1
18:07 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 156


Hôm nayHôm nay : 35161

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 378190

Tổng cộngTổng cộng : 27932474

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Thứ Hai Tuần Thánh: CHÚNG TA GIỐNG AI?

Thứ hai - 02/04/2012 00:23-Đã xem: 1201
Sách Phúc âm giống như một quyển album: Mỗi hoạt cảnh là một tấm hình chụp lại hình ảnh của Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh nào đó: Đức Giêsu tại Bêlem, Đức Giêsu tại Nadarét, Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu trên Thập giá v.v… Hôm nay, chúng ta thử nhìn ngắm tấm photo mà thánh Gioan đã chụp lại tại Bêtania sáu ngày trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Đây là một hoạt cảnh rất sống động, trong đó, ngoài Chúa Giêsu, chúng ta thấy được đủ hạng người: Gia đình của Martha, Giuđa người môn đệ phản bội, đám dân chúng và các thủ lãnh của dân.
Thứ Hai Tuần Thánh: CHÚNG TA GIỐNG AI?

Thứ Hai Tuần Thánh: CHÚNG TA GIỐNG AI?

THỨ HAI TUẦN THÁNH
 

CHÚNG TA GIỐNG AI?

 

(Ga 12,1-11)

 
 

Để suy gẫm Phúc âm và thấm nhuần một cách sâu xa tinh thần của Chúa Giêsu thì một trong những phương pháp dễ dàng nhất và hữu ích nhất là ngắm các nhân vật trong Phúc âm.

 
 

Lẽ dĩ nhiên trước hết là phải nhìn ngắm Chúa Kitô và sau đó các hạng người, các môn đệ, các thân hữu của Chúa, các địch thủ (như nhóm Biệt phái, nhóm các Tư tế), rồi đám dân chúng; chúng ta phải xem họ nói năng gì, phản ứng thế nào trước con người của Chúa, và như thế chúng ta có thể rút ra được những chỉ dẫn quý báu để chúng ta sống đức tin Kitô hữu hôm nay. Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, nếu chúng ta không suy gẫm Phúc âm, không nhìn ngắm hình ảnh của Chúa, thì có lẽ chúng ta chỉ mang cái danh Kitô hữu, mà thực tế chẳng biết chúng ta là môn đệ của ai.

 
 

Sách Phúc âm giống như một quyển album: Mỗi hoạt cảnh là một tấm hình chụp lại hình ảnh của Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh nào đó: Đức Giêsu tại Bêlem, Đức Giêsu tại Nadarét, Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu trên Thập giá v.v… Hôm nay, chúng ta thử nhìn ngắm tấm photo mà thánh Gioan đã chụp lại tại Bêtania sáu ngày trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn.

 
 

Đây là một hoạt cảnh rất sống động, trong đó, ngoài Chúa Giêsu, chúng ta thấy được đủ hạng người: Gia đình của Martha, Giuđa người môn đệ phản bội, đám dân chúng và các thủ lãnh của dân.

 
 

1. ĐỨC GIÊSU biết rằng cuộc đời của Người ở trần thế sắp kết thúc. Trong ít ngày nữa, Người sẽ phải chịu khổ nạn, chịu đánh đập và cuối cùng chịu đóng đinh trên Thập giá. Trong tâm hồn Người có cái gì nặng nề: Người sợ hãi, Người buồn bã. Rồi đây Người sẽ tâm sự rõ ràng với Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được…” (Mc 14,34). Đức Giêsu là một con người hoàn toàn như ta, chỉ khác là Người không có tội thôi; vì thế trước giờ chết sắp đến, Người cũng cảm thấy một nỗi sợ hãi và buồn sầu đè nặng trên tâm can. Chính vì thế Người đến trong gia đình các bạn hữu tại Bêtania, như để tìm kiếm một sự an ủi, một sự thông cảm nào đó.

 
 

Tại Bêtania đây, gia đình ba chị em của Martha đón tiếp Người nồng hậu. Họ dọn một bữa cơm chiều thân mật. Như thông lệ, Martha, người chị cả, làm chị nuôi: nấu nướng, dọn dẹp. Lazarô, người em trai út, trước kia đã chết, đã được chôn cất 4 ngày và đã được Chúa Giêsu cho sống lại, nay ngồi đồng bàn với Chúa và các môn đệ.

 
 

2. Còn MARIA đã làm cho mọi người ngạc nhiên bằng một cử chỉ độc đáo: Chị lấy một chai dầu thơm, nặng một cân, nghĩa là hơn 300g; đó là dầu cam tùng, thứ dầu hảo hạng; theo ước lượng của Giuđa thì nó giá trị 300đ quan: Tiền lương của một công nhân trong 10 tháng. Chị đã đổ tất cả chai dầu thơm trên chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc mà lau.

 
 

Phải nói rằng cử chỉ của Maria là một cử chỉ tuyệt vời diễn tả một cách trọn vẹn niềm tin, yêu và lòng khiêm nhường của chị đối với Chúa.

 
 

Trong tập thơ “Rổ trái cây”, Tagore, nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ, được giải thưởng Nobel 1913, có kể một câu chuyện như sau (nên nhớ đây chỉ là một bài thơ dưới dạng một câu chuyện):

 
 

Một hôm khi mùa đông đã tàn phai hết các hoa trái thì Xuđa, người làm vườn, thấy còn sót lại trong hồ một bông sen, bông sen cuối cùng của vườn hoa. Anh liền hái và định tâm mang tới cung điện nhà vua để bán.

 
 

Dọc đường có người khách hỏi mua:

 

- Bông sen này giá bao nhiêu? Tôi muốn mua để dâng cho Thượng đế.

 

- Bông sen này giá một đồng vàng!

 
 

Người khách sắp trả tiền, thì nhà vua, trên đường đi chầu lễ, tiến tới. Nhà vua liền nghĩ: Đây là bông sen nở trong mùa đông. Thật là tuyệt, nếu ta dâng cho Thượng đế.

 
 

Nhà vua hỏi giá. Người làm vườn nói là ông khách kia đã trả một đồng.

 
 

Nhà vua liền hứa trả 10 đồng.

 
 

Nhưng ông khách kia lại hứa 20 đồng.

 
 

Lúc ấy người làm vườn cúi đầu trả lời:

 
 

- Tôi không thể bán bông sen này.

 
 

Anh nghĩ thầm trong bụng: Chắc chắn Thượng đế có thể trả cho tôi một giá đắt hơn.

 
 

Chiều hôm ấy, người làm vườn lặng lẽ tiến vào nhà thờ, đặt bông sen dưới chân Thiên Chúa, rồi cúi đầu sát đất. Thiên Chúa mỉm cười, hỏi người làm vườn:

 
 

- Con muốn xin điều gì?

 
 

Và anh Xuđa thưa:

 
 

- Xin cho bông sen con được chạm đến chân Ngài.

 

(Trích dịch: Rổ trái cây, số 19)

 
 

Qua bài thơ này, Tagore muốn nói lên một nguyện vọng: Ông ao ước các tín hữu hãy thờ phượng Thượng đế với một tâm hồn quảng đại như người làm vườn kia: Đối với Xuđa, được chạm đến chân Thượng đế thì còn quý hơn là được 20 đồng vàng, cho nên anh đã dành bông sen duy nhất còn của mùa đông cho Thượng đế.

 
 

Cử chỉ cao thượng mà Tagore ao ước được nhận thấy nơi các tín hữu, thì đã được thể hiện nơi Maria: Chị đã không tiếc một bình dầu thơm đáng giá 300 đồng vàng để rưới lên đôi bàn chân của Chúa Giêsu.

 
 

Chị đã làm như vậy vì tin rằng Đức Giêsu là Con của Thượng đế, là Đấng thánh, là Đấng vô cùng cao trọng.

 
 

Chị làm cử chỉ ấy với lòng khiêm nhường: Chị đổ dầu trên chân Chúa thôi, như một đứa nô lệ rửa chân cho chủ mình.

 
 

Sau hết đó là một cử chỉ đầy tình yêu mến: Chị rửa chân Chúa không phải là với nước lã, nhưng là với dầu thơm hảo hạng; rồi chị lau, không phải với chiếc khăn bằng vải, nhưng là với bộ tóc của chị. Vì thế cử chỉ của Maria tuyệt diệu hơn là cử chỉ của người làm vườn kia.

 
 

3. Đối diện với GIUĐA, một nhân vật đáng chú ý khác trong tấm photo, một trong 12 môn đệ của Đức Giêsu. Nhưng tâm hồn của người môn đệ này thật xấu xí:

 
 

Giuđa là con người keo kiệt tham lam. Tiền bạc làm cho anh ta mù mắt. Trong lúc Maria sẵn sàng đổ lọ dầu thơm đáng giá 300 đồng trên chân Chúa, thì Giuđa, chỉ vì tham 30 đồng mà sẽ phản bội và nộp Chúa.

 
 

Tệ hơn nữa, Giuđa là con người giả hình. Hắn che đậy lòng tham lam ấy với tấm màn đạo đức: Lòng thương người nghèo.

 
 

Chúa rất ghét nết xấu này. Nhưng trước mặt các khách dự tiệc, Đức Giêsu không muốn làm nhục Giuđa bằng cách nói thẳng ra cho hắn biết. Nhưng thực ra các môn đệ khác đều biết.

 
 

4. Rồi tới các TƯ TẾ, các THỦ LÃNH của dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ đã thấy một dấu lạ tỏ tường: Lazarô đã chết và nay đã được Đức Giêsu đã cho sống lại đó. Không có dấu lạ nào rõ ràng hơn!

 
 

Nhưng họ không muốn tin, vì tự ái, vì kiêu ngạo: Họ sợ mất uy tín, mất địa vị trong xã hội. Tệ hơn nữa, họ còn muốn giết cả Lazarô và sợ rằng dân chúng, vì ông, mà bỏ họ và tin theo Đức Giêsu.

 
 

5. Cuối cùng đám DÂN CHÚNG: Trước kia đám dân này đã tin Chúa chỉ vì được Chúa làm phép lạ cho họ ăn no nê; nay họ chạy đến, không phải chỉ Chúa Giêsu mà thôi, mà còn là để được nhìn thấy phép lạ: Nhìn Lazarô đã chết nay sống lại. Đức tin của đám dân chúng chỉ dựa trên vật chất và óc tò mò, thị hiếu thôi, chứ chẳng có gì sâu sắc.

 
 

Các nhân vật trong bài Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta những câu hỏi cụ thể. Đức Giêsu hôm qua, thì hôm nay vẫn còn đó. Ngày xưa Người sống ở Palestina, hôm nay cùng một Chúa Giêsu ấy đang hiện diện với chúng ta, đặc biệt trong phép Thánh Thể.

 
 

Trước hết gương của Maria đặt cho ta một câu hỏi: Chúng ta có dành cho Chúa Giêsu một tình yêu quảng đại, nồng nàn như chị không? Quảng đại nghĩa là biết hy sinh của cải, thì giờ và sức lực chúng ta cho Chúa. Nồng nàn nghĩa là đầy tâm tình khiêm nhường, tin kính, yêu mến.

 
 

Chúng ta cũng có thể như Giuđa, một trong 12 môn đệ của Chúa. Vì tham lam tiền bạc, của cải, chúng ta có thể chối bỏ và phản bội Chúa, mặc dầu đã được làm môn đệ của Chúa.

 
 

Chúng ta cũng có thể cứng lòng như các thầy Tư tế: Trong cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều dấu chỉ để mời gọi chúng ta suy nghĩ, hồi tâm và hoán cải. Chúng ta có biết đón nhận các dấu chỉ ấy không?

 
 

Sau hết chúng ta có thể như đám dân chúng ngày xưa: Chúng ta tin theo Chúa chỉ vì một lợi lộc vật chất, hay chỉ vì một câu chuyện lạ nào đó. Đức tin chúng ta chưa sâu sắc, vì chúng ta chưa chịu khó học hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện.

 
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đến đó tìm kiếm một lời đáp trả chân thành quảng đại của chúng ta. Nếu chúng ta biết đón tiếp Chúa như gia đình của chị Martha, đặc biệt là chị Maria, Người sẽ không để chúng ta thiệt thòi đâu: Người sẽ ban cho ta một phần thưởng quý giá hơn là tiền bạc, sức khỏe hay là sự an ổn ở đời này: Đó là tình yêu của Thiên Chúa, đó là sự sống đời đời.


Lm. Norberto
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: đức giêsu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn