1
04:30 +07 Thứ ba, 30/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 313

Máy chủ tìm kiếm : 8

Khách viếng thăm : 305


Hôm nayHôm nay : 19773

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 504145

Tổng cộngTổng cộng : 28058429

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIẾNG VIỆT

Vỡ nợ gần 70 tỷ đồng ở Gia Lai: Lòng tin xây bằng ảo giác

Thứ năm - 18/04/2013 07:36-Đã xem: 1446
(VOV) - Không cưỡng lại được mức lãi suất cao ngất ngưỡng, nhiều nông dân lại tiếp tục bị cuốn vào làn sóng vỡ nợ.
Vỡ nợ gần 70 tỷ đồng ở Gia Lai: Lòng tin xây bằng ảo giác

Vỡ nợ gần 70 tỷ đồng ở Gia Lai: Lòng tin xây bằng ảo giác

Mấy ngày gần đây, cả Tây Nguyên đang rúng động về thông tin tại Gia Lai vừa xảy ra một vụ vỡ nợ với số tiền lớn nhất từ trước tới nay lên đến 69 tỷ đồng của bà Đặng Thị Hường -chủ nhà hàng Đại Phúc, thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh. 

Khi gần 30 chủ nợ kéo đến đòi, mất khả năng chi trả, bà Hường buộc phải đến cơ quan công an để lánh nạn. Trước đó, ngay đầu tháng 4  cũng tại Gia Lai, 2 cơ sở thu mua nông sản khác cũng tuyên bố vỡ nợ với số tiền gần 30 tỷ đồng. Làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đắk Lắk, Đắk Nông vài năm  trước nay bắt đầu  quay lại ở Gia Lai. Lần này, không chỉ có các doanh nghiệp cà phê, làn sóng vỡ nợ đang cuốn theo hầu hết các loại hình kinh doanh. Vẫn là câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác, vẫn là những lỗ hổng “chết người” trong việc vay mượn, ký gửi nhưng có một điểm lộ rõ được coi là chất xúc tác tạo nên làn sóng vỡ nợ mới đó là hoạt động tín dụng đen.

Cơ ngơi khang trang của nhà hàng Đại Phúc làm nhiều người bị mờ mắt

Riêng 2 đại lý thu mua nông sản ở thị trấn Chư Prông, Gia lai vừa vỡ nợ đầu tháng 4 là Bình Hằng và Hùng Bằng đã lên tới 30 tỷ đồng. Khi biết được sự thật, những người đã trót gửi tiền, gửi hàng cuống cuồng đi xiết nợ nhưng những tài sản thu được chẳng đáng là bao so với số tiền đã bỏ ra. Doanh nghiệp, đại lý gần như đã… rỗng. Khi đã bất lực những người mất tiền của chỉ còn biết chầu trực ở trụ sở UBND thị trấn Chư Prông mong có sự can thiệp để lấy lại số tiền đã mất như trường hợp của  bà Phạm Thị Lan, ở xã Ia Đrăng (huyện Chư Prông).

Bà Lan cho biết: “Nói chung tất cả mọi người đều lo. Họ lừa dân là dân chết, chỉ khổ người dân thôi. Chúng tôi chỉ mong muốn yên tâm. Bây giờ cũng không biết tin tưởng vào ai, chỉ biết tin tưởng vào pháp luật.”

Câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác và những lỗ hổng “chết người” trong việc vay mượn, ký gửi tiếp tục được nhắc đến trong làn sóng vỡ nợ từ huyện Chư Sê đến huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai. Những tờ giấy ghi nợ viết bằng tay, những mảnh giấy gán bất động sản không kèm theo “sổ đỏ”, không có chứng thực của chính quyền địa phương và không có giá trị pháp lý hay những hóa đơn ký gửi nông sản không quy định rõ ràng việc “ký gửi” vẫn được lưu hành rộng rãi.

Riêng câu chuyện lòng tin được xây bằng ảo giác trong làn sóng vỡ nợ ở Gia Lai có thêm một “vị” mới.  Ảo giác mà doanh nghiệp, đại lý tạo ra không chỉ là vẻ hào nhoáng của đội xe tải tiền tỷ, những chiếc xe hơi đời mới sang trọng hay hàng trăm mét đất mặt đường ngay trung tâm và cơ sở kinh doanh khang trang, rộng lớn, “vị” mới ở đây là lãi suất cực kỳ cao, được coi là nhân tố chủ đạo trong việc thu hút dòng tiền và là chất xúc tác chính tạo nên làn sóng vỡ nợ mới.

Mức lãi suất có thể là 6% hoặc 9% mỗi tháng nhưng cũng có trường hợp đột biến và điển hình cho sự đột biến này vụ vỡ nợ của chủ doanh nghiệp Đại Phúc. Lãi suất mà bà Đặng Thị Hường - chủ doanh nghiệp đưa ra lên tới từ 3-5% trong một ngày, tương đương từ 90-150% trong một tháng. Mức lãi suất mà theo một số người am hiểu, chỉ có thể có trong các sòng bạc và trong giới cá độ bóng đá, cần huy động tiền mặt nhanh chóng nhưng việc vay mượn chỉ diễn ra trong một vài ngày.

Ở trường hợp của doanh nghiệp Đại Phúc, bà Đặng Thị Hường thừa nhận với phóng viên là đã phá sản từ tháng 7/2012 nhưng vì muốn cứu vãn nên bà tìm mọi cách, trong đó chủ yếu là đưa ra lãi suất thật cao để có thể vay của người này trả cho người kia. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến số tiền mà bà thực mượn chỉ khoảng 30 tỷ đồng ban đầu nay đã lên thành gần 70 tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nếu quy đúng theo lãi suất đã cam kết. 
 

Nhiều chủ nợ vẫn đang chầu trực trước cổng nhà hàng Đại Phúc mong lấy lại những gì đã mất


Công an huyện Chư Prông đã vào cuộc điều tra vụ việc, nhưng chưa kết luận chính thức về việc có hay không yếu tố lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, điều dễ thấy là kịch bản của các vụ vỡ nợ vừa xảy ra không có gì lạ so với các vụ vỡ nợ trước đó ở Tây Nguyên mà VOV đã đề cập.

Nông dân ở Chư Prông và Chư Sê đã lặp lại sai lầm giống như nông dân cà phê ở Đắk Lắk, Đắk Nông, đó là có quá nhiều sơ hở trong giao dịch. Dù là cho doanh nghiệp vay tiền, hay ký gửi cà phê, hồ tiêu, họ cũng chỉ nhận về những giấy viết tay sơ sài, ghi con số giao-nhận. 

Hậu quả là ngoài xót xa vì mất tiền, mất tài sản, họ còn chịu ấm ức đứng nhìn cảnh con nợ ngồi "chiếu trên", tự cho mình quyền định đoạt cách trả nợ, như cách bà Đặng Thị Hường, chủ doanh nghiệp Đại Phúc, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai, người đang vỡ nợ số tiền gần 70 tỷ đồng: “Thôi bây giờ khoanh cái số nợ này lại, không tính lãi nữa, để lãi lên thì đau đầu quá mà cũng không thể thanh toán được, thôi để tôi làm tôi trả cái gốc. Tôi bán hết tài sản đi trả cho ngân hàng xong rồi còn dư bao nhiêu thì bắt đầu liệt kê tài sản hoặc nhượng lại cho ai kinh doanh. Mình làm nghề khác để mình trả nợ cho họ"!

Trong số những người chầu trực ở UBND thị trấn Chư Prông để mong lấy lại tiền và hàng hóa của mình từ những doanh nghiệp vỡ nợ, nhiều người đã tỉnh ngộ. Bà Phạm Thị Nhiệm, ở thôn An Hòa, xã Ia Đrăng (huyện Chư Prông) chua chát: “Tin tưởng bạn bè mới xảy ra cớ sự này. Từ nay về sau chúng tôi cũng không dám làm cái chuyện này nữa. Dù lãi cao hay lãi thấp chúng tôi cũng khiếp ba đời. Chúng tôi là bài học đấy.”

Người viết rút ra một kết luận đáng buồn là: Lời hứa trả nợ luôn là thứ còn lại sau cùng ở  các doanh nghiệp vỡ nợ, và chủ nợ-những nông dân không còn con đường nào khác là đợi những lời khất này trở thành hiện thực. Có điều, đã 4 năm sau những vụ vỡ nợ cà phê rúng động ở Đắk Lắk, hầu như chẳng có mấy nông dân đòi được số nợ của mình. Và cũng chưa một phiên tòa nào được mở ra mà giúp đòi được nợ cho nông dân./.
 

VOV- Tây Nguyên
 

 

Doanh nhân vay 11 tỷ phải trả gần 29 tỷ đồng trong năm

Bí vốn nên tìm tiền "nóng", nhiều chủ doanh nghiệp phải bỏ trốn, hầu tòa... vì dân vay nặng lãi đòi nợ.

Sau nhiều ngày bị chủ nợ săn đuổi, dọa dẫm, chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một shop kinh doanh hàng mỹ phẩm, dược phẩm xách tay đã tìm đến cơ quan công an. Để ôm lô hàng trị giá 800 triệu đồng, chị Huyền phải huy động vốn trong một tuần, quá gấp gáp, chị nhờ chồng vay "nóng" giúp 500 triệu. Chị nghĩ đơn giản khi giải phóng xong hàng sẽ thanh toán, nào ngờ hàng bị lưu kho quá lâu khiến chị không xoay xở được tiền mặt. Lãi mẹ đẻ lãi con, chị Huyền bị ép trả tới vài chục triệu tiền lãi một tháng.

Sau vài tháng, chị Huyền không "xoay sở" được tiên đành tới công an kinh tế tố cáo những đối tượng cho vay nặng lãi. Nỗi lo tạm qua nhưng thỉnh thoảng họ vẫn nhắn tin dọa đòi số tiền lãi lên tới gần 200 triệu kèm những lời hăm dọa.

Đã chứng kiến nhiều cảnh bị dân "tín dụng đen" ép nợ, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp vay nợ ngoài đều trong hoàn cảnh không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường tìm đến tín dụng đen khi đối mặt với các vụ kiện tụng, nợ nần của đối tác, khách hàng hoặc người cho vay. Có doanh nghiệp mượn nhà cửa của người thân để thế chấp, khi quá hạn ngân hàng phát mãi ngôi nhà đó nên phải vay nóng để giữ nhà. Từ đó, doanh nghiệp sẽ trở thành con nợ của dân tín dụng đen, hậu quả thường rất thảm hại bởi dân tín dụng đen sẽ không từ thủ đoạn, phương cách nào để thu hồi lại tiền gốc và lãi cắt cổ”.

Luật sư Hòe dẫn chứng về trường hợp ở quận Hai Bà Trưng,- Hà Nội, một gia đình kinh doanh dược phẩm đã phải bán ngôi nhà của mình đang ở với giá chỉ bằng một nửa cho chủ nợ, người cho họ vay tiền "nóng".

Luật sư cho biết: “Dân cho vay tiền 'nóng' rất am hiểu luật pháp, giấy tờ cho vay luôn tuân thủ luật pháp nghiêm ngặt, tiền vay sẽ được cắt lãi ngay từ đầu nên người vay không có bằng chứng về việc cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, do quá gấp gáp về vốn và các khoản nợ nên thường doanh nghiệp là người chủ động tìm đến tín dụng đen để vay. Khi không thể bắt nợ bằng các hình thức khuất tất như dùng xã hội đen hay khủng bố, đe dọa, người cho vay sẽ đưa con nợ ra tòa, vào tù là chuyện khó tránh khỏi”.

Chị Nguyễn Thu Hương, một thân chủ của luật sư Hòe đã phải bỏ gia đình (Tân Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi biệt tích vì số tiền chị vay từ 11 tỷ đã lên tới 29 tỷ chỉ trong vòng chưa đầy một năm, theo cách tính của dân cho vay nặng lãi. Tuy đã tìm tới luật sư nhưng chị Hương lo sợ phải đối mặt với án tù dành cho tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản công dân, dù biết rõ hơn ai hết, chị mới là người bị chiếm đoạt. Ngôi nhà trên phố Nguyễn Chính của chị giờ đã bị xiết nợ, chồng con chị phiêu bạt mỗi người một nơi.

Tha hương trốn nợ

Gương mặt lạnh lùng, nụ cười bất cần, ít ai biết người đàn ông tên Nguyễn Mạnh Cường, đội viên đội 6 của một trại giam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vốn là một chủ doanh nghiệp có cơ ngơi bề thế ở tỉnh.

Anh Cường kể, “Năm 2005, tôi thành lập doanh nghiệp vận tải với vỏn vẹn 4 chiếc xe tải trọng nhỏ". Sau hai năm công việc kinh doanh phát triển, anh Cường mạnh dạn vay vốn và chuyển mô hình công ty thành công ty cổ phần với mấy người anh em họ hàng. Tới năm 2009, công việc làm ăn bắt đầu khó khăn.

Anh Cường nói, “Sai lầm của tôi bắt đầu vào cuối năm 2011 khi làm một công trình rất lớn. Thi công nửa năm trời nhưng đối tác chỉ trả được một phần tiền rất nhỏ. Ngân hàng tới hạn phải trả, nhân công cũng đã bị nợ lương vài tháng, tôi đành bán một ngôi nhà để trang trải xong cũng không hết.

Đang bí vốn, Cường tìm đến một đầu nậu cho vay nặng lãi. Không phải chờ lâu, anh Cường lập tức có đủ số tiền trả đối tác. Một, hai, rồi ba lần, cứ bí bách là anh Cường tìm đến vay nóng. Công việc làm ăn khó khăn chồng chất, tiền lãi ngày một tăng, anh Cường thường xuyên bị hối thúc trả nợ. Đôi lần, những người cho vay bắt nợ xe của anh với giá rẻ mạt. Tồi tệ hơn, dân tín dụng đen còn bắn tiếng không trả đủ và đúng hẹn tiền lãi sẽ bắt cóc con anh.

 

Anh Cường cũng kể về một người bạn Nguyễn Văn Đại, một người có doanh nghiệp ở Hà Nội cũng là “cơn nợ” tín dụng đen bị truy tìm đến mức phải bỏ trốn. Hiện, anh Đại và vợ con đã từ giã ngôi biệt thự đẹp đẽ đi ở thuê trong làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội..

Đường cùng, anh Đại quyết định làm thủ tục ly hôn, bỏ sang Hàn Quốc làm thuê. Vợ con anh ở lại cũng sống không yên ổn với dân cho vay tiền "nóng". Tuy chị Hoa đã chuyển chỗ ở mấy lần nhưng vẫn bị tìm đến, đòi tiền, dọa dẫm, dù chị không phải con nợ.

Theo VietNamNet


Vợ chồng Thượng tá quân đội vỡ nợ gần 20 tỉ đồng

 

Ngày 19/8, đại diện trường Đại học Nguyễn Huệ (Bộ Quốc phòng, đóng tại Đồng Nai) cho biết, đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng, do vợ chồng một Thượng tá quân đội gây ra.

Theo đơn tố cáo của nhiều người dân gửi Ban giám hiệu trường Đại học Nguyễn Huệ, cách đây 1 năm, Thượng tá Phạm Hùng (giảng viên Khoa Sư phạm quân sự) và vợ là Phạm Thị Hiền (nhân viên nấu cơm cho Tiểu đoàn 5, Đại học Nguyễn Huệ) mở cửa hàng kinh doanh thẻ nạp tiền (card) ĐTDĐ tại nhà riêng (khu 94, Long Đức 1, xã Tam Phước, TP Biên Hòa).

Cuối tháng 6/2012, vợ chồng ông Hùng cho biết, đến ngày 27/7, có đợt khuyến mãi Viettel rất lớn, nên huy động vốn để mua card.

Chị Trần Thị Hà (ngụ tại cư xá Trường Sĩ quan lục quân 2) đưa cho ông Hùng 870 triệu đồng để lấy card (ông Hùng hứa ngày sau sẽ giao card). Tuy nhiên, sau đó chị Hà liên tục gọi điện đòi, thì ông Hùng đưa ra nhiều lý do để tránh giao hàng cũng như không chịu trả lại tiền.

Đến ngày 9/8, chị Hà thấy nhiều người tụ tập trước nhà vợ chồng ông Hùng để đòi nợ; điện thoại lúc này không liên lạc được nên đến trình báo với Ban Giám hiệu trường Đại học Nguyễn Huệ. Tại đây, chị Hà mới biết có rất nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như mình.

Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, nạn nhân của vợ chồng ông Hùng lên đến hàng chục người với số tiền khoảng 19 tỉ đồng. Hầu hết những người cho vợ chồng Hùng vay đều là nhân viên trường Đại học Nguyễn Huệ, người dân địa phương, đại lý bán sim card điện thoại...

Trước sự bức xúc của người dân và để tránh mất an ninh trật tự, cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong ngôi nhà của vợ chồng ông Hùng, chờ xử lý.

Đại tá Đỗ Hữu Tần - Phó hiệu trưởng Đại học Nguyễn Huệ cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo, nhà trường đã phối hợp Cục Điều tra hình sự Quân khu 7 và chính quyền địa phương thẩm tra xác minh./.

 

 

1
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn