1
15:05 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 59

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 57


Hôm nayHôm nay : 9270

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 282261

Tổng cộngTổng cộng : 27453766

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Lời nguyện giới trẻ và thiếu nhi Chúa nhật Phục sinh. Năm A

Thứ tư - 16/04/2014 22:09-Đã xem: 2099
Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong các tôi tớ Chúa: Xin ban cho họ Thần Trí Khôn Ngoan và Thông Hiểu, Thần Trí Lo Liệu và Sức Mạnh, Thần Trí Suy Biết và Đạo Đức; Xin ban cho họ ơn Kính Sợ Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện giới trẻ và thiếu nhi Chúa nhật Phục sinh. Năm A

Lời nguyện giới trẻ và thiếu nhi Chúa nhật Phục sinh. Năm A

CHÚA NHẬT PHỤC SINH - LỄ THIẾU NHI
Dẫn nhập đầu lễ 
“Viếng mộ Chúa Gioan chạy trước
Nhưng Phêrô dấn bước vào đầu
 Đời ta kẻ trước người sau
 Chạy đua tới đích mai sau đời mình
 Sống lành sẽ được phục sinh.”
 
Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, Chúa Nhật I Phục Sinh, ngày thứ nhất trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Đức Kitô đã sống lại thật.
Tin Mừng Thánh Gioan tả lại cảnh Maria Mađalêna đi ra mồ Chúa khi trời vừa sáng, và bà hốt hoảng trở về báo tin cho Phêrô và Gioan rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 1-2). Khi Phêrô và Gioan đến mồ, vào trong, nhìn kỹ nơi an táng Chúa, các ông thấy dây băng vải để ra một nơi, còn khăn che đầu Chúa cuốn lại để riêng một chỗ. Nhìn thấy vậy, Gioan đã tin Đức Giêsu sống lại.
Chúa Giêsu đã sống lại thật, điều đó chứng tỏ sự chết không còn thống trị được Người nữa, và cùng với Người, chúng ta cũng sẽ được phục sinh.
Dâng thánh lễ hôm nay, mời các bạn thiếu nhi hãy hát vang bài ca “Alleluia,” ca ngợi Đức Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta bằng chính máu của Người, và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha. Xin mời cộng đoàn đứng!
 
Bài Đọc I:  Cv 10, 34a. 37-43  
Bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô đã minh chứng cho người Do Thái rằng: Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Ai tin vào Người và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.
 
Bài đọc II: Cl 3, 1-4
Trích thư gửi tín hữu Côlôxê chứng minh rằng: Chúa Giêsu đã sống lại, chúng ta cũng sẽ sống lại với Người trong đời sống mới và cùng Người hưởng hạnh phúc vinh quang.
(Xin mời cộng đoàn ngồi)
 
Ca Tiếp Liên
Đây là bài ca ca ngợi Con Chiên Vượt Qua. Đức Kitô đã giao hòa chúng ta với Chúa Cha. Bài ca này cũng làm nổi bật hình ảnh Maria Mađalêna, người nữ đầu tiên loan báo Tin Mừng phục sinh.
 
Lời nguyện cộng đoàn của thiếu nhi
 
 LM: Chúng con thiếu nhi thân mến, Chúa Giêsu đã sống lại thật như lời Kinh Thánh đã loan báo. Cùng hòa chung niềm vui với Giáo Hội, chúng ta hãy sốt sắng dâng lời nguyện xin. 
 
1. Tin Mừng Phục Sinh là tin vui cho toàn thể nhân loại. Xin cho Đức Thánh Cha và mọi thành phần trong Giáo Hội, nhận được niềm vui Chúa Phục Sinh, và đem niềm vui ấy đến với mọi người. Chúng con cầu xin Chúa.

2. Ngày nay, nhiều người trên thế giới còn nghi ngờ về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Xin cho họ sớm nhận ra ánh sáng phục sinh soi chiếu qua các Kitô hữu trong Giáo Hội. Chúng con cầu xin Chúa.

3. Những người đầu tiên khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh đã trở thành những chứng nhân rao giảng Tin Mừng hăng say. Xin cho các thầy cô giáo lý viên, luôn là những chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh. Chúng con cầu xin Chúa

4. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Xin gia tăng niềm tin phục sinh và biến đổi chúng con trở thành những chiến sĩ tí hon của Chúa. Trong thinh lặng, chúng con xin dâng lên Chúa những lời nguyện riêng cho đất nước, giáo phận, họ đạo, gia đình, người thân, các linh hồn và mỗi người chúng con (thinh lặng…). Chúng con cầu xin Chúa.
 
LM: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xưa Chúa hiện ra và ở cùng các môn đệ. Xin soi lòng mở trí mỗi người chúng con, để chúng con tin và nhận ra Chúa Phục Sinh trong sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin nhờ đức Kitô Chúa chúng con.
 

 
Lời nguyện cho mọi người

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô sống lại và bừng sáng trên thế giới như mặt trời chính ngọ. Ước gì ánh sáng phục sinh của Ngài luôn hướng dẫn đời sống đức tin của người kitô hữu. Trong niềm hân hoan mừng Con Chúa đã sống lại khải hoàn, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Từ hai mươi thế kỷ nay / Hội Thánh không ngừng công bố một Tin Mừng duy nhất cho muôn dân / đó là Tin Mừng Con Chúa đã phục sinh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lời rao giảng của Hội Thánh / được nhiều người thành tâm đón nhận.

2. Chỉ một mình Ðức Kitô phục sinh có quyền năng đổi mới / và hòa giải mọi tâm hồn / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương xót nhân loại đang đau khổ vì hận thù chia rẽ / và canh tân lòng trí con người hôm nay.

3. Nhờ Ðức Kitô phục sinh / Chúa mở lối cho nhân loại vào cõi sống muôn đời / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / chỉ vẽ cho các kitô hữu biết cách xây dựng quê hương trần thế / làm sao cho những cố gắng đó / cũng giúp họ đạt tới quê trời vĩnh phúc.

4. Chính Ðức Kitô phục sinh đã tập họp chúng ta trong thánh lễ này / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / lấy lời chân lý mà cải hóa / và giúp cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống một đời thánh thiện / để mọi việc chúng ta làm đều đẹp lòng Chúa.

CT : Lạy Chúa, Ðức Giêsu Kitô Con Chúa đã trải qua bao đau thương và chịu khổ hình Thập giá rồi mới bước vào vinh quang thiên quốc. Xin cho tất cả chúng con được chia sẻ đau thương, được chết với Người, để cùng được phục sinh vinh hiển với Người là Ðấng hằng sống và hiển trị...


 
CHẦU THỨ NĂM TUẦN THÁNH
“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)
 
I. KHAI MẠC
 
1. Hát kính Thánh Thể.
 
2. Lời nguyện mở đầu của chủ sự hay người hướng dẫn:
 
“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)
 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa mà chúng con vừa nghe, đưa chúng con vào Mầu nhiệm Hiến tế của Chúa, Mầu nhiệm mà Hội Thánh cử hành trong những ngày thánh này. Chúa muốn trao gửi cho các tông đồ và chúng con chính bản thân của Chúa. Chúa muốn chia sẻ sự sống của Chúa cho chúng con và mời gọi chúng con biết chia sẻ chính mình mỗi khi cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể.
 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.
 
Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho tất cả các thành phần dân Chúa, đặc biệt cho hàng linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể và của Lời Chúa, để trong năm nay, năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề về Giáo Dục Gia đình, chúng con biết chiêm ngắm Chúa chính là vị Thầy đích thực dạy chúng con về sự chia sẻ, sống quảng đại, hy sinh quên mình để mưu ích cho tha nhân.
 
Xin “mở mắt đức tin” cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh và giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy lên như cảm nghiệm bừng cháy của hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,32). Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa đào tạo và huấn luyện chúng con thành những tín hữu biết sống tình tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau và nhiệt tâm cầu nguyện. Amen.
 
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA, SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
 
3. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:
 
Trong bầu khí thánh thiện của đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta ở lại bên Chúa như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Chúa, lắng nghe và đáp trả tình yêu Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện, tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng, chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta khuôn mặt và giáo huấn của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.
 
4. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”
 
5. Bài đọc I: 1Cr 11,23-27
 
“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”
 
6. Suy niệm và cầu nguyện (1):
 
Nam: Suy niệm
 
Các kitô hữu thời kỳ đầu cử hành Thánh Thể trong một bữa ăn chiều, tại các tư gia. Họ chia sẻ của ăn của uống cho nhau, rồi sau đó lập lại nghi thức Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly để tưởng nhớ đến Ngài. Tiệc huynh đệ agapé đi trước, sau đó mới cử hành Thánh Thể.
 
Việc này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Những người khá giả hơn thì đến sớm, chọn chỗ tốt hơn và chỉ biết ăn uống; và như thế là không còn bầu khí chia sẻ huynh đệ, một điều cần thiết cho cử hành Thánh Thể.
 
Thánh Phaolô nhắc lại cho các tin hữu Côrintô tầm quan trọng của việc cử hành bữa tôi của Chúa. Và đây là dịp để ngài xen vào trong lá thư của ngài trình thuật về việc lập Bí tích Thánh Thể, trình thuật mà ngài đã nhận được từ truyền thống, vì chính ngài đã không có mặt lúc đó.
 
Trong trình thuật này, trình thuật mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nhắc lại cho các tín hữu Côrintô về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể như báo trước cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài.
 
Điều mà thánh Phaolô nhấn mạnh ở đây là Tiệc Thánh Thể liên kết với cái chết của Chúa Giêsu, cái chết đem lại ơn cứu độ. Trong đêm bị nộp, trước hết Chúa Giêsu đã thực hiện hành vi bẻ bánh. Tất cả các bản văn tường thuật việc thiết lập Thánh Thể đều nhấn mạnh đến hành vi này, đến nỗi sau này, người ta đã gọi Tiệc Thánh là “Lễ bẻ bánh”. Tại sao Chúa Giêsu lại bẻ bánh? Có phải chỉ để trao cho mỗi môn đệ một phần chăng? Không phải thế! Hành vi này không những biểu thị một sự chia sẻ mà còn biểu thị ý nghĩa sát tế nữa. Bánh là chính Thân Mình Chúa Giêsu. Qua việc “bẻ bánh”, Chúa Giêsu đã bẻ chính Mình Ngài, theo ý nghĩa lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo về người tôi tớ Thiên Chúa: Người phải tan nát vì tội lỗi chúng ta (x. Is 53,5).
 
Thánh Phaolô hiểu cái chết của Chúa là một hiến tế vì nhân loại và sự hiến tế này có giá trị cứu chuộc. Thịt máu biểu thị toàn thể con người. Chén nhắc nhở giao ước mới mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Này sẽ đến ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới… Đây là giao ước Ta sẽ lập với Israel – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi khắc vào dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta… Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,31.33).
 
Đối với người kitô hữu, giao ước mới này đã được đóng ấn bằng máu Chúa Giêsu đổ ra. Nó bao hàm sự tôn trọng những đòi hỏi của Tin mừng, bắt đầu bằng đòi hỏi của tình yêu huynh đệ. Vì vậy, chúng ta không thể đến với Thánh Thể mà trong lòng còn chất chứa hận thù, ngay cả chuyện thờ ơ với những người xấu số cũng không được.
 
Quên lãng người nghèo khó khổ đau trong cử hành Thánh Thể là quên lãng Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và đau khổ. Và như thế là hoàn toàn không xứng hợp. Chính điều này đã khiến cho thánh Phaolô phải viết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”.
 
Cử hành Thánh Thể để “chia sẻ Thánh Thể”. Cách nói này nhắc nhở một trật những điều này: Chúa Giêsu đã chia sẻ sự sống của mình với con người, cho tới chỗ chấp nhận một cái chết bất công; bánh thánh được chia sẻ giữa các tín hữu trong cử hành; bất cứ đời sống nào được Tin mừng nuôi dưỡng đều là một đời sống chia sẻ. Đây là một trong những lý do khiến cho Thánh Thể còn được gọi là “trọng tâm và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội”, vì chia sẻ là một trong những thái độ Tin mừng cơ bản nhất. Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II viết: “Hồng ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận khi rước lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ gắn liền với việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể, đến một mức độ vượt trên mức độ của một kinh nghiệm thuần túy đồng bàn của con người” (số 24).
 
Nữ: Cầu nguyện
 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao ban cho Hội Thánh một hồng ân vô giá là Bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa trao ban Thân Mình cho chúng con. Chúng con nhớ rằng thân thể Chúa là thân thể của Đấng đã bị đóng đinh, mà cũng là Thân Thể Giáo Hội có sứ mệnh hiến ban mình cho thế gian được sống. Hai thân thể đó qui hướng về nhau. Chúa mời gọi chúng con coi Thánh Thể là trọng tâm của đời sống, liên kết chúng con với tặng phẩm là cả con người của Chúa.
 
Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.
 
X/ Xin đừng để cho những cử hành phụng vụ của chúng con trở thành tầm thường, nhạt nhẽo vô hồn.
 
Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.
 
X/ Xin cho chúng con biết quý trọng ân sủng Chúa ban là được cử hành Thánh Thể. Xin cho chúng con biết tham dự hết mình, biết lắng nghe lời Chúa, biết chia sẻ tấm bánh được trao ban.
 
Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.
 
X/ Xin giúp chúng con khi tham dự Thánh Thể biết chia sẻ với mọi người, không quên lãng một ai. Xin cho chúng con được thấm nhuần hành động hiến tế của Chúa ngõ hầu thế gian được sống.
 
Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.
 
Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng đễ chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)
 
7. Chúc tụng và tung hô:
 
Người hướng dẫn: Giờ đây, chúng ta cùng chúc tụng tung hô Chúa:
 
X/ Chúc tụng Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại.
 
Đ/ Đó là niềm hy vọng cho chúng con
 
X/ Chúc tụng Chúa đã hiến tế Thân Mình vì chúng con để chúng con được sống
 
Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của chúng con
 
X/ Chúc tụng Chúa đã ban Lời hằng sống cho chúng con
 
Đ/ Đó là nguồn ánh sáng của chúng con
 
X/ Chúc tụng Chúa đã thanh tẩy chúng con bằng thập giá của Chúa
 
Đ/ Đó là nguồn ơn cứu độ chúng con
 
X/ Chúc tụng Chúa là sự sống và là sự sống lại của chúng con
 
Đ/ Đó là nguồn vui và hạnh phúc của chúng con
 
8. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.
 
9. Bài đọc 2: Ga 15,1-13
 
"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
 
Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
 
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
 
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
 
10. Suy niệm và cầu nguyện (2):
 
Nam: Suy niệm
 
Cây nho là hình ảnh truyền thống của Thánh Kinh. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho, cành nho và người trồng nho để nói đến một tương quan liên vị: Ngài là cây nho đích thật, các môn đệ của Ngài là những cành nho và Chúa Cha là người trồng nho.
 
Người trồng nho có nỗi nhọc nhằn và có cả niềm vui. Niềm vui của người trồng nho là thấy được những nhánh nho sai trái và ngọt ngào. Nỗi nhọc nhằn của người trồng nho là chăm sóc, cắt tỉa các nhánh nho.
 
Nhánh nho có quả ngọt và sai trái cũng như có thể có nguy cơ bị héo khô, cằn cỗi. Những nhánh nho có quả ngọt và sai trái là những nhánh nhận được nhựa sống từ thân nho.
 
Từ hình ảnh này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy gắn bó mật thiết với Ngài, hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Tình thương của Chúa ví như nhựa sống của thân nho. Ở lại trong Chúa Giêsu làm cho đời người môn đệ sinh hoa kết trái. Ở lại trong Chúa Giêsu làm vui lòng Chúa Cha.
 
Với lời mời gọi hãy ở lại trong tình thương của Chúa, ta gặp thấy một khao khát của Chúa. Chúa Giêsu khao khát chúng ta khao khát Ngài. Chúa chờ đợi chúng ta yêu mến Ngài. Chúa muốn chúng ta làm bạn với Ngài.
 
Một khi chúng ta trở nên bạn hữu của Chúa thì đó là lúc Chúa trao ban cho chúng ta giới răn yêu thương. Tình thương và sự chia sẻ trong cuộc đời người môn đệ là hoa trái nhận được từ tình bạn với Chúa.
 
Nữ: cầu nguyện
 
Giờ đây, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình:
 
X/ Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho– để sinh hoa kết trái là các việc lành phúc đức.
 
Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con.
 
X/ Chúa đã hằng thảo kính cha mẹ và được cha mẹ mến yêu - Xin cho các gia đình chúng con được êm ấm thuận hòa, thấm nhuần tình tương thân tương ái
 
X/ Từ nguyên thủy, Chúa dựng nên loài người có nam có nữ - xin cho những ai sống trong bậc vợ chồng được trọn đời chung thủy với nhau.
 
X/ Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống cho muôn người - xin dạy chúng con biết quên mình phục vụ anh chị em và lưu tâm đến người đau khổ khó nghèo.
 
X/ Còn những gia đình đang gặp thử thách - xin cho họ được nâng đỡ nhờ tình thương của Chúa.
 
11. Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp…
 
12. Lời cầu nguyện của chủ sự hay người hướng dẫn.
 
Lạy Chúa Giêsu, trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Giavê (Is 53,3-5), ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh về người tôi tớ mà cả cuộc đời là sống cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu:
 
“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật, chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,3-5).
 
Xin Chúa cho chúng con biết chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa và khắc ghi vào lòng lời của Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong mỗi gia đình chúng con, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ cho nhau với tấm lòng của Chúa, biết quan tâm đến nhau với ánh nhìn của Chúa, để các gia đình chúng con làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người.
 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần để nhắc nhớ và dẫn chúng con vào sự thật toàn vẹn. Xin Chúa huấn luyện chúng con mỗi ngày để chúng con biết sống trọn vẹn lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình thương thân tương ái. Amen.
 
13. Hát: “Xin Chúa dạy con”
 
III. KẾT THÚC
 
Lời nguyện kết thúc của chủ sự hay người hướng dẫn:
 
Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Đấng Cứu Độ Trần gian. Ngài đã trao ban Thịt Máu mình làm lương thực thiêng liêng để chúng con được sống sự sống của Cha. Xin Cha ban cho chúng con một trái tim khao khát, khao khát đến với Con Một Cha để được ở lại trong tình thương của Ngài. Amen.


 
CỬ HÀNH TAM NHẬT VƯỢT QUA
THEO LUẬT CHỮ ĐỎ SÁCH LỄ ROMA
 
I.  THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LY (Thánh lễ chiều).
1. Hôm nay cấm cử hành mọi thánh lễ không có giáo dân tham dự.
2. Nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, Đấng Thường Quyền Sở tại (giám mục)
[1] có thể cho cử hành một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công vào ban chiều.
Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ vào ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự Thánh Lễ Chiều.
3.  Chỉ có thể cho giáo dân rước lễ trong thánh lễ mà thôi; nhưng bất cứ giờ nào cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho bên nhân
4. Khi cử hành thánh lễ,
- Nhà Tạm hoàn toàn để trống;
- Truyền phép bánh thánh đủ cho việc rước lễ hôm nay và ngày mai.
- Hát kinh Vinh Danh thì rung chuông và không rung chuông nữa cho đến Vọng Phục Sinh.
- Bài giảng sẽ đề cập đến các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ: Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ.
- Sau bài giảng sẽ cử hành nghi thức rửa chân. Giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn.
- Sau khi rửa chân thì đọc lời nguyện cho mọi người. Không đọc kinh Tin Kính.
- Có thể dâng của lễ dành cho người nghèo.
5. Kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ
- Cho rước lễ xong, chủ tế đặt trên bàn thờ bình đựng Mình Thánh Chúa để cho rước lễ hôm sau và kết thúc thánh lễ bằng lời nguyện hiệp lễ.
- Đọc lời nguyện xong, chủ tế đứng trước bàn thờ, bỏ hương rồi quỳ gối xông hương ba lần lên Mình Thánh Chúa, đoạn nhân khăn choàng vai, dùng hai đầu khăn choàng phủ bình đựng Mình Thánh, và cầm bình lên.
- Cuộc rước kiệu tiến hành như sau: (1) Người cầm thánh giá; (2), những gười cầm nến, bình hương, và (3) linh mục mang Mình Thánh Chúa, kiệu dọc theo bàn thờ đến bàn thờ phụ đã được trang hoàng xứng đáng. Trong khi đó, hát bài ca thích hợp kinh Mình Thánh Chúa.
- Đến bàn thờ phụ, linh mục đặt Mình Thánh Chúa lên bàn thờ, bỏ hương rồi quỳ gối xong, trong lúc đó hát “Đây nhiệm tích”.
- Cuối cùng, đóng cửa nhà tạm.
- Sau khi thinh lặng thờ lạy trong giây lát, linh mục và các giúp lễ cúi chào Mình Thánh Chúa, rồi trở vào phòng thánh.
6. Lột khăn bàn thờ
- Sau đó, lột khăn bàn thờ
- Cất các thánh giá, nếu còn thánh giá nào thì phải phủ khăn.
7. Chầu Mình Thánh Chúa.
- Khuyên giáo dân nên tuỳ hoàn cảnh đến chầu Mình Thánh Chúa ban đêm vào lúc thuận tiện.
- Nhưng nữa đêm trở đi, không tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa.
 

II. THỨ SÁU TUẦN THÁNH: CỬ HÀNH CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
1. Hôm nay và ngày mai không cử hành bí tích nào hết.
2. Bàn thờ hoàn toàn để trống: không thánh giá, không chân đèn, không trải khăn.
3. Khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, trừ phi lý do mục vụ khuyên nên làm muộn hơn.
4. Hôm nay chỉ cho giáo dân rước lễ trong nghi thức tưởng niệm mà thôi; tuy nhiên vào bất cứ giờ nào cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.
5. Nghi thức khai mạc
- Linh mục mặc lễ phục đỏ tiến ra bàn thờ, cúi chào rồi phủ phục hoặc quỳ gối, và tất cả mọi người thinh lặng cầu nguyện trong giây lát.
- Sau đó, linh mục và các người giúp lễ đến ghế, quay về phía giáo dân, linh mục giang tay đọc lời nguyện.
6. Phụng vụ Lời Chúa
- Đọc bài thương khó theo Thánh Gioan, sau bài thương khó xướng “Đó là Lời Chúa” nhưng không hôn sách.
- Có thể giảng vắn tắt.
7. Lời nguyện cho mọi người theo cách thức sau:
- Phó tế đứng tại giảng đài (nếu không có phó tế thì chọn một người xứng hợp), đọc lời kêu mời nói lên ý cầu nguyện. Sau lời mời, mọi người thinh lặng cầu nguyện trong giây lát.
- Tiếp đến, linh mục đứng tại ghế hoặc bàn thờ (hay tại giảng đài) dang tay đọc lời nguyện.
- Trong suốt thời gian đọc các lời nguyện, giáo dân có thể quỳ hay đứng. Nếu giáo dân quỳ, thì sau giây lát thinh lặng, phó tế (hoặc người xướng ý nguyện) kêu mời “ Chúng ta hãy quỳ xuống”, sau lời nguyện, phó tế mời “Xin đứng lên”.
8. Kính thờ Thánh Giá: Có hai hình thức suy tôn Thánh Giá, chọn theo nhu cầu mục vụ.
(1) Hình thức thứ nhất: Thánh giá có phủ khăn
- Phó tế hay một thừa tác viên khác xứng hợp: Đem thánh giá có phủ khăn ra bàn thờ, hai người cầm nến đi hai bên.
- Linh mục đứng trước bàn thờ, nhận thánh giá, lần lượt mở khăn che: (1) Mở phần khăn che phía đầu thánh giá, (2) mở khăn che cánh phải thánh giá, (3) sau cùng, bỏ hết khăn che thánh giá.
- Sau mỗi lẫn mở khăn che, linh mục nâng thánh giá lên và hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá…”, mọi người đáp: “Ta hãy đến…”. Hát xong mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, trong lúc linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.
- Rồi linh mục mang thánh giá, xuống lối vào cung thánh hoặc nơi xứng hợp, có hai người cầm nến cháy đi hai bên, đến nơi, ngài đặt thánh giá tại đó, hoặc hai người giúp lễ đỡ hai bên, còn đèn thì đặt hai bên tả hữu. Đoạn bắt đầu việc tôn thờ thánh giá.
(2). Hình thức thứ hai: Thánh giá không phủ khăn.
- Linh mục, phó tế hay một thừa tác viên khác xứng hợp, cùng với các người giúp lễ, đến cửa nhà thờ, nhận thánh giá không phủ khăn, các người giúp lễ thì nhận nến cháy, rồi kiệu qua lòng nhà thờ lên cung thánh.
- Tại ba nơi: ở gần cửa, ở giữa nhà thờ và ở lối vào cung thánh, người cầm thánh giá nâng cao lên và hát câu mời: “Đây là cây thánh giá…”, mọi người đáp: “Ta hãy đến..”, Hát xong mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, trong lúc linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.
- Sau đó, đặt thánh giá và đèn nến ở lối vào cung thánh hay nơi thích hợp. có hai người cầm nến cháy đi hai bên, đến nơi, ngài đặt thánh giá tại đó, hoặc hai người giúp lễ đỡ hai bên, còn đèn thì đặt hai bên tả hữu. Đoạn bắt đầu việc kính thờ thánh giá.
9. Kính thờ thánh giá
- Linh mục, giáo sĩ, giáo dân lần lượt tiến lên và tỏ lòng tôn kính thánh giá hoặc bái gối, hoặc hôn thánh giá.
Chỉ dùng một thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ.
- Nếu dân chúng đông, mỗi người không thể lên kính thờ thánh giá được, thì sau khi một phần tín hữu đã thờ kính, linh mục cầm thánh giá đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mọi người kính thờ thánh giá, rồi nâng cao thánh giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.
10. Nghi thức kính thờ chấm dứt, mang thánh giá đặt vào chổ của thánh giá tại bàn thờ, còn nến cháy thì đặt chung quanh bàn thờ hay đặt gần thánh giá.
11. Rước lễ
- Trải khăn bàn thờ và khăn thánh rồi đặt sách lễ Roma lên
- Phó tế hoặc linh mục đi rước Mình Thánh từ bàn thờ phụ theo đường tắt về bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy cùng đi rước, sau đo thì đặt nến trên hay bên cạnh bàn thờ. Trong lúc đó, mọi người đứng thinh lặng
- Khi đặt Mình Thánh lên bàn thờ và mở bình đựng Mình Thánh, linh mục tiến lại, cúi mình và chắp tay đọc: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…”
- Linh mục dang tay đọc kinh Lạy Cha chung với mọi người, sau đó đọc tiếp lời nguyện…
- Linh mục cúi mình, tay trái cầm bình thánh, tay phải cầm bánh thánh, giơ cao một chút, quay về phía giáo dân và đọc: Đây Chiên Thiên Chúa…
- Linh mục rước Mình Thánh và sau đó trao cho giáo dân.
12. Cất Mình Thánh Chúa
- Rước lễ xong, linh mục hoặc phó tế mang bình đựng Mình Thánh đến nơi đã dọn sẵn trong phòng áo hoặc đặt vào nhà tạm nếu hoàn cảnh đòi buộc.
- Có thể giữ thinh lặng giây lát, rồi linh mục đọc lời nguyện kết thúc.
13. Giải tán
- Linh mục đứng quay về phía giái dân, giơ tay trên họ và đọc lời nguyện giải tán.
- Mọi người yên lặng ra về.
- Vào lúc thuận tiện thì lột khăn bàn thờ.
 

III.  THỨ BẢY TUẦN THÁNH
-  Hôm nay, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc thương khó và sự chết của Người.
-  Bàn thờ không trải khăn, không cử hành thánh lễ cho đến sau đêm Canh Thức Vượt Qua.
-  Hôm nay, chỉ có thể cho rước lễ như Của Ăn Đàng (không mang Mình Chúa cho bệnh nhân thông thường).
Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn