1
06:52 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 311

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 310


Hôm nayHôm nay : 21761

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 411848

Tổng cộngTổng cộng : 27966132

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIẾNG VIỆT

Lá Thư Mục Vụ của Ðức TGM Denver Về Humanae Vitae

Thứ bảy - 18/02/2012 21:54-Đã xem: 1351
Xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để nhận biết kho tàng vĩ đại đang có trong giáo huấn của chúng con về tình yêu hôn nhân và tình dục con người, cho chúng con đức tin, niềm vui và sự kiên trì để sống giáo huấn ấy trong chính gia đình chúng con--và xin cho chúng con sự can đảm của Ðức Phaolô VI để rao giảng giáo huấn này.
Lá Thư Mục Vụ của Ðức TGM Denver Về Humanae Vitae

Lá Thư Mục Vụ của Ðức TGM Denver Về Humanae Vitae

Anh chị em thân mến trong Ðức Kitô.

1. Ba mươi năm trước, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố tông thư Humanae Vitae (Về Ðời Sống Con Người), để tái xác nhận giáo huấn không thay đổi của Giáo Hội về điều hòa sinh sản. Chắc chắn đó là sự can thiệp của đức giáo hoàng bị hiểu lầm nhiều nhất trong thế kỷ. Nó đã gây nên ba thập niên nghi ngờ và bất mãn trong giới Công Giáo, nhất là trong các quốc gia tân tiến. Tuy nhiên, với thời gian, nó cũng đã cho thấy đó là một lời tiên báo. Nó đã nói lên một sự thật.

Bởi đó, mục đích của lá thư mục vụ này thật đơn giản. Tôi tin rằng thông điệp Humanae Vitae không phải là một gánh nặng nhưng là một niềm vui. Tôi tin rằng bức tông thư ấy sẽ đem lại một giải pháp cho các hôn nhân được đậm đà và phong phú hơn. Và bởi đó điều tôi mong muốn là các gia đình trong Giáo Hội địa phương của chúng ta không chỉ tôn trọng nó như một tài liệu từng bị chỉ trích là không thích hợp, nhưng là một nỗ lực tích cực và lâu dài để học hỏi Humanae Vitae; để dạy trong các giáo xứ một cách trung thực; và để khuyến khích các đôi vợ chồng sống thông điệp đó.

I. Thế Giới Từ Năm 1968

2. Không sớm thì muộn, mọi cha xứ đều phải khuyên giải một người bị nghiện. Thường là nghiện rượu hoặc nghiện thuốc. Và thường thì hoàn cảnh đều giống nhau. Người nghiện thú nhận mình có vấn đề nhưng cho rằng họ không có khả năng để cưỡng lại. Hoặc, ngược lại, người nghiện cho rằng mình không có vấn đề gì cả, ngay cả đã tiêu hủy sức khoẻ và mất việc, tan nát gia đình. Bất kể lời khuyên răn của cha xứ có hữu lý đến đâu; bất kể lý luận của ngài có đúng và có sức thuyết phục đến đâu; và bất kể tình trạng có nguy hiểm đến đời sống thế nào đi nữa, người nghiện không thể hiểu--hay không thể hành động theo--lời khuyên bảo. Sự nghiện ngập, như tấm kính chắn dầy đặc, ngăn cách người nghiện với bất cứ ai hoặc bất cứ gì có thể giúp đỡ họ.

3. Một cách để hiểu lịch sử của Humanae Vitae là nghiên cứu ba thập niên vừa qua qua biến thái của việc nghiện ngập. Tôi tin là thế giới tân tiến khó chấp nhận thông điệp này không phải vì bất cứ khuyết điểm gì trong lý luận của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, nhưng vì sự nghiện ngập và những mâu thuẫn tự nó đã gây nên thương tích, đúng như Ðức Thánh Cha đã cảnh cáo.

4. Khi trình bầy tông thư của ngài, Ðức Phaolô VI báo trước bốn vấn đề chính sẽ xảy ra nếu giáo huấn về điều hoà sinh sản của Giáo Hội bị bỏ qua. Trước hết, ngài cảnh cáo về sự lan tràn việc dùng thuốc ngừa thai sẽ dẫn đến "sự bất trung trong đời sống vợ chồng và luân lý bị coi thường." Ðiều này đã xảy ra đúng như thế. Ít người phản đối rằng tỉ lệ phá thai, ly dị, gia đình tan vỡ, đánh đập vợ con, bệnh hoa liễu và các trẻ em ngoại hôn đã gia tăng một cách kinh khủng kể từ giữa thập niên 1960. Hiển nhiên, thuốc ngừa thai không phải là yếu tố duy nhất trong vấn đề này. Nhưng nó đóng vai trò chủ yếu. Thật vậy, cuộc cách mạng văn hoá kể từ năm 1968, tối thiểu bị lôi kéo phần nào bởi việc thay đổi thái độ đối với tình dục, mà nó không thể xảy ra hay tồn tại nếu không thể có được phương tiện ngừa thai cách dễ dàng. Trong vấn đề này, Ðức Phaolô VI đã đúng.

5. Thứ hai, ngài cũng cảnh cáo rằng người nam sẽ không tôn trọng người nữ và "không còn để ý đến sự quân bình về thể lý và tâm lý của người nữ," đến độ người nam sẽ coi người nữ "như một dụng cụ để hưởng lạc cách ích kỷ, và không còn như một người bạn đời đáng yêu và đáng tôn trọng." Nói cách khác, theo Ðức Giáo Hoàng, việc ngừa thai có thể được quảng cáo là giải phóng phụ nữ, nhưng "người hưởng lợi" thực sự của thuốc và dụng cụ ngừa thai là nam giới. Ba thập niên sau, đúng như Ðức Phaolô VI đã đề cập, thuốc ngừa thai đã giải thoát nam giới khỏi phải chịu trách nhiệm về hành động tình dục của mình--tới mức độ không thể ngờ trong lịch sử. Trong tiến trình đó, một trong những cay đắng kỳ lạ của cuộc tranh luận về ngừa thai trong những thế hệ qua là: Nhiều phụ nữ cấp tiến đã tấn công Giáo Hội Công Giáo vì cho là không tôn trọng phụ nữ, nhưng trong Humanae Vitae, Giáo Hội đã nhận định và tẩy chay việc lạm dụng tình dục phụ nữ từ lâu trước khi điều này xâm nhập vào dòng văn hóa. Một lần nữa, Ðức Phaolô VI đã đúng.

6. Thứ ba, Ðức Thánh Cha cũng khuyến cáo rằng việc sử dụng thuốc ngừa thai cách rộng rãi sẽ đặt một "khí giới nguy hiểm... trong tay các nhà cầm quyền là những người coi thường nhu cầu cấp bách của luân lý." Như chúng ta đã khám phá từ ngày ấy, thuyết ưu sinh đã không tan biến với thuyết chủng tộc của Ðức Quốc Xã trong năm 1945. Các chính sách kiểm soát dân số bây giờ là điều kiện phải chấp nhận trong hầu hết các thảo luận về viện trợ nước ngoài. Việc xuất cảng ồ ạt phương tiện ngừa thai, phá thai và vô hiệu hóa sinh sản bởi các nước tân tiến cho các nước đang phát triển--thường như một điều kiện tiên quyết để đổi lấy đô la và thường đối nghịch với những truyền thống luân lý của địa phương--là một hình thức ngụy trang mỏng manh của cuộc chiến tranh dân số và tái-bố-trí văn hóa. Ðức Phaolô VI lại đúng.

7. Thứ tư, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI khuyến cáo rằng sự ngừa thai sẽ khiến con người mê muội nghĩ rằng họ có quyền không giới hạn trên thân xác họ, một cách lạnh lùng biến con người trở thành đối tượng cho quyền xâm phạm của chính họ. Ở điểm này lại có điều cay đắng khác: Khi rơi vào sự tự do giả dối do sự ngừa thai và phá thai đem lại, giới phụ nữ cấp tiến đã tích cực thông đồng trong việc phi nhân hóa. Một người nam và một người nữ được dự phần một cách độc đáo vào vinh quang của Thiên Chúa bởi khả năng đồng-sáng-tạo sự sống mới với Ngài. Tuy nhiên, tâm điểm của việc ngừa thai lại cho rằng thụ thai là sự nhiễm độc cần phải tấn công và kiểm soát, giống như thuốc kháng sinh tấn công vi khuẩn. Với thái độ này, người ta có thể thấy sự liên hệ hữu cơ giữa ngừa thai và phá thai. Nếu việc thụ thai bị hiểu sai lầm như sự nhiễm độc phải tấn công, thì sự sống mới cũng thế. Trong bất cứ trường hợp nào, yếu tố xác định căn tính của phụ nữ--khả năng sinh sản--được coi như một yếu điểm phải thận trọng nghi ngờ và "chữa trị." Phụ nữ đã trở nên đối tượng của những dụng cụ mà họ phải nương tựa vào để đảm bảo cho sự giải phóng và tự vệ của chính mình, trong khi người nam phủi tay với gánh nặng này. Một lần nữa, Ðức Phaolô VI đã đúng.

8. Từ điểm sau cùng của Ðức Thánh Cha, nhiều điều đã lan tràn: Thụ thai trong ống nghiệm, "cloning", thao túng di truyền tính và thử nghiệm phôi thai đều bắt nguồn từ kỹ thuật ngừa thai. Thật vậy, chúng ta đã ngây thơ đánh giá quá thấp những hậu quả của kỹ thuật này, nó không chỉ ảnh hưởng ở bề ngoài xã hội, nhưng còn ở bên trong căn tính của loài người. Như tác giả Neil Postman nhận xét, sự thay đổi kỹ thuật không chỉ thêm vào nhưng còn có tính cách sinh thái học. Một kỹ thuật tân tiến không chỉ "thêm" điều gì đó vào xã hội; nó thay đổi tất cả--cũng giống như một giọt mực đỏ không còn giữ được sự tách biệt trong ly nước, nhưng nó đã đổi mầu và thay đổi mọi phân tử nước. Kỹ thuật ngừa thai, vì ảnh hưởng của nó trên sự giao hợp, thật chính xác đã phá đổ sự hiểu biết của chúng ta về mục đích của tình dục, của sự thụ thai và của chính hôn nhân. Nó đã tách biệt những điều này khỏi thiên nhiên, khỏi đặc tính hữu cơ của loài người và gián đoạn tính chất sinh thái của sự tương giao con người. Nó đã xáo trộn ngôn ngữ tình yêu của chúng ta, cũng như sự kiêu căng đã xáo trộn ngôn ngữ ở Tháp Babel.

9. Bây giờ, hàng ngày chúng ta phải đương đầu với hậu quả. Tôi viết những dòng chữ này trong tuần lễ của tháng Bảy (98), trong một vài ngày gần đó, tin tức cho biết gần 14 phần trăm người dân ở Colorado đã dùng ma tuý hay nghiện rượu; một ủy ban của thống đốc đã ca ngợi hôn nhân trong khi cùng lúc lại đề nghị những tiến trình để phá đổ hôn nhân ở Colorado bằng cách nới rộng quyền lợi và trách nhiệm song phương cho những người trong "những quan hệ có kết ước," kể cả những quan hệ đồng-phái-tính; và đôi tình nhân trẻ bị kết án về tội đã tàn nhẫn giết con sơ sinh. Theo tường trình của báo chí, một hay cả hai tình nhân này đã "đánh mạnh vào sọ của bé sơ sinh khi nó còn sống, và vứt thân thể méo mó của bé vào một thùng rác để cho chết." Ðây là những hàng chữ đầu trên tờ báo của một nền văn hoá đang trong tình trạng hiểm nghèo. Xã hội Hoa Kỳ tan tác với đặc tính tình dục và lối đối xử lệch lạc, gia đình suy sụp và thái độ thô bạo đối với sự thiêng liêng của đời sống con người. Mọi người đều nhận thấy ngoại trừ người nghiện: Chúng ta có vấn đề. Chúng ta đang bị tiêu diệt. Vậy chúng ta sẽ làm gì với vấn đề này? Ðiều tôi muốn đề nghị ở đây là nếu Ðức Phaolô VI nói đúng về nhiều hậu quả của việc ngừa thai, đó là vì ngài biết rất đúng về sự ngừa thai. Ðể có thể phục hồi lại sự nguyên vẹn như cá nhân và như một người có đức tin, chúng ta cần bắt đầu xem lại Humanae Vitae với tâm hồn rộng mở. Chúa Giêsu nói sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Humanae Vitae thì đầy dẫy những chân lý. Bởi thế đó là chìa khóa cho sự tự do của chúng ta.

II. Humane Vitae Thực Sự Nói Những Gì

10. Có lẽ một trong những thiếu sót khi truyền đạt thông điệp Humanae Vitae từ 30 năm qua là ngôn ngữ dùng để giảng dạy thông điệp này. Bổn phận và trách nhiệm của đời sống gia đình thì rất nhiều. Và cũng quan trọng. Những bổn phận và trách nhiệm này cần phải được xem xét cẩn thận và tâm niệm từ lâu. Nhưng rất ít vợ chồng hiểu tình yêu của họ về mặt thần học kinh viện. Ðúng hơn, họ rơi vào tình yêu. Ðó là ngôn ngữ thường dùng (fall in love). Nó thật đơn giản và hiển nhiên. Họ dâng hiến cho nhau. Họ tự trao cho nhau. Họ yêu nhau để chiếm hữu, và để được chiếm hữu một cách trọn vẹn. Và đúng như vậy. Trong tình yêu vợ chồng, Thiên Chúa muốn họ có sự hân hoan và vui sướng, có hy vọng và đời sống sung mãn, trong và qua mỗi người--tất cả được sắp đặt trong một phương cách để đem vợ chồng, con cái, và tất cả những người họ quen biết, đi sâu vào vòng tay dấu ái của Thiên Chúa.

11. Kết quả là, khi trình bầy bản chất hôn nhân Kitô giáo cho thế hệ mới, tối thiểu chúng ta cần phải nói rõ về sự thoả mãn tràn đầy cũng như bổn phận của hôn nhân. Thái độ của Công Giáo đối với vấn đề tình dục thì nghiêm khắc, đè nén hay chống vui thú nhục dục. Thiên Chúa tạo nên vũ trụ và rập khuôn con người theo hình ảnh của chính Ngài. Bởi thế thể xác thì tốt đẹp. Thật vậy, tôi thường buồn cười khi nghe người ta than phiền về điều được cho là "giới hạn tình dục" của luân lý Công Giáo, đồng thời về nhân số trong gia đình Công Giáo. Hôn nhân Công Giáo--cũng rất giống như chính Chúa Giêsu--thì không phải là vấn đề khan hiếm nhưng dồi dào. Nó không phải là sự vô hiệu hóa sinh sản, nhưng đúng hơn là kết quả bắt nguồn từ tình yêu kết hợp, sinh sản. Tình yêu hôn nhân Công Giáo luôn luôn bao hàm tiềm năng sự sống mới; và vì thế, hôn nhân xoá tan sự cô đơn và khẳng định tương lai. Và vì nó khẳng định tương lai, nó trở nên lò sưởi hy vọng trong một thế giới dường như tuyệt vọng. Kết quả là hôn nhân Công Giáo thật hấp dẫn vì nó thực như vậy. Nó được thiết lập vì loài người chúng ta: con người có nghĩa là để cảm thông. Vợ chồng để bổ sung cho nhau. Khi Thiên Chúa kết hợp người nam và người nữ trong hôn nhân, họ cùng với Ngài tạo nên một tổng thể mới; một "lệ thuộc" thì thật chính đáng, thật cụ thể, đến độ sự sống mới đó, đứa bé đó, là sự diễn đạt tự nhiên và là dấu ấn của hôn nhân. Ðây là điều Giáo Hội muốn nói khi dạy rằng tự bản chất, tình yêu hôn nhân Công Giáo thì có tính cách kết hợp và sinh sản--không chỉ có một cái này hay cái kia.

12. Nhưng tại sao đôi vợ chồng không thể chọn khía cạnh kết hợp và thường xuyên ngăn chặn hay ngay cả tạm thời ngăn chặn bản chất sinh sản của hôn nhân? Câu trả lời thì đơn giản và căn bản như chính Phúc Âm. Khi vợ chồng hiến thân cho nhau một cách thành thật và trọn vẹn, như bản chất của tình yêu hôn nhân bao hàm và đòi hỏi, là phải bao gồm toàn thể con người họ--và cái phần riêng tư, uy quyền nhất của mỗi người là khả năng sinh sản. Sự ngừa thai không chỉ từ chối khả năng sinh sản này mà còn tấn công sự sinh sản; khi làm như thế, nó cũng tất yếu làm thiệt hại đến sự kết hợp. Cũng tương tự như đôi vợ chồng nói với nhau rằng: "Em sẽ cho anh tất cả con người em--ngoại trừ khả năng sinh sản; Anh sẽ chấp nhận tất cả con người em--ngoại trừ khả năng sinh sản." Sự giữ lại phần đặc biệt này sẽ đưa đến hậu quả không thể tránh được là cô lập và ngăn cách đôi vợ chồng, và làm tan vỡ tình nghĩa thiêng liêng giữa hai người... có lẽ không ngay tức thì và công khai, nhưng một cách sâu kín, và trong tương lai nó thường giết chết hôn nhân.

13. Ðây là lý do Công Giáo không chỉ chống đối ngừa thai "nhân tạo." Giáo Hội chống đối mọi hình thức ngừa thai. Khái niệm "nhân tạo" không ăn nhập gì với vấn đề. Thật vậy, nó có xu hướng làm sự thảo luận thêm nhầm lẫn bởi ám chỉ rằng đó là vấn đề xâm phạm của một vật thể vào trong thân thể con người. Không phải vậy. Giáo Hội không có trở ngại với sự can thiệp thích hợp có tính cách khoa học để chữa trị hay tăng tiến sức khoẻ. Ðúng hơn, Giáo Hội dạy bảo rằng mọi sự ngừa thai đều sái luân lý; và không chỉ sai lầm, nhưng trầm trọng sai lầm. Giao ước của vợ chồng trong hôn nhân đòi hỏi mọi giao hợp phải mở lối cho sự truyền sinh. Ðây là ý nghĩa của việc trở nên "một thân thể": tự hiến trọn vẹn, không hạn chế gì hay có ngoại lệ nào, cũng như Ðức Kitô không giữ lại điều gì của chính Ngài khi trao ban cho hiền thê của Ngài, là Giáo Hội, bằng cách chết cho Giáo Hội trên thập giá. Bất cứ sự cốt ý can thiệp nào vào bản chất sinh sản của sự giao hợp tất yếu bao gồm sự từ chối lẫn nhau và từ chối Thiên Chúa, là Người cộng tác với họ trong bí tích tình yêu. Hậu quả là, họ tước đoạt một điều vô cùng quý giá--chính bản thân--của nhau và của Tạo Hóa.

14. Và đây là lý do tại sao Kế hoạch hoá Gia đình cách tự nhiên (KHG) khác với sự ngừa thai, không chỉ ở hình thức nhưng còn ở bản chất luân lý, như một phương tiện để điều hòa nhân số gia đình. KHG không phải là ngừa thai. Ðúng hơn, đó là một phương cách nhận biết và quý trọng khả năng sinh sản. Nó là một phương cách hoàn toàn khác biệt để điều hoà sinh sản. KHG không tấn công khả năng sinh sản, không giữ lại chút gì khi tự hiến cho người phối ngẫu, hay ngăn chặn bản chất sinh sản của sự giao hợp. Giao ước hôn nhân đòi hỏi mỗi hành động giao hợp phải là một hành động tự hiến một cách trọn vẹn, và do đó mở đường cho sự sống mới. Nhưng khi, vì lý do tốt lành, người vợ hay người chồng giới hạn việc giao hợp theo chu kỳ trứng rụng tự nhiên của người vợ trong tháng, họ chỉ tôn trọng chu kỳ mà Thiên Chúa đã tạo nên trong người phụ nữ. Họ không phá vỡ nó. Và bởi thế họ vẫn sống trong lề luật của tình yêu Thiên Chúa.

15. Dĩ nhiên, có nhiều lợi ích lạ lùng của việc thực hành KHG. Người vợ giữ mình khỏi sự xâm nhập của hóa chất hay dụng cụ và vẫn giữ được chu kỳ tự nhiên của mình. Người chồng chia sẻ và có trách nhiệm trong KHG. Cả hai biết cách tự làm chủ tốt hơn và tôn trọng nhau sâu xa hơn. Ðúng là KHG bao gồm sự hy sinh và tránh giao hợp trong một thời hạn. Lúc đó, có thể rất khó khăn. Nhưng bất cứ đời sống Kitô hữu nào cũng thế, dù là có chức thánh, tận hiến, độc thân hay có gia đình. Hơn thế nữa, cảm nghiệm của hàng chục ngàn đôi vợ chồng chứng minh rằng, khi sống một cách không ích kỷ và thành khẩn, KHG làm hôn nhân thêm phong phú và sâu đậm hơn và kết quả là thân mật hơn--và vui sướng hơn. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với tổ tiên chúng ta hãy sinh sản cho nhiều (St 1:28). Ngài bảo chúng ta hãy chọn sự sống (TL 30:19). Ngài sai con Ngài, là Ðức Giêsu, đem đến cho chúng ta sự sống sung mãn (Gioan 10:10) và nhắc nhở chúng ta rằng ách của Ngài thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Bởi thế, tôi không nghĩ rằng sự khác biệt chính yếu của người Công Giáo đối với Humanae Vitae thì không phải là sự khủng hoảng về tình dục, về quyền bính Giáo Hội hay xứng hợp luân lý, nhưng đúng hơn là vấn đề về đức tin: Chúng ta có thực sự tin vào sự thiện hảo của Thiên Chúa hay không? Giáo Hội nói thay cho Phu Quân của mình, là Ðức Giêsu Kitô, và người tín hữu lắng nghe một cách tự nhiên, một cách hăng hái. Giáo Hội chỉ cho đôi vợ chồng con đường để kéo dài tình yêu và một văn hóa sự sống. Ba mươi năm lịch sử đã ghi nhận hậu quả của sự lựa chọn sai lầm.

III. Chúng Ta Cần Làm Gì

16. Tôi muốn cám ơn nhiều đôi vợ chồng đã sống thông điệp Humanae Vitae trong đời sống hôn nhân của họ. Sự trung tín của họ đối với chân lý này đã thánh hóa gia đình họ và toàn thể cộng đồng đức tin của chúng ta. Tôi đặc biệt cám ơn các đôi vợ chồng đã dạy KHG và cố vấn người khác trong trách nhiệm làm cha mẹ phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Công lao của họ thường bị lãng quên hay đánh giá thấp--nhưng họ là những trạng sư mạnh mẽ cho sự sống trong thời đại hỗn loạn.

Tôi cũng muốn dâng lời cầu nguyện và khuyến khích các đôi vợ chồng phải chịu cảnh hiếm muộn. Trong một xã hội có xu hướng tránh xa trẻ em, họ lại chịu gánh nặng của sự khao khát con cái mà không được. Không lời cầu nguyện nào mà không được trả lời, và mọi đau khổ dâng lên cho Chúa sẽ có kết quả trong một hình thức nào đó của sự sống mới. Tôi khuyến khích họ nghĩ đến việc nhận con nuôi, và tôi kêu gọi họ hãy nhớ rằng một cùng đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu. Dù là ngăn chặn việc thụ thai hay cố để thụ thai, mọi kỹ thuật làm tách biệt chiều kích kết hợp và sinh sản của hôn nhân thì luôn luôn sai lầm. Những kỹ thuật tạo sinh, đã biến các phôi thai thành các vật thể và một cách máy móc thay thế vòng tay yêu thương của vợ chồng, đã vi phạm đến nhân phẩm và coi sự sống như một sản vật. Bất kể ý muốn của họ có tích cực đến đâu, những kỹ thuật này làm tăng thêm nguy cơ của xu hướng hạ giá đời sống con người xuống hàng vật chất để có thể thao túng.

17. Không bao giờ quá trễ để quay về với Thiên Chúa. Chúng ta không bất lực. Chúng ta có thể tạo sự khác biệt bằng cách làm chứng cho sự thật về tình yêu và sự chung thủy trong hôn nhân cho xã hội chung quanh chúng ta. Trong tháng Mười Hai năm qua, trong lá thư mục vụ mang tựa đề "Good New of Great Joy", tôi đã nói về ơn gọi quan trọng của mỗi người Công Giáo là trở nên nhà truyền giáo. Tất cả chúng ta là các thừa sai. Hoa Kỳ trong thập niên 1990, với nền văn hoá lệch lạc về tình dục, hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, thật cần đến Phúc Âm. Như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong tông huấn Familiaris Consortio (Về Gia Ðình), đôi vợ chồng và gia đình có vai trò quan trọng trong việc làm chứng cho Ðức Giêsu Kitô đối với nhau và đối với xã hội chung quanh (49, 50).

18. Trong sự soi dẫn ấy, tôi yêu cầu các vợ chồng trong giáo phận hãy đọc, thảo luận và cầu nguyện về Humanae Vitae, Familiaris Consortio và những văn kiện khác của Giáo Hội đã phác họa giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và tình dục. Nhiều đôi vợ chồng, không biết đến sự khôn ngoan vô giá này trong những văn kiện, đã tự mình đánh mất nguồn hỗ trợ mỹ miều cho tình yêu hỗ tương của họ. Tôi đặc biệt khuyến khích các vợ chồng xét lại lương tâm về vấn đề ngừa thai, và tôi xin họ hãy nhớ rằng "lương tâm" thì không phải là vấn đề sở thích cá nhân. Nó đòi hỏi chúng ta tìm kiếm và hiểu biết giáo huấn của Giáo Hội, và một cách thành thật cố gắng thay đổi tâm hồn theo giáo huấn. Tôi thúc giục họ hãy tìm đến Bí Tích Hòa Giải những khi họ sa ngã vào việc ngừa thai. Tình dục lệch lạc là sự nghiện ngập chính yếu của xã hội Hoa Kỳ trong những năm cuối thế kỷ. Nó trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến chúng ta. Hậu quả là đối với nhiều người, lá thư mục vụ này khó có thể chấp nhận được. Nhưng đừng nản chí. Mỗi người chúng ta đều là tội nhân. Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương. Bất kể chúng ta sa ngã bao nhiêu lần, Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta nếu chúng ta sám hối và xin ơn trợ giúp để làm theo ý Ngài.

19. Tôi xin các anh em linh mục nhìn lại công việc mục vụ của chính mình, để đảm bảo rằng những công việc ấy trưng ra một cách trung thực và đầy khích lệ giáo huấn của Giáo Hội trong những công việc ở giáo xứ. Giáo dân chúng ta có quyền biết sự thật về tình dục con người và phẩm giá của hôn nhân. Ðể hoàn thành điều này, tôi yêu cầu các cha sở hãy đọc và áp dụng tài liệu "The Vademecum for Confessors Concerning Some Aspects of the Morality of Conjugal Life," và học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và kế hoạch hóa gia đình. Tôi thúc giục các cha chỉ định một điều hợp viên để tạo điều kiện thuận tiện cho việc trình bầy giáo huấn Công Giáo về tình yêu hôn nhân và kế hoạch hóa gia đình.

20. Hai điều sau cùng. Thứ nhất, vấn đề ngừa thai không phải là thứ yếu, nhưng quan trọng và cốt yếu trong hành trình của người Công Giáo đến với Thiên Chúa. Nếu đã thi hành một cách có ý thức và tự do, thì ngừa thai là một tội trọng, vì nó làm sái lệch bản chất của hôn nhân: tình yêu tự hiến mà, bởi bản chất của nó, là trao ban sự sống. Nó đã phá vỡ điều được Thiên Chúa tạo dựng toàn vẹn: kết hợp con người qua tình dục (tình yêu) và trao ban sự sống qua tình dục (sinh sản). Không những hôn nhân của từng người phải trả giá quá đắt, mà sự ngừa thai lại gây thiệt hại nặng nề cho xã hội nói chung: lúc đầu bằng một nhát chém vào tình yêu và sự sinh sản con cái; và đến tình dục (lạc thú ngoài hôn nhân) và tình yêu. Tuy nhiên--và đây là điểm thứ hai--dạy bảo chân lý phải thi hành với sự kiên nhẫn và nhân từ, cũng như cương quyết.

22. Ðể kết luận, chúng ta đối diện với một cơ hội mà chỉ đến một lần trong nhiều thập niên. Ba mươi năm trước đây, Ðức Phaolô VI đã nói sự thật về tình yêu hôn nhân. Làm như thế, ngài đã tạo nên một cuộc chiến trong Giáo Hội mà vẫn tiếp tục in vết trên đời sống người Công Giáo Hoa Kỳ cho đến ngày nay. Những bất tuân nhỏ bé đối với Humanae Vitae không bao lâu đã bùng lên sự bất tuân rộng lớn đối với quyền bính Giáo Hội và tấn công đến tính cách khả tín của chính Giáo Hội. Ðiều cay đắng là những người bỏ qua giáo huấn của Giáo Hội trong thập niên 1960, không bao lâu đã khám phá rằng họ đã tiêu hủy khả năng của chính họ để truyền lại cho con cháu một điều gì. Hậu quả là Giáo Hội bây giờ phải phúc âm hóa thế giới của cháu chắt họ--người lớn và thanh niên được lớn lên trong sự hỗn loạn luân lý, thường không biết về di sản luân lý của chính mình, là những người đói khát ý nghĩa, cộng đoàn, và tình yêu có thực chất. Vì tất cả những thử thách này, đây là cơ hội lớn lao cho Giáo Hội, và điều vui mừng là Giáo Hội ngày nay, như trong bất cứ thời đại nào, đã có câu trả lời để lấp đầy sự trống trải vô cùng trong tâm hồn. Bởi thế lời cầu nguyện của tôi thật đơn giản: Xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để nhận biết kho tàng vĩ đại đang có trong giáo huấn của chúng con về tình yêu hôn nhân và tình dục con người, cho chúng con đức tin, niềm vui và sự kiên trì để sống giáo huấn ấy trong chính gia đình chúng con--và xin cho chúng con sự can đảm của Ðức Phaolô VI để rao giảng giáo huấn này.

Charles J. Chaput, O.F.M. Cap.
Archbishop of Denver
July 22, 1998

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn