn tìm hiểu tài liệu này vào các thời điểm khác nhau trong suốt cả năm, qua đó chúng ta tỏ lộ tầm mức hiệp thông mà các cộng đoàn Giáo hội đã đạt tới và cùng nhau cầu nguyện cho tới khi đạt tới sự hiệp nhất hoàn toàn như Chúa Kitô mong ước.

Thích nghi tài liệu

Đây là tài liệu được đề nghị, do vậy khi sử dụng, nếu có thể, chúng ta cố gắng thích nghi nó với thực tế ở mỗi nơi và mỗi quốc gia khác nhau. Chúng ta nên để ý đến những thực hành phụng vụ và đạo đức cũng như bối cảnh văn hóa xã hội ở mỗi địa phương. Sự thích nghi như thế thông thường là kết quả của một sự hợp tác đại kết. Trong một số quốc gia, cơ cấu đại kết đã hình thành và nó cho phép họ có thể thực hiện việc hợp tác này. Chúng tôi hy vọng việc thích nghi Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất với thực tế của các địa phương có thể tạo ra những cơ chế hợp tác đại kết ở những địa phương vẫn chưa có được.

Cách thức sử dụng tài liệu dùng cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất

– Đối với các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất trong một nghi lễ duy nhất, thì được đề nghị dùng mẫu Cử hành đại kết phần Lời Chúa trong tài liệu này.

– Các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cũng có thể sử dụng các bản văn được đề nghị dùng trong phần Tám Ngày và chọn phần lời nguyện ở phần phụ thêm ở cuối tập sách này làm tài liệu để cử hành cầu nguyện hay để cử hành đại kết theo Lời Chúa.

– Các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất các ngày trong tuần có thể lấy bản văn Tám Ngày làm gợi ý cho việc cử hành.

– Với những anh chị em muốn tìm hiểu Kinh thánh về chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất này, anh chị em cũng có thể dựa vào các bài suy niệm Kinh thánh trong phần Tám Ngày. Các bài suy niệm mỗi ngày có thể kết thúc bằng một lời nguyện.

– Với những anh chị em muốn cầu nguyện cá nhân, anh chị em cũng có thể dùng tài liệu này để làm tài liệu cầu nguyện cho mình và anh chị em cũng được mời gọi hiệp thông với tất cả mọi người trên thế giới đang cầu nguyện cho Giáo hội Chúa Kitô có được sự hiệp nhất hữu hình rộng lớn hơn.

BẢN VĂN KINH THÁNH

1 Cr 15,51-58

Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.

Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.

Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.

DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2012

 Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (1 Cr 15, 51-58)

Tập tài liệu được đề nghị cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2012 này do một nhóm các vị đại diện của Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hội Chính thống, các cộng đoàn Giáo hội Công giáo cổ và Tin lành ở Ba Lan thực hiện.

Sau những lần trao đổi dài với nhau, các vị đại diện của nhiều nhóm đại kết khác nhau ở Ba Lan đã đi đến quyết định tập trung vào chủ đề có liên sức mạnh biến đổi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, một chủ đề rất có liên hệ với những lời chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, là Thân mình Chúa Kitô. Chủ đề này đặt nền tảng trên giáo huấn của thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn Côrintô nói về tính hữu hạn trong cuộc đời hiện tại của con người (với những ảo vọng của “chiến thắng” và “thất bại”) so với hồng ân mà Chúa Kitô tặng ban nhờ chiến thắng trong mầu nhiệm Vượt qua của Người.

Lý do chọn chủ đề theo thể loại này?

Lịch sử đất nước Ba Lan được ghi dấu bằng một chuỗi dài những thất bại và chiến thắng. Đất nước này đã phải gánh chịu vô số những cuộc xâm lăng, chia cắt và đàn áp do các thế lực ngoại bang và các hệ thống thù địch trong nước gây ra. Nhưng lịch sử Ba Lan cũng được ghi dấu bởi cuộc chiến đấu trường kỳ nhằm chiến thắng tất cả các cuộc xâm lăng và khao khát tự do. Chính cuộc chiến đấu trường kỳ và lòng khao khát tự do này đã giúp cho đời sống quốc gia có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cuộc chiến thắng nào cũng giả thiết có những người thất bại. Những người thất bại này không thể chia sẻ niềm vui và chiến thắng với những người chiến thắng.

Chính lịch sử riêng của đất nước Ba Lan này đã giúp các nhóm đại kết soạn thảo tài liệu cầu nguyện đại kết năm nay suy tư sâu xa hơn về ý nghĩa đích thực của “thắng” và “bại” nhất là ý thức hơn về từ “chiến thắng” mà người ta vẫn thường hiểu là sự thành công vinh thắng. Nhưng Chúa Kitô lại giới thiệu cho chúng ta cái nhìn hoàn toàn khác!

Năm 2012, giải vô địch bóng đá châu Âu sẽ được tổ chức tại Ba Lan và Ucraina- trước đây điều này khó có khả năng xảy ra. Đối với nhiều người, đây là dấu hiệu cho thấy Ba Lan sẽ “chiến thắng” bởi vì họ có hàng trăm triệu cổ động viên đang nóng lòng chờ đợi để được xem các đội chiến thắng sẽ tranh tài với nhau trong đất nước mình. Ví dụ này có thể giúp chúng ta suy nghĩ về cái khó khăn của những người không chiến thắng và không chỉ trong lãnh vực thể thao mà còn trong đời sống cá nhân và cộng đoàn: ai còn nhớ đến những người thua trận, ai còn nhớ đến người thường xuyên thất bại, những người mà vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ biết đến chiến thắng? Cạnh tranh không chỉ là đặc tính thường xuyên trong lãnh vực thể thao mà còn trong cả lãnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa và cả trong Giáo hội.

Sự việc các môn đệ Đức Giêsu tranh cãi với nhau xem “ai là người lớn nhất” (Mc 9,34) đã cho thấy sự cám dỗ ghê gớm của động lực này. Nhưng phản ứng của Đức Giêsu lại rất đơn sơ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”(Mc 9,35). Chiến thắng mà Đức Giêsu đề cập đến ở đây, được thể hiện qua sự phục vụ, tương trợ, nâng đỡ nhau để những người “rốt hết”, những người bị lãng quên, những người bị loại trừ được tôn trọng đúng với nhân vị của họ. Đối với mỗi người Kitô hữu, Chúa Giêsu đã thể hiện tinh thần phục vụ khiêm nhường cách hoàn hảo nhất khi Ngài chiến thắng sự chết và đã sống lại. Chính qua cuộc đời, qua các hoạt động, qua những lời giáo huấn, qua sự đau khổ, qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà ngày nay, chúng ta biết phải sống tinh thần chiến thắng như thế nào, một tinh thần được thể hiện qua việc sống dấn thân vào xã hội bằng tinh thần khiêm hạ, phục vụ và trung tín với Tin mừng. Và khi Đức Giêsu đã biết Ngài sắp phải chịu đau khổ và chịu chết, Ngài đã cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một để thế gian tin vào Ngài. Cuộc “chiến thắng” này chỉ là một trở lại nhờ một sự biến đổi thiêng liêng. Như vậy, dường như những suy niệm của chúng ta đang đề cập đến lời giáo huấn của vị Tông đồ Dân ngoại. Mục đích là làm sao đạt được chiến thắng, một chiến thắng mà tất cả các Kitô hữu đều được tham dự qua việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Chính nhờ lời chúng ta cầu nguyện và nhờ những cố gắng chúng ta làm hầu đạt tới sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội mà chính chúng ta -và các truyền thống của chúng ta- được biến đổi và được trở nên giống Chúa Kitô. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin có lẽ đòi hỏi chúng ta phải đổi mới một số cách sống trong Giáo hội mà chúng ta đã quá quen thuộc. Đó là lòng nhiệt thành; nhưng chính lòng nhiệt thành cũng có thể làm cho chúng ta khủng khiếp! Chúng ta không cầu xin một sự hiệp nhất chỉ mang tính tình cảm bạn bè và một hợp tác “cùng có lợi”. Nhưng chúng ta cầu xin một sự hiệp nhất trong đó nó đòi hỏi chúng ta phải tự nguyện từ bỏ mọi canh tranh với nhau. Chúng ta phải cởi mở với nhau, trao tặng cho nhau và đón nhận quà tặng mà chúng ta trao cho nhau để có thể thực sự đi vào đời sống mới mà Đức Giêsu, đấng là chiến thắng duy nhất đích thực mong ước.

Mỗi người đều có chỗ đứng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua cái chết và sự sống lại của mình, Đức Giêsu đã ôm ấp tất cả mọi người, không còn chuyện thắng hay thua, “để bất cứ ai tin vào Ngài đều được sự sống đời đời”(Ga 3,15). Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được tham dự vào chiến thắng của Ngài! Đơn giản, chúng ta hãy tin vào Ngài và chúng ta sẽ dễ dàng chiến thắng sự dữ bằng sự lành.

Tám ngày suy niệm về sự biến đổi của chúng ta trong Chúa Kitô

Trong suốt Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất của năm 2012 này, chúng ta được mời gọi luôn luôn tin tưởng sâu sắc hơn rằng chính chúng ta cũng sẽ được biến đổi nhờ chiến thắng của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Toàn bộ các bài đọc Kinh thánh, các bài suy niệm, các lời nguyện và các câu hỏi gợi ý suy tư, đều đào sâu các khía cạnh khác nhau cần thiết cho đời sống người Kitô hữu và cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trong và cho thế giới ngày nay. Chúng ta bắt đầu bằng việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô phục vụ và con đường chúng ta đi sẽ dẫn chúng ta đến cuộc cử hành cuối cùng là cuộc cử hành triều đại Chúa Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Ngày thứ nhất

Được biến đổi nhờ Chúa Kitô, Người tôi tớ phục vụ

Con Người đến để phục vụ (x. Mc 10,45)

Hôm nay chúng ta được gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đi đến chiến thắng bằng con đường phục vụ. Chúng ta sẽ thấy Ngài chính là: “Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Cũng vậy, Giáo hội Chúa Kitô là một cộng đoàn phục vụ. Khi chúng ta dùng những khả năng khác nhau của mỗi người để phục vụ lợi ích chung của nhân loại lúc đó chúng ta làm cho sự hiệp nhất của chúng ta vào Chúa Kitô thực sự trở nên hữu hình.

Ngày thứ hai

Được biến đổi nhờ kiên nhẫn chờ đợi Chúa

Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính (Mt 3,15)

Hôm nay chúng ta chú tâm đến việc kiên nhẫn chờ đợi Chúa. Bất kỳ việc thay đổi nào, nếu muốn thành công, chúng ta đều phải kiên nhẫn chờ đợi. Việc cầu xin Chúa biến đổi, dù là xin biến đổi về điều gì, cũng đều là hành vi của đức tin và phó thác vào lời Chúa hứa. Tin tưởng và chờ đợi lời Chúa hứa là nền tảng để tất cả những người cầu xin cho sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội trong Tuần này. Mọi hoạt động đại kết đòi hỏi phải có thời gian, đòi hỏi các bên quan tâm đến nhau và phải hành động chung với nhau. Tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết các tín hữu.

Ngày thứ ba

Được biến đổi nhờ Người Tôi Trung chịu khổ đau

Đức Kitô đã chịu đau khổ vì chúng ta (1 P 2,21)

Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về sự đau khổ của Chúa Kitô. Là những người tiến bước theo Chúa Kitô Người Tôi Trung chịu đau khổ, các tín hữu được mời gọi liên đới với những anh chị em chịu khổ đau. Càng tiến lại gần thập giá Đức Kitô, chúng ta càng đến gần nhau hơn.

Ngày thứ tư

Được biến đổi nhờ Chúa Kitô chiến thắng sự ác

Hãy lấy thiện mà thắng ác (Rm 12,21)

Ngày hôm nay chúng ta được dẫn đi xa hơn trong cuộc chiến chống lại sự ác. Chiến thắng của Chúa Kitô vượt trên tất cả những gì đã làm tổn thương công trình tạo dựng của Thiên Chúa và vượt lên tất cả những gì làm cho con người chia rẽ nhau. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống mới của Ngài, cùng với Ngài chống lại sự ác trong thế giới chúng ta và đặt niềm tin tưởng mới và niềm vui sâu xa vào những điều tốt đẹp. Bao lâu chúng ta vẫn còn chia rẽ thì bấy lâu chúng ta không đủ sức mạnh để chiến thắng sự dữ trong thời đại chúng ta.

Ngày thứ năm

Được biến đổi nhờ ơn bình an của Chúa Phục sinh

Đức Giêsu đứng giữa các môn đệ và nói: Bình an cho anh em! (Ga 20,19)

Hôm nay chúng ta suy niệm về ơn bình an của Chúa Phục sinh tặng ban. Đấng Phục sinh là Đấng chiến thắng sự chết và thế giới bóng tối. Trong lúc các môn đệ đang lo âu sợ hãi, Ngài đã quy tụ họ lại. Và Ngài mở ra cho họ những viễn tượng mới về sự sống và hoạt động cho Vương quốc của Ngài đang đến. Chúa Phục sinh đã liên kết và tăng sức mạnh cho các tín hữu. Bình an và hiệp nhất là dấu hiệu chúng ta được biến đổi nhờ sự phục sinh của Chúa Kitô.

Ngày thứ sáu

   Được biến đổi nhờ tình yêu không lay chuyển của Thiên Chúa

Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta (1 Ga 5,4)

Hôm nay, chúng ta dành thời gian chú tâm vào tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho con người. Mầu nhiệm vượt qua tỏ lộ cho chúng ta thấy tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tiến bước trên con đường mới của đức tin. Đức tin này giúp chúng ta chiến thắng sự sợ hãi và giúp chúng ta mở trái tim mình ra cho sức mạnh Thánh Thần hoạt động. Nó cũng mời gọi chúng ta sống tình thân với Chúa Giêsu và dĩ nhiên với những người anh chị em mình.

Ngày thứ bảy

Được biến đổi nhờ Người Mục Tử Tốt Lành

Hãy chăm sóc chiên của Thầy (Ga 21,17)

Các bản văn Kinh thánh hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu tăng cường sức mạnh cho đàn chiên. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi giúp nhau nên vững mạnh trong tình yêu Chúa, nâng đỡ và khích lệ những người yếu đuối và lầm lạc. Chỉ có một Vị Mục Tử còn chúng ta là đoàn chiên của Ngài.

Ngày thứ tám

Quy tụ trong Vương quốc Đức Kitô

    Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta (Kh 3,21)

Trong ngày cuối cùng của Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này, chúng ta cử hành Triều đại Chúa Kitô. Chiến thắng của Chúa Kitô làm cho chúng ta hướng về tương lai với niềm hy vọng. Cuộc chiến thắng này loại bỏ những gì ngăn cản chúng ta chia sẻ sự viên mãn của cuộc đời mình với Đức Giêsu và với tha nhân. Những người Kitô hữu chúng ta biết rằng hiệp nhất trước hết là hồng ân của Chúa. Hiệp nhất có được nhờ chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô trên tất cả những gì là chia rẽ.

 Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

(Nguồn: WHĐ)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn