1
16:40 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 326

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 323


Hôm nayHôm nay : 59611

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 449698

Tổng cộngTổng cộng : 28003982

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chú giải Tin Mừng CN IV Mùa vọng : Loan báo cho Đức Maria

Thứ bảy - 17/12/2011 14:19-Đã xem: 1544
.

.

Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.

Chú giải của Huygues Cousin : LOAN BÁO CHO ĐỨC MARIA

Lời loan báo này song song với lời loan báo trước. Tuy nhiên, không phải từ Kinh Thánh mà Luca vay mượn một trình tự như thế, nhưng từ văn chương Hy Lạp. Khi ấy, tư tưởng Hy Lạp Platarque đã xuất bản “Những cuộc đời sóng đôi” gồm hai mươi ba cặp tiểu sử; trong mỗi cặp, ông so sánh giữa một người Hy Lạp với một người Rôma để chứng minh rằng: dù người Rôma có cao cả bao nhiêu thì người Hy Lạp vẫn có cái gì vượt cao hơn. Thể loại văn chương mà Luca chọn ở đây là để cho ta tìm không phải những điều giống mà những điểm khác nhau, có mục đích để bày tỏ trong hai cậu bé ai vượt hơn ai. Sơ đồ những bài loan tin (xem phần sau) cho thấy khoảng cách giữa Chúa Giêsu và Gioan.

Hẳn nhiên là câu chuyện không diễn ra trong khung cảnh huy hoàng của đền thờ, nhưng khiêm tốn trong một thành xứ Galilê tại một tư gia. Tuy nhiên, lần này thì chính vị sứ giả từ trời phải ra đi, vào nhà Maria (c.28) và từ đó mà đi ra (c.38). Sự kiện mặc khải được trao cho bà mẹ tương lai chứ không cho người cha nữa, đánh dấu một khác biệt, tự nó không mang nhiều ý nghĩa lắm. Những mô hình của Cựu Ước thực ra cũng để cho phụ nữ xuất hiện. Có cái ý nghĩa hơn nhiều chính là sự đồng trinh của Đức Maria. Nhờ ơn Chúa, bà Êlisabét vừa thụ thai một con trai do bởi chồng bà; còn Maria mới chỉ đính hôn, cô chưa thể sống chung với Giuse và sắp thụ thai mà không có kết hợp phái tính. Việc Gioan sinh ra đã là kỳ diệu và đối với Chúa Giêsu điều đó còn kỳ diệu hơn.

Sự đồng trinh của Maria cũng lưu ý về một sự khác biệt lớn trong sơ đồ báo tin. Người thiếu nữ trẻ nêu vấn nạn trước sứ điệp từ trời cao, khi đặt một câu hỏi tương tự với câu hỏi của vị tư tế. “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào bởi vì tôi không có liên hệ tính dục”. Thế mà lần này, sứ thần lại không hề xem đó như một dấu hiệu thiếu niềm tin; Ngài đáp lại câu hỏi mà không phê bình, và cho Đức Maria một dấu chỉ, ngược hẳn với điều mà Giacaria đã nhận được, dấu chỉ ấy không phải là một hình phạt: người bà con của cô đã có thai. Chính là vì Đức Maria đang đứng trước một tình huống hoàn toàn mới mẻ từ căn tính trong Kinh Thánh, trong đó, không thấy nói đến chuyện thụ thai mà không có kết hợp phái tính, vị hôn phu của bà Êlisabét biết rõ lịch sử của Abraham giống trường hợp của ông. Như thế, hai việc loan báo song song khác biệt nhau ở đây, và cái thinh lặng bắt buộc của vị tư tế trái ngược với sự chấp nhận thanh thản của nữ tì Chúa, người đã suy phục Lời; và chỉ sau đó Lời đã được thực hiện. Đức Maria sẽ lại được nói tới bằng danh xưng nữ tì ở Lc 1,48, một từ ngữ mà Luca sẽ dùng ở chỗ khác để chỉ những thành viên của Hội Thánh (Cv 2,18; 4,29; 15,17).

Lời sứ thần chào Đức Maria (c.28) là một cái gì “hơn nữa” không có lời nào tương ứng khi báo tin cho ông Giacaria. “Kính chào cô! Người được ưu ái [của Thiên Chúa]. Chúa ở cùng cô!”. Thiên Chúa ưu ái cô thiếu nữ khi chọn cô làm mẹ Đấng Cứu Thế – nhưng cô chưa biết điều đó. Công thức “Thiên Chúa ở cùng cô”, đã được sứ thần của Chúa nói khi hiện ra với Ghêđêon (Tl 6,12); Thiên Chúa bảo đảm Ngài sẽ bảo vệ người mà Ngài giao một nhiệm vụ. Từ đó, ở câu sau, Đức Maria thắc mắc về ý nghĩa của lời chào. Và chỉ lúc sứ giả nói về việc Con Thiên Chúa (c.35) sẽ sinh ra, Đức Maria mới biết mình là Mẹ của Chúa (xem 1,43); như vậy công thức chào lại càng có giá trị phản hồi đặc biệt đối với độc giả.

Tên của sứ thần đã cho độc giả biết ngay từ lúc đầu: Gabriel như trong cảnh trước. Việc sai sứ thần đến nhà vị hôn thê của một người thuộc dòng tộc nhà Đavít nhắc ta nhớ tới việc hoàn tất lời hứa về Đấng Mêsia; nhưng Đức Maria không biết gì về gốc gác của sứ giả – điều này lại càng nhấn mạnh đến đức tin của Ngài vào lời sứ giả.

Sứ điệp từ trời liên quan tới em bé sắp sinh ra bị chia ra làm hai phần bởi câu hỏi của Đức Maria. Phần thứ nhất (c. 30-33) diễn tả chức vụ tương lai của Chúa Giêsu (Ngài sẽ nên cao cả và sẽ trị vì) bằng cách sử dụng những gì mà Cựu Ước nói về Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít. Cuộc đản sinh hoàn tất hai lời tiên tri quan trọng đối với Giáo Hội của Luca cũng như của Matthêu. Lời thứ nhất là của Is 7,14 (c.31) như trong bản Do Thái của câu này, chính người mẹ sẽ đặt tên cho con: Giêsu “Thiên Chúa cứu”, Luca không phiên dịch tên ấy cho độc giả biết nhưng lại gán cho tên ấy tước hiệu Đấng Cứu Thế ở 2,11. Lời hứa thứ hai là sấm ngôn của Nathan trong đó Thiên Chúa tuyên bố với Đavít: “Người sẽ là con của Ta… ngai vàng của Người sẽ vững bền mãi mãi (2Sm 7,14.16): vì vậy con trẻ sắp sinh ra sẽ vừa là con vua Đavít vừa là con của Đấng Tối Cao (c.32)”. Tuy nhiên, việc thụ thai đồng trinh mang đến một sự điều chỉnh: không phải bởi Giuse, chính ông thuộc nhà Đavít (c.27), mà Chúa Giêsu là con của Đavít và vì thế được nắm vương quyền, nhưng hoàn toàn do ơn ban của Thiên Chúa.

Lúc ấy, Đức Maria thắc mắc về tình trạng hiện tại của mình, khi được báo tin và đặt câu hỏi về cách thức mà lời loan báo sẽ được thực hiện. Phần thứ hai của sứ điệp (c. 35-37) soi sáng trước tiên cho việc thụ thai đồng trinh, và cung cấp một lời đáp có tính cách Kitô học sâu xa hơn (c.35). Chúa Giêsu sẽ không chỉ là con của Đấng Tối Cao, Đấng ban cho Ngài vương quyền của Đavít, mà Ngài sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, bởi vì được sinh ra do quyền năng của Thiên Chúa qua tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Con Thiên Chúa bởi vì như Chúa Thánh Thần Ngài sẽ là Thánh, được dành riêng cho Chúa. Phần Kitô học này thiết lập một khác biệt chính yếu giữa hai cậu bé được thụ thai một cách kỳ diệu: Gioan sẽ là vị tiền hô và Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh thuộc dòng dõi Đavít. Còn hơn nữa: trong khi Chúa Thánh Thần tác động trên Gioan ngay từ trong lòng mẹ, làm cho ông trở thành vị ngôn sứ duy nhất vô tiền khoáng hậu (x. 7,26), thì cũng chính Thánh Thần ấy làm cho Đức Giêsu trở thành một Đấng hoàn toàn mới lạ do mối dây liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa.

Sau đó, sứ điệp từ trời nêu ra (cc. 36-37) một dấu chỉ về quyền năng Thiên Chúa: bà Êlisabét thụ thai Gioan giống như điều Kinh Thánh nói về bà Sara thụ thai Isaac (St 8,14). Và việc sứ thần nhắc đến tháng thứ sáu (cc. 26.36) cho phép nối liến chu kỳ của Gioan và của Đức Giêsu: Êlisabét là một người bà con với Đức Maria. Thông tin này là một mặc khải từ trời cho Đức Maria bởi vì Êlisabét vẫn còn ẩn mình (1,24).

Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt: TRUYỀN TIN CHO MARIA

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Bà đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”: Kiểu nói này là một đặc ngữ sêmita; x. St 6,8: “Nhưng Noê đã được nghĩa trước mắt Giavê”.

“Này bà sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai…”: Câu này song song với St 16,11: thiên thần của Giavê phán (với Agar): Này, ngươi có thai và ngươi sẽ sinh con ngươi sẽ gọi tên nó là Ismael, vì Giavê đã nghe thấu nỗi khốn cùng của ngươi”. x. Tl 13,3-5.

“Bởi thế hài nhi sẽ là thánh và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”: Trong Hy ngữ, cấu trúc của câu này khá tối tăm; B.J đã cố gắng làm sáng tỏ bằng cách thêm vào chữ “hài nhi” không có trong nguyên bản. Theo mặt chữ thì bản văn như thế này: “bởi thế thụ thai thánh” (I’engendré saint) sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Tuy vậy. tĩnh từ “thánh” khó có thể làm hình dung từ (épithète) cho tiếng “thụ sinh” vì nó không có quán từ (article), như văn phạm Hy lạp đòi hỏi (le saint engendré viết theo văn phạm Hy lạp thì phải là I’engendré le saint: hai quán từ). Nên có lẽ phải coi “thánh” như một thuộc từ (attribut) và bấy giờ câu nói trở thành: “thụ sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa”. Nhưng vẫn còn khó khăn là “Con Thiên Chúa” chẳng phải là sự nới rộng của ý tưởng thánh”! thật là lưỡng nan!

“Với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể”: Trong St 18,14, câu này giải thích việc cưu mang lạ lùng Isaac. “Tôi là tôi tá Chúa”: x. R 3,9; làm 25,41. Ở đây nói đến đức tin (c.45) và tình yêu mến hơn là lòng khiêm nhượng, vì theo Thánh Kinh, được làm tôi tớ Chúa là một vinh dự lớn lao vô cùng.

KẾT LUẬN

Trong khi sự tiền hữu đời đời của Chúa Giêsu được Phaolô và Gioan long trọng giảng dạy, thì tử hệ thần linh từ lúc mới sinh của Người lại là giáo huấn đặc biệt của Luca, rõ ràng là trong bản văn hôm nay. Khi tập trung ngay từ đầu đời Chúa Kitô những đề tài liên quan tới các cuộc thần hiện sẽ đánh dấu từng chặng cuộc sống công khai và việc khải hoàn sau cùng của Người (so sánh c.35 với phép rửa Chúa Giêsu. Cuộc biến hình và việc phục sinh), ông muốn dạy ta rằng tước hiệu Con Thiên Chúa không phải Chúa Giêsu chiếm được sau này, nhưng đã đương nhiên thuộc về Người ngay từ khi người đến trong thế gian. Cùng với việc thụ thai đồng trinh là hệ luận, đó có lẽ là giáo huấn chính yếu của trình thuật truyền tin.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Sứ mạng của Maria nối dài và hoàn tất sứ mạng Israel. Maria là “thiếu nữ Sion” mà từ cung lòng, Đấng Thiên sai sẽ xuất hiện. Bà là nữ tỳ của Chúa”, kẻ gồm tóm và làm cho đẹp hơn ơn gọi của dân Israel, tôi tớ Thiên Chúa, lẫn ơn gọi của các đại tôi tớ Ngài trong Cựu ước như Abraham, Giacóp, Môisen, Đavít, Salomon, Isaia và người Tôi tớ bí ẩn của Gioan trong Is 40-45.

2. Thiên Chúa đã có thể đặt Maria trước một sự việc đã rồi và sai thiên sứ báo tin rằng bà đã thụ thai bởi Thánh Thần. Nhưng Ngài đã muốn cần đến sự tự do đồng ý của Maria trong công trình cứu chuộc: không những vì lòng tôn trọng nhân vị của Maria, mà còn để làm cho bà trở nên kẻ hợp tác với Ngài hầu cứu rỗi nhân loại qua sự chấp thuận một cách có ý thức và tình nguyện.

3. Dacaria, khi được loan báo Gioan Tẩy giả sẽ sinh ra, đã xin một dấu chỉ để có thể tin vào tính cách xác thực của sứ điệp. Còn Maria tin ngay sứ điệp, chẳng xin dấu chỉ gì. Vấn nạn của bà không phải là một nghi ngờ nhưng là một lời xin soi sáng để tin hơn. Ta cũng thế, đức tin của ta phải hoàn toàn và tức khắc, nhưng cũng phải tìm cách soi tỏ ngần nào có thể bằng sự khiêm tốn cầu xin ánh sáng, bằng việc học hỏi hay ít nhất bằng đối thoại với linh mục. Ở dưới đất này, đức tin luôn có một phần tăm tối, đức tin của Maria cũng như đức tin của ta, nhưng càng vững chãi và càng có tính cách nhân loại chừng nào thì nó càng sáng tỏ chừng ấy.

4. Thiên sứ cho Maria một lời giải thích. Nhưng rồi mầu nhiệm vẫn còn, “vì đường lối của thiên Chúa không phải là đường lối của ta”. Tuy nhiên lời giải thích của thiên sứ sẽ nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của Maria, vì bà “ghi nhớ những điều ấy trong lòng để suy niệm” (2,19). Ta cũng vậy, những giáo huấn của Hội thánh qua bài giảng Chúa nhật và các lớp giáo lý không miễn cho ta hành vi đức tin. Song chúng sẽ nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của ta.

5. Vì lòng thương, Thiên Chúa vẫn cho Maria một dấu chỉ (việc bà Êlidabét son sẻ mà thụ thai) để xác nhận lời của thiên sứ và giúp lòng tin của bà dễ dàng hơn. Maria không cần dấu chỉ này vì bà đã tin lời thiên sứ, nhưng đây là một ân huệ thêm vào. Ta cũng vậy đôi khi Thiên Chúa gởi cho ta một dấu chỉ rất rõ về sự hiện diện hoặc ý muốn của Ngài (thí dụ ơn được an ủi thiêng liêng, hoàn cảnh quan phòng biến đổi cả hướng đi cuộc đời…). Những dấu chỉ đó chẳng phải là tối cần cho đức tin, ta không nên chờ đợi chúng trước khi tín thác vào Chúa hoàn toàn. Nếu Ngài cho dấu chỉ vì lòng thương, ta hãy cảm tạ và khiêm tốn như Maria.

6. Khi lần hạt, ta lặp lại những lời thiên sứ đã ngỏ với Maria.

7. Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa, như một nữ tỳ đúng nghĩa. Bà không biết ý muốn ấy sẽ dẫn đưa bà đến đâu. Nhưng bà đã thưa vâng trong tin tưởng, yêu mến. Ta cũng vậy, phải sẵn sàng mềm mỏng, phó thác cho đường lối Chúa Quan phòng. Ta không rõ ý muốn ấy sẽ mượn ngõ quanh co nào, nhưng ta biết chắc rằng đích điểm sẽ là sự thân mật với Thiên Chúa ngay bây giờ và chiếm hữu Ngài hoàn toàn trong vĩnh cứu. Ta phải phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa với thái độ sẵn sàng, tin tưởng của Maria! Chừng đó ta sẽ có niềm vui thấy Thiên Chúa làm “những điều lớn lao” qua các tôi tớ hèn hạ của Ngài.

8. Thiên Chúa có thể làm cho cung lòng một trinh nữ sinh con, cũng như có sức hoán cải một tội nhân nên thánh: chẳng có gì mà Ngài không làm được.

Chú giải và suy niệm của Fiches Dominicales: ĐỨC MARIA ĐÃ ĐÓN NHẬN QUYỀN NĂNG THÁNH THẦN

Và nhờ lời xin vâng của Mẹ, lời hứa với David xưa kia nay đã mặc lấy xác phàm, một biến cố vượt xa mọi trông đợi thường tình (Lc 1,26-38).

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1) Trong gian nhà khiêm tốn ở Nagiarét.

So sánh giữa việc truyền tin cho Dacaria và cho Đức Maria, ta thấy rõ địa vị của Đức Giêsu cao trọng hơn Gioan Tẩy giả rất nhiều.

Phải, sự việc không diễn ra trong sự huy hoàng của Đền thờ Giêrusalem, nơi sứ thần Gabriel hiện ra với Dacaria, nhưng một cách khiêm tốn “trong một thành xứ Galilê”, trong một gian nhà khiêm tốn ở Nagiarét, “khung cảnh tuyệt vời, trong đó mầu nhiệm cao siêu nhất lại sát cánh với sự nghèo khó trần trụi nhất” (J.Potin: “Đức Giêsu, chuyện có thật”, Centurion, tr. 92). Sứ thần Thiên Chúa Gabriel dời gót đến gặp Đức Maria và “vào trong nhà Mẹ”.

Trái với tôn ti thứ bậc thời đó, Đức Maria được nêu tên đầu tiên như người nhận sứ điệp của Thiên Chúa. Thánh sử đã hai lần nhấn mạnh người thiếu nữ này là một trinh nữ? Còn Giuse, người đã đính hôn với Maria, được nói đến tên vì Đức Maria và được đề cập đến vì là “một người thuộc dòng tộc Đavid”. Chính nhờ ngài, Đức Giêsu mới thuộc dòng tộc Đavid một cách hợp pháp.

Cuộc đối thoại giữa sứ thần và Maria bắt đầu với lời mời gọi hãy vui lên, một tên mới và một lời chào.

Lời mời gọi hãy vui lên: “Hãy vui lên”, chứ không phải “Kính chào bà” theo cách dịch trước đây. Ngày xưa, các ngôn sứ đã hô vang lời kêu gọi đó ở Giêrusalem (Soph.3,14; Joel 2,21; Zach. 9,9), mời gọi hãy vui lên vì Thiên Chúa đến hay vì Người hiện diện: “Hãy vui lên, hỡi con gái Sion vì Chúa ở với ngươi!”.

Tương lai loan báo cho Giêrusalem trở nên hiện tại cho Maria: Chúa ở “cùng bà” để ở cùng dân bà.

- Một tên mới: trong Kinh Thánh, những người lãnh nhận một sứ vụ thường được Chúa ban cho một tên mới. Danh hiệu này là: “Đấng đầy ơn sủng”, “Đấng đẹp lòng Thiên Chúa”, tất cả có nghĩa là Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu đối với Đức Maria.

- Một lời chào: “Chúa ở cùng bà” Trong Kinh Thánh, lời chào này không chỉ được thốt lên ở đây, nhưng sứ điệp đi liền theo sẽ đem đến cho lời chào của sứ thần một ý nghĩa độc đáo. Đức Maria rất “bối rối” trước lời chào này, và Mẹ tự hỏi lời đó có nghĩa gì. Vì thế sứ thần tiếp tục nói rõ hơn điều ẩn ý trong câu đầu tiên.

2) Đấng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” hoàn tất lời đã hứa.

Tiếp sau đó là sứ điệp về con trẻ sắp sinh gồm hai phần tách biệt nhau bởi câu hỏi của Đức Maria.

Phần một lấy trong Cựu ước nói về Đấng Mêsia nhà Đavid, phần này mạc khải chức năng của Đấng Mêsia: “Ngài sẽ nên cao trọng… Ngài sẽ cai trị…”. Việc Ngài sinh ra làm trọn hai lời tiên tri quan trọng:

Lời thứ nhất của Isaia 7,14: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và ngài sẽ đặt tên cho con trẻ là Emmanuel”. H. Cousin lưu ý: “Câu này trong văn bản bằng tiếng Do thái hàm ý chính người mẹ đã đặt tên cho con trẻ là: “Giêsu” (Tin Mừng Luca, Centurion tr. 28).

Lời thứ hai là sấm ngôn của Nathan (bài đọc I), Thiên Chúa tuyên bố cùng Đavid: “Đối với Ta, nó sẽ là Con… ngai vàng nó sẽ bền vững mãi mãi”. Sứ thần báo cho Đức Maria biết con trẻ sắp sinh ra vừa là con vua Đavid (“Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu David tổ phụ ngài”), vừa là con Đấng Tối cao.

Câu hỏi của Đức Maria: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”: Câu hỏi này sẽ đưa đến câu trả lời tâm điểm của sứ điệp.

Phần hai làm rõ việc thụ thai mà vẫn còn đồng trinh, chứng tỏ một nền Kitô học sâu xa hơn là nhũng gì đã diễn giải cho đến bây giờ. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”: một cách nói thường được dùng trong Cựu ước, để chỉ ý nghĩa sự khởi xướng của Thiên Chúa, và Luca lập lại trong Công Vụ Tông đồ để loan báo lễ “Ngũ Tuần” (Cv 1,8: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi người ngự xuống trên anh em”).

“Quyền năng Đấng Tối cao sẽ bao trùm bà”: Lời này chỉ về Thánh Thần, Đấng sáng tạo bay là trên mặt nước để ban sự sống lúc khởi đầu của vũ trụ (Gn 1,2).

Những gì Thánh Linh, Hơi Thở sáng tạo làm từ lúc khởi đầu vũ trụ, Ngài sẽ lại làm trong lòng Đức Maria: đó là sự thụ thai mà vẫn còn đồng trinh.

“Ngài sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. H. Cousin diễn giải: Đức Giêsu không chỉ là Con Đấng tối cao, Đấng ban cho người vương triều Đavid, người được tuyên bố là Con Thiên Chúa, vì Người được tạo dựng bởi quyền năng vô cùng của Thiên Chúa trong hành động của Thánh Thần. Ngài là thánh, được Thiên Chúa chọn riêng. Nền Kitô học này thiết lập một sự khác biệt căn bản giữa hai người con được thụ thai lạ lùng: Gioan, vị tiền hô và Đức Giêsu, Đấng Messia thuộc dòng Đavid. Hơn nữa, khi Thánh Thần ngự xuống trên Gioan biến ông thành ngôn sứ ngay từ lòng mẹ, một ngôn sứ đặc biệt nhất trong các ngôn sứ, cũng chính Thánh Thần ấy đã làm cho Đức Giêsu trở thành một hữu thể hoàn toàn mới nhờ dây liên kết giữa người và Thiên Chúa” (Sđd).

Cuộc đối thoại kết thúc bằng lời “xin vâng” của Đức Maria, Đấng luôn sẵn sàng vâng lời sứ thần dạy. Cha Benoît kết luận: Chính Đức Maria là người đầu tiên đã hiểu lời tiên tri xưa, nay được thể hiện cách cụ thể và lạ lùng trong lòng ngài. Từ Đức Mẹ mà cộng đoàn tiên khởi, tức Hội Thánh đã nhận được mầu nhiệm này, rồi Hội Thánh đã truyền lại cho các tín hữu… “.

Bài đọc thứ nhất của Chúa nhật này (2 Sam 7,1-16) cho thấy Thiên Chúa từ chối ngôi đền vật chất mà Đavid đã muốn xây dựng cho Ngài, nhưng trái lại đã hứa cho ông một ngôi nhà thiên thu là dòng dõi Đavid. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Maria, Đấng trở nên “hòm bia Thiên Chúa”, “đền vàng”, tại đây Con Thiên Chúa đến ở với loài người. Phải chăng đó là mạc khải của mầu nhiệm “được giữ kín từ muôn thuở nhưng nay được bày tỏ ra” mà bài đọc 2 hôm nay đã đề cập đến (Rm 16, 25-27)? (Xem “Assemblée du Seigneur”, số 8, trang 49-50).

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Đức Giêsu là ân huệ nhưng không đặc biệt của Thiên Chúa”.

(L. Monloubou trong: Tin Mừng Luca, Salvator trang 57-58).

Người ta không được nhìn bài Tin Mừng này như một bài mẫu Đức Giêsu tuy cao sang, nhưng là phụ thuộc. Thực ra trang Tin Mừng này nói về chuyện khác. Nó dẫn ta đến chiêm ngưỡng Mầu nhiệm Thiên Chúa: Thiên Chúa hiện diện như là người bạn đồng hành: Người “ở với” Maria như một người đối thoại thân tình. Người sai sứ giả người… Người nói. Đức Maria ngạc nhiên: “Làm sao chuyện ấy… Sứ giả trả lời… khi ấy Đức Maria nói… Lời người…”. Người là Thiên Chúa bình an: “đùng sợ”. Thiên Chúa của ân huệ nhưng không: “Ngài đẹp lòng… ơn cứu rỗi… đầy ơn sủng”.

Đây là một mạc khải cao trọng về mầu nhiệm Thiên Chúa mà sứ thần có sứ mạng loan báo. Bởi vậy, trang Tin Mừng này quảng diễn những suy tư của thánh sử về Thiên Chúa qua việc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Chính thánh sử nói lên đức tin của ngài qua việc tuyên xưng này: tin vào Thiên Chúa là Chúa, Chúa Trời, Đấng quyền năng…; tin vào Người Con là Đức Giêsu, Đấng vĩ đại, Con Đấng Tối Cao, Con vua Đavid, Con Thiên Chúa…; tin vào Thánh Linh: Chúa Thánh Linh, Quyền năng của Đấng Tối cao…

Trọng tâm chính là Đấng đóng vai trò then chốt trong tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại. Bởi vì Người là “Con vua David, do mẹ Người “đã đính hôn với một người thuộc nhà David” nên “Người được Đức Maria đặt tên là Giêsu, nhưng cũng chính Người còn được gọi là “Con Đấng Tối cao”, thậm chí là “Con Thiên Chúa”. Hai cách xưng hô sau làm mọi người kinh ngạc, nhất là khi so sánh với những cách xưng hô trước. Những xưng hô ấy có ý nghĩa gì?

Chúng nói lên sự hiện diện: Thiên Chúa đang ở đây, Thần Khí Ngài “đến”, phù hợp “bóng” trên Maria, “bóng” nhắc lại bóng mây trong Cựu ước chỉ sự hiện diện đầy uy quyền của Thiên Chúa giữa dân Người (Xh 40,34-38, 1 R 8,10).

Chúng cũng nói lên một hồng ân cao cả vượt hơn hẳn những hồng ân xưa nay Thiên Chúa vẫn ban (…). Đức Giêsu là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại cách nhưng không. Hồng ân mà họ không hề mơ tới, đừng nói chi là ao ước.

2. “Ngày nay trình bày đức tin là đón nhận Đấng ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’”

(Mgr. Cl. Dagens trong: “Trình bày đức tin trong xã hội hiện tại”, Kỳ họp HĐGM Pháp tại Lộ Đức 1994, Cerf, tr. 45-46).

Trước hết, tin vào Đức Giêsu Kitô không phải là sự hiểu biết cao siêu dành riêng cho tầng lớp ưu tú – những người đã được khai tâm. Niềm tin này được trình bày cho tất cả mọi người, cách riêng những người nghèo hèn, nhỏ bé thực sự, những người nghèo hèn, nhỏ bé, những người đau ốm hoặc những người bị loại trừ là những người có thể sống như Đức Kitô một cách sâu xa bằng lời cầu nguyện và bằng của lễ là chính bản thân họ.

Đàng khác, kinh nghiệm đức tin này không nhằm vươn tới Thiên Chúa để chiếm hữu hay điều khiển Ngài. Hành vi đầu tiên của đức tin là đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa và Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc xác phàm và ở giữa chúng ta. Thái độ cởi mở chính yếu này đối với Mạc khải và ân sủng Chúa đánh dấu hành trình thiêng liêng thâm sâu của Kitô hữu.

Là giáo dân hay tu sĩ cũng vậy, các tín hữu đều muốn nói lên điều này, đó là làm thế nào đức tin đã giúp họ có thái độ cởi mở với Thiên Chúa nhờ cầu nguyện hay lắng nghe Lời Chúa. Và ngày nay, những anh chị em nào đã trải qua thử thách về sự cô độc và cuộc sống bất định cũng thích nói đến tự do của con cái Thiên Chúa, tự do chúng ta luôn có thể đạt được một khi đã vượt qua sa mạc.

Hình ảnh của kinh nghiệm thiêng liêng trong đức tin Kitô giáo là: tiến vào giao ước, vào cuộc đối thoại, và vào mọi tương quan mà chính Thiên Chúa là người khởi xướng.

Chú giải của Noel Quesson

Một trong những cách chuẩn bị tốt nhất để mừng lễ Noel, đó là suy niệm trình thuật về biến cố Truyền tin. Hiển nhiên là Thánh Luca đã tiếp xúc các môi trường Do Thái Palestin, nơi mà truyền thống và dòng họ Đức Giêsu vẫn được bảo tồn. Cũng có thể ông đã gặp riêng Đức Maria, Đấng “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Luca cho mình là sử gia, nên ông đã lo lắng tập tục, là người đã được chứng kiến ngay từ đầu để tra cứu vấn đề đầu đuôi mọi sự trước khi viết ra (Lc 1,2-3). Vả lại Luca là một nghệ sĩ tế nhị là người tường thuật tinh tế nhất trong bốn Thánh sử. Hơn chúng ta ngày nay, gần cận với những biến cố mầu nhiệm đã xảy ra, hẳn là Luca đã cảm thấy vấn đề khi sử dụng ngôn ngữ: phải dùng từ nào để diễn ta kinh nghiệm huyền bí đang sống động nơi một thiếu nữ đã thực sự thụ thai mang xác thịt Ngôi Lời Thiên Chúa, được Chúa Cha dự kiến từ thuở đời đời. Rất may Luca sử dụng truyền thống văn chương và thần học lâu đời của Kinh thánh. Vì vậy, ông viết “báo cáo” của mình rất trôi chảy theo khuôn khổ ngôn ngữ đã được Thánh Thần chuẩn bị rất tinh vi trong dân Israel. Bức vải vẽ cảnh Truyền tin được dệt bằng những “sợi chỉ” Kinh thánh. Khi nhận ra những sợi chỉ đó ta sẽ càng nhận thức được rằng, mạc khởi là một về huyền diệu của những kiểu nói, những hình ảnh, những dụ ngôn, nhằm diễn tả mầu nhiệm về Thiên Chúa khó hiểu thấu bằng ngôn ngữ loài người.

Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nagiarét, để gặp một thiếu nữ…

Luca chủ ý đặt một đối nghịch giữa việc loan báo sự sinh ra đời của Gioan Tẩy Giả với cảnh Truyền tin sinh hạ của Đức Giêsu.

Trường hợp trên: Đó là Giêrusalem… trong đền thờ… với một tư tế… ông này – không tin điều đó.

Trường hợp sau: Đó là Nagiarét… trong một ngôi nhà riêng… với một thiếu nữ… cô này hoàn toàn ưng thuận. Đúng vậy, Nagiarét là một làng nhỏ tầm thường. Theo các nhà khảo cổ, nó chỉ bao gồm khoảng 20 căn nhà, với 150 dân cư… Galilê cũng là một xứ bị người ta coi thường. “Từ Nagiarét, thì có cái gì hay được?” (Ga l,46). Vẻ đơn sơ của căn nhà Maria ở, tương phản với vẻ trang trọng trong cuộc báo tin cho Giacaria, giữa khung cảnh hùng vĩ và thánh thiện của Đền Thờ, tại Giêrusalem, thủ đô (Lc l,5-25).

Tôi dùng tưởng tượng chiêm ngắm Đức Maria trong căn nhà bé nhỏ nghèo nàn không ai biết đến, để suy niệm sự khiêm hạ của Thiên Chúa nhập thể. Một ngày kia, thánh Phaolô sẽ nói: “Ngài đã làm cho mình hóa ra không, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7).

Một thiếu nữ đã kết hôn với một người tên là Giuse, con cháu nhà Đavít. Thiếu nữ ấy tên là Maria.

Trong một đoạn văn không có gì là song đối với bản văn trên, Mát-thêu quả quyết cả hai chân lý lịch sử một trật: Quan hệ dòng dõi nhà Đavít của bé thơ và tình trạng tinh khiết của mẹ em (Mt 1,18-25). Tên Yosephel có nghĩa là: “Xin Chúa thêm cho”. Còn tên “Miryam” có nghĩa là: “Bà sang trọng”. Tôi hình dung ra cảnh, những cô bạn, những thiếu nữ hàng xóm đang gọi tên “Miryam” tại giếng làng mà họ tới kín nước. Đó là một thiếu nữ hoàn toàn giản đơn, không có gì đặc sắc phân biệt cô với các bạn hữu khác. Tôi cũng hình dung ra cảnh hai người đã đính hôn đang âu yếm gọi tên nhau: “Miryam”… “Yosephel”?

Sứ thần vào nhà cô và nói: “Kính chào bà, bà đầy ân sủng!”

Có lẽ chúng ta đã chờ đợi một lời chào như: “Kính mừng Maria!”. Thế mà, thay vì Maria, sứ thần lại dùng “Đầy ân sủng” như một tên gọi. Cũng như trong nhiều trình thuật về ơn gọi, Thiên Chúa thường đổi tên cho con người. Maria trở thành “Đầy ân sủng” mà ta còn có thể là “Được Thiên Chúa sủng ái”. Từ nay, trong tiếng Do Thái, gợi đến “kẻ yêu dấu”, “người được sủng ái” trong cuốn Diễm ca.

Kiểu nói Hy Lạp được sử dụng để chào nhau là “Kairé”, thực sự mang ý nghĩa “Hãy vui lên”. Đó là một sự ghi nhớ lại Cựu ước (Xp 3,14; Dcr 2,14 – 9,9; Is 54,1). Các ngôn sứ yêu cầu “thiếu nữ Sion” hãy reo vui lên khi ngắm nhìn Đấng cứu độ mình đang tiến đến gần: “Reo vui lên! Nữ tử Sion, hãy vui lên”. Và chúng ta biết, niềm vui đã là đề tài luôn được bàn đến trong Tin Mừng Luca. Vì thế, đây là lời đầu tiên Thiên Chúa gửi cho trần gian: “Hãy vui lên!”.

Thiên Chúa ở cùng bà.

Đó là kiểu nói Thiên Chúa quen dùng khi Người muốn trấn an những kẻ Người mới gọi đảm nhận những trách nhiệm nặng nề (St 15,1; Xh 4,12; Tl 6,12-17). “Đừng sợ? Ta sẽ ở cùng ngươi!”. Trong phục vụ, vị chủ tế cũng thường lặp lại với ta lời cầu chúc này: “Chúa ở cùng anh chị em!”. Chúng ta có tin tưởng vào lời chào chúc đó không? Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Nghe những lời ấy, cô hoảng sợ, và tự hỏi không biết lời chào như vậy có nghĩa gì.

Ở đây nếu chỉ nhận thấy một phản ứng tâm lý, thì ta mới dừng lại ở khung dạng bên ngoài. Trong Cựu ước, bất cứ cuộc đưa tin nào cũng đều gây “sợ hãi” cả. Một lần nữa, đây là kiểu nói Kinh thánh, có nghĩa là: Hãy chú ý ở đây đang bàn đến mầu nhiệm? Những lời này chứa một ý nghĩa kín ẩn, cần phải khám phá? Thiên Chúa vẫn có đó! Đây là điều quan trọng! Thiên Chúa luôn là Đấng gây bối rối, xuất hiện bất ngờ và ở trong tình trạng kín mật… Thế nên, được mời gọi đến gần Chúa, con người dễ phát sinh cảm tình muốn lùi lại, run sợ trước vẻ thiêng thánh…

Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai… và đặt tên là Giêsu.

Luca sử dụng một kiểu nói có sẵn, rất nhiều lần được dùng trong Kinh thánh (St 16,11-17-19; Tl 13,5-7; Is 7,14). Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmamuel”. Lời sấm của Isaia từ lâu vẫn được hiểu theo nghĩa, việc hạ sinh Đấng cứu thế mà vẫn còn trinh khiết, như bản dịch Hy Lạp của 70 học giả xác nhận. Trong đó, ta thấy từ Hy Lạp “parthénos” (trinh nữ) chính xác hơn từ Do Thái “almah” (người nữ không lấy chồng).

Người sẽ nên cao cả, và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Vua Đavít, tổ tiên của Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng tận.

Maria thuộc lòng “lời tiên báo của Na than” (2 Sm 7,12-17) mà sứ thần gởi lại cho cô. Đối với chúng ta, đó là một thứ ngôn ngữ hơi bí hiểm. Nhưng mọi người Do Thái đều hiểu lời đó theo ý nghĩa: Con trẻ này sẽ là Đấng cứu thế mà thiên hạ được loan báo và chờ mong.

Làm sao có chuyện ấy được; vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng.

Ý định của Luca thật rõ ràng: ông không muốn để người ta phải nghi ngờ gì về sự trinh khiết của Maria. Thời đó, theo tập tục Do Thái, lễ đính hôn cho phép các người nam kết ước được hưởng mọi quyền lợi của kẻ làm chồng, kể cả những tương quan giao hợp… Luca loại bỏ giả thiết này. Maria đã cân nhắc suy nghĩ và chọn sống đồng trinh. Vấn đề đó khiến ta cần đi sâu vào trong tư tưởng và tâm hồn Maria. Cô đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, trong một tình yêu huyền bí, tuyệt đối, chuyên nhất… như biết bao người khác vẫn làm từ lâu rồi? Điều đó không làm giảm giá trị bậc sống hôn nhân, nhưng nó làm nổi bật một lý tưởng khác, là một số người có thể chọn lựa một cách hợp thức, như sau này Đức Giêsu có đề cập đến (Mt. 19,12). Đàng khác, qua cuộc khám tìm nếp sống của nhóm người Essenien tại Qumraxl, giờ đây ta biết rằng, đó không phải là một lý tưởng xa lạ gì với Israel: vào lúc xảy ra các biến cố trên, lý tưởng sống độc thân tự nguyện tận hiến đã bắt đầu phổ biến rộng rãi.

Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và uy quyền Đấng tối cao sẽ che chở cho bà.

Chúng ta đừng tưởng rằng, Maria đã thấu suốt mầu nhiệm Ngôi vị của người con mình qua những định nghĩa tín lý trừu tượng. Không! Nhờ ý nghĩa của các hình ảnh và dụ ngôn Kinh thánh diễn tả mà cô hiểu sự việc cách cơ bản thôi. Ở đây, Maria đứng trước một đề tài huyền diệu về “shekinah”, hay “mây”; “bóng mát”, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thần khí bay lượn trên nước lúc khởi đầu để ban sự sống (St 1,2). Và đây là một cuộc tạo thành mới nơi Đức Maria: “mây” phủ kín trướng tao phùng trong bóng mát (Xh 40,35). Và giờ đây Maria trở nên nơi cư ngụ của sự hiện diện Tháp Chính dưới bóng của: “mây trời” mà Thiên Chúa đã phán dạy Môsê (Xh 16,10). Khi Salômon khánh thành Đền thờ, năm 986, thì “mây xuống đầy nhà Chúa” (1 V 8,10). Đối với một thiếu nữ Do Thái, những lời của sứ thần đã gợi lên tất cả những điều đó.

Vì thế, hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng thánh, là con Thiên Chúa.

“Thần khí…”, “Quyền năng…”, “Đấng thánh…”, “Đấng tối cao…”. Luca muốn diễn tả cho ta hiểu, ngay từ giây phút đầu tiên, nhân tính của Đức Giêsu đã được thần khí Thiên Chúa thấm nhập. Ngôn ngữ đượm màu sắc Kinh Thánh. Ai không chấp nhận bắt đầu từ giới mức đó – giới mức của Đức tin – thì mới chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài trình thuật. Lạy Chúa, xin giúp con biết dừng lại, sửng sốt mà thờ lạy, trước mầu nhiệm được diễn tả qua ngôn ngữ gợi ý trên đây. Trứng thụ thai trong dạ một người nữ, đó là một mầu nhiệm tuyệt vời: vượt qua mọi định luật tự nhiên. Thánh Gioan sẽ nói: “Ngôi lời đã nhập thể” (Ga l,14). Ngày đó, ngang qua những gì đã biết nhờ vốn liếng Kinh thánh, tại sao Maria lại không có thể hiểu, những gì sẽ xảy ra? Dẫu sao, chắc chắn đó chưa phải là điều rõ ràng trong những định nghĩa tín lý.

Này tôi là nữ tỳ của Chúa.

Thiên Chúa không thể đưa dẫn Maria tới chức năng làm mẹ mà lại không thông tin và hỏi ý kiến trước. Thiên Chúa không đặt chúng ta đứng trước một sự kiện đã rồi. Ngài tôn trọng lãnh vực tự do và trách nhiệm của mỗi người. Qua ngôn ngữ Kinh thánh trên, Maria đã hiểu rõ điều cốt yếu để dấn thân với ý thức đầy đủ về sự việc. Nhưng ta cũng đoán được đó là “trong đức tin”. Lạy Chúa, xin cũng giúp chúng con biết tin tưởng.

Huygues Cousin
---------------------------------------------------------

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn