1
21:41 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 171

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 169


Hôm nayHôm nay : 42321

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 385350

Tổng cộngTổng cộng : 27939634

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIẾNG VIỆT

Chúng ta có quyền hy vọng không ? Tại sao lại có quyền hy vọng ?

Thứ sáu - 15/08/2014 18:53-Đã xem: 2537
Trong hy vọng chúng ta tin dù không còn gì để hy vọng” (in hope we believe against hope) đưa về đức tin của ông Ápraham vào lời hứa của Thiên Chúa là ông sẽ trở thành cha của một dân tộc đông đảo, dẫu cho khi đó ông không có con trai, còn vợ ông thì lại đã cao niên.
Chúng ta có quyền hy vọng không ? Tại sao lại có quyền hy vọng ?

Chúng ta có quyền hy vọng không ? Tại sao lại có quyền hy vọng ?

Ít năm trước đây, triết gia Nhân bản và Mác xít Ernst Bloch đã trở thành nổi tiếng qua một tác phẩm gồm hai tập nói về niềm hy vọng, những niềm hy vọng của con người trong đời sống của riêng bản thân cũng như trong tư cách là thành viên của những nhóm người và những phong trào trong xã hội. Tác giả nhìn nhận rằng một mức độ hy vọng là một sức mạnh thường tồn nơi mỗi con người, một năng lực hướng dẫn (driving power) bao lâu con người ấy còn sống. Chúng ta phải đồng ý như thế cả khi nhìn vào chính bản thân mình lẫn lịch sử nhân loại, và chúng ta có thể thắc mắc là tại sao lại có quá ít triết gia và thần học gia nói về hy vọng, về căn nguyên và sự biện chính cho niềm hy vọng như thế. Họ không thắc mắc xem loại sức mạnh nào sáng tạo ra và duy trì được niềm hy vọng, ngay cả khi mọi sự ra như đi nghịch lại với hy vọng. Thay vào đó, họ đánh giá thấp hy vọng khi gọi hy vọng là suy nghĩ đáng mong ước hay trí vẽ hão huyền.

Thế nhưng, không ai có thể sống mà không có hy vọng, cho đi là chỉ hy vọng những điều nhỏ thật nhỏ nhưng có thể đem lại một sự thoả mãn nào đó ngay trong những hoàn cảnh khốn khổ nhất, tồi tệ nhất, ngay cả khi khố rách áo ôm, khi bệnh hoạn tật nguyền hay là gặp rủi ro thất bại trong xã hội. Không có niềm hy vọng, hướng đi của cuộc đời hướng đến tương lai sẽ tan thành mây khói, còn nếu có niềm hy vọng thì có chính sự sống. Chúng ta có thể kết thúc trong tuyệt vọng, một chữ nguyên nó có nghĩa là “không-hy-vọng”, hoặc trong sự dửng dưng cũng đồng nghĩa với chết. Vì thế, hôm nay tôi muốn đặt ra câu hỏi này “Chúng ta có quyền để hy vọng không ? Niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta, cho các quốc gia dân tộc và phong trào, cho nhân loại và có thể cho mọi cuộc đời, cho toàn thể vũ trụ, liệu có là điều xác đáng không ? Chúng ta có quyền để hy vọng ngay cả khi trái ngược với hy vọng, khi coi như chẳng còn gì để hy vọng nữa không ? Thậm chí cả khi gặp sự trái nghịch trước tính cách mau qua của mọi thứ ? Ngay cả khi đối ngược với thực tại là cái chết không ?

Bản văn của chúng ta : “Trong hy vọng chúng ta tin dù không còn gì để hy vọng” (in hope we believe against hope) đưa về đức tin của ông Ápraham vào lời hứa của Thiên Chúa là ông sẽ trở thành cha của một dân tộc đông đảo, dẫu cho khi đó ông không có con trai, còn vợ ông thì lại đã cao niên. Không có cuốn sách nào trong đó cuộc chiến đấu cho niềm hy vọng lại được diễn tả đầy kịch tính hơn là cuốn sách Cựu Ước. Những con người của Cựu Ước đã cố gắng để duy trì niềm hy vọng cho Israel giữa biết bao nhiêu là những tai ương hoạn nạn trong dòng lịch sử của mình. Rồi, họ chiến đấu với tính cách là những cá nhân cho niềm hy vọng của bản thân họ, và cuối cùng ở đó một niềm hy vọng lớn lên trong họ để cho sự tái sinh của thế giới hiện thời và một tình trạng mới của vạn vật. Niềm hy vọng kép này, tức là cho vũ trụ và cho mỗi một con người, đã trở thành niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi, và đó là niềm hy vọng của Kitô giáo cho tới ngày hôm nay. Đó là niềm hy vọng của Hội Thánh về “trời mới đất mới” và của mỗi cá nhân là mình được đi vào trời mới và đất mới ấy.

Nhưng những niềm hy vọng này, cả trong hai Giao Ước, đều bị tấn công không ngơi nghỉ bởi những điều phi hy vọng, tấn công vào ý nghĩa của cuộc đời và vào niềm hy vọng về một sự thành toàn của đời sống. Trong Cựu Ước, có những tiếng kêu thống thiết bộc lộ nỗi niềm tuyệt vọng về cuộc đời. Có sự tuyệt vọng của ông Gióp, khi ông nói : “Cây cối còn có niềm hy vọng, nếu nó có bị đốn đi, nó vẫn còn có thể nẩy lộc đâm chồi lại không ngừng” – nhưng như “nước làm trôi sỏi đá, và thác lũ cuốn sạch đất đai, thì Ngài (Thiên Chúa) đã hủy diệt niềm hy vọng của con người !”.

Cũng có cả một cuộc chiến đấu kịch liệt về hy vọng trong Tân Ước nữa. Cuộc chiến ấy trải dài suốt cuộc đời của Đức Giêsu. Nhưng nó đạt tới cao điểm lúc sau khi bị bắt, các môn đệ trốn chạy tán loạn. Hết hy vọng, các ông tâm sự với nhau – tương tự như hai người trong câu chuyện đẹp thật đẹp trên đường đi Emmaus – “Chúng tôi vẫn hy vọng rằng Người là Đấng cứu chuộc Israel”. “… chúng tôi đã hy vọng, nhưng mà Người lại đã bị đóng đinh !”. Để khôi phục lại niềm hy vọng, họ phải – như được nói trong thư 1 Pr – được tái sinh vào một niềm hy vọng sống động” nhờ những lần hiện ra của Đức Giêsu mà nhiều người trong các môn đệ đã kinh nghiệm.

Từ đó mà đi, Hội Thánh phải chiến đấu với sự không hy vọng, bởi vì những nỗi niềm mong đợi của các Kitô hữu đối với việc Đức Kitô sớm trở lại hết năm này tới năm khác vẫn cứ ra như y nguyên, vẫn cứ như dậm chân tại chỗ, vẫn chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Cho nên họ hoá ra bất nhẫn và cảm thấy như là mình bị phản bội. Cho những phần tử như thế trong các cộng đoàn của mình, thánh Phaolô đã viết : “Vì chính trong hy vọng chúng ta được cứu thoát. Nay hy vọng mà thấy được thì không còn là hy vọng nữa. Nhưng nếu chúng ta hy vọng đối với điều chúng ta không thấy, chúng ta chờ đợi nó với sự kiên nhẫn”. Chúng ta chờ đợi : nghĩa là chúng ta không có ; nhưng theo một cách nào đó, chúng ta đang có và sự có như thế đem lại cho chúng ta sức mạnh để đợi chờ.

Người Kitô hữu đã được học cho biết chờ đợi sự kết thúc. Nhưng từ từ họ lại thôi không đợi không chờ nữa. Hướng đi của sự chờ đợi chân thực đã tiêu tan và họ thoả mãn với những gì họ đã có, tức là Đức Kitô, Đấng đã thiết lập Hội Thánh và qua Hội Thánh đã trao tặng niềm hy vọng Sự Sống Vĩnh Cửu. Nỗi niềm chờ mong tình trạng mới của mọi sự trên trần gian này trở thành yếu kém, cho dù người ta có cầu xin điều ấy mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha : Xin cho ý của Cha được thành tựu trên đất này cũng như ở trên trời vậy !

Điều này dẫn đến những tấn công mới vào niềm hy vọng, trước tiên là từ phía người Do-thái, những người tin cùng với các ngôn sứ Cựu Ước rằng một thời đại (eon) mới đang đến, một tình trạng mới của mọi sự đang đến trên cõi đất này. Họ chất vấn : Làm sao Đức Giêsu lại có thể là Đấng Kitô, Đấng mang đến điều mới mẻ được, nếu như thế giới trước thế nào nay vẫn y nguyên như vậy ? Những sức mạnh của ma quỉ từng thống trị thế giới vào thời của Đức Giêsu, ngày nay vẫn đang thống trị đấy thôi. Thế kỷ chúng ta đang sống làm chứng nhận định trên là không thể phi bác được. Mà chẳng phải chỉ có những người Do-thái mới nói như thế, còn cả triệu triệu những người phê bình chỉ trích Kitô giáo khắp nơi cũng khơi dậy câu trả lời đầy âu lo nơi nhiều Kitô hữu.

Đồng thời, chính niềm hy vọng của mỗi cá nhân là được tham dự vào sự sống vĩnh cửu càng lúc càng bị cắt chặt bởi cách hiểu hiện thời về thế giới thông qua khoa học và triết học. Những hình ảnh tưởng tượng về trời là một chỗ ở trên cao và hoả ngục là một chỗ ở bên dưới đã trở thành những biểu tượng cho tình trạng của đời sống nội tâm chúng ta. Niềm mong mỏi một sự tiếp nối đơn giản của sự sống sau cái chết hoá ra tiêu tan do bởi sự chấp nhận một cách chừng mực tính cách nghiêm túc của cái chết và một cách hiểu sâu xa hơn trong thần học về sự dị biệt giữa vĩnh cửu với thời gian không có hạn. Do bởi tất cả những thứ ấy, rất nhiều người ngày nay, trong đó có nhiều Kitô hữu, đã và đang trải nghiệm những cuộc tấn công của sự không hy vọng và chiến đấu để hy vọng dầu không còn gì để hy vọng. Họ – và “họ” đây cũng là chính “chúng ta” nữa – đã học biết điều này là muốn duy trì một niềm hy vọng chân chính quả là gay go biết chừng nào ! Chúng ta biết rằng người ta cứ phải đi mãi đi mãi qua những ngõ hẹp của cái “Cho dẫu” đầy thương đau và đòi hỏi lòng can đảm. Vì hy vọng không thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của giác quan hay bằng lý chứng của lý trí.

Điều này dẫn đến một cái gì đó khác làm cho hy vọng trở thành quá ư khó khăn. Hy vọng là dễ dàng đối với người điên điên khùng khùng, nhưng là gian nan vất vả đối với người khôn ngoan hiểu biết. Mỗi một con người có thể đánh mất chính mình trong những niềm hy vọng điên khùng, nhưng niềm hy vọng chân chính, đích thực là một cái gì hiếm hoi và lại vĩ đại. Cho nên làm thế nào chúng ta phân biệt được niềm hy vọng đích thực với niềm hy vọng điên rồ ?

II

Chúng ta thường cảm thấy hồ nghi không chỉ về những người khác mà còn cả về chính bản thân chúng ta nữa, không biết niềm hy vọng của những người khác hay của chính mình có đúng là niềm hy vọng đích thực hay lại là niềm hy vọng điên rồ. Chúng ta có thể tính toán tương lai đâu ra đấy và cho rằng những niềm hy vọng của chúng ta là có thể biện chính được. Nhưng chúng đều u mê điên rồ cả. Và chúng ta có thể kiên quyết hy vọng bất chấp hy vọng và bắt đầu cảm thấy điên rồ. Nhưng chúng ta có quyền trong hy vọng của chúng ta – vì ở đó có một sự dị biệt không còn bị ẩn giấu nữa, nếu chúng ta tìm kiếm. Ở đâu có niềm hy vọng đích thực, thì ở đó điều chúng ta hy vọng có được đã hiện diện một cách nào đó rồi. Theo một cách nào đó, điều được hy vọng đồng thời có ở đây mà lại không có ở đây. Nó chưa được hoàn thành và vẫn còn không được hoàn thành. Nhưng nó đang có ở đây, trong hoàn cảnh này và trong chính bản thân chúng ta như là một sức mạnh hướng dẫn những người hy vọng đi tới tương lai. Có một sự khởi đầu ở đây và lúc này. Và sự khởi đầu này hướng dẫn đi tới một kết cuộc. Chính niềm hy vọng, nếu có được nền tảng sâu xa trong thực tại của một điều gì đã có đó rồi, thì sẽ trở thành một sức mạnh hướng dẫn và làm cho việc hoàn thành, dẫu không chắc chắn, nhưng trở thành khả dĩ. Ở đâu mà một sự khởi đầu của điều được hy vọng như thế không có, thì hy vọng đích thị là một sự điên điên khùng khùng.

Chẳng hạn người ngủ mơ mong trở thành một cái gì đó mà cái gì đó ấy lại không có mối tương quan nào với tình cảnh hiện tại của hắn, dù là tương quan ngoại tại hay nội tại, thì hắn đúng là điên rồ. Và hắn vẫn cứ còn là điên rồ, dầu thậm chí do một sự tình cờ lạ lùng nào đó mà hắn đạt được điều hắn mơ có được, tỉ như một thành công bất ngờ, giàu sang, có quyền hành, sắc đẹp, tình yêu. Chỉ có chuyện thần tiên mới như thế thôi ! Anh chàng ăn mày bỗng nhiên trở thành ông vua vẫn chỉ là một anh chàng ăn xin mặc cẩm bào, nhưng anh ta lại không mang dòng máu nhà vua. Những người mơ điều ấy mà không có thực tại hiện thời như thế thì không bao giờ đạt được, thậm chí khi họ cố gắng để đạt được, thường là bằng những phương thế chả lấy gì làm hay ho.

Nhưng có nhiều điều và nhiều biến cố trong đó chúng ta có thể thấy những lý do để có niềm hy vọng đích thực, nghĩa là sự hiện diện như thể là hạt giống của điều họ đang hy vọng đạt được. Nơi hạt giống của một cây, cành lá đã có đó rồi, và điều này mang lại cho chúng ta quyền gieo hạt giống với hy vọng là sẽ có được hoa được quả. Chúng ta không có gì bảo đảm là hạt giống đó sẽ phát triển. Nhưng hy vọng của chúng ta là hy vọng chân chính, đích thực. Có sự hiện diện, sự khởi đầu của điều chúng ta hy vọng rồi. Tương tự như thế đối với một em bé mà chúng ta hy vọng em sẽ đạt tới tầm vóc trưởng thành. Chúng ta hy vọng như thế vì sự trưởng thành đã bắt đầu rồi. Nhưng chúng ta không biết rõ nó sẽ tiến xa như thế nào. Chúng ta hy vọng công việc của chúng ta sẽ đạt tới chỗ thành toàn, thường thường là trái ngược với hy vọng, vì điều đó đang ở trong chúng ta rồi, như là một viễn cảnh và một sức mạnh hướng dẫn. Chúng ta hy vọng có một tình yêu bền vững lâu dài, vì chúng ta cảm thấy sức mạnh của tình yêu này đang hiện diện. Nhưng đó vẫn là hy vọng, vẫn không chắc chắn là sẽ đạt tới như thế.

Hy vọng thường hàm chứa thái độ đợi chờ. “Hãy ở yên trước Đức Chúa và kiên nhẫn đợi chờ Người”, tác giả Thánh vịnh (Tv 37) đã bảo như thế. Chờ đợi đòi sự kiên nhẫn và kiên nhẫn đòi sự ở yên bên trong bản thân chúng ta. Khía cạnh này của hy vọng là khía cạnh quan trọng nhất trong một niềm hy vọng mà chúng ta có bên trong bản thân chúng ta và trong sự trưởng thành và hoàn tất mà chúng ta là theo yếu tính và do đó phải là.

Có hai thứ chờ đợi, chờ đợi thụ động trong lười lĩnh và chờ đợi tiếp nhận trong sự mở rộng. Người chờ đợi trong sự lười lĩnh, thụ động, cản trở điều họ đang chờ đợi không cho nó tới. Còn người chờ đợi trong sự hướng tới lặng lẽ, lại mở ra cho điều anh ta có thể gặp thấy tới được, không những thế, lại còn hoạt động để cho điều ấy tới nữa. Sự chờ đợi trong thái độ mở rộng và hy vọng như thế thực hiện điều mà không có sức mạnh ý chí nào có thể thực hiện cho sự phát triển bên trong của chính chúng ta. Những con người tôn giáo vĩ đại đảm nhận sự biến đổi của chính mình càng nghiêm túc, bằng cách vận dụng ý chí của mình để hoàn thành sự biến đổi ấy, thì càng thất bại và bị ném vào trong sự không hy vọng về chính bản thân mình. Họ thắc mắc một cách tuyệt vọng và nhiều người trong chúng ta cũng thắc mắc cùng với họ nữa : Liệu chúng ta có thể hy vọng hoàn toàn là có được sự đổi mới bên trong như thế không ? Điều gì đem lại cho chúng ta quyền để hy vọng như thế sau tất cả những thất bại của chúng ta ? Lại cũng vẫn chỉ có một câu trả lời : Đợi chờ trong sự lặng lẽ bên trong, với sự hướng tới được gắn liền và sự mở rộng tới điều chúng ta chỉ có thể đón nhận mà thôi. Sự mở rộng như thế là hoạt động cao nhất. Đó là sức mạnh dẫn đường đưa chúng ta hướng tới sự tăng trưởng của một cái gì đó mới mẻ trong chúng ta. Và cuộc chiến đấu giữa hy vọng và tuyệt vọng trong sự đợi chờ của chúng ta là một triệu chứng cho thấy điều mới mẻ đã được vững chãi trong chúng ta.

III

Giờ chúng ta trở lại xem xét vắn tắt những niềm hy vọng đối với các quốc gia dân tộc, những phong trào và nhân loại trong lịch sử của nhân loại và chúng ta hãy hỏi xem : Điều gì cho chúng ta quyền hy vọng cho họ ? Một thí dụ vĩ đại là lịch sử củaIsraeltừ cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập cho tới ngày hôm nay. Có ít điều trong lịch sử thế giới ngày nay khiến chúng ta kinh ngạc hơn là việc bảo toàn niềm hy vọng choIsraelbởi chínhIsraelvà sự thành toàn liên tục vũng như sự hủy hoại đau thương của niềm hy vọng này. Không có niềm hy vọng nào của người điên rồ có thể đem lại sức mạnh ấy được. Nếu niềm hy vọng củaIsraelchỉ là suy nghĩ đáng ước mong, thì có lẽIsraelđã biến mất khỏi lịch sử giống như mọi quốc gia dân tộc lân bang của nó từ lâu rồi. Nhưng họ có một thực tại trong mỗi một giai đoạn, một kinh nghiệm trong quá khứ của họ, một sự dẫn dắt của Thiên Chúa giải cứu họ qua những hiểm nguy coi như đè bẹp nối kết họ với nhau thành một dân tộc qua quà tặng là Lề Luật do Thiên Chúa, Đấng không phải là Thiên Chúa cụ thể riêng biệt nào, mà là Thiên Chúa của công chính, sự công chính của Người bày tỏ chính mình khi Người xét xử dân tộc Người đã chọn và đe doạ từ bỏ họ, nếu như họ không giữ đức công chính ấy bên trong chính bản thân của họ.

Vì đó là điều đã là và đang còn là trong Israel, cũng như trong mỗi một quốc gia dân tộc, cho nên có nhiều niềm hy vọng điên rồ : kiêu căng quốc gia, ý chí quyền hành, không đếm xỉa gì đến các quốc gia dân tộc khác, thù ghét và sợ các dân tộc khác, dùng Thiên Chúa và các lời hứa của Người nhằm để cho vinh quang của riêng quốc gia dân tộc mình. Những hy vọng như thế, cũng có trong quốc gia dân tộc của riêng chúng ta, đều là những niềm hy vọng điên rồ. Những niềm hy vọng ấy không xuất phát từ những gì chúng ta thực sự là và vì thế không thể trở thành thực tại trong lịch sử được, nhưng đó là những ảo tưởng về sự thiện hảo của riêng chúng ta và là những hình ảnh méo mó về người khác. Ngoài những gì chúng ta thực sự là, niềm hy vọng vì đó chúng ta có thể trở thành phải lớn lên. Nếu khác đi, nó có thể bị thất bại và chết. Lịch sử thế giới là một nghĩa địa chôn những niềm hy vọng bị tan vỡ, những ảo tưởng không có được nền tảng trong thực tại.

Nhưng cũng có sự thành toàn của những niềm hy vọng có tính cách lịch sử, cho dù đó có thể là những thành toàn vụn vặt, chưa trọn vẹn. Hình thức dân chủ của đời sống trở thành thực tại là một sự thành toàn của những ý tưởng cổ về phẩm giá bình đẳng của con người trước mặt Thiên Chúa và trước lề luật. Và điều đó đã có thể trở thành thực tại, bởi vì đã có những nhóm xã hội trong đó ý tưởng này đã được thể hiện rồi, đến nỗi nó có thể lớn lên thành thực tại. Những nguyên tắc xã hội ngày nay có sức mạnh là sự thành toàn một phần nào của những giấc mơ của người nghèo : họ mong được chia sẻ những thiện ích của đời sống. Nhưng những giấc mơ có thể trở thành những niềm hy vọng chân chính chỉ khi nào một tầng lớp xã hội xuất hiện mà bản chất và vận mệnh của nó là một với khát vọng này và có thể làm cho cuộc chiến đấu để có được đi tới thành công. Niềm tin vào sự thống nhất nguyên thủy của tất cả các chủng tộc trong nhân loại trở thành một vấn đề của niềm hy vọng đích thực muốn qui tụ trong một khoảnh khắc khi các chủng tộc bị áp bức nổi lên với ý chí và sức mạnh bên trong để chiến đấu cho có sự qui tụ thực sự. Trong ba biến cố lớn này của lịch sử hiện đại, chúng ta đang sống trong đó, thì sự hiện diện của một sự khởi đầu đã trở thành sức mạnh hướng dẫn đi tới chỗ thành toàn.

Liệu có quyền hy vọng cho nhân loại xét như là một toàn thể ? Có một ý tưởng lôi kéo trí tưởng tượng của người phương Tây, nhưng đã mất hết sức mạnh của nó rồi bởi vì những nỗi kinh hoàng đã diễn ra trong thế kỷ của chúng ta : đó là ý tưởng về sự tiến bộ hướng tới sự thành toàn của các thời đại nối kết những niềm hy vọng của con người. Đây vẫn còn là sự tin tưởng một nửa ý thức một nửa không ý thức của nhiều người ngày nay. Thường thì chỉ có niềm hy vọng họ đang có, và sự đổ vỡ của niềm hy vọng đó là một cú sốc sâu xa đối với họ. Liệu sự tiến bộ là một niềm hy vọng được biện chính cho con người ? Xét về một số khía cạnh thì có thể, bởi vì con người đã nhận được quyền kiểm soát thiên nhiên hầu như vô tận và có sự tiến bộ hằng ngày trong khoa học và trong sản xuất đứng về phương diện kỹ thuật. Nhưng vấn đề là : Liệu sự tiến bộ này có biện chính cho niềm hy vọng đối với một cấp độ thành toàn không ? Chắc chắn là có : Tiến bộ là một niềm hy vọng được biện chính trong mọi khoảnh khắc, trong đó chúng ta hoạt động cho một trách nhiệm và hy vọng rằng có một cái gì đó tốt hơn và mới mẻ sẽ thay thế cho những điều cũ kỹ và xấu xa. Nhưng hễ khi một điều xấu xa bị chinh phục, thì lại có một điều khác xuất hiện, sử dụng điều mới là điều tốt để ủng hộ một điều xấu xa mới. Mục đích của nhân loại không phải là sự tiến bộ hướng tới một cấp độ chung cuộc của sự hoàn hảo, nhưng đó là sự sáng tạo cái là khả dĩ đối với con người trong mỗi một tình trạng riêng biệt cụ thể của lịch sử, và đó là cuộc đấu tranh chống lại những sức lực của sự xấu, những sự xấu cũ và những sự xấu mới vẫn nổi lên trong mỗi một giai đoạn theo một đường lối khác nhau. Sẽ có những chiến thắng và những thất bại trong những cuộc đấu tranh này. Sẽ có những tiến bộ và những bước thụt lùi. Nhưng mỗi một chiến thắng, mỗi một tiến bộ cụ thể riêng biệt đi từ chỗ bất công đến chỗ công bằng hơn, từ chỗ đau khổ đến tới hạnh phúc hơn, từ chỗ thù nghịch tới chỗ an bình hơn, từ chỗ phân cách đến chỗ thống nhất hơn ở bất cứ nơi đâu trong nhân loại, đều là một sự tỏ hiện của cái vĩnh cửu trong thời gian và không gian. Nói theo ngôn ngữ của người trong Cựu Ước và Tân Ước, đó là việc Vương Quốc của Thiên Chúa ngự đến. Bởi vì Vương Quốc của Thiên Chúa không đến trong một biến cố nào đó kịch tính trong tương lai. Nhưng đang đến ở đây và lúc này trong mỗi một hành vi yêu thương, trong mỗi một sự hiển lộ của chân lý, trong mỗi khoảnh khắc của niềm vui, trong mỗi kinh nghiệm về sự thiêng thánh. Niềm hy vọng Vương Quốc của Thiên Chúa không phải là sự mong đợi một cấp độ hoàn hảo ở kết cuộc của lịch sử, trong đó chỉ có một số ít, so với vô vàn thế hệ con người, có thể tham gia, và với hàng núi không thể đếm siết những nỗi khổ đau của mọi thế hệ đã qua không gì bù đắp được. Và đó thậm chí phải là những người sống trong đó, như những “con thú bị thương” cũng thuộc về những cuộc đấu tranh, những chiến thắng và những thất bại của quá khứ. Không ! Niềm hy vọng của nhân loại nằm ở trong cái ở đây và bây giờ mỗi một khi cái vĩnh cửu xuất hiện trong thời gian và lịch sử. Niềm hy vọng này được biện chính, vì luôn luôn có một sự hiện diện và một sự khởi đầu của điều đang được hy vọng một cách nghiêm túc.

IV

Và bây giờ chúng ta đặt câu hỏi về sự tham dự của riêng chúng ta vào trong cái vĩnh cửu. Chúng ta có quyền hy vọng điều ấy không ? Câu trả lời là : Chúng ta có quyền có một niềm hy vọng tối hậu như thế, thậm chí căn cứ vào cái kết cuộc của tất cả những niềm hy vọng khác, cho đi là đối diện với cái chết. Vì chúng ta kinh nghiệm sự hiện diện của điều vĩnh cửu trong chúng ta và trong thế giới của chúng ta ở đây và bây giờ. Chúng ta kinh nghiệm điều ấy trong những khoảnh khắc thinh lặng và trong những giờ sáng tạo. Chúng ta kinh nghiệm điều ấy trong những cuộc xung đột của lương tâm chúng ta và trong những giờ phút an bình với bản thân chúng ta, chúng ta kinh nghiệm điều ấy trong sự nghiêm túc vô điều kiện của mệnh lệnh luân lý và trong sự phấn chấn của tình yêu. Chúng ta kinh nghiệm điều ấy khi chúng ta khám phá một chân lý vững bền và cảm thấy nhu cầu phải có một hy sinh to lớn. Chúng ta kinh nghiệm điều ấy trong nét đẹp mà cuộc đời bộc lộ cũng như trong bóng tối quỷ ma của nó. Chúng ta kinh nghiệm điều ấy trong những khoảnh khắc chúng ta cảm nghiệm : đây là một nơi thánh, một điều thánh, một người thánh, một thời gian thánh, nó siêu vượt lên trên những kinh nghiệm bình thường, nó cho nhiều hơn, nó đòi nhiều hơn, nó nêu cho thấy mầu nhiệm tối hậu của cuộc hiện hữu chúng ta, của mọi cuộc hiện hữu. Nó chỉ cho tôi thấy rằng sự hữu hạn của tôi, sự nay còn mai mất của tôi, hiện hữu của tôi, bị giao phó cho dòng những sự vật, đấy mới chỉ là một phía của hiện hữu của tôi và rằng con người cả bên trong và bên trên là hữu hạn. Ở đâu điều này được cảm nghiệm, thì ở đấy có sự ý thức về cái vĩnh cửu, ở đó đã có rồi, tuy là một phần nào, sự tham dự vào trong cái vĩnh cửu. Đây là nền tảng của niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Đấy là sự biện chính cho niềm hy vọng tối hậu của chúng ta. Và nếu với tư cách là những Kitô hữu, chú mục vào Ngày thứ Sáu Tuần Thánh và Ngày Phục Sinh, chúng ta sẽ nhận thấy đó là một ví dụ mạnh mẽ nhất về một kinh nghiệm như thế.

Niềm hy vọng được tham dự vào sự vĩnh cửu là hy vọng sự tiếp nối đời sống hiện tại sau cái chết. Đó không phải là hy vọng về một thứ thời gian không có hồi kết thúc sau khoảng thời gian đã được ban tặng cho chúng ta. Thời gian không có hồi kết thúc không phải là vĩnh cửu. Không hiện hữu hữu hạn nào có thể hy vọng điều ấy một cách nghiêm túc được. Nhưng mỗi một hữu thể hữu hạn có thể hy vọng trở về với cái vĩnh cửu từ đó nó đã đến. Và niềm hy vọng này có được sự bảo đảm hơn, sâu hơn và thật hơn sự tham dự đang có hiện nay vào đời sống vĩnh cửu.

Và một chú nhận cuối cùng nữa : Tham dự vào cái vĩnh cửu không được trao tặng cho cá nhân riêng rẽ. Nó được trao tặng cho cá nhân trong sự hiệp nhất với toàn thể những người khác, với nhân loại, với mỗi một sinh linh, với mỗi một vật đã hiện hữu và đã bén rễ sâu vào mảnh đất hiện hữu của Thiên Chúa. Mọi sức mạnh của sự sáng tạo ở trong chúng ta và chúng ta ở trong chúng. Chúng ta không hy vọng cho chỉ mình chúng ta mà thôi hoặc chỉ cho những người chia sẻ niềm hy vọng với chúng ta mà thôi. Chúng ta cũng hy vọng cho những người đã có và không có niềm hy vọng, cho những người mà niềm hy vọng của họ đối với đời sống này vẫn còn chưa được thành toàn, cho những người thất vọng và dửng dưng, cho những người tuyệt vọng về đời sống và cho cả những người đã làm cho sự sống bị thương tích hoặc bị hủy hoại. Chắc hẳn, nếu như chúng ta ai chỉ hy vọng cho người nấy thôi, thì đó sẽ là một niềm hy vọng nghèo nàn và điên rồ. Vĩnh cửu là mảnh đất và là mục đích của mỗi cuộc hiện hữu bởi vì Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người. Amen.

Giuse Nguyễn Tất Trung

Trích dịch từ Paul Tillich, Theologian of the boundaries, Sermon, edited by Mark Kline Taylor, Fortress Press, Mineapolis, 1991, pp. 324-331.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn